ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ------- Số: 25/2017/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 4 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ, THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CÔNG NHẬN VÙNG NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 302/TTr-SNN ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ý kiến Sở Tư pháp tại Công văn số 277/STP-VB ngày 10 tháng 01 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn thực hiện quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điều 2.
1. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, quận - huyện liên quan và các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để triển khai Hướng dẫn thực hiện quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quyết định phê duyệt;
2. Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có sản xuất nông nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phổ biến triển khai Hướng dẫn thực hiện quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành, kể từ ngày 08 tháng 5 năm 2017.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè, Hội Nông dân Việt Nam thành phố và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như điều 4; - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Thường trực Thành ủy; - Thường trực Hội đồng nhân dân TP; - TTUB: CT, các PCT; - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP; - VPUB: các PVP; - Các Phòng CV, TTCB; - Lưu VT; (KT-Trọng) MH | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC Lê Thanh Liêm |
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ, THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CÔNG NHẬN VÙNG NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Căn cứ Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Quyết định số 66), Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thực hiện như sau:
a) Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích luỹ từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.
b) Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất và có giá trị gia tăng cao.
c) Tổ chức đầu mối (tổ chức đề nghị công nhận): là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hội nông dân huyện.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật. Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; có tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hội nông dân huyện hoạt động trong vùng ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của vùng.
b) Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm hàng hóa có lợi thế của vùng, tập trung vào các nhóm sản phẩm sau:
- Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội;
- Sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao; chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc quốc gia (VietGAP).
c) Công nghệ được ứng dụng là các công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng; công nghệ tự động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện môi trường. Công nghệ có thể được ứng dụng ở quy mô nông hộ hoặc ứng dụng trên quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động.
d) Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng chuyên canh, diện tích liền vùng chiếm trên 80%, có điều kiện tự nhiên tương đối đồng nhất, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi, điện, nước tương đối hoàn chỉnh và thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương.
e) Đối tượng sản xuất và quy mô vùng theo đặc điểm nông nghiệp đô thị:
- Sản xuất hoa: diện tích canh tác tối thiểu là 20 ha; giá trị sản xuất tối thiểu 1.400.000.000 đồng/ha/năm;
- Sản xuất rau: diện tích canh tác tối thiểu là 50 ha; giá trị sản xuất tối thiểu phải đạt 900.000.000 đồng/ha/năm;
- Bò sữa: Quy mô từ 15 con/hộ trở lên và chiếm trên 50% số hộ nuôi. Chăn nuôi bò sữa trong vùng tối thiểu là 10.000 con/năm. Giá trị chăn nuôi bò sữa tối thiểu đạt 900.000.000 đồng/năm/hộ;
- Bò thịt: Quy mô từ 10 con/hộ trở lên và chiếm trên 50% số hộ nuôi. Chăn nuôi bò thịt trong vùng tối thiểu 10.000 con/năm. Giá trị chăn nuôi bò thịt tối thiểu đạt 500.000.000 đồng/năm/hộ;
- Heo thịt: Quy mô từ 100 con/hộ trở lên và chiếm trên 50% số hộ nuôi. Chăn nuôi heo thịt trong vùng tối thiểu là 40.000 con/năm. Giá trị chăn nuôi heo tối thiểu đạt 1.500.000.000 đồng/năm/hộ;
- Heo nái: Quy mô từ 50 con/hộ trở lên và chiếm trên 50% số hộ nuôi heo nái. Chăn nuôi heo nái trong vùng tối thiểu là 2.000 con/năm. Giá trị chăn nuôi heo nái tối thiểu đạt 2.200.000.000 đồng/năm/hộ;
- Thủy sản: Diện tích sản xuất giống thủy sản (tôm, cá, nhuyễn thể) tối thiểu là 10 ha, trong đó, quy mô diện tích nuôi của các hộ từ 2.000 m2 trở lên.
Diện tích nuôi thương phẩm thủy sản các loại (tôm, cá, nhuyễn thể) tối thiểu là 100 ha, trong đó, quy mô diện tích của các hộ từ 3.000 m2 trở lên. Giá trị sản xuất bình quân đạt 1.200.000.000 đồng/ha/năm.
(Xem phụ lục các tiêu chí công nghệ cao)
Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
a) Tổ chức đầu mối của vùng lập hồ sơ đề nghị công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gửi trực tiếp đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 05 bộ hồ sơ, trong đó 01 bộ hồ sơ gốc, 04 bộ hồ sơ (bản sao) và 01 file mềm. Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Bản thuyết minh vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 2 Quyết định này.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đầu mối đề nghị công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về tính hợp lệ của hồ sơ. Thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo.
c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hợp lệ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức thẩm định và ban hành quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trường hợp từ chối công nhận thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho tổ chức đề nghị công nhận.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định thu hồi đối với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không còn đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại Mục 2 của Hướng dẫn này.
a) Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Ủy quyền cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Công nhận và thu hồi Quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 66 tại Thành phố Hồ Chí Minh; trực tiếp quản lý hoạt động của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận tại Thành phố;
- Định kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc thực hiện Quyết định 66 và những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, tổ chức thẩm định và thực hiện các nhiệm vụ mà Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền./.