VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ---------------------- Số: 115/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------------ Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC, CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG DỰ ÁN MỞ RỘNG QUỐC LỘ 1 ĐOẠN HÀ NỘI - CẦN THƠ VÀ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐOẠN QUA KHU VỰC TÂY NGUYÊN (QUỐC LỘ 14 CŨ)
.
Ngày 12 tháng 3 năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn giao thông Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Cần Thơ và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Tham dự Hội nghị tại đầu cầu truyền hình Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần FPT và đại diện một số Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải; tại đầu cầu truyền hình các địa phương có lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và các Sở, Ban, ngành liên quan.
Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của lãnh đạo một số địa phương, các Tập đoàn và ý kiến của lãnh đạo các Bộ tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
1. Kiểm điểm kết quả thực hiện:
Từ cuộc họp ngày 11 tháng 12 năm 2013 đến nay, mặc dù công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo các địa phương đã nhận thức được ý nghĩa và nâng cao trách nhiệm chỉ đạo công tác này nên kết quả thực hiện đã có chuyển biến tích cực. Tại nhiều địa phương đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; cấp ủy và các cấp chính quyền đã vào cuộc, tạo tinh thần hăng hái và trách nhiệm hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Biểu dương và đánh giá cao một số địa phương đã đạt được kết quả tốt như: Gia Lai đạt 82,06% (tính theo km), Ninh Thuận đạt 72,26%, Hậu Giang đạt 71,26%, Khánh Hòa đạt 70,25%, Kon Tum đạt 65,82%, Bình Định đạt 48,65%, Quảng Trị đạt 47,25%, Quảng Bình đạt 42,09%, Quảng Nam đạt 42,23 % (đối với dự án thành phần 1), Đắk Nông đạt 39,87%... Đặc biệt, một số tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng như: Kon Tum đạt 100%, Gia Lai đạt 99,63%, Hà Tĩnh đạt 97,43%, Ninh Thuận đạt 96,67%...
Tuy nhiên, lưu ý một số địa phương đạt tỷ lệ thấp như: Quảng Ngãi (54%), Phú Yên (58,83%), Khánh Hòa (dự án Hầm Đèo Cả đạt 23,53%) và Ninh Bình (cầu vượt đường sắt đạt 0%)... cần tập trung chỉ đạo tốt hơn.
Ngoài ra, công tác xây dựng các khu tái định cư còn chậm ở hầu hết các địa phương. Nhiều địa phương chưa bố trí tái định cư.
Công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, một số địa phương chưa di dời các công trình ngầm.
Công tác giải ngân còn thấp: các dự án trên quốc lộ 1 vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 31,27%, các dự án trên đường Hồ Chí Minh vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 18,71%.
Một số nguyên nhân dẫn đến các tồn tại nêu trên:
- Một số tỉnh chưa có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Nhân sự cho công tác giải phóng mặt bằng ở cấp huyện còn thiếu và yếu.
- Các địa phương còn lúng túng, chưa chủ động huy động các nguồn vốn để xây dựng các khu tái định cư.
- Công tác quản lý hồ sơ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện ở các dự án trước đây chưa tốt nên có sự chồng chéo như hồ sơ dự án ADB của tỉnh Phú Yên.
- Các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật như các Tập đoàn VNPT, Viettel, FPT, EVN... chưa chủ động, quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ di dời công trình của đơn vị mình.
2. Một số việc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
a) Để cơ bản hoàn thành toàn bộ các dự án vào cuối năm 2015, yêu cầu các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Bên cạnh đó, cần lưu ý phối hợp đồng bộ trong triển khai giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng và tổ chức thi công để đẩy nhanh tiến độ.
b) Các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan xem xét, có hướng dẫn đặc thù riêng cho công trình này. Đồng thời, khẩn trương sửa đổi các văn bản hướng dẫn để tạo thuận lợi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
c) Các địa phương cần linh hoạt trong bố trí, giao đất, nhà tái định cư; trong quá trình hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư có thể xem xét giao đất tái định cư cho các hộ dân tự xây dựng để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.
d) Về xây dựng các khu tái định cư:
- Về cơ chế thực hiện: đồng ý cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo cơ chế chung áp dụng cho các dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên theo các văn bản số 55/TB-VPCP ngày 21 tháng 02 năm 2012 và số 193/TB-VPCP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ.
- Về nguồn vốn xây dựng các khu tái định cư:
+ Các địa phương chủ động bố trí vốn xây dựng khu tái định cư theo đúng quy định.
+ Một số địa phương thực sự khó khăn, không bố trí được vốn, có văn bản (kèm theo các đề xuất chi tiết và hợp lý) gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải rà soát nhu cầu tái định cư thực tế tại địa phương, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, đề xuất việc hỗ trợ.
đ) Về di dời công trình hạ tầng kỹ thuật: EVN, VNPT, Viettel, FPT và các chủ công trình đường nước sinh hoạt khẩn trương thỏa thuận với các Cục Quản lý đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) di dời, bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công; chỉ đạo tư vấn phối hợp với các địa phương xác định các địa điểm di dời công trình hạ tầng, phù hợp với điều kiện phát triển tại các địa phương và đồng bộ với các công trình hạ tầng giao thông; đồng thời, phối hợp tiến độ với các đơn vị thi công công trình giao thông để đảm bảo tiến độ. Các địa phương khẩn trương giải phóng mặt bằng các vị trí mới cho di dời công trình hạ tầng. Từng Tập đoàn, Tổng công ty phải kiên quyết trong phương án di dời, không được chậm trễ.
e) Các địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Thông báo số 450/TB-VPCP ngày 13 tháng 12 năm 2013, trong đó lưu ý:
- Thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người dân theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước trên tinh thần hỗ trợ cần thiết, phù hợp, bảo đảm quyền lợi chính đảng của người dân; đi liền với việc giải quyết cụ thể là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đối thoại thường xuyên để người dân chấp hành bàn giao mặt bằng.
- Cần lập phương án chặt chẽ, cương quyết cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật đối với một số trường hợp chây ỳ, cố tình chống đối, sau khi đã đối thoại, vận động và vận dụng đầy đủ các chính sách; có phương án bảo vệ mặt bằng đã bàn giao, chống tái lấn chiếm và cản trở thi công.
- Đăng ký cụ thể tiến độ giải ngân hàng tháng, gửi Bộ Giao thông vận tải để làm cơ sở phân bổ kinh phí giải phóng mặt bằng cho các địa phương.
- Chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện di dời các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật của các Chủ công trình.
- Lập tổ công tác có đầy đủ thẩm quyền bao gồm đại diện các cơ quan như: Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Công an và Thanh tra tỉnh... để thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các điểm nóng về giải phóng mặt bằng tại hiện trường.
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải phụ trách khu vực và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện kịp thời việc giải phóng mặt bằng.
- Thời hạn bàn giao mặt bằng trước ngày 31 tháng 3 năm 2014, trừ một số địa phương bàn giao trong tháng 4 như đã báo cáo, riêng Quảng Nam và Quảng Ngãi trong tháng 5 năm 2014.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; - Các Bộ: GTVT, KH&ĐT, TC, XD, TN&MT, NN&PTNT, Công an; - UBND các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước; - Các Tập đoàn: Điện lực VN, Bưu chính-VT VN, Viễn thông Quân đội; - Công ty Cổ phần FPT; - VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TH, V.I, V.III, TKBT; - Lưu: VT, KTN (3).Ha | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |