Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Thông báo 124/TB-VPCP 2024 kết luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Thông báo 124/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 124/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Cao Huy |
Ngày ban hành: | 27/03/2024 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Xây dựng, Tư pháp-Hộ tịch |
tải Thông báo 124/TB-VPCP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 124/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2024 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Thường trực Chính phủ
về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Đề nghị xây dựng
Nghị quyết của Quốc hội thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban
nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh
Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp
___________
Ngày 20 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông và đại diện lãnh đạo các Ủy ban nhân dân: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ý kiến của lãnh đạo các bộ, cơ quan tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
1. Về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn:
Thường trực Chính phủ đánh giá cao Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan soạn thảo, trình Chính phủ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ kết luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ và ý kiến của các bộ, cơ quan tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm các yêu cầu sau:
- Rà soát toàn diện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị1, khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và pháp luật hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng và lĩnh vực khác có liên quan đến đô thị, nông thôn, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế với các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường;
- Làm rõ các khái niệm về: đô thị, nông thôn, quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, khu chức năng…; tên gọi đồ án quy hoạch; nội hàm chính sách về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tuân thủ về thứ bậc, tinh gọn tối đa về loại quy hoạch để tránh chồng chéo về nội dung giữa các quy hoạch; việc lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn cần dựa trên điều kiện kinh tế- xã hội, điều kiện tự nhiên, dự báo quy mô dân số, vai trò, tính chất của từng đô thị, nông thôn, nhu cầu sử dụng đất, nguồn lực…; thời hạn lập quy hoạch cần phù hợp với thời kỳ và tầm nhìn quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, không tạo gánh nặng cho ngân sách; đồng thời nghiên cứu cơ chế để kiểm soát triển khai các nguồn lực, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, chất lượng quy hoạch;
- Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý quy hoạch, bảo đảm thống nhất, khả thi và hiệu quả; quy định nội dung quy hoạch phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị; bổ sung nguyên tắc và yêu cầu lập quy hoạch gắn với phương án sắp xếp đơn vị hành chính, phù hợp với không gian phát triển, điều kiện cụ thể của từng địa phương, phát triển hài hòa giữa các khu vực đô thị, nông thôn, bảo vệ giá trị và giữ gìn, phát huy bản sắc riêng có của khu vực đô thị, nông thôn; nghiên cứu cắt giảm cấp độ quy hoạch cấp trung gian, cập nhật vào cấp quy hoạch chung và chi tiết; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho việc hoạch định, tổ chức không gian, huy động nguồn lực cho phát triển; quy định rõ nội dung bảo vệ môi trường khi lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch; nghiên cứu mở rộng đối tượng lập quy hoạch không gian ngầm để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội;
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; việc phân cấp, phân quyền cần đồng bộ với sự phân bổ nguồn lực hợp lý để thực hiện; tăng cường vai trò, tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn tại địa phương; tiếp tục rà soát, nghiên cứu để phân cấp cho địa phương thực hiện một số nhiệm vụ về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị loại I, loại II phù hợp với năng lực và nguồn lực thực hiện. Việc phân cấp cho địa phương thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, cơ chế kiểm soát, bảo đảm việc điều chỉnh đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường sống, không phá vỡ quy hoạch chung đã được phê duyệt2; cắt giảm thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực thực thi của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ lập, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; tăng cường kiểm tra, giám sát các công tác liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn.
- Rà soát kỹ các quy định cụ thể, điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật, cần quy định chặt chẽ, chính xác, đầy đủ các trường hợp chuyển tiếp áp dụng pháp luật, tránh tạo khoảng trống pháp lý, bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ; nêu rõ các vấn đề xin ý kiến Chính phủ, thuyết minh phương án lựa chọn; báo cáo rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung so với Luật hiện hành, lý do sửa đổi, bổ sung; thống kê các thủ tục hành chính, số lượng thủ tục hành chính cắt giảm hoặc bổ sung so với Luật hiện hành và nêu rõ lý do; khẩn trương hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ hồ sơ dự án Luật, trình Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2024.
Thường trực Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo xây dựng dự án Luật này.
2. Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chuẩn bị hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp hiện hành, các chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết xây dựng, trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm trên nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trong cả nước nói chung, tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Để hoàn thiện chính sách tại Đề nghị xây dựng Nghị quyết, tạo điều kiện cho người dân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp như sau:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, rà soát để triển khai thực hiện song song cả hai hình thức phân cấp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến trên VNeID;
- Thực hiện đồng thời các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9 tháng 7 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp;
- Bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội, không quy định về tổ chức, bộ máy biên chế;
- Thống nhất phạm vi thực hiện thí điểm tại 03 tỉnh, thành phố như Tờ trình số 26/TTr-BTP ngày 11 tháng 3 năm 2024 của Bộ Tư pháp; không quy định cứng số đơn vị thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp mà có quy định linh hoạt, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Nghị quyết;
- Thống nhất đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Nghị quyết thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Nghị quyết thí điểm nêu trên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2024.
Thường trực Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
____________________
1 Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045….
2 Nghiên cứu để quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tại dự thảo Luật hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết về trình tự, thủ tục trong văn bản quy định chi tiết thi hành.