BỘ TÀI CHÍNH ------- Số: 9504/BTC-TCHQ V/v: Giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2014 |
Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại công văn số 4094/VPCP-ĐMDN ngày 05/6/2014 của Văn phòng chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính xin trả lời các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực Hải quan như sau:
1. Kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cho hoàn thuế bảo vệ môi trường cho các tờ khai nhập khẩu sau ngày 14/11/2012 do độ trễ của mạng Hải quan chưa gỡ bỏ thuế bảo vệ môi trường khi Nghị định 69/2012/NĐ-CP có hiệu lực.
Trả lời:
Bộ Tài chính đã có công văn số 5427/BTC-CST ngày 25/4/2014 hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường (đính kèm).
2. Kiến nghị về cải tiến quy trình, thủ tục nghiệp vụ trong thủ tục hải quan điện tử: bỏ công đoạn xác nhận, đóng dấu tờ khai giấy.
Trả lời:
- Trong quá trình cải cách, hiện đại hóa, cơ quan hải quan đã cố gắng nghiên cứu các biện pháp đơn giản hóa, thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp tuân thủ tốt (ví dụ như chương trình doanh nghiệp ưu tiên đang tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp đủ điều kiện...).
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, ngoài việc tuân thủ các quy định trong ngành hải quan, theo yêu cầu quản lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành khác (cơ quan quản lý thị trường) thì khi vận chuyển hàng hóa nhập khẩu trên đường phải xuất trình tờ khai hải quan có xác nhận của cơ quan Hải quan hoặc theo yêu cầu về hồ sơ hoàn thuế cho các doanh nghiệp cũng yêu cầu tờ khai giấy có xác nhận của cơ quan hải quan. Vì vậy, cơ quan Hải quan bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định hiện hành chính là để bảo đảm thuận lợi cho các doanh nghiệp khi làm việc với các cơ quan ban ngành khác yêu cầu tờ khai in và xác nhận của cơ quan hải quan.
Đối với những tờ khai luồng vàng và luồng đỏ, cơ quan Hải quan sẽ in và xác nhận trên tờ khai giấy tại nơi đăng ký tờ khai.
Đối với tờ khai luồng xanh, doanh nghiệp sẽ tự in và xuất trình tại khu vực giám sát. Cơ quan Hải quan kiểm tra để xác nhận phục vụ cho mục đích đi đường và hoàn thuế tại cơ quan thuế nội địa.
Về mẫu tờ khai in sẽ được thiết kế để đảm bảo những thông tin cần thiết cho việc hoàn thuế và đi đường. Theo đó, đối với thông tin hàng hóa sẽ cho phép in nhiều dòng hàng trên một trang giấy.
- Khi doanh nghiệp khai báo hải quan, tùy từng trường hợp và mức độ chấp hành của các doanh nghiệp (hoặc theo đánh giá rủi ro trên hệ thống của cơ quan hải quan), hệ thống hải quan điện tử sẽ tự động phân luồng xanh, vàng, đỏ. Trường hợp luồng xanh doanh nghiệp sẽ không cần xuất trình hồ sơ giấy;
Bộ Tài chính xin tiếp thu ý kiến về việc cần có hướng dẫn cụ thể hơn và ví dụ minh họa cần thiết khi đưa ra các yêu cầu, quy định để doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng;
3. Kiến nghị: Việc áp dụng thông quan điện tử với Ecus 5 làm cho các doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí, chưa khuyến khích được xuất khẩu.
Trả lời:
Hiện nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Hải quan đã triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử tập trung trên hệ thống VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản viện trợ. Đây là hệ thống Hải quan điện tử tiên tiến, được áp dụng tại hải quan Nhật từ lâu, đảm bảo tính tự động hóa và thời gian thông quan nhanh chóng;
Tuy nhiên, đây là hệ thống thông quan tự động đang áp dụng tại Nhật bản (chủ yếu là các doanh nghiệp tuân thủ tốt), khi triển khai tại Việt Nam trên nền tảng pháp lý của Việt Nam, không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc cụ thể:
Hệ thống nguyên bản của Nhật Bản có khoảng trên 600 chức năng để quản lý hoạt động của hải quan và các đơn vị có liên quan nhưng khi chuyển giao cho Việt Nam thì chỉ chuyển giao hơn 120 chức năng (trên 100 chức năng dành cho cả hải quan và doanh nghiệp trên Hệ thống VNACCS và trên 20 chức năng dành riêng cho hải quan trên Hệ thống VCIS). Trong các chức năng được phép sử dụng, trong quá trình vận hành thực tế đã phát sinh một số bất cập không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, với những chức năng còn thiếu Hải quan Việt Nam phải xây dựng các chương trình vệ tinh bổ trợ (ví dụ vẫn phải giữ Ecus 5 cho những chức năng còn thiếu…). Điều này làm giảm hiệu quả của Hệ thống thông quan điện tử hiện tại;
Mặt khác, theo nội dung đã ký kết giữa 2 bên về Hệ thống VNACCS/VCIS, các nội dung do phía Nhật Bản thiết kế, phía Việt Nam không được phép hiệu chỉnh. Vì vậy, ngành Hải quan đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các bất cập của Hệ thống.
Dự kiến ngành Hải quan sẽ có 2 phương án xử lý vấn đề này như sau:
Phương án 1: Tiếp tục đàm phán, ký kết với Hải quan Nhật Bản về việc phát triển Hệ thống VNACCS/VCIS để hiệu chỉnh lỗi và đưa thêm những chức năng cần thiết vào Hệ thống, đảm bảo có 1 Hệ thống hoàn chỉnh, toàn diện thay thế dần các Hệ thống vệ tinh hiện tại để thực hiện thủ tục hải quan (Dự án VNACCS/VCIS giai đoạn 2);
Phương án 2: Đầu tư, phát triển các Hệ thống vệ tinh của Hệ thống VNACCS/VCIS đủ mạnh để bù đắp các chức năng còn thiếu và điều chỉnh những bất cập của Hệ thống VNACCS/VCIS khi cần thiết. Phương án này chỉ thực hiện trong nội bộ ngành Hải quan.
4. Kiến nghị: Sự thiếu đồng bộ trong thông tin của Ngành về quá trình hoàn thiện lệ phí tờ khai, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đóng lệ phí đầy đủ nhưng thông tin không hiện lên trên Hệ thống nên doanh nghiệp vẫn bị coi là nợ thuế, dẫn đến các hệ lụy tiếp theo là không được hoàn thuế.
Trả lời:
Hiện tại, hệ thống kế toán tập trung đã có chức năng cập nhật giấy nộp tiền lệ phí cho tờ khai hải quan, bao gồm 02 chức năng sau:
- Nhập giấy nộp tiền lệ phí cho 01 tờ khai;
- Nhập giấy nộp tiền lệ phí cho nhiều tờ khai;
Cán bộ hải quan tại các Chi cục căn cứ vào biên lai hoặc giấy nộp tiền của doanh nghiệp để lựa chọn chức năng cập nhật tương ứng trên chương trình để thực hiện cập nhật.
5. Về các kiến nghị liên quan đến triển khai hệ thống VNACCS/VCIS:
5.1. Áp dụng VNACCS/VCIS làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp: với mỗi tờ khai, doanh nghiệp chỉ khai được cho 50 chủng loại hàng hóa thay vì như trước kia có thể áp dụng số lượng nhiều hơn.
Trả lời:
Vấn đề này, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý tại điểm 3 công văn số 5665/BTC-TCHQ ngày 29/4/2014 như sau: Hệ thống VNACCS chỉ hỗ trợ cho phép khai tối đa 50 dòng hàng trên một tờ khai. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi sử dụng hệ thống VNACCS để khai báo hải quan cũng như công tác lưu trữ hồ sơ đối với lô hàng có trên 50 dòng hàng, Bộ Tài chính hướng dẫn:
- Chỉ thu lệ phí cho tờ khai đầu tiên của lô hàng để giảm thiểu chi phí phát sinh của doanh nghiệp khi áp dụng quy định mới.
- Người khai hải quan chỉ phải xuất trình, lưu 01 bộ hồ sơ hải quan của các tờ khai cùng 01 lô hàng.
5.2. Về nội dung khai sửa đổi bổ sung trong thông quan: số lần sửa khi khai trên mạng lên đến 9 lần nhưng khi đã hoàn thành việc khai hải quan, doanh nghiệp vẫn chưa được đảm bảo hàng hóa sẽ được thông quan mà không vấn đề gì.
Trả lời:
Hệ thống VNACCS cho phép người khai hải quan khai sửa đổi bổ sung trong thông quan tối đa là 9 lần cho 01 tờ khai. Trường hợp đã khai sửa đổi bổ sung 9 lần trước khi thông quan mà các chỉ tiêu khai báo vẫn chưa chính xác thì người khai hải quan đề nghị hủy tờ khai đó trên hệ thống VNACCS để chuyển sang khai thủ công.
5.3. Về nội dung trường khai mã hàng hóa quá ngắn dẫn đến hiện tượng khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp mã, nếu khai không đúng thì bị phạt
Trả lời:
Theo hướng dẫn khai báo trường chỉ tiêu thông tin "Mã số hàng hóa" thì người khai hải quan thực hiện khai đầy đủ mã số hàng hóa quy định tại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành (mã 8 kí tự), trong khi đó trường chỉ tiêu thông tin "Mã số hàng hóa" theo thiết kế của hệ thống NACCS có thể khai được tối đa là 12 kí tự, như vậy, trường chỉ tiêu "Mã số hàng hóa" đáp ứng đầy đủ cho việc khai báo theo đúng quy định.
6. Kiến nghị: Việc thanh, kiểm tra sau thông quan không quá 6 tháng kể từ khi thông quan vì sau đó doanh nghiệp đã tiêu thụ hết hàng hóa.
Trả lời:
Hoạt động KTSTQ là kết quả của việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan theo định hướng thực hiện hải quan điện tử, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo thông thoáng trong thủ tục thông quan, thông quan giải phóng hàng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Mục đích của hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là nhằm đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Các thủ tục KTSTQ, hồ sơ, chứng từ cần thiết cho quá trình KTSTQ là chứng cứ chứng minh, kết luận kiểm tra, nhằm đảm bảo đánh giá đúng về sự tuân thủ pháp luật Hải quan của doanh nghiệp trong phạm vi, nội dung kiểm tra (tuân thủ tốt hoặc tuân thủ chưa tốt, có vi phạm, sai phạm, gian lận,...). Do đó, cơ quan Hải quan tiến hành thu thập, xác minh, củng cố hồ sơ chứng từ cho phù hợp, chặt chẽ, theo quy định của pháp luật, mức độ thực hiện tùy theo tính chất, đặc điểm từng vụ việc và hồ sơ, chứng từ KTSTQ chỉ liên quan đến vụ việc đang kiểm tra.
Do đó, ngoài việc kiểm tra trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hàng hóa được thông quan đến ngày thông báo kiểm tra thì việc kiểm tra sau thông quan sẽ được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan là phù hợp theo quy định tại Điểm 3, 4 Điều 32 Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung năm 2005 và Điều 140, Chương I, Phần VI Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định nội dung về KTSTQ.
7. Kiến nghị: Tồn tại sự thiếu đồng bộ trong ban hành văn bản pháp luật thực hiện chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đối tượng và thời hạn áp dụng đối với hàng trong kho ngoại quan so với hệ thống pháp luật hiện hành.
Trả lời:
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 59/2013/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển cửa khẩu và gửi kho ngoại quan. Nội dung chủ yếu:
- Tăng cường quản lý đối với hàng cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, hàng có ảnh hưởng đến môi trường;
- Quản lý chặt chẽ, rút ngắn thời gian gửi kho ngoại quan, yêu cầu có đặt cọc... đối với hàng hóa có rủi ro cao: thực phẩm đông lạnh, hàng hóa có rủi ro về thuế (rượu, bia, thuốc lá).
- Đối với hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước, sản xuất xuất khẩu thực hiện theo quy định của Luật Hải quan hiện hành.
8. Kiến nghị: Địa điểm làm thủ tục hải quan theo Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 thực tế đảm bảo yêu cầu quản lý nhưng gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi nơi xuất hàng thực tế và địa điểm giải quyết thủ tục thực tế có nhiều trường hợp khác biệt, gây nên sự thiếu chủ động và đồng bộ trong thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.
Trả lời:
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có công văn số 3925/BTC-TCHQ ngày 28/3/2014 hướng dẫn. Theo đó:
- Đối với nhóm hàng: khoáng sản, thủy sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh vv... được xếp ngay lên phương tiện vận tải từ cơ sở khai thác, sản xuất.
- Đối với nhóm hàng: dầu thô, khí hóa lỏng, hàng rời, hàng siêu trường, siêu trọng: không yêu cầu phải tập kết đủ hàng, nhưng phải thông báo địa điểm tập kết hàng, địa điểm neo đậu phương tiện vận tải chở hàng xuất khẩu.
- Đối với một số ngành nghề đặc thù, có tính thời vụ cao, khối lượng lớn như gia công, SXXK: hàng may mặc, da giầy, chế biến nông, thủy sản... không yêu cầu phải tập kết đủ hàng nhưng phải khai báo địa điểm tập kết hàng xuất khẩu.
9. Kiến nghị về việc xác định trị giá hải quan đối với mặt hàng thủy sản:
Trả lời:
- Hiện nay, mức giá kiểm tra tại Danh mục hàng nhập khẩu rủi ro về trị giá ban hành kèm theo công văn số 3286/TCHQ-TXNK ngày 14/6/2013 đã được thay thế bằng Danh mục được ban hành kèm theo Quyết định số 1114/QĐ-TCHQ ngày 10/04/2014 của Tổng cục Hải quan.
Mức giá tham chiếu nêu trên là một cơ sở để cơ quan hải quan kiểm tra mức giá khai báo, phân loại và tổ chức tham vấn theo quy định, không sử dụng để xác định trị giá tính thuế hàng xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính thì: Trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và xác định bằng cách áp dụng tuần tự 06 phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Thông tư này và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá tính thuế.
Cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp mở tờ khai sẽ tiến hành kiểm tra trị giá khai báo của doanh nghiệp, khi có nghi vấn về mức giá khai báo sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện quyền tham vấn, nhằm giải trình, chứng minh trị giá khai báo. Nếu doanh nghiệp giải trình, chứng minh được nghi vấn của cơ quan hải quan thì trị giá tính thuế được chấp nhận theo trị giá khai báo của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không giải trình, chứng minh được nghi vấn của cơ quan hải quan thì cơ quan hải quan bác bỏ trị giá khai báo và thực hiện xác định trị giá tính thuế theo đúng trình tự nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 của Bộ Tài chính.
- Về kiến nghị điều chỉnh giá các mặt hàng thủy sản:
Ngày 26/2/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BTC sửa đổi bổ sung Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010. Theo đó định kỳ 6 tháng Tổng cục Hải quan tổ chức rà soát sửa đổi mức giá tham chiếu phù hợp với thực tế giao dịch mua bán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
10. Kiến nghị: Vẫn còn hiện tượng tham vấn nhiều lần với cùng một mặt hàng.
Trả lời:
Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh XNK của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi việc tham vấn theo hướng chỉ tham vấn một lần đối với cùng mặt hàng nhập khẩu, cùng hợp đồng nhập khẩu của cùng một doanh nghiệp.
11. Kiến nghị: Ngành Hải Quan cần nâng cao hiệu quả của đường dây nóng tốt hơn hiện tại (vì hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu) nhằm tạo sự tương tác mật thiết tốt hơn giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan trong tháo gỡ các vướng mắc xảy ra trong quá trình thủ tục hải quan.
Trả lời:
Tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đường dây nóng tại cơ quan Tổng cục Hải quan. Hiện nay tại cơ quan Tổng cục Hải quan có 7 đơn vị quản lý đường dây nóng nhằm tiếp nhận các thông tin liên quan đến: công tác chống tiêu cực của cán bộ công chức Hải quan; thực hiện Quy chế một cửa; tiếp nhận thông tin về quản lý rủi ro; tiếp nhận thông tin chống buôn lậu, gian lận thương mại; Hỗ trợ người sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS... Nhận thấy việc quản lý đường dây nóng hiện tại còn nhiều bất cập nên trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đường dây nóng nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
12. Kiến nghị: Ngành Hải quan cần phối hợp với các Bộ ngành khác nhằm giải quyết sự chồng chéo các thông tư với nhau, sự áp dụng các thông tư nghị định khác nhau giữa các chi cục hải quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trả lời:
Bộ Tài chính xin tiếp thu và tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành để giải quyết nhanh chóng thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan thường xuyên chấn chỉnh việc thực thi các quy định pháp luật tại các Chi cục Hải quan, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện.
Bộ Tài chính xin thông báo để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được biết./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để b/c); - Lưu: VT, TCHQ. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trương Chí Trung |