Quyết định 562/QĐ-TTg 2024 Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến hết 2025
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 562/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 562/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Lê Minh Khái |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 26/06/2024 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Cơ cấu tổ chức, Doanh nghiệp |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Năm 2025, doanh thu bình quân của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng từ 14%
Ngày 26/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 562/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025. Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý:
1. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 14%. Đồng thời, toàn Tổng công ty hợp nhất: giá trị sản lượng và doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 7%-8%.
2. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung sau:
- Kịp thời rà soát, kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Đường sắt, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp,..
- Tách bạch về kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội, công ích trong doanh nghiệp Nhà nước,
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại doanh nghiệp,…
3. Định hướng đầu tư đổi mới, công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường. Cụ thể:
- Đổi mới công nghệ được thực hiện từng phần, từng giai đoạn một cách hợp lý, phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp;
- Tiếp tục nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép VNR được giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính/tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn đến năm 2030.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định 562/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 562/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ _____________ Số: 562/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
giai đoạn đến hết năm 2025
____________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 11/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu;
Căn cứ Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;
Căn cứ Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025;
Căn cứ Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”;
Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025” gồm các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
- Tiếp tục đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động, đảm bảo phát triển Tổng công ty bền vững và từng bước hiện đại. Phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu do cấp có thẩm quyền giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; đảm bảo đủ việc làm, nâng cao đời sống người lao động, đưa Tổng công ty thoát khỏi tình trạng thua lỗ và từng bước bù đắp khoản lỗ lũy kế.
- Giai đoạn 2021-2025: (i) Toàn Tổng công ty hợp nhất: giá trị sản lượng và doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 7%-8%. Đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động; (ii) Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Doanh thu tăng bình quân hàng năm so năm trước liền kề từ 14%.
II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN ĐẾN HẾT NĂM 2025
1. Ngành nghề kinh doanh
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có các ngành, nghề kinh doanh theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNR và các ngành, nghề kinh doanh khác theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
a) Ngành, nghề kinh doanh chính
- Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt);
- Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (bảo trì, sửa chữa, cung cấp dịch vụ liên quan đến công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt);
- Cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, liên vận quốc tế và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia;
- Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển (cho thuê đầu máy, toa xe, dịch vụ cung cấp sức kéo đường sắt; máy móc, thiết bị thực hiện việc bảo trì, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt);
- Sản xuất động cơ, tuabin (tư vấn thiết kế, chế tạo, đóng mới, lắp ráp, hoán cải, sửa chữa, khôi phục vật tư phụ tùng; xuất nhập khẩu, mua bán, cung cấp các phương tiện, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên ngành đường sắt phục vụ vận tải đường sắt, bảo trì, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và các sản phẩm cơ khí);
- Sản xuất đầu máy xe lửa, xe điện và toa xe; tái chế phế liệu;
- Xây dựng công trình đường sắt, đường bộ;
- Kinh doanh vận tải đường sắt, đường bộ và vận tải đường ống; vận tải đa phương thức trong nước, liên vận quốc tế;
b) Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính:
- Hoạt động kiến trúc; kiểm tra và phân tích kỹ thuật (tư vấn đầu tư xây dựng, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công nghiệp và dân dụng);
- Hoạt động xây dựng chuyên dụng (lắp đặt, sửa chữa các hệ thống chiếu sáng và hệ thống tín hiệu trên đường sắt).
2. Đổi mới quản trị doanh nghiệp
a) Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung sau:
- Kịp thời rà soát, kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Đường sắt, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu... và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại doanh nghiệp, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong vấn đề giao vốn, giao tài sản cho doanh nghiệp nhà nước để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.
- Tách bạch về kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội, công ích trong doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, xác định rõ, đầy đủ chi phí, giá thành, trách nhiệm, quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp theo nguyên tắc không làm giảm hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty và các đơn vị thành viên.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý và giữa các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý với các doanh nghiệp bên ngoài.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại doanh nghiệp.
- Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính. Tăng cường năng lực, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm soát viên và kiểm toán nội bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán; không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp.
- Đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành doanh nghiệp hợp lý, có tính cạnh tranh cao gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
b) Áp dụng thông lệ quốc tế trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp
- Đổi mới quản trị doanh nghiệp trong Tổng công ty và các đơn vị thành viên theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; Mở rộng việc xây dựng vị trí việc làm và hệ thống đánh giá thực hiện công việc trên phương pháp quản trị theo mục tiêu cho các đơn vị trực thuộc.
- Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của công ty mẹ và các đơn vị thành viên về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
3. Xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp
- Căn cứ quy định hiện hành để có lộ trình đầu tư mới phương tiện đầu máy, toa xe thay thế cho các đầu máy, toa xe hết niên hạn, nhằm đảm bảo lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
- Thực hiện các biện pháp giảm rủi ro tài chính như: giảm trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn; tăng cường công tác thu hồi công nợ phải thu, lợi nhuận cổ tức được chia, xử lý nợ và giảm trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
4. Phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý
a) Phương án cơ cấu lại nhân sự
- Tiếp tục điều chỉnh, tinh giảm định biên, bộ máy tham mưu, giúp việc của Cơ quan Tổng công ty và các chi nhánh, đơn vị trực thuộc công ty mẹ.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo và đào tạo lại cán bộ; công khai, dân chủ, minh bạch trong công tác cán bộ, đặc biệt là trong đánh giá, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ.
- Đổi mới công tác đánh giá cán bộ; hoàn thiện tiêu chuẩn cụ thể cho từng nhóm chức danh và tiêu chí đánh giá cụ thể cho từng chức danh. Bảo đảm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch, khách quan, toàn diện, lấy chất lượng, hiệu quả làm thước đo chính. Coi trọng và phát huy trách nhiệm người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ và tập thể cấp ủy trong đánh giá cán bộ.
- Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp, các tổ chức, nhất là cấp Tổng công ty; quy hoạch mang tính chiến lược, toàn diện, liên thông, cả cán bộ cấp ủy, lãnh đạo, quản lý, điều hành, đội ngũ chuyên gia. Đổi mới quy trình giới thiệu cán bộ vào nguồn quy hoạch các chức danh, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo hướng mở và động.
- Xây dựng chính sách, quy định về tuyển chọn lao động có chất lượng cao; quan tâm đào tạo, xây dựng được đội ngũ chuyên môn giỏi ở các lĩnh vực trong ngành.
- Nghiên cứu, xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đủ năng lực tiếp nhận, sử dụng, vận hành công nghệ mới của đường sắt điện khí hóa, đường sắt tốc độ cao...
b) Phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý
- Giải quyết tốt việc sắp xếp, tinh gọn và nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quản lý trong hệ thống quản trị của Tổng công ty; phân định rõ giữa lãnh đạo quản lý và điều hành doanh nghiệp, bảo đảm trách nhiệm đi đôi với quyền hạn;
- Chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý xây dựng đồng bộ chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh đảm bảo tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường. Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn và tổ chức thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, đổi mới, thoái vốn nhà nước đã được phê duyệt, đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
- Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng các dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội. Có giải pháp để doanh nghiệp chủ động, tự chủ trong xử lý dự án.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các kế hoạch, phương án sắp xếp, thoái vốn đã được phê duyệt; xử lý nghiêm người đại diện phần vốn của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có hiệu quả việc sắp xếp, thoái vốn và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, thua lỗ, gây thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
5. Định hướng đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường;
- Thường xuyên thực hiện rà soát, đánh giá để xây dựng và thực hiện lộ trình cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh hoặc để tuân thủ các tiêu chuẩn (như về môi trường...) theo quy định của pháp luật.
- Việc đổi mới công nghệ được thực hiện từng phần, từng giai đoạn một cách hợp lý, phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp.
- Tiếp tục nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép VNR được được giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính/tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn đến năm 2030.
6. Kế hoạch phối hợp, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác và các doanh nghiệp thuộc các quốc gia trong khu vực để hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất
a) Khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tăng cường vận tải container, tích cực tham gia vào chuỗi logistics; tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp nâng cao năng lực vận chuyển hàng liên vận quốc tế để tăng sản lượng hàng hoá liên vận quốc tế đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc và đi các nước thứ 3; duy trì và thúc đẩy lượng hàng xuất khẩu sang Nga, Châu Âu,...
b) Tăng cường đổi mới công nghệ, áp dụng quản trị hiện đại, bảo đảm công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả toa xe, phát triển kinh doanh vận tải hàng hóa.
7. Kế hoạch/danh mục sắp xếp, cơ cấu lại Công ty mẹ, các đơn vị thành viên của VNR giai đoạn đến hết năm 2025
a) Công ty mẹ - VNR và các đơn vị phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp thuộc Công ty mẹ - VNR:
- Duy trì Công ty mẹ - VNR là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Giữ nguyên mô hình tổ chức của Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt; các chi nhánh khai thác đường sắt, các chi nhánh xí nghiệp đầu máy và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, như sau:
+ Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt;
+ 12 Chi nhánh Khai thác đường sắt: Hà Nội, Lào Cai, Hà Lào, Hà Lạng, Hà Thái Hải, Hà Thanh, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Sài Gòn và Chi nhánh ga Đồng Đăng.
+ 03 Chi nhánh Xí nghiệp đầu máy: Hà Nội, Vinh, Sài Gòn;
+ 03 Đơn vị sự nghiệp: Trường Cao đẳng Đường sắt, Trung tâm Y tế Đường sắt, Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 1.
- Thành lập mới Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng và phát triển Đường sắt là đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ - VNR.
b) Doanh nghiệp do Công ty mẹ - VNR duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:
- Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An;
- Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm;
- 15 Công ty cổ phần Đường sắt: Yên Lào, Vĩnh Phú, Hà Lạng, Hà Thái, Hải Hải, Hà Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Sài Gòn.
- 05 Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu Đường sắt: Bắc Giang, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn;
- Công ty cổ phần Đá Đồng Mỏ.
c) Các doanh nghiệp Công ty mẹ - VNR thoái toàn bộ phần vốn góp
- Công ty cổ phần Dịch vụ đường sắt khu vực 1.
- Công ty cổ phần Hải Vân Nam.
- Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1.
- Công ty cổ phần Viễn thông - tín hiệu đường sắt.
- Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh thống nhất.
- Công ty cổ phần Xây dựng công trình Đà Nẵng.
- Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải.
- Công ty cổ phần Công trình 6.
- Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng công trình 3.
- Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư & xây dựng Đường sắt.
- Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Đường sắt.
- Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông vận tải.
- Công ty cổ phần In đường sắt Sài Gòn.
d) Các doanh nghiệp/đơn vị khác có vốn vốn góp của VNR:
- Duy trì tỷ lệ phần vốn góp của Công ty mẹ - VNR nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống tại: Công ty cổ phần Đá Mỹ Trang, Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty cổ phần Mặt trời - Đường sắt Việt Nam.
- Về sắp xếp đối với Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn: thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo tại văn bản số 303/TTg-ĐMDN ngày 07 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
8. Lộ trình thực hiện
- Đẩy mạnh công tác thoái vốn tại 13 công ty cổ phần khi Đề án được phê duyệt.
- Thực hiện xong việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành 01 Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt hoàn thành trong năm 2024.
- Thành lập Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng và phát triển Đường sắt sau khi Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ được phê duyệt.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Đề án, cụ thể như sau:
1. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
a) Chỉ đạo Tổng công ty thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến hết năm 2025; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra các nội dung báo cáo, đề xuất. Kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh; trong trường hợp cần thiết điều chỉnh các nội dung tại Đề án do không thực hiện được theo Quyết định này vì điều kiện khách quan, chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh Quyết định này phù hợp với quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, có văn bản chỉ đạo.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện giám sát việc triển khai Đề án.
c) Chỉ đạo Hội đồng thành viên Tổng công ty tiếp tục khẩn trương tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 303/TTg-ĐMDN ngày 07 tháng 4 năm 2022 về phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc VNR, đảm bảo không gây thất thoát vốn và tài sản. Phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các nội dung về trình tự, thủ tục, phương án tài chính,... khi thực hiện hợp nhất theo đúng quy định hiện hành.
2. Bộ Tài chính
Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, thực hiện đôn đốc, kiểm tra việc triển khai Đề án theo quy định; hướng dẫn Tổng công ty xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với các nội dung thuộc thẩm quyền.
3. Bộ Giao thông vận tải
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình và giải quyết theo thẩm quyền vướng mắc cơ chế, chính sách về giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
4. Bộ kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, ưu tiên phân bổ ngân sách để đảm bảo phát triển KCHTĐS quốc gia theo quy hoạch, đặc biệt là tháo gỡ được các điểm nghẽn về vận tải đường sắt các tuyến đường sắt.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc kịp thời đề xuất, báo cáo có cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án này.
5) Hội đồng thành viên VNR
a) Tổ chức phổ biến, quán triệt các quan điểm, mục tiêu và các nội dung Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn đến hết năm 2025 trong toàn VNR nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao từ Công ty mẹ - VNR đến các đơn vị thành viên, từ cán bộ lãnh đạo đến người lao động trong quá trình triển khai thực hiện.
b) Xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với Đề án cơ cấu lại đã được phê duyệt; phương án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao. Khẩn trương chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại, sắp xếp doanh nghiệp đối với từng công ty con, doanh nghiệp trực thuộc phù hợp với Quyết định này.
c) Trong trường hợp cần thiết điều chỉnh các nội dung tại Đề án do không thực hiện được theo Quyết định này vì điều kiện khách quan, chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh Quyết định này phù hợp với quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để xem xét, xử lý.
d) Định kỳ báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tình hình triển khai, kết quả thực hiện Đề án này và các nội dung theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022.
6. Văn phòng Chính phủ
Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng TW và các Ban của đảng; - Văn phòng Tổng bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, ĐMDN (2b). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Minh Khái |