BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
------------------------
Số: 25/2011/TT-BKHCN
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------------
Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2011
|
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Thực hiện Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011-2015;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về nội dung chi thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011-2015 như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định cụ thể nội dung chi thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011-2015 (sau đây gọi là Đề án TBT) được phê duyệt tại Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Thông tư này áp dụng đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Bộ, ngành, địa phương) và tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án TBT.
Điều 2. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án TBT
1. Ngân sách trung ương cân đối kinh phí cho các nhiệm vụ thuộc Đề án TBT do Bộ, cơ quan trung ương thực hiện; ngân sách địa phương cân đối kinh phí cho nhiệm vụ thuộc Đề án TBT do địa phương thực hiện.
Ngân sách nhà nước chi cho hoạt động quản lý Đề án TBT; phổ biến, tuyên truyền về TBT; hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động TBT; tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước trong việc xây dựng và triển khai các biện pháp kỹ thuật về TBT; nâng cao năng lực Ban liên ngành TBT, Mạng lưới các cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về TBT; nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chi cho hoạt động tổ chức áp dụng biện pháp kỹ thuật về TBT để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu tại doanh nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện các giải pháp kỹ thuật về TBT; đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, nghiệp vụ về TBT cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp.
3. Vốn viện trợ, tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác sử dụng theo yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ cụ thể thuộc Đề án TBT và theo thỏa thuận của các tổ chức có liên quan.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Nội dung chi thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án TBT
1. Chi cho hoạt động chung của Đề án TBT, gồm: xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án TBT; thông tin, tuyên truyền; kiểm tra, đánh giá thực hiện Đề án TBT; hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết Đề án TBT; hoạt động của cơ quan thường trực; các hoạt động tổ chức, quản lý thực hiện Đề án TBT.
2. Chi thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án TBT được quy định tại Điều 1 Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011-2015, cụ thể:
a) Chi rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan điều chỉnh hoạt động về hàng rào kỹ thuật trong thương mại ở Việt Nam;
b) Chi thu thập thông tin, dịch tài liệu, nghiên cứu, phân tích, xây dựng biện pháp kỹ thuật, cơ chế kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chi ký kết, triển khai thực hiện các hiệp định hoặc thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với các đối tác trong, ngoài nước; chi xây dựng và tham gia mạng lưới thông tin cảnh báo nhanh về chất lượng hàng hoá giữa các quốc gia;
c) Chi nghiên cứu các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), kinh nghiệm của các nước trong việc hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật trong thương mại xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đồng thời bảo đảm tuân thủ quy định trong thương mại quốc tế; chi phổ biến, hướng dẫn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tại doanh nghiệp;
d) Chi khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước, nước ngoài; tham dự hội thảo, cuộc họp thường niên, đàm phán về TBT; chi nghiên cứu phục vụ xây dựng kế hoạch, chiến lược, cơ chế chính sách; chi tổ chức các khoá đào tạo; cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước về TBT;
đ) Chi đào tạo, tập huấn năng lực chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ cho thành viên Ban liên ngành TBT và cán bộ Mạng lưới TBT Việt Nam; chi hoạt động tham mưu, tư vấn của Ban liên ngành TBT; chi các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ban liên ngành TBT; chi tăng cường trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hệ thống thông báo và hỏi đáp về TBT;
e) Chi cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin truyền thông; phát hành các ấn phẩm thông tin; xây dựng, duy trì trang thông tin điện tử (website), xây dựng cơ sở dữ liệu (cả bản cứng, bản mềm) về hoạt động của Đề án TBT.
3. Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến hoạt động của Đề án TBT.
Điều 4. Mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước
1. Chi hoạt động nghiệp vụ
Mức chi thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án TBT được thực hiện theo các quy định tài chính hiện hành; để thuận lợi cho việc áp dụng các mức chi, có thể thống kê một số văn bản để áp dụng như sau:
a) Chi xây dựng thuyết minh, thẩm định, kiểm tra và nghiệm thu đề tài, dự án thuộc Đề án TBT thực hiện theo các văn bản: Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07 tháng 5 năm 2007 của liên bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ; Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 04 tháng 10 năm 2006 của liên bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
b) Chi thu thập, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của liên bộ Tài chính, Tư pháp hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
c) Chi sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật; chi dịch tài liệu thực hiện theo Thông tư liên tịch số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 02/12/2010 của liên bộ Tài chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
d) Chi rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật cho việc áp dụng hàng rào kỹ thuật ở Việt Nam thực hiện theo Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17 tháng 7 năm 2009 của liên bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật.
đ) Chi công tác phí, tổ chức hội nghị trong nước thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
e) Chi đón tiếp các đoàn khách nước ngoài và tổ chức các hội nghị quốc tế: thực hiện theo Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiếp khách trong nước; chi cho cán bộ đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18 tháng 10 năm 2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
g) Chi hoạt động đào tạo thực hiện theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.
h) Chi cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát; chi phí cho hoạt động đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thực hiện theo quy định tại các văn bản sau: Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26 tháng 1 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Thông tư liên tịch số 28/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 03 tháng 03 năm 2010 của liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đối với hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
i) Chi hoạt động tạo lập trang tin điện tử thực hiện theo Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Bộ Tài chính quy định về chi tạo lập trang thông tin điện tử.
k) Chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện theo Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Khi các văn bản nêu tại Khoản này được thay thế, sửa đổi, bổ sung thì mức chi thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án TBT được áp dụng theo văn bản mới.
2. Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư
Mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành của Nhà nước về đấu thầu mua sắm hàng hoá.
Điều 5. Mức chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, vốn viện trợ, tài trợ, đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác
1. Mức chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp do người đứng đầu doanh nghiệp quyết định, trường hợp chưa quy định về mức chi có thể vận dụng quy định tại Thông tư này.
2. Mức chi từ vốn viện trợ, tài trợ, đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác, áp dụng theo quy định tại các thoả thuận giữa các tổ chức, trường hợp chưa có thoả thuận về mức chi có thể vận dụng quy định tại Thông tư này.
Chương III
CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
Điều 6. Lập dự toán, phân bổ và giao dự toán
Việc lập dự toán, phân bổ và giao dự toán kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án TBT được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, cụ thể như sau:
1. Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương lập dự toán kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án TBT tổng hợp chung vào dự toán của Bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đồng thời gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và phối hợp thực hiện.
2. Việc phân bổ, giao dự toán thực hiện theo quy định quản lý tài chính và phân cấp ngân sách hiện hành.
Điều 7. Quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí
1. Kinh phí chi thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án TBT được quản lý, sử dụng và quyết toán theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định cụ thể tại Thông tư này.
2. Việc sử dụng kinh phí cho việc thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án TBT phải đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định tài chính hiện hành và quy định tại Thông tư này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2011.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo;
- Lưu: VT, PC, TĐC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Trần Việt Thanh
|