Quyết định 56/QĐ-TTg 2023 Quy hoạch bảo quản, phục hồi di tích quốc gia Cố đô Hoa Lư đến năm 2030
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 56/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 56/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Trần Hồng Hà |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 07/02/2023 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Xây dựng, Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ di tích Cố đô Hoa Lư đến năm 2030
Ngày 07/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 56/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo khung pháp lý, chính sách toàn diện, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình.
Để thực hiện các mục tiêu, các nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch đưa ra gồm: nghiên cứu bối cảnh vùng, nghiên cứu những nội dung liên quan được nêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Ninh Bình đã được phê duyệt; nghiên cứu khảo sát hiện trạng di tích; phân tích, đánh giá các yếu tố của môi trường tự nhiên và xã hội tác động tới di tích; xác định chỉ tiêu, dự báo phát triển các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khu vực quy hoạch trong quá trình quản lý di tích…
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định 56/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 56/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ _________ Số: 56/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
______________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 thảng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự; thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung sau:
1. Phạm vi và quy mô lập quy hoạch
a) Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: Không gian hình thành, phát triển Cố đô lịch sử; không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư, bao gồm: khu vực Kinh thành, Hoàng thành, khu vực đồn trú, phủ đệ, lăng mộ, đình đền, chùa thuộc địa bàn các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh và thành phố Ninh Bình. Trong đó tập trung vào khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư và phụ cận.
b) Quy mô lập quy hoạch, bao gồm:
Toàn bộ không gian Cố đô Hoa Lư được xác định bởi các vòng thành và các di tích khảo cổ học dưới lòng đất, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư, cụ thể:
- Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, gồm: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành; chùa và động Am Tiên, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần, đình Yên Trạch, phủ Đông Vương, phủ Kình Thiên, đền thờ Thục Tiết công chúa, bia cửa Đông, lăng vua Đinh, lăng vua Lê và núi Mã Yên, hang Muối và hang Quàn.
- Một số di tích trong khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư thuộc khu vực bảo vệ của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng đệm, gồm: Đình Yên Thành, bia cầu Rền, hang Bim, chùa Duyên Ninh, hang Luồn và núi Cái Hạ, chùa Bà Ngô, động Liên Hoa (Thạch Bàn), chùa và động Bàn Long, chùa và động Hoa Sơn, hang Đìa, chùa Am, đền Hành Khiển, chùa Bi, chùa Tháp, chùa Tôm, cầu Hội, cầu Ghềnh Tháp, trấn Áng Ngũ, quán Vinh; các khu vực Kinh thành, Hoàng thành, trấn thành, phủ đệ bao quanh kinh thành theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nền cung điện nằm dưới lòng đất, di chỉ khảo cổ và các di tích có liên quan.
- Những di tích có liên quan trực tiếp với sự hình thành và phát triển Cố đô Hoa Lư và Nhà nước Đại Cồ Việt (ngoài khu vực trung tâm, khu vực di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và vùng đệm), gồm: Chùa và Động Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), đền Thánh Nguyễn, lăng Phát Tích và núi Kỳ Lân, Nhà thờ và mộ Định Quốc công Nguyễn Bặc, núi Kiếm Lĩnh và đền Tô Hiến Thành, đền Thung Lau và động Hoa Lư, đền Thung Lá (huyện Gia Viễn), núi Non Nước (thành phố Ninh Bình).
- Khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hoàng Long, sông Sào Khê, sông Chanh và các chi lưu đoạn qua Kinh thành Hoa Lư; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hóa, các dãy núi, mỏm núi, hang động, quèn đá, thung lũng; tường thành núi đá tự nhiên, tường thành nhân tạo; các quần cư lâu đời gắn với Cố đô Hoa Lư và từng điểm di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, khu vực dân cư, tái định cư thuộc phạm vi quy hoạch di tích; kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan.
Quy mô và ranh giới cụ thể được xác định cụ thể tại bước lập quy hoạch.
2. Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch
a) Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh Cố đô Hoa Lư; các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, tài liệu, hiện vật qua các thời đại, thời kỳ lịch sử khác nhau; không gian cảnh quan, môi trường xung quanh từng di tích; các di tích, địa điểm khảo cổ đã phát lộ và chưa phát lộ trong lòng đất.
b) Các yếu tố về sinh thái, địa hình, địa thế, cảnh quan thiên nhiên, kinh thành, cung điện, đô thị cổ, các bộ phận cư dân và các yếu tố khác có liên quan trong lịch sử hình thành và phát triển Cố đô Hoa Lư trước và sau thế kỷ X; các yếu tố đô thị, nông thôn, kinh tế - xã hội, dân cư hiện có trong khu vực nghiên cứu, lập quy hoạch.
c) Các chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất đai khu vực xung quanh di tích; những hoạt động kinh tế - xã hội, dân sinh, văn hóa, du lịch, an ninh, quốc phòng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
d) Mối liên hệ với các di tích, công trình văn hóa, địa điểm du lịch khác xung quanh Cố đô Hoa Lư và trong tỉnh Ninh Bình để phát triển sản phẩm và kết nối các tuyến du lịch.
3. Mục tiêu quy hoạch
a) Nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt; hoàn thiện hộ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo khung pháp lý, chính sách toàn diện, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
b) Hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; xác lập vị thế tương xứng của Cố đô Hoa Lư trong hệ thống các kinh đô trong lịch sử dân tộc; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình.
c) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, không gian, cảnh quan văn hóa Cố đô Hoa Lư, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương; đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch, hạ tầng kỹ thuật mang lại lợi ích cho cộng đồng.
d) Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai; tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với di tích một cách hữu hiệu.
4. Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch
a) Nghiên cứu bối cảnh vùng, nghiên cứu những nội dung có liên quan được nêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Ninh Bình đã được phê duyệt. Xác định vai trò, vị thế của Cố đô Hoa Lư trong hệ thống các kinh thành Việt Nam và thế giới, trong chiến lược phát triển ngành văn hóa, du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình.
b) Yêu cầu nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích
- Nghiên cứu khảo sát hiện trạng di tích:
+ Khảo sát, thu thập, sưu tầm tài liệu, số liệu, bản đồ về các điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương;
+ Khảo sát, đánh giá đặc điểm, tình trạng kỹ thuật của từng hạng mục công trình, cảnh quan từng di tích;
+ Nghiên cúu, lập kế hoạch, thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ phục vụ lập quy hoạch;
+ Khảo sát thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tài liệu, hiện vật gắn với từng di tích và cụm di tích; phong tục, tập quán, giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng nơi có di tích;
+ Khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tình hình đầu tư các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; thực trạng phát triển du lịch, các hoạt động văn hóa, lễ hội và các hoạt động có liên quan khác trong thời gian qua;
+ Khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, không gian chức năng, kiến trúc, cảnh quan, hiện trạng xây dựng công trình; hiện trạng hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch, giao thông, kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Phân tích, đánh giá các yếu tố của môi trường tự nhiên và xã hội tác động tới di tích:
+ Phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên gồm khí hậu, địa chất, thủy văn, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tác động tới di tích;
+ Xác định vai trò, tác động cảnh quan, môi trường sinh thái đến di tích (bao gồm sông Hoàng Long, sông Sào Khê, sông Chanh và các chi lưu), nhận diện các yếu tố tác động từ bên trong và từ bên ngoài với di tích;
+ Rà soát chủ trương, chính sách và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, các quy hoạch, dự án ảnh hưởng đến việc lập và triển khai quy hoạch;
+ Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Nhân dân địa phương sinh sống trong các khu vực bảo vệ của di tích; nhận diện, đánh giá nguy cơ xung đột, khả năng tương tác, cộng sinh giữa bảo tồn di tích và phát triển đô thị, nông thôn.
- Phân tích, đánh giá hiện trạng về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu vực quy hoạch: Gồm hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng tổ chức không gian chức năng, kiến trúc, cảnh quan; hiện trạng xây dựng công trình; hiện trạng hạ tầng kinh tế - xã hội; hạ tầng văn hóa, du lịch; hạ tầng giao thông, kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các quy hoạch theo Quyết định số 82/2003/QĐ-TTg ngày 29 năm 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ; đánh giá cụ thể tình hình triển khai thực hiện các dự án tu bổ đầu tư bảo tồn di tích đã được đầu tư qua các thời kỳ, xác định các khó khăn, tồn tại, bất cập cần giải quyết.
c) Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị về di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan, thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và các giá trị có liên quan.
d) Xác định quan điểm, mục tiêu dài hạn, ngắn hạn của quy hoạch.
đ) Xác định chỉ tiêu, dự báo phát triển các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khu vực quy hoạch trong quá trình quản lý di tích, gồm: Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, nông thôn, phát triển du lịch; các chỉ tiêu hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, tác động môi trường có liên quan trong quá trình hoạt động và quản lý di tích.
e) Nội dung và định hướng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới:
- Xác định ranh giới khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; đề xuất việc xếp hạng bổ sung công trình, địa điểm di tích mới phát hiện. Định hướng giải phóng mặt bằng, giải tỏa lấn chiếm và phương án tái định cư.
- Quy hoạch phân vùng chức năng theo cụm di tích hoặc từng di tích bao gồm các khu vực bảo vệ di tích, bảo vệ cảnh quan văn hóa, sinh thái, môi trường; các khu vực phát huy giá trị di tích, hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch; hạ tầng kỹ thuật và giao thông.
- Thiết lập hoàn chỉnh các không gian chức năng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, du lịch.
- Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích:
+ Đề xuất phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; danh mục công trình cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng công trình; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, cảnh quan không gian, di sản văn hoá phi vật thể, di sản tư liệu liên quan đến di tích;
+ Đề xuất nghiên cứu khảo cổ trong khu vực di tích; nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu, hồ sơ khoa cho di tích.
- Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững:
+ Đề xuất giải pháp kết nối, tổ chức không gian và các giải pháp làm tăng giá trị di sản bằng du lịch văn hóa cho các thời kỳ ngắn, trung và dài hạn; thiết lập khung sáng kiến cộng đồng, khung thiết kế, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chiến lược truyền thông và thương hiệu; Các chỉ dẫn về thiết kế đô thị, tiện ích, thiết kế cảnh quan, sản phẩm và mô hình hoạt động;
+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề xuất lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong quản trị bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
g) Dự báo tác động môi trường (tự nhiên và xã hội), thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, di tích trong khu vực quy hoạch.
h) Đề xuất danh mục các nhóm dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên và nguồn vốn đầu tư phù hợp với từng thời kỳ quy hoạch; danh mục những hoạt động kinh tế - xã hội, dân sinh, văn hóa, du lịch, an ninh, quốc phòng; cơ chế chính sách, giải pháp huy động các nguồn lực, phân bổ nguồn vốn và lộ trình đầu tư, các giải pháp quản lý, cơ chế thực hiện, phối hợp liên ngành, đảm bảo triển khai thành công quy hoạch.
5. Hồ sơ sản phẩm quy hoạch
Hình thức, quy cách thể hiện bản đồ, thành phần hồ sơ sản phẩm quy hoạch bảo đảm tuân thủ theo quy định tại Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan. Cụ thể:
a) Thuyết minh tổng hợp quy hoạch; Tờ trình phê duyệt quy hoạch và dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch.
b) Hệ thống bản đồ, bản vẽ, bao gồm:
- Nhóm các sơ đồ, bản đồ phân tích bối cảnh vùng, định hướng quy hoạch tổng quan, kết nối di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư với hệ thống di tích có liên quan đến quá trình hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư, các di tích, công trình văn hóa, địa điểm du lịch, các tuyến du lịch trong toàn tỉnh Ninh Bình và Quần thể danh thắng Tràng An (tỷ lệ 1:5.000 - 1:25.000 và tỷ lệ thích hợp).
- Nhóm bản đồ quy hoạch định hướng tổ chức không gian, bảo vệ cảnh quan văn hóa và kết nối quần thể di tích Cố đô Hoa Lư (tỷ lệ 1:10.000), gồm:
+ Bản đồ hiện trạng về sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và bản đồ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trong khu vực nghiên cứu quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đã được phê duyệt;
+ Bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hoá, kinh tế, xã hội, du lịch liên kết các cụm di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Hoa Lư và phụ cận.
- Nhóm bản đồ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Cố đô Hoa Lư (tỷ lệ 1:2.000), gồm: Bản đồ hiện trạng về sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực đã được phê duyệt; Bản đồ xác định khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích; khu vực cần giải tỏa vi phạm di tích; Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng; phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích; Bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật.
- Nhóm bản đồ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Cố đô Hoa Lư; (tỷ lệ 1:500 đối với công trình, nhóm công trình di tích có quy mô nhỏ, các khu vực trọng tâm hoặc cần thiết).
- Các bản vẽ mặt cắt, mặt đứng, phối cảnh các khu vực trọng tâm, trọng điểm (tỷ lệ thích hợp); ảnh khảo tả di tích, các bản vẽ, đồ họa thiết kế đô thị, tiện ích, thiết kế cảnh quan, sản phẩm và các bản vẽ minh họa liên quan khác.
c) Các văn bản và tài liệu khác có liên quan:
- Bản chụp các văn bản liên quan kèm theo, gồm: Ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng đồng tại khu vực lập quy hoạch; Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch và các văn bản khác có liên quan.
- Hồ sơ lưu trữ quy hoạch theo quy định của pháp luật về lưu trữ (bao gồm cả định dạng tài liệu điện tử đối với các thành phần Hồ sơ nêu trên).
6. Thời gian lập quy hoạch: Thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập Quy hoạch được phê duyệt.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình:
a) Quản lý lập quy hoạch, xác định cơ quan chủ đầu tư quy hoạch và tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo quy định hiện hành của pháp luật.
b) Bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt quy hoạch theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật có liên quan.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà |