THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 276/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2017 |
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC, KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM
------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 184/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Về định hướng phát triển
a) Tổng công ty tập trung trí tuệ và sức lực để từng bước vượt qua khó khăn; nắm bắt thời cơ, đổi mới nhận thức, chấn chỉnh tổ chức, khai thác tối đa các nguồn vốn, đầu tư phương tiện, trang thiết bị, nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh; xây dựng Tổng công ty trở thành một doanh nghiệp phát triển mạnh toàn diện trong lĩnh vực hàng hải;
b) Tổng công ty giữ vững vị trí doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics; phấn đấu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực, có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng hải của khu vực và thế giới.
2. Mục tiêu
a) Xây dựng Tổng công ty mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu, sử dụng hợp lý các nguồn lực; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, liên kết cao hơn về tài chính, công nghệ và thị trường;
b) Xây dựng đội ngũ lãnh đạo Tổng công ty chuyên nghiệp, có năng lực quản trị kinh doanh và quản trị doanh nghiệp;
c) Thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp theo lộ trình quy định nhằm thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo người lao động tham gia quản lý, đầu tư phát triển Tổng công ty.
3. Về thị trường
Thực hiện tốt chính sách chất lượng đối với khách hàng để duy trì và phát triển thương hiệu, thị phần. Phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài để tiếp cận thị trường quốc tế rộng lớn hơn trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ logistics.
4. Về khoa học công nghệ
Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động.
5. Về tài chính
Quản lý chặt chẽ chi phí, đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả; nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo phát triển liên tục, ổn định, bền vững.
II. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Mục tiêu tổng quát
Tổ chức quản lý khai thác và đầu tư phát triển các ngành nghề kinh doanh chủ yếu, gồm: Vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải; đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; thu hẹp quy mô các lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả; điều chỉnh phù hợp tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty tại các doanh nghiệp thành viên, đa dạng hóa sở hữu nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Phát triển và khai thác hiệu quả các cảng biển do Tổng công ty hiện nắm giữ nằm ở những vị trí chiến lược và đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế vùng tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam và giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải quốc gia. Tổng công ty ưu tiên tập trung quản lý, khai thác và phát triển các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế có tiềm lực để trở thành các cảng biển lớn tầm cỡ khu vực, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển hàng hóa trong khu vực;
b) Xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng cơ sở hạ tầng logistics, bao gồm hệ thống cảng biển và các trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm logistics, cảng cạn từ Bắc tới Nam, kết nối với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường biển trên cả nước cũng như tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics toàn cầu; phấn đấu trở thành nhà cung cấp các giải pháp tối ưu trong giao nhận, kho vận trên nền tảng cung ứng dịch vụ “door to door”, từng bước hình thành dịch vụ chuỗi cung ứng toàn cầu với chất lượng tốt nhất;
c) Phát triển đội tàu thế hệ mới, đội tàu chuyên dùng có tính năng kỹ thuật tốt; tập trung nguồn lực phát triển mở rộng đội tàu container, nâng cao thị phần vận chuyển hàng xuất, nhập khẩu, hàng nội địa và tham gia thị trường nội Á. Mở rộng, duy trì hoạt động trên các tuyến liner hiện có trong khu vực; đáp ứng yêu cầu feeder cho các tàu mẹ vào cảng trung chuyển khu vực Cái Mép - Thị Vải và đến các trung tâm trung chuyển khác trong khu vực.
III. KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Đối với lĩnh vực cảng biển
a) Tập trung đầu tư một số bến cảng khu vực Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng do Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư có quy mô 02 bến container và tổng hợp, có thể tiếp nhận tàu có sức chở đến 8.000 TEU; thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020 và đưa cảng vào khai thác sử dụng trong quý IV năm 2019;
b) Dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu - giai đoạn khởi động do Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư có quy mô 02 bến, có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải đến 100.000 tấn giảm tải, 50.000 tấn đủ tải; thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2024 và đưa cảng vào khai thác sử dụng trong năm 2023 hoặc 2024.
2. Đối với lĩnh vực vận tải biển
Tập trung phát triển đội tàu chuyên dụng (tàu container, tàu chở dầu, tàu chở hàng rời...); thanh lý các tàu cũ có tình trạng kỹ thuật kém, hoạt động không hiệu quả.
3. Đối với lĩnh vực dịch vụ logistics
a) Đầu tư hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm logistics, phù hợp với năng lực và phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt;
b) Các dự án đầu tư xây dựng cảng cạn, trung tâm logistics, trung tâm phân phối hàng hóa tại Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng), tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và tại các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Gia Lai, Bình Dương, Đồng Nai (tại Long Bình), do Công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên làm chủ đầu tư với quy mô từ 10 đến 30 ha; thực hiện trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020.
4. Về nguồn vốn đầu tư
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tổng công ty xây dựng kế hoạch đầu tư và triển khai thực hiện các dự án theo quy định của pháp luật, theo chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án đầu tư của Tổng công ty được thực hiện bằng các nguồn vốn: Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp, nguồn vốn thu từ việc cổ phần hóa tại các doanh nghiệp, nguồn vốn vay thương mại và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
1. Đối với hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển
a) Đầu tư phát triển hệ thống cảng biển thuộc Tổng công ty phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được phê duyệt; tập trung quản lý và khai thác các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế;
b) Khu vực phía Bắc: Tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng các bến cảng tại khu vực Đình Vũ, Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); nâng cao vai trò và vị thế của Cảng Hải Phòng để luôn dẫn đầu thị phần khai thác cảng khu vực phía Bắc cả về hàng rời và hàng container;
c) Khu vực miền Trung: Đầu tư xây dựng các bến cảng tại khu vực Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng); phát triển Cảng Đà Nẵng thành cảng chủ lực trong việc khai thác hàng container, hàng rời và hành khách, là đầu mối giao thương chính của hành lang kinh tế Đông - Tây; Cảng Nghệ Tĩnh là đầu mối phát triển kinh tế Bắc miền Trung và Nam Lào;
d) Khu vực phía Nam: Hoàn thiện đưa vào khai thác cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; đầu tư xây dựng các bến tại Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 2 phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt. Tập trung nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh, khai thác các cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (các cảng CMIT, SSIT và SP-PSA). Phát triển cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, cảng Cần Thơ phục vụ lưu thông hàng hóa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long khi tuyến luồng Quan Chánh Bố được khơi thông tại miền Tây Nam Bộ; Cảng Cam Ranh giữ vai trò dẫn đầu tại khu vực Nam Trung Bộ;
đ) Phát triển kinh tế khai thác cảng biển tại những vùng kinh tế trọng điểm: Đông Bắc Bộ, Bắc, Trung và Nam Trung Bộ, Đông và Tây Nam Bộ; các khu kinh tế, công nghiệp ven biển và cảng trung chuyển quốc tế;
e) Hình thành hệ thống các cảng biển có mô hình quản lý hiện đại, tiên tiến trong toàn Tổng công ty. Củng cố hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng biển hiện có trong toàn Tổng công ty để giữ vững thị phần cũng như tận dụng tối đa công suất cầu bến, trang thiết bị khai thác nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác;
g) Phát triển đồng bộ, đủ năng lực cạnh tranh đối với các loại hình dịch vụ hỗ trợ khai thác cảng biển. Hình thành chuỗi cung ứng khép kín vận tải - cảng biển - dịch vụ hàng hải Bắc - Trung - Nam.
2. Đối với hoạt động vận tải biển
a) Tập trung tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu đội tàu, tiếp tục bán, thanh lý các tàu cũ có tình trạng kỹ thuật kém, hoạt động không hiệu quả để cắt giảm lỗ theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được phê duyệt;
b) Phát triển đội tàu thế hệ mới, đội tàu chuyên dùng có tính năng kỹ thuật tốt; tập trung nguồn lực phát triển mở rộng đội tàu container, nâng cao thị phần vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, hàng nội địa và tham gia thị trường nội Á;
c) Mở rộng, duy trì hoạt động trên các tuyến liner hiện có trong khu vực; đáp ứng yêu cầu feeder cho các tàu mẹ vào cảng trung chuyển khu vực Cái Mép - Thị Vải và đến các trung tâm trung chuyển khác trong khu vực.
3. Đối với hoạt động dịch vụ logistics
a) Đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng logistics bao gồm các cảng cạn, các trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm logistics tại các vị trí then chốt theo quy hoạch gần các khu công nghiệp, khu chế xuất của các vùng kinh tế trọng điểm; đầu tư phương tiện phục vụ tạo sự liên kết xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, kết nối các cơ sở logistics từ Bắc đến Nam, tạo lợi thế cạnh tranh;
b) Phát triển dịch vụ “door to door”, phát triển thương mại dịch vụ qua biên giới và vận tải đa phương thức để tối đa hiệu quả của dịch vụ logistics;
c) Tăng cường liên doanh, liên kết với đối tác quốc tế, các tập đoàn lớn của nước ngoài về dịch vụ hàng hải, trong đó Tổng công ty nắm giữ cổ phần chi phối nhằm tranh thủ nhũng lợi thế sẵn có về thị trường, mạng lưới đại lý, hạ tầng thông tin, nguồn lực toàn cầu, hạn mức tín dụng lớn của đối tác nước ngoài.
1. Giải pháp về thị trường
Nghiên cứu phát triển thị trường, đánh giá các cơ hội đầu tư; kết nối mạng lưới các đơn vị thành viên với các khách hàng tiềm năng trên thị trường, mở rộng khu vực hoạt động, mở rộng thị phần, nâng cao hiệu quả.
2. Giải pháp về quản trị tài chính
a) Duy trì tỷ lệ chi phối tại các doanh nghiệp cảng biển tại khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tiến hành thoái vốn về tỷ lệ không chi phối hoặc thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
b) Tiếp tục xử lý, tái cơ cấu nợ vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành;
c) Đẩy mạnh niêm yết, đăng ký giao dịch đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc sẽ được cổ phần hóa trong thời gian tới, góp phần minh bạch tài chính, tạo kênh huy động vốn.
3. Giải pháp về quản trị doanh nghiệp
a) Tổng công ty tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế quản lý đảm bảo sự phân công, phân cấp rõ ràng quyền và trách nhiệm;
b) Tổng công ty giữ vai trò chủ đạo và là đầu mối phối, kết hợp bình đẳng các đơn vị thành viên với nhau để cùng có lợi; phát huy sức mạnh tổng hợp từ các doanh nghiệp thành viên để tham gia triển khai các dự án lớn nhằm tăng cường sức mạnh, sức cạnh tranh của Tổng công ty trên thị trường;
c) Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và trong hoạt động quản trị doanh nghiệp.
4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
a) Rà soát, hoàn thiện chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm; đổi mới công tác luân chuyển và bố trí nhân sự đối với cán bộ, nhân viên Công ty mẹ - Tổng công ty và người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các doanh nghiệp có vốn góp;
b) Xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở kế hoạch sản xuất, kinh doanh từng năm đảm bảo tiêu chuẩn quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu hoạt động quản trị, khai thác tàu.
5. Giải pháp đối với các khối hoạt động
a) Từng bước nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu kết hợp vận chuyển hàng hóa giữa các cảng biển nước ngoài, trên tuyến biển xa, chiếm lĩnh thị trường vận tải container nội địa và gom hàng cho tàu mẹ tại các cảng trung chuyển;
b) Cơ cấu đội tàu hàng rời theo hướng tập trung vận chuyển hàng cho các dự án lớn, ổn định dài hạn và cho các chủ hàng là các Tập đoàn, Tổng công ty tại Việt Nam và trong khu vực;
c) Tăng cường kết nối các doanh nghiệp logistics, chú trọng đẩy mạnh phát triển chuỗi dịch vụ “door to door”;
d) Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng mô hình quản lý khai thác cảng biển phù hợp với quy định của pháp luật; thiết lập cơ cấu tổ chức năng động và linh hoạt để các cảng hoạt động hiệu quả trong môi trường cạnh tranh;
đ) Phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết trong Tổng công ty, đối tác trong nước, nước ngoài nhằm tạo thành mạng lưới cung cấp dịch vụ vận chuyển toàn cầu, tận dụng những lợi thế sẵn có về thị trường, mạng lưới đại lý, hạ tầng công nghệ thông tin, kinh nghiệm quản lý và hạn mức tín dụng của đối tác nước ngoài.
1. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
a) Phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam theo quy định; thường xuyên giám sát, đánh giá toàn diện tình hình hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, bảo đảm doanh nghiệp thực hiện đúng kế hoạch đã được phê duyệt;
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kịp thời xử lý những phát sinh cần giải quyết trong quá trình thực hiện Kế hoạch; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền;
c) Hỗ trợ Tổng công ty trong việc tìm kiếm thị trường vận tải biển; kiểm tra, giám sát Tổng công ty trong hoạt động thoái vốn, quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả.
2. Bộ Công Thương phối hợp Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước phối hợp, tạo điều kiện để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phát triển thị phần của đội tàu Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu và vận chuyển trên tuyến nội địa.
3. Các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định có trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tạo điều kiện hỗ trợ để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
5. Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành, kế hoạch đã được phê duyệt; định kỳ hàng năm báo cáo việc thực hiện kế hoạch và những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện theo quy định. Tổ chức rà soát, đánh giá lại các khoản đầu tư đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn; đẩy nhanh việc thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết, vốn góp tại các đơn vị không thuộc ngành nghề kinh doanh chính; bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn vốn ở mức cao nhất, đồng thời tập trung nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ; - Các Ngân hàng: Nhà nước Việt Nam, Phát triển Việt Nam; - Cục Hàng hải Việt Nam; - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; - Các Hiệp hội: Chủ tàu Việt Nam, Cảng biển Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, ĐMDN, NC, TKBT; - Lưu: VT, CN (3b) Hiền. | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Trịnh Đình Dũng |