Công văn 1664-TCT/HTQT của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện hiệp định tránh đánh thuế hai lần

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải văn bản
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng Anh
Bản dịch tham khảo
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Công văn 1664-TCT/HTQT

Công văn 1664-TCT/HTQT của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện hiệp định tránh đánh thuế hai lần
Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính; Tổng cục ThuếSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:1664-TCT/HTQTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Công vănNgười ký:Nguyễn Đức Huy
Ngày ban hành:11/10/1994Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Thuế-Phí-Lệ phí

tải Công văn 1664-TCT/HTQT

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC THUẾ, BỘ TÀI CHÍNH SỐ 1664-TCT/HTQT
NGÀY 11-10-1994 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH
TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN

 

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Để thi hành các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài;

Căn cứ vào nội dung quy định tại các Hiệp định và căn cứ vào thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 3 trong các Hiệp định;

Tổng cục thuế giải thích và hướng dẫn thực hiện Hiệp định như sau:

 

A. NỘI DUNG CHÍNH CỦA CÁC HIỆP ĐỊNH

 

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

 

Theo quy định tại các Điều 1, 2 và khoản 1 (a), 1 (b) Điều 3 tại các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì phạm vi áp dụng của các Hiệp định là:

1. Chỉ áp dụng đối với các loại thuế mang tính chất trực thu đánh trên lợi tức hoặc thu nhập. Đó là những loại thuế hiện nay ở Việt Nam đang có hiệu lực như: thuế lợi tức, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thuế thu nhập từ tiền bản quyền và những loại thuế tương tự như các loại thuế trên mà ở Việt Nam ban hành sau này (nếu có). Các loại thuế gián thu như thuế doanh thu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất, nhập khẩu không thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định (thực hiện theo nội luật của Việt Nam).

2. Hiệp định được áp dụng đối với tất cả các đối tượng gồm: các cá nhân, các công ty, xí nghiệp hoặc bất cứ tổ chức nào được coi là công ty, xí nghiệp (theo giác độ thuế)... là đối tượng chịu thuế theo quy định tại luật thuế của Việt Nam cũng như của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.

3. Hiệp định chỉ được áp dụng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của Việt Nam và của các nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.

 

II. NỘI DUNG CỦA HIỆP ĐỊNH

 

Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà Việt Nam đã ký với các nước thông thường có 30 Điều, ngoài ra tuỳ theo từng Hiệp định cụ thể có thể còn có Nghị định thư hoặc công hàm trao đổi kèm theo Hiệp định để giải thích nội dung của một số điều khoản trong Hiệp định nếu điều khoản đó cần thiết phải có sự quy định chi tiết hơn. Nghị định thư là một bộ phận của Hiệp định có giá trị pháp lý như các điều khoản của Hiệp định. Còn công hàm trao đổi có giá trị pháp lý thấp hơn, nó có thể được sửa đổi, bổ sung không phải theo các thủ tục như khi sửa đổi, bổ sung các điều khoản của Hiệp định.

Nội dung các điều khoản của Hiệp định được quy định như sau:

1. Nội dung của Điều 1 và Điều 2 quy định đối tượng áp dụng của Hiệp định và các loại thuế áp dụng của Hiệp định.

2. Nội dung của Điều 3 là đưa ra những định nghĩa cho các từ ngữ được dùng trong Hiệp định, như vậy đối với những từ ngữ có thể có nhiều cách hiểu ở các điều khoản khác đều được hiểu theo nội dung đã được định nghĩa tại Điều này, còn những từ ngữ chưa được định nghĩa tại Điều này được hiểu theo nội dung quy định tại luật của Việt Nam và của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam tuỳ theo ngữ cảnh cụ thể.

3. Nội dung của Điều 4 quy định các tiêu chuẩn để xác định một cá nhân, một xí nghiệp, công ty... là đối tượng cư trú của Việt Nam hay của Nước ký hiệp định với Việt Nam.

Để thực hiện đúng Hiệp định thì vấn đề đầu tiên là phải xác định một đối tượng có phải là đối tượng cư trú của một trong hai nước hay không, tức là xác định đối tượng đó có phải là đối tượng chịu thuế của Việt Nam hay của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam hay không. Sau đó phải xác định tiếp đối tượng đó thuộc đối tượng cư trú của nước nào vì theo quy định ở các điều khoản tại Hiệp định thì nhiều khoản thu nhập chỉ chịu thuế ở nước mà đối tượng đó là đối tượng cư trú hoặc có những khoản thu nhập phải chịu thuế ở cả hai nước những đối với nước mà đối tượng đó không phải là đối tượng cư trú và là đối tượng thực hưởng thì chỉ được đánh thuế theo một mức thuế suất giới hạn quy định tại Hiệp định như những khoản thu nhập quy định tại Điều 10 "Lợi tức cổ phần", Điều 11 "Lãi từ tiền cho vay" và Điều 12 "Tiền bản quyền".

a. Trong trường hợp đối tượng cư trú đó là một cá nhân và là đối tượng cư trú của cả hai nước thì phải căn cứ vào tiêu chuẩn sau đây để xác định đối tượng đó có phải chỉ là đối tượng cư trú của Việt Nam theo Hiệp định này hay không:

+ Nếu cá nhân đó có nhà ở thường trú ở Việt Nam thì sẽ là đối tượng cư trú của Việt Nam;

+ Nếu cá nhân đó có nhà ở thường trú ở cả hai nước nhưng có ở Việt Nam quan hệ cá nhân chặt chẽ hơn (cha, mẹ, vợ, con) và có quyền lợi kinh tế nhiều hơn ở Việt Nam thì đối tượng đó là đối tượng cư trú của Việt Nam;

+ Nếu không xác định được các tiêu chuẩn nói trên và cá nhân đó thường xuyên sống ở Việt Nam thì sẽ là đối tượng cư trú của Việt Nam;

+ Nếu cá nhân đó sống thường xuyên ở cả hai nước hoặc cũng không sống thường xuyên ở nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú của nước mà cá nhân đó mang quốc tịch và nếu trường hợp cá nhân đó chỉ mang quốc tịch của nước thứ ba thì giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính nước kia sẽ xác định cụ thể cá nhân đó là đối tượng cư trú của nước nào thông qua thoả thuận song phương.

b. Trường hợp đối tượng là một công ty, xí nghiệp, hiệp hội... (khác với một cá nhân) là đối tượng cư trú ở cả hai nước thì phải căn cứ vào các tiêu chuẩn sau đây để xác định đối tượng đó có phải là đối tượng cư trú của Việt Nam hay không:

+ Nếu đối tượng đó được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh ở Việt Nam thì là đối tượng cư trú của Việt Nam;

+ Trường hợp đối tượng đó được thành lập hoặc đăng ký ở cả hai nước thì đối tượng đó sẽ là đối tượng cư trú của Việt Nam nếu có ở Việt Nam trụ sở điều hành thực tế.

4. Nội dung của Điều 5 quy định các tiêu chuẩn để xác định một cơ sở thường trú, đây là một nội dung có tính chất quan trọng trong việc thực hiện Hiệp định bởi vì theo quy định tại Điều 7 thì một công ty nước ngoài chỉ phải chịu thuế lợi tức ở Việt Nam nếu công ty đó hoạt động ở Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú ở Việt Nam tức là có ở Việt Nam một cơ sở thường trú.

Theo quy định của Hiệp định thì từ "cơ sở thường trú" dùng để chỉ một cơ sở kinh doanh cố định mà thông qua cơ sở này một xí nghiệp hoặc công ty nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động của mình tại Việt Nam.

Trừ những trường hợp đặc biệt thì nhìn chung một công ty nước ngoài được coi là cơ sở thường trú tại Việt Nam nếu:

a. Có ở Việt Nam: trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng, nhà máy, xưởng sản xuất, mỏ, giếng dầu hoặc khí... hoặc bất kỳ một địa điểm khai thác tài nguyên thiên nhiên nào khác;

b. Có ở Việt Nam một địa điểm xây dựng, công trình xây dựng lắp đặt hay các hoạt động giám sát đối với các địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt nói trên với điều kiện các địa điểm, công trình và các hoạt động giám sát đó kéo dài trên 183 ngày;

c. Có ở Việt Nam một đại lý môi giới, đại lý hoa hồng hoặc bất kỳ một đại lý nào khác, nếu các đại lý này dành toàn bộ hay hầu hết hoạt động đại lý của mình cho công ty nước ngoài đó;

d. Có ở Việt Nam một đối tượng (bao gồm cá nhân, công ty và bất cứ tổ chức nào) hoạt động tại Việt Nam thay mặt cho xí nghiệp nước ngoài đó trong các trường hợp sau:

* Có và thường xuyên thực hiện thẩm quyền ký kết các hợp đồng đứng tên công ty nước ngoài;

* Không có thẩm quyền ký kết các hợp đồng đứng tên công ty nhưng thường xuyên đại diện cho công ty thực hiện việc giao hàng hoá tại Việt Nam;

e. Công ty nước ngoài thực hiện việc cung cấp dịch vụ bao gồm cả dịch vụ tư vấn ở Việt Nam thông qua người làm công cho công ty nước ngoài hay một đối tượng khác ở Việt Nam được công ty nước ngoài uỷ nhiệm với điều kiện các hoạt động dịch vụ nói trên kéo dài trong một thời gian hoặc nhiều khoảng thời gian gộp lại quá 183 ngày trong mỗi giai đoạn 12 tháng liên tục.

5. Nội dung của Điều 6 "Thu nhập từ bất động sản" quy định tất cả các khoản thu nhập phát sinh từ việc trực tiếp sử dụng, cho thuê các loại bất động sản đều phải nộp thuế tại nước có bất động sản đó. Như vậy, nếu bất động sản ở Việt Nam thì mọi thu nhập phát sinh từ bất động sản đó đều phải nộp thuế tại Việt Nam không phân biệt người thực hưởng thu nhập đó có phải là người cư trú hay công ty đó có cơ sở thường trú ở Việt Nam hay không.

6. Nội dung chính của Điều 7 quy định một công ty nước ngoài chỉ phải nộp thuế ở Việt Nam nếu như công ty đó có một cơ sở thường trú ở Việt Nam và số thuế lợi tức phải nộp ở Việt Nam chỉ được tính trên số lợi tức mà cơ sở thường trú đó mang lại cho công ty nước ngoài.

Nhưng trong thực tế việc xác định lợi tức cho một cơ sở thường trú thường gặp khó khăn do đó nội dung của Điều 7 trong Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký giữa Việt Nam với các nước thường có các quy định khác với nguyên tắc nói trên như sau:

a. Có thể phân bổ lợi tức của công ty nước ngoài đó cho cơ sở thường trú tại Việt Nam dựa trên một tiêu thức nào đó dễ xác định như doanh thu, số lao động...

Ví dụ: một công ty nước ngoài A có một cơ sở thường trú tại Việt Nam có doanh thu phát sinh tại cơ sở thường trú đó là 100, tổng doanh thu của công ty A là 1.000 và tổng lợi tức của công ty là 300 thì lợi tức của công ty A phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam được xác định như sau:

Doanh thu phát sinh của

Lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam

cơ sở thường trú của = x Tổng lợi tức

công ty A tại Việt Nam Tổng doanh thu của công ty A của Công ty A

 

100

Lợi tức phân bổ cho = x 300 = 30

cơ sở thường trú 1.000

 

b. Trong trường hợp cơ sở thường trú không cung cấp đủ các cơ sở chính xác cho việc quản lý thu thuế thì có thể áp dụng theo phương pháp khác như là áp dụng một tỷ lệ thuế lợi tức tính trên doanh thu như chế độ hiện hành đã quy định tại Thông tư 30 TC/TCT ngày 18-7-1992 về chế độ thuế áp dụng đối với các nhà thầu nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài và Thông tư số 07 TC/TCT ngày 30-3-1992 về thuế đối với các nhà thầu phụ nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

7. Nội dung của Điều 8 "Vận tải biển và vận tải hàng không" quy định lợi tức của một công ty hàng không hoặc công ty tàu biển thu được từ hoạt động vận tải quốc tế (hàng hoá và hành khách) chỉ phải nộp thuế ở nước mà công ty đó là đối tượng cư trú hoặc ở nước mà công ty đó có trụ sở điều hành thực tế.

Ví dụ: Hãng hàng không quốc gia Việt Nam mặc dù có chuyến bay chở hành khách, hàng hoá từ Việt Nam đi Singapore và chở hành khách, hàng hoá từ Singapore về Việt Nam nhưng chỉ phải nộp thuế lợi tức ở Việt Nam vì hãng hàng không quốc gia Việt Nam là công ty cư trú của Việt Nam và tương tự như vậy hãng hàng không Singapore chỉ phải nộp thuế lợi tức ở Singapore.

8. Nội dung của Điều 9 "Những xí nghiệp liên kết" quy định Việt Nam và Nước ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam có quyền áp dụng những quy định của mình về việc chống chuyển giá giữa các xí nghiệp liên kết, giữa các xí nghiệp có quan hệ kinh tế với nhau mà khác với quan hệ kinh tế giữa các xí nghiệp độc lập.

Ví dụ: Một công ty nước ngoài có một công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam thì lúc này mối quan hệ kinh tế giữa công ty nước ngoài đó với xí nghiệp 100% vốn nước ngoài đều không được coi là quan hệ giữa hai xí nghiệp độc lập và như vậy theo quy định của Hiệp định, Việt Nam có quyền tính toán lại các quan hệ kinh tế giữa hai công ty theo nguyên tắc giá thị trường để xác định đúng số lợi tức phát sinh của xí nghiệp 100% vốn nước ngoài từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

9. Nội dung của các Điều 10 "Lợi tức cổ phần", Điều 11 "Lãi từ tiền cho vay" và Điều 12 "Tiền bản quyền" quy định Việt Nam và nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có quyền đánh thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ lợi tức cổ phần, lãi từ tiền cho vay và tiền bản quyền theo nguyên tắc đánh thuế tại nguồn.

Ví dụ 1: Công ty A là một công ty cổ phần của Việt Nam trả lợi tức cổ phần cho cổ đông là đối tượng cư trú của Thái Lan (một công ty hoặc một cá nhân của Thái Lan) thì Việt Nam có quyền đánh thuế trên một số tiền lợi tức cổ phần này mặc dù cổ đông đó không phải là đối tượng cư trú tại Việt Nam nhưng tiền lãi cổ phần đó có nguồn gốc phát sinh tại Việt Nam.

Ví dụ 2: Công ty A là một đối tượng cư trú của Việt Nam có vay của công ty B là đối tượng cư trú của Thái Lan một khoản tiền 1.000 đồng với lãi suất 10%/năm, lãi tiền cho vay phát sinh hàng năm là 100 đồng. Khi công ty A trả cho công ty B thì Việt Nam có quyền đánh thuế trên số tiền lãi đó tại Việt Nam vì số tiền lãi đó có nguồn gốc phát sinh tại Việt Nam.

Ví dụ 3: Công ty A là đối tượng cư trú của Thái Lan có chuyển giao công nghệ cho công ty B là đối tượng cư trú của Việt Nam và công ty B phải trả tiền cho công ty A về việc sở hữu hoặc sử dụng công nghệ nói trên thì Việt Nam có quyền đánh thuế tại Việt Nam trên số tiền mà công ty B sẽ trả cho công ty A.

Ngoài nội dung nói trên thì nội dung của các Điều 10, Điều 11 và Điều 12 còn quy định thuế suất giới hạn áp dụng ở mỗi nước trong trường hợp đối tượng nhận là đối tượng thực hưởng, có nghĩa là đối với các khoản thu nhập từ lợi tức cổ phần, lãi từ tiền cho vay, tiền bản quyền thì các nước có quyền đánh thuế đối với những khoản thu nhập đó phát sinh ở nước mình nhưng việc đánh thuế trong trường hợp đó không quá thuế suất đã ghi ở Hiệp định. Trong các Hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước, thuế suất giới hạn nói trên thường là 10%. Thuế suất này thường được quy định ở khoản 2 của Điều 10, 11 và 12 trong các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

10. Nội dung Điều 13 "Thu nhập từ việc chuyển nhượng tài sản" quy định khoản thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng tài sản có thể bị đánh thuế ở cả hai nước. Tuy nhiên, có một số thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng tài sản chỉ bị đánh thuế ở nước nơi người chuyển nhượng tài sản là người cư trú như các trường hợp sau đây:

* Thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng tài sản là tàu thuỷ hoặc máy bay và các động sản được sử dụng trong hoạt động vận tải quốc tế hay từ việc chuyển nhượng các động sản gắn liền với hoạt động của các tàu thuỷ hoặc máy bay đó;

* Lợi tức thu được từ việc chuyển nhượng các cổ phiếu, cổ phần (không bao gồm việc chuyển nhượng các cổ phần, cổ phiếu của một công ty có tài sản bao gồm chủ yếu là bất động sản).

11. Nội dung Điều 14 "Hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập" quy định lợi tức thu được từ hoạt động kinh doanh của một cá nhân trong các lĩnh vực hoạt động khoa học, văn học, nghệ thuật, giáo dục, thầy thuốc, bác sĩ phẫu thuật, luật sư, kiến trúc sư, nha sĩ và kế toán viên sẽ phải nộp thuế ở cả hai nước nếu người đó có ở nước kia:

- Một hoặc nhiều cơ sở kinh doanh cố định (Văn phòng, trụ sở chính thức hay không chính thức) để thực hiện các hoạt động của mình; hoặc

- Có mặt ở nước kia trong một thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại đến 183 ngày trong mỗi giai đoạn 12 tháng liên tục.

12. Nội dung Điều 15 "Hoạt động cá nhân phụ thuộc" quy định các khoản tiền lương, tiền công và các khoản thù lao mang tính chất tiền lương, tiền công sẽ phải nộp thuế ở cả hai nước nếu người đó thuộc 1 trong 3 trường hợp sau đây:

* Trường hợp có mặt ở nước kia trong một thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong mỗi giai đoạn 12 tháng liên tục;

* Trường hợp người đó có mặt ở nước kia dưới 183 ngày nhưng chủ lao động hoặc đại diện của chủ lao động trả lương và tiền công cho người đó là một đối tượng cư trú của nước kia.

* Trường hợp người đó có mặt ở nước kia dưới 183 ngày nhưng tiền lương và tiền công do cơ sở thường trú hoặc cơ sở kinh doanh cố định mà chủ lao động có tại nước kia trả.

13. Nội dung của Điều 16 "Thù lao cho giám đốc" quy định các khoản thù lao và các khoản thanh toán tương tự do một công ty, xí nghiệp hay bất cứ một tổ chức tương tự nào là đối tượng cư trú của nước này trả cho cá nhân là người cư trú của nước kia do anh ta đã tham gia giám đốc hoặc thành viên ban giám đốc của công ty trả thù lao thì có thể đánh thuế ở cả hai nước.

Ví dụ: Một xí nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc một xí nghiệp liên doanh ở Việt Nam trong ban giám đốc có thành viên là người nước ngoài, người nước ngoài đó không là đối tượng cư trú của Việt Nam (ở Việt Nam không quá 183 ngày hoặc không ở ngày nào trong một năm) nhưng theo quy định của điều này thì Việt Nam có quyền đánh thuế đối với khoản thù lao do xí nghiệp 100% vốn nước ngoài hay xí nghiệp liên doanh nói trên trả cho người đó.

14. Nội dung Điều 17 "Thu nhập của nghệ sĩ và vận động viên" quy định như sau:

* Một nghệ sĩ hay vận động viên của nước này sang nước kia biểu diễn thì thu nhập phát sinh từ hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ và vận động viên đó tại nước kia có thể bị đánh thuế ở cả hai nước, kể cả trường hợp thu nhập phát sinh tại nước kia được trả trực tiếp cho nghệ sĩ, vận động viên hay trả gián tiếp thông qua đối tượng khác, ví dụ như công ty tổ chức biểu diễn hay các tổ chức đăng cai.

* Một nghệ sĩ hay vận động viên của nước thứ nhất sang nước kia biểu diễn nhưng kinh phí biểu diễn kể cả tiền thù lao cho nghệ sĩ hay vận động viên do chính quyền các cấp của nước thứ nhất đài thọ thì thu nhập của nghệ sĩ và vận động viên đó chỉ phải nộp thuế ở nước thứ nhất.

15. Nội dung của Điều 18 "Tiền lương hưu" quy định bất kỳ khoản lương hưu nào (trừ lương hưu đã quy định ở Điều 19) sẽ chỉ phải nộp thuế ở nước nơi người nhận lương hưu đối tượng cư trú.

16. Nội dung Điều 19 "Phục vụ Chính phủ" quy định các khoản tiền công và tiền lương hưu trả cho một cá nhân do làm các công việc phục vụ cho Nhà nước này tại nước kia sẽ chỉ bị đánh thuế ở một nước theo các nguyên tắc:

1. Đối với tiền lương hưu.

Sẽ chỉ phải nộp thuế ở nước kia nếu cá nhân đó vừa là đối tượng cư trú của nước kia vừa mang quốc tịch ở nước kia.

2. Đối với tiền công.

Sẽ chỉ phải nộp thuế ở nước kia nếu cá nhân đó vừa là đối tượng cư trú nước kia và mang quốc tịch của nước kia hoặc cá nhân đó tuy không mang quốc tịch ở nước kia nhưng có thực hiện tại nước kia những công việc khác (ngoài công việc chính là phục vụ cho Nhà nước của nước ấy, ví dụ như làm thuê cho công ty khác hoặc có hoạt động kinh doanh riêng tại nước kia) mà chính vì lý do đó người ấy trở thành đối tượng cư trú của nước kia.

3. Đối với các khoản tiền công, tiền lương hưu trả cho một cá nhân do làm các công việc có liên quan đến kinh doanh của Nhà nước này tại nước kia thì không áp dụng nguyên tắc chỉ đánh thuế ở một nước như nói trên mà vẫn thực hiện việc đánh thuế ở cả hai nước theo nguyên tắc đã quy định tại Điều 15, 16 và Điều 18 của Hiệp định.

17. Nội dung Điều 20 "Thu nhập của sinh viên và thực tập sinh" quy định một sinh viên hay thực tập sinh là đối tượng cư trú của nước thứ nhất sang nước kia chỉ với mục đích là học tập sẽ được miễn thuế ở nước kia đối với:

- Các khoản tiền mà người sinh viên hoặc thực tập sinh đó nhận được từ nguồn ngoài nước kia để phục vụ cho việc sinh hoạt và học tập tại nước kia;

- Một số tiền nhất định hàng năm quy định trong Hiệp định (tuỳ theo từng nước), người sinh viên hoặc thực tập sinh đó thu được từ việc làm công tại nước kia với điều kiện việc làm công đó phải liên quan trực tiếp đến việc học tập của sinh viên hay thực tập sinh.

Ví dụ: Một sinh viên Úc sang Việt Nam thực tập tại Văn phòng tư vấn pháp luật ở Việt Nam, anh ta được gia đình ở bên Úc gửi tiền sang Việt Nam là 3.000USD và anh ta làm thêm ở Việt Nam với thu nhập là 2.000 USD. Trong đó 1.000 USD được Văn phòng tư vấn pháp luật trả cho công việc tư vấn của anh ta tại Văn phòng, và 1.000 USD được trả do làm ở một nhà máy nào đó thì anh ta được miễn thuế ở Việt Nam 3.000 USD từ Úc gửi sang Việt Nam và 1.000 USD do Văn phòng tư vấn pháp luật trả, còn 1.000 USD thu được từ việc làm ở nhà máy phải nộp thuế tại Việt Nam.

18. Nội dung Điều 22 "Thu nhập khác" quy định tất cả các khoản thu nhập khác chưa được đề cập đến trong Hiệp định thì chỉ phải nộp thuế ở nước mà người đó là người cư trú.

19. Nội dung Điều 23 "Tránh đánh thuế hai lần" quy định các biện pháp tránh đánh thuế hai lần thực hiện ở Việt Nam và ở Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam. Trong các Hiệp định Việt Nam đã ký với các nước có nhiều phương pháp tránh đánh thuế hai lần như phương pháp trừ thuế toàn bộ, phương pháp trừ thuế thông thường, phương pháp trừ thuế gián tiếp, phương pháp miễn thuế toàn phần, phương pháp miễn thuế luỹ tiến và phương pháp trừ khoán thuế. Việc áp dụng phương pháp nào là tuỳ thuộc vào từng nước. Việt Nam, trong tất cả các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký với các nước thì Việt Nam áp dụng hai phương pháp tránh đánh thuế hai lần sau đây:

1. Phương pháp trừ thuế toàn bộ:

Nội dung của phương pháp này là trường hợp một đối tượng cư trú ở Việt Nam nhận được thu nhập ở Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam và theo quy định của Hiệp định, khoản thu nhập đó phải nộp thuế ở cả hai nước thì Việt Nam sẽ cho trừ vào số thuế phải nộp ở Việt Nam số thuế đã nộp ở nước ngoài. Tuy nhiên, số thuế đã nộp ở nước ngoài được trừ đó không lớn hơn số thuế phải nộp ở Việt Nam.

Ví dụ 1: Một công ty A của Việt Nam có một cơ sở thường trú ở Thái Lan. Trong năm 1993 có lợi tức chịu thuế là 1.000. Trong đó có 300 là lợi tức chịu thuế phát sinh ở Thái Lan, thuế suất thuế lợi tức của công ty A ở Việt Nam là 45%, ở Thái Lan là 30% thì việc tránh đánh thuế hai lần được thực hiện như sau:

- Tính số thuế công ty A đã nộp ở Thái Lan là:

300 x 30% = 90

- Tính số thuế phải nộp ở Việt Nam đối với phần thu nhập ở nước ngoài là:

300 x 45% = 135

- Tính số thuế phải nộp ở Việt Nam trên tổng thu nhập

và khấu trừ thuế đã nộp ở nước ngoài là:

(1.000 x 45%) - 90 = 360.

Ví dụ 2: Cũng vẫn ví dụ trên nhưng thuế suất thuế lợi tức đối với Công ty A tại Việt Nam là 25%, thì việc tránh đánh thuế hai lần được thực hiện như sau:

- Tính số thuế phải nộp ở Việt Nam đối với phần

thu nhập ở nước ngoài là: 300 x 25% = 75

Như vậy là thuế đã nộp ở nước ngoài (90) cao hơn số thuế phải nộp ở Việt Nam. Như vậy thì công ty A chỉ được trừ vào thuế phải nộp ở Việt Nam bằng số thuế phải nộp ở Việt Nam tính trên thu nhập từ nước ngoài là 75.

- Tính số thuế phải nộp ở Việt Nam trên tổng thu nhập và khấu trừ thuế đã nộp ở nước ngoài là: (1.000 x 25%) - 75 = 175

2. Phương pháp trừ khoán thuế:

Nội dung của phương pháp này là trường hợp một đối tượng cư trú ở Việt Nam nhận được thu nhập ở Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam và theo quy định của Hiệp định khoản thu nhập đó phải nộp thuế ở cả hai nước nhưng theo quy định của pháp luật nước kia khoản thuế đó được miễn giảm thuế ở nước kia thì Việt Nam vẫn cho trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam số thuế đáng lẽ phải nộp nhưng thực tế không phải nộp ở nước kia do nước kia miễn giảm thuế. Tuy nhiên, số thuế đáng lẽ phải nộp ở nước ngoài được trừ đó không lớn hơn số thuế phải nộp ở Việt Nam.

Ví dụ 1: Cũng vẫn ví dụ 1 như đã đưa ra ở điểm 1 nói trên nhưng theo quy định của luật đầu tư của Thái Lan thì cơ sở thường trú của công ty A ở Thái Lan được miễn thuế lợi tức thì việc tránh đánh thuế hai lần được thực hiện như sau:

- Tính số thuế của công ty A

đáng lẽ phải nộp ở Thái Lan là: 300 x 30% = 90

- Tính số thuế phải nộp ở Việt Nam

đối với thu nhập ở nước ngoài là: 300 x 45% = 135

- Tính số thuế phải nộp ở Việt Nam

trên tổng thu nhập và khấu trừ thuế

đáng lẽ phải nộp ở nước ngoài là: (1.000 x 45%) - 90 = 360

Ví dụ 2: Cũng vẫn như ví dụ 2 đã đưa ra ở điểm 1 nói trên, Công ty A được miễn thuế ở Thái Lan thì việc khấu trừ khoản thuế ở Việt Nam đối với công ty cũng chỉ được trừ số thuế là 75 chứ không được trừ số thuế đáng lẽ phải nộp ở Thái Lan là 90.

20. Nội dung Điều 24 "Không phân biệt đối xử", Điều 25 "Thủ tục thoả thuận song phương", Điều 26 "Trao đổi thông tin" quy định các nội dung sau đây:

1. Điều 24 "Không được phân biệt đối xử" quy định tất cả các đối tượng mang quốc tịch của một nước ký kết, mọi cơ sở thường trú hay một công ty con của một xí nghiệp của một nước ký kết có ở Việt Nam sẽ không phải chịu mọi loại thuế thu nhập nào hay cách xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất và miễn giảm thuế khác và nặng hơn so với người mang quốc tịch Việt Nam, xí nghiệp Việt Nam trong cùng một hoàn cảnh như nhau.

2. Điều 25 "Thủ tục thoả thuận song phương" quy định khi một đối tượng cư trú của Việt Nam hay của Nước ký kết với Việt Nam thấy rằng việc nộp thuế của mình không đúng với những quy định của Hiệp định thì có thể khiếu nại thẳng đến Bộ Tài chính hay Tổng cục thuế ở nước mà người đó là đối tượng cư trú, không phải khiếu nại lên cơ quan thuế từng cấp theo như quy định tại Luật thuế của hai nước.

Ví dụ 1: Một cá nhân Pháp sang Việt Nam làm việc với thời gian dưới 183 ngày trong một năm. Trường hợp này anh ta là người cư trú của Pháp nên khi anh ta thấy rằng việc thu thuế thu nhập của anh ta ở Việt Nam là không đúng Hiệp định thì anh ta khiếu nại với Bộ Tài chính Pháp.

Ví dụ 2: Cũng vẫn với ví dụ trên nhưng anh ta có thời hạn ở Việt Nam trên 183 ngày trong một năm và trường hợp này anh ta là người cư trú của Việt Nam nếu anh ta thấy việc thu thuế thu nhập của anh ta ở Pháp không đúng với Hiệp định thì anh ta khiếu nại đến Bộ Tài chính hoặc Tổng cục thuế Việt Nam.

Để giải quyết các khiếu nại đó thì hai Bộ Tài chính hoặc hai tổng cục thuế của hai nước sẽ bàn bạc trao đổi với nhau để đạt được một thoả thuận chung nhằm mục đích giải quyết khiếu nại đó và đi đến quyết định cuối cùng.

3. Điều 26 "Trao đổi thông tin" quy định nhằm thực hiện đúng Hiệp định ở cả hai nước và đặc biệt tránh trốn thuế ở một nước hoặc cả hai nước thì hai Bộ Tài chính hoặc hai Tổng cục thuế phải thực hiện trao đổi thông tin cho nhau một cách thường xuyên hoặc theo yêu cầu đối với từng trường hợp cụ thể hoặc cả hai hình thức với các nội dung thông tin sau đây:

- Các luật thuế hoặc các luật có liên quan đến các loại thuế quy định trong Hiệp định (kể cả văn bản);

- Các thông tin liên quan phục vụ cho việc xác định thu nhập chịu thuế của một đối tượng cư trú của nước này có ở nước kia (nhằm tránh trốn thuế, để cưỡng chế thuế hoặc làm tài liệu trong quá trình tố tụng của Toà án...).

21. Nội dung các Điều từ Điều 27 đến Điều 30 là các điều khoản quy định ngày Hiệp định có hiệu lực thi hành, ngày kết thúc Hiệp định, nội dung quy định chung là:

- Hiệp định có hiệu lực thi hành từ ngày đầu của năm tiếp theo năm dương lịch hoặc năm tài chính mà cả hai bên ký kết đã làm xong các thủ tục phê duyệt hoặc phê chuẩn Hiệp định.

- Hiệp định sẽ có hiệu lực vô thời hạn nhưng sau 5 năm kể từ năm Hiệp định bắt đầu có hiệu lực thi hành từng nước có thể kết thúc Hiệp định bằng cách thông báo cho nước ký kết kia thông qua đường ngoại giao văn bản thông báo kết thúc Hiệp định.

 

B. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH

I. VIỆC THỰC HIỆN CÁC LOẠI THUẾ HIỆN HÀNH TẠI VIỆT NAM
THUỘC PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA HIỆP ĐỊNH

 

1. Đối với thuế lợi tức:

a. Đối với các xí nghiệp công ty Việt Nam và các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng liên doanh với nước ngoài, các nhà thầu chính tham gia các hợp đồng dầu khí và các xí nghiệp nước ngoài trong các khu chế xuất ở Việt Nam thì thuế lợi tức thực hiện như các quy định hiện hành và nếu có các khoản thu nhập từ nước ngoài đã nộp thuế ở nước ngoài thì được khấu trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam theo các phương pháp tránh đánh thuế hai lần như đã hướng dẫn tại công văn này.

b. Đối với các nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc các đối tượng ở điểm a nói trên kinh doanh ở Việt Nam thuộc đối tượng nộp thuế theo quy định tại Thông tư số 30TC/TCT ngày 18-7-1992, Thông tư số 07 TC-TCT ngày 30-3-1992 và Thông tư số 73 TC/TCT ngày 30-8-1993 thì xử lý như sau:

* Nếu xác định tổ chức và cá nhân nước ngoài đó kinh doanh ở Việt Nam thông qua một cơ sở thường trú (đối với công ty) hoặc một cơ sở kinh doanh cố định (đối với một cá nhân) thì vẫn thực hiện theo như các quy định hiện hành tại các Thông tư nói trên.

* Nếu xác định tổ chức và cá nhân nước ngoài đó kinh doanh ở Việt Nam không thông qua một cơ sở thường trú hoặc một cơ sở kinh doanh cố định thì:

+ Đối với đối tượng kinh doanh ở Việt Nam thông qua đại lý (theo hướng dẫn tại Thông tư 73 TC/TCT ngày 30-8-1993) thì chỉ thực hiện khấu trừ tại nguồn thuế doanh thu không khấu trừ tại nguồn thuế lợi tức.

+ Đối với đối tượng kinh doanh ở Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư nước ngoài (theo hướng dẫn tại thông tư 30 TC/TCT ngày 18-7-1992 và Thông tư 07 TC/TCT ngày 30-3-1992) thì chỉ thực hiện khấu trừ tại nguồn thuế doanh thu với mức thuế bằng 50% số thuế thu gộp đã quy định tại hai Thông tư nói trên.

2. Đối với thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao

a. Đối với những công dân Việt Nam đi công tác, lao động ... ở nước ngoài nếu người đó trở thành đối tượng cư trú ở nước ngoài (nước có ký kết Hiệp định với Việt Nam) thì không đánh thuế thu nhập đối với những khoản thu nhập thường xuyên phát sinh ở nước ngoài trong năm tài chính mà người đó là đối tượng cư trú nước ngoài.

b. Đối với những đối tượng cư trú của Việt Nam (công dân Việt Nam, cá nhân khác định cư tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam...) nếu có thu nhập từ nước ngoài và đã nộp thuế ở nước ngoài thì khi tính thuế thu nhập tại Việt Nam được trừ số thuế đã nộp tại nước ngoài như hướng dẫn về các biện pháp tránh đánh thuế hai lần tại công văn này.

3. Đối với thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và thuế thu nhập từ tiền bản quyền:

Hai loại thuế này được quy định tại Điều 10 và Điều 12 của Hiệp định, vì vậy, khi thu thuế phải xác định được người thực nhận lợi nhuận hoặc người nhận tiền bản quyền là người cư trú của nước nào, sau đó đối chiếu với thuế suất giới hạn quy định tại Hiệp định giữa Việt Nam với nước đó. Thuế suất thuế chuyển lợi nhuận hoặc thuế thu nhập tiền bản quyền ở Việt Nam đối với trường hợp đó thấp hơn hoặc bằng thuế suất giới hạn trong Hiệp định thì thực hiện như bình thường, nếu cao hơn thì chỉ thu bằng thuế suất giới hạn trong Hiệp định.

Các hướng dẫn tại điểm 1 và 2 mục I này chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài là đối tượng cư trú của nước đã ký kết Hiệp định với Việt Nam và Hiệp định đó đã có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

 

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH TRONG NGÀNH THUẾ

Để các quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Việt Nam đã ký với các nước được thực hiện đúng và đầy đủ, Tổng cục thuế quy định và hướng dẫn về việc tổ chức thực hiện trong ngành thuế như sau:

1. Đối với Tổng cục thuế:

Ngoài nhiệm vụ tham gia đàm phán và phục vụ ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước thì phòng Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Thuế là đầu mối giúp Tổng cục thuế các công việc sau đây:

* Nghiên cứu soạn thảo các văn bản hướng dẫn và giải thích việc thực hiện đối với từng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã có hiệu lực thi hành để trình Bộ hoặc Tổng cục ban hành theo thẩm quyền.

* Hướng dẫn và kiểm tra các cục thuế trong việc thực hiện các Hiệp định.

* Nghiên cứu và tham gia đàm phán với cơ quan thuế nước ngoài về các tranh chấp, khiếu nại xảy ra trong quá trình thực hiện Hiệp định đòi hỏi phải giải quyết bằng thoả thuận song phương giữa cơ quan thuế Việt Nam với cơ quan thuế nước ngoài.

* Trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài theo quy định của Hiệp định.

* Giải thích Hiệp định cho các Cục thuế và các đối tượng nộp thuế đối với từng trường hợp cụ thể.

2. Đối với Cục thuế các tỉnh, thành phố:

Mỗi Cục thuế các tỉnh, thành phố cần bố trí một tổ cán bộ từ 2 đến 3 người thuộc phòng đầu tư nước ngoài (đối với những Cục thuế đã được phép của Bộ Tài chính thành lập phòng Đầu tư nước ngoài) hoặc thuộc phòng thu thuế đối với các xí nghiệp quốc doanh (đối với những Cục thuế chưa được thành lập phòng Đầu tư nước ngoài) để làm nhiệm vụ:

* Nghiên cứu các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam đã ký với các nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định này để thường xuyên giúp Cục thuế cũng như các Chi cục thuế nắm được nội dung quy định của từng Hiệp định và thực hiện đúng Hiệp định.

* Là đầu mối của Cục thuế trong việc giải thích Hiệp định đối với tất cả các đối tượng nộp thuế ở mỗi tỉnh, thành phố.

* Xác nhận các chứng từ đã nộp thuế ở Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài (nếu có yêu cầu) để họ được phép khấu trừ thuế ở nước ngoài.

* Thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin để phục vụ việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài theo yêu cầu của Tổng cục thuế đối với từng trường hợp cụ thể.

Trên đây là những điều hướng dẫn chung về các Hiệp định cũng như về việc thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Yêu cầu các Cục thuế nghiên cứu và tổ chức thi hành ngay. Trong quá trình thi hành có vướng mắc đề nghị phản ánh về Tổng cục thuế để có hướng dẫn kịp thời. Đối với những nội dung đặc thù của từng Hiệp định chưa hướng dẫn tại công văn này, Tổng cục thuế sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Nội dung văn bản đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi