Những quy định của Nghị định này trái với quy định của Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 và Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước sẽ bị bãi bỏ theo quy định tại Nghị định 201/2013/NĐ-CP.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc quản lý lưu vực sông, bao gồm: điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông; quy hoạch lưu vực sông; bảo vệ môi trường nước lưu vực sông; điều hòa, phân bổ tài nguyên nước và chuyển nước đối với các lưu vực sông; hợp tác quốc tế và thực hiện các Điều ước quốc tế về lưu vực sông; tổ chức điều phối lưu vực sông; trách nhiệm quản lý lưu vực sông.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lưu vực sông.
2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Lưu vực sông quốc tế” là lưu vực sông có một hay nhiều nguồn nước quốc tế.
2. “Nhóm lưu vực sông” là tập hợp các lưu vực sông gần nhau về mặt địa lý.
3. “Danh mục lưu vực sông” là tập hợp các lưu vực sông được phân loại dựa trên các tiêu chí về tầm quan trọng, quy mô diện tích lưu vực, chiều dài sông chính, địa điểm về mặt hành chính – lãnh thổ và các căn cứ khác.
4. “Danh bạ dữ liệu môi trường – tài nguyên nước lưu vực sông” là cơ sở dữ liệu tổng hợp các đặc trưng thống kê của một lưu vực sông, bao gồm: vị trí địa lý, diện tích, tổng lượng nước, chất lượng nước, tình trạng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải, các đặc điểm về kinh tế - xã hội, các đặc trưng về môi trường.
5. “Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm” là nội dung bao gồm các biện pháp quản lý, phương án đầu tư và tiến độ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm bảo đảm mục tiêu chất lượng nước đã xác định trong quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước.
6. “Kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước” là nội dung bao gồm các biện pháp quản lý, phương án đầu tư và tiến độ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm bảo đảm điều hòa, phân bổ tài nguyên nước theo mức phân bổ, tỷ lệ đã xác định trong quy hoạch phân bổ tài nguyên nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đối tượng sử dụng nước.
7. “Dòng chảy tối thiểu” là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các đối tượng sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên đã được xác định trong quy hoạch lưu vực sông.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý lưu vực sông
1. Tài nguyên nước trong lưu vực sông phải được quản lý thống nhất, không chia cắt giữa các cấp hành chính, giữa thượng nguồn và hạ nguồn; bảo đảm sự công bằng, hợp lý và bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng lưu vực sông.
2. Các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân phải cùng chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường nước trong lưu vực sông theo quy định của pháp luật; chủ động hợp tác khai thác nguồn lợi do tài nguyên nước mang lại và bảo đảm lợi ích của cộng đồng dân cư trong lưu vực.
3. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải trên lưu vực sông phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
4. Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước với việc bảo vệ môi trường, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trong lưu vực sông.
5. Quản lý tổng hợp, thống nhất số lượng và chất lượng nước, nước mặt và nước dưới đất, nước nội địa và nước vùng cửa sông ven biển, bảo đảm tài nguyên nước được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu.
6. Bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, công bằng, hợp lý, các bên cùng có lợi trong bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra đối với các nguồn nước quốc tế trong lưu vực sông.
7. Phân công, phân cấp hợp lý công tác quản lý nhà nước về lưu vực sông; từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ tài nguyên nước trong lưu vực sông, huy động sự đóng góp tài chính của mọi thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư và tranh thủ sự tài trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông.
Điều 5. Nội dung quản lý lưu vực sông
1. Xây dựng và chỉ đạo công tác điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông, lập danh mục lưu vực sông, xây dựng cơ sở dữ liệu và danh bạ dữ liệu môi trường – tài nguyên nước lưu vực sông.
2. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch lưu vực sông.
3. Quyết định các biện pháp bảo vệ môi trường nước, ứng phó sự cố môi trường nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.
4. Điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông; chuyển nước giữa các tiểu khu vực trong lưu vực sông, từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác.
5. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch lưu vực sông và xử lý các vi phạm quy định về quản lý lưu vực sông; giải quyết tranh chấp giữa các địa phương; giữa các ngành, giữa các tổ chức và cá nhân trong khai thác, sử dụng, thụ hưởng các lợi ích liên quan đến môi trường, tài nguyên nước trên lưu vực sông.
6. Hợp tác quốc tế về quản lý, khai thác và phát triển bền vững lưu vực sông; thực hiện các cam kết về nguồn nước quốc tế trong lưu vực sông mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
7. Thành lập tổ chức điều phối lưu vực sông.
Điều 6. Danh mục lưu vực sông
1. Danh mục lưu vực sông là căn cứ để:
a) Tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 của Nghị định này;
b) Phân cấp quản lý lưu vực sông, xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý lưu vực sông;
c) Xác định ưu tiên đầu tư bảo vệ tài nguyên nước, phát triển bền vững lưu vực sông.
2. Danh mục lưu vực sông được phân loại như sau:
a) Danh mục lưu vực sông lớn: bao gồm các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông Bằng Giang, sông Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vũ Gia, sông Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Cửu Long (Mê Kông);
b) Danh mục lưu vực sông liên tỉnh: bao gồm các lưu vực sông có diện tích lưu vực nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
c) Danh mục lưu vực sông nội tỉnh: bao gồm các lưu vực sông có diện tích lưu vực nằm trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 7. Chính sách đầu tư phát triển bền vững lưu vực sông
1. Nhà nước ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững lưu vực sông, bao gồm:
a) Công tác điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông; xây dựng Danh bạ dữ liệu môi trường – tài nguyên nước và hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo về môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông;
b) Lập và triển khai thực hiện quy hoạch lưu vực sông, kế hoạch phòng, chống ô nhiễm, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, kế hoạch điều hòa phân bổ nguồn nước và phát triển tài nguyên nước của lưu vực sông.
2. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án quản lý tổng hợp nguồn nước trong lưu vực sông, bảo đảm cân đối nguồn nước trên quy mô quốc gia và từng vùng nhằm đáp ứng nhu cầu nước phục vụ cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
3. Đầu tư phát triển bền vững lưu vực sông là đầu tư phát triển. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước trong lưu vực sông và phòng, chống tác hại do nước gây ra.
4. Mở rộng và thu hút các nguồn vốn quốc tế cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường tài nguyên nước lưu vực sông.
Chương II
ĐIỀU TRA CƠ BẢN MÔI TRƯỜNG – TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG
Điều 8. Nội dung chủ yếu của công tác điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông
1. Điều tra môi trường; điều tra, kiểm kê tài nguyên nước trên lưu vực sông, bao gồm:
a) Lập bản đồ đặc trưng lưu vực sông, bản đồ đặc trưng sông, hồ, đầm phá;
b) Lập bản đồ địa chất thủy văn cho các tầng, các cấu trúc chứa nước, phức hệ chứa nước;
c) Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất;
d) Điều tra, đánh giá và lập bản đồ chuyên đề về tài nguyên nước;
đ) Điều tra, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tài nguyên nước;
e) Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, nhiễm mặn, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước dưới đất; lập danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt;
g) Điều tra xác định khả năng tiếp nhận nước thải của các nguồn nước;
h) Điều tra, đánh giá, cảnh báo, dự báo các diễn biến bất thường về tài nguyên nước, các tác hại do nước gây ra;
i) Điều tra, xác định khả năng, thử nghiệm bổ sung nước dưới đất.
2. Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
3. Xây dựng và duy trì hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
4. Xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, tài nguyên nước.
Điều 9. Tổ chức công tác điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông
1. Chính phủ thống nhất quản lý công tác điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông, hướng dẫn việc xây dựng và lập kế hoạch phát hành danh bạ dữ liệu môi trường – tài nguyên nước lưu vực sông.
Chương III
QUY HOẠCH LƯU VỰC SÔNG
Điều 10. Quy hoạch lưu vực sông
1. Quy hoạch lưu vực sông bao gồm các quy hoạch thành phần sau đây:
a) Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước;
b) Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước;
c) Quy hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
2. Phạm vi của quy hoạch thành phần có thể toàn lưu vực, một hay một số tiểu lưu vực.
Điều 11. Kỳ hạn và thời gian lập quy hoạch lưu vực sông
1. Quy hoạch lưu vực sông được lập theo kỳ hạn mười (10) năm một lần, khi cần thiết có thể kéo dài thêm kỳ hạn nhưng không quá năm (05) năm kể từ ngày kết thúc kỳ hạn đối với quy hoạch đang có hiệu lực.
2. Thời gian lập đồ án quy hoạch lưu vực sông không quá hai mươi bốn (24) tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 12. Nhiệm vụ quy hoạch lưu vực sông
1. Nội dung nhiệm vụ quy hoạch lưu vực sông:
a) Đánh giá tổng quát về môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội, hiện trạng tài nguyên nước lưu vực sông, tình hình bảo vệ môi trường nước, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống, giảm thiểu tác hại do nước gây ra;
b) Xác định mục tiêu, nhu cầu sử dụng nước, tiêu nước, các vấn đề cần giải quyết trong bảo vệ môi trường nước, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống, giảm thiểu tác hại, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra;
c) Xác định quy hoạch thành phần cần phải xây dựng, thứ tự ưu tiên và phạm vi lập quy hoạch của các quy hoạch thành phần nhằm đạt được các mục tiêu, giải quyết các vấn đề đã xác định tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Đề ra giải pháp và tiến độ lập quy hoạch lưu vực sông.
2. Thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch lưu vực sông không quá sáu (06) tháng kể từ ngày chính thức được giao nhiệm vụ.
Điều 13. Căn cứ lập quy hoạch lưu vực sông
1. Danh mục lưu vực sông được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng, của địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.
3. Các chương trình mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành liên quan đến bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, giảm thiểu tác hại do nước gây ra.
4. Đặc điểm môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội của lưu vực sông và tiềm năng thực tế của tài nguyên nước.
5. Các quyền và nghĩa vụ trong Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong các lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường.
6. Các định mức, tiêu chuẩn về tài nguyên nước và môi trường liên quan đến tài nguyên nước.
7. Nhiệm vụ quy hoạch lưu vực sông được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 14. Nội dung chủ yếu của quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trong lưu vực sông
1. Đánh giá số lượng, chất lượng, dự báo xu thế biến động tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với từng nguồn nước.
2. Xác định nhu cầu nước, các vấn đề tồn tại trong việc khai thác sử dụng tổng hợp tài nguyên nước và lập thứ tự ưu tiên giải quyết, khả năng đáp ứng các nhu cầu nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, thủy sản, công nghiệp, giao thông, du lịch, các hoạt động kinh tế - xã hội khác và bảo vệ môi trường đối với từng nguồn nước.
3. Xác định thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cấp nước sinh hoạt, cho các mục đích sử dụng nước khác bao gồm cả nhu cầu cho bảo vệ môi trường trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.
4. Xác định mục đích sử dụng nước, dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên các đoạn sông trong lưu vực và các biện pháp cần thực hiện để giải quyết các vấn đề đã xác định tại khoản 2 Điều này.
5. Kiến nghị mạng giám sát tài nguyên nước, giám sát sử dụng nước, việc điều chỉnh các thông số hoặc điều chỉnh quy trình vận hành hiện tại của các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước (nếu cần).
6. Xác định nhu cầu chuyển nước giữa các tiểu lưu vực trong lưu vực; nhu cầu chuyển nước với lưu vực sông khác (nếu có).
7. Đề xuất biện pháp công trình phát triển tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước để phát triển kinh tế - xã hội trong lưu vực.
8. Giải pháp và tiến độ thực hiện Quy hoạch.
Điều 15. Nội dung chủ yếu của quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông
1. Xác định vị trí, phạm vi và mức độ gây ô nhiễm của các nguồn gây ô nhiễm trong lưu vực sông; những khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; nguyên nhân gây ra ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
2. Đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng nước đối với từng nguồn nước, phân vùng chất lượng nước.
3. Xác định và đánh giá tầm quan trọng của các hệ sinh thái dưới nước.
4. Xác định mục tiêu chất lượng nước trên cơ sở mục đích sử dụng nước đối với từng nguồn nước.
5. Xác định các giải pháp bảo vệ môi trường nước, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm hoặc suy thoái, cạn kiệt.
6. Kiến nghị mạng giám sát chất lượng nước trên lưu vực, giám sát xả nước thải vào nguồn nước, việc điều chỉnh các thông số hoặc điều chỉnh quy trình vận hành hiện tại của các công trình bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông (nếu có).
7. Đề xuất biện pháp phi công trình, công trình để đáp ứng mục tiêu chất lượng nước trong lưu vực sông.
8. Giải pháp và tiến độ thực hiện Quy hoạch.
Điều 16. Nội dung chủ yếu của quy hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong lưu vực sông.
1. Đánh giá tình hình, diễn biến, xác định nguyên nhân và phân vùng tác hại do nước gây ra trong lưu vực sông.
2. Đánh giá tổng quát hiệu quả các biện pháp công trình, phi công trình đã được xây dựng, hệ thống trên lưu vực để phòng, chống, giảm thiểu tác hại và khắc phục hậu quả do nước gây ra và ảnh hưởng của các biện pháp này đối với các vùng ngập lụt, vùng đất ngập nước, các vấn đề về bồi, xói lòng, bờ sông, vùng cửa sông, ven biển.
3. Xác định tiêu chuẩn phòng, chống lũ, lụt, hạn hán đối với toàn bộ lưu vực sông, từng vùng, từng tiểu lưu vực.
4. Kiến nghị việc điều chỉnh các thông số hoặc điều chỉnh quy trình vận hành hiện tại của các công trình phòng, chống, giảm thiểu tác hại và khắc phục hậu quả do nước gây ra (nếu có).
5. Xác định các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phòng, chống, giảm thiểu tác hại và khắc phục hậu quả do nước gây ra, hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán và các thiên tai khác.
6. Đề xuất biện pháp công trình, phi công trình để giảm thiểu tác hại, khắc phục hậu quả do nước gây ra, bảo vệ các khu vực có nguy cơ bị lũ, lụt, hạn hán; bảo tồn các vùng đất ngập nước, bảo đảm các tiêu chuẩn phòng, chống lũ, lụt, hạn hán đối với toàn bộ lưu vực sông, từng vùng, từng tiểu lưu vực.
7. Giải pháp và tiến độ thực hiện Quy hoạch.
Điều 17. Lập quy hoạch lưu vực sông
1. Trách nhiệm lập quy hoạch lưu vực sông:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch lưu vực sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch lưu vực sông đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh;
c) Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch lưu vực sông.
2. Đồ án quy hoạch lưu vực sông phải được lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và đại diện cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn lưu vực sông, trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch lưu vực sông.
Điều 18. Điều chỉnh quy hoạch lưu vực sông
1. Quy hoạch lưu vực sông được xem xét, điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau:
a) Có sự thay đổi lớn về các điều kiện tự nhiên trên lưu vực sông;
b) Có sự điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch lưu vực sông;
c) Có sự kiến nghị điều chỉnh của các Bộ, ngành hoặc Ủy ban Lưu vực sông hoặc Ủy ban nhân dân địa phương liên quan trong việc thực hiện quy hoạch lưu vực sông.
2. Thời hạn điều chỉnh quy hoạch lưu vực sông do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch lưu vực sông quyết định.
3. Nội dung điều chỉnh quy hoạch lưu vực sông phải dựa trên kết quả phân tích, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch lưu vực sông đã được phê duyệt, xác định những yếu tố ảnh hưởng đến việc điều chỉnh quy hoạch; phải bảo đảm tính kế thừa và chỉ điều chỉnh những nội dung thay đổi.
4. Việc lập, thẩm định và phê duyệt nội dung điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Điều 19. Tổ chức thực hiện quy hoạch lưu vực sông
1. Công bố quy hoạch lưu vực sông:
a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố quy hoạch lưu vực sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố quy hoạch lưu vực sông đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh;
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về nội dung và hình thức công bố quy hoạch lưu vực sông.
2. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch lưu vực sông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lập quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước của mình và phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong lưu vực sông chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch lưu vực sông đối với phần nội dung công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước trong trường hợp chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đó không phù hợp với quy hoạch lưu vực sông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Ủy ban Lưu vực sông quy định tại Điều 30 Nghị định này (sau đây gọi là Ủy ban Lưu vực sông) thảo luận, kiến nghị các biện pháp bảo đảm thực hiện hoặc điều chỉnh quy hoạch lưu vực sông; đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch lưu vực sông; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện.
5. Các hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế và tập thể, cộng đồng dân cư có trách nhiệm và được tạo điều kiện để thực hiện quyền giám sát, đề xuất các biện pháp cụ thể thực hiện quy hoạch lưu vực sông.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra thực hiện quy hoạch lưu vực sông; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các quy hoạch lưu vực sông trong cả nước.
Điều 20. Kinh phí lập và thực hiện quy hoạch lưu vực sông
1. Kinh phí lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch lưu vực sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh do ngân sách nhà nước cấp và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Kinh phí lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch lưu vực sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh do ngân sách nhà nước cấp và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh.
3. Kinh phí thực hiện quy hoạch lưu vực sông của các Bộ, ngành, địa phương được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật được sử dụng để lập và thực hiện quy hoạch lưu vực sông.
Điều 21. Lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch lưu vực sông
1. Chủ đầu tư phải nộp hồ sơ lưu trữ sau khi hồ sơ đồ án quy hoạch lưu vực sông được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước các cấp có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ về quy hoạch lưu vực sông theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
3. Cơ quan lưu trữ hồ sơ đồ án quy hoạch lưu vực sông có trách nhiệm cung cấp tài liệu lưu trữ cho cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Chương IV
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC LƯU VỰC SÔNG
Điều 22. Kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và bảo vệ chất lượng nước trên lưu vực
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm:
a) Tổ chức quan trắc, đo đạc thường xuyên nguồn thải;
b) Kiểm tra, giám sát các điểm xả nước thải vào nguồn nước bảo đảm lượng thải và chất lượng nước thải đáp ứng khả năng tiếp nhận nước thải và mục tiêu chất lượng nước của từng sông, đoạn sông, hồ, đầm phá và vùng đất ngập nước trong lưu vực sông;
c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước do mình quản lý hoặc trực tiếp khai thác, sử dụng;
d) Xây dựng cơ sở dữ liệu nước thải xả vào nguồn nước và đăng ký vào Danh bạ dữ liệu môi trường – tài nguyên nước lưu vực sông.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước, xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng môi trường nước và thông tin về chất lượng các nguồn nước, các nguồn xả thải trên lưu vực sông;
b) Quy định về bảo vệ hành lang sông đối với các nguồn nước nhạy cảm, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; về bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực hành lang sông và vùng cửa sông, ven biển;
c) Hướng dẫn các giải pháp phục hồi chất lượng nước trong trường hợp môi trường nước bị ô nhiễm, suy thoái.
Điều 23. Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông
1. Lập kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông:
a) Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông được lập theo kỳ hạn năm (05) năm một lần;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông có sắp xếp thứ tự ưu tiên trên cơ sở Quy hoạch lưu vực sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông có sắp xếp thứ tự ưu tiên trên cơ sở Quy hoạch lưu vực sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh;
d) Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông phải được lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và đại diện cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn lưu vực sông.
2. Thông báo kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích trên lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo cho các Ban, ngành thuộc phạm vi quản lý, các cơ quan liên quan kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh;
c) Nội dung, hình thức thông báo kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông do cơ quan có thẩm quyền thông báo quyết định.
3. Thực hiện kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông:
a) Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông là cơ sở để lập chương trình, dự án bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành, địa phương;
b) Các Bộ, ngành, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo điều chỉnh chương trình, kế hoạch, dự án, chế độ xả nước thải thuộc phạm vi quản lý phù hợp với kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông;
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 24. Ứng phó và khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông
1. Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông:
a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm xây dựng các phương án và trang bị đầy đủ các thiết bị phòng, chống, ứng phó sự cố môi trường nước do mình gây ra;
b) Khi xảy ra sự cố môi trường nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường nước ngoài, việc bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm bồi thường để khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái trước mắt và phục hồi, cải tạo môi trường về lâu dài.
d) Trong trường hợp xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng địa phương có trách nhiệm phối hợp giảm thiểu tác hại do sự cố gây ra, xác định rõ nguồn gốc, cơ sở, cá nhân gây sự cố; giám sát, đánh giá mức độ suy giảm chất lượng môi trường nước lưu vực sông, các thiệt hại do sự cố gây ra để có căn cứ yêu cầu cơ sở, cá nhân gây sự cố bồi thường thiệt hại.
2. Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nước lưu vực sông xuyên quốc gia:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý và thông báo kịp thời Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan tại quốc gia xảy ra sự cố môi trường nước xuyên quốc gia để tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn và khắc phục hậu quả phù hợp với cam kết, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chương V
ĐIỀU HOÀ, PHÂN BỔ TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ CHUYỂN NƯỚC
ĐỐI VỚI CÁC LƯU VỰC SÔNG
Điều 25. Duy trì dòng chảy tối thiểu trên lưu vực sông
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định việc xác định dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên lưu vực sông.
2. Xác định dòng chảy tối thiểu trong sông:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, khảo sát và xác định dòng chảy tối thiểu trong sông hoặc đoạn sông đối với từng nguồn nước trong lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
b) Đối với các lưu vực sông quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Chính phủ đàm phán, thống nhất với các nước có chung nguồn nước quốc tế về mức duy trì dòng chảy tối thiểu trên dòng chính của lưu vực sông.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, khảo sát và xác định dòng chảy tối thiểu trong sông hoặc đoạn sông đối với từng nguồn nước trong lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh;
d) Dòng chảy tối thiểu trong sông hoặc đoạn sông phải được công bố công khai, lấy ý kiến các tổ chức kinh tế liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước và đại diện cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn lưu vực sông.
3. Thẩm quyền công bố dòng chảy tối thiểu duy trì trong sông:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố dòng chảy tối thiểu trong sông hoặc đoạn sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố dòng chảy tối thiểu trong sông hoặc đoạn sông đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh.
4. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo điều chỉnh chương trình, kế hoạch, dự án, chế độ khai thác, sử dụng tài nguyên nước của mình bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trong sông hoặc đoạn sông đã được công bố.
Điều 26. Điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trên lưu vực sông
1. Lập kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước:
a) Kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước lưu vực sông được lập theo kỳ hạn năm (05) năm một lần;
b) Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức kinh tế có khai thác, sử dụng tài nguyên nước có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban Lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường kế hoạch nhu cầu sử dụng nước từng năm của mình trong thời kỳ năm (05) năm đối với từng nguồn nước trên lưu vực;
c) Đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng khác nhau trên cơ sở quy hoạch lưu vực sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, khả năng thực tế của nguồn nước, yêu cầu duy trì dòng chảy tối thiểu trong sông, dự báo tình hình biến đổi dòng chảy các năm tiếp theo trên lưu vực của cơ quan khí tượng thủy văn và nhu cầu sử dụng nước của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức kinh tế;
d) Đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng khác nhau trên cơ sở quy hoạch lưu vực sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, khả năng thực tế của nguồn nước, mức dòng chảy tối thiểu trong sông, dự báo tình hình biến đổi dòng chảy các năm tiếp theo trên lưu vực của cơ quan khí tượng thủy văn và nhu cầu sử dụng nước của các Bộ, ngành, địa phương các tổ chức kinh tế;
đ) Kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước phải được công bố công khai, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các tổ chức kinh tế liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước và đại diện cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn lưu vực sông.
2. Thông báo kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có diện tích nằm trong lưu vực sông kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trên lưu vực đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo các Ban, ngành thuộc phạm vi quản lý, các cơ quan, đơn vị liên quan khác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh;
c) Nội dung, hình thức thông báo kế hoạch điều hoà, phân bổ tài nguyên nước trên lưu vực sông do cơ quan có thẩm quyền thông báo quyết định.
3. Thực hiện kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước:
a) Các Bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc xem xét, điều chỉnh chương trình, kế hoạch, dự án, chế độ khai thác, sử dụng tài nguyên nước của mình phù hợp với kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trên lưu vực sông và khả năng đáp ứng thực tế của nguồn nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo;
b) Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước hoặc ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, Ủy ban Lưu vực sông phải kiến nghị ngay với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước theo thứ tự ưu tiên đã được phê duyệt trong quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trong lưu vực sông được quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này và thông báo kịp thời việc điều chỉnh kế hoạch điều hoà, phân bổ tài nguyên nước, thời kỳ hiệu lực của sự điều chỉnh cho các cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan trên lưu vực sông;
c) Trường hợp cơ quan, tổ chức liên quan và địa phương nằm trong lưu vực sông không nhất trí với nội dung điều chỉnh kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước thì kiến nghị với cơ quan ra thông báo để xem xét, quyết định;
d) Trong tình trạng khẩn cấp, phải thực hiện điều hòa, phân bổ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Điều 27. Chuyển nước lưu vực sông
1. Căn cứ lập dự án chuyển nước giữa các lưu vực sông:
a) Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia;
b) Quy hoạch lưu vực sông, duy trì dòng chảy tối thiểu, kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trên các lưu vực sông;
c) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nằm trong các lưu vực sông liên quan;
d) Khả năng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước và tác động môi trường;
đ) Cam kết, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đối với trường hợp dự án chuyển nước giữa các lưu vực sông quốc tế.
2. Lấy ý kiến, thẩm định dự án chuyển nước giữa các lưu vực sông:
a) Dự án chuyển nước liên quan đến lưu vực sông nào thì phải lấy ý kiến Ủy ban Lưu vực sông đó trong quá trình lập, phê duyệt dự án chuyển nước lưu vực sông;
b) Dự án chuyển nước giữa các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổ chức cá nhân phải gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư theo phân cấp quản lý đầu tư xây dựng công trình;
c) Dự án chuyển nước giữa các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục sông nội tỉnh của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổ chức, cá nhân phải gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thẩm định trước khi xin chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư theo phân cấp quản lý đầu tư xây dựng công trình.
Chương VI
HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
VỀ LƯU VỰC SÔNG
Điều 28. Hợp tác quốc tế về lưu vực sông
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện hợp tác quốc tế về lưu vực sông, có nhiệm vụ:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế về lưu vực sông theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các cam kết, Điều ước quốc tế liên quan đến tài nguyên nước; việc thu thập, trao đổi dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước lưu vực sông theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
c) Đại diện cho Chính phủ Việt Nam trong việc chủ trì đàm phán các văn bản pháp lý quốc tế về tài nguyên nước; tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế về tài nguyên nước và môi trường lưu vực sông;
d) Theo dõi tình hình các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến lưu vực sông mà Việt Nam là thành viên.
2. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ:
a) Xây dựng, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác quốc tế và thực hiện các Điều ước quốc tế về lưu vực sông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công;
b) Gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tình hình hợp tác quốc tế và thực hiện Điều ước quốc tế về lưu vực sông để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 29. Gia nhập tổ chức lưu vực sông quốc tế
1. Việc gia nhập tổ chức lưu vực sông quốc tế được thực hiện theo pháp luật về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia các tổ chức lưu vực sông quốc tế. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ về việc cử đại diện tại tổ chức lưu vực sông quốc tế; quyết định việc cử chuyên gia làm việc tại tổ chức hợp tác lưu vực sông quốc tế.
Chương VII
TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI LƯU VỰC SÔNG
Điều 30. Ủy ban Lưu vực sông
1. Chức năng của Ủy ban Lưu vực sông:
a) Ủy ban Lưu vực sông có chức năng giám sát, điều phối hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện quy hoạch lưu vực sông; đề xuất ban hành các chính sách, kiến nghị các giải pháp về bảo vệ môi trường nước, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước, phòng, chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông;
b) Phạm vi chịu trách nhiệm của Ủy ban Lưu vực sông có thể là một lưu vực sông hoặc một nhóm lưu vực sông.
2. Tổ chức Ủy ban Lưu vực sông:
a) Ủy ban Lưu vực sông được thành lập đối với lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn hoặc lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông liên tỉnh quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định này. Lưu vực sông lớn có nhiều tiểu lưu vực sông liên tỉnh thì có thể thành lập Tiểu ban Lưu vực sông liên tỉnh;
b) Đối với lưu vực sông nội tỉnh, việc điều phối các hoạt động bảo vệ môi trường nước, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước, phòng, chống và giảm thiểu tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo.
3. Thành phần Ủy ban Lưu vực sông:
a) Ủy ban Lưu vực sông lớn gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của một số tỉnh có lãnh thổ nằm trong lưu vực sông, đại diện một số đơn vị quản lý công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có quy mô lớn (nếu có) do một Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Chủ tịch Ủy ban.
b) Ủy ban Lưu vực sông liên tỉnh hoặc Tiểu ban Lưu vực sông liên tỉnh gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các tỉnh có lãnh thổ nằm trong lưu vực sông, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan khác và các đơn vị quản lý công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có quy mô lớn (nếu có) trong lưu vực sông. Chủ tịch Ủy ban là một lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do các tỉnh có lãnh thổ nằm trong lưu vực sông cử với nhiệm kỳ 02 năm theo chế độ luân phiên giữa các tỉnh;
4. Thẩm quyền thành lập Ủy ban Lưu vực sông:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Lưu vực sông đối với lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Ủy ban Lưu vực sông đối với lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông liên tỉnh hoặc Tiểu ban Lưu vực sông liên tỉnh theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tài nguyên nước;
Điều 31. Văn phòng lưu vực sông
1. Văn phòng lưu vực sông có nhiệm vụ giúp Ủy ban Lưu vực sông thực hiện các nhiệm vụ được Ủy ban giao, đặt tại một đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Thẩm quyền thành lập Văn phòng lưu vực sông:
a) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập Văn phòng lưu vực sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
b) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, biên chế của Văn phòng lưu vực sông.
Điều 32. Kinh phí hoạt động của Ủy ban Lưu vực sông và Văn phòng lưu vực sông
1. Kinh phí từ ngân sách nhà nước:
a) Kinh phí hoạt động của Ủy ban Lưu vực sông, bố trí trong phạm vi dự toán chi của Bộ, cơ quan có thành viên đại diện trong Ủy ban;
b) Kinh phí hoạt động của Văn phòng lưu vực sông, bố trí trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được giao hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.
3. Tài trợ của các tổ chức quốc tế, nước ngoài.
4. Các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Chương VIII
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ LƯU VỰC SÔNG
Điều 33. Bộ Tài nguyên và Môi trường
Là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lưu vực sông trên phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
1. Trình Thủ tướng Chính phủ:
a) Ban hành Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;
b) Thành lập các Ủy ban Lưu vực sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn;
c) Phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch lưu vực sông; kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông; kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trong lưu vực đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn;
d) Giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước giữa các Bộ, ngành, địa phương, tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lưu vực sông trên các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn.
2. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá về lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch lưu vực sông; quy chế làm việc mẫu của Ủy ban Lưu vực sông.
3. Ban hành Danh mục lưu vực sông nội tỉnh, thành lập Ủy ban Lưu vực sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông liên tỉnh.
4. Phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch lưu vực sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông liên tỉnh.
5. Tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch lưu vực sông và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh.
6. Tổ chức lập và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch sau khi được phê duyệt đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh, bao gồm:
a) Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông;
b) Kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước.
7. Công bố dòng chảy tối thiểu duy trì trong sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh.
8. Thẩm định các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong lưu vực sông của các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh.
9. Thực hiện hợp tác quốc tế và các Điều ước quốc tế quy định tại Chương VI Nghị định này; giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước giữa các Bộ, ngành, địa phương, tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông liên tỉnh.
Điều 34. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý các ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước có trách nhiệm:
1. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Ủy ban Lưu vực sông trong việc xây dựng quy hoạch lưu vực sông.
2. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước chuyên ngành của mình phù hợp với quy hoạch lưu vực sông, kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông, kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Cử đại diện có thẩm quyền tham gia Ủy ban Lưu vực sông theo quy định của Nghị định này.
4. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch lưu vực sông về việc xem xét, sửa đổi hoặc điều chỉnh quy hoạch lưu vực sông khi thấy cần thiết.
Điều 35. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
1. Đề xuất bảo đảm cân đối nhu cầu vốn đầu tư cho việc lập, thực hiện các quy hoạch lưu vực sông.
2. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để đầu tư thực hiện các quy hoạch lưu vực sông.
3. Vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đầu tư bảo vệ, phát triển bền vững lưu vực sông.
Điều 36. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch lưu vực sông và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh.
2. Tổ chức lập và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch sau khi được phê duyệt đối với các lưu vực sông Danh mục lưu vực sông nội tỉnh, bao gồm:
a) Kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông;
b) Kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước.
3. Công bố dòng chảy tối thiểu duy trì trong sông đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh.
4. Thẩm định các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ trong các lưu vực sông nội tỉnh.
5. Giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước giữa các Bộ, ngành, địa phương, tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lưu vực sông trong lưu vực sông nội tỉnh.
6. Thông báo kế hoạch quản lý, tình hình bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh cho:
a) Tiểu ban Lưu vực sông liên tỉnh tương ứng trong trường hợp tỉnh có diện tích nằm trong lưu vực sông lớn.
b) Ủy ban Lưu vực sông liên tỉnh tương ứng trong trường hợp tỉnh có diện tích nằm trong lưu vực sông liên tỉnh.
7. Định kỳ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc thực hiện quản lý lưu vực sông nội tỉnh.
Điều 37. Hội đồng Quốc gia về tài nguyên nước
1. Cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch lưu vực sông và kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn.
2. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tranh chấp khai thác, sử dụng tài nguyên nước giữa các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Đề xuất các chính sách, cơ chế về quản lý lưu vực sông.
Điều 38. Ủy ban Lưu vực sông
1. Tổ chức thẩm định đối với nhiệm vụ, đồ án các quy hoạch lưu vực sông và quy hoạch của các tiểu lưu vực trong lưu vực sông; kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường nước và phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm trên lưu vực sông; kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước; mức yêu cầu duy trì dòng chảy tối thiểu trong sông; các dự án chuyển nước giữa các vùng, các tiểu lưu vực trong lưu vực, các dự án chuyển nước hay tiếp nhận nước của lưu vực với các lưu vực sông khác.
2. Điều hòa, phối hợp hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án về tài nguyên nước trong lưu vực sông.
3. Đề xuất mức thuế sử dụng tài nguyên nước, mức thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân trong lưu vực theo quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường nước, khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông.
4. Giám sát việc thực hiện quy hoạch lưu vực sông; kiến nghị với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong lưu vực và Bộ Tài nguyên và Môi trường các biện pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, khắc phục sự cố môi trường trong lưu vực, việc sửa đổi, điều chỉnh quy hoạch lưu vực sông khi thấy cần thiết.
5. Tổ chức xây dựng Cơ sở dữ liệu và Danh bạ dữ liệu môi trường, tài nguyên nước lưu vực sông.
6. Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nước, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong lưu vực sông, phát triển bền vững lưu vực sông.
7. Kiến nghị phương án giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước trong lưu vực sông với cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
8. Định kỳ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện quy hoạch lưu vực sông, tình hình thực hiện các kế hoạch quy định tại Nghị định này.
Chương IX
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 39. Thanh tra, kiểm tra
1. Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường thực hiện chức năng thanh tra quản lý lưu vực sông.
2. Nội dung thanh tra, kiểm tra:
a) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý lưu vực sông;
b) Phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý lưu vực sông;
c) Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về quản lý lưu vực sông.
3. Việc thanh tra hoạt động quản lý lưu vực sông thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Điều 40. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý lưu vực sông.
2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý lưu vực sông thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Trong thời gian khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện, tổ chức, cá nhân vẫn phải thi hành quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý lưu vực sông. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động quản lý lưu vực sông của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thì thi hành theo các quyết định, bản án đó.
Điều 41. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý lưu vực sông.
2. Tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trên lưu vực sông, cản trở việc thực hiện quản lý lưu vực sông theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương X
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 42. Hướng dẫn thi hành
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.
Điều 43. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng