Quyết định 3609/QĐ-BNN-TY 2021 Kế hoạch phòng, chống kháng kháng sinh lĩnh vực nông nghiệp
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 3609/QĐ-BNN-TY
Cơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 3609/QĐ-BNN-TY | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Phùng Đức Tiến |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 23/08/2021 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Đã biết Văn bản này đã biết Ngày áp dụng. Chỉ có thành viên đăng ký gói dịch vụ mới có thể xem các thông tin này. Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Văn bản này đã biết Tình trạng hiệu lực. Chỉ có thành viên đăng ký gói dịch vụ mới có thể xem các thông tin này. Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp
Ngày 23/8/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Quyết định 3609/QĐ-BNN-TY ban hành "Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025". Cụ thể:
1. Kế hoạch bao gồm 05 mục tiêu cụ thể như sau:
- Kiện toàn hệ thống và hằng năm tổ chức thực hiện giám sát phát hiện vi khuẩn kháng sinh trong chăn nuôi, xác định, cảnh báo mức độ lưu hành của vi khuẩn kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt để làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh;
- Nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt;
- Tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh theo cách tiếp cận một sức khỏe;…
2. Các giải pháp thực hiện Kế hoạch bao gồm:
- Bổ sung quy định xử lý việc bán thuốc không có kê đơn, kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý;
- Xây dựng được ít nhất 01 phòng thí nghiệm tham chiếu về kháng kháng sinh trong nông nghiệp cấp trung ương;
- Xây dựng và áp dụng các quy trình vận hành chuẩn (SOP) quản lý chất lượng thử nghiệm;…
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định 3609/QĐ-BNN-TY tại đây
tải Quyết định 3609/QĐ-BNN-TY
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN _________________ Số: 3609/QĐ-BNN-TY | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG KHÁNG KHÁNG SINH TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025”
__________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Luật thú y ban hành ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thú y;
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG KHÁNG KHÁNG SINH TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3609/QĐ-BNN-TY ngày 23 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
_______________________
ĐẶT VẤN ĐỀ
Kháng kháng sinh đang là một vấn đề đe dọa sức khỏe và sự phát triển của toàn cầu. Các cơ chế kháng thuốc mới đang xuất hiện, sự di chuyển của con người và giao thương hàng hóa quốc tế thuận lợi là một trong những nguyên nhân làm lan truyền và gia tăng vi sinh vật kháng kháng sinh trên toàn thế giới. Hiện tượng kháng kháng sinh dẫn đến việc điều trị các bệnh truyền nhiễm thông thường không hiệu quả, kéo dài thời gian điều trị, tăng tỷ lệ thương tật, thậm chí tử vong. Vi sinh vật kháng kháng sinh làm ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm làm ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe và đời sống của người dân.Vì thiếu hệ thống giám sát phù hợp nên việc định lượng mức độ nghiêm trọng của vấn đề kháng kháng sinh chưa thực hiện được, tuy nhiên đã có nghiên cứu của WHO dự báo vào khoảng năm 2050, mỗi năm kháng kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người, tương đương với tần suất rằng cứ 3 giây lại có một người chết do vi khuẩn kháng thuốc gây nên, lớn hơn số bệnh nhân ung thư hiện nay.
Tình trạng kháng kháng sinh làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho con người, vật nuôi là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng, chống kháng kháng sinh. Tháng 5 năm 2015, các thành viên của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã thông qua một nghị quyết về kháng thuốc và vào tháng 6 năm 2015, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng đã thông qua một nghị quyết tương tự về kháng thuốc. Do đó, ba tổ chức này (WHO - FAO - OIE) đã và đang làm việc cùng nhau theo phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” (“One health” approach).
Hưởng ứng lời kêu gọi của WHO, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 đến năm 2020 (Quyết định số 2174/QĐ-BYT ngày 21/6/2013).
Năm 2017, căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 đến năm 2020 nêu trên, vận dụng phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020”.
Kế hoạch trong giai đoạn 2017-2020 đã đạt được kết quả như sau: i) thành lập Tiểu ban Phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp (Quyết định 4270/QĐ-QĐ-TY ngày 28/10/2020) và Quy chế hoạt động của Tiểu Ban (Quyết định 4385/QĐ-BNN-TY ngày 03/11/2020), ii) hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh như ban hành các Nghị định, Thông tư, Quyết định quy định quản lý việc lưu hành, buôn bán kháng sinh, cấm sử dụng kháng sinh như chất kích thích tăng trưởng, hạn chế sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh, hạn chế sử dụng các kháng sinh quan trọng trong nhân y trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020, Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2020 quy định hướng dẫn thực hiện kê đơn, đơn thuốc thú y, Quyết định 5208/QĐ-BNN-TY ngày 14/12/2017 ban hành kế hoạch kiểm tra, tổng rà soát kinh doanh sử dụng thuốc thú y giai đoạn 2018-2020), iii) kiểm tra việc thực thi văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng kháng sinh được tiến hành ở cấp trung ương và cấp địa phương; iv) nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ hình thành kháng kháng sinh cho các nhà quản lý, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cộng đồng, v) triển khai việc áp dụng thực hành tốt trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và trong điều trị, vi) giám sát sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh.
Mặc dù Kế hoạch hành động quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong giai đoạn 2017- 2020 đã đạt được kết quả nhất định, nhưng còn rất nhiều hoạt động trong Kế hoạch chưa được thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ do thời gian thực hiện ngắn, ngân sách hạn chế, chủ yếu do các tổ chức quốc tế tài trợ trực tiếp cho các đơn vị nghiên cứu khác nhau. Dẫn đến, các hoạt động được thực hiện không đồng nhất, tiến hành đơn lẻ, cắt khúc, không kết nối với nhau và kết quả thực hiện không được chia sẻ. Do vậy, hiện nay, chưa có báo cáo khoa học tổng thể về tình trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam để đưa ra các biện pháp kiểm soát và phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp một cách có hiệu quả.
Căn cứ vào kết quả đạt được, những khó khăn và thuận lợi khi triển khai “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020”, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng “Kế hoạch Phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025” để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp. Bản Kế hoạch mới có sự điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn đã đưa ra trong Kế hoạch trước và mở rộng thêm đối tượng trồng trọt trong phạm vi thực hiện.
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Giảm thiểu nguy cơ về kháng kháng sinh cho cộng đồng thông qua việc quản lý sử dụng kháng sinh và kiểm soát kháng kháng sinh trong nông nghiệp tại Việt Nam.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Tăng cường năng lực quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh bao gồm cơ chế chính sách, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu về kháng sinh và kháng kháng sinh trong nghiệp, sử dụng kháng sinh một cách thận trọng/có trách nhiệm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
2.2. Kiện toàn hệ thống và hằng năm tổ chức thực hiện giám sát phát hiện vi khuẩn kháng kháng sinh, xác định, cảnh báo mức độ lưu hành của vi khuẩn kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt để làm cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh; xây dựng được ít nhất 01 phòng thí nghiệm tham chiếu về kháng kháng sinh trong nông nghiệp cấp trung ương.
2.3. Hoàn thiện và thực hiện các Quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt để giảm thiểu lây nhiễm và lây lan vi sinh vật kháng kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp.
2.4. Nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
2.5. Tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh theo cách tiếp cận một sức khỏe.
II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện cơ chế chính sách và thực thi pháp luật về quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh
a) Rà soát, cập nhật, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh.
b) Ban hành hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt cho các đối tượng vật nuôi, thủy sản nuôi và cây trồng chủ lực bằng cách cập nhật các hướng dẫn của quốc tế, kết quả của các nghiên cứu trong nước theo hướng một sức khỏe.
c) Bổ sung quy định xử lý việc bán thuốc không có đơn, kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý.
d) Định kỳ thanh tra, kiểm tra việc thực thi công tác quản lý sử dụng kháng sinh của các cơ quan chuyên môn địa phương và sử dụng kháng sinh tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
đ) Thực hiện các nghiên cứu: sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh, chế phẩm thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
e) Thực hiện các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng kháng sinh không hợp lý đến hiệu quả sản xuất và môi trường.
g) Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu
Phát triển hệ thống quản lý dữ liệu về nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu, buôn bán, sử dụng thuốc kháng sinh và kháng kháng sinh trong nghiệp.
- Xây dựng cơ chế báo cáo và chia sẻ kết quả sử dụng kháng sinh và giám sát kháng kháng sinh với các đơn vị liên quan và quốc tế.
2. Kiện toàn hệ thống và tổ chức thực hiện giám sát kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt
a) Rà soát, xây dựng và triển khai chương trình giám sát dư lượng kháng sinh trong sản phẩm có nguồn gốc động vật (trên cạn và dưới nước) và cây trồng chủ lực.
b) Tổ chức giám sát việc phối trộn và sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
c) Tăng cường năng lực hệ thống phòng thí nghiệm về kháng kháng sinh
- Thiết lập hệ thống các phòng thử nghiệm kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Xây dựng được ít nhất 01 phòng thí nghiệm tham chiếu về kháng kháng sinh trong nông nghiệp cấp trung ương
- Chuẩn hóa bộ công cụ để đánh giá năng lực phòng thí nghiệm kháng kháng sinh.
- Xây dựng và áp dụng các quy trình vận hành chuẩn (SOP) quản lý chất lượng thử nghiệm; tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng thử nghiệm bằng thử nghiệm nội bộ và so sánh liên phòng.
- Đào tạo nguồn nhân lực có thể tiếp cận được với các kỹ thuật thử nghiệm kháng kháng sinh của quốc tế.
- Đầu tư và bổ sung trang thiết bị cần thiết cho các phòng thử nghiệm tham gia chương trình giám sát kháng kháng sinh.
d) Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bao gồm giám sát chủ động và bị động đối với vật nuôi, thủy sản chủ lực theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Hoàn thiện và thực hiện các thực hành tốt trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt để giảm thiểu lây nhiễm và lây lan vi sinh vật kháng thuốc trong quá trình sản xuất nông nghiệp
a) Cập nhật các khuyến nghị của tổ chức quốc tế để xây dựng các TCVN về thực hành sản xuất tốt trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt, chú trọng đến nội dung về an toàn sinh học và các biện pháp khác để kiểm soát sự lây lan của vi sinh vật kháng thuốc trong chuỗi sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật, thủy sản, thực vật.
b) Tổ chức áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình, các biện pháp, các khuyến nghị đã nêu tại điểm a
c) Khuyến khích áp dụng liệu pháp điều trị thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
d) Khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt hữu cơ.
4. Nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cho các nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật, người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, nông dân và người tiêu dùng
a) Xây dựng tài liệu đào tạo nâng cao nhận thức
- Xây dựng giáo trình về hướng dẫn sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cho bậc đại học, sau đại học.
- Xây dựng tài liệu về hướng dẫn sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, tập huấn cho các bác sỹ thú y cơ sở và người được cấp chứng chỉ hành nghề thú y, cán bộ bảo vệ thực vật.
- Xây dựng tài liệu tập huấn về sử dụng kháng sinh cho các chủ cửa hàng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và nhà sản xuất chăn nuôi, thức ăn thủy sản
- Xây dựng các chương trình truyền thông và công cụ truyền thông (bằng hình, tờ rơi, phim tài liệu về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm và các mối nguy về kháng kháng sinh cho cộng đồng theo cách tiếp cận một sức khỏe).
b) Tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo và truyền thông với tài liệu đã xây dựng tại điểm a.
5. Tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, sử dụng kháng sinh, phòng, chống kháng kháng sinh theo cách tiếp cận một sức khỏe
a) Tham gia các hoạt động về phòng, chống kháng kháng sinh của Ban chỉ đạo quốc gia.
b) Tăng cường trao đổi hợp tác song phương và đa phương, tham dự các hội nghị, hội thảo của khu vực và quốc tế về quản lý, nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh.
c) Phối hợp, triển khai thực hiện các dự án quốc tế liên quan đến sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh trong nông nghiệp.
d) Huy động các nguồn lực quốc tế để tăng cường năng lực quản lý sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công trách nhiệm
a) Tiểu ban Phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp
- Chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung và lộ trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến kháng sinh và kháng kháng sinh và các chế phẩm thay thế kháng sinh.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, vụ Kế hoạch, Cục Quản lý chất lượng) bố trí ngân sách để thực hiện các đề tài, dự án, điều tra liên quan đến nghiên cứu về tính kháng kháng sinh của vi sinh vật, sản xuất các chế phẩm thay thế kháng sinh và mở rộng hoạt động giám sát kháng kháng sinh trong chương trình giám sát an toàn thực phẩm.
- Xây dựng Khung nghiên cứu sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh, chế phẩm thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
- Ban hành văn bản quy định cơ chế báo cáo dự thảo đề cương nghiên cứu đề tài, dự án trong nước, các văn kiện dự án quốc tế liên quan đến kháng sinh và kháng kháng sinh và kết quả của các nhiệm vụ nêu trên cho Tiểu ban chỉ đạo Phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp; quy chế góp ý cho các dự thảo đề cương; quy chế xử lý kết quả nghiên cứu.
- Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ để giám sát việc thực hiện Kế hoạch quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
b) Cục Thú y
- Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; tổng hợp các kết quả hoạt động trong Kế hoạch để báo cáo Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Chủ trì phối hợp với Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thuỷ sản, Cục Bảo vệ thực vật xây dựng kế hoạch giám sát kháng kháng sinh trong nông nghiệp và thực hiện giám sát tại một số tỉnh trọng điểm.
- Chủ trì phối hợp với Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thuỷ sản, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo việc xây dựng tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong nông nghiệp.
- Phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thuỷ sản, Cục Bảo vệ thực vật hàng năm rà soát xác định những thiếu hụt, chồng chéo, bất cập và đề xuất xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến việc quản lý và giám sát việc sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong nông nghiệp.
- Xây dựng và phê duyệt phòng thí nghiệm tham chiếu và danh sách các phòng thí nghiệm được thử nghiệm kháng kháng sinh và quản lý chất lượng các phòng thí nghiệm tham gia thực hiện thử nghiệm kháng kháng sinh.
- Phê duyệt các phương pháp lấy mẫu, phương pháp phân lập vi sinh vật thử nghiệm kháng kháng sinh và phương pháp thử tính mẫn cảm kháng sinh đối với vi khuẩn.
- Thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu về kháng sinh và kháng kháng sinh.
- Tham gia các cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng thuốc.
- Tham gia vào hoạt động khu vực và quốc tế về quản lý sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; chia sẻ dữ liệu về quản lý sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam với các đối tác quốc tế.
- Phối hợp với Vụ hợp tác quốc tế phê duyệt các chương trình dự án quốc tế liên quan đến kháng kháng sinh để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp.
- Phối hợp với Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật để chỉ đạo, hướng dẫn các Sở, Chi cục quản lý chuyên ngành thực hiện việc quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất thức ăn chăn, cơ sở buôn bán thuốc thú y và cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản về việc lưu thông và sử dụng thuốc kháng sinh đúng quy định.
c) Tổng cục Thuỷ sản
- Phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức các chiến dịch truyền thông về quản lý sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh cho người nuôi trồng thủy sản;
- Phối hợp với Cục Thú y chỉ đạo việc xây dựng tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông quản lý kháng sinh và giám sát kháng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
- Tham gia vào tuần lễ tuyên truyền nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh hằng năm.
- Chủ trì kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thức ăn thủy sản có chứa kháng sinh.
- Phối hợp với các Sở, Chi cục quản lý chuyên ngành thực hiện việc quản lý, giám sát các cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng thuốc kháng sinh đúng quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y tổ chức truy xuất, điều tra nguyên nhân các lô hàng thuỷ sản nhiễm hoá chất, kháng sinh cấm hoặc vượt giới hạn cho phép bị các thị trường nhập khẩu cảnh báo theo quy định.
- Hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ phát triển mô hình nuôi trồng thuỷ sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (VietGAP), nuôi hữu cơ, mô hình sử dụng sản phẩm thay thế hoặc hạn chế sử dụng chất kháng sinh.
d) Cục Chăn nuôi
- Phối hợp với Cục Thú y chỉ đạo việc xây dựng tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông quản lý kháng sinh và giám sát kháng kháng sinh trong chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
- Phối hợp với Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức các chiến dịch truyền thông về quản lý sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
- Tham gia vào tuần lễ tuyên truyền nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh hằng năm
- Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh.
- Kết hợp với Cục Thú y chỉ đạo các Chi cục quản lý chuyên ngành chăn nuôi, thú y thực hiện việc quản lý, giám sát các cơ sở chăn nuôi sử dụng thuốc thú y để phòng trị bệnh theo đúng quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Cục Thú y rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cơ sở chăn nuôi và đề xuất các giải pháp để hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, các quy định liên quan đến cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học.
đ) Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản
- Thực hiện giám sát dư lượng kháng sinh trong thực phẩm có nguồn gốc động vật thuỷ sản.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia chương trình giám sát kháng kháng sinh trên thủy sản và sản phẩm thủy sản nuôi.
- Tham gia các khóa đào tạo về thử nghiệm kháng kháng sinh cho các phòng thử nghiệm
- Tổ chức truy xuất, điều tra nguyên nhân các lô hàng thuỷ sản nhiễm hoá chất, kháng sinh cấm hoặc vượt giới hạn cho phép bị các thị trường nhập khẩu cảnh báo theo quy định.
e) Cục Bảo vệ thực vật
- Thực hiện việc giám sát sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh trong lĩnh vực trồng trọt.
- Cung cấp thông tin tình hình sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh trong trồng trọt cho Cục Thú y khi được yêu cầu.
- Từng bước đề xuất loại bỏ các kháng sinh điều trị bệnh cho cây trồng không hiệu quả, các kháng sinh có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tài liệu truyền thông về kháng kháng sinh và hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực trồng trọt.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về việc sử dụng kháng sinh trên cây trồng, giám sát việc sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trên cây trồng trọng điểm.
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người sử dụng việc sử dụng kháng sinh an toàn và hiệu quả trên cây trồng.
- Tham gia vào tuần lễ tuyên truyền nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh hằng năm.
- Phối hợp với các Sở, Chi cục quản lý chuyên ngành thực hiện việc quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và cơ sở trồng trọt sử dụng thuốc kháng sinh đúng quy định.
g) Cục Trồng trọt
- Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng bộ tài liệu truyền thông sử dụng thuốc kháng sinh; các hướng dẫn về sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho cây trồng.
- Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức các chiến dịch truyền thông về quản lý sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh cho người sản xuất.
- Tham gia vào tuần lễ tuyên truyền nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh hằng năm
h) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Chủ trì phối hợp với Cục Thú y để tuyển chọn các đề tài, dự án liên quan đến sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, nghiên cứu các chế phẩm thay thế kháng sinh, yêu cầu đơn vị thực hiện gửi báo cáo sau khi dự án kết thúc về Cục Thú y.
i) Vụ Hợp tác quốc tế
Chủ trì phối hợp với Cục Thú y, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức hội đồng khoa học xét duyệt các đề tài, dự án quốc tế liên quan đến sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh, báo cáo dự thảo văn kiện dự án với Tiểu ban phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp; yêu cầu, đôn đốc các đơn vị thực hiện gửi báo cáo sau khi dự án kết thúc về Cục Thú y.
k) Vụ Kế hoạch
Chủ trì phối hợp với Cục Thú y, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức hội đồng khoa học xét duyệt các nhiệm vụ điều tra liên quan đến sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh và yêu cầu đơn vị thực hiện gửi báo cáo sau khi dự án kết thúc về Cục Thú y.
l) Vụ Tài chính
Cân đối bổ sung nguồn kinh phí để các cơ quan, đơn vị Trung ương tổ chức triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp hằng năm.
m) Trung tâm Khuyến nông quốc gia
- Phổ biến kỹ thuật chăn nuôi tốt nhằm giảm nhu cầu điều trị bằng kháng sinh tại các trang trại thông qua các chương trình khuyến nông và các hoạt động liên quan.
- Phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thuỷ sản, Cục Bảo vệ thực vật và Cục Trồng trọt tổ chức các hoạt động tập huấn về sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh động vật, thủy sản và cây trồng.
- Phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực vật và Tổng cục Thuỷ sản, các đối tác công tư và các bên liên quan tiến hành các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh cho người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt và người tiêu dùng.
n) Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản, Viện Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- Tham gia thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về sử dụng kháng sinh và sự xuất hiện kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
- Gửi báo cáo về Cục Thú y sau khi kết thúc các đề tài, dự án liên quan đến sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh bằng nguồn kinh phí từ ngân sách hoặc tài trợ từ nước ngoài
- Tham gia thực hiện chương trình giám sát kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; chia sẻ kết quả của giám sát kháng kháng sinh cho các bên liên quan.
- Tham gia xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh để đào tạo trong các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, đào tạo cán bộ kỹ thuật và người làm chuyên môn.
- Tham gia xây dựng bộ tài liệu truyền thông và hướng dẫn về sử dụng thuốc kháng sinh và kháng kháng sinh.
o) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở tổ chức quản lý, giám sát, xử lý vi phạm việc buôn bán, sử dụng thuốc kháng sinh trong nông nghiệp thuộc địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở tuyên truyền, phổ biến về hướng dẫn sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh cho người chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và trồng trọt.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở xây dựng và thực hiện Kế hoạch giám sát việc sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong nông nghiệp tại địa phương và báo cáo về Cục Thú y để tổng hợp, theo dõi.
p) Cơ sở nhập khẩu thuốc thú y có chứa kháng sinh
- Ghi chép, theo dõi đầy đủ việc nhập, xuất bán thuốc kháng sinh;
- Báo cáo số lượng thuốc kháng sinh nhập, xuất bán, tồn kho, tên và địa chỉ đơn vị mua từng thuốc kháng sinh cho Cục Thú y/ Chi cục Thú y vùng vào ngày 25 tháng cuối hằng quý.
q) Cơ sở sản xuất thuốc kháng sinh thú y.
- Lập hồ sơ, sổ sách ghi chép việc mua và sử dụng nguyên liệu kháng sinh;
- Báo cáo số liệu nguyên liệu kháng sinh đã mua và sử dụng để sản xuất thuốc thú y; số lượng thuốc thú y thành phẩm đã sản xuất, xuất khẩu cho Cục Thú y, Chi cục thú y vùng vào ngày 25 tháng cuối hằng quý.
r) Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có thành phần kháng sinh.
- Ghi chép việc mua và sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh để phối trộn vào thức ăn chăn nuôi; lưu đơn thuốc thú y theo quy định; báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
s) Cơ sở đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y
- Ghi chép, theo dõi đầy đủ việc nhập, xuất bán thuốc kháng sinh.
- Báo cáo số liệu về nhập, xuất bán thuốc kháng sinh cho Chi cục quản lý chuyên ngành thú y theo quy định.
t) Cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt
- Có sổ sách ghi chép nơi mua, sử dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo đơn, hướng dẫn của người được cấp chứng chỉ hành nghề thú y.
- Xem xét áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt tốt, quy trình chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt hữu cơ; các biện pháp hạn chế sử dụng kháng sinh tại cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
IV. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH
1. Ngân sách Trung ương
Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí chi cho các hoạt động của cơ quan trung ương, bao gồm:
a) Rà soát, đánh giá và sửa đổi các quy định về sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp.
b) Tổ chức thực hiện việc giám sát sử dụng kháng sinh, giám sát dư lượng kháng sinh trong sản phẩm có nguồn gốc động vật cây trồng chủ lực; giám sát kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp hằng năm;
c) Xây dựng các quy trình vận hành chuẩn (SOP) quản lý chất lượng thử nghiệm; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư và bổ sung trang thiết bị cần thiết cho các phòng thử nghiệm kháng kháng sinh trong nông nghiệp.
d) Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu: Phát triển hệ thống quản lý dữ liệu về xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất buôn bán, sử dụng thuốc kháng sinh và kháng kháng sinh trong nông nghiệp.
đ) Xây dựng tài liệu về thực hành tốt trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt; xây dựng tài liệu về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh tập huấn cho các cán bộ kỹ thuật, người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng tài liệu tập huấn các chủ cửa hàng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và nhà sản xuất chăn nuôi
e) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông và công cụ truyền thông về kháng kháng sinh trong nông nghiệp.
g) Thực hiện các nghiên cứu liên quan đến sử dụng kháng sinh, kháng kháng sinh, chế phẩm thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt.
2. Ngân sách địa phương
Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí chi cho các hoạt động của cơ quan địa phương, bao gồm:
a) Giám sát việc sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
b) Giám sát chủ động kháng kháng sinh tại vùng sản xuất cây trồng có sản lượng lớn.
c) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho người làm công tác thú y, bảo vệ thực vật, chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, và trồng trọt.
3. Kinh phí từ doanh nghiệp
a) Tổ chức hoạt động theo dõi dịch bệnh trong chuỗi sản xuất hàng hóa.
b) Xét nghiệm bệnh động vật, cây trồng và giám sát kháng kháng sinh của doanh nghiệp.
4. Kinh phí huy động từ nguồn khác
Kinh phí từ các tổ chức quốc tế (FAO, OIE, Fleming fund,...), các nhà tài trợ hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống kháng kháng sinh tại Việt Nam.