Quyết định 1622/QĐ-TTg 2022 Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 1622/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 1622/QĐ-TTg | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 27/12/2022 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Xây dựng, Tài nguyên-Môi trường |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch
Ngày 27/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1622/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: điều hòa, phân phối tài nguyên nước công bằng, hợp lý giữa các ngành, địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội; đảm bảo nguồn nước góp phần nầng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95% - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước;…
Bên cạnh đó, việc phân phối nguồn nước phải bảo đảm linh hoạt, công bằng, hiệu quả, hợp lý giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước trên các vùng, các lưu vực sông trên cơ sở hiện trạng, chức năng nguồn nước, yêu cầu duy trì dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất và khả năng đáp ứng của nguồn nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030 khoảng 122,5 tỷ m3/năm, đến năm 2050 khoảng 131,7 tỷ m3/năm.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định 1622/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 1622/QĐ-TTg
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1622/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
____________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Báo cáo thẩm định số 110/BC-HĐTĐ ngày 16 tháng 11 năm 2022 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Nước là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là thành phần cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên, liên quan đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quy hoạch tài nguyên nước phải mang tính chiến lược, đảm bảo tầm nhìn dài hạn, định hướng tổng thể, điều hòa, phân phối tài nguyên nước đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hài hoà với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng. Quy hoạch tài nguyên nước là cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
2. Tài nguyên nước phải được quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh và được tiếp cận theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
3. Bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ với duy trì, phát triển nguồn sinh thủy, nâng cao khả năng tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; hợp tác, chia sẻ công bằng và hợp lý tài nguyên nước xuyên biên giới. Phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra với phương châm phòng ngừa là chính, giảm thiểu tối đa tổn thất.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước; điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân; kiểm soát chất lượng, trữ lượng các nguồn nước, nâng cao khả năng tích trữ nước trên các lưu vực sông, vùng kinh tế, địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hướng tới quản trị tổng hợp ngành nước trên nền tảng công nghệ số; quản lý, sử dụng tài nguyên nước theo chu trình tuần hoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
2. Mục tiêu đến năm 2030
- Điều hòa, phân phối tài nguyên nước công bằng, hợp lý giữa các ngành, địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
- Đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.
- Đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95% - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.
- Kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%.
- Khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo.
- Bảo vệ, kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu tối đa tình trạng gia tăng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% tại các đô thị từ loại V trở lên.
- Cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xã hội hóa, đặc biệt là trên dòng chính sông Hồng, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Ba.
- Hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; các ao, hồ, đầm, phá không được san lấp; phòng, chống sụt, lún do khai thác nước dưới đất.
- Hoàn thành việc lập, công bố hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra.
- Bảo vệ các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa.
- Nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á.
- Quản trị ngành nước trên nền tảng công nghệ số, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Tầm nhìn đến năm 2050
Nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trên thế giới. Hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.
III. PHẠM VI QUY HOẠCH
Quy hoạch tài nguyên nước định hướng quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra trên phạm vi toàn quốc, theo các vùng phát triển kinh tế - xã hội, theo các lưu vực sông, cụ thể như sau:
1. Các vùng phát triển kinh tế - xã hội
a) Vùng trung du, miền núi Bắc bộ: gồm 14 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái) thuộc thượng, trung lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình (khoảng 79% diện tích vùng), lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng (khoảng 12% diện tích vùng) và một phần thượng lưu lưu vực sông Mã (khoảng 9% diện tích vùng).
b) Vùng đồng bằng sông Hồng: gồm 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh), thuộc hạ lưu của lưu vực sông Hồng - Thái Bình (khoảng 86% diện tích vùng) và thuộc các sông độc lập ven biển Quảng Ninh (khoảng 14% diện tích vùng).
c) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, các sông ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận (khoảng 86% diện tích vùng), một phần hạ lưu lưu vực sông Ba và sông Đồng Nai (khoảng 14% diện tích vùng).
d) Vùng Tây Nguyên: gồm 5 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) thuộc lưu vực sông Sê San, sông Srêpốk (khoảng 57% diện tích vùng), một phần thượng lưu lưu vực sông Đồng Nai (khoảng 21% diện tích vùng) và phần thượng lưu lưu vực sông Ba (khoảng 22% diện tích vùng).
đ) Vùng Đông Nam Bộ: gồm 6 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh) chủ yếu thuộc lưu vực sông Đồng Nai (khoảng 92% diện tích vùng) và nhóm lưu vực sông Ray và phụ cận thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (chiếm 8% diện tích vùng).
e) Vùng đồng bằng sông Cửu Long: gồm 13 tỉnh, thành phố (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) phần lớn thuộc lưu vực sông Cửu Long (khoảng 93% diện tích vùng), một phần thuộc lưu vực sông Đồng Nai (khoảng 7% diện tích vùng).
2. Các lưu vực sông gồm: 13 lưu vực sông lớn (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpok, Đồng Nai, Cửu Long), nhóm lưu vực sông ven biển trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Các đảo: Vân Đồn, Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc. Đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các đảo nhỏ khác được nghiên cứu thực hiện trong các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và quy hoạch tỉnh.
IV. QUẢN LÝ, ĐIỀU HÒA, PHÂN PHỐI, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC, PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA
1. Về tài nguyên nước
a) Tổng lượng nước trung bình nhiều năm trên phạm vi toàn quốc khoảng 935,9 tỷ m3/năm, trong đó:
- Nguồn nước mặt: khoảng 844,4 tỷ m3/năm (mùa lũ: 3 - 5 tháng, chiếm khoảng 72%; mùa cạn: 7-9 tháng, chiếm khoảng 28%), lượng nước nội sinh khoảng 340 tỷ m3/năm (chiếm khoảng 40%), lượng nước ngoại sinh khoảng 504,4 tỷ m3/năm (chiếm khoảng 60%); tổng dung tích trữ của các hồ chứa (thủy lợi, thủy điện) có quy mô từ 0,05 triệu m3 trở lên khoảng 68,7 tỷ m3.
- Nguồn nước dưới đất: khoảng 91,5 tỷ m3/năm (trong đó nước mặn khoảng 22,4 tỷ m3/năm, nước nhạt khoảng 69,1 tỷ m3/năm).
b) Về phân bố tài nguyên nước:
- Nước mặt: phân bố ở lưu vực sông Cửu Long 474,1 tỷ m3/năm (chiếm khoảng 56,2%), Hồng - Thái Bình khoảng 148,3 tỷ m3/năm (chiếm khoảng 18%), Đồng Nai khoảng 40 tỷ m3/năm (chiếm khoảng 4,7%), 10 lưu vực sông lớn còn lại và các lưu vực sông ven biển chiếm khoảng 21,1% tổng lượng nước.
- Nước dưới đất: phân bố ở lưu vực sông Cửu Long 25,8 tỷ m3/năm (chiếm khoảng 28,2%), Hồng - Thái Bình khoảng 22,1 tỷ m3/năm (chiếm 24,1%), Đồng Nai khoảng 11,6 tỷ m3/năm (chiếm 12,7%), các lưu vực sông còn lại chiếm 35% tổng lượng nước.
(Tài nguyên nước theo các vùng, lưu vực sông, theo mùa chi tiết được thể hiện tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này).
c) Tổng lượng nước bình quân trên đầu người khoảng 9.589 m3/người/năm, trong đó lượng nước nội sinh khoảng 4.421 m3/người/năm.
d) Nguồn nước mặt vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu cho các nhu cầu nước của các ngành và cho phát triển kinh tế - xã hội trên hầu hết các vùng, các lưu vực sông trong thời kỳ quy hoạch.
Đối với các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, khó tiếp cận nguồn nước mặt, cần tăng cường tìm kiếm, sử dụng nguồn nước dưới đất, khuyến khích khai thác, sử dụng nguồn nước mưa, các giải pháp trữ nước mưa, nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là các vùng Tây Nguyên thuộc các lưu vực sông Sê San, SrêPốk và thượng lưu sông Đồng Nai; vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long.
2. Phân phối nguồn nước theo các vùng, các lưu vực sông
a) Việc phân phối nguồn nước phải bảo đảm linh hoạt, công bằng, hiệu quả, hợp lý giữa các đối tượng khai thác, sử dụng nước trên các vùng, các lưu vực sông trên cơ sở hiện trạng, chức năng nguồn nước, yêu cầu duy trì dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất và khả năng đáp ứng của nguồn nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030 khoảng 122,5 tỷ m3/năm, đến năm 2050 khoảng 131,7 tỷ m3/năm (chi tiết tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này) và đảm bảo nguyên tắc sau:
- Trong mọi trường hợp, ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt.
- Trong điều kiện bình thường thực hiện phân phối đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các ngành theo nhu cầu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Thứ tự ưu tiên thay đổi theo vùng, lưu vực sông, theo mùa và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
- Trong trường hợp hạn hán thiếu nước phải hạn chế phân phối nguồn nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết để ưu tiên cho mục đích sinh hoạt và các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Phương án phân bổ phải căn cứ trên cơ sở mức độ hạn hán thiếu nước và quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương để triển khai các giải pháp ứng phó đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
- Hạn chế phân phối nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí, đặc biệt các khu vực khan hiếm nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
- Có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nước của các ngành, trong đó rà soát, xem xét giảm tỷ trọng cấp nước các ngành sử dụng nước không tiết kiệm, không hiệu quả. Ưu tiên cấp nước cho các nhu cầu thiết yếu, các ngành sử dụng nước đem lại hiệu quả kinh tế cao.
b) Kiểm soát, điều hòa, phân phối với lưu lượng phù hợp tại các công trình chuyển nước trong lưu vực sông có quy mô lớn, để bảo đảm không làm suy thoái, cạn kiệt dòng chảy hạ du, nâng cao hiệu quả cấp nước trên dòng chính các sông lớn, quan trọng thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long như: cống Xuân Quan (Hồng - Thái Bình), đập Bái Thượng (Mã), đập Đô Lương và Cống Nam Đàn (Cả), hệ thống đập An Trạch, Hà Thanh, Thanh Quýt, Bàu Nít (Vu Gia - Thu Bồn), đập Thạch Nham (Trà Khúc), đập Đồng Cam (Ba), đập Văn Phong và hệ thống đập dâng ở hạ lưu (Kôn - Hà Thanh) và hệ thống công trình (cống) phân ranh vùng sản xuất theo vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, vùng sinh thái nước mặn lưu vực sông Cửu Long,...
c) Chuyển nước giữa các lưu vực sông:
- Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 hạn chế việc bổ sung các công trình chuyển nước giữa các lưu vực sông lớn. Trường hợp cần thiết phải thực hiện chuyển nước giữa các lưu vực sông lớn thì căn cứ vào kết quả đánh giá chi tiết về các tác động đến kinh tế, xã hội, môi trường của lưu vực sông chuyển nước và lưu vực sông được chuyển nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc quyết định điều chỉnh bổ sung theo thẩm quyền nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao hiệu quả các công trình chuyển nước liên lưu vực hiện có (sông Vu Gia sang sông Thu Bồn, sông Ba sang sông Kôn, sông Sê San sang sông Trà Khúc, sông Đồng Nai sang các sông ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận,...), nhằm đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến hạ du lưu vực sông chuyển nước, tăng cường hiệu quả sử dụng nước, đảm bảo công bằng hợp lý đối với các lưu vực sông được chuyển nước.
- Đối với việc chuyển nước giữa các tiểu lưu vực sông phải đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đã được phê duyệt. Trường hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông không quy định cụ thể hoặc chưa phê duyệt thì cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo thẩm quyền căn cứ vào kết quả đánh giá chi tiết về các tác động kinh tế - xã hội, môi trường của lưu vực sông chuyển và lưu vực sông được chuyển xem xét quyết định việc chuyển nước.
d) Huy động tối đa, nâng cao hiệu quả vai trò điều tiết các hồ thủy điện, thủy lợi lớn quan trọng hiện có trên 11 lưu vực sông lớn (Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Ba, Kôn - Hà Thanh, Sê San, SrêPốk, Đồng Nai) và các hồ chứa vừa và lớn trên các lưu vực sông độc lập ven biển trong việc điều hòa, cấp nước cho hạ du, bảo đảm phù hợp với điều kiện nguồn lực, nhu cầu khai thác và khả năng đáp ứng nguồn nước.
Rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả các công trình lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước, đặc biệt là các công trình, hệ thống thủy lợi lớn ở hạ lưu các lưu vực sông để bảo đảm sử dụng nước hiệu quả, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nước.
đ) Công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước quy mô lớn:
Các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước quy mô lớn như hồ chứa, đập dâng và các công trình khác có vai trò quan trọng trong điều tiết, cấp nước trên các lưu vực sông được thể hiện tại Phụ lục số V kèm theo Quyết định này.
- Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 hạn chế việc bổ sung công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước quy mô lớn trên sông Thao và ở hạ du trên dòng chính các lưu vực sông lớn, lưu vực sông độc lập ven biển. Trường hợp cần thiết phải bổ sung, căn cứ vào đề xuất của các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan xem xét, thẩm định nội dung liên quan đến nguồn nước, tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Nghiên cứu bổ sung công trình phát triển nguồn nước có quy mô lớn trên các dòng nhánh theo hướng sử dụng nước đa mục tiêu (xây mới hồ chứa, xem xét điều chỉnh tăng khả năng tích, trữ nước và sử dụng phần dung tích chết của các hồ chứa hiện có) trên một số lưu vực sông như sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Sê San, sông SrêPốk và sông Đồng Nai.
- Việc đầu tư, xây mới các công trình khai thác tài nguyên nước phải bảo đảm đa mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả. Việc đề xuất, điều chỉnh, bổ sung được thực hiện theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông nơi dự kiến xây dựng công trình.
Trường hợp quy hoạch tổng hợp lưu vực sông chưa thể hiện cụ thể hoặc chưa phê duyệt, căn cứ khả năng nguồn nước, hiện trạng khai thác, mục đích khai thác, hiệu quả kinh tế - xã hội của công trình, yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng chống tác hại do nước gây ra,... Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan xem xét, thẩm định nội dung liên quan đến nguồn nước và tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với các công trình thuộc các lưu vực sông không phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi xây dựng công trình hoặc Bộ chủ trì xây dựng quy hoạch, lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi bổ sung công trình vào quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành quy định của pháp luật về quy hoạch.
3. Bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra
a) Các nguồn nước phải được phân vùng chức năng làm cơ sở để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra.
b) Phát triển nguồn sinh thủy: duy trì, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và khôi phục diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái để bảo vệ nguồn sinh thủy trên các vùng, các lưu vực sông trên toàn quốc, đặc biệt là các vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; bảo vệ miền cấp nước dưới đất, đặc biệt là miền cấp cho nước dưới đất vùng đồng bằng sông Hồng, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và các khu vực đồng bằng ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
c) Tăng cường bảo vệ nguồn nước có chức năng cấp nước sinh hoạt và một số chức năng quan trọng khác:
- Bảo đảm nguồn nước cho cấp nước sinh hoạt trên các lưu vực sông, đặc biệt cho các đô thị lớn ở hạ lưu các lưu vực sông như thành phố Hà Nội thuộc lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình; thành phố Đà Nẵng thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh thuộc lưu vực sông Đồng Nai.
- Bảo vệ, duy trì nguồn nước cho đa dạng sinh học, hệ sinh thái thủy sinh và các hoạt động du lịch, lễ hội văn hóa gắn với nguồn nước đối với các lưu vực sông, đặc biệt các lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, SrêPốk, Đồng Nai và lưu vực sông Cửu Long.
d) Cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm:
- Cải thiện, phục hồi các dòng sông, đoạn sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm có vai trò quan trọng trong việc cấp nước, duy trì bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh. Ưu tiên thực hiện đối với sông cầu, sông Ngũ Huyện Khê, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải thuộc vùng đồng bằng sông Hồng; sông Vu Gia, hạ lưu sông Trà Khúc sau đập Thạch Nham thuộc vùng duyên hải miền Trung; thượng lưu sông Ba sau đập An Khê thuộc vùng Tây Nguyên và khu vực hạ lưu sông Đồng Nai thuộc vùng Đông Nam Bộ.
- Phục hồi các tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; tăng cường bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất, đặc biệt là việc bổ sung nhân tạo từ nguồn nước mưa tại các khu vực đô thị, ưu tiên thực hiện đối với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
đ) Phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước:
- Hạn chế gia tăng lưu lượng khai thác nước dưới đất hoặc có các giải pháp khai thác hợp lý ở khu vực đô thị có nguy cơ hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất để đảm bảo không vượt ngưỡng giới hạn về mực nước, lưu lượng. Có kế hoạch, lộ trình điều chỉnh việc khai thác nước dưới đất hợp lý tại những khu vực có nguy cơ hạ thấp mực nước quá mức, ô nhiễm, xâm nhập mặn hoặc có nguy cơ sụt, lún đất.
Điều chỉnh lưu lượng khai thác hợp lý ở các khu vực đã bị khai thác quá mức phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác như Đồng Nai và Bình Dương ở lưu vực sông Đồng Nai thuộc vùng Đông Nam Bộ.
- Xây dựng và thực hiện lộ trình, phương án khai thác luân phiên giữa nguồn nước mặt trong mùa mưa, nước dưới đất trong mùa khô tại những khu vực nguồn nước mặt thường xuyên bị nhiễm mặn vào mùa khô. Có các giải pháp bổ cập từ nguồn nước mưa, nước mặt trong mùa mưa cho nước dưới đất, đặc biệt đối với các khu vực khan hiếm nước mặt và các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất.
- Giảm thiểu tối đa tình trạng suy giảm mực nước trên các sông, bảo đảm các yêu cầu về mực nước cho các hoạt động khai thác nước trên sông, hoạt động giao thông thủy, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt hạ lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, hạ lưu lưu vực sông Mã, sông Cả... thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu đô thị, khu dân cư tập trung để bảo đảm chức năng nguồn nước theo quy định.
e) Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra:
- Quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, công trình giao thông, các hoạt động sản xuất ven sông không được gây cản trở dòng chảy, không gây ngập úng nhân tạo, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước; tăng cường biện pháp quản lý không được san lấp các hồ, ao trong khu dân cư có chức năng phòng chống ngập úng.
- Tăng cường quản lý các hoạt động khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác, hoạt động giao thông thủy trên sông; các hoạt động ven sông như xây dựng khu đô thị, khu dân cư, các hoạt động sản xuất khác có tác động đến gia tăng sạt lở lòng, bờ bãi sông, đặc biệt là các dòng sông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho các công trình lấy nước quy mô lớn, các hoạt động giao thông thủy quan trọng.
4. Kiểm soát, điều hòa nguồn nước liên quốc gia
a) Tăng cường hợp tác và thực hiện hiệu quả các Hiệp định, Thoả thuận về hợp tác tài nguyên nước với các quốc gia phía thượng nguồn có chung nguồn nước với Việt Nam trên nguyên tắc tối ưu hoá lợi ích của nguồn nước trên cơ sở bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sử dụng công bằng và hợp lý, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững lưu vực.
b) Đối với lưu vực sông Sê San, Srêpốk phải kiểm soát, điều hòa hợp lý trên cơ sở hài hòa lợi ích, khả năng nguồn nước giữa hai quốc gia Việt Nam và Campuchia.
c) Nâng cao hiệu quả sử dụng nước và kiểm soát nguồn nước liên quốc gia để chủ động trong việc khai thác, điều hòa, phân phối nguồn nước nhằm giảm sự phụ thuộc tối đa từ các nguồn nước liên quốc gia này; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát tài nguyên nước các sông liên quốc gia, đặc biệt là trên sông Đà, sông Thao, sông Lô, sông Mã, sông Cả và sông Cửu Long.
5. Trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, cần nghiên cứu, xác định các vùng, tiểu vùng, tiểu lưu vực sông, nguồn nước ưu tiên lập kế hoạch chi tiết điều hòa, phân bổ, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
6. Định hướng quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra cụ thể trên các vùng, các lưu vực sông chi tiết tại Phụ lục III và Phụ lục IV kèm theo Quyết định này.
V. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH THỰC HIỆN
1. Giải pháp về pháp luật, chính sách
- Rà soát, sửa đổi bổ sung thể chế, chính sách theo hướng: tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; xã hội hóa ngành nước trong các hoạt động điều tra cơ bản, đầu tư, xây dựng, phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp; thu trữ nước mưa chống ngập lụt đô thị; nghĩa vụ tài chính đối với tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ hoạt động bảo vệ, cải tạo phục hồi nguồn nước; quản lý hoạt động dịch vụ cấp nước.
- Tiếp tục đổi mới, kiện toàn các Ủy ban lưu vực sông, đảm bảo đủ thẩm quyền, đủ nguồn lực và hoạt động hiệu lực, hiệu quả để giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; xây dựng, triển khai hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh nguồn nước quốc gia.
- Tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế trong việc ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ về nước.
- Rà soát, bổ sung hoàn chỉnh chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo hướng tính đúng, tính đủ giá trị của tài nguyên nước.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách chia sẻ, phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng tài nguyên nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng và vùng sinh thủy.
2. Giải pháp về tài chính, đầu tư
- Tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đầu tư công, các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác để triển khai thực hiện quy hoạch.
- Bổ sung nguồn vốn ngân sách cho bảo vệ, phục hồi nguồn nước. Ưu đãi các hoạt động đầu tư trong khai thác cấp nước sinh hoạt. Đa dạng các nguồn lực đầu tư liên quan đến biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến tài nguyên nước.
- Tăng cường, khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài nước cho công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, phát triển khoa học công nghệ để khai thác, sử dụng nước tiết kiệm và nâng cao hiệu quả xử lý nước thải.
- Ưu tiên vốn ODA cho các đề án, dự án đầu tư cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực; các công trình tích trữ nước nhằm điều hòa, phân phối nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Giải pháp về khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế
- Tăng cường nghiên cứu, hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm xây dựng các biện pháp, giải pháp phù hợp để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; ưu tiên đối với các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; dữ liệu thời tiết; dữ liệu viễn thám, GIS, thông tin ảnh vệ tinh sử dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước.
- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường công tác điều tra cơ bản phục vụ quản lý bền vững các nguồn tài nguyên nước kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia nhất là ở các khu vực biên giới, hải đảo.
- Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước theo thời gian thực; nghiên cứu, xây dựng chương trình trọng điểm cấp quốc gia về an ninh nguồn nước; nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ số cảnh báo mức độ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo thời gian thực.
- Tăng cường hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, số liệu vận hành và thông tin về quy hoạch các công trình khai thác, sử dụng nước; thiết lập và tăng cường các cơ chế hợp tác, giải quyết mâu thuẫn, xung đột tài nguyên nước liên quốc gia đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý, hài hoà lợi ích của các quốc gia, phù hợp với các Điều ước, thông lệ quốc tế.
- Tăng cường đàm phán, kêu gọi các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam tham gia Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công, bộ Quy chế sử dụng nước và các cơ chế hợp tác trên các lưu vực sông xuyên biên giới nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước liên quốc gia.
Tăng cường kết nối các cơ chế hợp tác tiểu vùng, bao gồm kết nối hợp tác ủy hội sông Mê Công quốc tế với các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công, hợp tác ASEAN, nhằm tối ưu hoá nguồn lực của các quốc gia ven sông và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên các lưu vực sông xuyên biên giới. Nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ trong quản lý tài nguyên nước.
4. Giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức
- Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông có nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp cho từng nhóm đối tượng trong xã hội về pháp Luật Tài nguyên nước nói chung và các giải pháp về điều hòa, phân phối, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
- Phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các chủ trương, chính sách và pháp luật về an ninh nguồn nước.
- Xây dựng, triển khai và duy trì nội dung giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước trong hệ thống giáo dục.
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền các nội dung trọng tâm của quy hoạch bao gồm các mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ, chương trình, đề án thực hiện đến các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả của quy hoạch.
5. Giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực
- Rà soát, đánh giá, kiện toàn nguồn nhân lực trong công tác quản lý tài nguyên nước ở trung ương và địa phương; xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu đối với công tác quản lý tài nguyên nước.
- Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học và quản lý tài nguyên nước.
- Thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia hoạt động quản lý tài nguyên nước, hình thành đội ngũ chuyên gia chuyên sâu ở trung ương và địa phương. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực tài nguyên nước.
- Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên nước, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, thanh tra, kiểm tra và các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra, đánh giá, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.
6. Giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch
a) Về quản lý, điều hòa, phân phối, bảo vệ, phát triển và giám sát tài nguyên nước:
- Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước, việc lập và triển khai thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.
- Tăng cường hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước cung cấp các thông tin, số liệu cho công tác lập, điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước và xây dựng các kế hoạch sử dụng nước nhằm chủ động nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực.
- Ưu tiên công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Tăng cường các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với từng vùng, từng lưu vực sông nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo; thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất, bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
- Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc tài nguyên nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, dự báo, cảnh báo mức độ thiếu nước, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, xâm nhập mặn; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu, giám sát tài nguyên nước quốc gia; chuyển đổi số, kết nối và chia sẻ dữ liệu nguồn nước giữa các cấp, bộ, ngành, địa phương.
- Áp dụng các công nghệ tiên tiến để theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia, phát hiện những vấn đề bất thường về lưu lượng, mực nước, chất lượng của nguồn nước.
- Đánh giá tổng thể tác động của các hoạt động phát triển trên lưu vực sông Mê Công, sông Hồng - Thái Bình, sông Mã, sông Cả tới Việt Nam trong bối cảnh gia tăng sử dụng nước trên lưu vực, biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
- Tăng cường vai trò của các tổ chức lưu vực sông, cộng đồng trong giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và giám sát việc thực hiện quy hoạch.
b) Nâng cao hiệu quả sử dụng nước các ngành, lĩnh vực
- Rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận liên hành hồ chứa trên các lưu vực sông lớn hướng tới điều tiết, vận hành theo thời gian thực để nâng cao khả năng cấp nước cho hạ du, phòng, chống lũ và ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
- Nghiên cứu, bổ sung công trình phát triển nguồn nước theo hướng sử dụng nước đa mục tiêu trên các dòng nhánh một số sông: Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Sê San, SrêPốk và sông Đồng Nai.
- Rà soát, điều chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng cấp nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cấp nước, đặc biệt là các hệ thống cấp nước quy mô nhỏ, thiếu bền vững, hoạt động kém hiệu quả. Tăng cường đầu tư công trình khai thác từ các nguồn nước ổn định để thay thế các nguồn nước có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
- Rà soát, sửa đổi bổ sung quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hệ thống các công trình thủy lợi theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả của công trình đầu mối, hệ thống kênh mương thủy lợi, công trình tích trữ nước, dẫn nước theo hướng sử dụng nước đa mục tiêu kết hợp với mục đích cải thiện môi trường nước sông, kênh. Đồng thời, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nước.
- Đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng ít nước; tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuần hoàn, tái sử dụng nước thải ngay từ giai đoạn thiết kế dự án.
- Hoàn thiện các hệ thống dẫn, chuyển nước từ các công trình thủy lợi hiện có; đối với các khu vực khan hiếm nước, đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung, nghiên cứu các giải pháp công trình dẫn nước dạng hở sang công trình dẫn nước dạng ống, kín, giảm thiểu tối đa thất thoát nước trong quá trình sử dụng.
- Rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi sản xuất đảm bảo phù hợp nguồn nước trên từng vùng, lưu vực sông. Hằng năm, căn cứ vào bản tin dự báo khí tượng thủy văn (dài hạn, trung hạn và ngắn hạn), các địa phương căn cứ tình hình nguồn nước, khả năng bảo đảm cấp nước, thực hiện rà soát, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, kế hoạch sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước trên các lưu vực sông.
c) Bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn sinh thủy và phòng chống tác hại do nước gây ra
- Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nước đối với các nguồn nước đã và đang có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn, sụt lún đất, đặc biệt các khu đô thị, khu dân cư tập trung; bảo vệ miền cấp nước dưới đất, đặc biệt là các tầng chứa nước vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
- Giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, các quy trình vận hành đơn hồ được phê duyệt và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước khác.
- Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước để đảm bảo an ninh cấp nước, đặc biệt nguồn nước có chức năng cấp cho sinh hoạt các khu đô thị lớn, khu dân cư tập trung.
- Hạn chế và tiến tới việc cấm sử dụng các loại hoá chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường việc quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các đô thị, khu dân cư tập trung.
- Kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, thủy lợi, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch...
- Chú trọng phát triển, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn đảm bảo giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định theo đúng mục tiêu đã đề ra; đẩy nhanh việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khu vực sa mạc hoá; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng.
- Đầu tư nguồn lực cho công tác phục hồi các dòng sông, các nguồn nước đã và đang có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
- Tăng cường công tác lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, quản lý lòng, bờ, bãi sông, hồ theo quy định của pháp luật; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước trên các lưu vực sông ưu tiên thực hiện trên các đoạn sông qua khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung có nguy cơ ô nhiễm cao.
- Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước: Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ phòng, chống thiên tai kết hợp phục hồi không gian cho sông, bảo tồn cảnh quan, môi trường tự nhiên; xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, hệ thống đê sông, đê biển; rà soát bố trí lại dân cư tránh nơi xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở bờ, hạ lưu các hồ chứa.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Tổ chức công bố quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương liên quan tổ chức thực hiện quy hoạch theo chức năng quản lý nhà nước được giao; đẩy nhanh việc lập và triển khai quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; tăng cường thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước cung cấp các số liệu phục vụ lập, điều chỉnh quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch; định kỳ đánh giá thực hiện quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định.
c) Chủ trì rà soát, hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp Luật Tài nguyên nước; tăng cường hợp tác, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia.
d) Chủ trì xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông lớn theo quy định; hoàn thiện, nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước.
đ) Rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông hướng tới theo thời gian thực; nghiên cứu các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt, tích trữ nước nhằm khắc phục tình trạng hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn.
e) Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
g) Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông phù hợp chức năng nguồn nước, mục tiêu chất lượng nước và dòng chảy tối thiểu theo quy định.
h) Cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn. Trước mắt, trong giai đoạn đến 2025, nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm xã hội hóa phục hồi sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt làm căn cứ triển khai.
i) Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương trong việc hợp tác, chia sẻ thông tin số liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước trên các sông liên quốc gia với các quốc gia có chung nguồn nước.
k) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương có liên quan kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoặc quyết định điều chỉnh để tháo gỡ vướng mắc, bất hợp lý trên thực tế (nếu có) trong triển khai thực hiện quy hoạch.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Rà soát, điều chỉnh hoặc đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác có khai thác, sử dụng nước phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước.
b) Chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn và nâng cao khả năng tích trữ nước theo thiết kế của các hồ chứa thủy lợi; bảo vệ, phát triển, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn trên các lưu vực sông; lập, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi và công trình thủy lợi khác theo thẩm quyền, bảo đảm sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
c) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi, công nghệ tưới tiên tiến để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
d) Ban hành theo thẩm quyền các quy định về quản lý việc sử dụng các loại hoá chất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước.
đ) Chỉ đạo các đối tượng khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông thuộc phạm vi quản lý thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định.
3. Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp nước, thoát nước đô thị phù hợp với chức năng, khả năng nguồn nước trên các lưu vực sông; chỉ đạo xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát trong các hệ thống cấp nước đô thị.
4. Bộ Công Thương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện, bảo đảm sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước và thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
6. Bộ Tài chính chủ trì, căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí chi thường xuyên để thực hiện quy hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
7. Các bộ, ngành khác có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan trong việc điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.
8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
a) Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, bảo đảm sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước và thực hiện các phương án điều hòa, phân phối, bảo vệ nguồn nước theo quy định.
b) Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải các nguồn nước nội tỉnh, khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.
Điều 3. Điều khoản thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC I
TÀI NGUYÊN NƯỚC THEO CÁC VÙNG, CÁC LƯU VỰC SÔNG
(Kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)
TT |
Vùng |
Nguồn nước |
Hiện tại |
Đến năm 2030 |
Đến năm 2050 |
|||||||||||||
(tỷ m3/năm) |
(tỷ m3/năm) |
(tỷ m3/năm) |
||||||||||||||||
Năm |
Mùa cạn |
Mùa lũ |
Năm |
Mùa cạn |
Mùa lũ |
Năm |
Mùa cạn |
Mùa lũ |
||||||||||
I |
TOÀN QUỐC |
Tổng |
935,9 |
292,5 |
643,4 |
948,4 |
289,4 |
659,0 |
960,8 |
293,0 |
667,8 |
|||||||
Nước mặt |
844,4 |
237,8 |
606,6 |
856,9 |
234,7 |
622,2 |
869,4 |
238,3 |
631,1 |
|||||||||
Nước dưới đất |
91,5 |
54,7 |
36,8 |
91,5 |
54,7 |
36,8 |
91,4 |
54,7 |
36,7 |
|||||||||
II |
THEO LƯU VỰC SÔNG |
|||||||||||||||||
1 |
Bằng Giang - Kỳ Cùng |
Tổng |
9,8 |
3,0 |
6,8 |
9,7 |
2,9 |
6,8 |
9,6 |
2,8 |
6,8 |
|||||||
Nước mặt |
8,6 |
2,2 |
6,4 |
8,5 |
2,1 |
6,4 |
8,4 |
2,0 |
6,4 |
|||||||||
Nước dưới đất |
1,2 |
0,8 |
0,4 |
1,2 |
0,8 |
0,4 |
1,2 |
0,8 |
0,4 |
|||||||||
2 |
Hồng - Thái Bình |
Tổng |
170,4 |
49,6 |
120,8 |
169,3 |
48,2 |
121,1 |
184,7 |
53,3 |
131,4 |
|||||||
Nước mặt |
148,3 |
36,7 |
111,6 |
147,2 |
35,3 |
111,9 |
162,6 |
40,4 |
122,2 |
|||||||||
Nước dưới đất |
22,1 |
12,9 |
9,2 |
22,1 |
12,9 |
9,2 |
22,1 |
12,9 |
9,2 |
|||||||||
3 |
Mã |
Tổng |
25,3 |
8,5 |
16,8 |
26,2 |
8,9 |
17,3 |
28,6 |
9,5 |
19,1 |
|||||||
Nước mặt |
19,7 |
5,2 |
14,5 |
20,6 |
5,6 |
15,0 |
23,0 |
6,2 |
16,8 |
|||||||||
Nước dưới đất |
5,6 |
3,3 |
2,3 |
5,6 |
3,3 |
2,3 |
5,6 |
3,3 |
2,3 |
|||||||||
4 |
Cả |
Tổng |
29,5 |
11,4 |
18,1 |
33,2 |
12,8 |
20,4 |
30,0 |
11,7 |
18,3 |
|||||||
Nước mặt |
23,9 |
8,1 |
15,8 |
27,6 |
9,5 |
18,1 |
24,4 |
8,4 |
16,0 |
|||||||||
Nước dưới đất |
5,6 |
3,3 |
2,3 |
5,6 |
3,3 |
2,3 |
5,7 |
3,4 |
2,3 |
|||||||||
5 |
Hương |
Tổng |
9,4 |
3,0 |
6,4 |
10,0 |
2,7 |
7,3 |
9,6 |
2,7 |
6,9 |
|||||||
Nước mặt |
8,2 |
2,2 |
6,0 |
8,8 |
1,9 |
6,9 |
8,4 |
1,9 |
6,5 |
|||||||||
Nước dưới đất |
1,2 |
0,8 |
0,4 |
1,2 |
0,8 |
0,4 |
1,2 |
0,8 |
0,4 |
|||||||||
6 |
Vu Gia- Thu Bồn |
Tổng |
21,2 |
8,7 |
12,5 |
22,2 |
8,4 |
13,8 |
22,4 |
7,9 |
14,5 |
|||||||
Nước mặt |
19,5 |
7,4 |
12,1 |
20,4 |
7,1 |
13,3 |
20,7 |
6,6 |
14,1 |
|||||||||
Nước dưới đất |
1,7 |
1,3 |
0,4 |
1,7 |
1,3 |
0,4 |
1,7 |
1,3 |
0,4 |
|||||||||
7 |
Trà Khúc |
Tổng |
9,0 |
2,7 |
6,3 |
9,1 |
2,7 |
6,4 |
8,8 |
2,5 |
6,3 |
|||||||
Nước mặt |
8,4 |
2,3 |
6,1 |
8,5 |
2,3 |
6,2 |
8,2 |
2,1 |
6,1 |
|||||||||
Nước dưới đất |
0,6 |
0,4 |
0,2 |
0,6 |
0,4 |
0,2 |
0,6 |
0,4 |
0,2 |
|||||||||
8 |
Kôn- Hà Thanh |
Tổng |
5,2 |
1,7 |
3,5 |
5,3 |
1,7 |
3,6 |
5,6 |
1,6 |
4,0 |
|||||||
Nước mặt |
4,7 |
1,3 |
3,4 |
4,8 |
1,3 |
3,5 |
5,1 |
1,2 |
3,9 |
|||||||||
Nước dưới đất |
0,5 |
0,4 |
0,1 |
0,5 |
0,4 |
0,1 |
0,5 |
0,4 |
0,1 |
|||||||||
9 |
Ba |
Tổng |
14,0 |
5,8 |
8,2 |
15,5 |
5,8 |
9,7 |
15,5 |
6,3 |
9,5 |
|||||||
Nước mặt |
11,9 |
4,4 |
7,5 |
13,4 |
4,4 |
9,0 |
13,5 |
4,8 |
8,7 |
|||||||||
Nước dưới đất |
2,1 |
1,4 |
0,7 |
2,1 |
1,4 |
0,7 |
2,0 |
1,3 |
0,7 |
|||||||||
10 |
Sê San |
Tổng |
14,2 |
4,4 |
9,8 |
15,0 |
4,5 |
10,5 |
15,7 |
4,7 |
11,0 |
|||||||
Nước mặt |
12,8 |
3,6 |
9,2 |
13,6 |
3,7 |
9,9 |
14,3 |
3,9 |
10,4 |
|||||||||
Nước dưới đất |
1,4 |
0,8 |
0,6 |
1,4 |
0,8 |
0,6 |
1,4 |
0,8 |
0,6 |
|||||||||
11 |
Srêpok |
Tổng |
21,9 |
6,2 |
15,7 |
24,2 |
6,8 |
17,4 |
24,8 |
6,9 |
17,9 |
|||||||
Nước mặt |
18,5 |
4,2 |
14,3 |
20,8 |
4,8 |
16,0 |
21,4 |
4,9 |
16,5 |
|||||||||
Nước dưới đất |
3,4 |
2,0 |
1,4 |
3,4 |
2,0 |
1,4 |
3,4 |
2,0 |
1,4 |
|||||||||
12 |
Đồng Nai |
Tổng |
51,7 |
15,6 |
36,1 |
52,7 |
14,9 |
37,8 |
55,3 |
15,6 |
39,7 |
|||||||
Nước mặt |
40,0 |
8,8 |
31,2 |
41,0 |
8,1 |
32,9 |
43,6 |
8,8 |
34,8 |
|||||||||
Nước dưới đất |
11,7 |
6,8 |
4,9 |
11,7 |
6,8 |
4,9 |
11,7 |
6,8 |
4,9 |
|||||||||
13 |
Cửu Long |
Tổng |
500,0 |
152,4 |
347,6 |
499,2 |
149,4 |
349,8 |
493,8 |
147,6 |
346,2 |
|||||||
Nước mặt |
474,2 |
137,3 |
336,9 |
473,4 |
134,3 |
339,1 |
468,0 |
132,5 |
335,5 |
|||||||||
Nước dưới đất |
25,8 |
15,1 |
10,7 |
25,8 |
15.1 |
10,7 |
25,7 |
15,1 |
10,6 |
|||||||||
14 |
Các lưu vực ven biển khác |
Tổng |
54,3 |
19,5 |
34,8 |
56,9 |
19,7 |
37,2 |
56,4 |
20,0 |
36,4 |
|||||||
Nước mặt |
45,7 |
14,1 |
31,6 |
48,3 |
14,3 |
34,0 |
47,8 |
14,6 |
33,2 |
|||||||||
Nước dưới đất |
8,6 |
5,4 |
3,2 |
8,6 |
5,4 |
3,2 |
8,6 |
5,4 |
3,2 |
|||||||||
III |
THEO VÙNG KINH TẾ |
|||||||||||||||||
1 |
Trung du miền núi phía Bắc |
Tổng |
165,9 |
45,5 |
120,4 |
163,6 |
43,8 |
119,8 |
177,9 |
48,4 |
129,5 |
|||||||
Nước mặt |
149,8 |
36,2 |
113,6 |
147,5 |
34,5 |
113,0 |
161,7 |
38,9 |
122,8 |
|||||||||
Nước dưới đất |
16,1 |
9,3 |
6,8 |
16,1 |
9,3 |
6,8 |
16,2 |
9,5 |
6,7 |
|||||||||
2 |
Đồng bằng sông Hồng |
Tổng |
25,6 |
11,2 |
14,4 |
27,1 |
11,5 |
15,6 |
28,0 |
11,8 |
16,2 |
|||||||
Nước mặt |
14,9 |
5,0 |
9,9 |
16,5 |
5,3 |
11,2 |
17,5 |
5,7 |
11,8 |
|||||||||
Nước dưới đất |
10,7 |
6,2 |
4,5 |
10,6 |
6,2 |
4,4 |
10,5 |
6,1 |
4,4 |
|||||||||
3 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung |
Tổng |
144,7 |
52,8 |
91,9 |
153,3 |
54,0 |
99,3 |
151,9 |
53,3 |
98,6 |
|||||||
Nước mặt |
124,5 |
39,4 |
85,1 |
133,1 |
40,6 |
92,5 |
131,7 |
39,8 |
91,9 |
|||||||||
Nước dưới đất |
20,2 |
13,4 |
6,8 |
20,2 |
13,4 |
6,8 |
20,2 |
13,5 |
6,7 |
|||||||||
4 |
Tây Nguyên |
Tổng |
68,1 |
21,0 |
47,1 |
73,0 |
21,5 |
51,5 |
75,1 |
22,4 |
52,7 |
|||||||
Nước mặt |
58,8 |
15,6 |
43,2 |
63,6 |
16,2 |
47,4 |
65,7 |
16,9 |
48,8 |
|||||||||
Nước dưới đất |
9,3 |
5,4 |
3,9 |
9,4 |
5,3 |
4,1 |
9,4 |
5,5 |
3,9 |
|||||||||
5 |
Đông Nam Bộ |
Tổng |
29,0 |
8,2 |
20,8 |
29,4 |
7,6 |
21,8 |
31,4 |
8,2 |
23,2 |
|||||||
Nước mặt |
22,3 |
4,4 |
17,9 |
22,8 |
3,8 |
19,0 |
24,8 |
4,5 |
20,3 |
|||||||||
Nước dưới đất |
6,7 |
3,8 |
2,9 |
6,6 |
3,8 |
2,8 |
6,6 |
3,7 |
2,9 |
|||||||||
6 |
Đồng bằng sông Cửu Long |
Tổng |
502,6 |
153,8 |
348,8 |
502,0 |
151,0 |
351,0 |
496,5 |
149,1 |
347,4 |
|||||||
Nước mặt |
474,1 |
137,2 |
336,9 |
473,4 |
134,3 |
339,1 |
468,0 |
132,5 |
335,5 |
|||||||||
Nước dưới đất |
28,5 |
16,6 |
11,9 |
28,6 |
16,7 |
11,9 |
28,5 |
16,6 |
11,9 |
|||||||||
* Ghi chú: Số liệu về tài nguyên nước sẽ được cập nhật chi tiết trong quá trình lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.
PHỤ LỤC II
NHU CẦU SỬ DỤNG NƯỚC
(Kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)
STT |
Vùng |
Hiện tại (tỷ m3/năm) |
Đến năm 2030 (tỷ m3/năm) |
Đến năm 2050 (tỷ m3/năm) |
||||||
Năm |
Mùa cạn |
Mùa lũ |
Năm |
Mùa cạn |
Mùa lũ |
Năm |
Mùa cạn |
Mùa lũ |
||
I |
TOÀN QUỐC |
117,81 |
77,93 |
39,88 |
122,47 |
80,50 |
41,97 |
131,72 |
86,18 |
45,54 |
II |
THEO LƯU VỰC SÔNG |
|||||||||
1 |
Bằng Giang - Kỳ Cùng |
0,52 |
0,34 |
0,18 |
0,57 |
0,38 |
0,19 |
0,64 |
0,38 |
0,26 |
2 |
Hồng - Thái Bình |
25,85 |
15,05 |
10,8 |
28,18 |
16,59 |
11,59 |
31,25 |
18,57 |
12,68 |
3 |
Mã |
2,35 |
1,51 |
0,84 |
2,53 |
1,63 |
0,9 |
2,6 |
1,68 |
0,92 |
4 |
Cả |
1,87 |
1,33 |
0,54 |
1,88 |
1,32 |
0,56 |
1,98 |
1,38 |
0,6 |
5 |
Hương |
0,49 |
0,42 |
0,07 |
0,5 |
0,43 |
0,07 |
0,53 |
0,44 |
0,09 |
6 |
Vu Gia - Thu Bồn |
0,75 |
0,66 |
0,09 |
0,76 |
0,66 |
0,1 |
0,82 |
0,71 |
0,11 |
7 |
Trà Khúc |
1,08 |
0,88 |
0,2 |
1,17 |
0,96 |
0,21 |
1,26 |
1,02 |
0,24 |
8 |
Kôn - Hà Thanh |
0,72 |
0,53 |
0,19 |
0,75 |
0,56 |
0,19 |
0,81 |
0,6 |
0,21 |
9 |
Ba |
1,92 |
1,6 |
0,32 |
1,98 |
1,64 |
0,34 |
2,04 |
1,67 |
0,37 |
10 |
Sê San |
0,71 |
0,52 |
0,19 |
1,15 |
0,86 |
0,29 |
1,75 |
1,24 |
0,51 |
11 |
Srêpok |
2,54 |
1,99 |
0,55 |
2,75 |
2,1 |
0,65 |
4,05 |
2,98 |
1,07 |
12 |
Đồng Nai |
12,05 |
9,17 |
2,88 |
12,48 |
9,18 |
3,3 |
15,04 |
10,65 |
4,39 |
13 |
Cửu Long |
57,65 |
37,07 |
20,58 |
58,15 |
37,17 |
20,98 |
58,79 |
37,53 |
21,25 |
14 |
Các lưu vực ven biển |
9,31 |
6,86 |
2,45 |
9,62 |
7,02 |
2,6 |
10,17 |
7,33 |
2,84 |
III |
THEO VÙNG KINH TẾ |
|||||||||
1 |
Trung du miền núi phía Bắc |
6,89 |
4,00 |
2,89 |
7,45 |
4,31 |
3,12 |
7,89 |
4,58 |
4,13 |
2 |
Đồng bằng sông Hồng |
17,89 |
10,47 |
7,42 |
19,43 |
11,55 |
7,87 |
21,64 |
12,95 |
9,12 |
3 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung |
19,56 |
15,88 |
3,68 |
19,98 |
16,03 |
3,94 |
21,21 |
16,88 |
4,33 |
4 |
Tây Nguyên |
7,06 |
5,24 |
1,82 |
7,15 |
5,23 |
1,93 |
7,47 |
6,46 |
2,13 |
5 |
Đông Nam Bộ |
8,80 |
6,02 |
2,78 |
9,65 |
6,42 |
3,92 |
12,35 |
7,99 |
4,36 |
6 |
Đồng bằng sông Cửu Long |
57,61 |
37,03 |
20,58 |
58,15 |
37,17 |
20,98 |
58,79 |
37,54 |
21,25 |
* Ghi chú: Số liệu về nhu cầu sử dụng tài nguyên nước sẽ được cập nhật chi tiết trong quá trình lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.
PHỤ LỤC III
ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ, ĐIỀU HOÀ, PHÂN PHỐI, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC, PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA THEO CÁC LƯU VỰC SÔNG
(Kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)
TT |
Lưu vực |
Các định hướng chính |
1 |
Bằng Giang - Kỳ Cùng |
- Có giải pháp nâng cao hiệu quả điều tiết, đảm bảo sử dụng nước đa mục tiêu các hồ chứa có ý nghĩa quan trọng trong việc cấp nước trên lưu vực như Bản Lải, Bắc Giang, Thác Xăng (Bắc Giang 2), Bản Nhùng... Đồng thời, cần nghiên cứu, rà soát tổng thể năng lực của các hồ chứa, yêu cầu cắt giảm lũ, cấp nước ở hạ lưu, đảm bảo dòng chảy tối thiểu để đề xuất quy chế phối hợp hoặc quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực. - Ưu tiên phân bổ cho mục đích cấp nước sinh hoạt, vùng sâu, vùng xa, vùng khan hiếm nước; các mục đích sử dụng nước thiết yếu, có hiệu quả kinh tế cao đối với các khu vực xảy ra thiếu nước. - Các công trình đang khai thác, sử dụng nước cần nâng cao khả năng tích nước, trữ nước, tham gia điều tiết nguồn nước theo nhiệm vụ của từng công trình. - Nghiên cứu bổ sung các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước đa mục tiêu trên lưu vực sông Kỳ Cùng, Bắc Giang, Bằng Giang. - Quản lý chặt chẽ, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đầu nguồn đặc biệt tại khu vực thượng lưu sông Bằng Giang, sông Bắc Giang, sông Bắc Khê, sông Kỳ Cùng. - Quản lý không gian tiêu thoát nước, bảo đảm lưu thông dòng chảy trên các sông, suối gồm Bằng Giang, Hiến, Minh Khai, Tả Cáy, Nậm Cung, Bắc Khê, Khuổi O, Thả Cao, Bắc Giang, Kỳ Cùng. Các dự án kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông không được thu hẹp quá 5% bề rộng lòng sông. - Có giải pháp kiểm soát lũ nhằm đảm bảo lưu thông dòng chảy trên các sông lớn, quan trọng như Bằng Giang, Bắc Khê, Bắc Giang, Kỳ Cùng... |
2 |
Hồng - Thái Bình |
- Chủ động kiểm soát chặt chẽ nguồn nước cả về số lượng và chất lượng đối với các nguồn nước từ Trung Quốc vào Việt Nam, đặc biệt trên các sông Đà, Thao, Lô - Bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là cấp nước cho các khu đô thị lớn khu vực hạ lưu sông Hồng. - Bảo vệ chất lượng nước, giảm thiểu ô nhiễm, kiểm soát các nguồn thải nhằm bảo vệ chất lượng nước trên lưu vực sông, đặc biệt là các khu vực có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... - Bảo vệ, duy trì nguồn nước cho đa dạng sinh học, hệ sinh thái thủy sinh và các hoạt động du lịch, lễ hội văn hóa gắn với nguồn nước trên lưu vực sông, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng. - Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 chưa xem xét bổ sung công trình điều tiết nước trên dòng chính sông Thao và dòng chính sông Hồng. - Các hồ chứa nước lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang cần được nghiên cứu, bổ sung năng lực điều tiết nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn tuyệt đối và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước cho các công trình khai thác nước cho nông nghiệp, sinh hoạt và các ngành sử dụng nước khác ở vùng đồng bằng sông Hồng. - Các hệ thống công trình khai thác lớn phía hạ du cần phải được rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước, đặc biệt là các công trình, hệ thống thủy lợi lớn như Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống, Ấp Bắc, Bắc Nam Hà, Đa Độ, Cầu Sơn, Cấm Sơn, Vĩnh Bảo... - Từ nay đến năm 2030 ưu tiên phục hồi, cải thiện sông, đoạn sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm đối với sông Cầu, Ngũ Huyện Khê, Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải, các sông chảy qua khu tập trung dân cư. - Phục hồi mực nước sông Hồng, góp phần nâng cao khả năng lấy nước cho các hệ thống thủy lợi, công trình khai thác, sử dụng nước khác, các sông nhánh lấy nước từ sông Hồng và góp phần tạo cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước thông qua việc quản lý hoạt động khai thác cát sỏi trên sông; điều tiết việc vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ trong quy trình vận hành liên hồ chứa; kiểm soát tỷ lệ phân lưu nguồn nước sông Hồng sang sông Đuống. - Hạn chế gia tăng lưu lượng khai thác nước dưới đất hoặc phải có các giải pháp khai thác hợp lý ở khu vực đô thị có nguy cơ hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất đảm bảo không vượt ngưỡng giới hạn về mực nước, lưu lượng. Cân đối, điều chỉnh lưu lượng hợp lý ở các khu vực đã bị khai thác quá mức phù hợp với điều kiện thực tế. Tăng cường điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở những vùng khan hiếm nước, đặc biệt là vùng trung du và miền núi phía Bắc. - Bảo vệ, duy trì nguồn nước cho đa dạng sinh học, hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là vườn quốc gia Xuân Thủy. - Duy trì diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng che phủ rừng phòng hộ, tiếp tục phát triển diện tích rừng trên cơ sở khai thác đất đồi núi chưa sử dụng. - Phải có hệ thống các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu các tác hại do nước gây ra, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt, lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc. - Nghiên cứu xây dựng các công trình đa mục tiêu, trong đó có phòng chống lũ cho hạ lưu sông Lục Nam; nâng các khả năng phòng, chống lũ các tuyến đê, đặc biệt là các tuyến đê thuộc lưu vực sông Thương. - Nghiên cứu các giải pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông tập các khu vực thuộc các tỉnh Điện Biên (Mường Chà, Tủa Chùa), Hòa Bình (Lương Sơn, Mai Châu, Kỳ Sơn, Cao Phong), Hà Giang (Quản Bạ, Quang Bình, Yên Minh), Bắc Giang (Sơn Động, Lục Ngạn, Hiệp Hòa). |
3 |
Mã |
- Nguồn nước mặt là nguồn cấp nước chính cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. - Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 chưa xem xét bổ sung công trình điều tiết trên sông Chu và sông Mã. - Các hồ chứa nước lớn như Cửa Đạt, Trung Sơn, Hủa Na, Hồi Xuân, cần được nghiên cứu, bổ sung năng lực điều tiết nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn và cấp nước cho hạ du. - Phải có giải pháp điều hòa, phân phối hợp lý nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước sông Chu qua hồ Cửa Đạt, hệ thống thủy lợi sông Chu và hệ thống các công trình thủy lợi khác. - Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nước của đập Bái Thượng đảm bảo sử dụng nước hiệu quả cho vùng Nam sông Chu và duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập, nhằm đảm bảo giao thông thủy, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh hạ du sông Chu và sông Mã. - Bảo vệ chất lượng nước của nguồn nước đáp ứng được cho các mục đích sinh hoạt, đặc biệt nguồn nước chảy qua các khu vực đô thị, khu công nghiệp ở các tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. - Kiểm soát tình hình ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống sông Mã - sông Chu và sông Bưởi; tập trung các khu công nghiệp (Lam Kinh, Bỉm Sơn, Bến Than,...), các khu du lịch, dịch vụ (Sầm Sơn...). - Duy trì diện tích rừng hiện có, bảo vệ rừng đầu nguồn thượng lưu sông Mã, sông Chu và sông Bưởi. - Kiểm soát tình hình xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển (sông Mã, sông Lèn, sông Lạch Trường...) và các tầng chứa nước lỗ hổng Holocen (qh) và Pleistocen (qp), tại các vùng ven biển. - Kiểm soát được tình trạng sạt lở bờ, bãi sông trên lưu vực sông Mã tại các khu vực (thành phố Thanh Hóa, huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, huyện Sông Mã...); sông Chu tại các khu vực (huyện Thọ Xuân,...), sông Bưởi tại các khu vực (huyện Thạch Thành...). |
4 |
Cả |
- Nguồn nước mặt là nguồn cấp nước chính cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. - Phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc lấy nước trên dòng chính sông Cả của đập Đô Lương, cống Nam Đàn đảm bảo phù hợp với yêu cầu sử dụng nước thực tế trong hệ thống, tránh thất thoát, lãng phí, giảm thiểu gia tăng xâm nhập mặn ở vùng hạ du nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước. - Nghiên cứu bổ sung công trình phát triển nguồn nước trên sông Giăng và một số phụ lưu của sông Cả; riêng trên dòng chính sông Cả, từ nay đến 2030 chưa xem xét bổ sung xây dựng công trình điều tiết. - Nghiên cứu, bổ sung năng lực điều tiết nước hệ thống hồ chứa phía thượng lưu như hồ Bản Vẽ, Bản Mồng, Ngàn Trươi, sông Sào góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn và cấp nước cho hạ du, đồng thời góp phần giảm thiểu xâm nhập mặn phía hạ lưu. - Giải quyết tình trạng thiếu nước trong mùa khô trên sông Cả, sông Hiếu, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố tại các khu vực Tương Dương, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳ Châu, Tân Kỳ Hương Sơn... - Bảo vệ các nguồn nước cấp nước sinh hoạt đặc biệt là nguồn nước sông Đào và hạ lưu dòng chính sông Cả để cấp nước cho thành phố Vinh và vùng phụ cận. - Kiểm soát lũ, ngập khu vực thượng lưu sông Cả trước điểm nhập lưu sông của Hiếu và trên sông Ngàn Sâu. - Kiểm soát tình hình ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là ở một số vùng như: Nam Đàn, Thanh Chương (sông Giăng); đoạn sông Cả chảy qua các huyện, thị xã: Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương; - Duy trì diện tích rừng hiện có, bảo vệ rừng đầu nguồn tại thượng nguồn sông Hiếu, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố. - Kiểm soát, đề xuất giải pháp phòng chống sạt, lở bờ, bãi sông tại các khu vực trên sông Cả, sông Hiếu, sông Nậm Giải.... - Chủ động kiểm soát nguồn nước (số lượng, chất lượng) đối với các nguồn nước liên quốc gia từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đổ vào Việt Nam. |
5 |
Hương |
- Nguồn nước mặt là nguồn cấp nước chính cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. - Các hồ chứa nước lớn như Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền cần được nghiên cứu, bổ sung năng lực điều tiết nước, góp phần kiểm soát lũ cho hạ lưu sông Hương, và sông Bồ. - Bảo vệ các nguồn nước cấp nước sinh hoạt đặc biệt là nguồn nước cấp cho thành phố Huế; - Kiểm soát, xử lý nước thải sinh hoạt và du lịch khu vực hạ lưu sông Hương; Bảo vệ nguồn nước đảm bảo lượng nước cho các hoạt động du lịch, lễ hội, văn hóa phụ thuộc nguồn nước. |
6 |
Vu Gia - Thu Bồn |
- Nguồn nước mặt là nguồn cấp nước chính cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng cần phải được điều hòa, phân phối, bảo vệ hợp lý, giảm thiểu tối đa mâu thuẫn giữa các hộ sử dụng nước ở hạ lưu, nhất là 2 sông Vu Gia và sông Thu Bồn. - Kiểm soát chặt chẽ việc điều tiết cấp nước cho hạ du của các hồ chứa lớn như Đắk Mi 4, A Vương, sông Bung 2, sông Bung 4, sông Tranh 2, đồng thời nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tham gia điều tiết giảm lũ, cấp nước cho hạ du, bao gồm cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của một số hồ chứa trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước. - Hệ thống công trình khai thác phía hạ du cần phải được rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước, năng lực điều tiết của các hồ chứa phía thượng lưu, đặc biệt là hệ thống các đập An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít, Thanh Quýt phía hạ lưu. - Khẩn trương thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn nước được điều tiết từ các hồ chứa phía thượng lưu, và các nguồn nước ổn định về lưu lượng và chất lượng như sông Cu Đê. - Kiểm soát lũ, ngập lụt ở hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn đặc biệt là các khu vực đồng bằng Quảng Nam, huyện Đại Lộc và thành phố Hội An; - Phải có giải pháp điều hòa, phân phối hợp lý nguồn nước sông Vu Gia sang sông Thu Bồn (qua Đắk Mi 4 và sông Quảng Huế) để đảm bảo sử dụng nước công bằng, hợp lý và hiệu quả phía hạ lưu sông Vu Gia và sông Thu Bồn. - Kiểm soát dòng chảy trên sông Vu Gia, Thu Bồn phía hạ lưu các hồ chứa đặc biệt là sau đập Đắk Mi 4. |
7 |
Trà Khúc |
- Kiểm soát chặt chẽ việc điều tiết cấp nước cho hạ du của các hồ chứa lớn như Đắk Đrinh, Nước Trong, đồng thời nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tham gia điều tiết giảm lũ, cấp nước cho hạ du, bao gồm cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của một số hồ chứa trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là các hồ chứa trên các dòng nhánh. - Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước được chuyển từ lưu vực sông Sê San sang thông qua hồ Thượng Kon Tum. - Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nước của đập Thạch Nham đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và duy trì dòng chảy trên sông Trà Khúc phía sau đập Thạch Nhan nhằm đảm bảo không cạn kiệt dòng chảy, nước cho hệ sinh thái thủy sinh, cảnh quan và nguồn bổ cập cho nước dưới đất khu vực hạ lưu (thành phố Quảng Ngãi). - Nghiên cứu các giải pháp công trình dẫn nước dạng hở sang công trình dẫn nước dạng ống, kín, giảm thiểu tối đa thất thoát nước trong quá trình sử dụng. - Chú trọng kiểm soát lũ, ngập lụt, đặc biệt khu vực hạ lưu, khu vực thành phố Quảng Ngãi. - Nguồn nước mặt là nguồn cấp nước chính cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. |
8 |
Kôn - Hà Thanh |
- Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước được chuyển từ lưu vực sông Ba sang thông qua hồ Vĩnh Sơn C và hồ An Khê. - Phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc lấy nước sông Kôn của đập Vân Phong và hệ thống đập dâng phía hạ lưu đảm bảo phù hợp với yêu cầu sử dụng nước thực tế, tránh thất thoát, lãng phí, phù hợp với năng lực điều tiết của hồ chứa phía thượng lưu như Trà Xom 1, Định Bình. - Kiểm soát lũ trên sông Kôn - Hà Thanh, đặc biệt khu vực hạ lưu sông Kôn - Hà Thanh. - Nghiên cứu, bổ sung năng lực điều tiết nước, góp phần đảm bảo cấp nước và an toàn phía hạ du của các hồ phía thượng lưu, đặc biệt là hồ Định Bình, Thuận Ninh, Núi Một và các hồ thủy lợi vừa và nhỏ trên các dòng nhánh. - Nghiên cứu các giải pháp công trình dẫn nước dạng hở sang công trình dẫn nước dạng ống, kín, giảm thiểu tối đa thất thoát nước trong quá trình sử dụng. - Tăng cường điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở những vùng khan hiếm nước. - Duy trì, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và khôi phục diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái. - Bảo vệ, duy trì nguồn nước cho đa dạng sinh học, hệ sinh thái thủy sinh và các hoạt động du lịch, lễ hội văn hóa gắn với nguồn nước trên lưu vực sông, như di tích văn hóa cảnh quan Núi Bà, danh thắng Hầm Hô, đầm Thị Nại... - Bảo vệ miền cấp nước dưới đất, đặc biệt là miền cấp cho nước dưới đất khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Bình Định. |
9 |
Ba |
- Kiểm soát chặt chẽ việc điều tiết cấp nước cho hạ du của các hồ chứa lớn như An Khê - Kanak, Ayun Hạ, Đắk Srông 2, sông Hinh, Krông H’năng, và sông Ba Hạ, đồng thời nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tham gia điều tiết giảm lũ, cấp nước cho hạ du, bao gồm cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của một số hồ chứa trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ trên các dòng nhánh. - Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm trên sông Ba, đặc biệt là phía hạ lưu đập An Khê - Kanak. - Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nước từ hồ An Khê, hồ Vĩnh Sơn C sang lưu vực sông Kôn. Trong trường hợp xảy ra hạn hán thiếu nước ở hạ lưu sông Ba thì ưu tiên cấp cho mục đích sử dụng nước ở hạ lưu sông Ba. - Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nước của đập Đồng Cam đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và duy trì dòng chảy trên sông Ba phía sau đập Đồng Cam nhằm đảm bảo không cạn kiệt dòng chảy, nước cho hệ sinh thái thủy sinh, cảnh quan và giao thông thủy. - Nghiên cứu các giải pháp công trình dẫn nước dạng hở sang công trình dẫn nước dạng ống, kín, giảm thiểu tối đa thất thoát nước trong quá trình sử dụng. - Kiểm soát lũ trên sông Ba, đặc biệt khu vực hạ lưu sông Ba. - Nâng cao hiệu quả sử dụng nước của hồ Ayun Hạ để cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nâng cao hiệu quả cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du. - Tăng cường điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở những vùng thường xuyên hạn hán, thiếu nước Kbang, An Khê, Krông Chro, Krông Pa. |
10 |
Sê San |
- Đối với việc điều hòa, phân phối dòng chảy phía hạ lưu sông Sê San phía Campuchia cần phải được rà soát, đánh giá tổng thể để đảm bảo phù hợp với năng lực các hồ chứa, điều kiện nguồn nước và thực trạng yêu cầu sử dụng nước hạ lưu sông Sê San phía Campuchia đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia có chung nguồn nước và thỏa thuận quốc tế. - Kiểm soát chặt chẽ việc điều tiết cấp nước cho hạ du của các hồ chứa lớn, quan trọng như Thượng Kon Tum, Plei Krông, Ialy, Sê San 4 và Sê San 4A, đồng thời nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tham gia điều tiết giảm lũ, cấp nước cho hạ du, bao gồm cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của một số hồ chứa trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ trên các dòng nhánh. - Nước dưới đất là nguồn cung cấp chính cho các mục đích như sinh hoạt, tưới cây công nghiệp, cần phải được bảo vệ, phục hồi và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững, đặc biệt là các vùng, khu vực khó tiếp cận nguồn nước mặt. - Nghiên cứu bổ sung công trình phát triển nguồn nước vùng thượng ĐăkBla để điều hòa nguồn nước cho khu vực phía thượng lưu lưu vực. - Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nước từ hồ Thượng Kon Tum sang lưu vực Trà Khúc. Trong trường hợp xảy ra hạn hán thiếu nước thì ưu tiên điều tiết nguồn nước đảm bảo nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông Sê San. - Nghiên cứu, triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, tưới cây công nghiệp; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ phù hợp với khả năng nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. - Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử nước của hệ thống các công trình cấp nước cho các mục đích như sinh hoạt, nông nghiệp. - Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt trên sông Sê San, đặc biệt là phía hạ lưu hồ Thượng Kon Tum. - Đảm bảo hệ sinh thái thủy sinh, giá trị văn hóa, tinh thần của cộng đồng gắn với nguồn nước. - Kiểm soát lũ trên sông ĐăkBla, đặc biệt khu vực thành phố Kon Tum và vùng trũng lưu vực sông Krông Ana và khu vực hạ du sông EaH’leo, Ea Súp. - Quản lý chặt chẽ, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng là nguồn sinh thủy trên lưu vực sông, đặc biệt trên thượng lưu sông Sê San, Đắk Bla, Sa Thầy. - Thực hiện việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định. |
11 |
SrêPốk |
- Đối với việc điều hòa, phân phối dòng chảy phía hạ lưu sông SrêPốk phía Campuchia cần phải được rà soát, đánh giá tổng thể để đảm bảo phù hợp với năng lực các hồ chứa, điều kiện nguồn nước và thực trạng yêu cầu sử dụng nước hạ lưu sông SrêPốk phía Campuchia đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia có chung nguồn nước và thỏa thuận quốc tế. - Kiểm soát chặt chẽ việc điều tiết cấp nước cho hạ du của các hồ chứa lớn, quan trọng như Buôn Tua Srah, Krông Buk hạ, Buôn Kốp, SrêPốk 3, SrêPốk 4, SrêPốk 4A, đồng thời nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tham gia điều tiết giảm lũ, cấp nước cho hạ du, bao gồm cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của một số hồ chứa trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ trên các dòng nhánh. - Nước dưới đất là nguồn cung cấp chính cho các mục đích như sinh hoạt, tưới cây công nghiệp dài ngày, cần phải được bảo vệ, phục hồi và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững, đặc biệt là các vùng, khu vực khó tiếp cận nguồn nước mặt. - Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng nước của hệ thống các công trình cấp nước cho các mục đích như sinh hoạt, nông nghiệp. - Nghiên cứu bổ sung công trình phát triển nguồn nước vùng thượng Ea Hleo và thượng SrêPốk. - Tăng cường điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở những vùng thường xuyên hạn hán, thiếu nước vùng Thượng SrêPốk, Hạ SrêPốk, Ia Lốp, Thượng Ea Hleo, Thượng Krông Ana, Hạ Krông Ana và Ia Drăng. - Đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng hệ sinh thái thủy sinh, lễ hội văn hóa gắn với nguồn nước, đặc biệt là khu du lịch Bản Đôn và các thác nước có ý nghĩa trong du lịch. - Quản lý chặt chẽ, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng là nguồn sinh thủy trên lưu vực sông, ưu tiên trên thượng lưu sông Ea Krông Nô, Ea Krông Ana, Srêpok, Ea H’leo, Ia Đrăng, Ia Lốp... - Kiểm soát lũ trên sông SrêPốk, đặc biệt các huyện Cư M’gar, Buôn Mê Thuột, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư Kuin, Krông Ana. - Nghiên cứu, áp dụng, triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ phù hợp với khả năng nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. - Thực hiện việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định. |
12 |
Đồng Nai |
- Các hồ chứa nước lớn như Đơn Dương, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đăk R’Tih, Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, Dầu Tiếng, Phước Hòa, Hàm Thuận cần được nghiên cứu, bổ sung năng lực điều tiết nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn tuyệt đối và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước cho các công trình khai thác nước cho nông nghiệp, sinh hoạt và các ngành sử dụng nước khác ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai. - Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nước từ hồ Đại Ninh chuyển sang lưu vực sông Lũy tỉnh Bình Thuận và hồ Đơn Dương chuyển sang lưu vực sông Cái tỉnh Ninh Thuận và chuyển nước giữa các vùng trong lưu vực sông Đồng Nai như Phước Hòa sang Dầu Tiếng, Dầu Tiếng sang Vàm Cỏ. Ngoài ra, cần xem xét hài hòa lợi ích giữa kinh tế và an sinh xã hội của vấn đề chuyển nước. - Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt thượng lưu sông Đồng Nai phía sau hồ Đơn Dương và Đại Ninh; phía hạ lưu hồ Hàm Thuận trên sông La Ngà; phía hạ lưu đập Phước Hòa trên sông Bé. - Ưu tiên phục hồi, bảo vệ nguồn nước là các sông nhánh phía hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai. - Bảo vệ các nguồn nước cấp nước sinh hoạt đặc biệt là các khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương. - Hạn chế gia tăng lưu lượng và rà soát điều chỉnh giảm khai thác nước dưới đất khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, bảo vệ miền cấp của nước dưới đất, đặc biệt các vùng lộ của các tầng chứa nước khu vực đồng bằng Nam Bộ. - Nâng cao năng lực vận hành điều tiết các công trình hồ chứa thượng lưu, các công trình khai thác khu vực hạ lưu sông Đồng Nai. - Kiểm soát ngập lụt trên sông lưu vực Đồng Nai, đặc biệt là khu vực hạ du. - Duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông đảm bảo giao thông thủy, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là khu vực dự trữ sinh quyển Cần Giờ và vườn quốc gia Cát Tiên. - Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, cát sỏi và bảo vệ hành lang thoát lũ của sông, đặc biệt là việc lấn, chiếm lòng, bờ bãi sông ở khu vực đô thị. |
13 |
Cửu Long |
- Cần có giải pháp tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước sông Mê Công mang lại, giảm tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nước ngoài lãnh thổ, tập trung phát triển nguồn nước, điều tiết nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, vận hành có hiệu quả hệ thống các công trình thủy lợi; nâng cao khả năng tích, trữ nước và phòng ngừa tác hại do nước gây ra. - Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác, sử dụng, khả năng tiếp cận nguồn nước của các ngành, tăng cường các giải pháp điều hòa, tích, trữ nước, bảo vệ các nguồn nước quan trọng vẫn là các giải pháp mang tính bền vững đối với lưu vực trong giai đoạn quy hoạch. - Nguồn nước mặt trên các sông như sông Tiền, sông Hậu và trong hệ thống các kênh, rạch vẫn là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho dân sinh, các ngành kinh tế cho các vùng thượng đồng bằng và vùng giữa đồng bằng. - Có biện pháp khai thác, sử dụng nguồn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông phục vụ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ... liên vùng, liên tỉnh cho những khu vực thường xuyên bị hạn - mặn như vùng ven biển, bán đảo Cà Mau. - Tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp tại các địa phương trong vùng ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, các vườn quốc gia, tận dụng diện tích rừng ngập nước làm nơi trữ nước. - Xây dựng các hồ trữ nước quy mô phù hợp; trữ nước trên hệ thống kênh rạch, nhánh sông lớn, ao hồ nhỏ đi kèm với các giải pháp vận hành đóng mở các công trình điều tiết nước phù hợp; trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt. - Tăng cường các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất, lập các nguồn nước dự phòng và quản lý việc sử dụng. - Có giải pháp khai thác điều hòa hợp lý nguồn nước dưới đất đảm bảo không vượt ngưỡng giới hạn về mực nước, lưu lượng và cân đối điều chỉnh lưu lượng khai thác hợp lý ở các khu vực đã bị khai thác quá mức phù hợp với điều kiện thực tế. Ưu tiên sử dụng nước mặt các vùng có khả năng tiếp cận thuận lợi với nguồn nước mặt, các hệ thống cấp nước và từng bước giảm và hạn chế nước dưới đất ở vùng ven biển đồng bằng và một số địa phương khu vực vùng giữa đồng bằng trong các tầng chứa nước đang bị nhiễm mặn. - Nghiên cứu bổ sung hồ chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, phát triển công trình thu và lưu trữ nước mưa để tạo nguồn cho các công trình cấp nước quy mô vừa và nhỏ cho mùa khô. - Kiểm soát, hoàn thiện hệ thống công trình phân ranh vùng sản xuất theo sinh thái ngọt và vùng sản xuất theo sinh thái nước lợ. - Kiểm soát vận hành các hệ thống công trình thủy lợi ven biển để đảm bảo lưu thông của nước, tránh tù đọng gây ô nhiễm. Đặc biệt, hệ thống canh tác ngọt trong các vùng thủy lợi được ngọt hóa như Nam Măng Thít, Quản Lộ Phụng Hiệp, Bắc Bến Tre... - Đối với việc cấp nước sinh hoạt, nhất là cấp nước cho dân sinh khu vực nông thôn: vùng thượng đồng bằng nghiên cứu phát triển các công trình cấp nước tập trung, các trạm cấp nước trên cốt ngập lũ; vùng giữa đồng bằng ưu tiên phát triển cấp nước tập trung ở những vùng khó khăn về nguồn nước; vùng ven biển đồng bằng cần có giải pháp cấp nước hiệu quả, bền vững như nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước mưa, tạo nguồn cấp cho các công trình cấp nước. - Về nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị và giá trị gia tăng cao, phù hợp với nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt trong điều kiện hạn hán, thiếu nước; nâng cao hiệu quả vận hành, khai thác, sử dụng nước của các hệ thống công trình thủy lợi, tăng khả năng dẫn nước, trữ nước và cải tạo, nâng cao khả năng trữ, dẫn của hệ thống kênh, rạch. - Trong giai đoạn từ nay đến 2030, phải rà soát lại tính hiệu quả, vận hành của hệ thống các công trình thủy lợi, trước khi đề xuất xây mới các công trình lớn, quan trọng trong điều tiết, cấp nước hay ngăn mặn, đặc biệt trên các dòng chính, dòng nhánh lớn, nhất là khu vực cửa sông. - Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất cho tưới, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khu vực ven biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; hạn chế khai thác nước dưới đất ở những khu vực sụt lún, xâm nhập mặn hoặc có nguy cơ sụt lún, xâm nhập mặn. - Xác định, khoanh định các khu vực có khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất, đặc biệt là việc bổ sung nhân tạo từ nguồn nước mưa tại các khu vực đô thị. - Bảo đảm, duy trì nguồn nước cho đa dạng sinh học phụ thuộc nguồn nước (Rừng ngập mặn, vườn quốc gia, khu bảo tồn đa dạng sinh học), lễ hội văn hóa gắn liền với nước. - Kiểm soát và tiến tới giảm thiểu lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt, công nghiệp... - Có giải pháp giữ ổn định chất lượng nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. - Bảo vệ nguồn sinh thủy, phát triển nguồn nước, duy trì các nguồn nước đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên hệ thống sông Cửu Long. - Hạn chế quy hoạch bố trí các khu đô thị, khu dân cư ven sông, kênh, rạch, đặc biệt là các khu vực bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt lở; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước, quản lý, giám sát các hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, hoạt động giao thông thủy để giảm thiểu tối đa nguy cơ gây sạt lở bờ sông, kênh và gây ô nhiễm nguồn nước. - Cần có giải pháp trong việc kiểm soát, tiêu thoát lũ ra biển Tây và từ Đồng Tháp Mười ra hướng sông Tiền, sông Vàm Cỏ. - Thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công và các cơ chế hợp tác liên quan trong khu vực đảm bảo sử dụng nước công bằng và hợp lý giữa các quốc gia ven sông Mê Công. |
14 |
Nhóm các sông ven biển và các đảo |
- Đối với các lưu vực sông ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, cơ bản nước mặt vẫn là nguồn cung cấp nước chính cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các nguồn nước này đang có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm rất lớn cần phải được khẩn trương bảo vệ. - Đối với các lưu vực sông ven biển Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, nước dưới đất khu vực ven biển là nguồn nước chính cấp cho sinh hoạt. Nguồn nước mặt ở phía thượng lưu cần phải được điều hòa, phân phối phù hợp, tránh suy thoái, cạn kiệt. - Nâng cao hiệu quả điều tiết, đảm bảo sử dụng nước đa mục tiêu, cắt, giảm lũ, cấp nước cho hạ du các hồ chứa ở phía thượng lưu trên các lưu vực sông ven biển như hồ Vực Mấu (sông Hoàng Mai), hồ Kẻ Gỗ (sông Cửa Sót), hồ sông Rác (sông Rác), hồ Yên Mỹ (sông Yên), hồ Phú Ninh (sông Tam Kỳ),... và các hồ chứa vừa và nhỏ khác. - Trong số các lưu vực sông ven biển, hiện tại cũng như trong kỳ quy hoạch, phải điều hòa hợp lý, có giải pháp bảo vệ, phát triển, phục hồi các nguồn nước đang có nguy cơ suy thoái hoặc có phương án khai thác, sử dụng nguồn nước bổ sung khác cho các hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các sông có mức độ căng thẳng sử dụng nước từ cao đến rất cao như sông Tiên Yên (Quảng Ninh), sông Cái Ninh Hòa, Cái Phan Rang, sông Lũy và vùng phụ cận. - Trong số các lưu vực sông ven biển, hiện tại cũng như trong kỳ quy hoạch, phải điều hòa hợp lý, có giải pháp bảo vệ, phát triển, phục hồi các nguồn nước đang có nguy cơ suy thoái hoặc điều tiết cho mùa khô trên toàn bộ các đảo; tiếp tục tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ phát triển kinh - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo của quốc gia. - Rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi sản xuất đảm bảo phù hợp nguồn nước, đặc biệt nghiên cứu việc giảm diện tích canh tác đối với những loại cây trồng sử dụng nhiều nước ở các khu vực thường xuyên bị hạn hán thiếu nước như lưu vực sông Cái Ninh Thuận, sông cái Phan Thiết; áp dụng các biện pháp, giải pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. - Nghiên cứu các giải pháp công trình dẫn nước dạng hở sang công trình dẫn nước dạng ống, kín, giảm thiểu tối đa thất thoát nước trong quá trình sử dụng. - Đối với các đảo, khuyến khích khai thác sử dụng nguồn nước mưa, nước mặt. Đầu tư thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình tích trữ nước trong mùa mưa để sử dụng dự phòng, điều tiết cho mùa khô trên toàn bộ các đảo; tiếp tục tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ phát triển kinh - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo của quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các trạm xử lý nước biển thành nước ngọt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các đảo. |
PHỤ LỤC IV
ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÒA, PHÂN PHỐI, KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC, PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA THEO CÁC VÙNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
(Kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)
TT |
Vùng phát triển kinh tế - xã hội |
Các định hướng chính |
1 |
Trung du miền núi phía Bắc |
- Nguồn nước mặt là nguồn cấp nước chính cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. - Các địa phương giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La) phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ cả số lượng, chất lượng các nguồn nước liên quốc gia. - Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 chưa xem xét bổ sung công trình điều tiết nước trên dòng chính sông Thao và dòng chính sông Hồng đoạn thuộc địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ. Nghiên cứu, bổ sung các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng đa mục tiêu trên các dòng nhánh nhưng phải đảm bảo khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước không gây lũ lụt, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. - Các hồ chứa nước lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Lải cần được nghiên cứu, bổ sung năng lực điều tiết nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn tuyệt đối và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước cho các công trình khai thác nước cho nông nghiệp, sinh hoạt và các ngành sử dụng nước khác ở vùng đồng bằng sông Hồng phía hạ du. - Có giải pháp nâng cao hiệu quả điều tiết, đảm bảo sử dụng nước đa mục tiêu các hồ chứa có ý nghĩa quan trọng trong việc cấp nước trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng. Đồng thời, cần nghiên cứu, rà soát tổng thể năng lực của các hồ chứa, yêu cầu cắt giảm lũ, cấp nước ở hạ lưu. - Tăng cường điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở những vùng khan hiếm nước, đặc biệt các xã khó khăn thuộc vùng miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. - Bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là cấp nước cho các khu đô thị thuộc vùng để đảm bảo an ninh cấp nước cho sinh hoạt. - Quản lý chặt chẽ rừng đầu nguồn, phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng là nguồn sinh thủy thuộc địa bàn các tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc. - Phải có hệ thống các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu các tác hại do nước gây ra, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Đảm bảo không gian tiêu thoát lũ trên các sông đặc biệt đoạn qua các khu đô thị, khu dân cư tập trung. |
2 |
Đồng bằng sông Hồng |
- Các hệ thống công trình khai thác lớn trên dòng chính sông Hồng và các sông nhánh thuộc vùng đồng bằng cần phải được rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước, đặc biệt là các công trình, hệ thống thủy lợi lớn như Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống, Ấp Bắc, Bắc Nam Hà, Đa Độ, Cầu Sơn, Cấm Sơn, Vĩnh Bảo... - Bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là cấp nước cho các khu đô thị lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng,... - Phục hồi mực nước sông Hồng, góp phần nâng cao khả năng lấy nước cho các hệ thống thủy lợi, công trình khai thác, sử dụng nước khác, các sông nhánh lấy nước từ sông Hồng và góp phần tạo cảnh quan, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước thông qua việc quản lý hoạt động khai thác cát sỏi trên sông; điều tiết việc vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ trong quy trình vận hành liên hồ chứa; kiểm soát tỷ lệ phân lưu nguồn nước sông Hồng sang sông Đuống. - Hạn chế gia tăng lưu lượng khai thác nước dưới đất hoặc phải có các giải pháp khai thác hợp lý ở khu vực đô thị có nguy cơ hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất đảm bảo không vượt ngưỡng giới hạn về mực nước, lưu lượng. Cân đối, điều chỉnh lưu lượng hợp lý ở các khu vực đã bị khai thác quá mức phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là thành phố Hà Nội, các khu vực nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị nhiễm mặn như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên. - Các địa phương thực hiện khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, có các giải pháp khai thác nước dưới đất hợp lý tại các vùng này. - Từ nay đến năm 2030 ưu tiên phục hồi, cải thiện sông, đoạn sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm đối với sông Cầu, Ngũ Huyện Khê, Nhuệ, Đáy và sông Bắc Hưng Hải các sông chảy qua khu đô thị lớn. - Hạn chế và tiến tới việc cấm sử dụng các loại hoá chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường. - Bảo vệ, duy trì nguồn nước cho đa dạng sinh học, hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là vườn quốc gia Xuân Thủy. |
3 |
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung |
- Nguồn nước mặt là nguồn cấp nước chính cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. - Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 chưa xem xét bổ sung công trình điều tiết trên sông Chu và sông Mã. Đối với các dòng chính sông khác trong vùng cần nghiên cứu kỹ lưỡng các tác động tiêu cực đến nguồn nước trước khi quyết định bổ sung. - Cần phải có các giải pháp điều hòa, phân phối, bảo vệ hợp lý, giảm thiểu tối đa mâu thuẫn giữa các hộ sử dụng nước trong khu vực như Quảng Nam, Đà Nẵng trên lưu vực sông Vu Gia và sông Thu Bồn; Gia Lai, Phú Yên trên lưu vực sông Ba, sông Kôn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận vùng thượng lưu sông Đồng Nai. - Kiểm soát, điều hòa, phân phối với lưu lượng phù hợp tại các công trình chuyển nước trong các lưu vực sông có quy mô lớn, để bảo đảm không làm suy thoái, cạn kiệt dòng chảy hạ du, nâng cao hiệu quả cấp nước trên dòng chính các sông lớn, quan trọng đập Bái Thượng (Mã), đập Đô Lương và Cống Nam Đàn (Cả), hệ thống đập An Trạch, Hà Thanh, Thanh Quýt, Bàu Nít (Vu Gia - Thu Bồn), đập Thạch Nham (Trà Khúc), đập Đồng Cam (Ba), đập Văn Phong và hệ thống đập dâng ở hạ lưu (Kôn - Hà Thanh). - Nâng cao hiệu quả các công trình chuyển nước liên lưu vực sông hiện có trong vùng (sông Vu Gia sang sông Thu Bồn, từ sông Ba sang sông Kôn, từ sông Sê San sang sông Trà Khúc, từ sông Đồng Nai sang các sông ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận,...), nhằm đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến hạ du lưu vực sông bị chuyển, tăng cường hiệu quả sử dụng nước, đảm bảo công bằng hợp lý đối với các lưu vực sông được chuyển. - Các hồ chứa nước lớn như Cửa Đạt, Trung Sơn, Hủa Na, Hồi Xuân, Bản Vẽ, Bản Mồng, Ngàn Trươi, sông Sào, Đắk Mi 4, A Vương, sông Bung 2, sông Bung 4, sông Tranh 2,... cần kiểm soát chặt chẽ việc điều tiết cấp nước cho hạ du, đồng thời nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tham gia điều tiết giảm lũ, cấp nước ở hạ du (đồng bằng Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên) bao gồm cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của một số hồ chứa trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ trên các dòng nhánh. - Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Ba để nâng khả năng cấp nước cho hạ du, phòng, chống lũ và ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. - Bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực đồng bằng ven biển từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận, Bình Thuận đảm bảo không bị ô nhiễm, suy thoái và xâm nhập mặn. Nguồn nước dưới đất ưu tiên để cấp nước cho sinh hoạt đặc biệt các khu vực ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận. - Tăng cường điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở những vùng khan hiếm nước, khó tiếp cận với nguồn nước mặt ở khu vực miền núi thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. - Nghiên cứu các giải pháp công trình dẫn nước dạng hở sang công trình dẫn nước dạng ống, kín, giảm thiểu tối đa thất thoát nước trong quá trình sử dụng. - Phải có hệ thống các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu các tác hại do nước gây ra, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thuộc khu vực miền núi ở các tỉnh trong vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. - Rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi sản xuất đảm bảo phù hợp nguồn nước, đặc biệt nghiên cứu việc giảm diện tích canh tác đối với những loại cây trồng sử dụng nhiều nước ở các khu vực thường xuyên bị hạn hán thiếu nước như Ninh Thuận, Bình Thuận; áp dụng các biện pháp, giải pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. |
4 |
Tây Nguyên |
- Kiểm soát chặt chẽ việc điều tiết cấp nước cho hạ du của các hồ chứa lớn, quan trọng như Thượng Kon Tum, Plei Krông, Ialy, Sê San 4 và Sê San 4A, Buôn Tua Srah, Krông Buk hạ, Buôn Kốp, SrêPốk 3, SrêPốk 4, SrêPốk 4A, đồng thời nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tham gia điều tiết giảm lũ, cấp nước cho hạ du, bao gồm cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của một số hồ chứa trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ trên các dòng nhánh. - Nâng cao năng lực vận hành điều tiết các công trình hồ chứa trên sông Đồng Nai như Đơn Dương, Đại Ninh, Đồng Nai 2. Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đăk R’Tih thuộc khu vực tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông để đảm bảo việc cấp nước, phòng chống lũ cho hạ du thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. - Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nước từ hồ Đại Ninh chuyển sang lưu vực sông Lũy tỉnh Bình Thuận và hồ Đơn Dương chuyển sang lưu vực sông Cái tỉnh Ninh Thuận. Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt thượng lưu sông Đồng Nai phía sau hồ Đơn Dương và Đại Ninh thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng. - Nước dưới đất là nguồn cung cấp chính cho các mục đích như sinh hoạt, tưới cây công nghiệp, cần phải được bảo vệ, phục hồi và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững, đặc biệt là các vùng, khu vực khó tiếp cận nguồn nước mặt. - Tăng cường điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở những vùng thường xuyên hạn hán, thiếu nước như Krông Păk, Cư M’Gar, Buôn Đôn thuộc tỉnh Đăk Lăk; Đăk Mil, Đăk G’Long, Tuy Đức thuộc tỉnh Đăk Nông; Chư Sê, Mang Yang, Đăk Đoa, Ia Pa,.. thuộc tỉnh Gia Lai; Kon Plong, Đăk Tô, Sa Thầy, Tu Mơ Rông thuộc tỉnh Kon Tum. - Duy trì, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và khôi phục diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị suy thoái để bảo vệ nguồn sinh thủy trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. - Nghiên cứu, áp dụng, triển khai các giải pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị và giá trị gia tăng cao, phù hợp với khả năng nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. - Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng nước của hệ thống các công trình cấp nước cho các mục đích như sinh hoạt, nông nghiệp. - Đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng hệ sinh thái thủy sinh, lễ hội văn hóa gắn với nguồn nước, đặc biệt là khu du lịch Bản Đôn và các thác nước có ý nghĩa trong du lịch. - Đối với việc điều hòa, phân phối dòng chảy hạ lưu sông Sê San, Srêpok phía Campuchia cần phải được rà soát, đánh giá tổng thể để đảm bảo phù hợp với năng lực các hồ chứa, điều kiện nguồn nước và thực trạng yêu cầu sử dụng nước hạ lưu sông Sê San, Srêpok phía Campuchia đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia có chung nguồn nước và thỏa thuận quốc tế. |
5 |
Đông Nam Bộ |
- Các hồ chứa nước lớn như Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, Dầu Tiếng, Phước Hòa, Hàm Thuận cần được nghiên cứu, bổ sung năng lực điều tiết nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn tuyệt đối và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước cho các công trình khai thác nước cho nông nghiệp, sinh hoạt và các ngành sử dụng nước khác thuộc vùng như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh. - Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nước giữa các vùng trong lưu vực sông Đồng Nai như Phước Hòa sang Dầu Tiếng, Dầu Tiếng sang Vàm Cỏ. Ngoài ra, cần xem xét hài hòa lợi ích giữa kinh tế và an sinh xã hội của vấn đề chuyển nước trên lưu vực. - Ưu tiên phục hồi, bảo vệ nguồn nước là các sông nhánh phía hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai đoạn chảy qua tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. - Hạn chế gia tăng lưu lượng và rà soát điều chỉnh giảm khai thác nước dưới đất khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, bảo vệ miền cấp của nước dưới đất, đặc biệt các vùng lộ của các tầng chứa nước thuộc khu vực Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai. - Duy trì dòng chảy tối thiểu trên các sông đảm bảo giao thông thủy, đa dạng sinh học và hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là khu vực dự trữ sinh quyển Cần Giờ và vườn quốc gia Cát Tiên. - Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, cát sỏi và bảo vệ hành lang thoát lũ của sông, đặc biệt là việc lấn, chiếm lòng, bờ bãi sông ở khu vực đô thị như Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. - Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất có hoạt động xả nước thải, thu gom, xử lý nước thải đô thị xả thải vào nguồn nước. |
6 |
Đồng bằng sông Cửu Long |
Thực hiện theo quy định tại mục 13 Phụ lục III kèm theo Quyết định này. |
PHỤ LỤC V
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐIỀU TIẾT, KHAI THÁC, SỬ DỤNG NGUỒN NƯỚC QUY MÔ LỚN
(Kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Hồ chứa, đập dâng
TT |
Tên công trình |
Nguồn nước khai thác |
Thuộc lưu vực sông |
W toàn bộ (106 m3) |
Loại hình công trình |
I |
HIỆN TRẠNG |
|
|
|
|
1 |
Hồ Lai Châu |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
1215.1 |
Thủy điện |
2 |
Hồ Sơn La |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
9260 |
Thủy điện |
3 |
Hồ Bản Chát |
Sông Nậm Mu |
Hồng - Thái Bình |
2137.7 |
Thủy điện |
4 |
Hồ Huội Quảng |
Sông Nậm Mu |
Hồng - Thái Bình |
182.2 |
Thủy điện |
5 |
Hồ Hòa Bình |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
9862 |
Thủy điện |
6 |
Hồ Thác Bà |
Sông Chảy |
Hồng - Thái Bình |
2940 |
Thủy điện |
7 |
Hồ Tuyên Quang |
Sông Gâm |
Hồng - Thái Bình |
2260 |
Thủy điện |
8 |
Hồ Núi Cốc |
Sông Công |
Hồng - Thái Bình |
175.5 |
Thủy lợi |
9 |
Hồ Cấm Sơn |
Sông Hóa |
Hồng - Thái Bình |
307 |
Thủy lợi |
10 |
Hồ Đồng Mô |
Sông Cầu Đầm |
Hồng - Thái Bình |
61.9 |
Thủy lợi |
11 |
Đập Thác Huống |
Sông Cầu, Sông Thương |
Hồng - Thái Bình |
- |
Thủy lợi |
12 |
Hồ Cửa Đạt |
Sông Chu |
Mã |
1129.2 |
Thủy lợi, thủy điện |
13 |
Hồ Hủa Na |
Sông Chu |
Mã |
569.4 |
Thủy điện |
14 |
Hồ Trung Sơn |
Sông Mã |
Mã |
348.5 |
Thủy điện |
15 |
Hồ Hồi Xuân |
Sông Mã |
Mã |
63.4 |
Thủy điện |
16 |
Hồ Sông Mực |
Sông Yên |
Mã |
356 |
Thủy lợi |
17 |
Đập Bái Thượng |
Sông Chu |
Mã |
- |
Thủy lợi |
18 |
Hồ Yên Mỹ |
Sông Thị Long |
Yên |
124.6 |
Thủy lợi |
19 |
Hồ Bản Vẽ |
Sông Cả |
Cả |
1834.6 |
Thủy điện |
20 |
Hồ Khe Bố |
Sông Cả |
Cả |
97.8 |
Thủy điện |
21 |
Hồ Ngàn Trươi |
Sông Ngàn Trươi |
Cả |
775.7 |
Thủy lợi, thủy điện |
22 |
Hồ Sông Sào |
Sông Sào |
Cả |
51.4 |
Thủy lợi |
23 |
Đập Đô Lương |
Sông Cả |
Cả |
- |
Thủy lợi |
24 |
Hồ Vực Mấu |
Sông Hoàng Mai |
Hoàng Mai |
74.1 |
Thủy lợi |
25 |
Hồ Kẻ Gỗ |
Sông Cửa Sót |
Cửa Sót |
345 |
Thủy lợi |
26 |
Hồ Sông Rác |
Sông Rác |
Rác |
124.5 |
Thủy lợi |
27 |
NMTĐ A Lưới |
Sông Bồ |
Hương |
60.2 |
Thủy điện |
28 |
Hồ Hương Điền |
Sông Bồ |
Hương |
820.7 |
Thủy điện |
29 |
Hồ Tả Trạch |
Sông Tả Trạch |
Hương |
420.5 |
Thủy lợi |
30 |
Hồ Bình Điền |
Sông Hữu Trạch |
Hương |
423.7 |
Thủy điện |
31 |
Đập Thảo Long |
Sông Hương |
Hương |
- |
Ngăn mặn |
32 |
Hồ Truồi |
Sông Truồi |
Truồi |
55.21 |
Thủy lợi |
33 |
Hồ Khe Tân |
Sông Khe Đá Mài |
Vu Gia - Thu Bồn |
55.72 |
Thủy lợi |
34 |
Hồ Đắk Mi 4 |
Sông Trường |
Vu Gia - Thu Bồn |
312.4 |
Thủy điện |
35 |
Hồ A Vương |
Sông A Vương |
Vu Gia - Thu Bồn |
343.6 |
Thủy điện |
36 |
Hồ Sông Bung 2 |
Sông Bung |
Vu Gia - Thu Bồn |
94.3 |
Thủy điện |
37 |
Hồ Sông Bung 4 |
Sông Bung |
Vu Gia - Thu Bồn |
510.8 |
Thủy điện |
38 |
Hồ Sông Tranh 2 |
Sông Thu Bồn |
Vu Gia - Thu Bồn |
729.2 |
Thủy điện |
39 |
Hồ Khe Diên |
Sông Khe Diên |
Vu Gia - Thu Bồn |
51 |
Thủy điện |
40 |
Hồ Phú Ninh |
Sông Tam Kỳ |
Tam Kỳ |
344 |
Thủy lợi |
41 |
Hồ Nước Trong |
Sông Tang |
Trà Khúc |
289.5 |
Thủy lợi, thủy điện |
42 |
Hồ Đắk Drinh |
Sông Đắk Drinh |
Trà Khúc |
249.3 |
Thủy điện |
43 |
Đập Thạch Nham |
Sông Trà Khúc |
Trà Khúc |
- |
Thủy lợi |
44 |
Hồ Vĩnh Sơn B |
Sông Trà Sơn |
Kôn - Hà Thanh |
97 |
Thủy điện |
45 |
Hồ Định Bình |
Sông Kôn |
Kôn - Hà Thanh |
226.13 |
Thủy lợi, thủy điện |
46 |
Hồ Núi Một |
Sông An Tượng |
Kôn - Hà Thanh |
110 |
Thủy lợi |
47 |
Hồ Thuận Ninh |
Sông Kôn |
Kôn - Hà Thanh |
35.4 |
Thủy lợi |
48 |
Đập Văn Phong |
Sông Kôn |
Kôn - Hà Thanh |
- |
Thủy lợi |
49 |
Hồ Vĩnh Sơn C |
Đắk Ding Dong |
Ba |
58 |
Thủy điện |
50 |
Hồ KaNak |
Sông Ba |
Ba |
313.7 |
Thủy điện |
51 |
Hồ An Khê |
Sông Ba |
Ba |
15.9 |
Thủy điện |
52 |
Hồ Ayun Hạ |
Sông Ba Ayun |
Ba |
253 |
Thủy lợi |
53 |
Hồ Krông H'năng |
Sông Krông H’Năng |
Ba |
165.8 |
Thủy điện |
54 |
Hồ Sông Ba Hạ |
Sông Ba |
Ba |
349.7 |
Thủy điện |
55 |
Hồ Sông Hinh |
Sông Hinh |
Ba |
357 |
Thủy điện |
56 |
Hồ Ia M'la |
Sông Ea Mlách |
Ba |
54.2 |
Thủy lợi |
57 |
Đập Đồng Cam |
Sông Ba |
Ba |
- |
Thủy lợi |
58 |
Hồ Thượng Kon Tum |
Sông Đắk Bla |
Sê San |
145.5 |
Thủy điện |
59 |
Hồ Đắk Bla |
Sông Đắk Bla |
Sê San |
30 |
Thủy điện |
60 |
Hồ PleiKrông |
Sông Sê San |
Sê San |
1048.7 |
Thủy điện |
61 |
Hồ Ialy |
Sông Sê San |
Sê San |
1037.1 |
Thủy điện |
62 |
Hồ Sê San 3 |
Sông Sê San |
Sê San |
92 |
Thủy điện |
63 |
Hồ Sê San 3A |
Sông Sê San |
Sê San |
80.6 |
Thủy điện |
64 |
Hồ Sê San 4 |
Sông Sê San |
Sê San |
893.3 |
Thủy điện |
65 |
Hồ Sê San 4A |
Sông Sê San |
Sê San |
13.1 |
Thủy điện |
66 |
Hồ Krông Buk Hạ |
Sông Krông Buk |
SrêPốk |
109.34 |
Thủy lợi |
67 |
Hồ Buôn Tua Srah |
Sông Krông Nô |
SrêPốk |
786.9 |
Thủy điện |
68 |
Hồ Buôn Kuop |
Sông SrêPốk |
SrêPốk |
64.2 |
Thủy điện |
69 |
Hồ SrêPốk 3 |
Sông SrêPốk |
SrêPốk |
219 |
Thủy điện |
70 |
Hồ SrêPốk 4 |
Sông SrêPốk |
SrêPốk |
25.9 |
Thủy điện |
71 |
Hồ SrêPốk 4A |
Sông SrêPốk |
SrêPốk |
3.9 |
Thủy điện |
72 |
Hồ Ia Mơr |
Sông Ea meur |
Ia H'Leo |
177.8 |
Thủy lợi |
73 |
Hồ Ea Súp thượng |
Sông Ea Súp |
Ia H'Leo |
146.94 |
Thủy lợi |
74 |
Hồ Thác Mơ |
Sông Bé |
Đồng Nai |
1360 |
Thủy điện |
75 |
Hồ Cần Đơn |
Sông Bé |
Đồng Nai |
165.5 |
Thủy điện |
76 |
Hồ Srok Phu Mieng |
Sông Bé |
Đồng Nai |
99.3 |
Thủy điện |
77 |
Hồ Phước Hòa |
Sông Bé |
Đồng Nai |
21 |
Thủy lợi |
78 |
NMTĐ Thác Mơ MR |
Sông Bé |
Đồng Nai |
- |
Thủy điện |
79 |
Hồ Đơn Dương |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
165 |
Thủy điện |
80 |
NMTĐ Đa Nhim MR GĐ1 |
Sông Ninh Sơn |
- |
- |
Thủy điện |
81 |
Hồ Đại Ninh |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
319.8 |
Thủy điện |
82 |
Hồ Đồng Nai 2 |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
281 |
Thủy điện |
83 |
Hồ Đồng Nai 3 |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
1690.1 |
Thủy điện |
84 |
Hồ Đồng Nai 4 |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
332.1 |
Thủy điện |
85 |
Hồ Đồng Nai 5 |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
106.3 |
Thủy điện |
86 |
Hồ Trị An |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
2764.7 |
Thủy điện |
87 |
Hồ Đăk RTih (Bậc trên) |
Sông Đăk R’Tih |
Đồng Nai |
137.1 |
Thủy điện |
88 |
Hồ Dầu Tiếng |
Sông Sài Gòn |
Đồng Nai |
1580 |
Thủy lợi, thủy điện |
89 |
Hồ Hàm Thuận |
Sông La Ngà |
Đồng Nai |
695 |
Thủy điện |
90 |
Hồ Đa Mi |
Sông Đa Mi |
Đồng Nai |
140.8 |
Thủy điện |
91 |
Hồ Đăk MBri |
Sông Đa Guoay |
Đồng Nai |
56.3 |
Thủy điện |
92 |
Hồ Pa Khoang |
Sông Nậm Rốm |
Mê Công |
56.8 |
Thủy lợi |
93 |
Hồ Sông Sắt |
Sông A Le |
Cái Nha Trang |
69.33 |
Thủy lợi |
94 |
Hồ Đá Bàn |
Sông Đá Bàn |
Cái Ninh Hòa |
75 |
Thủy lợi |
95 |
Hồ Yên Lập |
Sông Yên Lập |
Nhóm các sông Quảng Ninh |
127.5 |
Thủy lợi |
96 |
Hồ Tràng Vinh |
Sông Vài Lài |
Nhóm các sông Quảng Ninh |
74.76 |
Thủy lợi |
97 |
Hồ Rào Đá |
Sông Rào Đá |
Nhóm các sông Quảng Bình |
82.5 |
Thủy lợi |
98 |
Hồ An Mã |
Sông Rào Con |
Nhóm các sông Quảng Bình |
67.85 |
Thủy lợi |
99 |
Hồ Vực Tròn |
Sông Ròn |
Nhóm các sông Quảng Bình |
52.8 |
Thủy lợi |
100 |
Hồ Rào Quán |
Sông Rào Quán |
Nhóm các sông Quảng Trị |
162.99 |
Thủy lợi |
101 |
Hồ Sông Quao |
Sông Quao |
Nhóm sông Đông Nam Bộ |
80 |
Thủy lợi |
102 |
Hồ Sông Dinh 3 |
Sông Dinh |
Nhóm sông Đông Nam Bộ |
58.13 |
Thủy lợi |
103 |
Hồ Sông Ray |
Sông Ray |
Nhóm sông Đông Nam Bộ |
215.36 |
Thủy lợi |
II |
GIAI ĐOẠN 2021-2030 |
|
|
|
|
1 |
Hồ Bản Lải |
Sông Kỳ Cùng |
Bằng Giang - Kỳ Cùng |
164 |
Thủy lợi |
2 |
Hồ Cánh Tạng |
Sông Cái |
Hồng - Thái Bình |
95 |
Thủy lợi |
3 |
NMTĐ Hòa Bình MR |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
|
Thủy điện |
4 |
NMTĐ Hồi Xuân MR |
Sông Mã |
Mã |
|
Thủy điện |
5 |
Đập Cẩm Hoàng |
Sông Mã |
Mã |
- |
Thủy lợi, thủy điện |
6 |
Hồ Bản Mồng |
Sông Hiếu |
Cả |
225 |
Thủy lợi |
7 |
Đập dâng Trà Khúc |
Sông Trà Khúc |
Trà Khúc |
11,68 |
Ngăn mặn |
8 |
Hồ sông Bắc |
Sông Cu Đê |
Sông Cu Đê |
111,2 |
Thủy lợi, cấp nước sinh hoạt |
9 |
Hồ Đồng Mít |
Sông An Lão |
Lại Giang |
90 |
Thủy lợi |
10 |
NMTĐ Yaly MR |
Sông Sê San |
Sê San |
|
Thủy điện |
11 |
Hồ Krông Pách Thượng |
Sông Ea krong Pak |
Srêpok |
123 |
Thủy lợi |
12 |
NMTĐ Trị An MR |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
|
Thủy điện |
13 |
Hồ Sông Chò 1 |
Sông Chò |
Cái Nha Trang |
108 |
Thủy lợi |
14 |
Hồ Sông Luỹ |
Sông Lũy |
Đông Nam Bộ |
156 |
Thủy lợi |
15 |
Hồ Sông Cái |
Sông Cái Phan Rang |
Đông Nam Bộ |
220 |
Thủy lợi |
16 |
NMTĐ Sê San 3 MR |
Sông Sê San |
Sê San |
|
Thủy điện |
17 |
NMTĐ Sê San 4 MR |
Sông Sê San |
Sê San |
|
Thủy điện |
18 |
Hồ La Ngà 3 |
Sông La Ngà |
Đồng Nai |
435 |
Thủy lợi |
19 |
NMTĐ Đa Nhim 2 MR |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
|
Thủy điện |
20 |
Hồ Ka Pét |
Suối Bà Bích |
Cà Ty |
51 |
Thủy lợi |
III |
GIAI ĐOẠN 2031-2050 |
|
|
|
|
1 |
NMTĐ Tuyên Quang MR |
Sông Gâm |
Hồng - Thái Bình |
|
Thủy điện |
2 |
NMTĐ Huội Quảng MR |
Sông Nậm Mu |
Hồng - Thái Bình |
|
Thủy điện |
3 |
NMTĐ Sơn La MR (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
|
Thủy điện |
4 |
NMTĐ Trung Sơn MR |
Sông Mã |
Mã |
|
Thủy điện |
5 |
NMTĐ Bản Vẽ MR |
Sông Cả |
Cả |
|
Thủy điện |
6 |
NMTĐ Quảng Trị MR |
Sông Rào Quán |
Nhóm sông Quảng Trị |
|
Thủy điện |
7 |
NMTĐ Sông Tranh 2 MR |
Sông Sông Tranh |
Vu Gia Thu Bồn |
|
Thủy điện |
8 |
NMTĐ Ba Hạ MR |
Sông Ba |
Ba |
|
Thủy điện |
9 |
NMTĐ Buôn Kuốp MR |
Sông Srêpốk |
Srêpok |
|
Thủy điện |
10 |
NMTĐ Srêpốk 3 MR |
Sông Srêpốk |
Srêpok |
|
Thủy điện |
11 |
NMTĐ Bản Chát MR |
Sông Nậm Mu |
Hồng - Thái Bình |
|
Thủy điện |
12 |
NMTĐ Lai Châu MR |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
|
Thủy điện |
2. Các công trình khai thác khác
TT |
Công trình đầu mối |
Nguồn nước khai thác |
Thuộc lưu vực sông |
Cấp cho hệ thống/ vùng thủy lợi |
Mục đích sử dụng nước chính |
1 |
Trạm bơm Ấp Bắc |
Sông Hồng |
Hồng - Thái Bình |
Ấp Bắc - Nam Hồng |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
2 |
Cống Xuân Quan |
Sông Hồng |
Hồng - Thái Bình |
Bắc Hưng Hải |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
3 |
Cống Long Tửu, Trạm bơm Kim Đôi |
Sông Đuống, sông Cầu |
Hồng - Thái Bình |
Bắc Đuống |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
4 |
Trạm bơm Như Trác, Hữu Bị, Cốc Thành, Cổ Đam, Nhâm Tràng |
Sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Châu Giang |
Hồng - Thái Bình |
Bắc Nam Hà |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
5 |
Cống Trung Trang |
Sông Đa Độ |
Hồng - Thái Bình |
Đa Độ |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
6 |
Cống Chanh Chử, Ba Đồng II, Đồng Ngừ |
Sông Thái Bình, sông Luộc, sông Hoa |
Hồng - Thái Bình |
Vĩnh Bảo |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
7 |
Trạm bơm,cống |
Sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ |
Hồng - Thái Bình |
Nghĩa Hưng |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
8 |
Trạm bơm, cống |
Sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ |
Hồng - Thái Bình |
Nam Ninh |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
9 |
Cống |
Sông Trà Lý |
Hồng - Thái Bình |
Nam Thái Bình |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
10 |
Đập dâng Liễn Sơn, Trạm bơm Bạch Hạc |
Sông Phó Đáy, sông Hồng |
Hồng - Thái Bình |
Liễn Sơn |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
11 |
Cống Liên Mạc |
Sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ |
Hồng - Thái Bình |
Sông Nhuệ |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
12 |
Cống Cát Đàm, Ngô Đồng |
Sông Hồng |
Hồng - Thái Bình |
Xuân Thủy |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
13 |
Cống Nam Đàn |
Sông Cả |
Cả |
Nam Nghệ An |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
14 |
Đập dâng |
Sông Côn |
Kôn - Hà Thanh |
Tân An - Đập Đá |
Tưới, tạo nguồn (SH,SX) |
3. Công trình ngăn mặn
TT |
Tên công trình |
Sông, kênh |
B (m) |
Z (m) |
I |
HIỆN TRẠNG |
|
|
|
1 |
Âu thuyền Tắc Thủ |
Sông Ông Đốc |
30 |
-3.5 |
2 |
Rạch Ráng |
Sông Ông Đốc |
36 |
-3 |
3 |
Rạch Rum |
Rạch Săm Sóc |
30 |
-4 |
4 |
Bông Lot |
Sông Cầu Kè |
30 |
-4.5 |
5 |
Cần Chông |
Sông Cầu Quan |
80 |
-4.5 |
6 |
Vĩnh Kim |
Rạch Đãi Vàng |
60 |
-4.5 |
7 |
Láng Thé |
Rạch Láng Thẻ |
100 |
-4.5 |
8 |
Cai Hop |
Rạch Dừa Đỏ |
70 |
-4.5 |
9 |
Vũng Liêm |
Rạch Vũng Liêm |
46 |
-4.5 |
10 |
Ba Lai |
Sông Ba Lai |
82 |
-4.5 |
11 |
Ca Moi |
Sông Tiền |
30 |
-2.5 |
12 |
Xuân Hòa |
Sông Kỳ Hôn |
32 |
-3.5 |
13 |
Vàm Răng |
Kênh Rạch Giá - Hà Tiên |
30 |
-4.5 |
14 |
Sông Kiên |
Sông Long Xuyên |
50 |
-5 |
15 |
Kênh Cụt |
Kênh Rạch Sỏi |
60 |
-5 |
16 |
Cống âu thuyền Ninh Quới |
kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp |
|
|
17 |
Đập ngăn mặn hạ lưu sông Dinh |
Sông Cái Phan Rang |
240 |
-3.5 |
II |
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 |
|
|
|
1 |
Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre |
Sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên |
Cửu Long |
|
2 |
Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé |
Sông Cái Lớn, Cái Bé |
Cửu Long |
|
4. Nhà máy, công trình cấp nước
TT |
Tên công trình |
Nguồn nước |
Lưu vực sông |
Lưu lượng khai thác (m3/ngày đêm) |
||
Hiện tại |
Đến năm 2030 |
Đến năm 2050 |
||||
I |
NƯỚC MẶT |
|
|
|
|
|
1 |
NMN Sông Đà |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
640.000 |
- |
- |
2 |
NMN Sông Đuống |
Sông Đuống |
Hồng - Thái Bình |
315.000 |
- |
- |
3 |
NMN Bắc Thăng Long |
Sông Hồng |
Hồng - Thái Bình |
165.000 |
- |
- |
4 |
NMN Nam Núi Cốc |
Sông Cầu |
Hồng - Thái Bình |
53.000 |
- |
- |
5 |
NMN Vinaconex |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
640.000 |
- |
- |
6 |
NMN Ba Vì |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
- |
100.000 |
150.000 |
7 |
NMN Sông Đuống |
Sông Đuống |
Hồng - Thái Bình |
315.000 |
600.000 |
900.000 |
8 |
NMN Sông Hồng |
Sông Hồng |
Hồng - Thái Bình |
1.807.632 |
300.000 |
450.000 |
9 |
NMN Xuân Mai |
Sông Đà |
Hồng - Thái Bình |
- |
300.000 |
500.000 |
10 |
Nguồn nước cấp từ Hà Nam (phần dự kiến cấp cho Hà Nội) |
Sông Hồng |
Hồng - Thái Bình |
- |
70.000 |
80.000 |
11 |
NMN mặt nội bộ khu vực (Phúc Thọ, Minh Quang, Minh Châu, Tiến Thịnh..) |
- |
Hồng - Thái Bình |
- |
51.000 |
52.000 |
12 |
Công trình hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại thành phố Vinh |
Sông Cả |
Cả |
200.000 |
- |
- |
13 |
NMN Vạn Niên |
Sông Hương |
Hương |
138.000 |
215.000 |
- |
14 |
NMN Cầu Đỏ |
Sông Vu Gia |
Vu Gia - Thu Bồn |
330.000 |
366.000 |
- |
15 |
NMN Tân Hiệp |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
219.500 |
- |
- |
16 |
NMN Thiện Tân và hệ thống cấp nước Vĩnh Cửu |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
225.750 |
- |
- |
17 |
NMN Thủ Đức |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
780.000 |
- |
- |
18 |
NMN Nhơn Trạch |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
105.000 |
- |
- |
19 |
NMN Bình An |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
115.000 |
- |
- |
20 |
NMN B.O.O Thủ Đức |
Sông Đồng Nai |
Đồng Nai |
315.000 |
- |
- |
21 |
NMN Tân Hiệp |
Sông Đồng nai |
Đồng Nai |
60.000 |
- |
- |
22 |
Hệ thống cấp nước sông Sài Gòn |
Sông Sài Gòn |
Đồng Nai |
315.000 |
- |
- |
23 |
NMN Đồng Tâm |
Sông Tiền |
Cửu Long |
90.000 |
- |
- |
24 |
NMN Cần Thơ 1 |
Sông Cần Thơ |
Cửu Long |
78.000 |
- |
- |
25 |
NMN mặt Sông Hậu |
Sông Hậu |
Cửu Long |
100.000 |
- |
- |
26 |
NMN sông Tiền 1 |
Sông Tiền |
Cửu Long |
- |
300.000 |
- |
27 |
NMN sông Tiền 2 |
Sông Tiền |
Cửu Long |
- |
300.000 |
- |
28 |
Cụm NMN sông Hậu 1 |
Sông Hậu |
Cửu Long |
- |
600.000 |
- |
29 |
NMN sông Hậu 2 |
Sông Hậu |
Cửu Long |
- |
300.000 |
- |
30 |
NMN sông Hậu 3 |
Sông Hậu |
Cửu Long |
- |
150.000 |
- |
31 |
NMN Tháp Chàm |
Sông Cái Phan Rang |
Cái Phan Rang |
60.000 |
120.000 |
- |
32 |
NMN Võ Cạnh |
Sông Cái Nha Trang |
Cái Nha Trang |
108.000 |
- |
- |
33 |
NMN Diễn Vọng |
Sông Diễn Vọng |
Diễn Vọng |
60.000 |
- |
- |
34 |
NMN Hòa Liên |
Sông Cu Đê |
Cu Đê |
132.000 |
- |
- |
35 |
Nhà máy Đạm Phú Mỹ |
Sông Sao |
Sông Thị Vải |
98.400 |
- |
- |
36 |
Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan |
Sông Thị Vải |
Sông Thị Vải |
200.000 |
- |
- |
II |
NƯỚC DƯỚI ĐẤT |
|
|
|
|
|
1 |
Trạm cấp nước cơ sở II Ba La - Hà Đông, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
22.000 |
- |
- |
2 |
NMN Yên Phụ, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
90.000 |
80.000 |
70.000 |
3 |
NMN Ngọc Hà, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
27.000 |
21.000 |
16.000 |
4 |
NMN Ngô Sỹ Liên, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
45.000 |
35.000 |
30.000 |
5 |
NMN Nam Dư, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
58.800 |
47.000 |
44.000 |
6 |
NMN Lương Yên, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
45.000 |
40.000 |
35.000 |
7 |
NMN Cáo Đỉnh, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
50.000 |
46.000 |
41.000 |
8 |
NMN Đông Anh, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
12.000 |
10.000 |
8.000 |
9 |
Bãi giếng Mai Dịch thuộc NMN Mai Dịch, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
37.000 |
41.000 |
31.000 |
10 |
Bãi giếng Thượng Cát thuộc NMN Mai Dịch, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
12.000 |
- |
- |
11 |
Công trình KT NDĐ tại hang Thẳm Tát Tòng, Sơn La |
- |
Hồng - Thái Bình |
10.000 |
- |
- |
12 |
Công trình KT NDĐ tại phường Túc Duyên, Thái Nguyên |
- |
Hồng - Thái Bình |
13.000 |
- |
- |
13 |
Trạm cấp nước cục bộ KĐT Thanh Hà, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
10.000 |
- |
- |
14 |
Công trình KT NDĐ tại KCN dệt may Phố Nối B, Hưng Yên |
- |
Hồng - Thái Bình |
17.000 |
- |
- |
15 |
NMN Hà Đông 1, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
22.000 |
16.000 |
14.000 |
16 |
NMN Hà Đông 2, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
30.000 |
22.000 |
19.500 |
17 |
NMN Sơn Tây 1, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
10.000 |
9.000 |
8.000 |
18 |
NMN Sơn Tây 2, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
17.000 |
15.000 |
12.000 |
19 |
NMN Gia Lâm, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
57.336 |
55.000 |
50.000 |
20 |
Công trình KT NDĐ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
10.000 |
- |
- |
21 |
Công trình KT NDĐ tại KCN Quang Minh, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
11.980 |
- |
- |
22 |
NMN Phúc Yên, Vĩnh Phúc |
- |
Hồng - Thái Bình |
19.000 |
- |
- |
23 |
Công trình KT NDĐ tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
10.000 |
- |
- |
24 |
Công trình KT NDĐ tại phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây và phường Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
30.000 |
- |
- |
25 |
Công trình KT NDĐ trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
30.000 |
25.000 |
20.000 |
26 |
Công trình KT NDĐ trên địa bàn phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
15.000 |
10.000 |
- |
27 |
Công trình KT NDĐ cơ sở I, Bà Triệu - Hà Đông, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
22.000 |
- |
- |
28 |
NMN Bắc Thăng Long, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
15.000 |
- |
- |
29 |
Trạm cấp nước Sân bay Gia Lâm, Hà Nội |
- |
Hồng - Thái Bình |
12.000 |
10.000 |
8.000 |
30 |
Bãi giếng Bắc sông Hà Thanh, Bình Định |
- |
Kôn - Hà Thanh |
20.300 |
- |
- |
31 |
Hệ thống cấp nước liên xã huyện Cư Kuin, Đắk Lắk |
- |
Srê pốk |
20.000 |
- |
- |
32 |
Công trình KT NDĐ tại Khu chế xuất và Công nghiệp Linh Trung III, Tây Ninh |
- |
Đồng Nai |
10.000 |
- |
- |
33 |
NMN Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh |
- |
Đồng Nai |
38.000 |
- |
- |
34 |
Công trình khai thác nước dưới đất khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 |
- |
Đồng Nai |
11.500 |
- |
- |
35 |
Công trình KT NDĐ nằm trên địa bàn các phường 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8 và 9, TP Cà Mau |
- |
Cửu Long |
26.000 |
- |
- |
36 |
Công trình KT NDĐ tại phường 6, thành phố Sóc Trăng |
- |
Cửu Long |
11.400 |
- |
- |
37 |
NMN Duyên Hải, Trà Vinh |
- |
Cửu Long |
10.000 |
- |
- |
38 |
Công trình KT NDĐ tại khu công nghiệp Phú An Thạnh, Long An |
- |
Cửu Long |
11.800 |
- |
- |
39 |
NMN ngầm Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu |
- |
Nhóm sông Đông Nam Bộ |
18.400 |
- |
- |
PHỤ LỤC VI
DANH MỤC NHIỆM VỤ, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN ƯU TIÊN
(Kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)
TT |
Tên nhiệm vụ, đề án, dự án |
Cơ quan chủ trì |
Đơn vị phối hợp |
Giai đoạn |
1 |
Sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên nước |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan. |
2022 - 2023 |
2 |
Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan. |
2022 - 2025 |
3 |
Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước quốc gia |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan. |
2022 - 2025 |
4 |
Hệ thống theo dõi, giám sát việc phối hợp vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa của các hồ chứa lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông theo thời gian thực |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan. |
2022 - 2025 |
5 |
Phân vùng mức độ khan hiếm nước, dự báo, cảnh báo mức độ thiếu nước, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước phục vụ điều hòa phân phối nguồn nước và xây dựng bộ chỉ số an ninh nguồn nước |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan. |
2025 - 2030 |
6 |
Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên nước |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan. |
2025 - 2030 |
7 |
Dự án xây dựng giải pháp chủ động nguồn nước cho các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan. |
2022 - 2030 |
8 |
Đề án thí điểm cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu. |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan. |
2022 - 2030 |
9 |
Chương trình hợp tác quốc tế về chia sẻ thông tin, số liệu khai thác sử dụng nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước và giải pháp đảm bảo an ninh tài nguyên nước |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan |
2022 - 2030 |
10 |
Xây dựng các dự án thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, vấn đề bình đẳng giới, sự đa dạng và hoà nhập xã hội (GEDSI), đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước phải dựa trên nguyên tắc công bằng và bền vững |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan. |
2022 - 2030 |
11 |
Chương trình an toàn đập, hồ chứa nước |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan |
2022 - 2030 |
12 |
Chương trình phát triển và nâng cao chất lượng rừng gắn với đảm bảo an ninh tài nguyên nước |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan |
2022 - 2030 |
13 |
Chương trình tăng cường năng lực thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải đô thị |
Bộ Xây dựng |
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan |
2022 - 2030 |
14 |
Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Bộ, ngành và địa phương có liên quan |
2022 - 2030 |
15 |
Chương trình hiện đại hóa các hệ thống công trình thủy lợi lớn |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan |
2023 - 2030 |