Quyết định 1682/QĐ-BGTVT 2023 công bố công khai dự toán ngân sách năm 2024

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Quyết định 1682/QĐ-BGTVT

Quyết định 1682/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc công bố công khai dự toán ngân sách năm 2024
Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông Vận tảiSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:1682/QĐ-BGTVTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Nguyễn Duy Lâm
Ngày ban hành:22/12/2023Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
__________

Số: 1682/QĐ-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2023

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc công bố công khai dự toán ngân sách năm 2024

__________________

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24/08/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Công bố công khai số liệu dự toán ngân sách năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải (chi tiết theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ gửi kèm).

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc khẩn trương trình kết quả rà soát việc phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 (nguồn kinh phí thường xuyên) của đơn vị như chỉ đạo tại Công văn số 13625/BGTVT-TC ngày 29/11/2023 của B.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;

- Bộ trưởng (để b/c);

- Các Thứ trưởng;

- Bộ Tài chính;

- Các đơn vị trực thuộc Bộ;

- Cổng TTĐT Bộ GTVT (để công khai);

- Tpublic Bộ GTVT (để công khai);

- Lưu: VT, TC (Bổng).

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Nguyễn Duy Lâm

 

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
__________

Số: 13625/BGTVT-TC

V/v rà soát việc phân bổ dự toán thu,

chi ngân sách nhà nước năm 2024

(nguồn kinh phí thường xuyên)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2023

 

 

Kính gửi:

 

- Các Vụ: Tổ chức cán bộ, Tài chính, Vận tải, Kết cấu hạ tầng giao thông, Khoa học - Công nghệ và Môi trường;

- Các Cục thuộc Bộ;

- Văn phòng Bộ; Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia;

- Các trường đào tạo, Học viện thuộc Bộ;

- Các Viện nghiên cứu thuộc Bộ;

- Thanh tra Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin;

- Báo Giao thông; Tạp chí Giao thông vận tải;

- Các Tổng công ty: Đường sắt Việt Nam; Bảo đảm ATHH miền Bắc; Bảo đảm ATHH miền Nam;

- Công ty Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam;

- Các Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải và Xây dựng) nhận kinh phí ủy quyền quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

 

Để đảm bảo thời gian triển khai thực hiện việc phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng thời gian quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ hướng dẫn tại Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan, chủ động triển khai:

I. Rà soát, trình phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước

Căn cứ nội dung xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 của các đơn vị; trên cơ sở số đã thực hiện năm 2023 (tính đến tháng 11 và ước thực hiện cả năm) cũng như các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các nhiệm vụ được giao. Các đơn vị thực hiện rà soát, trình hồ sơ đề nghị phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 (phần chi thường xuyên) cho đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc (kèm theo các tài liệu thuyết minh cơ sở phân bổ, giao dự toán theo mẫu biểu số 36 đến mẫu biểu số 47 phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 342/2016/TT-BTC), trong đó lưu ý:

1. Chi sự nghiệp kinh tế

Các cơ quan, đơn vị căn cứ kế hoạch nhu cầu kinh phí đã được Bộ GTVT chấp thuận khi xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2024, khả năng bố trí ngân sách năm 2023, dự kiến khả năng cân đối ngân sách năm 20241, chủ động hoàn chỉnh kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và các kế hoạch khác có liên quan sử dụng nguồn chi sự nghiệp kinh tế (như: kế hoạch chi đảm bảo trật tự an toàn giao thông; chi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, phòng, chống khủng bố ...), làm cơ sở cho việc giao dự toán chi ngân sách năm 2024 trước ngày 31/12/2023 theo quy định.

Căn cứ khối lượng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chế độ, định mức chi, giá đặt hàng (nếu có); các đơn vị trình hồ sơ đề nghị phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024, báo cáo chi tiết theo từng nội dung chi, thuyết minh rõ cơ sở tính toán, tính cấp thiết, sự cần thiết, thứ tự ưu tiên, gửi kèm các hồ sơ, tài liệu thuyết minh số đề nghị phân bổ, giao dự toán chi ngân sách năm 2024 theo quy định.

2. Chi quản lý hành chính

- Đối với kinh phí thực hiện tự chủ, cần thuyết minh rõ các nội dung:

+ Số biên chế năm 2024 được cơ quan có thẩm quyền giao, trong đó số biên chế thực có mặt đến thời điểm rà soát, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu được duyệt (nếu có); mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo Quyết định số 2294/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

+ Quỹ tiền lương, phụ cấp theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng, bao gồm: Quỹ tiền lương, phụ cấp tính theo số biên chế được duyệt, tính theo thực có mặt tính đến thời điểm rà soát (xác định trên cơ sở mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo chế độ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn); cung cấp kèm theo bảng lương tháng 11/2023; quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt nhưng chưa tuyển (hệ số lương 2,34/ biên chế).

- Đối với kinh phí không tự chủ: Báo cáo chi tiết theo từng nội dung chi, thuyết minh tính cần thiết, thứ tự ưu tiên, gửi kèm theo các hồ sơ, tài liệu, thuyết minh cơ sở đề xuất giao dự toán các khoản chi đặc thù, chi không tự chủ (nếu có).

3. Chi sự nghiệp đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, môi trường

- Chi thường xuyên tự chủ: Căn cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước làm thay đổi dự toán thu, chi của đơn vị (lộ trình tăng học phí, lộ trình tăng tính tự chủ trong đảm bảo chi hoạt động thường xuyên2, lộ trình cải cách tiền lương...), các đơn vị sự nghiệp nhóm 3 và nhóm 4 khn trương xác định dự toán chi thường xuyên giao tự chủ năm 2024 đề nghị ngân sách nhà nước cấp theo quy định.

- Chi thường xuyên không tự chủ: Các cơ quan, đơn vị rà soát, báo cáo chi tiết theo từng nội dung chi, trong đó sắp xếp ưu tiên cho các nhiệm vụ thực hiện chính sách của Nhà nước (như: đào tạo lại, miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số... nhiệm vụ khoa học và công nghệ, môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…); thuyết minh tính cần thiết, cơ sở pháp lý, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, gửi kèm theo các hồ sơ, tài liệu và thuyết minh (nếu có).

II. Rà soát, trình phân bổ dự toán thu, chi phí, lệ phí

- Các cơ quan, đơn vị đánh giá khả năng thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2023; bám sát dự toán ngân sách năm 2024 đã lập, báo cáo, đề nghị giao dự toán thu cụ thể theo từng loại phí, lệ phí (chi tiết số thu, số được để lại chi theo chế độ, số nộp ngân sách nhà nước)3.

- Chi từ nguồn thu phí được để lại: Căn cứ vào các quy định cụ thể về mức được để lại chi của từng loại phí, các đơn vị rà soát dự toán chi được để lại cho phù hợp và chi tiết cho từng loại phí (chi thường xuyên giao tự chủ/ chi thường xuyên không giao tự chủ), trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt các nội dung chi (nếu có), làm cơ sở cho việc trình, phân bổ, giao hết dự toán chi cho số phí được để lại trước ngày 31/12/2023 theo quy định.

III. Các nội dung khác

1. Ngoài các nội dung nêu trên, các cơ quan, đơn vị khi rà soát dự toán chi (ngân sách, phí được để lại) cần lưu ý một số nội dung sau:

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên phục vụ hoạt động sự nghiệp theo các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao: Ưu tiên bố trí dự toán cho các chương trình, dự án đang thực hiện dở dang theo tiến độ phải hoàn thành trong năm 2024; các chương trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo cần ưu tiên tổ chức thực hiện.

- Đối với kinh phí để thực hiện mua sắm, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất, cần chú ý: Hồ sơ, tài liệu gửi kèm đảm bảo đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/07/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Thẩm quyền phê duyệt phải đảm bảo theo đúng quy định của Luật Quản lý tài sản công và các văn bản hướng dẫn.

2. Về chương trình mục tiêu và các đề xuất chi khác (nếu có)

Trong thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị có đề xuất nội dung chi chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia4, đề án5... tuy nhiên hồ sơ đề xuất của đơn vị gửi trực tiếp qua các Bộ chủ quản chương trình (như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...) gây khó khăn cho công tác tng hợp và giao dự toán theo quy định. Để thực hiện việc phân bổ và giao dự toán chi ngân sách năm 2024, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị căn cứ nội dung đã đề xuất với Bộ chủ quản chương trình, gửi hồ sơ đề nghị phân bổ dự toán (kèm theo hồ sơ chương trình, đề án nếu có) về Bộ GTVT để có cơ sở xem xét, triển khai phân bổ và giao dự toán chi cho đơn vị theo quy định.

IV. Tổ chức thực hiện

Để đảm bảo thời gian triển khai thực hiện việc phân bổ, giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 trước ngày 31/12/2023 theo quy định, Bộ GTVT yêu cầu:

- Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm rà soát, trình phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 (bao gồm các hồ sơ, tài liệu theo quy định kèm theo), báo cáo Bộ GTVT trước ngày 05/12/2023, trong đó:

+ Các doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm phối hợp với các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành để rà soát, trình phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 đúng thời hạn yêu cầu.

+ Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước6, các Sở GTVT (Sở GTVT và Xây dựng) được ủy quyền quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình Bộ GTVT hồ sơ đề nghị phân bổ và giao dự toán chi cho việc thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông năm 2024.

- Đối với một số nhiệm vụ cần phê duyệt kế hoạch để triển khai thực hiện như: Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; kế hoạch nhiệm vụ, tuyển chọn hoặc xét chọn nội dung và kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, môi trường; kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức; kế hoạch thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; kế hoạch tinh giản biên chế....: Giao các Vụ: T chức cán bộ, Kết cấu hạ tầng giao thông, Vận tải, Khoa học - Công nghệ và Môi trường… theo chức năng nhiệm vụ chủ động tham mưu, chỉ đạo các cơ quan đơn vị để hoàn thành việc phê duyệt kế hoạch (nếu có), làm cơ sở cho các đơn vị rà soát, trình phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 05/12/2023.

- Giao Vụ Tài chính chủ động triển khai thông báo số dự toán năm 2024 của Bộ GTVT khi được Bộ Tài chính giao dự toán chi ngân sách.

- Trên cơ sở hồ sơ trình phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 của các đơn vị và các tài liệu có liên quan, Vụ Tài chính tham mưu việc phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 trước ngày 31/12/2023 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng trong việc trình hoặc làm ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước.

Yêu cầu các cơ quan đơn vị, khn trương thực hiện./.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Các Thứ trưởng (để c/đ);

- Lưu VT, TC (Bổng)

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

Nguyễn Văn Thắng

____________________________

1 Bộ GTVT xây dựng dự toán chi sự nghiệp kinh tế năm 2024 phương án tính đủ là 56.892.176 triệu đồng; phương án tối thiểu là 28.268.071 triệu đồng, Bộ Tài chính thông báo số kiểm tra dự kiến chi thường xuyên ngân sách nhà nước là 10.061.040 triệu đồng.

2 Theo quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 19, Thông tư số 51/2023/TT-BTC ngày 17/07/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026.

3 Lưu ý: Không đưa vào dự toán thu, chi phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước các khoản thu mang tính chất giá dịch vụ (kể cả các khoản trước đây là phí nhưng nay đã chuyển thành giá dịch vụ).

4 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

5 Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo.

6 “Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngân sách cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngân sách cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình thì cơ quan ủy quyền thực hiện phân bổ, giao dự toán cho cơ quan được ủy quyền như đối với các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc của mình chi tiết theo từng nhiệm vụ được ủy quyền ”

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
__________

Số: 1600/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2023

 

 

QUYẾT ĐỊNH
Về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

_______________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội khóa VI về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024;

Căn cứ Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội khóa XV về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024;

Căn cứ Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 19 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội khóa XV về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi tắt là các bộ, cơ quan trung ương) và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (địa phương) theo các Phụ lục kèm theo như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 13584/BTC-NSNN ngày 07 tháng 12 năm 2023 và văn bản số 13629/BTC-NSNN ngày 09 tháng 12 năm 2023. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Điều 2. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, gồm các nhiệm vụ thu, chi sau:

1. Đối với các bộ, cơ quan trung ương:

a) Dự toán thu phí, lệ phí; số phí, lệ phí nộp NSNN và số chi từ nguồn thu phí để lại.

b) Thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

c) Chi nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

d) Chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức.

đ) Chi thường xuyên vốn ngoài nước (chi tiết vốn vay, viện trợ).

e) Chi thường xuyên vốn trong nước; chi tiết một số khoản kinh phí sau:

- Kinh phí trích tương ứng theo tỷ lệ % các khoản thu qua công tác thanh tra, kiểm toán đã thực nộp ngân sách nhà nước của một số bộ, cơ quan trung ương và thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; kinh phí khoán chi của một số cơ quan ngành dọc.

- Kinh phí thực hiện một số chương trình, chính sách mà pháp luật chuyên ngành quy định cơ quan chủ trì xây dựng phương án phân bổ cụ thể cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.

- Kinh phí ủy quyền cho các địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội trong các lĩnh vực: bảo đảm xã hội, y tế, dân số và gia đình.

- Các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, duy tu, bảo trì kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa; nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Đối với các địa phương:

a) Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi tiết: (i) thu nội địa (trong đó chi tiết dự toán thu theo từng khoản thu, sắc thuế, từng lĩnh vực, bao gồm cả các khoản thu được loại trừ khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách chính sách tiền lương); (ii) thu từ dầu thô; (iii) thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (chi tiết từng sắc thuế).

b) Dự toán chi ngân sách địa phương theo các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ đã giao; đồng thời giao thêm:

- 10% tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024 tăng so với năm 2023 dành để thực hiện cải cách tiền lương.

- 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, các khoản được loại trừ khi tính tăng thu dành để thực hiện cải cách tiền lương) dự toán năm 2024 so với dự toán năm 2023.

c) Tổng mức vay, vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc, mức bội chi của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

d) Bổ sung có mục tiêu chi thường xuyên ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo từng mục tiêu, nhiệm vụ theo mức dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Điều 3. Triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024:

1. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện dự toán ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

2. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi quản lý được giao, có nhiệm vụ:

a) Chỉ đạo quyết liệt có hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; quản lý chặt chẽ đối tượng hoàn thuế đảm bảo đúng quy định của pháp luật; thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật;...; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về tài chính trong lĩnh vực đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất, tiền thuê đất giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; có giải pháp củng cố, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

b) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn cho đầu tư phát triển; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phương án tự chủ tài chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện. Xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp. Nghiên cứu chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hàng năm do nguyên nhân chủ quan.

c) Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ; đánh giá, dự báo rủi ro về khả năng vay, khả năng trả nợ để có phương án quản lý, điều hành hiệu quả ngân sách nhà nước; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả khi mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2024 đã được quyết định.

d) Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:

- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến ngày 30 tháng 6 năm 2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù đảm bảo không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Giao các bộ, cơ quan trung ương là cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước hoặc có cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc hoặc trực thuộc, đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ khung pháp lý về cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, trình cấp có thẩm quyền trước ngày 01 tháng 4 năm 2024 để bãi bỏ từ ngày 01 tháng 7 năm 2024; tính toán lại nhu cầu kinh phí, nguồn thực hiện, đề xuất việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2024 (nếu cần), gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 01 tháng 4 năm 2024 để theo chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, trình Chính phủ, báo cáo các cấp thẩm quyền để thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

3. Năm 2024, thực hiện quản lý một số khoản thu, nhiệm vụ chi như sau:

a) Thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2024 theo quy định tại Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội; phân chia thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước đối với năm 2024 và 2025 trên cơ sở sản lượng xăng, dầu sản xuất, bán ra trong nước so với tổng sản lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thị trường, cụ thể: 60% thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, 40% còn lại thực hiện điều tiết 100% về ngân sách trung ương.

b) Sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế, phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

c) Tiếp tục thu 100% nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô các năm 2024, 2025 về ngân sách trung ương và thực hiện phân chia tương ứng 65% số thu cho ngân sách trung ương và bố trí dự toán ngân trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

d) Giao dự toán chi ngân sách cho Bộ Công an số tiền 1.834,39 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương số tiền 588,423 tỷ đồng để phục vụ công tác của các lực lượng khác tại địa phương tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (lực lượng thanh tra giao thông; Ban an toàn giao thông tỉnh, thành phố;... địa phương không thực hiện hỗ trợ lực lượng công an tỉnh, thành phố do Bộ Công an đảm bảo).

4. Giao Bộ Tài chính:

a) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách trung ương năm 2024 đối với: Dự toán chi trả nợ; chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2024 được Quốc hội quyết định.

b) Cân đối ngoại tệ từ nguồn thu ngân sách bằng ngoại tệ và mua từ hệ thống ngân hàng để đáp ứng cho các nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương theo quy định được thực hiện bằng ngoại tệ.

c) Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho các Bộ, cơ quan, địa phương theo quy định tại Điều 2 Quyết định này và chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

d) Thực hiện quản lý ngân sách chặt chẽ, đảm bảo tính thống nhất từ khâu dự toán, đến kiểm tra phân bổ, điều hành và quyết toán ngân sách.

5. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bố trí vốn để hoàn trả cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được điều hòa từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

6. Đối với nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại, giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương:

a) Trong phạm vi dự toán từng lĩnh vực chi ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ sự cần thiết, yêu cầu về tiến độ thực hiện và giải ngân chủ động điều chỉnh dự toán giữa các chương trình, dự án, nhiệm vụ đủ thủ tục, điều kiện gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với chi đầu tư phát triển) tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện, đồng gửi Bộ Tài chính kiểm soát việc giải ngân; Bộ Tài chính (đối với chi thường xuyên) để tổng hợp, theo dõi và kiểm soát giải ngân, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi theo quy định.

Trường hợp trong tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phát sinh nhu cầu vay vượt dự toán được giao hoặc phát sinh các khoản vay mới, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với chi đầu tư phát triển), báo cáo Bộ Tài chính (đối với chi thường xuyên) để Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tổng mức bội chi ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.

b) Đối với vốn Chính phủ vay về cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại, thực hiện giải ngân trong phạm vi dự toán tổng mức vay và bội chi ngân sách của địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Trường hợp trong tổ chức thực hiện dự toán, địa phương phát sinh nhu cầu vay vượt dự toán được giao, địa phương báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định trong phạm vi tổng mức vay của ngân sách nhà nước, tổng mức bội chi ngân sách các địa phương và bội chi ngân sách nhà nước.

c) Đối với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Việt Nam:

Trong tổ chức thực hiện, phát sinh nhu cầu chi (đầu tư phát triển, thường xuyên) vượt dự toán hoặc phát sinh khoản viện trợ mới chưa được giao dự toán: Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với các khoản chi từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển) và Bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với các khoản chi từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, căn cứ vào các thỏa thuận viện trợ đã ký giữa Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam với các nhà tài trợ, văn bản thông báo nhất trí cung cấp viện trợ của bên tài trợ, quyết định phê duyệt tiếp nhận viện trợ của cấp có thẩm quyền, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch trung hạn nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (đối với các khoản chi đầu tư phát triển chưa có kế hoạch trung hạn) và bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 từ nguồn viện trợ này.

d) Đối với chi viện trợ không hoàn lại của Việt Nam cho nước ngoài trong phạm vi dự toán Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội quyết định:

- Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác 5 năm, hằng năm giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Biên bản kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật, trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi ngân sách cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, học sinh, sinh viên Lào, Campuchia hiện đang học tập tại Việt Nam theo diện Hiệp định và thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ đủ điều kiện triển khai năm 2024, trong đó ưu tiên các chương trình, dự án hoàn thành năm 2024.

- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán các khoản viện trợ khác (viện trợ cho Chính phủ Cuba, viện trợ khẩn cấp, cứu trợ nhân đạo, đột xuất, viện trợ chi thường xuyên và viện trợ hỗ trợ kỹ thuật).

7. Giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tính toán, xác định số kinh phí bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (bao gồm số kinh phí còn nợ trong giai đoạn 2018-2023 và số kinh phí phát sinh năm 2024), báo cáo Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định; trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định khoản chi nêu trên, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

8. Giao các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ, đề xuất kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi, gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội bổ sung dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất theo quy định tại khoản 10 Điều 3 của Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

9. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia, số bổ sung cân đối ngân sách địa phương và số bổ sung có mục tiêu giữa các cấp ngân sách ở địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc) trong phạm vi dự toán được giao, bố trí chi trả lãi vay của chính quyền địa phương, bố trí chi trả nợ gốc từ nguồn bội thu ngân sách địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư và vay mới trong năm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối, thực hiện phân bổ khoản kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 đảm bảo không thấp hơn năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ chi cân đối ngân sách địa phương. Đối với phần tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2024 so với dự toán năm 2024 (nếu có), sau khi dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, địa phương thực hiện phân bổ theo quy định tại khoản 2, Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước.

Sử dụng phần kinh phí dành ra từ việc tiết kiệm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương, theo nguyên tắc: 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 50% còn lại để ưu tiên chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo thẩm quyền quy định lại Luật Ngân sách nhà nước.

Chủ động bố trí cơ cấu chi ngân sách địa phương năm 2024 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển.

b) Trong điều hành tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, trường hợp địa phương có nguồn thu cân đối ngân sách địa phương giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định phải chủ động sử dụng các nguồn lực hợp pháp của mình, rà soát, sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

c) Sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có), nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để: thực hiện chế độ, chính sách do Trung ương ban hành, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, chi trả kịp thời, đúng đối tượng; chi thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ thuộc trách nhiệm địa phương theo phân cấp; chi cho các lực lượng của địa phương tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều này; chi các chương trình, dự án theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền có phạm vi thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

d) Đảm bảo bố trí kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thuộc ngân sách địa phương cho các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

đ) Thực hiện sắp xếp các khoản chi để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2024; bố trí kinh phí đầy đủ cho các chính sách đã ban hành.

e) Trong phân bổ ngân sách địa phương ưu tiên bố trí kinh phí triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2021-2025 thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương.

Điều 4. Về thực hiện chính sách tiền lương năm 2024

1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

2. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2024 từ: một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị, nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang (nếu có); tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) đối với các bộ, cơ quan trung ương; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ), 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so dự toán năm 2023.

Khi xác định số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2024 so với dự toán năm 2024 (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý) để tính chi tạo nguồn cải cách tiền lương, loại trừ thêm một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

3. Giao các Bộ: Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng và các bộ, cơ quan khác có liên quan chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, đề xuất phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này để trình cấp có thẩm quyền quyết định, hướng dẫn theo thẩm quyền.

4. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn, đảm bảo nguồn của trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW sau khi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương theo quy định; kinh phí điều chỉnh lương hưu, người có công, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở; thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ để báo cáo cấp thẩm quyền về sử dụng các nguồn lực của ngân sách trung ương để thực hiện cải cách tiền lương, lương hưu, người có công và các chính sách an sinh xã hội.

Điều 5. Về dự toán chi ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025

1. Đối với kinh phí thường xuyên đã được Quốc hội quyết định dự toán đầu năm:

a) Giao dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương: chi tiết theo từng dự án, lĩnh vực chi của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Căn cứ dự toán được giao, bộ, cơ quan trung ương thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị thực hiện đảm bảo khớp đúng tổng mức, lĩnh vực chi và kinh phí thực hiện từng dự án được giao.

b) Giao dự toán cho các địa phương: chi tiết theo từng dự án, lĩnh vực chi của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Căn cứ dự toán được giao, các địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị thực hiện đảm bảo khớp đúng tổng mức, lĩnh vực chi và kinh phí thực hiện từng dự án được giao.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, căn cứ tổng mức kinh phí được Thủ tướng Chính phủ giao; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị thực hiện theo từng lĩnh vực chi, dự án, nội dung thành phần.

2. Đối với kinh phí chi thường xuyên chưa được Quốc hội quyết định dự toán từ đầu năm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc khẩn trương rà soát, hoàn thiện thủ tục, xây dựng phương án phân bổ theo đúng quy định, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại khoản 10 Điều 3 của Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

3. Giao các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia:

a) Căn cứ dự toán ngân sách trung ương năm 2024 các chương trình mục tiêu quốc gia được giao, thực hiện phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị thực hiện đảm bảo đúng quy định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.

b) Chủ động cân đối bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, lồng ghép với dự toán ngân sách trung ương và huy động tối đa các nguồn lực tài chính hợp pháp khác để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hỗ trợ.

c) Rà soát, xác định nhiệm vụ và kinh phí thuộc dự toán ngân sách nhà nước được giao năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022), năm 2023 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) được chuyển nguồn sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện đảm bảo theo đúng quy định, tiến độ triển khai và hiệu quả sử dụng kinh phí.

Điều 6. Thời hạn phân bổ chi tiết dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và báo cáo kết quả thực hiện:

1. Căn cứ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2024 đến từng đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc trước ngày 31 tháng 12 năm 2023. Thực hiện công khai và báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kết quả phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội và thực hiện công khai theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 8. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam;
- Các cơ quan (phụ lục kèm theo);
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân, Trợ lý TTg, các Vụ: PL, TKBT;
- Lưu: Văn thư, KTTH (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

 

 

DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024

Kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2023

của Thủ tướng Chính phủ)

 

Đơn vị: Triệu đồng

STT

Chỉ tiêu

Dự toán năm 2024

Tổng số

Vốn trong nước

Vốn nưóc ngoài

TỔNG S CHI

77.698.751

73.321.961

4.376.790

I

Chi đầu tư phát triển (không bao gồm chi các Chương trình mục tiêu quốc gia)

56.666.281

52.299.591

4.366.690

II

Chi thường xuyên (không bao gồm chi các Chương trình mục tiêu quốc gia)

21.032.470

21.022.370

10.100

1

Chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo và dạy nghề

371.410

371.410

 

2

Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ

33.940

33.940

 

3

Chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình

2.430

2.430

 

4

Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường

1.510

1.510

 

5

Chi các hoạt động kinh tế

20.241.650

20.231.550  (1)

10.100

6

Chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể

381.530

381.530

 

 

 

Ghi chú:

(1) Đã bao gồm: Chi hoạt động kinh tế đường bộ 12.100.000 triệu đồng; chi hoạt động kinh tế đường sắt 3.750.000 triệu đồng; chi hoạt động kinh tế hàng hải 3.000.000 triệu đồng; chi hoạt động kinh tế đường thủy nội địa 1.082.000 triệu đồng.

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi