Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Quyết định 26/2024/QĐ-UBND Long An thực hiện Nghị quyết 05/2024/NQ-HĐND quy định về tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Quyết định 26/2024/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành: | Ủy ban nhân dân tỉnh Long An | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 26/2024/QĐ-UBND | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Nguyễn Văn Út |
Ngày ban hành: | 26/07/2024 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự, Cơ cấu tổ chức |
tải Quyết định 26/2024/QĐ-UBND
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
ỦY BAN NHÂN DÂN Số: 26/2024/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Long An, ngày 26 tháng 7 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 01/7/2024
của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về tiêu chí thành lập
Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các điều kiện bảo đảm để triển khai
Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An
________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;
Căn cứ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày 28/11/2023;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
Căn cứ Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 01/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các điều kiện bảo đảm để triển khai Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An;
Theo đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 2339/CAT-PTM ngày 19/7/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành quy định triển khai Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 01/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các điều kiện bảo đảm để triển khai Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An (đính kèm Quy định).
Điều 2. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các chế độ, chính sách thực hiện theo Quyết định này được áp dụng từ ngày 01/7/2024.
Quyết định này thay thế Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND ngày 14/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 09/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An quy định về chế độ, chính sách đối với Bảo vệ dân phố; Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND ngày 31/5/2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 29/3/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An quy định về số lượng và chế độ, chính sách đối với Công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
Thực hiện Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 01/7/2024 của Hội đồng
nhân dân tỉnh ban hành quy định về tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh,
trật tự ở cơ sở và các điều kiện bảo đảm để triển khai Tổ bảo vệ an ninh,
trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26/2024/QĐ-UBND ngày 26/7/2024
của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An)
_____________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh
1. Đối tượng áp dụng: Lực lượng tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Tổ trưởng, Tổ phó, các Tổ viên) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Phạm vi điều chỉnh: Quy định về số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; cơ cấu tổ chức, hoạt động; mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Vị trí, chức năng
1. Vị trí: Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng làm nòng cốt tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được thành lập, bố trí ở ấp, khu phố thuộc địa bàn các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
2. Chức năng: Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Kiểm tra hành chính cá nhân, tổ chức khi không có lực lượng Công an cấp xã tham gia, trừ trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật quả tang, đang truy bắt người phạm tội quả tang, người có lệnh truy nã đang lẩn trốn hoặc người có lệnh truy tìm hành chính.
3. Uống rượu, bia, đồ uống có cồn hoặc dùng các chất kích thích bị nghiêm cấm, có nồng độ cồn trong máu máu khi thi hành nhiệm vụ; phát ngôn hoặc có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực, không tôn trọng Nhân dân.
4. Các việc khác mà pháp luật nghiêm cấm.
Chương II
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Giao Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập ở mỗi ấp, khu phố 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
2. Số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
a) Mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm có: 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và các Tổ viên. Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định tuyển chọn và bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Trưởng Công an cấp xã.
b) Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ: Bảo vệ dân phố; Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng (kể cả Công an viên phụ trách ấp); Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng trên địa bàn ấp, khu phố hoặc được tuyển dụng theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
c) Căn cứ xác định số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:
- Tiêu chí khung:
+ Đối với ấp, khu phố có số dân dưới 2.000 người, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có từ 03 đến 05 thành viên.
+ Đối với ấp, khu phố có số dân từ 2.000 đến dưới 3.000 người, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có từ 05 đến 07 thành viên.
+ Đối với ấp, khu phố có số dân từ 3.000 người trở lên, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có từ 07 đến 09 thành viên.
- Số lượng cụ thể: Trên cơ sở Tiêu chí khung, giao Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, đánh giá các tiêu chí cụ thể được quy định tại Khoản 3, Điều 14, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quyết định số lượng thành viên cụ thể của từng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm: diện tích tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, yếu tố đặc thù… để xác định cụ thể số lượng thành viên của từng Tổ đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và không vượt Tiêu chí khung đề ra.
3. Về tăng, giảm số lượng thành viên, số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
a) Bổ sung thành viên trong trường hợp chưa đủ số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bổ sung Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong trường hợp chưa thành lập đủ số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Giao Ủy ban nhân dân cấp xã, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
b) Do yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự hoặc thành lập, giải thể, nhập, chia ấp, tổ dân phố cần điều chỉnh tăng, giảm số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở so với số lượng thành viên đã được quy định trong Tiêu chí khung, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, điều chỉnh.
c) Về trình tự, thủ tục điều chỉnh số lượng thành viên, số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện theo Điều 5, Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Điều 5. Điều kiện, tiêu chuẩn, tuyển chọn Thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; đảm bảo sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. Hiện đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị xin tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Riêng đối với đối tượng quy định tại Khoản 4, Điều này thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
2. Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
3. Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với 20 xã biên giới thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
4. Ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư hoặc đã từng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
5. Giao Công an cấp xã chịu trách nhiệm rà soát, tham mưu Hội đồng xét tuyển tuyển chọn thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đảm bảo đúng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Điều 6. Trình tự, thủ tục tuyển chọn, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Hồ sơ, trình tự, thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được thực hiện theo Điều 3, Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
2. Trình tự, thủ tục thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, công nhận thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được thực hiện theo Điều 4, Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
3. Giao Công an tỉnh hướng dẫn về trình tự, thủ tục tuyển chọn, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Điều 7. Tổ chức hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ.
2. Thực hiện tốt yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Không phân biệt về giới trong phân công, thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
3. Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại Điều 5, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
4. Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự quản lý, điều hành hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Công an cấp xã về hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; phân công nhiệm vụ cho thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
5. Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; quản lý, điều hành hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự khi chưa có Tổ trưởng, Tổ trưởng vắng mặt hoặc được Tổ trưởng ủy quyền.
6. Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo sự quản lý, phân công của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
7. Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bổ nhiệm làm Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thực hiện nhiệm vụ theo chức danh được kiêm nhiệm.
8. Giao Công an tỉnh chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tổ chức, quản lý hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Điều 8. Chế độ hội họp và thông tin, báo cáo của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Chế độ hội họp
Định kỳ hàng tuần, tháng (hoặc đột xuất), Tổ trưởng có trách nhiệm tổ chức họp đánh giá kết quả công tác trong tuần, tháng và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ công tác tuần, tháng tiếp theo đến Tổ phó và các Tổ viên. Trưởng Công an cấp xã cử cán bộ phụ trách địa bàn dự các cuộc họp của các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự để kịp thời nắm tình hình, chỉ đạo giải quyết những vấn đề mới phát sinh và thông tin, hướng dẫn những vấn đề mới cần quan tâm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Chế độ thông tin, báo cáo
a) Định kỳ hàng ngày, tuần: Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thông tin, trao đổi tình hình, báo cáo kết quả hoạt động của Tổ về Công an cấp xã (bằng các hình thức phù hợp). Báo cáo đột xuất khi phát sinh những vấn đề liên quan đến thực hiện nhiệm vụ.
b) Định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, năm: Công an cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp huyện về tình hình, kết quả hoạt động của các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất những vấn đề khó khăn, vướng mắc ngoài phạm vi, thẩm quyền giải quyết.
Chương III
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 9. Nhiệm vụ của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Quán triệt thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Chương II Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
2. Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo sự phân công, hướng dẫn của lực lượng Công an các cấp, trực tiếp là Công an cấp xã.
3. Giao Công an tỉnh chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ đảm bảo theo quy định của Luật.
Điều 10. Quyền hạn của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bảo đảm các điều kiện hoạt động và thành viên của Tổ được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ngày 28/11/2023; Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ; Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 01/7/2024 của HĐND tỉnh, Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh và các quy định khác có liên quan.
2. Được tham gia các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo Điều 6, Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chương IV
CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ, BỒI DƯỠNG VÀ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Điều 11. Chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Bảo đảm các chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Chương III, Quy định về tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các điều kiện bảo đảm triển khai Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An, Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 01/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An.
2. Tiêu chí xác định trình độ để hưởng chế độ hỗ trợ
a) Đối với xác định trình độ chuyên môn: Được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam áp được áp dụng đối với các trình độ quy định tại Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Đối với trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp: Được xác định trên cơ sở các văn bằng do các cơ sở giáo dục cấp theo quy định của pháp luật.
- Đối với trình độ Sơ cấp: Được xác định trên cơ sở các chứng chỉ được cấp bởi các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
b) Đối với xác định trình độ nghiệp vụ: Qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức theo các chuyên đề của Bộ Công an do Công an tỉnh tổ chức tập huấn và xác nhận.
3. Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Long An theo quy định tại Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 12. Điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Địa điểm làm việc: Giao Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở ấp, khu phố hoặc địa điểm, nơi làm việc của Công an cấp xã hoặc địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
2. Điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định tại Điều 9, Chương IV, Quy định về tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các điều kiện bảo đảm triển khai Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An, Nghị quyết số 05/2024/NQ- HĐND ngày 01/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An.
3. Trang bị, quản lý công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
a) Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị công cụ hỗ trợ như: dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm, găng tay bắt dao (do Bộ Công an cấp) thực hiện theo Điều 8, Thông tư số 14/2024/TT-BCA ngày 22/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
b) Hàng năm, Công an cấp xã tổng hợp nhu cầu số lượng, loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gửi Công an cấp huyện tổng hợp, gửi Công an cấp tỉnh lập dự trù kinh phí và gửi Cục Kế hoạch và tài chính thẩm định, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xem xét, quyết định.
c) Công an cấp xã tổ chức quản lý công cụ hỗ trợ được trang bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định của pháp luật có liên quan và xem xét, quyết định loại, số lượng công cụ hỗ trợ trang bị cho từng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, loại công cụ hỗ trợ sử dụng chung của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự khi thực hiện nhiệm vụ.
4. Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, hằng năm được bố trí kinh phí hoạt động dùng để mua sắm văn phòng phẩm; mua sắm, sửa chữa phương tiện, trang thiết bị; công tác tập huấn, diễn tập: 10.000.000 đồng/tổ/năm. Giao Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quản lý, sử dụng, quyết toán theo quy định.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Nguồn kinh phí thực hiện
Kinh phí do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản có liên quan và theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Công an tỉnh có trách nhiệm
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện về tổ chức hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định này. Hàng năm, xây dựng kế hoạch, nội dung chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ về bảo vệ an ninh, trật tự xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
b) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị, địa phương lập kế hoạch thực hiện trang bị, mua sắm phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại điểm b, khoản 2 và khoản 3, Điều 4 Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
c) Thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào khác của địa phương, Công an cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp tiến hành sơ kết, đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đề xuất khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến những cá nhân, tập thể có những sáng kiến, cách làm hay, thành tích tiêu biểu.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí và hướng dẫn thực hiện bảo đảm chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động theo quy định.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, đề xuất việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với thành viên tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn, quản lý, tổ chức hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; chủ động dự toán ngân sách, bảo đảm kinh phí cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy định này, chỉ đạo, quản lý, tổ chức và hoạt động của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo thẩm quyền; thực hiện chế độ, chính sách và bảo đảm kinh phí cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động; tạo mọi điều kiện để Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.
6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát, giúp đỡ, tạo điều kiện để Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động có hiệu quả.
Trong quá trình triển khai, thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh; các cơ quan, đơn vị có ý kiến về Công an tỉnh Long An để tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung theo quy định./.