BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
----------------------
Số: 54/2011/TT-BGDĐT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------
Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2011
|
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75 /2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 31 tháng 12 năm 2011.
Thông tư này thay thế Quyết định số 43/2008/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ trường trung cấp chuyên nghiệp.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Bộ, ngành có trường trung cấp chuyên nghiệp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Như Điều 3;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDCN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đã ký
Bùi Văn Ga
|
ĐIỀU LỆ
TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 54 /2011/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Điều lệ này quy định về tổ chức và hoạt động của trường trung cấp chuyên nghiệp (sau đây viết tắt là TCCN), bao gồm: tổ chức và quản lý; tổ chức và hoạt động đào tạo; giáo viên, cán bộ, nhân viên; người học; tài sản và tài chính; nhà trường, gia đình và xã hội.
2. Điều lệ này được áp dụng đối với các trường TCCN và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ở trường TCCN.
Điều 2. Vị trí của trường trung cấp chuyên nghiệp
Trường TCCN là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung cấp chuyên nghiệp
1. Tổ chức bộ máy nhà trường, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bồi dưỡng và đãi ngộ cán bộ, viên chức.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm.
3. Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức giảng dạy, học tập, quản lý người học và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục; công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền.
4. Xây dựng và ban hành chương trình đào tạo trên cơ sở quy định về chương trình khung và chương trình khung các ngành đào tạo trình độ TCCN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình của các ngành đào tạo TCCN để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức trong nhà trường để bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập. Việc biên soạn hoặc lựa chọn và duyệt giáo trình các ngành đào tạo TCCN thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Tổ chức nghiên cứu khoa học; ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; thực hiện các dịch vụ khoa học - kỹ thuật, sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
6. Tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục.
7. Được nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất; được miễn, giảm thuế; vay tín dụng; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.
8. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá.
9. Sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chi cho các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.
10. Phối hợp với gia đình người học, tổ chức, cá nhân, trong hoạt động giáo dục; tổ chức cho cán bộ, viên chức và người học tham gia các hoạt động xã hội.
11. Liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hoá, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng và việc làm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn lực cho nhà trường.
12. Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học của nước ngoài theo quy định.
13. Thực hiện công khai cam kết về chất lượng đào tạo và công khai về chất lượng đào tạo thực tế, về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và về thu chi tài chính. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Hệ thống và loại hình trường trung cấp chuyên nghiệp
1. Hệ thống trường TCCN bao gồm:
a) Trường TCCN trực thuộc Bộ, ngành (bao gồm cả các trường TCCN thuộc các doanh nghiệp do Bộ, ngành thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp đó theo quy định của pháp luật);
b) Trường TCCN thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là trường TCCN thuộc tỉnh).
2. Trường TCCN được tổ chức theo các loại hình công lập và tư thục.
a) Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;
b) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Điều 5. Nguyên tắc đặt tên trường trung cấp chuyên nghiệp
1. Tên trường TCCN được viết bằng tiếng Việt và dịch ra tiếng Anh, gồm có các cụm từ như sau:
Trường trung cấp + Lĩnh vực đào tạo chính (nếu cần) + Tên riêng của trường.
2. Tên trường TCCN mới thành lập không được trùng với tên trường đã thành lập trước đó trong hệ thống các trường TCCN trên phạm vi toàn quốc.
3. Tên trường TCCN phải phù hợp với lịch sử, văn hoá và các quy định của pháp luật Việt Nam. Tên trường TCCN không được thay đổi, trong trường hợp đặc biệt nếu cần thiết phải thay đổi tên trường, cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường TCCN ra quyết định đổi tên trường. Quyết định đổi tên trường phải được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi, quản lý, đồng thời phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 6. Quản lý trường trung cấp chuyên nghiệp
1. Trường TCCN chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Trường TCCN trực thuộc Bộ, ngành chịu sự quản lý nhà nước của Bộ, ngành có trường và chịu sự quản lý hành chính của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) nơi trường đặt trụ sở.
3. Trường TCCN thuộc tỉnh là đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Giáo dục và Đào tạo) và chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 7. Quy chế tổ chức hoạt động trường trung cấp chuyên nghiệp
Căn cứ các quy định của Điều lệ này, Quy chế tổ chức hoạt động của trường TCCN tư thục và các quy định của pháp luật có liên quan, trường TCCN xây dựng Quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường mình và công bố công khai để xã hội biết và giám sát.
Chương III
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
Điều 16. Mô hình tổ chức
1. Mô hình tổ chức của trường TCCN bao gồm:
a) Hội đồng trường (đối với trường công lập), Hội đồng quản trị (đối với trường tư thục);
b) Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng;
c) Các hội đồng tư vấn do hiệu trưởng thành lập;
d) Các phòng chức năng;
đ) Các khoa, tổ bộ môn;
e) Các lớp học;
f) Các cơ sở phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học;
g) Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam;
h) Các đoàn thể và tổ chức xã hội;
2. Mô hình tổ chức của trường TCCN tư thục thực hiện theo quy định của Điều lệ này và Quy chế tổ chức hoạt động của trường TCCN tư thục.
Điều 17. Hội đồng trường, Hội đồng quản trị
1. Hội đồng trường đối với trường TCCN công lập, Hội đồng quản trị đối với trường TCCN tư thục là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
2. Thẩm quyền công nhận, không công nhận hội đồng trường, hội đồng quản trị trường TCCN.
a. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công nhận hội đồng trường của trường TCCN trực thuộc;
b. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận, không công nhận hội đồng trường, hội đồng quản trị của trường TCCN thuộc tỉnh.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường, Hội đồng quản trị:
a) Quyết nghị về mục tiêu, chiến lược, các dự án và kế hoạch phát triển của nhà trường;
b) Quyết nghị về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;
c) Quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường;
d) Quyết định về tổ chức, nhân sự theo quy định. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ của hiệu trưởng 6 tháng, Hội đồng trường, Hội đồng quản trị có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự và giới thiệu để cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm làm hiệu trưởng đối với trường công lập hoặc công nhận làm hiệu trưởng đối với trường tư thục trong nhiệm kỳ tiếp theo;
đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị; việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường.
4. Cơ cấu tổ chức, thủ tục thành lập và hoạt động của Hội đồng trường TCCN công lập.
a) Cơ cấu tổ chức.
- Hội đồng trường gồm có Chủ tịch Hội đồng, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng và các uỷ viên;
- Thành phần Hội đồng trường bao gồm: 01 đại diện Lãnh đạo trường, do tập thể lãnh đạo trường cử; 01 đại diện tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, do tổ chức Đảng nhà trường cử; 01 đại diện tổ chức Công đoàn, do Ban chấp hành Công đoàn nhà trường cử; 01 đại diện tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, do Ban chấp hành Đoàn trường cử; đại diện giáo viên, cán bộ, viên chức của trường, do hội nghị cán bộ, viên chức nhà trường bầu; 01 đại diện cơ quan quản lý do cơ quan ra quyết định thành lập trường cử; đại diện doanh nghiệp, nhà khoa học do nhà trường mời. Tổng số thành viên là một số lẻ và có ít nhất là 11 người.
b) Thủ tục thành lập.
- Khi thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên:
+ Bước 1: Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào quy mô và điều kiện cụ thể của nhà trường dự kiến số lượng, cơ cấu thành viên và kế hoạch thành lập hội đồng trường trình cơ quan quản lý trường phê duyệt;
+ Bước 2: Sau khi được cơ quan quản lý trường phê duyệt kế hoạch thành lập hội đồng trường, hiệu trưởng nhà trường làm việc với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để tổ chức bầu, cử và triển khai thực hiện kế hoạch thành lập Hội đồng trường;
+ Bước 3: Sau khi có kết quả bầu, cử của các cơ quan, tổ chức nêu tại điểm a khoản 3 Điều này, Hiệu trưởng tổ chức họp các thành viên đã được bầu, cử tham gia Hội đồng trường để bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cử Thư ký của Hội đồng trường;
+ Bước 4: Hiệu trưởng trình danh sách các thành viên Hội đồng trường và kết quả bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận Hội đồng trường;
- Từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi: trước khi hết nhiệm kỳ 6 tháng, Chủ tịch Hội đồng trường có trách nhiệm tổ chức thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp theo thủ tục nêu tại điểm b khoản 4 Điều này. Trong đó Chủ tịch Hội đồng trường thực hiện các công việc mà Hiệu trưởng đã thực hiện khi thành lập Hội đồng trường ở nhiệm kỳ đầu tiên.
c) Hoạt động của Hội đồng trường.
- Nhiệm kỳ của Hội đồng trường TCCN là 5 năm. Hội đồng trường họp thường kỳ ít nhất hai lần trong một năm, các cuộc họp của Hội đồng trường phải có sự tham gia của tất cả các thành viên. Chủ tịch Hội đồng trường triệu tập phiên họp bất thường khi thấy cần thiết hoặc khi Hiệu trưởng nhà trường đề nghị hoặc khi có ít nhất 1/3 số thành viên Hội đồng đề nghị. Các quyết nghị của Hội đồng trường được thông qua bằng biểu quyết hoặc lấy ý kiến bằng văn bản tại cuộc họp. Nghị quyết của Hội đồng trường chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 3/4 số thành viên dự họp nhất trí và được công bố công khai trong toàn trường;
- Hội đồng trường có văn phòng và các phương tiện làm việc do nhà trường bố trí và trang bị. Chủ tịch Hội đồng trường được sử dụng con dấu của trường trong phạm vi thực thi các nhiệm vụ của Hội đồng trường được quy định tại Điều lệ này.
5. Cơ cấu tổ chức, thủ tục thành lập và hoạt động của Hội đồng quản trị được thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường TCCN tư thục.
Điều 18. Hiệu trưởng
1. Hiệu trưởng trường TCCN là người chịu trách nhiệm quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường theo quy định của Điều lệ này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hiệu trưởng trường TCCN phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được tập thể cán bộ, giáo viên trong trường tín nhiệm;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học một ngành chuyên môn phù hợp nhiệm vụ đào tạo của trường;
c) Đã qua giảng dạy hoặc quản lý ở trường TCCN hoặc cơ sở giáo dục có đào tạo TCCN ít nhất 5 năm.
Độ tuổi khi bổ nhiệm hiệu trưởng không quá 55 đối với nam và 50 đối với nữ. Đối với trường tư thục độ tuổi khi công nhận hiệu trưởng theo quy định của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường TCCN tư thục.
3. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường TCCN là 5 năm. Thời gian đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng không quá hai nhiệm kỳ liên tục.
4. Hiệu trưởng trường TCCN do Hội đồng trường (đối với trường công lập), Hội đồng quản trị (đối với trường tư thục) giới thiệu, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ra quyết định bổ nhiệm đối với trường trực thuộc Bộ và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định bổ nhiệm đối với trường TCCN công lập hoặc công nhận đối với trường TCCN tư thục thuộc tỉnh.
Điều 19. Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng
1. Tổ chức thực hiện các quyết nghị quy định tại khoản 3 Điều 17 của Điều lệ này. Nếu hiệu trưởng không nhất trí với quyết nghị của Hội đồng trường phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến cơ quan quản lý nhà trường. Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan quản lý, hiệu trưởng vẫn phải thực hiện theo quyết nghị của Hội đồng trường.
2. Chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường. Hàng năm báo cáo Hội đồng trường về tình hình thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển trường.
3. Quản lý các công tác chuyên môn về đào tạo, tổ chức chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chương trình giáo dục, kế hoạch giảng dạy, chương trình và giáo trình môn học của trường và các hoạt động giảng dạy, học tập trong trường.
4. Tổ chức và chỉ đạo công tác thực nghiệm, nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế về khoa học và đào tạo, liên kết với các cơ sở nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động và việc làm.
5. Quản lý cán bộ, viên chức. Thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, viên chức và người học của trường; sắp xếp tổ chức và cán bộ của trường, thực hiện những công việc thuộc thẩm quyền trong bổ nhiệm, miễn nhiệm, tuyển dụng và sử dụng cán bộ, viên chức theo quy định của pháp luật. Quyết định việc thành lập các hội đồng tư vấn, các phòng chức năng, các khoa, tổ bộ môn và các cơ sở phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường.
6. Quản lý người học; quyết định các công việc về tuyển sinh, thi, công nhận tốt nghiệp, xếp loại tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp và quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
7. Quản lý hành chính, văn thư, lưu trữ. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền.
8. Quản lý tài chính, tài sản, thiết bị của trường; quản lý sử dụng các nguồn vốn hiệu quả và minh bạch vào công tác đào tạo, xây dựng và phát triển trường.
9. Tổ chức và chỉ đạo phong trào thi đua, lao động công ích, hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, thực hiện quy chế dân chủ, chấp hành pháp luật, bảo vệ và gìn giữ môi trường vệ sinh, an ninh trật tự trong trường.
10. Tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra trong trường; quyết định việc khen thưởng và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, viên chức và người học của trường theo quy định của Nhà nước.
11. Tổ chức hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục trong nhà trường.
12. Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Phó hiệu trưởng
1. Phó hiệu trưởng trường TCCN có chức năng giúp việc cho hiệu trưởng. Số lượng phó hiệu trưởng của một trường TCCN không quá 03 người tuỳ thuộc vào quy mô đào tạo của trường.
Phó hiệu trưởng do hiệu trưởng đề nghị, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ra quyết định bổ nhiệm đối với trường trực thuộc Bộ và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định bổ nhiệm đối với trường TCCN công lập hoặc công nhận đối với trường TCCN tư thục thuộc tỉnh.
2. Phó hiệu trưởng trường TCCN phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được tập thể cán bộ, giáo viên trong trường tín nhiệm;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học một ngành chuyên môn phù hợp nhiệm vụ đào tạo của trường;
c) Đã qua giảng dạy hoặc quản lý ở trường TCCN hoặc cơ sở giáo dục có đào tạo TCCN ít nhất 3 năm.
Độ tuổi khi bổ nhiệm phó hiệu trưởng không quá 55 đối với nam và 50 đối với nữ. Đối với trường tư thục độ tuổi khi công nhận phó hiệu trưởng theo quy định của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường TCCN tư thục.
3. Nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng.
Điều 21. Nhiệm vụ và quyền hạn của phó hiệu trưởng
1. Giúp hiệu trưởng trong công tác quản lý trường, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về các nhiệm vụ được phân công.
2. Thay mặt hiệu trưởng điều hành các hoạt động của trường khi được hiệu trưởng uỷ quyền.
3. Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Các hội đồng tư vấn
Các hội đồng tư vấn được thành lập theo quyết định của hiệu trưởng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thời gian hoạt động, số lượng thành viên của các hội đồng này do hiệu trưởng quy định.
Điều 23. Các phòng chức năng
1. Căn cứ vào đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng quyết định thành lập các phòng chức năng nhằm thực hiện các lĩnh vực công tác chủ yếu như: hành chính, quản trị; tổ chức cán bộ; đào tạo, quản lý chất lượng; kế hoạch, tài chính; công tác học sinh.
2. Nhiệm vụ của các phòng chức năng:
a) Tham mưu, tổng hợp, đề xuất ý kiến, giúp Hiệu trưởng tổ chức quản lý và thực hiện các mặt công tác của trường;
b) Quản lý cán bộ, nhân viên của đơn vị mình theo sự phân cấp của Hiệu trưởng;
3. Đứng đầu các phòng là trưởng phòng do Hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Giúp việc trưởng phòng có các phó trưởng phòng do Hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của trưởng phòng.
Điều 24. Các khoa và tổ bộ môn trực thuộc trường
1. Căn cứ vào quy mô đào tạo và đặc điểm ngành nghề đào tạo, Hiệu trưởng quyết định thành lập các khoa, các tổ bộ môn trực thuộc trường.
2. Nhiệm vụ của các khoa:
a) Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo chương trình, kế hoạch giảng dạy chung của nhà trường;
b) Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phối hợp với các tổ chức khoa học, cơ sở sản xuất kinh doanh, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội;
c) Quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên, người học thuộc đơn vị mình theo phân cấp của Hiệu trưởng;
d) Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình môn học, tài liệu giảng dạy, biên soạn đề thi kiểm tra đánh giá do Hiệu trưởng giao. Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học;
đ) Xây dựng kế hoạch và tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo, thực hiện bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ nhân viên thuộc khoa, tổ bộ môn.
3. Đứng đầu các khoa, các tổ bộ môn trực thuộc trường là trưởng khoa, tổ trưởng bộ môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Giúp việc trưởng khoa, tổ trưởng bộ môn có các phó trưởng khoa, tổ phó do hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của trưởng khoa, tổ trưởng bộ môn.
4. Nhiệm vụ của tổ bộ môn trực thuộc trường do hiệu trưởng quy định.
Điều 25. Các tổ bộ môn thuộc khoa
1. Các khoa thành lập các tổ bộ môn thuộc khoa, phụ trách một môn học hoặc nhóm môn học có liên quan.
2. Việc thành lập và xác định nhiệm vụ của tổ bộ môn thuộc khoa do trưởng khoa đề nghị, hiệu trưởng nhà trường quyết định.
Điều 26. Các lớp học
Người học được tổ chức thành lớp học theo ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và theo khoá học. Mỗi lớp học có không quá 45 người học, có lớp trưởng và một đến hai lớp phó, do tập thể người học bầu ra vào đầu mỗi năm học. Mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm.
Điều 27. Các cơ sở phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học
1. Trong trường TCCN có các cơ sở phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học do hiệu trưởng quyết định thành lập là: thư viện, cơ sở thực hành, thực tập; phòng thí nghiệm, xưởng trường, trại trường, vườn thực nghiệm, phòng truyền thống, câu lạc bộ, nhà văn hoá- thể dục thể thao; ký túc xá; nhà ăn.
2. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quản lý hoạt động của các cơ sở phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học do hiệu trưởng nhà trường quy định.
Điều 28. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức xã hội
1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong trường lãnh đạo nhà trường và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
2. Các đoàn thể và tổ chức xã hội trong nhà trường hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm giúp nhà trường thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục.
Chương IV
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
Điều 29. Chương trình và giáo trình
1. Căn cứ vào chương trình khung các ngành đào tạo trình độ TCCN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và nhiệm vụ đào tạo của nhà trường, hiệu trưởng trường TCCN tổ chức xây dựng và ban hành chương trình đào tạo của nhà trường.
2. Giáo trình các môn học do Hiệu trưởng nhà trường tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn và duyệt để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức trong nhà trường.
3. Trường TCCN định kỳ 2 năm (1 khoá học) tổ chức đánh giá chương trình đào tạo của các ngành học, giáo trình môn học của nhà trường để có những điều chỉnh cần thiết.
Điều 31. Tuyển sinh
Trường TCCN xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh hàng năm dựa trên các tiêu chí đảm bảo chất lượng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền công nhận chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 32. Hoạt động đào tạo
1. Trường TCCN tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên theo quy chế đào tạo TCCN của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Hoạt động đào tạo trong trường TCCN bao gồm:
a) Giảng dạy lý thuyết và thực hành ở trên lớp.
b) Tổ chức thực tập, thực nghiệm, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất và các hoạt động dịch vụ phù hợp với ngành, nghề đào tạo.
c) Các hoạt động ngoại khoá bao gồm: tham quan học tập, sinh hoạt câu lạc bộ, tìm hiểu về chuyên ngành và các hoạt động khác.
Điều 33. Đánh giá kết quả dạy - học
1. Trường TCCN thực hiện việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện tu dưỡng của người học, việc giảng dạy của giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Trường TCCN có trách nhiệm thực hiện quy trình kiểm định chất lượng và công khai kết quả kiểm định chất lượng theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 34. Văn bằng chứng chỉ
1. Trường TCCN quản lý, cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp cho người học khi có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Trường TCCN có trách nhiệm thu hồi và huỷ bỏ các văn bằng chứng chỉ theo quy định hiện hành.
3. Trường TCCN chịu trách nhiệm lưu trữ và bảo đảm an toàn mọi hồ sơ liên quan về việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Chương V
GIÁO VIÊN, CÁN BỘ, NHÂN VIÊN
Điều 35. Tiêu chuẩn giáo viên
1. Có phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt.
2. Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
3. Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.
4. Lý lịch bản thân rõ ràng.
Điều 36. Nhiệm vụ của giáo viên
1. Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.
2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ trường TCCN.
3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
4. Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ðiều 37. Quyền của giáo viên
1. Ðược giảng dạy theo chuyên ngành đào tạo.
2. Ðược đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Ðược hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục khác và cơ sở nghiên cứu khoa học với điều kiện bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nơi mình công tác.
4. Ðược bảo vệ nhân phẩm, danh dự.
5. Được nghỉ hè, nghỉ Lễ, Tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Bộ Luật lao động.
6. Ðược hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 38. Nhiệm vụ và quyền của giáo viên chủ nhiệm
Ngoài những nhiệm vụ và quyền của giáo viên quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Điều lệ này, giáo viên chủ nhiệm còn có những nhiệm vụ và quyền sau đây:
1. Giúp hiệu trưởng trong việc quản lý, giáo dục và rèn luyện người học.
2. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động của lớp học do mình phụ trách.
3. Phối hợp với các giáo viên bộ môn, các tổ chức trong và ngoài trường, gia đình người học để quản lý và giáo dục người học.
Điều 39. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của giáo viên và các hành vi giáo viên không được làm
1. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử và trang phục của giáo viên trường TCCN phải mẫu mực, có tác dụng giáo dục đối với người học.
2. Các hành vi giáo viên không được làm:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của đồng nghiệp và người học;
b) Gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học;
c) Hút thuốc, uống rượu, bia khi lên lớp và khi tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường;
d) Xuyên tạc nội dung giáo dục;
e) Ép buộc người học học thêm để thu tiền.
Điều 40. Nhiệm vụ, quyền của cán bộ, nhân viên
Cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, phục vụ trong trường TCCN thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách được nhà trường phân công, chấp hành pháp luật của nhà nước; được hưởng các quyền theo quy định hiện hành.
Chương VI
NGƯỜI HỌC
Điều 41. Người học
Người học trong các trường TCCN, bao gồm:
1. Học sinh đang học tại các khoá đào tạo TCCN hệ chính quy.
2. Học viên đang học tại các khoá đào tạo TCCN hệ vừa làm vừa học.
Điều 42. Nhiệm vụ của người học
1. Chấp hành pháp luật của Nhà nước, thực hiện các quy định của Điều lệ, quy chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Hoàn thành trong thời hạn quy định tất cả nội dung học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch đào tạo của nhà trường.
3. Tôn trọng giáo viên, cán bộ, viên chức của nhà trường.
4. Thực hiện nghĩa vụ đóng học phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.
5. Tham gia sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn thể, lao động công ích và các hoạt động phục vụ xã hội.
6. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường.
7. Người học học theo chế độ cử tuyển phải chấp hành sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học; nếu không chấp hành phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định.
Điều 43. Quyền của người học
1. Được nhà trường tôn trọng và đối xử bình đẳng, được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về kết quả học tập của mình.
2. Được đảm bảo quyền thực hiện các chế độ học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Được tham gia hoạt động các đoàn thể, tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật.
4. Được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hoá, thể dục, thể thao theo quy định của nhà trường.
5. Được trực tiếp hoặc thông qua tổ chức, đoàn thể của mình kiến nghị với nhà trường các giải pháp nhằm góp phần xây dựng nhà trường, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người học.
6. Được hưởng các chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
Điều 44. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của người học
1. Hành vi, ngôn ngữ ứng xử, trang phục của người học phải có văn hoá, phù hợp với đạo đức và truyền thống dân tộc.
2. Nghiêm cấm người học trong trường TCCN có các hành vi sau:
a) Xúc phạm nhân phẩm, danh dự; xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên và người học;
b) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh;
c) Vi phạm pháp luật và nội quy, quy chế của nhà trường;
d) Hút thuốc, uống rượu, bia trong trường.
Chương VII
TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH
Điều 45. Tài sản
1. Tài sản của trường TCCN bao gồm: đất đai, công trình xây dựng, các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, các quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu dịch vụ, quyền tác giả…), các trang thiết bị và tài sản khác được Nhà nước giao cho trường quản lý và sử dụng hoặc do trường đầu tư mua sắm, xây dựng hoặc được biếu, tặng để đảm bảo các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.
2. Một số quy định về tài sản.
a) Tổng diện tích mặt bằng đất đai của trường phải phù hợp với quy mô đào tạo nhưng không được nhỏ hơn 2 hec ta;
b) Các khối công trình trong trường TCCN:
- Khu hành chính: Văn phòng, phòng làm việc của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, các phòng chức năng, các khoa và tổ bộ môn, phòng y tế;
- Khu học tập: Phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng máy tính, thư viện, phòng truyền thống, nhà luyện tập đa năng;
- Khu sân trường, bãi tập;
- Khu vệ sinh và hệ thống cấp thoát nước;
- Khu để xe;
- Khu phục vụ đào tạo: gồm các cơ sở phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Các khối công trình trên phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định về vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Điều 46. Quản lý và sử dụng tài sản
1. Tài sản của trường TCCN công lập thuộc sở hữu nhà nước, được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật. Tài sản của trường TCCN tư thục được sở hữu, sử dụng và quản lý theo quy định của Quy chế về tổ chức và hoạt động của trường TCCN tư thục.
2. Hàng năm, nhà trường phải bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên tài sản đồng thời tổ chức kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản của đơn vị và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Nhà nước.
Điều 47. Tài chính của trường
1. Nguồn tài chính của trường TCCN công lập bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Học phí, lệ phí;
c) Các khoản thu từ hợp đồng đào tạo;
d) Các khoản thu từ sản phẩm nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ phù hợp ngành nghề đào tạo của trường;
e) Các khoản vay, tài trợ và các khoản thu hợp pháp khác.
2. Các khoản chi của trường TCCN công lập bao gồm:
a) Chi thường xuyên: Tiền lương, học bổng người học, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, vật tư văn phòng, công tác phí, hội nghị, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và các loại chi khác theo quy định của Nhà nước;
b) Chi đầu tư phát triển: Mua vật tư, thiết bị, xây dựng cơ bản, mua tài sản cố định, mở rộng nhà trường.
3. Nguồn tài chính và các khoản chi của trường TCCN tư thục được quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường TCCN tư thục.
Điều 48. Quản lý tài chính
Việc thu, chi, quản lý, thanh quyết toán, kiểm toán tài chính của trường TCCN được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương VIII
NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Điều 49. Trách nhiệm của nhà trường
Trường TCCN có trách nhiệm chủ động phối hợp với gia đình người học và xã hội để thực hiện mục tiêu, nguyên lý giáo dục. Nhà trường có trách nhiệm thông báo công khai, minh bạch các thông tin về chương trình, ngành nghề đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kiểm định chất lượng, đánh giá, cấp văn bằng, chứng chỉ và các quy định khác trong công tác đào tạo.
Điều 50. Trách nhiệm của gia đình
1. Gia đình người học có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em mình được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường.
2. Gia đình người học phối hợp với nhà trường để thống nhất các biện pháp quản lý và giáo dục con em mình; tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường; tham gia các hoạt động của cha mẹ người học trong nhà trường.
3. Thường xuyên liên hệ với nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục để giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh có liên quan đến việc giáo dục và đào tạo con em mình.
Điều 51. Trách nhiệm xã hội
1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm sau đây:
a) Giúp trường TCCN tổ chức các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho giáo viên và người học tham quan, thực tập, nghiên cứu khoa học;
b) Góp phần xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến người học;
c) Tạo điều kiện để người học được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh;
d) Hỗ trợ về tài lực, vật lực cho trường TCCN theo khả năng của mình.
2. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp với nhà trường giáo dục, vận động đoàn viên, thanh niên gương mẫu trong học tập, rèn luyện và tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đã ký
Bùi Văn Ga
|