Số 25.2013 (636) ngày 09/07/2013

SỐ 25 (636) - THÁNG 07/2013

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong số này:

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

1

90/2013/TT-BTC

Thông tư 90/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về  hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014

 

* Ưu tiên vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách

Trang 2

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

2

18/2013/TT-BYT

Thông tư 18/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm

 

* Bệnh viện truyền nhiễm thiết kế tối thiểu 50m2/giường

Trang 2

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

 

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

 

3

2402/QĐ-BGDĐT

Quyết định 2402/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến

 

* Đến 2015, 8/12 nhóm dịch vụ được giao dịch trực tuyến

Trang 2

4

23/2013/TT-BGDĐT

Thông tư 23/2013/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học

 

* Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học phải biết tiếng Việt

Trang 3

5

2325/CT-BGDĐT

Chỉ thị 2325/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về  chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1

 

* Nghiêm cấm dạy trước chương trình lớp 1

Trang 3

DÂN SỰ

 

DÂN SỰ

 

6

70/2013/NĐ-CP

Nghị định 70/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002

 

* Bảo quản đặc biệt vật chứng là tiền, giấy tờ có giá

Trang 3

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

7

09/2013/TT-BXD

Thông tư 09/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở…

 

* Chỉ hỗ trợ nhà ở cho người có công có hộ khẩu trước 15/06/2013

Trang 4

8

1043/QĐ-TTg

Quyết định 1043/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030

 

* Tập trung phát triển 6 ngành công nghiệp hợp tác với Nhật Bản

Trang 4

9

83/NQ-CP

Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 06 năm 2013

 

* Gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu nông sản tới 3 năm

Trang 4

HÀNH CHÍNH

 

HÀNH CHÍNH

 

10

15/CT-TTg

Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện Nghị định 48/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều  các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính

 

* Hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản pháp luật về TTHC

Trang 5

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 06/2013, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS06/2013 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

 

Ü Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:


ƯU TIÊN VỐN CHO CÁC DỰ ÁN QUAN TRỌNG, CẤP BÁCH

Ngày 28/06/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 90/2013/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, trong đó đáng chú ý là quy định về dự toán chi.

Cụ thể, khi xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển, các  Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; rà soát các dự án, công trình để xác định Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong năm 2014. Trong đó, ưu tiên vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách dự kiến cần phải hoàn thành năm 2013, các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 nhưng chưa được bố trí đủ vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành dự án; đồng thời, tập trung vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng trong năm 2013 nhưng chưa bố trí đủ vốn…

 

Bộ Tài chính cũng hướng dẫn, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị khi lập dự toán chi thường xuyên phải thực hiện đúng tính chất nguồn kinh phí và triệt để tiết kiệm, đặc biệt là dự toán chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác; dự toán chi cho các nhiệm vụ này trong năm 2014 không được tăng so với số thực hiện năm 2013…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/08/2013.

 

Ü Y tế-Sức khỏe:


BỆNH VIỆN TRUYỀN NHIỄM THIẾT KẾ TỐI THIỂU 50M2/GIƯỜNG

Ngày 01/07/2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 18/2013/TT-BYT quy định về vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, đối với yêu cầu về vị trí và mặt bằng tổng thể, Bộ Y tế yêu cầu diện tích khu đất xây dựng bệnh viện truyền nhiễm phải theo quy chuẩn thiết kế bệnh viện từ 50 - 100m2/giường, với diện tích xây dựng tối đa 35% diện tích toàn bộ khu đất; có kích thước hình học hợp lý, đủ để bố trí các hạng mục công trình như: Khối khám bệnh, khối kỹ thuật nghiệp vụ - cận lâm sàng - thăm dò chức năng, khối lưu trú bệnh nhân, khối hành chính quản trị và dịch vụ tổng hợp, khối kỹ thuật - hậu cần và công trình phụ trợ...

Đối với các khoa truyền nhiễm và các cơ sở khám, chữa bệnh khác có chức năng
 

 

khám, chữa bệnh truyền nhiễm trong các bệnh viện, Bộ cũng yêu cầu phải xây dựng ở khu riêng biệt, đặt ở cuối hướng gió chủ đạo, đảm bảo khoảng cách ly với các công trình xung quanh.

Ngoài ra, Bộ cũng quy định chi tiết về thiết kế và điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ sở khám, chữa bệnh truyền nhiễm, cụ thể: Các phòng thủ thuật, khu tiệt trùng xử lý dụng cụ, thiết bị y tế phải được bố trí dây chuyền theo 01 chiều; các phòng xét nghiệm phải đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, chống lây nhiễm và không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm; có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và khí thải...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/08/2013.

 

Ü Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:


ĐẾN 2015, 8/12 NHÓM DỊCH VỤ ĐƯỢC GIAO DỊCH TRỰC TUYẾN

Đây là mục tiêu được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề ra tại Quyết định số 2402/QĐ-BGDĐT ngày 03/07/2013 về ban hành Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Theo Kế hoạch này, đến năm 2015, có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 (tức là các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng, ngoại trừ việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả vẫn được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ) đối với 8/12 nhóm dịch vụ, bao gồm: Công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp; Cấp phép liên kết đào tạo trung cấp chuyên nghiệp,
 

 

cao đẳng, đại học; Cấp phép mở ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; Đăng ký xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân; Công nhận trường mầm non đạt chuẩn...

Mục tiêu tiếp theo là trong giai đoạn 2015 - 2020, 8/12 nhóm dịch vụ đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 nêu trên sẽ được cung cấp trực tuyến mức độ 4 (tức là cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng); đồng thời, 4/12 nhóm dịch vụ còn lại và các thủ tục hành chính khác cũng được cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


THAM GIA BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ
 TƯ VẤN DU HỌC PHẢI BIẾT TIẾNG VIỆT

Yêu cầu này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề ra tại Thông tư số 23/2013/TT-BGDĐT ngày 28/06/2013 về tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.

Theo đó, người Việt Nam và người nước ngoài thực hiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học phải tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học do các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học (bao gồm các trường cao đẳng, đại học sư phạm, học viện quản lý giáo dục, trường cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục khác) tổ chức. Riêng người nước ngoài tham gia khóa học này phải có Giấy chứng nhận

 

trình độ tiếng Việt cho người nước ngoài theo quy định hiện hành.

Thông tư cũng quy định rõ, học viên phải đảm bảo tối thiểu 80% thời gian học trên lớp cho mỗi chuyên đề thì mới được tham dự kiểm tra chuyên đề đó và phải có tất cả bài kiểm tra kết thúc chuyên đề đạt từ 05 điểm trở lên mới được tham dự kỳ thi kết thúc khóa học bồi dưỡng. Học viên được kiểm tra lại, thi lại 02 lần nếu không đạt yêu cầu; và chỉ những học viên có điểm thi kết thúc khóa học bồi dưỡng đạt từ 05 điểm trở lên mới được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/08/2013.


NGHIÊM CẤM DẠY TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH LỚP 1

Trên cơ sở cho rằng, dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) đã ban hành Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT ngày 28/06/2013 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1.

Theo đó, Bộ GDĐT nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1. Các Phòng GDĐT, trường tiểu học, cơ sở mầm non trên địa bàn phải phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1.

Đặc biệt, các trường tiểu học tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1 và phải thực hiện nghiêm túc quy định về nội dung dạy học của chương trình lớp 1,
 

 

đảm bảo dạy cho tất cả học sinh từ những bài học đầu tiên, không bỏ qua bất kỳ bài học nào; tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để giáo viên có thời gian tổ chức cho học sinh hoàn thành các yêu cầu học tập hoặc tham gia các hoạt động giáo dục khác… Giáo viên phải hướng dẫn tận tình, chu đáo học sinh cách ngồi đúng tư thế, cách cầm bút, đặt vở, từng bước biết đọc, biết viết, làm tính toán, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích đối với các hoạt động học tập; không được có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm phối hợp với các cấp, các ngành huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường; tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ; đồng thời, hướng dẫn, tư vấn cho các bậc cha mẹ về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học lớp 1.
 

Ü Dân sự:


BẢO QUẢN ĐẶC BIỆT VẬT CHỨNG LÀ TIỀN, GIẤY TỜ CÓ GIÁ

Ngày 02/07/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2013/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ.

Tại Nghị định này, Chính phủ quy định đối với vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ; vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ; động vật, thực vật và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế quan trọng phải được bảo quản trong điều kiện đặc biệt. Trong đó, tiền, giấy tờ có giá, vàng bạc, kim khí quý, đồ cổ phải được niêm phong và gửi tại hệ thống kho bạc Nhà nước cùng cấp nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở, tuyệt đối không được phép lưu thông; vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy cũng phải được niêm phong, gửi tại kho vũ khí thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở…

 

Ngoài các vật chứng cần bảo quản đặc biệt nêu trên, các vật chứng, đồ vật, tài liệu khác đều phải được lưu giữ, bảo quản tại kho vật chứng hoặc theo quy định tại Điều 8 Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định 18/2002/NĐ-CP; trong đó, vật thuộc loại mau hỏng, không thể bảo quản lâu được chuyển cho cơ quan chức năng để tổ chức bán đấu giá; vật không thể di chuyển về kho vật chứng được giao cho cơ quan, tổ chức bảo quản theo quy định pháp luật...

Cũng theo Nghị định này, mỗi Công an cấp huyện, cấp tỉnh đều được xây dựng 01 kho vật chứng; riêng Bộ Công an được xây dựng 02 kho vật chứng (01 kho phía Bắc và 01 kho phía Nam).

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/08/2013.

Ü Chính sách kinh tế-xã hội:


CHỈ HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO NGƯỜI CÓ CÔNG
 CÓ HỘ KHẨU TRƯỚC 15/06/2013

Đây là chỉ đạo của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/07/2013 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Tại Thông tư này, Bộ Xây dựng xác định đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện quản lý; sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15/06/2013 tại nhà ở đang bị hư hỏng nặng, cần phá đi xây dựng lại mới hoặc bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung, tường và thay mới mái nhà.

Thông tư cũng quy định rõ, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, đảm bảo phân bổ công bằng

 

và hợp lý; trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà mới phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); có diện tích sử dụng tối thiểu là 30 m2 (với hộ độc thân thì có thể nhỏ hơn nhưng không dưới 24 m2) và có tuổi thọ từ 10 năm trở lên.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng hướng dẫn cụ thể trình tự lập và phê duyệt danh sách được hỗ trợ nhà ở; theo đó, việc tập hợp danh sách sẽ được tiến hành từ thôn, làng, tổ dân phố..., đến UBND các cấp. Số lượng hỗ trợ trong năm 2013 được lập theo thứ tự ưu tiên sau: Hộ gia đình có nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng; hộ gia đình mà người có công cao tuổi; là dân tộc thiểu số; có hoàn cảnh khó khăn; thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2013.


TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN 6 NGÀNH CÔNG NGHIỆP
 HỢP TÁC VỚI NHẬT BẢN

Ngày 01/07/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1043/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng tới đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Chiến lược này đã đề ra định hướng phát triển vượt bậc 06 ngành công nghiệp ưu tiên, bao gồm: Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô trở thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế. Những ngành công nghiệp ưu tiên này sẽ giữ vai trò dẫn dắt trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, tạo lan tỏa công nghệ và lan tỏa kỹ năng đối với ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

 

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, các ngành ưu tiên sẽ đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam; giá trị sản xuất của các ngành ưu tiên tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghệp; đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất.

Để đạt được mục tiêu trên, cần tăng cường năng lực sản xuất của 06 ngành ưu tiên; tạo dựng và mở rộng thị trường cho sản phẩm; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho 06 ngành này, gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh việc đưa vào vận hành những dự án lớn thuộc thượng nguồn (hóa dầu, sản xuất thép, điện lực, gas, năng lượng)…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


GIA HẠN CHO VAY TÍN DỤNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN TỚI 3 NĂM

Chính sách trên được quy định tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 08/07/2013 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 06/2013.

Theo Nghị quyết này, Chính phủ đồng ý gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm đánh giá khó khăn, trở ngại hiện nay đối với từng mặt hàng nông sản xuất khẩu; từ đó xác định đối tượng cụ thể cần hỗ trợ và đề xuất biện pháp hỗ trợ phù hợp.
 

 

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu lại nợ và tiếp tục cho vay đối với các hộ nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi; tích cực triển khai có hiệu quả chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở; đặc biệt, khẩn trưởng hoàn thiện các thủ tục để đưa Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động trong tháng 07/2013; thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng, tất toán trạng thái vàng đúng quy định...
 

Ü Hành chính:

 

HOÀN THIỆN QUY TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ TTHC

Ngày 05/07/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc tổ chức thực hiện Nghị định 48/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC).

Theo đó, để tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP kịp thời, thống nhất và đồng bộ, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quán triệt đúng tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong công tác kiểm soát TTHC; đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do mình phụ trách.

 

Cụ thể, phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc đánh giá tác động của TTHC và trách nhiệm của tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp trong việc góp ý kiến, thẩm định dự thảo VBQPPL về TTHC; đặc biệt, không tiếp nhận hồ sơ gửi thẩm định nếu chưa có bản đánh giá tác động về TTHC và ý kiến góp ý về quy định TTHC tại dự án, dự thảo.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tổ chức thực hiện nghiêm túc việc cho ý kiến đối với quy định về TTHC tại dự thảo VBQPPL; đăng tải công khai tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC tại Bộ, ngành, địa phương trên Trang tin điện tử về TTHC của Bộ Tư pháp và Trang tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương...

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM: Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.