Dự thảo lần 2 Nghị quyết mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu năm 2023

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị quyết

Dự thảo lần 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023
Lĩnh vực: Thuế-Phí-Lệ phí Loại dự thảo:Nghị quyết
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Tài chínhTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

 BỘ TÀI CHÍNH

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

 

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:       /TTr-BTC

 

 

Hà Nội, ngày       tháng      năm 2022

 

 

 

TỜ TRÌNH

Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về

mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023

 

 

Kính gửi: Chính phủ

 

 

Trước bối cảnh giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới vẫn liên tục biến động, khó dự báo, để góp phần ổn định giá xăng, dầu, kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ thẩm quyền được giao tại Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại Báo cáo số 362/BC-UBTVQH15 ngày 11/11/2022, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình UBTVQH ban hành dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023 (sau đây gọi chung là dự án Nghị quyết) như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT

1. Đánh giá tình hình thực hiện chính sách điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022

Tại khoản 1 Điều 8 Luật thuế BVMT quy định Biểu khung thuế BVMT đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, trong đó quy định khung thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: xăng, trừ etanol là 1.000-4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000-3.000 đồng/lít; dầu diesel là 500-2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 300-2.000 đồng/lít; dầu mazut là 300-2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 300-2.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 300-2.000 đồng/kg.

Tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế BVMT quy định giao UBTVQH căn cứ vào Biểu khung thuế để quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hoá chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc mức thuế đối với hàng hoá chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hoá.

Căn cứ Biểu khung thuế và nguyên tắc điều chỉnh mức thuế BVMT tại Luật thuế BVMT, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế BVMT, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, trong đó quy định mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức trần trong khung thuế, trừ dầu hỏa. Cụ thể: mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg; riêng dầu hỏa là 1.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế là 2.000 đồng/lít).

Từ đầu năm 2022 đến nay, sự biến động giá xăng dầu thế giới và trong nước đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt trong các lĩnh vực vận tải, thủy sản...) cũng như ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân và ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình UBTVQH các Nghị quyết để giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2022, cụ thể:

- Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 quy định giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít, áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 10/7/2022.

- Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 được thông qua ngày 23/3/2022, quy định giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa) và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa, áp dụng từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 10/7/2022, cụ thể: xăng giảm từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít.

- Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 được thông qua ngày 06/7/2022 quy định giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong Biểu khung thuế, áp dụng từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022, cụ thể: xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong Biểu khung thuế. Từ ngày 01/01/2023, mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 (bằng mức trần trong Biểu khung thuế, trừ dầu hỏa).

Quá trình thực hiện chính sách giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 cho thấy những kết quả tích cực, cụ thể:

- Việc thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 là giải pháp hiệu quả để góp phần giảm giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua.

Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế BVMT được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế BVMT. Việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Việc tăng, giảm giá xăng dầu nói chung sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Việc giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đã góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và góp phần kiểm soát lạm phát.

Tác động của việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thời gian qua đối với giá bán lẻ xăng dầu trong nước và chỉ số CPI được thể hiện như sau:

+ Khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, giá xăng trong nước đã có sự điều chỉnh giảm 2 kỳ liên tiếp so với kỳ điều hành liền trước. Tính chung trong tháng 4/2022, việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã làm giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3/2022 và từ đó làm chỉ số CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm[1].

+ Khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15, giá xăng bán lẻ trong nước có đã nhiều kỳ giảm liên tiếp, trong đó ngay tại kỳ điều hành ngày 11/7/2022 khi Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15 có hiệu lực thì giá xăng bán lẻ trong nước đã giảm sâu, cụ thể: giá xăng E5RON92 giảm 3.103 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 3.088 đồng/lít, giá dầu diesel 0.05S giảm 3.022 đồng/lít và đến nay (tại kỳ điều hành ngày 21/11/2022), giá xăng E5RON92 là 22.671 đồng/lít (giảm so với kỳ điều hành ngày 01/7/2022 - trước thời điểm áp dụng Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 là 8.220 đồng/lít); giá xăng RON95 là 23.787 đồng/lít (giảm so với kỳ điều hành ngày 01/7/2022 là 8.976 đồng/lít). Ảnh hưởng của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu đã làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm liên tiếp nhiều tháng, từ đó làm chỉ số CPI chung giảm, cụ thể: tháng 7/2022 giảm 0,28 điểm phần trăm; tháng 8/2022 giảm 0,53 điểm phần trăm; tháng 9/2022 giảm 0,22 điểm phần trăm; tháng 10/2022 giảm 0,21 điểm phần trăm[2].

Trong thời gian qua, giá xăng dầu trong nước giảm ngoài nguyên nhân do giá xăng dầu thành phẩm thế giới giảm thì việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng dầu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm giá bán xăng dầu, điều này được thể hiện rõ khi mức giá bán lẻ xăng dầu tại các kỳ điều chỉnh sau khi áp dụng các Nghị quyết giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đều giảm so với kỳ điều chỉnh liền kề trước như nêu trên. Như vậy, thực tế cho thấy mức thuế BVMT được điều chỉnh linh hoạt và đúng thời điểm (trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao tác động đến nền kinh tế vĩ mô trong nước) đã góp phần kiểm soát, kiềm chế sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước và góp phần làm giảm chỉ số CPI.

- Việc thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 đã góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng đã hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Đối với người dân, đây là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm chi phí trực tiếp của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.

Đối với các ngành sản xuất cũng như các doanh nghiệp có sử dụng xăng dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt, sản xuất hóa chất có sử dụng nguyên liệu từ xăng dầu... được hưởng lợi nhiều hơn khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

2. Sự cần thiết ban hành Nghị quyết

a) Dự báo tình hình xăng dầu thế giới và trong nước trong thời gian tới

Theo báo cáo của Bộ Công thương tại Công văn số 7517/BCT-TTTN ngày 24/11/2022 thì dự báo giá xăng dầu và tình hình tiêu thụ xăng dầu trong thời gian tới như sau:

- Dự báo giá xăng dầu thế giới và trong nước: Căn cứ diễn biến giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới, trên cơ sở dự đoán giá dầu thô thế giới của đơn vị nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie, dự báo giá bình quân các mặt hàng xăng dầu Quý IV/2022 sẽ ở mức 95-100 USD/thùng (tăng 4,45%-11,70% so với cùng kỳ năm 2021), cả năm 2022 ở mức 110-120 USD/thùng (tăng từ 40,5%-59,9% so với năm 2021). Với mức ước giá thành phẩm xăng dầu như trên, bình quân giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2022 ước tăng so với bình quân giá bán lẻ xăng dầu năm 2021 từ 29,24%-37,66% đối với mặt hàng xăng và tăng khoảng 55,57%-59,78% đối với mặt hàng dầu diesel.

Dự báo năm 2023 giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ở mức 95-105 USD/thùng (giảm 12%-20% so với ước giá bình quân năm 2022). Như vậy, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ước năm 2023 tuy có giảm so với ước giá bình quân năm 2022 nhưng vẫn còn ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

- Dự báo tình hình tiêu thụ xăng dầu năm 2023: Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và sử dụng xăng dầu tăng cao để phục hồi kinh tế sau đại dịch, dự báo sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2023 vào khoảng 14,50 triệu m3 (hoặc tấn), tăng khoảng 10% so với sản lượng tiêu thụ năm 2022. Trong đó, ước mặt hàng xăng đạt khoảng 10,97 triệu m3 (chiếm 42,3%), dầu diesel đạt khoảng 14,50 triệu m3 (chiếm 55,9%), dầu mazut đạt khoảng 0,43 triệu tấn (chiếm 1,6%), dầu hỏa đạt khoảng 0,051 triệu m3 (chiếm 0,2%).

b) Mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng từ mức sàn lên mức trần trong Biểu khung thuế từ ngày 01/01/2023 sẽ có thể gây tác động tiêu cực

Theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 thì từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn bằng mức sàn trong Biểu khung thuế; từ ngày 01/01/2023, mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, khi đó mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn bằng mức trần trong Biểu khung thuế, trừ dầu hỏa, cụ thể: xăng (trừ etanol) tăng từ 1.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay tăng từ 1.000 đồng/lít lên mức trần 3.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 300 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức 1.000 đồng/lít. Theo đó, giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ tăng lên tương ứng. Nếu tính bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng tương ứng đối với xăng là 3.300 đồng/lít; nhiên liệu bay 2.200 đồng/lít; dầu diesel 1.650 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn 1.870 đồng/lít; mỡ nhờn 1.870 đồng/kg; dầu hỏa 770 đồng/lít.

Trong bối cảnh tình hình thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều khả năng trong thời gian tới giá xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục biến động khó lường, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sự ổn định kinh tế - xã hội cũng như tác động đến thị trường xăng dầu trong nước. Việc mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng từ mức sàn về mức trần từ ngày 01/01/2023 (giai đoạn cận kề tết nguyên đán) sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và sẽ tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần phải có giải pháp để góp phần ổn định giá xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2023.

c) Các biện pháp điều hành giá xăng dầu trong nước

Xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay được thực hiện theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước được điều hành thông qua 2 giải pháp chủ yếu là giải pháp về nguồn cung xăng dầu và giải pháp điều chỉnh các yếu tố trực tiếp cấu thành giá bán xăng dầu.

 

(i) Về giải pháp nguồn cung

Theo Bộ Công Thương (Công văn số 7517/BCT-TTTN ngày 24/11/2022),  từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Trong tháng 02/2022, trước tình hình sản xuất trong nước có những bất ổn, Bộ Công Thương đã cân đối tổng nguồn cung xăng dầu và thực hiện việc phân giao nhập khẩu bổ sung xăng dầu trong Quý II/2022 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Trong tháng 10/2022, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong Quý IV/2022, Bộ Công Thương đã họp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và đã phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho Quý IV/2022. Do đó, trong 10 tháng đầu năm 2022, mặc dù nguồn cung từ sản xuất trong nước có những giai đoạn bị trục trặc (do một số vấn đề về tài chính của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn), nguồn cung từ nhập khẩu cũng khó khăn (do xung đột vũ trang giữa các nước cung cấp dầu khí lớn trên thế giới), song thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc phân giao hạn mức nhập khẩu bổ sung của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã nỗ lực nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước khác (Nhà máy lọc dầu Bình Sơn) để cung cấp xăng dầu cho thị trường nên về cơ bản việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước vẫn được bảo đảm.

Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa 10 tháng năm 2022 đạt khoảng 19,58 triệu m3 (hoặc tấn), ước cả năm 2022  (đối với các mặt hàng xăng, diesel, dầu hỏa, dầu mazut) đạt khoảng 23,5 triệu m3 (hoặc tấn), trong đó mặt hàng xăng đạt khoảng 9,97 triệu m3 (chiếm 42,3%), dầu diesel đạt khoảng 13,18 triệu m3 (chiếm 55,9%), dầu mazut đạt khoảng 0,38 triệu tấn (chiếm 1,6%), dầu hỏa đạt khoảng 0,046 triệu m3 (chiếm 0,2%).

(ii) Về giải pháp điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá bán xăng dầu

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở xăng dầu được tính dựa trên 04 yếu tố sau:

- Giá xăng dầu thành phẩm thế giới.

Hiện nay, giá xăng dầu thế giới trong công thức giá cơ sở xăng dầu được xác định là giá thành phẩm xăng dầu được giao dịch trên thị trường Sing-ga-po (của hãng tin Platts). Trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, chi phí giá xăng dầu thế giới (thể hiện qua giá Platts bình quân) chiếm tỷ trọng chủ yếu và yếu tố này có vai trò quyết định chủ yếu đến việc điều hành giá cơ sở xăng dầu trong nước. Đây là yếu tố khách quan, ngoài khả năng kiểm soát của công tác điều hành giá xăng dầu. Khi giá xăng dầu thế giới càng tăng thì tỷ trọng yếu tố này trong giá cơ sở xăng dầu càng tăng.

- Các khoản chi phí và lợi nhuận định mức.

Theo quy định tại Khoản 28 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng, premium trong nước... do Bộ Tài chính rà soát, xác định (trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối) và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở.

Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).

Theo quy định hiện hành, mức trích lập Quỹ BOG được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu. Mức chi sử dụng Quỹ BOG được xem xét điều hành khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

- Các khoản thuế.

Hiện hành, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu và cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng, thuế BVMT và thuế GTGT. Luật phí và lệ phí không có quy định về thu phí, lệ phí đối với xăng dầu.

+ Đối với thuế GTGT, thuế TTĐB: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội đề xuất các giải pháp điều chỉnh thuế đối với xăng dầu trong đó có đề xuất điều chỉnh thuế TTĐB, thuế GTGT đối với xăng dầu. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 362/BC-UBTVQH15 ngày 11/11/2022 của UBTVQH tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN năm 2023 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2023, UBTVQH có ý kiến: Các dự báo xu thế giá dầu thô thế giới năm 2023 là thấp hơn so với giá dầu năm 2022; bên cạnh đó, cùng với các chỉ số tích cực về kinh tế vĩ mô trong nước hiện nay, thì việc thiết kế cơ chế “dự phòng” trong điều hành giá xăng dầu trong nước thông qua thuế TTĐB và thuế GTGT là chưa thực sự cần thiết. Ngoài ra, năm 2023, bên cạnh các biện pháp điều hành thị trường xăng dầu trong nước, vẫn có dư địa sử dụng công cụ thuế BVMT như đã thực hiện trong năm 2022.”

+ Đối với thuế nhập khẩu: Để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng từ mức 20% xuống mức 10%.

+ Đối với thuế BVMT: Tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế BVMT giao UBTVQH căn cứ vào Biểu khung thuế để quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hoá chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc mức thuế đối với hàng hoá chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và mức thuế đối với hàng hoá chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hoá. Trong năm 2022, để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước trước sự biến động của giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới, UBTVQH đã quyết định điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn 02 lần theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15.

Qua đánh giá các biện pháp điều hành giá xăng dầu thời gian qua cho thấy, trong bối cảnh tình hình hiện nay thì việc tiếp tục thực hiện điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như chỉ đạo của UBTVQH tại Báo cáo số 362/BC-UBTVQH15 ngày 11/11/2022 nêu trên là giải pháp khả thi và có hiệu quả nhằm góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ những nội dung báo cáo trên, căn cứ theo thẩm quyền quy định tại Luật thuế BVMT và ý kiến của UBTVQH tại Báo cáo số 362/BC-UBTVQH15 ngày 11/11/2022; từ các giải pháp điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua; để tránh những tác động tiêu cực khi mức thuế BVMT tăng về mức trần trong Biểu khung thuế từ ngày 01/01/2023, cũng như để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do giá xăng dầu dự báo vẫn ở mức cao, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô thì việc trình UBTVQH ban hành Nghị quyết để điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023 như năm 2022 (áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế như quy định tại Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của UBTVQH) là cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT

1. Góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô biến động phức tạp.

2. Góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi giá xăng dầu vẫn ở mức cao.

III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN NGHỊ QUYẾT

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải lập đề nghị xây dựng đối với Nghị quyết của UBTVQH để hướng dẫn Luật hoặc vấn đề khác thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Do dự án Nghị quyết quy định mức thuế BVMT thuộc thẩm quyền của UBTVQH đã được giao trong Luật thuế BVMT nên không thuộc trường hợp phải lập đề nghị xây dựng Nghị quyết.

Căn cứ quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn[3], để đảm bảo kịp thời trình Chính phủ, trình UBTVQH ban hành Nghị quyết nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính (theo Công văn số 12109/BTC-CST ngày 18/11/2022 và Công văn số        /BTC-CST ngày 03/12/2022 của Bộ Tài chính).

IV. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

1. Bố cục của dự thảo Nghị quyết

Bố cục dự thảo Nghị quyết gồm 2 Điều:

- Điều 1: Quy định về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

- Điều 2: Quy định về điều khoản thi hành.

2. Nội dung của dự thảo Nghị quyết

a) Về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023

Để thực hiện mục đích, quan điểm nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình UBTVQH ban hành Nghị quyết điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023 như năm 2022 (áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế như quy định tại Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của UBTVQH), cụ thể như sau:

- Xăng: Giảm từ 4.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

- Nhiên liệu bay: Giảm từ 3.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

- Dầu diesel: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.

- Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

- Mỡ nhờn: Giảm từ 2.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.

- Dầu hỏa: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Từ ngày 01/01/2024, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH (xăng là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg).

b) Về điều khoản thi hành

Để đảm bảo tính kịp thời, đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

3. Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết

a) Tác động tích cực

- Việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần kìm hãm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao.

Theo Bộ Công thương thì dự báo năm 2023 giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm vẫn còn ở mức cao (khoảng 95-105 USD/thùng). Việc giá xăng dầu vẫn ở mức cao sẽ gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế (đẩy giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế). Do thuế BVMT là một trong những yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT sẽ làm giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó sẽ góp phần kìm hãm sự tăng giá xăng dầu trong nước. Việc giữ giá bán xăng dầu không tăng quá cao thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần giảm chỉ số CPI[4], kiềm chế lạm phát và hạn chế được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Với việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 21/11/2022 thì giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm tương ứng như sau:

+ Đối với xăng: Với việc giảm mức thuế BVMT 3.000 đồng/lít so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 3.300 đồng/lít.

+ Đối với nhiên liệu bay: Với việc giảm mức thuế BVMT 2.000 đồng/lít so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ nhiên liệu bay (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 2.200 đồng/lít.

+ Đối với dầu diesel: Với việc giảm mức thuế BVMT 1.500 đồng/lít so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ dầu diesel (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng là 1.650 đồng/lít.

+ Đối với dầu mazut, dầu nhờn: Với việc giảm mức thuế BVMT 1.700 đồng/lít so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ dầu mazut, dầu nhờn (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng là 1.870  đồng/lít.

+ Đối với mỡ nhờn: Với việc giảm mức thuế BVMT 1.700 đồng/kg so với mức trần từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ mỡ nhờn (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng là 1.870 đồng/kg.

+ Đối với dầu hỏa: Với việc giảm mức thuế BVMT 700 đồng/lít so với mức 1.000 đồng/lít từ ngày 01/01/2023 sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ dầu hỏa (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng là 770 đồng/lít.

Tuy nhiên, do giá bán lẻ xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thành phẩm thế giới nên mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình biến động của giá xăng dầu thành phẩm thế giới.

- Góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu dự báo vẫn còn ở mức cao.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động giá xăng dầu sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ làm giảm giá xăng dầu, từ đó sẽ có tác động tích cực đến đến sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cụ thể:

Đối với người dân, người lao động: Hiện nay, đời sống người lao động, người dân trong nước còn gặp nhiều khó khăn do giá cả một số mặt hàng tăng cao trong đó có mặt hàng xăng dầu. Việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác, khi đó hộ gia đình sẽ có thêm một phần chi tiêu, qua đó làm tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Đối với các ngành sản xuất: Xăng đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp có sử dụng xăng dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt, sản xuất hóa chất có sử dụng nguyên liệu từ xăng dầu... Do đó, các ngành sản xuất sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế BVMT.

Việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như trên là đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế BVMT theo quy định tại Điều 8 Luật thuế BVMT, cụ thể:

+ Đảm bảo nguyên tắc mức thuế BVMT phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ: Theo quy định của Luật giá thì xăng dầu là hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống và giá bán xăng dầu được Nhà nước quản lý, điều hành nhằm đảm bảo bình ổn giá cả. Trước bối cảnh giá dầu thô thế giới biến động khó lường, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước thì việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng dầu là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc ổn định giá xăng dầu và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

+ Đảm bảo phù hợp với Biểu khung thuế BVMT: Việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn vẫn đảm bảo trong Biểu khung thuế BVMT quy định tại Luật thuế BVMT nên đảm bảo nguyên tắc phù hợp với mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế.

b) Tác động tiêu cực

- Tác động đến thu NSNN.

Với dự kiến sản lượng tiêu thụ như năm 2019 (giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19), nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì dự kiến số thu thuế BVMT giảm khoảng 46.064,4 tỷ đồng và tổng thu NSNN (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) giảm khoảng 50.670,8 tỷ đồng.

(Chi tiết dự kiến tác động thu NSNN theo phương án đề xuất trình kèm).

- Chưa phù hợp với bản chất, mục tiêu của thuế BVMT.

Việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được đánh giá là chưa phù hợp với bản chất, mục tiêu của thuế BVMT (là khoản thu đối với hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm mục tiêu hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu những hàng hóa này để góp phần BVMT) và ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Tuy nhiên, việc quy định tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất vẫn đảm bảo mức thuế trong phạm vi khung thuế đã được quy định tại Luật và chỉ áp dụng trong năm 2023 để nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó góp phần hướng đến thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

c) Tác động về thủ tục hành chính và bình đẳng giới

Dự thảo Nghị quyết không quy định về thủ tục hành chính và vấn đề bình đẳng giới, do đó không phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và không gây bất bình đẳng về giới.

V. DỰ KIẾN NGUỒN LỰC, ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO VIỆC THI HÀNH NGHỊ QUYẾT

Khi Nghị quyết được ban hành, toàn bộ nội dung Nghị quyết sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân biết và thực hiện. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, cũng như chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để đảm bảo việc thực thi Nghị quyết có hiệu quả.

Từ nội dung báo cáo nêu trên, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt để trình UBTVQH:

- Xây dựng Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình UBTVQH về dự án Nghị quyết và phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra dự án Nghị quyết.

- Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình UBTVQH để bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của UBTVQH, triển khai xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thông qua ngay tại kỳ họp tháng 12/2022.

Trên đây là Tờ trình dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

(Xin trình kèm: Dự thảo Nghị quyết; Các phụ lục).

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Thủ tướng, các Phó TTg Chính phủ (để b/c);

- Văn phòng Chính phủ;

- Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương;

- Vụ Pháp chế; Vụ NSNN;

- Cục QLG; TCT; TCHQ;

- Lưu: VT, Vụ CST (CST4).

 

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

  Hồ Đức Phớc

 

 

[1] Theo công bố của Tổng cục thống kê.

[2] Theo công bố của Tổng cục thống kê.

[3] Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó có trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội.

[4] Khi giá xăng dầu tăng 10%, chỉ số CPI tăng khoảng 0,36 điểm phần trăm (theo VPER).

Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi