Xử phạt nhà máy gây ô nhiễm môi trường như thế nào?

Câu hỏi:

Dạ thưa Luật sư! Nhà em ở đối diện với một dãy nhà máy sấy lúa, lò sấy chỉ cách 1 con sông nhỏ. Vào mùa gió thì nào là khói bụi từ nhà máy lò sấy rồi từ những máy hút trấu từ dưới sông lên, khói bụi cứ bay thẳng vào nhà em và các nhà kế bên. Bụi bám vào quần áo nhà cửa gây ngứa cho người dân xung quanh làm cho một số trẻ em bị viêm mũi bị đau mắt vì bụi. Còn về ô nhiễm âm thanh từ những máy hút trấu hoạt động cả ngày đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người dân. Họ hoạt động quanh năm không kể ngày đêm nhưng họ không có 1 cách khắc phục nào. Người dân phải tự khắc phục bằng cách che chắn bằng màng, có cả phun sương mà không hề hấn gì. Ngày qua ngày, năm này sang năm khác, nó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi em đang sống..Vậy thưa Luật sư, phải làm thế nào để chính quyền có thể can thiệp vào vấn đề này. Với mức độ ô nhiễm như vậy thì chủ nhà máy đấy có bị xử lý hay không?  Nếu xữ lý thì mức phạt sẽ là bao nhiêu ạ? Và mức độ thế nào thì nhà máy sẽ ngưng hoạt động ạ?

Trả lời:

Trên thực tế, phải căn cứ vào hành vi vi phạm pháp luật của nhà máy sấy lúa, và các lò sấy gây ô nhiễm là hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí để từ đó có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Theo Điều 19 Nghị định 155/2016/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể bị phạt tiền tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Người thực hiện hành vi vi phạm buộc phải khôi phục tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định, thực hiện các biện pháp khắc phục và chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc, phân tích mẫu môi trường.

Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tù lên tới 7 năm, phạt tiền lên tới 3 tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm đối với cá nhân.

Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tiền lên tới 20 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định 1 - 3 năm, hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự, Điều 602 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.”

Do đó, khi nhà máy sấy lúa có hành vi gây ô nhiễm và khi có đủ căn cứ chứng minh việc xả thải của nhà máy này ra môi trường là hành vi vi phạm thì bạn hoặc cư dân gần đó có quyền làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường của nhà máy sấy này đến Thanh tra bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc Cơ quan điều tra công an cấp huyện nơi nhà máy ở khu vực của bạn sinh sống để được giải quyết theo quy định.

Vũ Văn Toàn

Được tư vấn bởi: Luật sư Vũ Văn Toàn

Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

0978994377

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật