Quyết định 2699/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải Quy định tạm thời về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do bộ giao thông vận tải quản lý
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 2699/QĐ-BGTVT
Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 2699/QĐ-BGTVT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Đinh La Thăng |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 05/09/2013 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Xây dựng, Giao thông |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 2699/QĐ-BGTVT
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2699/QĐ-BGTVT |
Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định tạm thời về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong
quản lý chất lượng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
do Bộ Giao thông vận tải quản lý
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/05/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức (sau đây gọi là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01/8/2011 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh Lãnh đạo, quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 66/2011/NĐ-CP);
Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi là Thông tư số 10/2013/TT-BXD);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tạm thời về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ trực thuộc Bộ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, Sở Giao thông vận tải, các Chủ đầu tư và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải được giao quản lý các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯƠNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2699/QĐ-BGTVT ngày 05/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quản lý chất lượng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm công trình đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không (sau đây gọi là dự án xây dựng giao thông) do Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) quản lý trong quá trình đầu tư xây dựng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong đầu tư xây dựng do Bộ GTVT quản lý.
2. Các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi là ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ mà hiệp định, thỏa thuận hoặc hợp đồng ký kết có quy định khác với Quy định này thì áp dụng hiệp định, thỏa thuận hoặc hợp đồng đã ký kết.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỤNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Điều 3. Trách nhiệm chung
Các tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng và các yêu cầu khác theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các quy định hiện hành.
Điều 4. Quản lý chất lượng khảo sát xây dựng
1. Trách nhiệm của chủ đầu tư
a) Lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định.
b) Tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng (nếu có).
c) Kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong hợp đồng xây dựng của nhà thầu khảo sát xây dựng trong quá trình thực hiện khảo sát.
d) Tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với loại hình khảo sát để thực hiện giám sát công tác khảo sát xây dựng. Nội dung giám sát công tác khảo sát xây dựng tuân thủ khoản 2 Điều 10 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
đ) Nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng tuân thủ các quy định tại Điều 12 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
2. Trách nhiệm của nhà thầu khảo sát xây dựng
a) Lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư; lập phương án kỹ thuật khảo sát phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng và các tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng được áp dụng.
b) Bố trí đủ cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để thực hiện khảo sát; cử người có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật để làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng; tổ chức tự giám sát trong quá trình khảo sát.
c) Thực hiện khảo sát theo phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng được phê duyệt; sử dụng thiết bị, phòng thí nghiệm hợp chuẩn theo quy định của pháp luật và phù hợp với công việc khảo sát.
d) Bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác trong khu vực khảo sát.
đ) Bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong khu vực khảo sát; phục hồi hiện trường sau khi kết thúc khảo sát.
e) Lập báo cáo kết quả khảo sát xây dựng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát xây dựng và hợp đồng; kiểm tra, khảo sát lại hoặc khảo sát bổ sung khi báo cáo kết quả khảo sát xây dựng không phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi xây dựng công trình hoặc không đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát.
3. Trách nhiệm của nhà thầu thiết kế
a) Lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng phù hợp với yêu cầu của từng bước thiết kế khi có yêu cầu của chủ đầu tư.
b) Kiểm tra sự phù hợp của số liệu khảo sát với yêu cầu của bước thiết kế, tham gia nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng khi được chủ đầu tư yêu cầu.
c) Kiến nghị chủ đầu tư thực hiện khảo sát xây dựng bổ sung khi phát hiện kết quả khảo sát không đáp ứng yêu cầu khi thực hiện thiết kế hoặc phát hiện những yếu tố khác thường ảnh hưởng đến thiết kế.
4. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân giám sát khảo sát xây dựng:
a) Cử người có chuyên môn phù hợp với loại hình khảo sát để thực hiện giám sát khảo sát xây dựng theo nội dung của hợp đồng xây dựng.
b) Đề xuất bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng nếu trong quá trình giám sát khảo sát phát hiện các yếu tố khác thường ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế.
c) Giúp chủ đầu tư nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng.
Điều 5. Quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình
1. Trách nhiệm của chủ đầu tư:
a) Tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình trên cơ sở báo cáo đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) hoặc chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Lựa chọn tổ chức, cá nhân đảm bảo điều kiện năng lực để lập thiết kế và thẩm tra thiết kế xây dựng công trình khi cần thiết.
c) Kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong hợp đồng xây dựng của nhà thầu thiết kế, nhà thầu thẩm tra thiết kế (nếu có) trong quá trình thực hiện hợp đồng.
d) Kiểm tra và trình thiết kế cơ sở cho người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật đối với công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước.
đ) Tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán theo quy định.
e) Thực hiện thay đổi thiết kế theo quy định.
g) Tổ chức nghiệm thu hồ sơ thiết kế công trình xây dựng tuân thủ quy định tại Điều 15 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
2. Trách nhiệm của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình:
a) Bố trí đủ người có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để thực hiện thiết kế; cử người có đủ điều kiện năng lực theo quy định để làm chủ nhiệm đồ án thiết kế, chủ trì thiết kế.
b) Sử dụng kết quả khảo sát đáp ứng được yêu cầu của bước thiết kế và phù hợp với tiêu chuẩn được áp dụng cho công trình.
c) Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn được áp dụng cho công trình; lập hồ sơ thiết kế đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế, nội dung của từng bước thiết kế, quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
d) Thực hiện thay đổi thiết kế theo quy định.
đ) Tự kiểm soát chất lượng thiết kế và quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
Điều 6. Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình
1. Trách nhiệm của chủ đầu tư:
a) Lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có), thí nghiệm, kiểm định chất lượng công trình (nếu có) và các công việc tư vấn xây dựng khác.
b) Thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện.
c) Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 72 của Luật xây dựng.
d) Trước khi thi công xây dựng, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công xây dựng phải thống nhất các nội dung về hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư và của nhà thầu; kế hoạch và biện pháp kiểm soát chất lượng trên cơ sở chỉ dẫn kỹ thuật và các đề xuất của nhà thầu theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
đ) Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình.
e) Kiểm tra việc huy động và bố trí nhân lực của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình so với yêu cầu của hợp đồng xây dựng.
g) Kiểm tra và giám sát trong quá trình thi công xây dựng công trình, bao gồm:
- Kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình; thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng khi cần thiết theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
- Kiểm tra biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình của nhà thầu thi công xây dựng công trình;
- Kiểm tra, đôn đốc, giám sát nhà thầu thi công xây dựng công trình và các nhà thầu khác triển khai công việc tại hiện trường;
- Yêu cầu nhà thầu thiết kế điều chỉnh khi phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế;
- Kiểm tra tài liệu phục vụ nghiệm thu;
- Kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công.
h) Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
i) Tổ chức kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình và toàn bộ công trình xây dựng khi có nghi ngờ về chất lượng hoặc khi được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu.
k) Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng.
l) Tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng.
m) Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đối với nhà thầu thi công xây dựng khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn.
n) Chủ trì, phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong thi công xây dựng công trình và xử lý, khắc phục sự cố theo quy định của Nghị định này.
o) Lập báo cáo hoàn thành đưa công trình xây dựng vào sử dụng hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu và gửi cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo quy định tại quy định này.
p) Chủ đầu tư có thể thuê nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công việc theo quy định tại khoản 14 Điều 24 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP.
Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện của nhà thầu tư vấn giám sát theo yêu cầu của Hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng:
a) Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với quy mô công trình, trong đó quy định trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận đối với việc quản lý chất lượng công trình xây dựng.
b) Trước khi thi công xây dựng, phải thống nhất các nội dung về hệ thống quản lý chất lượng; kế hoạch và biện pháp kiểm soát chất lượng với chủ đầu tư theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
c) Phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giữa các bên trong trường hợp áp dụng hình thức tổng thầu thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình; tổng thầu lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình và các hình thức tổng thầu khác (nếu có).
d) Bố trí nhân lực, cung cấp vật tư, thiết bị thi công theo yêu cầu của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
đ) Tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình.
e) Lập và phê duyệt biện pháp thi công trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình tiến độ thi công, trừ trường hợp trong hợp đồng có quy định khác.
g) Quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình theo quy định.
h) Thực hiện các công tác kiểm tra, thí nghiệm vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình xây dựng theo quy định của tiêu chuẩn, yêu cầu của thiết kế và yêu cầu của hợp đồng xây dựng.
i) Thi công xây dựng theo đúng hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng, thiết kế xây dựng công trình; đảm bảo chất lượng công trình và an toàn trong thi công xây dựng.
k) Thông báo kịp thời cho chủ đầu tư nếu phát hiện bất kỳ sai khác nào giữa thiết kế, hồ sơ hợp đồng và điều kiện hiện trường.
l) Sửa chữa sai sót, khiếm khuyết chất lượng đối với những công việc do mình thực hiện; chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư khắc phục hậu quả sự cố trong quá trình thi công xây dựng công trình; lập báo cáo sự cố và phối hợp với các bên liên quan trong quá trình giám định nguyên nhân sự cố.
m) Lập nhật ký thi công xây dựng công trình theo quy định.
n) Lập bản vẽ hoàn công theo quy định.
o) Báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư.
p) Hoàn trả mặt bằng, di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và những tài sản khác của mình ra khỏi công trường sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.
3. Trách nhiệm của nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung cấp vật liệu, sản phẩm, thiết bị, cấu kiện sử dụng cho công trình xây dựng:
a) Đảm bảo chất lượng vật liệu, sản phẩm, thiết bị, cấu kiện xây dựng theo tiêu chuẩn được công bố áp dụng và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, đáp ứng được yêu cầu của thiết kế.
b) Cung cấp cho bên giao thầu đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan tới sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật khác có liên quan; đảm bảo quy định về nhãn mác sản phẩm, hàng hóa.
c) Thực hiện việc chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn theo quy định của pháp luật và thực hiện thí nghiệm kiểm tra chất lượng theo yêu cầu của hợp đồng.
d) Thực hiện các thỏa thuận với bên giao thầu về quy trình và phương pháp kiểm tra chất lượng vật liệu, sản phẩm, thiết bị, cấu kiện xây dựng trước và trong quá trình sản xuất cũng như trong quá trình cung ứng, sử dụng, lắp đặt trong công trình.
4. Trách nhiệm của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình:
a) Cử người có đủ năng lực theo quy định để thực hiện nhiệm vụ của giám sát trưởng và các chức danh giám sát khác.
b) Lập sơ đồ tổ chức và đề cương giám sát bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của các chức danh: giám sát, lập kế hoạch và quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình kiểm tra và nghiệm thu, phương pháp quản lý các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình giám sát thi công xây dựng.
c) Thực hiện giám sát thi công xây dựng theo yêu cầu của hợp đồng xây dựng, đề cương đã được chủ đầu tư chấp thuận và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
d) Nghiệm thu các công việc do nhà thầu thi công xây dựng thực hiện theo yêu cầu của hợp đồng xây dựng.
5. Trách nhiệm giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình:
a) Nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật đối với trường hợp thiết kế ba bước, nhà thầu lập thiết kế bản vẽ thi công đối với trường hợp thiết kế một bước hoặc hai bước cử người đủ năng lực để thực hiện giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng theo chế độ giám sát không thường xuyên hoặc giám sát thường xuyên nếu có thỏa thuận riêng với chủ đầu tư trong hợp đồng.
b) Giải thích và làm rõ các tài liệu thiết kế công trình khi có yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu giám sát thi công xây dựng.
c) Phối hợp với chủ đầu tư khi được yêu cầu để giải quyết các vướng mắc, phát sinh về thiết kế trong quá trình thi công xây dựng, điều chỉnh thiết kế phù hợp với thực tế thi công xây dựng công trình, xử lý những bất hợp lý trong thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư.
d) Thông báo kịp thời cho chủ đầu tư và kiến nghị biện pháp xử lý khi phát hiện việc thi công sai với thiết kế được duyệt của nhà thầu thi công xây dựng.
đ) Tham gia nghiệm thu công trình xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư, nếu phát hiện hạng mục công trình, công trình xây dựng không đủ điều kiện nghiệm thu phải có ý kiến kịp thời bằng văn bản gửi chủ đầu tư.
Điều 7. Trách nhiệm của các bên về bảo hành công trình xây dựng
1. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm sau đây:
a) Vận hành, bảo trì công trình theo đúng quy định của quy trình vận hành, bảo trì công trình;
b) Kiểm tra, phát hiện hư hỏng của công trình để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình sửa chữa, thay thế;
c) Giám sát và nghiệm thu công việc khắc phục, sửa chữa của nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình xây dựng;
d) Xác nhận hoàn thành bảo hành công trình xây dựng cho nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình.
2. Nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức khắc phục ngay sau khi có yêu cầu của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình và phải chịu mọi chi phí khắc phục;
b) Từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng phát sinh không phải do lỗi của nhà thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả kháng.
c) Nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình và các nhà thầu khác có liên quan chịu trách nhiệm về chất lượng công trình tương ứng với phần công việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành.
Điều 8. Phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng
Việc phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng thực hiện theo quy định từ Điều 2 đến Điều 5 Thông tư số 10/2013/TT-BXD.
Đối với các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Các Ban QLDA chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT và pháp luật theo nhiệm vụ, quyền hạn được Bộ GTVT ủy quyền.
Chương III
HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ THEO LUẬT CÁN BỘ CÔNG CHỨC
Điều 9. Cá nhân do Bộ Giao thông vận tải quản lý
Các cá nhân do Bộ GTVT quản lý theo Luật Cán bộ, công chức bao gồm: Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và các chức danh khác tương đương; Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Phó Cục trưởng các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành (Tổng cục, Cục); các Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Trưởng Phòng, Phó trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Tổng cục, Cục; Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc Ban QLDA thuộc Bộ; Tổng giám đốc, Giám đốc các Ban QLDA trực thuộc Tổng cục, Cục; các công chức thuộc Bộ GTVT quản lý; các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ GTVT làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước do Bộ GTVT quản lý tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01/8/2011 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh Lãnh đạo, quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước.
Các cá nhân thuộc Sở Giao thông vận tải do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, bao gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Trưởng Ban QLDA, Phó Ban QLDA, Trưởng Phòng nghiệp vụ, Phó Phòng nghiệp vụ liên quan.
Điều 10. Hành vi vi phạm
1. Đối với công chức, hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP.
2. Đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định số 66/2011/NĐ-CP.
Điều 11. Nguyên tắc xử lý và các hình thức xử lý kỷ luật
1. Nguyên tắc xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 66/2011/NĐ-CP.
2. Các hình thức xử lý kỷ luật
a) Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.
b) Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
c) Đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ GTVT làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước do Bộ GTVT quản lý tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 66/2011/NĐ-CP, hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; cách chức; buộc thôi việc.
d) Khi xử lý kỷ luật, việc áp dụng các hình thức kỷ luật sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 66/2011/NĐ-CP.
Điều 12. Các hình thức xử lý
Các cá nhân quy định tại Điều 9 của Quy định này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo các hình thức cụ thể dưới đây:
1. Đối với các Tổng cục, Cục, Ban QLDA trực thuộc Bộ, các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ.
a) Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA tùy mức độ sai phạm bị: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
b) Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng thuộc Tổng cục, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng tùy mức độ sai phạm bị: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
c) Chuyên viên theo dõi trực tiếp tùy theo mức độ sai phạm bị: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.
d) Đối với các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ: các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ GTVT làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước do Bộ GTVT quản lý tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước tùy theo mức độ sai phạm bị: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; cách chức; buộc thôi việc.
2. Đối với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD và CL CTGT) và các Vụ, cơ quan tham mưu cấp Vụ:
a) Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương tùy thuộc mức độ sai phạm bị: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
b) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng tùy thuộc mức độ sai phạm bị: khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.
c) Chuyên viên theo dõi trực tiếp tùy theo mức độ sai phạm bị: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.
3. Đối với Lãnh đạo các Sở Giao thông vận tải (Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Trưởng Ban QLDA, Phó Ban QLDA, Trưởng Phòng nghiệp vụ, Phó phòng nghiệp vụ): Tùy theo mức độ vi phạm, Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xử lý theo quy định.
Chương IV
HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THEO QUAN HỆ HỢP ĐỒNG GIỮA BÊN GIAO THẦU VÀ BÊN NHẬN THẦU
Điều 13. Nguyên tắc chung
1. Đối với các dự án đầu tư xây dựng giao thông do Bộ GTVT quản lý, quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng, các chủ đầu tư, Ban QLDA (bên giao thầu) có trách nhiệm quy định các điều khoản phù hợp theo các nội dung dưới đây để xử lý nhà thầu (bên nhận thầu: xây lắp, tư vấn...) đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật và quy định tại văn bản này.
2. Đối với các dự án đầu tư theo các hình thức khác (BOT, BT, BTO...), quá trình đàm phán ký kết hợp đồng dự án, cơ quan, tổ chức được Bộ giao thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa các nội dung phù hợp tại quy định này vào hợp đồng dự án để triển khai thực hiện trong quá trình quản lý thực hiện dự án.
3. Tổ chức cá nhân (bên nhận thầu) vi phạm về quản lý chất lượng, tùy theo mức độ vi phạm ngoài việc bị xử lý bởi các hình thức: xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự và xử lý khác theo quy định của pháp luật còn bị đánh giá kết quả thực hiện theo các quy định của Bộ GTVT và xử lý theo các quy định tại hợp đồng ký kết giữa hai bên được quy định trong văn bản này.
4. Chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà thầu (xây lắp, tư vấn...) không thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 3, 4, 5, 6 và Điều 7 của Quy định này được coi là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định.
Điều 14. Các hành vi và mức độ vi phạm trong công tác khảo sát
1. Các hành vi vi phạm:
a) Chủ đầu tư, Ban QLDA lựa chọn nhà thầu khảo sát xây dựng không đủ điều kiện năng lực theo quy định; Phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng không phù hợp; không kiểm tra việc tuân thủ các quy định trong hợp đồng xây dựng của nhà thầu khảo sát xây dựng trong quá trình thực hiện khảo sát; nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng không phù hợp.
b) Tổ chức tư vấn triển khai công tác khảo sát khi nhiệm vụ và phương án kỹ thuật khảo sát chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ trường hợp cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện trước bằng văn bản.
c) Kết quả khảo sát không phản ảnh đúng thực tế dẫn đến phải điều chỉnh lớn về giải pháp thiết kế được duyệt.
d) Quá trình khảo sát không tuân thủ các quy trình, quy phạm về khảo sát và thí nghiệm hoặc không theo đúng nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng được duyệt.
đ) Bố trí nhân sự, thiết bị không đáp ứng, không phù hợp theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, Ban QLDA.
2. Mức độ vi phạm trong công tác khảo sát:
a) Bước lập dự án:
Số liệu điều tra, tính toán sai lệch dẫn đến: phải thay đổi cao độ thiết kế hoặc điều chỉnh hướng tuyến trên 20% tổng chiều dài; làm tăng khối lượng trên 20% đối với 01 dự án; phải tăng khẩu độ trên 30% tổng chiều dài của 01 cầu hoặc thay đổi cơ bản về sơ đồ cầu; phải bổ sung khối lượng xử lý nền đất yếu trên 20%.
b) Các bước thiết kế sau bước thiết kế cơ sở cho 01 gói thầu:
- Sai về cao độ tự nhiên dẫn đến tăng khối lượng trên 20% tổng khối lượng đối với công trình ở miền núi và trên 15% đối với công trình ở đồng bằng.
- Phải thay đổi cao độ thiết kế hoặc điều chỉnh bình diện trên 15% tổng chiều dài đối với công trình ở miền núi; trên 10% đối với công trình ở đồng bằng.
- Khảo sát sai về địa chất dẫn đến phải thay đổi số lượng, chiều dài và loại hình móng công trình cầu, tường chắn, giải pháp xử lý nền đất yếu làm tăng trên 10% dự toán xây lắp của gói thầu.
- Điều tra, tính toán thủy văn sai hoặc thiếu, dẫn đến phải:
+ Tăng thêm khẩu độ cầu trên 30% tổng chiều dài 01 cầu.
+ Thay đổi tăng thêm 20% tổng chiều dài với công trình kè chỉnh trị trong một gói thầu.
c) Kết quả khảo sát không phản ảnh đúng thực tế dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế làm tăng chi phí xây dựng công trình trên 20% tổng mức đầu tư hoặc dự toán của 01 gói thầu đã được phê duyệt.
d) Những vi phạm khác ngoài quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 15. Các hành vi vi phạm trong công tác lập dự án và các bước thiết kế
1. Quy mô, mục tiêu của dự án không phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy mô thiết kế bước sau không phù hợp với bước trước.
2. Giải pháp thiết kế không phù hợp với dự án đầu tư được duyệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng cho dự án.
3. Lựa chọn các phương án ở bước lập dự án hoặc thiết kế không hợp lý làm thay đổi phương án, phát sinh hạng mục hoặc khối lượng công trình dẫn đến việc thay đổi làm tăng 20% về tổng mức đầu tư, dự toán của 01 gói thầu đã duyệt hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
4. Bố trí nhân sự, thiết bị không đáp ứng, không phù hợp theo hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư, Ban QLDA.
5. Trong công tác nghiệm thu hồ sơ thiết kế:
a) Thiếu chủng loại, khối lượng hồ sơ cần thiết theo quy định của hợp đồng.
b) Không kiểm tra nội bộ nội dung hồ sơ trước khi trình và trước khi gửi đến cơ quan thẩm tra, thẩm định, không tuân thủ trình tự, thủ tục.
c) Nghiệm thu không đúng khối lượng khảo sát, thiết kế.
Điều 16. Các hành vi vi phạm trong công tác thẩm tra của nhà thầu tư vấn thẩm tra
1. Không phát hiện hết những tồn tại, sai sót về thủ tục, nội dung của hồ sơ dự án và hồ sơ thiết kế, dự toán.
2. Thực hiện thẩm tra khi không đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định.
3. Bố trí nhân sự không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Các hành vi vi phạm trong quá trình thi công, bảo hành, quyết toán
1. Nhà thầu thi công sai so với thiết kế được duyệt; thi công không có chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt; sai với chỉ dẫn kỹ thuật hoặc các điều kiện của hợp đồng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án. Thi công sai quy trình kỹ thuật, vi phạm các quy định về an toàn công trình gây lún, nứt, hư hỏng các công trình lân cận.
2. Nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ đã cam kết (theo biểu tiến độ đã phê duyệt) mặc dù đã được Chủ đầu tư, Ban QLDA, Tư vấn giám sát và các cơ quan có thẩm quyền nhắc nhở đến 03 lần nhưng vẫn không đáp ứng tiến độ yêu cầu.
3. Vi phạm về đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Sau khi công trình, hạng mục công trình hoàn thành hoặc trường hợp hợp đồng kết thúc trước thời hạn, các nhà thầu (xây lắp, tư vấn...) không kịp thời tiến hành quyết toán A - B theo đúng quy định.
5. Nhà thầu không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo hành công trình hoặc thực hiện nhưng không đáp ứng quy định của hợp đồng.
6. Thí nghiệm kiểm tra trong quá trình thi công của nhà thầu, thí nghiệm kiểm tra đánh giá chất lượng của tư vấn giám sát hoặc của tư vấn kiểm định không chính xác, cố ý thay đổi kết quả thí nghiệm hoặc tác động làm sai lệch kết quả thí nghiệm, báo cáo kết quả kiểm định...
7. Công tác nghiệm thu khối lượng, chất lượng trong từng giai đoạn thi công của Tư vấn giám sát không kịp thời, thiếu chính xác, thủ tục nghiệm thu bàn giao công trình của Chủ đầu tư thiếu hoặc không đúng trình tự, việc lập hồ sơ hoàn công công trình không đúng với thực tế thi công hoặc không đảm bảo đầy đủ tính pháp lý.
8. Tư vấn giám sát để nhà thầu thi công không tuân thủ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, hợp đồng kinh tế được ký kết hoặc không phát hiện kịp thời các sai sót, vi phạm của nhà thầu trên công trường cũng như những sai sót của thiết kế so với điều kiện thực tế hiện trường, không kịp thời báo cáo Chủ đầu tư, Ban QLDA để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng.
9. Tư vấn giám sát cố ý làm sai lệch kết quả giám sát đối với khối lượng và chất lượng thi công theo quy định của dự án và pháp luật, bỏ qua những sai sót của nhà thầu, lợi dụng quyền hạn để thu lợi cá nhân.
10. Nhà thầu (thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, kiểm định, bảo hiểm, kiểm toán...) huy động nhân sự, thiết bị, tài chính không đúng hồ sơ dự thầu, không đáp ứng theo hợp đồng đã ký. Chủ đầu tư, Ban QLDA không yêu cầu nhà thầu bổ sung, thay thế nhân sự, máy móc thiết bị không đáp ứng quy định trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng.
Điều 18. Hình thức xử lý đối với đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án, thiết kế, thẩm tra
1. Đối với đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án, thiết kế:
a) Cá nhân:
- Chủ nhiệm lập dự án, chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm thiết kế, chủ trì thiết kế xây dựng công trình và các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật liên quan đến vi phạm thì tùy theo mức độ, số lần tái phạm mà xử lý cảnh cáo hoặc thay thế bằng nhân sự khác đồng thời phải khắc phục hậu quả gây ra.
- Lãnh đạo trực tiếp liên quan: tùy theo mức độ vi phạm xử lý cảnh cáo hoặc thay thế bằng nhân sự khác đồng thời phải khắc phục hậu quả gây ra.
- Tùy theo mức độ vi phạm của cá nhân, có thể xử lý không được tham gia (có thời hạn) các dự án của ngành GTVT; đồng thời thông báo bằng văn bản gửi tới các Chủ đầu tư, Ban QLDA của Bộ GTVT và đăng trên trang web của Bộ GTVT.
- Đối với các cá nhân thuộc các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ GTVT làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước do Bộ GTVT quản lý tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước: ngoài các hình thức xử lý trên, còn bị xử lý theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Quy định này.
b) Tổ chức:
- Bị trừ điểm trong đánh giá xếp hạng theo quy định của Bộ GTVT về đánh giá, xếp hạng tổ chức tư vấn.
- Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý cảnh cáo, trường hợp bị cảnh cáo đến lần thứ 3 sẽ bị cấm tham gia đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Phải chịu mọi chi phí để khắc phục, khảo sát thiết kế lại các hạng mục công việc vi phạm hoặc phải bồi thường toàn bộ kinh phí để xử lý các sai sót. Ngoài ra còn bị xem xét, xử phạt theo quy định của hợp đồng và các quy định hiện hành.
- Các vi phạm của nhà thầu (khảo sát, lập dự án, thiết kế) sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ GTVT, trang thông tin điện tử về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Đối với đơn vị tư vấn thẩm tra vi phạm các quy định tại Điều 16 của Quy định này thì tùy theo mức độ vi phạm và tổn thất gây ra sẽ bị xem xét xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Các Chủ đầu tư ngoài ngành GTVT có thể xem xét sử dụng kết quả xử lý của Bộ GTVT trong quá trình lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát, lập dự án, thiết kế, thẩm tra thiết kế.
Điều 19. Hình thức xử lý vi phạm đối với tư vấn giám sát
1. Cá nhân:
a) Các cá nhân tư vấn giám sát trực tiếp tham gia giám sát công trình (Tư vấn giám sát trưởng, Kỹ sư tư vấn giám sát...) liên quan đến vi phạm thì tùy theo mức độ, số lần tái phạm mà xử lý cảnh cáo hoặc thay thế bằng nhân sự khác đồng thời phải khắc phục hậu quả gây ra.
b) Lãnh đạo trực tiếp liên quan: tùy theo mức độ vi phạm xử lý cảnh cáo hoặc thay thế bằng nhân sự khác đồng thời phải khắc phục hậu quả gây ra.
c) Tùy theo mức độ vi phạm của cá nhân, có thể xử lý không được tham gia (có thời hạn) các dự án của ngành GTVT; đồng thời thông báo bằng văn bản gửi tới các Chủ đầu tư, Ban QLDA của Bộ GTVT và đăng trên trang web của Bộ GTVT.
d) Đối với các cá nhân thuộc các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ GTVT làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước do Bộ GTVT quản lý tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước: ngoài các hình thức xử lý trên, còn bị xử lý theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Quy định này.
đ) Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có các vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và lợi ích của Chủ đầu tư thì phải bồi thường thiệt hại và bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức:
a) Bị trừ điểm trong đánh giá xếp hạng theo quy định của Bộ GTVT về đánh giá xếp hạng tổ chức tư vấn.
b) Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý cảnh cáo, trường hợp bị cảnh cáo đến lần thứ 03 sẽ bị cấm tham gia đấu thầu theo quy định của Pháp luật về đấu thầu.
c) Tùy mức độ vi phạm, không được thanh toán chi phí tư vấn giám sát tương ứng với khối lượng công trình bị sai phạm hoặc chịu trách nhiệm đền bù vật chất do thiếu sót trong quá trình giám sát gây nên hư hỏng hoặc sự cố công trình theo quy định của hợp đồng giám sát thi công xây dựng và các quy định của pháp luật hiện hành.
d) Bị phạt hợp đồng kinh tế, khấu trừ chi phí giám sát khi công trình sai phạm ở mức xử lý phải phá đi làm lại theo quyết định của Chủ đầu tư hoặc theo quy định tại hợp đồng.
đ) Các vi phạm của nhà thầu sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ GTVT, trang thông tin điện tử về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
3. Các Chủ đầu tư ngoài ngành GTVT có thể xem xét sử dụng kết quả xử lý của Bộ GTVT trong quá trình lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia giám sát thi công xây dựng công trình.
Điều 20. Hình thức xử lý vi phạm đối với đơn vị thí nghiệm
1. Cá nhân:
Người phụ trách và người trực tiếp thí nghiệm khi vi phạm sẽ bị xử lý như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 của Quy định này, bị từ chối và bị thu hồi chứng chỉ thí nghiệm viên và bị từ chối tham gia công tác thí nghiệm của các phòng thí nghiệm LAS-XD.
2. Tổ chức:
a) Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý: cảnh cáo, đình chỉ tạm thời hiệu lực của Quyết định công nhận phòng thí nghiệm LAS-XD trong thời gian 03 tháng. Phải bồi thường thiệt hại của đơn vị thí nghiệm theo hợp đồng nếu xảy ra vi phạm dẫn đến thiệt hại.
b) Nếu tái diễn vi phạm, đơn vị thí nghiệm sẽ bị thu hồi Quyết định phòng thí nghiệm LAS-XD cho đến khi đơn vị có các biện pháp khắc phục triệt để các sai phạm. Nếu bị cảnh cáo đến lần thứ 03, đơn vị thí nghiệm sẽ bị cấm không được tham gia các dự án tiếp theo quy định của Pháp luật về đấu thầu.
c) Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái diễn ở mức độ nghiêm trọng hơn gây hậu quả, tổn thất cho công trình xây dựng, tùy mức độ vi phạm sẽ bị thu hồi vĩnh viễn Quyết định công nhận phòng thí nghiệm LAS-XD.
d) Trường hợp vi phạm, không được thanh toán chi phí thí nghiệm tương ứng với khối lượng công trình bị sai phạm hoặc chịu trách nhiệm đền bù vật chất do thiếu sót trong quá trình thí nghiệm gây nên hư hỏng hoặc sự cố công trình theo quy định của hợp đồng thí nghiệm và các quy định của pháp luật hiện hành.
đ) Các vi phạm của nhà thầu sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ GTVT, trang thông tin điện tử về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
3. Đối với cá nhân, tổ chức chứng chỉ thí nghiệm và Quyết định công nhận phòng thí nghiệm LAS-XD không do Bộ GTVT cấp, Bộ GTVT có văn bản gửi đến cơ quan cấp chứng chỉ, quyết định để xử lý theo quy định.
4. Các Chủ đầu tư ngoài ngành có thể xem xét sử dụng kết quả xử lý của Bộ GTVT trong quá trình lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia công tác thí nghiệm.
Điều 21. Hình thức xử lý vi phạm đối với tư vấn kiểm định
1. Cá nhân:
Người phụ trách và người trực tiếp công tác kiểm định khi vi phạm sẽ bị xử lý như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 của Quy định này.
2. Tổ chức:
a) Bị cảnh cáo trong trường hợp vi phạm hợp đồng, không đảm bảo chất lượng, tiến độ công tác kiểm định.
b) Nếu tái diễn vi phạm bị cảnh cáo đến lần thứ 3, đơn vị tư vấn kiểm định sẽ bị cấm tham gia đấu thầu theo quy định của Pháp luật về đấu thầu.
c) Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, không được thanh toán chi phí kiểm định tương ứng với khối lượng công trình bị sai phạm hoặc chịu trách nhiệm đền bù vật chất do thiếu sót trong quá trình kiểm định gây nên hư hỏng hoặc sự cố công trình theo quy định của hợp đồng tư vấn kiểm định và các quy định của pháp luật hiện hành.
d) Các vi phạm của nhà thầu sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ GTVT, trang thông tin điện tử về đấu thầu theo quy định của Pháp luật về đấu thầu.
3. Các Chủ đầu tư ngoài ngành GTVT có thể xem xét sử dụng kết quả xử lý của Bộ GTVT trong quá trình lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia công tác kiểm định.
Điều 22. Hình thức xử lý vi phạm đối với nhà thầu xây lắp
1. Cá nhân:
a) Giám đốc dự án, chỉ huy trưởng công trường, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật liên quan đến vi phạm thì tùy theo mức độ, số lần tái phạm mà xử lý cảnh cáo hoặc thay thế bằng nhân sự khác đồng thời phái khắc phục hậu quả gây ra.
b) Lãnh đạo trực tiếp liên quan: tùy theo mức độ vi phạm xử lý cảnh cáo hoặc thay thế bằng nhân sự khác đồng thời phải khắc phục hậu quả gây ra.
c) Tùy theo mức độ vi phạm của cá nhân, có thể xử lý không được tham gia (có thời hạn) các dự án của ngành GTVT; đồng thời thông báo bằng văn bản gửi tới các Chủ đầu tư, Ban QLDA của Bộ GTVT và đăng trên trang web của Bộ GTVT.
d) Đối với các cá nhân thuộc các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ GTVT làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước do Bộ GTVT quản lý tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước: ngoài các hình thức xử lý trên, còn bị xử lý theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Quy định này.
2. Tổ chức:
a) Bị trừ điểm trong đánh giá xếp hạng theo quy định của Bộ GTVT về đánh giá xếp hạng nhà thầu xây lắp.
b) Tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị đình chỉ thi công, cắt chuyển khối lượng, xử lý cảnh cáo, chấm dứt hợp đồng; trường hợp bị cảnh cáo đến lần thứ 03 sẽ bị cấm tham gia đấu thầu theo quy định của Pháp luật về đấu thầu. Đồng thời với các hình thức xử lý trên còn phải phải bồi thường, đền bù thiệt hại theo quy định của hợp đồng xây lắp và các quy định của pháp luật hiện hành.
c) Đối với tất cả các vi phạm thi công sai so với thiết kế được duyệt; thi công không có chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt; sai với chỉ dẫn kỹ thuật hoặc các điều kiện của hợp đồng và các quy trình, quy phạm, hình thức xử lý chủ yếu là phá dỡ làm lại và khắc phục đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trên cơ sở phương án xử lý được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Nhà thầu phải chịu mọi chi phí để khắc phục, làm lại theo phương án xử lý được phê duyệt. Ngoài ra tùy theo mức độ vi phạm nhà thầu sẽ bị cảnh cáo, cấm tham gia đấu thầu theo quy định của Pháp luật về đấu thầu.
d) Đối với các vi phạm hợp đồng về tiến độ thi công:
- Bị nhắc nhở về tiến độ thi công đến lần thứ 03, Chủ đầu tư, Ban QLDA sẽ xem xét việc bổ sung nhà thầu phụ, điều chuyển khối lượng thi công hoặc chấm dứt hợp đồng, lựa chọn nhà thầu mới để đảm bảo tiến độ chung của gói thầu.
- Phải gia hạn hợp đồng do lỗi chủ quan của nhà thầu: Nhà thầu phải chịu mọi chi phí phát sinh do kéo dài tiến độ hợp đồng.
- Tùy theo mức độ vi phạm của nhà thầu, khi đã có đủ bằng chứng (bằng các văn bản nhắc nhở của Chủ đầu tư, Ban QLDA, Tư vấn giám sát, các cơ quan có thẩm quyền), Chủ đầu tư, Ban QLDA báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định cảnh cáo nhà thầu. Trường hợp bị cảnh cáo đến lần thứ 03 nhà thầu sẽ bị cấm tham gia đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
đ) Các vi phạm của nhà thầu sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ GTVT, trang thông tin điện tử về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
3. Các Chủ đầu tư ngoài ngành GTVT có thể xem xét sử dụng kết quả xử lý của Bộ GTVT trong quá trình lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia thi công xây dựng công trình.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23. Thẩm quyền xử lý vi phạm
1. Bộ GTVT xem xét, quyết định xử lý vi phạm:
a) Xử lý các hình thức kỷ luật các tổ chức, cá nhân (Lãnh đạo cấp Tổng cục, Cục, Vụ, Tổng công ty, Ban QLDA thuộc Bộ hoặc tương đương) theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
b) Yêu cầu Chủ đầu tư, Ban QLDA xử lý vi phạm hợp đồng đối với nhà thầu vi phạm (chấm dứt hợp đồng, thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng...).
c) Quyết định cảnh cáo, cấm tham gia đấu thầu các tổ chức, cá nhân đối với các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư.
2. Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Lãnh đạo Tổng công ty, Ban QLDA chịu trách nhiệm xử lý cán bộ, công chức trực thuộc theo phân cấp của Bộ.
3. Chủ đầu tư, Ban QLDA xử lý cá nhân vi phạm quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21 và Điều 22 của Quy định này; kết quả xử lý báo cáo ngay về Bộ GTVT.
Đối với các cá nhân thuộc các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ GTVT làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước do Bộ GTVT quản lý tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, chủ đầu tư có văn bản báo cáo Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để xem xét xử lý.
4. Bộ GTVT giao cho Cục QLXD và CL CTGT kiểm tra, ra thông báo các vi phạm chất lượng xây dựng công trình tới các Chủ đầu tư để thực hiện việc xử lý vi phạm, cụ thể:
a) Yêu cầu Chủ đầu tư, Ban QLDA chỉ đạo khắc phục xử lý các sai phạm về chất lượng;
b) Yêu cầu Chủ đầu tư, Ban QLDA thay thế nhà thầu (xây lắp, tư vấn...) khi có vi phạm chất lượng, tiến độ;
c) Quyết định tạm đình chỉ hoặc báo cáo Bộ trưởng quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn chất lượng xây dựng công trình hoặc có nguy cơ gây sự cố nguy hiểm;
d) Quyết định tạm đình chỉ hoặc trình Bộ trưởng quyết định đình chỉ hoạt động của tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, tư vấn thí nghiệm; Yêu cầu Chủ đầu tư thực hiện hoặc trình Bộ trưởng quyết định thay thế và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân vi phạm;
đ) Đề xuất báo cáo Bộ trưởng về việc cho phép tiếp tục thực hiện công tác quản lý dự án đối với ban quản lý dự án, thay thế và xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể vi phạm.
Điều 24. Trách nhiệm thi hành
1. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì tham mưu, theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ GTVT kết quả xử lý đối với cá nhân do Bộ GTVT quản lý theo Luật Cán bộ, công chức.
2. Vụ Kế hoạch đầu tư tham mưu, theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ GTVT kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân theo quan hệ hợp đồng giữa bên giao thầu và bên nhận thầu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.
3. Cục QLXD và CL CTGT chủ trì tổng hợp, theo dõi báo cáo Bộ GTVT về kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân theo quan hệ hợp đồng giữa bên giao thầu và bên nhận thầu trong giai đoạn thực hiện đầu tư dự án, tổng hợp báo cáo chung tình hình thực hiện quy định này.
4. Vụ Tài chính chủ trì tổng hợp, theo dõi báo cáo Bộ GTVT về kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân theo quan hệ hợp đồng giữa bên giao thầu và bên nhận thầu trong giai đoạn quyết toán dự án hoàn thành.
5. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, theo dõi báo cáo Bộ GTVT về kết quả xử lý đối với tổ chức, cá nhân theo quan hệ hợp đồng giữa bên giao thầu và bên nhận thầu trong giai đoạn bảo hành công trình.
6. Các Vụ thuộc Bộ, Thanh tra Bộ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp giải quyết các nội dung có liên quan.
7. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý trong quá trình đầu tư xây dựng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
8. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan kịp thời gửi ý kiến về Bộ GTVT bằng văn bản để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem Văn bản gốc.
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây