THÔNG TƯ
CỦA
BỘ TÀI CHÍNH SỐ 32/2003/TT-BTC NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC
ĐIỀU 29, 30 LUẬT HẢI QUAN, ĐIỀU 8 NGHỊ ĐỊNH 101/2001/NĐ-CP NGÀY 31/12/2001 CỦA
CHÍNH PHỦ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HẢI QUAN
VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN
- Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001-QH10 được Quốc hội nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày
29/6/2001.
- Căn cứ Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục
hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.
Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra,
giám sát hải quan như sau:
A. QUY ĐỊNH
CHUNG
Tất cả hàng hoá
xuất khẩu, nhập khẩu phải được cơ quan Hải quan kiểm tra bằng một trong các
hình thức quy định tại Điều 30 Luật Hải quan.
Việc kiểm tra
thực tế hàng hoá do công chức hải quan kiểm tra trực tiếp hoặc kiểm tra bằng
máy móc, thiết bị kỹ thuật và các biện pháp nghiệp vụ khác.
Cơ quan hải
quan các cấp có trách nhiệm tổ chức thu thập, trao đổi thông tin để xây dựng cơ
sở dữ liệu về quá trình chấp hành pháp luật hải quan của chủ hàng, chính sách quản lý xuất nhập
khẩu (XNK), tính chất, chủng loại, nguồn gốc hàng hoá XNK, và các thông tin khác
liên quan đến hàng hoá XNK để dự kiến hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng
hoá;
Căn cứ vào cơ
sở dữ liệu đã có nói trên và các thông tin về chủ hàng, lô hàng nắm được từ bản
lược khai hàng hoá do tàu cung cấp, Chi cục trưởng hải quan phân tích từng
trường hợp và dự kiến trước hình thức kiểm tra thực tế đối với mỗi lô hàng. Nếu
tại thời điểm chủ hàng làm thủ tục hải quan cho lô hàng mà không có thông tin
gì khác thì lô hàng được áp dụng hình thức kiểm tra như dự kiến.
Nếu có các
thông tin mới đến mức cần phải thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng
hoá thì Chi cục trưởng quyết định hình thức kiểm tra phù hợp.
B. CÁC HƯỚNG
DẪN CỤ THỂ
I.
CĂN CỨ ĐỂ QUYẾT ĐỊNH HÌNH THỨC KIỂM TRA THỰC TẾ
HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU:
Khi xem xét,
quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá, Chi cục trưởng phải căn cứ vào:
Quá trình chấp
hành pháp luật hải quan của chủ hàng đối với mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu;
Chính sách quản
lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành;
Tính chất,
chủng loại, nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
Hồ sơ hải quan;
Các thông tin
khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong các căn
cứ trên thì căn cứ trước hết, bao trùm là quá trình chấp hành pháp luật hải
quan của chủ hàng. Khi quyết định chọn hình thức kiểm tra cụ thể trước hết phải
xem xét đến căn cứ này, sau đó mới tiếp tục xem xét đến các căn cứ khác.
II.
CĂN CỨ CỤ THỂ VÀ CÁC HÌNH THỨC KIỂM TRA
THỰC TẾ:
1. Miễn kiểm
tra thực tế hàng hoá:
a) Đối với hàng
xuất khẩu:
a.1. Chủ hàng
hoá xuất khẩu có quá trình một (1) năm xuất khẩu tính đến ngày làm thủ tục hải
quan cho lô hàng xuất khẩu không bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan hoặc
đã bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt trong thẩm quyền xử
phạt của Chi cục trưởng Hải quan; và tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho lô
hàng xuất khẩu, hải quan không có thông tin gì khác về việc chấp hành pháp luật
của chủ hàng và lô hàng.
a.2. Mặt hàng
xuất khẩu sau đây của chủ hàng đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a.1 trên đây
được miễn kiểm tra thực tế: Hàng nông sản, thuỷ sản; hàng dệt may; giày dép,
cao su tự nhiên; hàng thực phẩm tươi sống; hàng thực phẩm chế biến; hàng hóa
cần phải bảo quản đặc biệt; hàng cơ khí
điện máy, hàng lỏng, hàng rời và các mặt hàng mà việc xác định khối lượng, chất
lượng, chủng loại hàng hoá phải căn cứ vào kết luận của các cơ quan quản lý Nhà
nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức giám định; hàng hoá xuất khẩu của các doanh
nghiệp trong Khu chế xuất, hàng hoá xuất khẩu thường xuyên; hàng hoá khác do
Chính phủ quy định.
a.3. Trường hợp
doanh nghiệp mới hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian ngắn, chưa đủ thời
gian để xem xét quá trình chấp hành pháp luật theo quy định tại điểm a.1 nhưng
mặt hàng xuất khẩu thuộc đối tượng quy định tại điểm a.2 trên đây thì Hải quan
thực hiện kiểm tra thực tế hàng hoá một số lần đầu xuất khẩu, nếu doanh nghiệp
chấp hành tốt pháp luật hải quan thì các lần sau đó được áp dụng hình thức miễn
kiểm tra thực tế hàng hoá.
Đối với hàng
hoá xuất khẩu khác: Thực hiện việc kiểm tra theo đúng quy định tại Luật Hải
quan và Nghị định 101/2001/NĐ-CP.
a.4. Đối với
sản phẩm gia công xuất khẩu được miễn kiểm tra thực tế thì khi làm thủ tục hải
quan cũng được miễn đối chiếu mẫu nguyên liệu nhập. Doanh nghiệp chịu trách
nhiệm trước pháp luật về sử dụng đúng nguyên liệu nhập để sản xuất ra sản phẩm
xuất khẩu đó.
b) Đối với hàng
nhập khẩu:
b.1. Chủ hàng
hoá nhập khẩu có quá trình hai (2) năm nhập khẩu tính đến ngày làm thủ tục hải
quan cho lô hàng nhập khẩu không bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan hoặc
đã bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt trong thẩm quyền xử
phạt của Chi cục trưởng Hải quan, và tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho lô
hàng nhập khẩu, hải quan không có thông tin gì khác về việc chấp hành pháp luật
của chủ hàng và lô hàng.
b.2. Mặt hàng
nhập khẩu sau đây của chủ hàng đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b.1 trên đây
được miễn kiểm tra thực tế: Thiết bị, máy móc; hàng thực phẩm tươi sống; hàng
hóa cần phải bảo quản đặc biệt; hàng gửi kho ngoại quan, kho bảo thuế; hàng
nhập khẩu đưa vào khu chế xuất, kho bảo thuế hoặc khu vực ưu đãi hải quan khác;
hàng lỏng, hàng rời và các mặt hàng mà việc xác định khối lượng, chất lượng,
chủng loại phải căn cứ vào kết luận của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm
quyền hoặc của tổ chức giám định, hàng
hoá nhập khẩu thường xuyên; hàng hoá khác do Chính phủ quy định.
b.3. Trường hợp
doanh nghiệp mới hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian ngắn, chưa đủ thời
gian để xem xét quá trình chấp hành pháp luật theo quy định tại điểm b.1 nhưng mặt hàng nhập khẩu thuộc đối
tượng quy định tại điểm b.2 trên đây thì Hải quan thực hiện kiểm tra thực tế
hàng hoá một số lần đầu nhập khẩu, nếu doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải
quan thì các lần sau đó Hải quan thực hiện việc kiểm tra đột xuất bằng hình
thức kiểm tra xác suất theo quy định.
Đối với hàng
hoá nhập khẩu khác: Thực hiện việc kiểm tra theo đúng quy định tại Luật Hải
quan và Nghị định 101/2001/NĐ-CP.
b.4. Đối với
nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu, nếu thuộc diện được miễn kiểm tra
thực tế thì vẫn phải lấy mẫu để làm cơ sở cho kiểm tra khi xuất và kiểm tra sau
thông quan. Chi cục trưởng Hải quan quản lý hợp đồng gia công quyết định phải
lấy mẫu nguyên liệu nào. Hải quan cửa khẩu nhập thực hiện việc lấy mẫu và niêm
phong mẫu theo quy định về lấy mẫu nguyên liệu gia công.
2. Kiểm tra xác
suất thực tế hàng hoá:
a. Hình thức
kiểm tra xác suất được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp
không thuộc diện được miễn kiểm tra theo quy định tại điểm 1 trên đây;
- Trường hợp
không thuộc diện phải kiểm tra toàn bộ theo quy định tại điểm 3 dưới đây;
- Trường hợp
chủ hàng thuộc diện được miễn kiểm tra, nhưng hàng hoá không thuộc danh mục
được miễn kiểm tra thực tế.
b. Tỷ lệ kiểm
tra thực tế:
- Đối với hàng
xuất khẩu: Tỷ lệ kiểm tra là 3% hoặc 5% đối với mỗi lô hàng xuất khẩu.
- Đối với hàng
nhập khẩu: Tỷ lệ kiểm tra là 5% hoặc 10 % đối với mỗi lô hàng nhập khẩu.
3. Kiểm tra
thực tế toàn bộ lô hàng:
Kiểm tra thực
tế toàn bộ lô hàng được áp dụng trong trường hợp sau:
a) Trường hợp
1:
- Chủ hàng đã trên
03 (ba) lần bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan trong thời hạn 02 (hai) năm
tính đến ngày làm thủ tục hải quan cho lô hàng nhập khẩu và 01 (một) năm tính
đến ngày làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu với mức phạt vượt thẩm
quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan.
- Chủ hàng,
trong thời hạn quy định (hai năm đối với hàng nhập khẩu và một năm đối với hàng
xuất khẩu), đã 01(một) lần bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt
vượt thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương.
b) Trường hợp
2:
Trường hợp phát
hiện lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng không thuộc diện nhiều lần vi
phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan thì cơ quan Hải quan tiến hành kiểm
tra toàn bộ lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại tiết c mục 6 Điều 8
Nghị định 101.
4. Đối với
những doanh nghiệp bị phát hiện lợi dụng được hưởng hình thức miễn kiểm tra
thực tế hàng hoá để xuất khẩu, nhập khẩu không đúng với khai hải quan, thì ngay
sau đó không cho hưởng hình thức miễn kiểm tra này nữa và tiến hành kiểm tra
toàn bộ các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu các lần sau của doanh nghiệp theo quy
định tại điểm c, khoản 1 Điều 30 Luật Hải quan.
Đối với những
doanh nghiệp bị phát hiện lợi dụng việc kiểm tra xác suất thực tế hàng hoá để
xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá không đúng với khai hải quan thì áp dụng ngay
biện pháp kiểm tra toàn bộ.
Đối với doanh
nghiệp gia công xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu bị
phát hiện lợi dụng được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc kiểm tra theo tỷ lệ
để xuất thiếu hoặc nhập thừa hàng hoá so với khai hải quan thì Hải quan các
tỉnh, thành phố cần tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các hồ sơ đã thanh
khoản hoặc hoàn thuế nhập khẩu của doanh nghiệp này nếu phát hiện vi phạm thì
xử phạt theo quy định của pháp luật.
5. Thẩm quyền
quyết định và thay đổi hình thức kiểm tra:
a) Căn cứ vào
các tiêu chí quy định taị mục 1, 2, 3 trên đây, Chi cục trưởng Hải quan quyết
định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá.
b) Trường hợp
lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu được đăng ký tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu
nhưng việc kiểm tra thực tế do Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện thì, căn cứ
vào tình hình kiểm tra thực tế hàng hoá, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu có
thể quyết định tăng hoặc giảm tỷ lệ kiểm tra, nhưng không thay đổi hình thức
kiểm tra.
c) Trong quá
trình làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, nếu có các thông
tin mới đến mức cần phải thay đổi hình thức kiểm tra thì:
- Chi cục
trưởng quyết định thay đổi hình thức kiểm tra do mình quyết định trước đó.
- Cục trưởng
Hải quan tỉnh, thành phố quyết định thay đổi hình thức kiểm tra do Chi cục
trưởng Hải quan quyết định (kể cả Chi cục trưởng Hải quan thuộc tỉnh, thành phố
khác).
6. Mặt hàng
xuất khẩu, nhập khẩu thường xuyên quy định tại Điều 30 Luật Hải quan và Điều 8
Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 được hiểu là mặt hàng mà doanh nghiệp
chuyên xuất khẩu, nhập khẩu, bao gồm cả nguyên liệu nhập khẩu và sản phẩm gia
công xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và sản phẩm
xuất khẩu.
C. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Việc áp dụng
hình thức miễn kiểm tra thực tế hàng hoá và kiểm tra xác suất phải gắn liền với
các biện pháp nghiệp vụ sau:
a. Chi cục
trưởng Chi cục Hải quan phải tổ chức ngay việc phúc tập hồ sơ để kịp thời phát
hiện và xử lý sai sót, nhầm lẫn, gian lận, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Cục
trưởng Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo; tổ chức lực lượng và tăng cường công
tác giám sát, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu để hỗ trợ cho việc làm thủ tục hải
quan đúng pháp luật.
b. Cục trưởng
Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải tổ chức lực lượng và đẩy mạnh công tác tham
mưu chống buôn lậu, kiểm soát hải quan, thu thập, phân tích thông tin để kịp
thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, vượt thẩm quyền thì
báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
c. Trên cơ sở
phúc tập hồ sơ của Chi cục Hải quan cửa khẩu và thông tin do các đơn vị tham
mưu trực thuộc Cục cung cấp và các nguồn thông tin khác, Cục trưởng Cục Hải
quan tỉnh, thành phố phải kịp thời xem xét, ra quyết định kiểm tra sau thông
quan đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc phát hiện có
sai sót, nhầm lẫn khi làm thủ tục thông quan hàng hoá.
2. Thông tư này
có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế quy định tại Quyết
định 1557/2001/QĐ-TCHQ ngày 28/12/2001, Điều 8 Quyết định số 19/2002/QĐ-TCHQ
ngày 10/01/2002 và các văn bản hướng dẫn khác của Tổng cục Hải quan về vấn đề
này.
Trong quá trình
thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc gì, đề nghị các đơn vị cơ sở kinh doanh
phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.