Doanh nghiệp xả thải trái phép vào môi trường bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi:
Một doanh nghiệp xả thải trái phép và gây hậu quả nguy hại tới môi trường thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Các doanh nghiệp vi phạm thì có bị cưỡng chế đóng cửa không cho phép hoạt động nữa hay không?

Trả lời:

Trách nhiệm bảo vệ môi trường là của mọi cá nhân, tổ chức và cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, nghiêm cấm các hành vi có thể gây nguy hại gồm cả chất thải rắn, lỏng, khí vào môi trường và làm ảnh hưởng tới môi trường. Cụ thể:

- Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

- Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.

- Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Do đó, việc xả thải trái phép và gây hậu quả nguy hại tới môi trường, tùy vào mức độ, tính chất sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng 02 hình thức xử phạt hành chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng có thời hạn với “giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả thải khí thải công nghiệp…”.

Lúc này, những hoạt động của công ty tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm dừng cho đến hết thời hạn xử lý. Như vậy, việc tước giấy phép xử lý chất thải chỉ tạm dừng những hoạt động có liên quan đến quá trình xả thải của doanh nghiệp. Còn những hoạt động khác thì vẫn được phép hoạt động bình thường.

Ví dụ: Một công ty có đăng ký kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất nhập khẩu gang thép. Thì khi xả thải gây ô nhiễm và bị phạt tiền cũng như tước Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thì mọi hoạt động sản xuất gang thép của doanh nghiệp này phải dừng lại. Còn hoạt động mua bán, xuất nhập khẩu gang, thép thì vẫn được tiếp tục diễn ra.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự hiện nay, pháp nhân thương mại nếu có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà bị phạt tiền, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

- Phạt tiền: Từ 03 - 20 tỷ đồng;

- Tạm đình chỉ: Từ 06 tháng - 03 năm;

- Đình chỉ vĩnh viễn: Khi việc xả rác thải gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi tường hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Nguyễn Trọng Nghĩa

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa

Công ty Luật TNHH LSX

https://lsx.vn/- 0833102102

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật