Thông tư
liên
tịch bộ tài chính - bộ giao thông vận tải
Số 57/2001/TTLT/BTC-BGTVT ngày 10 tháng 7 năm 2001
Hướng dẫn chế độ lập dự toán, quản lý, cấp phát
và thanh quyết toán vốn sự nghiệp kinh
tế đường sông
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của
Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán
ngân sách Nhà nước và Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/CP.
Để tăng cường công tác quản lý, cấp phát kinh
phí sự nghiệp kinh tế sửa chữa đường sông phù hợp với qui định của Luật Ngân
sách Nhà nước; Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ
lập dự toán, quản lý, cấp phát và thanh
quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế đường sông do ngân sách Nhà nước bảo đảm
như sau:
I- Những qui định chung:
1- Kinh phí sự nghiệp sửa
chữa đường sông do ngân sách Nhà nước cấp để quản lý, sửa chữa thường xuyên,
sửa chữa không thường xuyên đường sông được quản lý, cấp phát, thanh quyết toán
theo định mức, đơn giá và khối lượng sửa chữa được cấp có thẩm quyền duyệt.
2- Kinh phí bảo đảm cho
công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa không thường xuyên đường sông
Trung ương (Cục Đường sông Việt Nam quản lý) do ngân sách Trung ương bảo đảm.
Kinh phí bảo đảm cho công
tác quản lý, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa không thường xuyên đường sông địa
phương do ngân sách địa phương bảo đảm.
3- Kinh phí sự nghiệp
kinh tế đường sông hàng năm được quyết toán theo qui định hiện hành.
II- Những qui định cụ thể
1- Nội dung chi cho công
tác sửa chữa đường sông bao gồm:
1.1. Chi sửa chữa thường
xuyên:
- Chi cho công tác quản lý và duy tu, bảo dưỡng
thường xuyên đường sông (theo định mức kinh tế - kỹ thuật sửa chữa thường xuyên
đường sông được cấp có thẩm quyền phê duyệt)
- Chi điều tra, khảo sát
quản lý đường sông
- Chi sửa chữa nhỏ phao
tiêu, báo hiệu, tín hiệu, các thiết bị, nhà cửa, các công trình chỉnh trị trên
tuyến giao thông đường sông đang quản lý khai thác.
1.2. Chi sửa chữa không
thường xuyên:
- Chi nạo vét luồng lạch
- Chi sửa chữa lớn các hệ
thống kè, công trình chỉnh trị, trụ đèn.
- Chi sửa chữa lớn, cải
tạo nâng cấp nhà đoạn trạm, phương tiện thiết bị.
- Chi mua sắm phương tiện
thiết bị, các hệ thống thông tin, báo hiệu, tín hiệu.
- Chi trục vớt, thanh thải
chướng ngại vật dưới lòng sông.
Đối với các chướng ngại
vật dưới lòng sông xác định được cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân gây ra theo biên
bản xử lý thì cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân đó phải chịu toàn bộ chi phí để trục
vớt, thanh thải.
- Chi sửa chữa đột xuất,
khắc phục hậu quả thiên tai hoặc các nguyên nhân khác để đảm bảo giao thông.
1.3. Chi khác:
- Chi hoạt động Thanh tra
giao thông đường sông.
- Chi tập huấn bồi dưỡng
nghiệp vụ công nhân quản lý Đoạn, Trạm.
- Chi điều tiết khống
chế, chống va trôi, thường trực đảm bảo an toàn giao thông đường sông.
- Chi dự phòng đảm bảo
giao thông đường sông theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
2- Lập dự toán kinh phí
sự nghiệp kinh tế sửa chữa đường sông:
Việc lập dự toán kinh phí
sự nghiệp sửa chữa đường sông hàng năm thực hiện theo qui định tại Thông tư số
103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn việc phân cấp,
lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước". Thông tư này hướng dẫn thêm
một số điểm như sau:
2.1. Đối với đường sông
do Trung ương quản lý:
Hàng năm căn cứ vào số
kiểm tra về dự toán chi ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính giao, Bộ Giao thông
vận tải thông báo cho Cục đường sông Việt Nam. Trên cơ sở kế hoạch được giao,
Cục Đường sông Việt Nam giao số kiểm tra cho các đơn vị trực thuộc (Đoạn QLĐS,
Ban Quản lý dự án Đường sông) và các Sở Giao thông vận tải (đối với đường sông
trung ương do Bộ Giao thông vận tải uỷ quyền cho địa phương quản lý - gọi chung
là đường sông uỷ quyền quản lý).
Căn cứ vào tình trạng
tuyến luồng; định mức kinh tế kỹ thuật; nội dung chi qui định tại điểm 1, Mục
II của Thông tư này; đơn giá, định mức chi được cấp có thẩm quyền duyệt; chế độ
chi tiêu tài chính hiện hành và số kiểm tra do cấp trên giao, các đơn vị trực
thuộc Cục Đường sông Việt Nam và Sở Giao thông vận tải (đối với đường sông uỷ
quyền quản lý) lập dự toán kinh phí sửa chữa đường sông chi tiết theo mục chi
của mục lục ngân sách Nhà nước, gửi Cục Đường sông Việt Nam để xem
xét và báo cáo Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp vào dự toán chi ngân
sách của Bộ Giao thông vận tải gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào dự toán chi
NSNN trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo
qui định.
2.2. Đối với đường sông
do địa phương quản lý:
Sở Giao thông vận tải
(hoặc Sở GTCC) căn cứ vào số kiểm tra về dự toán chi ngân sách Nhà nước được
cấp có thẩm quyền giao. Căn cứ vào tình trạng tuyến luồng, định mức kinh tế kỹ
thuật; nội dung chi qui định tại điểm 1. Mục II của Thông tư này; đơn giá, định
mức chi được cấp có thẩm quyền duyệt và
chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; lập dự toán kinh phí sửa chữa đường sông
chi tiết theo mục chi của mục lục ngân sách Nhà nước gửi Sở Tài chính - Vật giá
theo qui định.
Dự toán chi theo quy định
tại điểm 2 Mục II nêu trên phải kèm theo thuyết minh cụ thể. Đối với nội dung
chi sửa chữa không thường xuyên phải chi tiết theo từng công trình gắn với
đoạn, tuyến luồng, khối lượng, kinh phí, thời gian triển khai thực hiện.
Do đặc thù của công tác
quản lý và sửa chữa đường sông, việc lập dự toán và cấp phát kinh phí sửa chữa
đường sông được thực hiện theo các mục chi của Mục lục ngân sách Nhà nước như
sau:
Mục 117: "Sửa chữa
thường xuyên TSCĐ phục vụ công tác chuyên môn và duy tu, bảo dưỡng các công
trình cơ sở hạ tầng" Phản ánh chi phí quản lý, sửa chữa thường xuyên đường
sông.
- Mục 118: "Sửa chữa
lớn TSCĐ phục vụ công tác chuyên môn và các công trình cơ sở hạ tầng" Phản ánh
chi phí sửa chữa không thường xuyên đường sông.
- Mục 134: "Chi
khác" Phản ánh chi phí khác sửa chữa đường sông.
- Mục 145: "Chi mua
sắm tài sản cố định" Phản ánh chi mua sắm phương tiện thiết bị, phao tiêu, báo
hiệu, phục vụ công tác quản lý và sửa chữa đường sông.
3- Chấp hành dự toán ngân
sách Nhà nước.
3.1. Phân bổ dự toán ngân
sách được giao:
Sau khi dự toán chi ngân
sách Nhà nước năm được cấp có thẩm quyền giao, căn cứ vào số thông báo của Bộ
Giao thông vận tải, Cục Đường sông Việt Nam phân bổ dự toán theo nội dung chi,
mục chi của mục lục ngân sách Nhà nước qui định tại Mục II nói trên cho các đơn
vị thực hiện (chi tiết theo quí và chia ra tháng); Việc phân bổ dự toán cho các
đơn vị thực hiện phải khớp đúng giữa chi tiết giao và tổng số được giao, ngoài
ra, đối với nội dung chi sửa không thường xuyên phải chi tiết theo từng công
trình gắn với tuyến luồng, khối lượng, kinh phí, thời gian triển khai thực hiện
gửi cho Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch; gồm:
- Kinh phí sửa chữa đường
sông do các Đoạn Quản lý Đường sông thực hiện.
- Kinh phí sửa chữa đường
sông do các Ban Quản lý dự án Đường sông thực hiện.
- Kinh phí sửa chữa đường
sông uỷ quyền cho Sở Giao thông vận tải (GTCC) các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương thực hiện.
Sở Giao thông vận tải
(GTCC) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào dự toán chi ngân
sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, phân bổ dự toán theo nội dung chi,
mục chi của mục lục ngân sách Nhà nước qui định tại mục II nói trên cho các đơn
vị thực hiện (chi tiết theo quí và chia ra tháng); Việc phân bổ dự toán cho các
đơn vị thực hiện phải khớp đúng giữa chi tiết giao và tổng số được giao, ngoài
ra, đối với nội dung chi sửa chữa không
thường xuyên phải chi tiết theo từng công trình gắn với tuyến luồng, khối
lượng, kinh phí, thời gian triển khai thực hiện gửi cho Sở Tài chính - Vật giá
và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm căn cứ theo dõi, quản lý, kiểm soát
chi và thanh toán.
Căn cứ vào dự toán chi
sửa chữa đường sông được cấp có thẩm quyền giao các Đoạn Quản lý đường sông,
các Ban Quản lý dự án đường sông tổ chức triển khai thực hiện theo nhiệm vụ
được giao; ký kết các hợp đồng hoặc đặt hàng với các doanh nghiệp. Sở Giao
thông vận tải (GTCC) các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thực hiện giao kế hoạch,
ký hợp đồng hoặc đặt hàng với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đường sông
thuộc địa phương quản lý (Bao gồm cả phần kinh phí của Ngân sách Trung ương
giao uỷ quyền quản lý đường sông Trung ương) để làm căn cứ kiểm tra, giám sát,
nghiệm thu, thanh toán các khối lượng công tác sửa chữa đường sông.
3.2. Cấp phát, thanh toán
kinh phí sửa chữa Đường sông
Đối với đường sông Trung
ương: Hàng quí căn cứ vào khả năng của ngân sách Trung ương và dự toán chi sửa
chữa đường sông do Cục Đường sông Việt Nam lập; Bộ Tài chính cấp phát bằng hạn
mức kinh phí trực tiếp cho Cục Đường sông Việt Nam, Cục Đường sông Việt
Nam phân phối hạn mức kinh phí cho các
Đoạn Quản lý đường sông, Ban Quản lý dự án Đường sông để thanh toán khối lượng
sửa chữa đường sông thực hiện.
Đối với các tuyến đường
sông Trung ương uỷ quyền cho địa phương quản lý; trên cơ sở dự toán chi sửa
chữa đường sông trong kỳ có chi tiết theo mục lục ngân sách Nhà nước do Cục Đường
sông Việt Nam lập, Bộ Tài chính cấp phát bằng hạn mức kinh phí về Sở Tài chính
- Vật giá địa phương; đồng thời thông báo cho Bộ Giao thông vận tải (Cục ĐSVN)
và uỷ quyền cho Sở Tài chính - Vật giá cấp phát cho Sở Giao thông vận tải
(GTCC) để thanh toán khối lượng sửa chữa đường sông thực hiện.
Đối với đường sông do địa
phương quản lý: Hàng quí căn cứ vào khả năng của ngân sách địa phương và dự
toán chi sửa chữa đường sông trong kỳ có chi tiết theo mục lục ngân sách Nhà
nước do Sở Giao thông vận tải (GTCC) lập; Sở Tài chính - Vật giá cấp phát bằng
hạn mức kinh phí cho Sở Giao thông vận tải (GTCC) để thanh toán khối lượng sửa
chữa đường sông thực hiện.
Căn cứ để cấp phát, thanh
toán công trình sửa chữa đường sông:
- Trong danh mục, dự toán
công trình được cấp có thẩm quyền duyệt.
- Có kinh phí sửa chữa
đường sông do cơ quan Tài chính cấp
- Biên bản kết quả đấu
thầu (hoặc chỉ định thầu) theo qui định hiện hành
(Đối với công việc duy
tu, sửa chữa thường xuyên đường sông, sửa chữa đột xuất phục vụ hậu quả bão lũ
đảm bảo giao thông, theo quyết định của cơ quan giao thông)
- Báo cáo đầu tư, quyết
định đầu tư đối với khối lượng sửa chữa lớn đường sông.
- Hợp đồng kinh tế, hoặc
đơn đặt hàng giữa Đoạn Quản lý đường sông, Ban Quản lý dự án đường sông hoặc Sở
Giao thông vận tải (GTCC) với đơn vị thực hiện sửa chữa đường sông.
- Biên bản nghiệm thu
khối lượng, chất lượng, phiếu giá công trình.
- Lệnh chuẩn chi của Thủ
trưởng đơn vị ký hợp đồng hoặc đặt hàng, cùng hồ sơ, chứng từ hợp pháp hợp lệ.
Kho bạc Nhà nước nơi giao
dịch kiểm tra, thực hiện chức năng kiểm soát chi qui định tại Thông tư số 40/1998/TT-BTC ngày
31/3/1998 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán
các khoản thu chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước". Trường hợp công
việc sửa chữa chưa hoàn tất, mức tạm ứng tối đa không quá 80% giá trị hợp đồng
đã ký kết cho từng công việc sửa chữa.
4- Báo cáo và quyết toán
kinh phí
4.1. Báo cáo quyết toán:
Cuối quí, cuối năm Đoạn
Quản lý đường sông, Ban Quản lý dự án Đường sông lập báo cáo quyết toán kinh
phí sửa chữa đường sông gửi Cục Đường sông Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao
thông vận tải, Bộ Tài chính theo đúng biểu mẫu, thời hạn nộp qui định tại Quyết
định số 999 TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống
chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
Sở Giao thông vận tải
(GTCC) các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán
quí, năm kinh phí sửa chữa đường sông của địa phương và kinh phí uỷ quyền gửi
Sở Tài chính - Vật giá theo đúng qui định về mẫu biểu thời hạn nộp nói trên,
đồng gửi Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường sông Việt Nam) phần kinh phí uỷ quyền.
4.2. Xét duyệt báo cáo
quyết toán:
Việc xét duyệt quyết toán
kinh phí sự nghiệp đường sông hàng năm thực hiện theo thông tư số
21/2000/TT-BTC ngày 16/3/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thông báo
quyết toán năm đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, cụ thể như sau:
Cục Đường sông Việt Nam
có trách nhiệm xét duyệt quyết toán cho các Đoạn Quản lý Đường sông, Ban Quản
lý dự án Đường sông. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xét duyệt quyết toán
cho Cục Đường sông Việt Nam; Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán tổng hợp năm của
Bộ Giao thông vận tải.
Sở Tài chính - Vật giá
xét duyệt quyết toán tổng hợp năm của Sở Giao thông vận tải (GTCC) các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương (bao gồm kinh phí địa phương và uỷ quyền). Bộ
Tài chính phối hợp với Bộ giao thông vận tải (Cục đường sông Việt nam) thẩm tra,
xem xét quyết toán phần kinh phí uỷ quyền của Sở Tài chính-Vật giá các tỉnh,
thành phố trực thuộc TW theo quy định hiện hành.
5- Công tác kiểm tra:
Để bảo đảm việc sử dụng
kinh phí sự nghiệp kinh tế sửa chữa đường sông đúng mục đích, có hiệu quả; Bộ
Giao thông vận tải, Cục Đường sông Việt Nam, Sở Giao thông vận tải (GTCC) các
tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp kiểm tra
định kỳ, đột xuất tình hình quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí sự
nghiệp kinh tế sửa chữa đường sông tại các đơn vị trực thuộc.
Các khoản chi vượt định
mức, chi không có kế hoạch và chi không đúng chế độ, đều phải xuất toán thu hồi
nộp ngân sách Nhà nước; đồng thời người nào ra lệnh chi sai người đó phải bồi
hoàn cho công quĩ và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
III- Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực
thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 25-TT/LB ngày
9/9/1986 của Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải: "Hướng dẫn chế độ
quản lý, cấp phát, thanh quyết toán vốn quản lý và sửa chữa đường thuỷ".
Trong quá trình thực
hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Liên Bộ để sửa đổi cho phù hợp.