NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 119/2006/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 10 NĂM 2006
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM LÂM
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 11 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này hướng dẫn chi tiết thi hành quy định tại chương VI, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 về hệ thống tổ chức; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm lâm; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của công chức kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và cộng tác viên kiểm lâm; các điều kiện bảo đảm hoạt động của Kiểm lâm; quan hệ phối hợp giữa Kiểm lâm với các tổ chức có liên quan; quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với Kiểm lâm.
2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến hoạt động Kiểm lâm.
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm
1. Kiểm lâm tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thống nhất từ trung ương đến địa phương về chuyên môn nghiệp vụ. Cơ quan kiểm lâm được thành lập ở những địa bàn có rừng hoặc ở các đầu mối giao lưu lâm sản quan trọng, nơi chế biến lâm sản tập trung theo quy định tại Nghị định này.
2. Hoạt động của Kiểm lâm tuân thủ sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chịu sự chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân các cấp đối với các hoạt động bảo vệ rừng trên địa bàn.
3. Trong hoạt động bảo vệ rừng, Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và dựa vào sức mạnh của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chương II
HỆ THỐNG TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
CỦA CƠ QUAN KIỂM LÂM
Điều 3. Hệ thống tổ chức của Kiểm lâm
1. Ở Trung ương: Cục Kiểm lâm trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh): Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
3. Ở huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Huyện): Hạt Kiểm lâm huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm huyện quản lý công chức kiểm lâm địa bàn xã.
4. Ở Vườn Quốc gia có diện tích từ 7.000 ha trở lên, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Khu rừng đặc dụng khác có diện tích từ 15.000 ha trở lên, Khu rừng phòng hộ đầu nguồn có diện tích từ 20.000 ha rừng trở lên và có nguy cơ bị xâm hại cao, có thể thành lập Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật.
5. Các tổ chức Kiểm lâm quy định tại Điều này có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm
Cục Kiểm lâm có Cục trưởng và các Phó cục trưởng, bộ máy giúp việc Cục trưởng; các đơn vị Kiểm lâm bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; các Hạt Kiểm lâm vườn Quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Cục Kiểm lâm.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục kiểm lâm
1. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong phạm vi cả nước:
a) Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản;
b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; phương án, dự án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng trong phạm vi cả nước;
c) Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm và quy chế quản lý chuyên ngành về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản;
d) Xây dựng tiêu chuẩn chức danh chuyên môn nghiệp vụ, các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với lực lượng Kiểm lâm; định mức biên chế kiểm lâm.
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm sau khi được ban hành; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản thống nhất trong phạm vi cả nước;
e) Đề xuất với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các chủ trương, biện pháp cần thiết thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản;
g) Quy hoạch mạng lưới kiểm soát lâm sản trong phạm vi cả nước;
h) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
2. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp chống chặt, phá rừng trái phép và các hành vi trái pháp luật khác xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp;
b) Tổ chức dự báo nguy cơ cháy rừng; xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành;
c) Chỉ đạo việc thống kê, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp;
d) Giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ; chỉ đạo việc bảo vệ các khu rừng đặc dụng trực thuộc Bộ.
3. Tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong cả nước:
a) Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của các cấp, các ngành;
b) Chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;
c) Chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các hoạt động xử lý vi phạm hành chính; điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản của các cơ quan kiểm lâm địa phương theo quy định của pháp luật;
d) Thống nhất quản lý, ấn hành các loại ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; giấy phép vận chuyển đặc biệt các loại lâm sản, động vật, thực vật rừng quý hiếm, xuất nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
5. Xây dựng lực lượng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm
a) Thống nhất quản lý, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với lực lượng kiểm lâm toàn quốc theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng;
c) Quản lý thống nhất về mua sắm và cấp phát trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm lâm; vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ; trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng kiểm lâm toàn quốc.
6. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động của lực lượng kiểm lâm.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
Điều 6. Cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm tỉnh
Chi cục Kiểm lâm tỉnh có Chi cục trưởng và các Phó chi cục trưởng; bộ máy giúp việc Chi cục trưởng và các đơn vị trực thuộc.
Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Kiểm lâm tỉnh
1. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền về bảo vệ rừng và bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương:
a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; phương án, dự án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, khai thác và sử dụng lâm sản, phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương;
c) Huy động các đơn vị vũ trang; huy động lực lượng, phương tiện khác của các đơn vị, cá nhân đóng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ cháy rừng và những vụ phá rừng nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chế độ, chính sách sau khi được ban hành; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản ở địa phương;
đ) Đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định những chủ trương, biện pháp cần thiết thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ bảo vệ rừng ở địa phương.
2. Tổ chức, chỉ đạo bảo vệ rừng ở địa phương
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp chống chặt, phá rừng trái phép và các hành vi trái pháp luật khác xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp;
b) Tổ chức dự báo nguy cơ cháy rừng; xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành; thống kê, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp; tham gia phòng, trừ sâu bệnh hại rừng;
c) Quản lý hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn; trực tiếp tổ chức bảo vệ các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý;
d) Chỉ đạo, phối hợp hoạt động bảo vệ rừng đối với lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng, kể cả lực lượng bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
3. Bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.
a) Kiểm tra, hướng dẫn các cấp, các ngành trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn;
b) Chỉ đạo và tổ chức, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng trong lực lượng kiểm lâm địa phương và trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý khai thác và sử dụng lâm sản theo quy định của pháp luật;
c) Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các hoạt động xử lý vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;
d) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ rừng khi rừng bị xâm hại.
4. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.
5. Xây dựng lực lượng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm.
a) Quản lý, chỉ đạo hoạt động các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng ở địa phương;
c) Cấp phát, quản lý trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ kiểm lâm, vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dùng của kiểm lâm địa phương; ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
6. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động của Kiểm lâm địa phương.
7. Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức kiểm lâm địa phương theo quy định của pháp luật.
8. Chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ; chấp hành chế độ báo cáo thống kê theo hướng dẫn của Cục Kiểm lâm.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công.
Điều 8. Cơ cấu tổ chức của Hạt Kiểm lâm huyện
Hạt Kiểm lâm huyện có Hạt trưởng và các Phó hạt trưởng; cơ quan Hạt, các Trạm kiểm lâm địa bàn; các Trạm kiểm lâm cửa rừng.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hạt Kiểm lâm huyện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hạt Kiểm lâm huyện
1. Tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn; huy động các đơn vị vũ trang, lực lượng, phương tiện khác của các đơn vị, cá nhân đóng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, ứng cứu những vụ cháy rừng và những vụ phá rừng nghiêm trọng trong những tình huống cần thiết và cấp bách.
2. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, thực hiện bảo vệ rừng trên địa bàn
a) Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng; phòng, trừ sâu bệnh hại rừng;
b) Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên địa bàn;
c) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chế độ, chính sách về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng, quản lý khai thác và sử dụng lâm sản; vận động nhân dân bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ cho các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;
d) Hướng dẫn chủ rừng, cộng đồng dân cư địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quy ước bảo vệ rừng;
đ) Phối hợp với Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ trong công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công.
3. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý hoạt động nghiệp vụ.
a) Quản lý tổ chức, biên chế, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức của đơn vị theo quy định của pháp luật.
b) Bố trí, chỉ đạo, kiểm tra công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã; theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp;
c) Tổ chức, chỉ đạo, quản lý hoạt động của các Trạm kiểm lâm;
d) Xử lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;
đ) Kiểm tra việc thực hiện các phương án, quy hoạch, thiết kế kinh doanh rừng, quy trình điều chế, khai thác;
e) Chịu sự chỉ đạo, điều hành, chấp hành chế độ báo cáo thống kê và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Điều 10. Cơ cấu tổ chức của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ
1. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ có Hạt trưởng và các Phó Hạt trưởng; cơ quan Hạt, các Trạm Kiểm lâm cửa rừng.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quyết định thành lập, sát nhập, giải thể Hạt kiểm lâm các Vườn Quốc gia trực thuộc Bộ.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ trực thuộc địa phương theo hướng dẫn của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ
1. Tổ chức bảo vệ tài nguyên rừng, chống chặt phá rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sâu bệnh hại rừng ở khu rừng đặc dụng hoặc khu rừng phòng hộ.
2. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về rừng theo quy định của pháp luật.
3. Phổ biến, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng.
4. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý các Trạm kiểm lâm ở khu rừng đặc dụng hoặc khu rừng phòng hộ.
5. Tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trên địa bàn. Trong những trường hợp cần thiết, thì phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện sở tại tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện huy động lực lượng vũ trang, lực lượng, phương tiện khác của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để chữa cháy rừng, phòng, chống phá rừng trái phép.
6. Quản lý tổ chức, biên chế, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức của đơn vị theo quy định của pháp luật.
7. Chịu sự chỉ đạo, điều hành, chấp hành chế độ báo cáo thống kê và thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh giao.
8. Thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển rừng trong phạm vi khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.
Chương III
QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG CHỨC KIỂM LÂM, KIỂM LÂM ĐỊA BÀN XÃ VÀ CỘNG TÁC VIÊN KIỂM LÂM
Điều 12. Quyền hạn, trách nhiệm của công chức kiểm lâm khi thi hành công vụ
1. Quyền hạn
a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra và điều tra; tiến hành kiểm tra hiện trường, các cơ sở chế biến lâm sản, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật;
b) Được dừng phương tiện giao thông đường bộ, đường thuỷ khi có căn cứ là trong phương tiện đó có vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép để kiểm soát; kiểm tra lâm sản, động vật hoang dã tại các nhà ga đường sắt, nhà ga đường hàng không, cảng biển theo quy định của pháp luật;
c) Xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
d) Cục trưởng Cục kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ có thẩm quyền khởi tố, thực hiện hoạt động điều tra hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật về rừng theo quy định của pháp luật;
đ) Sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ, chó nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm
a) Chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định này và pháp luật về cán bộ công chức;
b) Thực hiện đúng chức năng, quyền hạn được giao; mặc đồng phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu khi thi hành nhiệm vụ;
c) Công chức kiểm lâm không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Nhiệm vụ của Kiểm lâm địa bàn cấp xã
1. Kiểm lâm địa bàn cấp xã là công chức nhà nước thuộc biên chế của Hạt kiểm lâm huyện phân công về công tác tại địa bàn xã, phường, thị trấn có rừng, chịu sự quản lý, chỉ đạo của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Số lượng cán bộ kiểm lâm ở xã phụ thuộc vào quy mô diện tích rừng và tích chất công tác bảo vệ rừng.
2. Kiểm lâm địa bàn cấp xã có quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này và có những nhiệm vụ sau đây:
a) Tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp; xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu hại rừng; xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi phương án được phê duyệt; huy động lực lượng dân quân tự vệ, các lực lượng và phương tiện khác trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng chống phá rừng trái phép.
b) Thống kê, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn được phân công; kiểm tra việc sử dụng rừng của các chủ rừng trên địa bàn; xác nhận về nguồn gốc lâm sản hợp pháp theo đề nghị của chủ rừng trên địa bàn;
c) Phối hợp với các lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn và giám sát các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng;
d) Hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng tại địa bàn;
đ) Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
e) Tổ chức kiểm tra, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xử lý các vi phạm hành chính theo thẩm quyền và giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;
g) Trong hoạt động của mình, kiểm lâm địa bàn xã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã; chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện, cơ quan chuyên ngành lâm nghiệp và sự kiểm tra của Uỷ ban nhân dân cấp xã;
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác về phát triển lâm nghiệp theo sự phân công của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm và Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Điều 14. Cộng tác viên của Kiểm lâm
1. Cộng tác viên của Kiểm lâm là công dân Việt Nam có quan hệ cung cấp thông tin cơ sở, hỗ trợ các hoạt động của Kiểm lâm theo quy định của pháp luật, được cơ quan kiểm lâm các cấp công nhận.
2. Cộng tác viên được cơ quan kiểm lâm thanh toán các chi phí hoạt động và được hưởng chế độ về cung cấp tin báo theo quy định của Nhà nước; được bảo đảm bí mật về nguồn tin cung cấp; được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Chương IV
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM LÂM
Điều 15. Biên chế và kinh phí
1. Biên chế của lực lượng kiểm lâm thuộc biên chế hành chính nhà nước. Định mức biên chế kiểm lâm được tính bình quân toàn quốc cứ một ngàn héc-ta rừng có một biên chế kiểm lâm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Nội vụ quy định chi tiết tổng mức định biên kiểm lâm cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Kinh phí hoạt động của lực lượng kiểm lâm do ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm.
a) Ngân sách Trung ương cấp:
- Kinh phí cho hoạt động của Cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc;
- Kinh phí in ấn, phát hành ấn chỉ xử phạt vi phạm hành chính, mua sắm vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm toàn quốc.
b) Ngân sách địa phương cấp kinh phí cho các hoạt động của Kiểm lâm địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 16. Trang thiết bị cho Kiểm lâm
Kiểm lâm được trang bị các thiết bị như cơ quan hành chính nhà nước và các trang thiết bị chuyên dùng gồm: phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện, thiết bị cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sinh vật hại rừng; phương tiện đặc thù kiểm tra, kiểm soát; vũ khí, công cụ hỗ trợ, chó nghiệp vụ.
Điều 17. Chế độ chính sách đối với Kiểm lâm
1. Công chức, viên chức công tác trong ngành kiểm lâm được hưởng chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Nhà nước.
2. Công chức, viên chức kiểm lâm, lao động hợp đồng trong các cơ quan kiểm lâm được công nhận là thương binh, liệt sỹ theo quy định hiện hành của Nhà nước nếu bị thương, bị hy sinh trong khi thi hành công vụ.
Điều 18. Trang phục Kiểm lâm
1. Khi thi hành công vụ Kiểm lâm được trang phục:
a) Kiểm lâm hiệu gắn trên mũ;
b) Cấp hiệu kiểm lâm gắn ở cầu vai áo;
c) Biểu tượng kiểm lâm gắn trên cổ áo;
d) Biển hiệu kiểm lâm gắn ở phía trên nắp túi áo ngực bên trái;
đ) Phù điêu kiểm lâm gắn trên cánh tay áo trái;
e) Áo, quần kiểm lâm có loại mùa đông, mùa hè và lễ phục may theo kiểu và mầu thống nhất.
2. Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về Kiểm lâm hiệu, cấp hiệu, biểu tượng, biển hiệu, cờ hiệu, cờ truyền thống, phù điêu và trang phục của kiểm lâm.
3. Nghiêm cấm việc làm giả trang phục của lực lượng kiểm lâm, lợi dụng trang phục kiểm lâm vào các mục đích khác.
Điều 19. Điều động lực lượng và phương tiện
1. Trong những trường hợp cần thiết phải tăng cường lực lượng và phương tiện để kịp thời ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, phòng cháy, chữa cháy rừng, những người sau đây có thẩm quyền ban hành lệnh điều động:
a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh huy động lực lương, phương tiện trên địa bàn; các Bộ, Ngành, tổ chức xã hội huy động lực lượng, phương tiện thuộc Bộ, Ngành, tổ chức mình khi cháy rừng xảy ra trên quy mô lớn.
b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành lệnh huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn;
c) Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh ban hành lệnh huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan kiểm lâm địa phương.
2. Cơ quan của người có thẩm quyền ban hành lệnh điều động phải đảm bảo thanh toán các chi phí cho các tổ chức, cá nhân được điều động theo quy định về quản lý tài chính của Nhà nước.
Bộ Tài Chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thanh toán các chi phí cho các tổ chức, cá nhân được điều động người và phương tiện theo quy định về quản lý tài chính của Nhà nước.
3. Tổ chức, cá nhân được huy động lực lượng, phương tiện phải chấp hành lệnh điều động của người có thẩm quyền.
Chương V
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KIỂM LÂM
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ lãnh đạo, quản lý thống nhất lực lượng Kiểm lâm toàn quốc và thực hiện những công việc sau:
1. Chỉ đạo thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ đối với lực lượng kiểm lâm trong toàn quốc;
2. Chỉ đạo việc kiểm tra hoạt động của Kiểm lâm;
3. Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý và trang cấp đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, biển hiệu, thẻ kiểm lâm; trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện chuyên dùng, ấn chỉ xử lý vi phạm hành chính của Kiểm lâm;
4. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm lâm; quy định chi tiết mối quan hệ công tác giữa cơ quan kiểm lâm với cơ quan chuyên ngành về nông nghiệp và phát triển nông thôn ở các cấp; xây dựng tổng biên chế cho lực lượng kiểm lâm và phân bổ cụ thể biên chế kiểm lâm tuỳ theo yêu cầu của công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng ở từng địa phương; hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các tổ chức kiểm lâm địa phương; trình Chính phủ các chế độ, chính sách đãi ngộ; trang thiết bị chuyên dùng cho Kiểm lâm;
5. Chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức kiểm lâm;
6. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm.
Điều 21. Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo vệ rừng trên địa bàn; chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của lực lượng kiểm lâm ở địa phương, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, quy định tại Nghị định này và thực hiện những công tác sau:
a) Chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Kiểm lâm ở địa phương;
b) Chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của Kiểm lâm với các cơ quan có liên quan trên địa bàn;
c) Quản lý công chức kiểm lâm địa phương; bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động cho Kiểm lâm địa phương theo quy định của pháp luật;
d) Quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã về quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương; việc phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn trong bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng;
đ) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về rừng và giám sát, giúp đỡ các hoạt động của lực lượng kiểm lâm ở địa phương;
e) Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chi cục kiểm lâm tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của Kiểm lâm trên địa bàn huyện để thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn;
b) Chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của Kiểm lâm với cơ quan có liên quan trên địa bàn huyện;
c) Tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện các quy định về quản lý rừng bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về rừng và giám sát, giúp đỡ các hoạt động của lực lượng kiểm lâm ở địa phương.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của kiểm lâm địa bàn xã để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn;
b) Chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của Kiểm lâm địa bàn xã với các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn;
c) Tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện các quy định về quản lý rừng bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về rừng.
Điều 22. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp tỉnh về tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của Nghị định này; tổ chức việc phối hợp hoạt động của Kiểm lâm với các cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn có liên quan trên địa bàn.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Điều 24. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
PHỤ LỤC
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM LÂM HIỆU, CẤP HIỆU, BIỂU TƯỢNG, BIỂN HIỆU, CỜ HIỆU, CỜ TRUYỀN THỐNG, PHÙ ĐIÊU VÀ TRANG PHỤC CỦA KIỂM LÂM
(Ban hành kèm theo Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ)
I. Kiểm lâm hiệu
Kiểm lâm hiệu làm bằng kim loại, hình tròn, đường kính 32 mm. Ngôi sao vàng dập nổi trên nền đỏ hình tròn có đường kính 17 mm, đường viền nổi xung quanh rộng 1 mm, từ ngôi sao có các tia chiếu ra. Hai lá cây dập nổi, mạ vàng ôm lấy Kiểm lâm hiệu, bên trên cuống lá có chữ: KIỂM LÂM mầu xanh lá cây, chiều cao của chữ 3 mm.
II. Cấp hiệu Kiểm lâm
Cấp hiệu Kiểm lâm hình chữ nhật một đầu vát nhọn cân, kích thước rộng 45 mm, dài 125 mm, độ chếch đầu nhọn rộng 35 mm được dệt bằng vải tơ có các hình vuông, chìm, nổi; ở giữa cấp hiệu có vạch dệt bằng tơ màu vàng hoặc màu đỏ, 3 mặt viềng 01 ly bằng vải thun màu đỏ; sao đính trên cấp hiệu bằng kim loại mầu vàng có đường kính 20 mm; trên các cúc có hình nổi ngôi sao 5 cánh. Cấp hiệu Kiểm lâm gồm:
1. Cấp hiệu các chức danh lãnh đạo
a) Cục trưởng Cục Kiểm lâm : 2 sao và cành lá
b) Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm : 1 sao và cành lá
c) Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh,
Giám đốc Kiểm lâm bảo vệ và PCCCR : 4 sao, 2 vạch vàng
d) Phó chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm,
Phó giám đốc Kiểm lâm bảo vệ và PCCCR : 3 sao, 2 vạch vàng
đ) Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện,
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng,
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phòng hộ 2 sao, 2 vạch vàng
e) Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Huyện,
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng,
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phòng hộ :1 sao, 2 vạch vàng
g) Trưởng phòng Cục Kiểm lâm : 4 sao, 2 vạch đỏ
h) Phó trưởng phòng Cục Kiểm lâm : 3 sao, 2 vạch đỏ
i) Trưởng phòng Chi cục Kiểm lâm tỉnh,
Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh và
Trưởng phòng Kiểm lâm bảo vệ và PCCCR : 2 sao, 2 vạch đỏ
k) Phó trưởng phòng Chi cục Kiểm lâm tỉnh,
Phó đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh và
Phó trưởng phòng Kiểm lâm bảo vệ và PCCCR : 1sao, 2 vạch đỏ
2. Cấp hiệu các chức danh chuyên môn nghiệp vụ:
a) Kiểm lâm viên chính
Hệ số lương từ 5,76 - 6,78 : 2 sao, 2 vạch đỏ
Hệ số lương từ 4,40 - 5,42 : 1 sao, 2 vạch đỏ
b) Kiểm lâm viên
Hệ số lương từ 3,99 đến 4,98 và
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm : 4 sao, 1 vạch đỏ
Hệ số lương từ 2,34 đến 3,66 và
Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm : 3 sao, 1 vạch đỏ
c) Kiểm lâm viên cao đẳng, Kiểm lâm viên
trung cấp : 2 sao, 1 vạch đỏ
d) Kiểm lâm viên sơ cấp : 1 sao, 1 vạch đỏ
đ) Kiểm lâm viên khác và công chức kiểm lâm
dự bị viên chức dự bị : 1 vạch đỏ.
( Có mẫu kèm theo)
III. Biểu tượng Kiểm lâm
Biểu tượng Kiểm lâm hình cánh nhạn màu vàng làm bằng kim loại, phía trước có lá chắn, ở giữa lá chắn có chữ KL màu xanh. Biểu tượng Kiểm lâm được đeo trên ve cổ áo.
IV. Biển hiệu Kiểm lâm
Biển hiệu Kiểm lâm làm bằng nhựa cứng màu xanh lá cây, dài 8,5 cm, rộng 2 cm, bên trái in Kiểm lâm hiệu thu nhỏ, bên phải in họ, tên của người đeo.
V. Cờ hiệu, cờ truyền thống
1. Cờ hiệu Kiểm lâm hình tam giác cân, cạnh đáy dài 28 cm, chiều cao 45 cm; nền cờ làm bằng vải màu xanh lá cây thẫm; ở tâm có Kiểm lâm hiệu.
Cờ hiệu của Kiểm lâm được gắn trên các phương tiện tuần tra, kiểm soát của Kiểm lâm.
2. Cờ truyền thống của Kiểm lâm hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, cờ làm bằng vải mềm nền màu xanh lá cây sẫm, ở giữa có Kiểm lâm hiệu màu vàng, phía trên góc trái có hàng chữ in hoa màu vàng: "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ xây dựng thì rừng rất quý" xếp thành 2 dòng: Dòng trên là hàng chữ "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ", dòng dưới là hàng chữ "xây dựng thì rừng rất quý”.
Cờ truyền thống của Kiểm lâm được dùng trong các cuộc mít tinh kỷ niệm những ngày lễ, ngày truyền thống của Kiểm lâm, đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.
VI. Phù điêu
Phù điêu Kiểm lâm Việt Nam đính trên tay trái áo (Thu - Đông và Xuân - Hè), phía trên phù điêu cong hình cánh nhạn, phía dưới vát nhọn, chiều dài 90mm, chiều rộng (chỗ rộng nhất) 80 mm.
Phù điêu được thêu bằng chỉ màu vàng, đỏ trên nền vải màu xanh lá cây thẫm, xung quanh phù điêu viền chỉ vàng rộng 5 mm, phía trên có hàng chữ kiểm lâm Việt Nam, phía dưới có Kiểm lâm hiệu thu nhỏ đường kính 25 mm, ôm xung quanh Kiểm lâm hiệu là hai bông lúa màu vàng.
VII. Trang phục Kiểm lâm
1. Áo, quần lễ phục: 1 bộ/5năm
a) Áo nam:
- Áo bằng vải màu trắng hồng.
- Kiểu ve áo cổ bẻ chữ K, có 4 túi nổi, đáy túi tròn, giữa túi có đố túi, hai túi dưới nổi, nắp túi hình cánh dơi. Đứng thân trước, áo có ken vai; vải lót cùng màu với vải chính: thân trước, tay áo, cầu vai sau;
- Cúc đính trên túi áo: hai túi trên đính cúc 17 mm, hai túi dưới đính cúc 22 mm làm bằng kim loại mạ màu vàng giữa cúc có hình ngôi sao 5 cánh, biểu tượng hai cành tùng đơn viền xung quanh.
- Ngực áo cài 4 cúc 22 mm làm bằng kim loại mạ màu vàng giữa cúc có hình ngôi sao 5 cánh, biểu tượng hai cành tùng đơn viền xung quanh;
- Tay áo làm bác tay (không có lé tay);
- Thân sau có xẻ sống.
b) Quần nam:
- Quần bằng vải màu trắng hồng.
- Kiểu 2 mm nổi 2 túi dọc chéo, 1 túi sau 2 viền. Thân sau có 1 túi hậu cài khuy kim loại, cửa quần có khoá kéo, cạp quần có 6 đai dây lưng, gấu quần được cắt vát về phía li trước có đáp mặt nguyệt để giữ poly mũi giầy. Đầu cạp làm 2 móc và 1 cúc hãm trong.
c) Áo nữ:
- Áo bằng vải màu trắng hồng;
- Kiểu ve áo cổ bẻ chữ K, có 2 túi nổi, miệng túi vát, 2 nắp túi có sòi. Thân trước đính 4 cúc 22 mm (màu và hình dáng như mô tả ở phần áo nam), áo có chiết ly tạo dáng;
- Dựng thân trước, áo có ken vai, lót vải đồng màu với vải chính, thân trước, tay áo, cầu vai áo, thân sau. Tay áo làm bác tay (không có lé tay).
d) Quần nữ:
- Áo bằng vải màu trắng hồng;
- Kiểu 2mm chìm, túi thẳng, cửa quần khoá kéo cạp quần có 6 đai dây lưng, gấu quần được cắt vát về phía li trước có đáp mặt nguyệt để giữ poly mũi giầy. Đầu cạp làm 2 móc và 1 cúc hãm trong.
2. Áo, quần Thu - Đông: 1 bộ/2 năm (lần đầu cấp 02 bộ), riêng áo sơ mi trắng 01 bộ/01 năm (lần đầu cấp 02 bộ).
Áo, quần Thu - Đông kiểu dáng tương tự như quần áo lễ phục của nam và nữ. Riêng màu vải áo quần Thu - Đông là màu rêu và trên tay trái áo Thu - Đông đính phù điêu Kiểm lâm. Ngoài ra, bổ sung các trang phục sau:
- Áo sơ mi trắng nam và nữ;
- Áo gile nam làm bằng vải màu rêu. Kiểu áo gile có 4 túi cơi, phía trên túi cơi nhỏ, túi dưới cơi to, áo không ố cổ, thân sau vòng cổ có viền. Ngực áo đính bằng cúc nhựa 15 mm cùng màu với vải chính, áo có xẻ sườn, thân sau của áo làm chun có bản rộng 30 mm;
- Áo bông được may bằng vải màu rêu (cùng màu với bộ thu - đông). Vải lót bên trong cùng màu với vải chính. Lớp bông ở giữa là loại bông sơmốc có độ dày 160g/m2;
- Áo len mầu nâu dài tay, cổ cao.
3. Áo, quần Xuân - Hè: 01bộ/01 năm (lần đầu cấp 02 bộ):
a) Áo sơ mi dài tay hoặc ngắn tay nam:
- Áo được may bằng vải bay PV màu ánh vàng;
- Áo kiểu cổ bẻ hai ve, 2 túi ngực nổi, nắp túi hình cánh dơi, giữa túi có đố túi, trên nắp túi trái có chỗ cài bút, cúc áo bằng kim loại mạ vàng loại 17 mm (màu và kiểu dáng như cúc áo lễ phục), ngực áo chia 6 cúc (cả cúc cổ);
- Áo có bật vai đính cúc nhựa cùng màu cỡ 12 mm, thân sau áo làm cầu vai;
- Tay áo: Tay áo bên trái có đính phù điêu Kiểm lâm;
Áo dài tay : Măng séc tay rộng 55 mm, dài 240 mm.
Áo ngắn tay: Gập ra ngoài rộng 35 mm may 2 đường.
- Cả hai loại áo ngắn tay và dài tay là kiểu buông, khi sử dụng bỏ áo vào trong quần.
b) Áo sơ mi dài tay hoặc ngắn tay của nữ:
- Màu sắc, loại vải như áo xuân hè nam;
- Áo kiểu cổ bẻ hai ve. Thân trước có 2 túi dưới có nắp liền, chiết 4 ly tạo dáng, thân sau có sống sau xanh te kiểu ký giả, cúc áo cỡ 17 mm (màu và kiểu như cúc áo lễ phục), ngực áo chia làm 4 cúc;
- Áo có bật vai đính cúc nhựa cùng màu, cúc cỡ 12 mm.
Tay áo: Tay áo bên trái có đính phù điêu Kiểm lâm.
Áo dài tay : Măng séc tay rộng 45 mm, dài 22 mm.
Áo ngắn tay: Gập vào trong may 1 đường.
- Cả hai loại áo ngắn tay và dài tay là kiểu buông, khi sử dụng không phải bỏ áo vào trong quần.
c) Quần nam và nữ:
Kiểu dáng tương tự như quần áo lễ phục nam và nữ. Riêng màu vải áo quần xuân hè là màu rêu.
4. Mũ kêpi: 01 mũ/ 02 năm, riêng mũ Kêpi lễ phục 01 mũ/ 05 năm:
- Mũ kêpi được may bằng vải màu rêu;
- Mũ kêpi có thành bằng vải màu xanh lá cây sẫm, đỉnh và cầu mũ được may loại vải màu rêu, phía trước có lưỡi trai bằng nhựa màu đen bóng, thấp dần về phía trước;
- Mũ có 2 dây coóc đông được tết bằng sợi kim tuyến màu vàng, hai đầu đính cúc kim loại màu vàng, trên mặt cúc có hình ngôi sao 5 cánh nổi. Trên mũ phía trước được đính Kiểm lâm hiệu (Kiểm lâm hiệu được mô tả như phần trên).
- Hai bên thành mũ có đính 4 ôđê tạo sự thông thoáng cho người đội muc;
- Thành mũ phía trước được dựng bằng nhựa mỏng để tạo dáng;
- Lót cầu mũ làm bằng vải tráng nhựa, phía trong được gắn bột xốp tạo độ êm khi đội mũ.
5. Mũ mềm: 01 mũ/ 02 năm:
- Mũ mềm được may bằng vải màu rêu;
- Kiểu mũ lưỡi trai, phía trên đỉnh mũ các đường may chia làm 8 khoảng theo chiều dài mũ, hai bên cạnh mũ mỗi bên đính 3 ôđê tạo sự thông thoáng cho người sử dụng. Phía trước mũ có lưỡi trai cứng tạo dáng mũ, phía trên trán có lưỡi trai cứng hình bán nguyệt tạo dáng khoẻ cho mũ, trên lưỡi trai phía trên mũ có 1 ôđê để gắn Kiểm lâm hiệu. Phía sau mũ có dây nhựa cùng màu với vải chính để điều chỉnh độ rộng hẹp của mũ phù hợp với người sử dụng;
6. Ca-ra-vát: 01 chiếc/2 năm
- Ca-ra-vát được may bằng vải màu rêu;
- Ca-ra-vát kiểu thắt sẵn có khoá kéo, có chốt hãm tự động.
7. Thắt lưng da: 01 chiếc/2 năm
- Thắt lưng được làm bằng da màu nâu sẫm, bản rộng 35 mm;
- Khoá thắt lưng làm bằng kim loại màu vàng, ở giữa mặt khoá có vòng tròn phía trong có chữ " KL " màu vàng nhạt;
- Khoá thắt lưng kiểu khoá có chốt cố định phía trong, khi sử dụng dây lưng được dấu nối vào phía trong.
8. Giầy da, tất chân: 01 đôi giầy/02 năm; 01 đôi tất/06 tháng
- Giầy được làm bằng da màu đen, thấp cổ, đế dầy cao trung bình, có dây buộc;
- Tất chân nilon hoặc dệt kim.
- Sản phẩm giầy và tất chân được sản xuất trong nước.
9. Áo mưa: 01 áo/02 năm:
Áo mưa bằng nilon hoặc vải tráng nhựa, màu xanh ghi được may theo kiểu áo khoác mangtosan, có đai lưng, hai hàng cúc.
10. Cặp đựng tài liệu: 01 chiếc/02 năm.
Ghi chú: Xem Bảng cấp hiệu Kiểm lâm ở trang dưới