Trang /
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 2:2015 Quy phạm thực hành tốt về tiêu chuẩn hóa
- Thuộc tính
- Nội dung
- Tiêu chuẩn liên quan
- Lược đồ
- Tải về
Lưu
Theo dõi văn bản
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Báo lỗi
Đang tải dữ liệu...
Đang tải dữ liệu...
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2:2015
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 2:2015 Quy phạm thực hành tốt về tiêu chuẩn hóa
Số hiệu: | TCVN 2:2015 | Loại văn bản: | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Cơ quan ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ | Lĩnh vực: | Thương mại-Quảng cáo |
Năm ban hành: | 2015 | Hiệu lực: | |
Người ký: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 2:2015
QUY PHẠM THỰC HÀNH TỐT VỀ TIÊU CHUẨN HÓA
Code of good practice for standardization
Lời nói đầu
TCVN 2:2015 tham khảo ISO/IEC Guide 59:1994;
TCVN 2:2015 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 01 Vấn đề chung về tiêu chuẩn hóa biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ giao dịch và thương mại trong từng quốc gia và giữa các quốc gia trên thế giới. Các tiêu chuẩn do nhiều cơ quan ở nhiều cấp: dưới quốc gia, quốc gia, khu vực và quốc tế xây dựng; phần lớn các cơ quan này xây dựng các tiêu chuẩn theo một quá trình đồng thuận. Cùng với sự phát triển của thương mại quốc tế và hợp tác về công nghệ, các cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa đã xây dựng các quy trình và phương thức hợp tác để tạo lập các thực hành tốt về xây dựng tiêu chuẩn ở tất cả các cấp. Các thực hành này được thể hiện dưới dạng quy phạm, có thể áp dụng cho các cơ quan chính phủ và phi chính phủ.
Ở cấp quốc tế, quá trình tiêu chuẩn hóa chủ yếu được điều phối bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Các cơ quan này là tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu có nền tảng hoạt động ở cấp quốc gia và mở rộng ra các hoạt động khu vực khi cần. Hệ thống tiêu chuẩn hóa toàn cầu, gồm tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, liên kết với nhau thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa ISO, IEC và ITU ở cấp quốc tế; giữa các tổ chức tiêu chuẩn hóa khu vực như Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu (CEN), Ủy ban Tiêu chuẩn kỹ thuật điện Châu Âu (CENELEC) và Viện Tiêu chuẩn Viễn thông Châu Âu (ETSI) và nền tảng là giữa các quốc gia thành viên của ba tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu trên.
Trong hệ thống tiêu chuẩn hóa toàn cầu, các quốc gia thành viên của ba tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo tính nhất quán và sự phối hợp. Vì lý do này nên có sự phân biệt trong định nghĩa và Điều 5, Điều 6 của tiêu chuẩn này, giữa cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa (có thể có rất nhiều cơ quan như vậy trong một quốc gia) và cơ quan tiêu chuẩn quốc gia là thành viên quốc gia của một hoặc nhiều tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu và các tổ chức khu vực tương ứng có liên quan.
Tiêu chuẩn này đảm bảo tính công khai và minh bạch, đồng thời đảm bảo mức độ trật tự tối ưu, sự nhất quán và hiệu quả của các quá trình tiêu chuẩn hóa.
QUY PHẠM THỰC HÀNH TỐT VỀ TIÊU CHUẨN HÓA
Code of good practice for standardization
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa, tổ chức xây dựng tiêu chuẩn theo các quy trình dựa trên nguyên tắc đồng thuận.
2 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa trong TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2), Tiêu chuẩn hóa và các hoạt động có liên quan - Thuật ngữ chung và định nghĩa.
CHÚ THÍCH: Các thuật ngữ liên quan đề cập trong Phụ lục 1 của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại được giải thích trong Phụ lục A của tiêu chuẩn này.
3 Quy trình xây dựng tiêu chuẩn
3.1 Các quy trình bằng văn bản dựa trên nguyên tắc đồng thuận cần quy định các phương pháp xây dựng tiêu chuẩn. Các quy trình của cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa cần sẵn có để cung cấp cho các bên liên quan, theo cách thức hợp lý và kịp thời khi có yêu cầu.
3.2 Quy trình bằng văn bản cần có nội dung về cơ chế khiếu nại rõ ràng, thực tế và sẵn có để xử lý khiếu nại kịp thời.
3.3 Hoạt động tiêu chuẩn hóa phải được thông báo bằng phương tiện phù hợp để tạo cơ hội cho các cá nhân hoặc tổ chức quan tâm có những đóng góp có ý nghĩa. Điều này đòi hỏi thông báo kịp thời và đầy đủ bằng phương tiện thích hợp về các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn mới, cũng như báo cáo về hiện trạng khi thích hợp.
3.4 Khi có yêu cầu của bên quan tâm bất kỳ, cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa phải nhanh chóng cung cấp bản dự thảo tiêu chuẩn được đưa ra lấy ý kiến góp ý. Các bên quan tâm, bất kể ở đâu, phải được tạo cơ hội hợp lý để xem xét và góp ý về dự thảo tiêu chuẩn. Nếu cần thiết, tất cả các quan điểm, ý kiến góp ý nhận được phải được xem xét và trả lời nhanh chóng, bao gồm cả, ví dụ, giải thích vì sao cần có sự khác biệt so với tiêu chuẩn quốc tế liên quan,...
3.5 Việc chính thức thông qua các tiêu chuẩn cần dựa trên bằng chứng về sự đồng thuận.
3.6 Tất cả các tiêu chuẩn cần được rà soát định kỳ và khi cần thiết. Các đề nghị xây dựng mới hoặc soát xét tiêu chuẩn, khi được cá nhân hoặc tổ chức liên quan, bất kể ở đâu, đệ trình theo các thủ tục phù hợp đều cần được xem xét kịp thời và hợp lý.
3.7 Tất cả các tiêu chuẩn đã công bố phải sớm được xuất bản để phát hành. Phải có sẵn các bản tiêu chuẩn trong thời hạn và điều kiện hợp lý để cung cấp cho người có nhu cầu sử dụng, bất kể ở đâu.
3.8 Hồ sơ tiêu chuẩn phải được lập và lưu giữ.
4 Sự thúc đẩy thương mại quốc tế
4.1 Các tiêu chuẩn cần được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của thị trường và góp phần thúc đẩy tự do thương mại trong phạm vi địa lý và kinh tế rộng nhất có thể. Không được xây dựng tiêu chuẩn gây cản trở hoặc kìm hãm thương mại.
4.2 Không biên soạn các tiêu chuẩn để làm phương tiện ấn định giá, loại trừ sự cạnh tranh hoặc cản trở thương mại hơn mức cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật hoặc yêu cầu pháp lý khác của ngành, địa phương về tính tương thích, bảo vệ môi trường, sức khỏe và an toàn.
4.3 Trong trường hợp đã có các tiêu chuẩn quốc tế hoặc các tiêu chuẩn đó đang trong giai đoạn hoàn tất thì phải sử dụng chúng hoặc các phần liên quan để làm cơ sở cho tiêu chuẩn tương ứng của quốc gia, trừ trường hợp tiêu chuẩn quốc tế hoặc các phần liên quan đó không có hiệu lực hoặc không phù hợp, ví dụ do không đủ mức bảo hộ hoặc các yếu tố cơ bản về khí hậu hoặc địa lý hoặc các vấn đề về công nghệ cơ bản.
4.4 Không xây dựng tiêu chuẩn có thể được sử dụng để lừa dối người tiêu dùng và người sử dụng sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ được đề cập trong tiêu chuẩn.
4.5 Không biên soạn hoặc chấp nhận tiêu chuẩn có sự phân biệt đối xử về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
4.6 Khi có thể, để tối đa hóa sự tự do phát triển kỹ thuật, các yêu cầu của tiêu chuẩn phải được thể hiện dưới dạng tính năng sử dụng thay vì các đặc tính thiết kế hoặc mô tả sản phẩm.
4.7 Các yêu cầu quản lý liên quan đến đánh giá sự phù hợp và dấu phù hợp hoặc các vấn đề khác không phải kỹ thuật cần được trình bày tách biệt với các yêu cầu kỹ thuật và/hoặc tính năng.
4.8 Không nên xây dựng các tiêu chuẩn có sử dụng hạng mục/sản phẩm được cấp bằng sáng chế trừ khi việc sử dụng hạng mục/sản phẩm như vậy là chính đáng vì lý do kỹ thuật và người có bản quyền đồng ý đàm phán cấp phép cho bên quan tâm, bất kể ở đâu, với những điều khoản và điều kiện hợp lý.
5 Tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn
5.1 Các cá nhân và tổ chức quan tâm cụ thể và trực tiếp phải có khả năng tham gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa ở tất cả các cấp theo một quá trình nhất quán được mô tả trong điều này.
5.2 Theo quan điểm hài hòa các tiêu chuẩn ở mức độ cao nhất có thể, cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa phải ưu tiên tham gia đầy đủ trong phạm vi giới hạn nguồn lực của mình vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, do các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế có liên quan biên soạn, liên quan đến đối tượng tiêu chuẩn đã được xây dựng hoặc chấp nhận hoặc dự kiến sẽ xây dựng hoặc chấp nhận.
5.3 Ở cấp quốc tế, sự tham gia của quốc gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa được tổ chức dưới sự bảo trợ của cơ quan tiêu chuẩn quốc gia tương ứng, là thành viên của tổ chức tiêu chuẩn quốc tế liên quan. Thành viên cấp quốc gia phải đảm bảo sự tham gia của mình phản ánh sự cân bằng các mối quan tâm của quốc gia đối với vấn đề mà hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế có liên quan.
5.4 Ở cấp khu vực, sự tham gia vào quá trình tiêu chuẩn hóa đồng thuận, được tổ chức để phù hợp với nhu cầu cụ thể về công nghệ và của khu vực, cần luôn phản ánh sự cân bằng các mối quan tâm của quốc gia và khu vực trong công tác tiêu chuẩn hóa khu vực. Cơ hội cho những đóng góp hiệu quả và có ý nghĩa của các quốc gia không nằm trong khu vực được tổ chức dưới sự bảo trợ của cơ quan tiêu chuẩn quốc gia của quốc gia đó và cần được thực hiện phối hợp với tổ chức tiêu chuẩn quốc tế mà các quốc gia cùng là thành viên.
5.5 Ở cấp quốc gia, cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa và cơ quan tiêu chuẩn quốc gia cần tổ chức việc tham gia theo quy trình tạo lập sự đồng thuận tương ứng. Quy trình này cần có đại diện cân bằng của các nhóm quan tâm như người sản xuất, người mua, người tiêu dùng... Cơ hội cho những đóng góp hiệu quả và có ý nghĩa của các quốc gia không ở trong khu vực được tổ chức dưới sự bảo trợ của cơ quan tiêu chuẩn quốc gia của quốc gia đó và cần được thực hiện phối hợp với tổ chức tiêu chuẩn quốc tế và khu vực mà các quốc gia cùng là thành viên.
6 Phối hợp và thông tin
6.1 Để các tiêu chuẩn thống nhất với nhau và không mâu thuẫn đối với cộng đồng người sử dụng lớn nhất có thể, hoạt động tiêu chuẩn hóa cần được phối hợp tích cực, tự nguyện, trong và giữa các cấp quốc tế, khu vực cũng như trong từng quốc gia.
6.2 Trách nhiệm phối hợp ở cấp quốc tế là của từng tổ chức tiêu chuẩn quốc tế.
6.3 Trách nhiệm phối hợp ở cấp khu vực là của từng tổ chức tiêu chuẩn khu vực.
6.4 Trách nhiệm phối hợp ở cấp quốc gia là của cơ quan tiêu chuẩn quốc gia.
6.5 Trách nhiệm phối hợp giữa các hoạt động tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế là của các cơ quan liên quan. Đặc biệt, cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa khu vực phải cố gắng để tránh trùng lặp hoặc chồng chéo với công việc của các cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế liên quan.
6.6 Sự phối hợp hoạt động tiêu chuẩn hóa giữa các tổ chức tiêu chuẩn khu vực và các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia ngoài khu vực này cần được tổ chức với trách nhiệm của các cơ quan này trong việc tham vấn tổ chức tiêu chuẩn quốc tế mà các quốc gia cùng là thành viên.
6.7 Tất cả thông tin đề cập trong Điều 3 cần truy cập được qua mạng ISONET. Tổ chức thành viên ISO ở các quốc gia, hoặc cơ quan hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế hoặc khu vực, cần xác định cơ quan thích hợp làm đầu mối và hỏi đáp liên quan đến tiêu chuẩn.
Phụ lục A
(tham khảo)
Thuật ngữ và định nghĩa liên quan đến Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại
Các thuật ngữ trong TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2), Tiêu chuẩn hóa và các hoạt động có liên quan - Thuật ngữ chung và định nghĩa, khi được sử dụng trong Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, có nghĩa giống như được định nghĩa trong TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2) với lĩnh vực dịch vụ được loại khỏi phạm vi của Hiệp định.
Tuy nhiên, phải áp dụng các định nghĩa dưới đây cho mục đích của Hiệp định.
1 Quy chuẩn kỹ thuật (Technical regulation)
Tài liệu quy định các đặc tính của sản phẩm hoặc quá trình và phương pháp sản xuất có liên quan đến sản phẩm, bao gồm cả các điều khoản quản lý hành chính thích hợp, mà việc tuân thủ chúng là bắt buộc. Quy chuẩn kỹ thuật cũng có thể bao gồm hoặc đề cập riêng đến thuật ngữ, ký hiệu, yêu cầu về bao gói, ghi nhãn hoặc gắn dấu khi áp dụng cho sản phẩm, quá trình hoặc phương pháp sản xuất.
CHÚ THÍCH: Định nghĩa trong TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2) không độc lập mà dựa trên hệ thống gọi là “cấu trúc khối”.
2 Tiêu chuẩn (Standard)
Tài liệu do một cơ quan được thừa nhận phê duyệt nhằm cung cấp những nguyên tắc, hướng dẫn hoặc đặc tính đối với sản phẩm hoặc quá trình và phương pháp sản xuất liên quan, để sử dụng chung và lặp đi lặp lại, mà việc tuân thủ chúng là không bắt buộc. Tiêu chuẩn có thể bao gồm hoặc đề cập riêng đến thuật ngữ, ký hiệu, yêu cầu về bao gói, ghi nhãn hoặc gắn dấu khi áp dụng cho sản phẩm, quá trình hoặc phương pháp sản xuất.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ được định nghĩa trong TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2) bao gồm cả sản phẩm, quá trình và dịch vụ. Hiệp định này chỉ đề cập đến quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp liên quan đến sản phẩm hoặc quá trình và phương pháp sản xuất liên quan.
Tiêu chuẩn như được định nghĩa trong TCVN 6450 (ISO/IEC Guide 2) có thể là bắt buộc hoặc tự nguyện áp dụng. Với mục đích của Hiệp định này, tiêu chuẩn được xác định là tài liệu tự nguyện áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật là tài liệu bắt buộc áp dụng. Các tiêu chuẩn do cộng đồng tiêu chuẩn hóa quốc tế xây dựng dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Hiệp định này cũng bao trùm cả các tài liệu không dựa trên nguyên tắc đồng thuận.
3 Quy trình đánh giá sự phù hợp (Conformity-assessment procedures)
Bất cứ quy trình nào được sử dụng, trực tiếp hay gián tiếp, để xác định việc các yêu cầu liên quan trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn có được đáp ứng hay không.
CHÚ THÍCH: Quy trình đánh giá sự phù hợp bao gồm, ngoài các điều khác, quy trình lấy mẫu, thử nghiệm và giám định; đánh giá, kiểm tra xác nhận và đảm bảo sự phù hợp; đăng ký, công nhận và chấp nhận, cũng như kết hợp các quy trình này.
4 Tổ chức hoặc hệ thống quốc tế (International body or system)
Tổ chức hoặc hệ thống mà thành viên tham gia có thể là các tổ chức liên quan của ít nhất là tất cả các bên tham gia Hiệp định này.
5 Tổ chức hoặc hệ thống khu vực (Regional body or system)
Tổ chức hoặc hệ thống mà thành viên tham gia có thể là các cơ quan liên quan của chỉ một số bên.
6 Cơ quan chính quyền trung ương (Central government body)
Chính quyền trung ương, các bộ và các cục hoặc bất kỳ cơ quan nào chịu sự kiểm soát của chính quyền trung ương về hoạt động được đề cập.
7 Cơ quan chính quyền địa phương (Local government body)
Chính quyền không phải chính quyền trung ương (ví dụ: tỉnh, thành phố...), các bộ hoặc cục, sở hoặc bất kỳ cơ quan nào chịu sự kiểm soát của chính quyền đó về hoạt động được đề cập.
8 Tổ chức phi chính phủ (Non-government body)
Tổ chức không phải cơ quan chính quyền trung ương hoặc cơ quan chính quyền địa phương, bao gồm tổ chức phi chính phủ có thẩm quyền thực thi quy chuẩn kỹ thuật.
Click Tải về để xem toàn văn Tiêu chuẩn Việt Nam nói trên.