
Theo Điều 5 Quy định 285-QĐ/TW, việc phát hiện vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên có thể được thực hiện thông qua 07 hình thức sau:
(1) Phát hiện qua hoạt động nội bộ của tổ chức Đảng
- Áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong tổ chức và sinh hoạt đảng;
- Thực hiện công tác quản lý đảng viên, kiểm điểm, đánh giá và xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm;
- Dựa vào thông tin, dữ liệu từ các hoạt động kiểm soát, kê khai, công khai, xác minh tài sản, thu nhập;
- Căn cứ vào báo cáo, kiến nghị của tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(2) Thông qua thực hiện nhiệm vụ và sinh hoạt Đảng
- Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của tổ chức đảng, đảng viên;
- Trong quá trình sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ, việc nêu gương, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm của đảng viên.
(3) Qua công tác kiểm tra, giám sát và hoạt động của các cơ quan chức năng
- Phát hiện vi phạm thông qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
- Thông qua hoạt động giám sát của các cơ quan như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
(4) Thông qua chất vấn và tiếp xúc cử tri
- Các nội dung chất vấn tại kỳ họp của cấp uỷ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND;
- Ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại của cấp ủy, chính quyền.
(5) Qua đơn thư khiếu nại, tố cáo và phương tiện truyền thông
- Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, tố giác, kiến nghị từ tổ chức, cá nhân;
- Thông qua thông tin, phản ánh của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng.
(6) Qua hoạt động phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan
Phối hợp, cung cấp, trao đổi thông tin, hồ sơ, tài liệu giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
(7) Các nguồn khác theo quy định của Đảng và pháp luật
Gồm các tài liệu, thông tin, hoạt động khác phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.