BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------------------ Số: 101/TB-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------- Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA LÃNH ĐẠO BỘ GTVT TẠI HỘI NGHỊ
TỔNG KẾT CÔNG TÁC THANH TRA GTVT NĂM 2011, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2012,
TỔNG KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG (PCTN),
SƠ KẾT GIAI ĐOẠN I CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ PCTN ĐẾN NĂM 2020
Ngày 17/2/2012 tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì Hội nghị về tổng kết công tác năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Thanh tra ngành GTVT và tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN, sơ kết giai đoạn I chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức; Lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Tổng công ty, các Ban QLDA thuộc Bộ, Thanh tra Bộ, Lãnh đạo và Chánh thanh tra các Sở GTVT; đến dự có Lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các Bộ, Ngành liên quan.
Sau khi nghe báo cáo của Thanh tra Bộ GTVT, tham luận của các đơn vị, ý kiến phát biểu của Lãnh đạo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Lãnh đạo Bộ GTVT đã kết luận như sau:
Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng trong những năm qua đã được Lãnh đạo Bộ GTVT xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng để quan tâm, chỉ đạo thực hiện theo các nghị quyết của TW Đảng, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN. Trong những năm qua và đặc biệt năm 2011, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định. Lực lượng thanh tra GTVT từ trung ương tới địa phương đã rất nỗ lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của lực lượng thanh tra GTVT trong thời gian tới yêu cầu:
1. Lực lượng Thanh tra GTVT nói chung, Thanh tra Bộ GTVT nói riêng phải tiếp thu, tổ chức triển khai thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và của Lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong năm 2012 đối với hoạt động Thanh tra và PCTN.
2. Với đặc thù ngành GTVT, nguy cơ xảy ra tham nhũng ở các lĩnh vực là rất lớn, nên không thể coi việc phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của riêng lực lượng Thanh tra mà phải coi đó là nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong ngành và của quần chúng nhân dân. Trong xử lý không có trường hợp ngoại lệ; phải hết sức chú trọng đến các thông tin phản ảnh của quần chúng nhân dân và của dư luận xã hội.
3. Hoạt động Thanh tra, kiểm tra và hoạt động PCTN phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phải luôn tiếp tục học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phải tập trung làm rõ vai trò trách nhiệm và kiến nghị xử lý nghiêm đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu để xảy ra sai phạm (bao gồm cả các Sở GTVT được giao quản lý các dự án); tránh như thời gian qua có sai phạm phát hiện nhưng không có ai chịu trách nhiệm, không có kiến nghị xử lý.
4. Các đơn vị phải thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa trong đó coi trọng hàng đầu việc hoàn thiện thể chế chính sách về GTVT; coi trọng giải pháp về công khai minh bạch để giảm thiểu sai phạm.
5. Đối với Lực lượng Thanh tra:
- Ngoài việc thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra được phê duyệt còn phải hết sức chủ động nắm bắt thông tin, dư luận; chủ động, kịp thời xử lý ngay những nguy cơ xảy ra sai phạm; những điểm nóng do báo chí đưa tin, dư luận xã hội phản ảnh đế thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ.
- Phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan (Công an, Thanh tra các Bộ, Ngành) để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra tránh chồng chéo.
- Xây dựng và kiện toàn lực lượng có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và có trình độ chuyên môn cao đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Năm 2012, phải tập trung vào thanh tra những vấn đề về chất lượng, tiến độ xây dựng các công trình; hoạt động đăng kiểm phương tiện; chất lượng đào tạo sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện vận tải.
6. Giao Thanh tra Bộ GTVT:
- Chủ trì xây dựng và tham mưu trình Bộ trưởng đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 136/2004/NĐ-CP ngày 16/6/2004 của Chính phủ về hoạt động của Thanh tra Giao thông vận tải; đồng thời rà soát lại các quy định về hoạt động thanh tra giao thông vận tải để kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh để thực hiện.
- Phối hợp với Cục Đăng kiểm kiểm tra giấy tờ nhập khẩu ban đầu so với hiện trạng xe.
- Phối hợp với Vụ An toàn giao thông, Vụ Vận tải và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Chỉ đạo Thanh tra Hàng hải, Thanh tra Đường thủy nội địa khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra trên các luồng, tuyến chồng lấn giữa vùng nước hàng hải và đường thủy nội địa.
- Thanh tra Bộ GTVT xây dựng quy chế xử lý tiêu cực trong hoạt động thanh, kiểm tra của lực lượng Thanh tra GTVT.
7. Giao Cục QLXD và CLCTGT và Thanh tra Bộ GTVT:
+ Xây dựng, trình Bộ GTVT ban hành văn bản quy định về thanh tra, kiểm tra của Bộ GTVT đối với các công trình xây dựng trong ngành.
+ Xây dựng thông tư liên tịch giữa Bộ GTVT và Bộ XD quy định phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo trong hoạt động như thanh tra xây dựng cơ bản và kiểm tra, xử lý vi phạm về lòng đường, hè phố trong đô thị hiện nay.
8. Giao Vụ Vận tải chủ trì:
- Phối hợp với Tổng cục ĐBVN, ATGT và Thanh tra Bộ đánh giá tổng kết đánh giá quản lý, xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải để bảo vệ kết cấu công trình đường bộ trong đó có việc hoạt động của 2 trạm cân (Dầu Giây và Quảng Ninh)
Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ GTVT thông báo tới các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện.
Nơi nhận: - BT (để b/c); - Các Thứ trưởng (để b/c); - Các đơn vị thuộc Bộ GTVT; các sở GTVT (để thực hiện); - Lưu: VT, TH. | TL. BỘ TRƯỞNG CHÁNH VĂN PHÒNG Nguyễn Văn Công |