Thông tư 34/2024/TT-BTNMT kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia bằng phương pháp đo sâu hồi âm
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Thông tư 34/2024/TT-BTNMT
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 34/2024/TT-BTNMT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Nguyễn Thị Phương Hoa |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 16/12/2024 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Tài nguyên-Môi trường |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Quy định kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia bằng phương pháp đo sâu hồi âm
Ngày 16/12/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 34/2024/TT-BTNMT của quy định kỹ thuật về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm và thành lập bản đồ địa hình đáy biển từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ tương ứng. Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý:
1. Trường hợp sử dụng phương tiện đo sâu hồi âm đơn tia gồm:
- Căn cứ bản đồ địa hình đáy biển hoặc hải đồ có trong khu vực đo tiến hành thiết kế các tuyến đo sâu. Tuyến đo sâu được thiết kế ưu tiên song song với hướng dốc địa hình của khu vực đo;
- Khoảng cách giữa các tuyến đo sâu là 500 m ngoài thực địa. Trường hợp khu vực đo có địa hình đặc biệt đáy biển như: khe rãnh máng ngầm, núi lửa dưới biển, sườn đất ngầm dốc đứng hoặc các bãi chìm thì được phép thiết kế tuyến đo sâu với khoảng cách nhỏ hơn để dữ liệu thu nhận mô tả được chính xác địa hình đáy biển;
- Trường hợp phạm vi thi công tiếp giáp với các khu vực đã được xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình đáy biển có cùng tỷ lệ hoặc có tỷ lệ lớn hơn thì phải thiết kế tuyến đo sâu đảm bảo độ chồng phủ với khu vực lân cận tối thiểu 500 m;...
2. Trạm quan trắc mực nước được xây dựng tại vị trí lưu thông tự do với biển, hạn chế tối đa ảnh hưởng của sóng; có cấu trúc địa chất ổn định, không gây sụt, lún; an toàn, thuận lợi khi quan trắc; đảm bảo hoạt động, ổn định và đo được mực nước thấp nhất và cao nhất trong suốt quá trình quan trắc. Khoảng cách giữa hai trạm quan trắc mực nước liền kề không lớn hơn 50 km.
3. Quy định về đọc mực nước trên thước đo như sau:
- Mực nước được đọc tới cm, ghi đầy đủ vào sổ Quan trắc mực nước và xây dựng đồ thị biến thiên mực nước hàng ngày;
- Khoảng thời gian giữa hai lần đọc mực nước trên thước đo là 30 phút và đọc tại thời điểm tròn giờ hoặc tròn 30 phút. Trong khoảng thời gian 30 phút trước và sau điểm triều cường hoặc triều kiệt thì phải đọc mực nước trên thước đo với giãn cách 10 phút một lần và đọc tại thời điểm tròn 10 phút;
- Tại mỗi thời điểm đọc mực nước phải đọc số 02 lần, lần thứ nhất đọc mực nước ở chân sóng, lần thứ hai đọc mực nước ở đỉnh sóng; giá trị đo mực nước là giá trị trung bình của hai lần đọc số;
- Tại các trạm quan trắc mực nước có nhiều hơn một thước quan trắc mực nước thì tại thời điểm chuyển việc đọc mực nước từ thước quan trắc này sang thước quan trắc khác phải đọc số đọc đồng thời trên cả hai thước; độ lệch giá trị đọc mực nước trên hai thước không được vượt quá 1 cm;...
Thông tư có hiệu lực từ ngày 31/01/2025.
Xem chi tiết Thông tư 34/2024/TT-BTNMT tại đây
tải Thông tư 34/2024/TT-BTNMT
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG Số: 34/2024/TT-BTNMT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2024 |
THÔNG TƯ
Quy định kỹ thuật về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm và thành lập bản đồ địa
hình đáy biển từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ tương ứng
__________________
Căn cứ Luật Đo đạc và bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;
Căn cứ Nghị định số 136/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;
Căn cứ Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm và thành lập bản đồ địa hình đáy biển từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ tương ứng.
CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định kỹ thuật về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm và thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc tỷ lệ tương ứng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm và thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ tương ứng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ và chữ viết tắt
1. Điểm kiểm tra phương tiện đo biển là điểm có tọa độ và độ cao quốc gia được sử dụng để đo dẫn độ cao đến điểm “0” trạm quan trắc mực nước, phục vụ việc lắp đặt, kiểm tra hệ thống đo sâu trên tàu và làm trạm cố định trong trường hợp đo động thời gian thực.
2. Điểm “0” trạm quan trắc mực nước là điểm đặt thước đo mực nước hoặc thiết bị đo triều ký tự động để thuận tiện cho việc thu nhận số liệu mực nước, trong quá trình quan trắc, giá trị độ cao điểm này được quy ước = 0.
3. Đo sâu hồi âm là phương pháp sử dụng sóng âm để đo độ sâu của nước.
4. GNSS (Global Navigation Satellite System) là hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh toàn cầu.
5. DGNSS (Differential Global Navigation Satellite System) là hệ thống dẫn đường sai phân bằng vệ tinh toàn cầu.
6. RTK (Real Time Kinematic) là công nghệ đo động thời gian thực.
7. SVS (Sound Velocity Sensor) là loại máy đo tốc độ âm trong môi trường nước tại một vị trí cụ thể, thường được lắp đặt cạnh đầu phát biến của máy đo sâu hồi âm đa tia để xác định tốc độ âm tức thời tại vị trí của đầu phát biến.
8. SVP (Sound Velocity Profiler) là loại máy đo tốc độ âm trong môi trường nước có thể ghi lại giá trị tốc độ âm theo các độ sâu khác nhau, tạo thành một hồ sơ tốc độ âm chi tiết theo chiều sâu của nước.
9. Raster là cấu trúc dữ liệu dạng ô được sắp xếp theo hàng cột để lưu hình ảnh số. Cấu trúc Raster được sử dụng là một trong các định dạng của mô hình số độ cao; trong đó, mỗi ô được tham chiếu bởi vị trí tọa độ X, Y và lưu trữ một giá trị số đại diện cho một thuộc tính địa lý (giá trị độ cao).
10. GDB (Geodatabase) là một định dạng lưu trữ cơ sở dữ liệu của cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.
11. GeoTIFF là tệp ảnh số có phần mở rộng là *.tif gắn với tọa độ của các đối tượng địa lý trong một hệ tọa độ xác định.
12. GeoPDF là tệp dữ liệu có phần mở rộng là *.pdf gắn với tọa độ của các đối tượng địa lý trong một hệ tọa độ xác định. Tệp GeoPDF chứa dữ liệu không gian và thuộc tính của các đối tượng địa lý.
CHƯƠNG II. THU NHẬN DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ QUỐC GIA TỶ LỆ 1:50.000 BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐO SÂU HỒI ÂM
Điều 4. Cơ sở toán học
1. Dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 được thu nhận thống nhất trên Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000, múi chiếu, kinh tuyến trục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 973/2001/TT-TCĐC ngày 20 tháng 6 năm 2001 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn áp dụng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000.
2. Hệ độ cao sử dụng là hệ độ cao quốc gia.
Điều 5. Quy trình thu nhận dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm
Việc thu nhận dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm thực hiện theo quy trình tại Hình 1 dưới đây.
Hình 1: Sơ đồ quy trình thu nhận dữ liệu nền địa lý quốc gia
tỷ lệ 1:50.000 bằng phương pháp đo sâu hồi âm
Điều 6. Công tác chuẩn bị
1. Chuẩn bị các phương tiện đo cần thiết bao gồm các phương tiện đo cơ bản: phương tiện đo sâu hồi âm, máy thu GNSS, máy thu DGNSS, la bàn số, máy đo tốc độ âm, máy cải chính sóng và các phương tiện đo khác gồm máy toàn đạc điện tử, máy và mia thủy chuẩn, thước thép, thiết bị đo triều ký tự động, thiết bị đồng bộ hóa thời gian. Các phương tiện đo này cần được kiểm tra hoạt động ổn định trước khi đưa vào sử dụng. Các phương tiện đo cơ bản phải có các thông số kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Phương tiện đo sâu hồi âm đơn tia hoặc đa tia độ chính xác đo sâu ≤ ± (18 cm + 0,1 % h). Trong đó: h là độ sâu tính bằng m;
b) Máy thu GNSS phải có độ chính xác như sau:
Khi đo tĩnh, độ chính xác đo mặt bằng ≤ ± 5 mm + 0,5 ppm RMS, độ chính xác đo độ cao ≤ ± 5 mm + 1 ppm RMS;
Khi sử dụng DGNSS, độ chính xác đo mặt bằng ≤ ± 0,25 m + 1 ppm RMS, độ chính xác đo độ cao ≤ ± 0,5 m + 1 ppm RMS;
Khi sử dụng RTK, độ chính xác đo mặt bằng ≤ ± 10 mm + 1 ppm RMS, độ chính xác đo độ cao ≤ ± 20 mm + 1 ppm RMS;
c) La bàn số có độ chính xác đo hướng ≤ ± 0,5o;
d) Máy đo tốc độ âm có độ chính xác đo tốc độ âm ≤ ± 0,25 m/s;
đ) Máy cải chính sóng có độ chính xác đo sóng ≤ ± 5 cm hoặc 5% độ cao sóng.
2. Chuẩn bị máy tính, phần mềm phục vụ thu nhận và xử lý dữ liệu.
3. Liên hệ với địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan để thông báo, phối hợp triển khai thực hiện. Đảm bảo công tác an toàn lao động, chuẩn bị nơi neo đậu tàu, phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, nước ngọt.
4. Chuẩn bị, thu thập các tài liệu khác có liên quan đến khu vực thi công gồm: cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia, bản đồ địa hình đáy biển, hải đồ các tỷ lệ có trong khu vực đo và các thông tin dữ liệu chuyên ngành khác.
Điều 7. Thiết kế tuyến đo sâu
1. Trường hợp sử dụng phương tiện đo sâu hồi âm đơn tia
a) Căn cứ bản đồ địa hình đáy biển hoặc hải đồ có trong khu vực đo tiến hành thiết kế các tuyến đo sâu. Tuyến đo sâu được thiết kế ưu tiên song song với hướng dốc địa hình của khu vực đo;
b) Khoảng cách giữa các tuyến đo sâu là 500 m ngoài thực địa. Trường hợp khu vực đo có địa hình đặc biệt đáy biển như: khe rãnh máng ngầm, núi lửa dưới biển, sườn đất ngầm dốc đứng hoặc các bãi chìm thì được phép thiết kế tuyến đo sâu với khoảng cách nhỏ hơn để dữ liệu thu nhận mô tả được chính xác địa hình đáy biển;
c) Trường hợp phạm vi thi công tiếp giáp với các khu vực đã được xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình đáy biển có cùng tỷ lệ hoặc có tỷ lệ lớn hơn thì phải thiết kế tuyến đo sâu đảm bảo độ chồng phủ với khu vực lân cận tối thiểu 500 m;
d) Hướng tuyến đo sâu kiểm tra thiết kế ưu tiên vuông góc với hướng tuyến đo sâu. Các tuyến đo sâu kiểm tra phải phân bố đều trên phạm vi khu vực đo, tổng chiều dài các tuyến đo sâu kiểm tra không được nhỏ hơn 10% tổng chiều dài các tuyến đo sâu.
2. Trường hợp sử dụng phương tiện đo sâu hồi âm đa tia
a) Đo sâu hồi âm đa tia theo tuyến
Khi độ rộng trung bình dải quét đa tia của khu vực đo ≤ 500 m thì các tuyến đo sâu, tuyến đo kiểm tra được thiết kế như khoản 1 Điều này.
Độ rộng trung bình dải quét đa tia của khu vực đo được tính theo công thức:
Trong đó:
W: độ rộng trung bình dải quét đa tia (m);
d: độ sâu trung bình khu vực đo (m);
α: góc mở chùm tia (độ).
Khi độ rộng trung bình dải quét đa tia của khu vực đo > 500 m thì phải thiết kế đo quét phủ kín địa hình đáy biển theo điểm b khoản này.
b) Đo sâu hồi âm đa tia quét phủ kín địa hình đáy biển
Sử dụng bản đồ địa hình đáy biển hoặc hải đồ có trong khu vực đo tiến hành thiết kế các tuyến đo sao cho đảm bảo quét phủ kín địa hình đáy biển. Hướng tuyến đo sâu ưu tiên thiết kế vuông góc với hướng dốc địa hình của khu vực đo.
Độ chồng phủ giữa 2 dải quét liền kề phải ≥ 5% độ rộng của dải quét nhỏ hơn trong 2 dải quét liền kề đó. Khoảng cách trung bình giữa các tuyến đo sâu được xác định theo công thức:
L = W x (1 - p)
Trong đó:
W: độ rộng trung bình dải quét đa tia (m);
L: khoảng cách trung bình giữa các tuyến đo sâu (m);
p: độ chồng phủ giữa 2 dải quét liền kề.
Trường hợp phạm vi thi công tiếp giáp với các khu vực đã được xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình đáy biển có cùng tỷ lệ hoặc có tỷ lệ lớn hơn thì phải thiết kế tuyến đo sâu đảm bảo độ chồng phủ với khu vực lân cận tối thiểu 500 m.
Điều 8. Xây dựng điểm kiểm tra phương tiện đo biển
1. Điểm kiểm tra phương tiện đo biển phải được xây dựng gần khu vực thi công, đảm bảo thuận tiện đo dẫn độ cao đến điểm “0” trạm quan trắc mực nước và lắp đặt, kiểm tra hệ thống đo sâu trên tàu hoặc sử dụng để làm trạm cố định trong trường hợp đo RTK.
2. Điểm kiểm tra phương tiện đo biển phải được đo nối với các điểm tọa độ, độ cao quốc gia. Độ chính xác về tọa độ, độ cao điểm kiểm tra phương tiện đo biển tương đương với điểm khống chế tọa độ, độ cao của lưới cơ sở cấp 1.
3. Quy cách, kích thước mốc, tường vây điểm kiểm tra phương tiện đo biển được thực hiện theo quy định tại điểm 1 Phụ lục 1 của Thông tư số 68/2015/TT- BTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đo đạc trực tiếp địa hình phục vụ thành lập bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000.
4. Trường hợp gần khu vực thi công đã có các điểm tọa độ, độ cao quốc gia thì được phép sử dụng các điểm đó để làm điểm kiểm tra phương tiện đo biển.
Điều 9. Lắp đặt, kiểm tra, hiệu chỉnh các phương tiện đo biển
1. Các phương tiện đo biển trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm tra, hiệu chỉnh theo quy định tại Chương II của Thông tư số 27/2011/TT-BTNMT ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về việc kiểm nghiệm và hiệu chỉnh một số thiết bị đo đạc bản đồ biển .
2. Lắp đặt phương tiện đo và các thiết bị trên tàu
Phương tiện đo sâu hồi âm và các thiết bị phục vụ đo biển phải được lắp cố định trên tàu theo yêu cầu kỹ thuật sau:
a) Ăng ten thu của phương tiện đo DGNSS, la bàn số, máy cải chính sóng được lắp đặt ở những vị trí thuận lợi, tránh ảnh hưởng bởi các loại sóng điện từ;
b) Đầu phát biến của phương tiện đo sâu hồi âm được lắp đặt ngập tối thiểu 0,50 m so với mặt nước; độ ngập đầu phát biến được đo chính xác đến cm;
c) Máy cải chính sóng được lắp đặt tại vị trí gần khu vực trọng tâm của tàu, góc lệch giữa trục của máy so với trục tàu không được vượt quá ± 5o;
d) La bàn số được lắp đặt cố định trên bề mặt bằng phẳng. Góc lệch giữa trục la bàn so với trục tàu không được vượt quá ± 5o;
đ) Trường hợp sử dụng phương tiện đo sâu hồi âm đa tia thì phải lắp đặt thêm máy đo tốc độ âm SVS cạnh đầu phát biến để xác định tốc độ âm tức thời tại vị trí của đầu phát biến.
3. Đo đạc, xác định chính xác vị trí các phương tiện đo sâu và các thiết bị khác sau lắp đặt trong một hệ tọa độ quy ước có gốc tọa độ là trọng tâm của tàu, có trục Y là trục trùng với hướng mũi tàu, trục X vuông góc với trục Y có hướng sang phải.
4. Vị trí của các điểm đặt phương tiện đo và thiết bị khác được xác định tối thiểu ba (03) lần bằng thước thép hoặc máy toàn đạc điện tử. Sai số vị trí của các điểm này so với gốc tọa độ quy ước không được vượt quá ± 2 cm.
5. Kiểm tra toàn bộ hệ thống phương tiện đo sâu: sau khi kết nối toàn bộ các phương tiện, thiết bị với phần mềm đo sâu, hệ thống phương tiện đo sâu hồi âm đơn tia, đa tia còn phải được kiểm tra, hiệu chỉnh theo quy định tại Chương III của Thông tư số 27/2011/TT-BTNMT.
Điều 10. Quan trắc mực nước
1. Trạm quan trắc mực nước được xây dựng tại vị trí lưu thông tự do với biển, hạn chế tối đa ảnh hưởng của sóng; có cấu trúc địa chất ổn định, không gây sụt, lún; an toàn, thuận lợi khi quan trắc; đảm bảo hoạt động, ổn định và đo được mực nước thấp nhất và cao nhất trong suốt quá trình quan trắc. Khoảng cách giữa hai trạm quan trắc mực nước liền kề không lớn hơn 50 km.
2. Điểm “0” trạm quan trắc mực nước được đo nối tọa độ, độ cao với các điểm kiểm tra phương tiện đo biển hoặc điểm tọa độ, độ cao quốc gia có trong khu vực thi công. Sai số trung phương xác định tọa độ điểm “0” trạm quan trắc mực nước ≤ 25 m. Độ chính xác xác định độ cao điểm “0” trạm quan trắc mực nước tương đương với độ cao kỹ thuật.
3. Trường hợp tại một trạm quan trắc mực nước không đảm bảo quan trắc đầy đủ sự biến thiên của mực nước, được phép xây dựng nhiều hơn một trạm quan trắc mực nước tại khu vực đó để đảm bảo quan trắc được đầy đủ mực nước cho mọi thời điểm của quá trình đo.
4. Sử dụng phương pháp quan trắc mực nước bằng thước có chia vạch đến cm hoặc quan trắc mực nước bằng thiết bị triều ký tự động.
5. Quy định về đọc mực nước trên thước đo
a) Mực nước được đọc tới cm, ghi đầy đủ vào sổ Quan trắc mực nước và xây dựng đồ thị biến thiên mực nước hàng ngày;
b) Khoảng thời gian giữa hai lần đọc mực nước trên thước đo là 30 phút và đọc tại thời điểm tròn giờ hoặc tròn 30 phút. Trong khoảng thời gian 30 phút trước và sau điểm triều cường hoặc triều kiệt thì phải đọc mực nước trên thước đo với giãn cách 10 phút một lần và đọc tại thời điểm tròn 10 phút;
c) Tại mỗi thời điểm đọc mực nước phải đọc số 02 lần, lần thứ nhất đọc mực nước ở chân sóng, lần thứ hai đọc mực nước ở đỉnh sóng; giá trị đo mực nước là giá trị trung bình của hai lần đọc số;
d) Tại các trạm quan trắc mực nước có nhiều hơn một thước quan trắc mực nước thì tại thời điểm chuyển việc đọc mực nước từ thước quan trắc này sang thước quan trắc khác phải đọc số đọc đồng thời trên cả hai thước; độ lệch giá trị đọc mực nước trên hai thước không được vượt quá 1 cm;
đ) Số đọc mực nước phải được ghi đầy đủ vào Sổ quan trắc mực nước theo Mẫu số 1 Phụ lục II của Thông tư này.
6. Trường hợp sử dụng thiết bị đo triều ký tự động thì số liệu mực nước là tệp số liệu ghi trực tiếp trên thiết bị đo triều ký tự động với giãn cách giữa 02 lần ghi số liệu không lớn hơn 10 phút.
7. Những khu vực không có đủ điều kiện để quan trắc mực nước trực tiếp thì được phép sử dụng mô hình số thủy triều để tính toán ra số liệu mực nước. Vị trí các điểm cần xác định số liệu mực nước phải thuộc phạm vi khu vực thi công và phân bố đều với mật độ tối thiểu 02 điểm/750 km2. Việc cải chính thủy triều cho các điểm đo sâu phải sử dụng số liệu tối thiểu từ 02 điểm số liệu mực nước gần nhất đã được xác định hoặc phù hợp nhất với phạm vi khu vực cần cải chính.
Điều 11. Đo sâu địa hình đáy biển
1. Trên cơ sở các tuyến đo sâu và đo kiểm tra đã được thiết kế theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này, thực hiện đo sâu và thu nhận thông tin dữ liệu địa hình đáy biển.
2. Trước khi thực hiện đo sâu cần xác định độ ngập đầu phát biến và nhập vào phần mềm đo sâu. Độ ngập đầu phát biến là khoảng cách từ mặt nước đến mặt đáy của đầu phát biến được xác định đến cm bằng thước thép. Trong quá trình thi công cần kiểm tra thường xuyên giá trị này, đặc biệt là khi trọng tải của tàu có sự thay đổi.
3. Xác định tốc độ âm tại khu vực thi công
a) Trong phạm vi mỗi mảnh bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 cần thành lập, sử dụng bản đồ địa hình đáy biển hoặc hải đồ đã có trong khu vực đo để xác định vị trí khu vực sâu nhất. Tại mỗi vị trí được xác định, thả máy đo tốc độ âm SVP theo phương thẳng đứng để đo tốc độ âm theo các độ sâu khác nhau. Giãn cách về độ sâu giữa 2 lần thu nhận dữ liệu tốc độ âm liên tiếp là 0,5 m;
b) Kết quả đo tốc độ âm được lập thành tập kết quả xác định tốc độ âm theo Mẫu số 6 Phụ lục II của Thông tư này;
c) Sử dụng dữ liệu thu nhận tốc độ âm theo độ sâu để xử lý, tính toán số liệu đo sâu trong phạm vi mảnh bản đồ địa hình đáy biển đó.
4. Thu nhận dữ liệu đo sâu
a) Trường hợp đo sâu hồi âm đơn tia hoặc đa tia theo tuyến, dữ liệu đo sâu địa hình thu nhận theo từng tuyến đo. Độ lệch cho phép giữa tuyến đo sâu thực tế và tuyến đo sâu theo thiết kế không được vượt quá 50 m ngoài thực địa;
b) Trường hợp đo sâu hồi âm đa tia quét phủ kín địa hình đáy biển, dữ liệu đo sâu địa hình được thu nhận theo từng dải quét. Trong quá trình đo, được phép thay đổi hướng tuyến đo theo thiết kế nhưng phải đảm bảo dữ liệu thu được phủ kín địa hình đáy biển;
c) Chỉ thực hiện đo khi độ cao sóng trung bình ≤ 2 m. Trường hợp phát hiện dữ liệu đo sâu hở sót hoặc không đảm bảo độ chính xác, độ tin cậy thì phải thực hiện đo bổ sung ngay tại thực địa;
d) Trong suốt quá trình đo sâu, các thông tin về tuyến đo sâu, đo kiểm tra phải được ghi đầy đủ vào Sổ đo sâu theo Mẫu số 3 và Mẫu số 4 Phụ lục II của Thông tư này.
5. Vị trí các điểm đo sâu được xác định bằng công nghệ DGNSS hoặc RTK. Trường hợp khu vực đo sâu không nhận được tín hiệu cải chính phân sai DGNSS hoặc không thể áp dụng được công nghệ RTK thì được phép sử dụng tín hiệu cải chính thuê bao từ các nhà cung cấp dịch vụ nhưng phải đảm bảo độ chính xác xác định vị trí quy định tại khoản 6 Điều này.
6. Sai số trung phương xác định vị trí mặt phẳng của các điểm độ sâu không vượt quá 15 m.
7. Sai số trung phương độ sâu của điểm đo sâu xác định theo công thức không được vượt quá các giá trị dưới đây:
a) ± 0,3 m khi độ sâu đến 30 m;
b) 1,5 % độ sâu khi độ sâu từ trên 30 m đến 100 m;
c) 2,5 % độ sâu khi độ sâu lớn hơn 100 m.
Trong đó:
m: sai số trung phương độ sâu của điểm đo sâu
n: là số lượng điểm kiểm tra
Δ: là số chênh độ sâu được xác định như sau:
- Khi sử dụng phương tiện đo sâu hồi âm đơn tia hoặc đo sâu hồi âm đa tia theo tuyến thì Δ là số chênh giữa tuyến đo sâu và tuyến đo kiểm tra tại giao điểm của 02 tuyến đo; độ sâu tại giao điểm này được nội suy từ 02 điểm đo sâu gần nhất trước và sau giao điểm trên từng tuyến .
- Khi sử dụng phương tiện đo sâu hồi âm đa tia quét phủ kín địa hình đáy biển thì Δ là số chênh độ sâu của các điểm trùng nhau thuộc phần dữ liệu chồng phủ giữa hai dải quét liền kề; độ sâu tại các điểm này được xuất ra từ dữ liệu của các dải quét theo mắt lưới ô vuông có kích thước 25 m x 25 m.
8. Sai số giới hạn về độ sâu của điểm đo sâu không được phép vượt quá 2,5 lần sai số trung phương. Số lượng các điểm kiểm tra có sai số lớn hơn 2,0 lần sai số trung phương không vượt quá 5 % tổng số điểm kiểm tra. Trong mọi trường hợp các sai số đều không được mang tính hệ thống.
9. Đối với các khu vực biển ven bờ, ven đảo không thể đo sâu bằng phương tiện đo sâu hồi âm, có thể thực hiện đo sâu đáy biển bằng một trong các phương pháp sau:
a) Sử dụng sào đo sâu có khắc vạch đến cm để thực hiện đo sâu. Độ sâu được đọc trên sào đo đến cm và phải thực hiện cải chính thủy triều cho dữ liệu đo sâu. Tọa độ của điểm đo sào được xác định bằng công nghệ DGNSS. Độ sâu, tọa độ các điểm đo sâu bằng sào phải được ghi đầy đủ vào Sổ đo sào theo Mẫu số 2 Phụ lục II của Thông tư này;
b) Khi sử dụng công nghệ RTK để xác định tọa độ, độ cao các điểm chi tiết địa hình đáy biển thực hiện theo Điều 28 của Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật trong công tác đo đạc trực tiếp địa hình phục vụ việc lập bản đồ địa hình và cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000; trường hợp sử dụng dịch vụ dữ liệu của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia thì thực hiện theo quy định tại Điều 21 Phụ lục 09 và Phụ lục 10 của Thông tư số 03/2020/TT -BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia và Điều 29 của Thông tư số 68/2015/TT-BTNMT.
10. Khi thực hiện đo sâu địa hình đáy biển theo quy định tại khoản 9 Điều này phải ưu tiên thu nhận điểm đo sâu tại các vị trí mà địa hình có sự biến đổi để thể hiện đúng, đầy đủ bề mặt địa hình. Trong mọi trường hợp mật độ điểm đo sâu phải đạt từ 25 đến 30 điểm trên 01 km2.
Điều 12. Lấy mẫu chất đáy
1. Việc lấy mẫu chất đáy chỉ được thực hiện theo yêu cầu đối với từng dự án cụ thể. Mẫu chất đáy lấy bằng gàu múc, ống phóng hoặc có thể kết hợp với các phương pháp giải đoán hình ảnh sonar.
2. Mật độ lấy mẫu đảm bảo ít nhất 25 km2 có 1 mẫu và phủ đều trên phạm vi thi công.
3. Việc xác định vị trí điểm lấy mẫu chất đáy được quy định như đối với việc xác định vị trí điểm đo sâu quy định tại khoản 5 Điều 11 của Thông tư này. Sai số trung phương xác định vị trí mặt phẳng của các điểm lấy mẫu không vượt quá 15 m. Vị trí điểm lấy mẫu thực tế so với thiết kế không được vượt quá 20 m.
4. Mẫu chất đáy được phân tích tại thực địa và lưu hình ảnh chụp mẫu. Trường hợp cần thiết thì phải lưu mẫu để phân tích thí nghiệm trong phòng. Các thông tin về mẫu chất đáy phải được ghi đầy đủ vào Sổ lấy mẫu chất đáy theo Mẫu số 5 Phụ lục II của Thông tư này.
Điều 13. Thu nhận dữ liệu thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý và đo bù
1. Ngoài những đối tượng địa lý được thu nhận đầy đủ về không gian, thuộc tính ngoài thực địa thông qua phương pháp đo sâu hồi âm, lấy mẫu, các đối tượng địa lý trên biển khác quy định tại Phụ lục I của Thông tư này phải được thu nhận đầy đủ vị trí và các thông tin thuộc tính kèm theo từ các tài liệu được thu thập và chuẩn bị tại khoản 4 Điều 6 của Thông tư này hoặc thu nhận bằng phương pháp quan sát, ghi nhận đồng thời trong quá trình đo sâu hay bằng các phương pháp đo đạc quy định tại khoản 9 Điều 11 của Thông tư này, theo nguyên tắc sau:
a) Đối với các đối tượng địa lý nổi trên mặt biển hoặc nửa nổi nửa chìm thì vị trí được xác định bằng GNSS, chiều cao có thể được xác định bằng GNSS, thước thép hoặc đo cao lượng giác. Đối tượng địa lý nửa nổi nửa chìm được đo đạc, xác định vị trí khi đối tượng đó lộ rõ nhất trên biển;
b) Đối với các đối tượng địa lý có đồ hình vẽ được theo tỷ lệ thì phải xác định vị trí đường bao và tâm của công trình, địa vật đó; trường hợp đối tượng địa lý có diện tích nhỏ không vẽ được theo tỷ lệ thì phải xác định vị trí tâm của đối tượng đó bằng đo đạc trực tiếp hoặc tính toán gián tiếp;
c) Đối với các đối tượng địa lý chìm hoàn toàn dưới mặt nước thì đối tượng đó được đo đạc, xác định hình dạng, vị trí như quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp sử dụng phương tiện đo sâu hồi âm đơn tia, trong quá trình đo nếu phát hiện có địa hình, địa vật đặc biệt cần tăng dày mật độ điểm đo sâu để thể hiện chi tiết bề mặt địa hình đáy biển thì phải thực hiện đo bù. Việc đo bù được thực hiện như đối với đo sâu địa hình đáy biển nhưng với khoảng cách giữa hai tuyến đo liền kề từ 25 m - 50 m tùy thuộc đối tượng phát hiện và chỉ thực hiện trong phạm vi địa hình, địa vật đặc biệt đó.
Điều 14. Xử lý số liệu đo sâu, lập mô hình số độ cao
1. Dữ liệu đo sâu sau khi thu nhận phải được rà soát, loại bỏ các điểm có giá trị bất thường trước khi đưa vào xử lý, tính toán.
2. Xử lý số liệu đo sâu
a) Sử dụng số liệu quan trắc mực nước thu nhận theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này để thực hiện cải chính thủy triều cho số liệu đo sâu và số liệu đo sâu kiểm tra;
b) Số liệu đo sâu và số liệu đo sâu kiểm tra sau khi được cải chính thủy triều phải được biên tập sao cho tại mỗi điểm đo sâu chi tiết phải có các giá trị tọa độ, độ cao để phục vụ kiểm tra, đánh giá độ chính xác về độ sâu của điểm đo sâu theo 4.2.2, 4.2.3, 4.2.4 Phần II của QCVN 70:2022/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về về bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000, 1:100.000 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BTNMT ngày 30 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đối với số liệu đo sâu bằng phương tiện đo sâu hồi âm đơn tia, chỉ thực hiện kiểm tra với các khu vực có độ dốc địa hình < 5o. Kết quả kiểm tra, đánh giá độ chính xác về độ sâu của điểm đo sâu được biên tập thành tệp Kết quả kiểm tra số liệu đo sâu theo Mẫu số 7 Phụ lục II của Thông tư này;
c) Sau khi số liệu đo sâu được đánh giá độ chính xác đạt yêu cầu, cần thực hiện xuất số liệu theo từng tuyến đo sâu theo nguyên tắc khoảng cách giữa hai (02) điểm đo sâu liên tiếp không quá 100m đối với dữ liệu đo sâu hồi âm đơn tia và theo dạng mắt lưới 25 m x 25 m đối với dữ liệu đo sâu hồi âm đa tia.
3. Lập mô hình số độ cao
a) Mô hình số độ cao được lập từ số liệu đo sâu đã được xử lý tại điểm c khoản 2 Điều này;
b) Độ chính xác của mô hình số độ cao cần thành lập thực hiện theo quy định tại Mục B.5 Phụ lục B của QCVN 71:2022/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000, 1:100.000 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2022/TT-BTNMT ngày 30 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Dữ liệu đo sâu và Mô hình số độ cao
a) Số liệu đo sâu sau khi xuất theo từng tuyến đo sâu được biên tập theo định dạng thống nhất (X, Y, h).
Trong đó:
X, Y: tọa độ điểm đo sâu;
h: độ cao của điểm đo sâu.
b) Sản phẩm mô hình số độ cao có định dạng Raster (GeoTIFF-32 bit) và ASCII. Sản phẩm mô hình số độ cao phải được kiểm tra đạt chất lượng theo quy định tại phần C.4.4 Phụ lục C của QCVN 71:2022/BTNMT.
CHƯƠNG III. XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ QUỐC GIA TỶ LỆ 1:50.000 TỪ DỮ LIỆU ĐO SÂU HỒI ÂM
Điều 15. Quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 từ dữ liệu đo sâu hồi âm
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 từ dữ liệu đo sâu hồi âm thực hiện theo quy trình dưới đây:
Hình 2: Sơ đồ quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
tỷ lệ 1:50.000 từ dữ liệu đo sâu hồi âm
Điều 16. Rà soát, phân loại và biên tập nội dung dữ liệu
1. Sử dụng mô hình số độ cao được lập tại khoản 3 Điều 14 để nội suy các đường bình độ sâu cơ bản, bình độ sâu nửa khoảng cao đều, bình độ sâu phụ theo quy định tại phần B5 Phụ lục B của QCVN 71:2022/BTNMT.
2. Sử dụng dữ liệu đo sâu để lọc điểm độ sâu, ghi chú độ sâu với mật độ khoảng 20 - 25 điểm /1 km2. Sử dụng mô hình số độ cao trích xuất bổ sung các điểm độ sâu đặc trưng địa hình.
3. Thực hiện rà soát, phân loại các đối tượng địa lý đã thu nhận theo từng nhóm lớp, kiểu dữ liệu hình học và thuộc tính theo quy định tại Điều 3 Phần II và Phụ lục A của QCVN 71:2022/BTNMT.
4. Sau khi phân loại, tiến hành biên tập dữ liệu các đối tượng địa lý. Quá trình biên tập, các đối tượng địa lý phải được chính xác hóa về vị trí, quan hệ không gian giữa các đối tượng theo quy định tại Điều 4 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT.
5. Sản phẩm của bước công việc này là các tệp dữ liệu đã được rà soát, phân loại và biên tập nội dung, đủ điều kiện để nhập vào cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.
Điều 17. Tạo lập cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
1. Tạo khung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia bằng phần mềm chuyên dụng. Tệp dữ liệu khung được tạo lập mới bao gồm các gói dữ liệu và lớp dữ liệu rỗng có mô hình cấu trúc được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 2 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT để phục vụ cho việc nhập nội dung dữ liệu nền địa lý quốc gia. Sản phẩm của bước công việc này là tệp khung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia định dạng GDB.
2. Trường hợp kiểu đối tượng địa lý trong mô hình cấu trúc quy định tại Điều 2 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT có 01 thuộc tính không gian thì đặt tên lớp trong cơ sở dữ liệu theo nguyên tắc sau:
a) Tên lớp là tên kiểu đối tượng được quy định tại Điều 2 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT.
b) Đặt tên tiếng Việt (Alias) của kiểu đối tượng quy định tại Điều 2 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT tương ứng với tên kiểu đối tượng được quy định tại Phụ lục B của QCVN 71:2022/BTNMT.
3. Trường hợp kiểu đối tượng địa lý trong mô hình cấu trúc quy định tại Điều 2 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT có 02 thuộc tính không gian trở lên thì đặt tên lớp trong cơ sở dữ liệu theo nguyên tắc sau:
a) Tên lớp là tên kiểu đối tượng được quy định tại Điều 2 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT đồng thời thêm chữ viết tắt kiểu dữ liệu tương ứng quy định tại Điều 5 Phần I của QCVN 71:2022/BTNMT.
b) Đặt tên tiếng Việt (Alias) của kiểu đối tượng quy định tại Điều 2 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT tương ứng với tên kiểu đối tượng được quy định tại Phụ lục B của QCVN 71:2022/BTNMT đồng thời thêm kiểu dữ liệu bằng tiếng Việt tương ứng quy định tại Điều 5 Phần I của QCVN 71:2022/BTNMT.
4. Nhập dữ liệu đã được rà soát, phân loại và biên tập nội dung theo quy định tại Điều 16 vào tệp khung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia bằng các phần mềm chuyên dụng để tạo lập cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia. Trong quá trình thực hiện phải giám sát đảm bảo toàn bộ dữ liệu được nhập đầy đủ vào cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.
5. Đối với khu vực xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia có tiếp giáp với đất liền, đảo, quần đảo đã có cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia cùng tỷ lệ phải tiến hành thu thập và nhập vào khung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia để đảm bảo việc tiếp biên và đảm bảo dữ liệu phủ kín mảnh khi thành lập bản đồ. Trường hợp khu vực này chỉ có cơ sở dữ liệu tỷ lệ lớn hơn 1:50.000 thì cần thực hiện tổng quát hóa về cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1:50.000.
Điều 18. Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
1. Dữ liệu sau khi nhập vào khung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được chuẩn hoá theo đúng mô hình cấu trúc được quy định tại Điều 2 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT.
2. Nội dung chuẩn hóa bao gồm: mức độ đầy đủ của dữ liệu; mức độ phù hợp của dữ liệu với mô hình cấu trúc dữ liệu; độ chính xác vị trí của đối tượng địa lý; độ chính xác thời gian của đối tượng địa lý; mức độ chính xác của thuộc tính chủ đề. Kết quả chuẩn hóa phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành phần được quy định theo phần C.1 Phụ lục C của QCVN 71:2022/BTNMT.
3. Trường hợp phạm vi xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý liền kề với cơ sở dữ liệu nền địa lý đã có thì phải tiến hành tiếp biên dữ liệu theo quy định tại 4.3 Phần II QCVN 71:2022/BTNMT.
Điều 19. Trình bày cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia
Trình bày cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia theo các quy định tại Điều 5, Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT. Sản phẩm của bước công việc này là tệp dữ liệu trình bày kèm theo cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa theo Điều 18 của Thông tư này.
Điều 20. Xây dựng siêu dữ liệu
1. Nội dung siêu dữ liệu thực hiện theo quy định tại Phụ lục I của QCVN 42:2020/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chuẩn thông tin địa lý cơ sở ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BTNMT ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy trình xây dựng siêu dữ liệu phải tuân thủ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12687:2019 Cơ sở dữ liệu địa lý - Xây dựng siêu dữ liệu được công bố theo Quyết định số 3281/QĐ-BKHCN ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia. Sản phẩm của bước công việc này là tệp siêu dữ liệu được đóng gói ở định dạng XML ISO 19139.
2. Siêu dữ liệu được xây dựng và tích hợp cùng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia ở các mức: Bộ dữ liệu, tập dữ liệu.
Điều 21. Đóng gói cơ sở dữ liệu
1. Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 được đóng gói theo phạm vi ranh giới của khu vực xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia. Định dạng dữ liệu theo quy định từ 1.3 đến 1.6 Phần II của QCVN 71:2022/BTNMT.
2. Sản phẩm được ghi trên các thiết bị lưu trữ, nhãn thiết bị lưu trữ phải ghi đầy đủ các thông tin cơ bản và được xác nhận tính pháp lý, bao gồm: Phạm vi và tỷ lệ, tên chủ đầu tư, tên đơn vị thi công, tên đơn vị kiểm tra chất lượng, thời gian giao nộp sản phẩm. Trường hợp sản phẩm giao nộp được ghi trên nhiều thiết bị lưu trữ thì trên từng thiết bị lưu trữ phải ghi rõ số thứ tự của thiết bị lưu trữ đó trên tổng số thiết bị lưu trữ giao nộp. Đóng gói cơ sở dữ liệu theo quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này.
CHƯƠNG IV. THÀNH LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH ĐÁY BIỂN TỶ LỆ 1:50.000 TỪ CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN ĐỊA LÝ QUỐC GIA TỶ LỆ TƯƠNG ỨNG
Điều 22. Quy trình thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ tương ứng
Việc thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ tương ứng thực hiện theo quy trình dưới đây:
Hình 3: Sơ đồ quy trình thành lập bản đồ địa hình đáy biển
tỷ lệ 1:50.000 từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ tương ứng
Điều 23. Công tác chuẩn bị
1. Chuẩn bị thiết bị máy vi tính, phần mềm có chức năng biên tập bản đồ địa hình quốc gia từ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các thiết bị khác có liên quan.
2. Chuẩn bị cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:50.000 khu vực cần thành lập bản đồ địa hình đáy biển.
3. Chuẩn bị thư viện ký hiệu số bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000.
Điều 24. Trình bày hiển thị bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000
1. Căn cứ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, tiến hành đánh giá tính chất đặc trưng của khu vực cần thành lập bản đồ địa hình đáy biển theo các tiêu chí về địa hình, địa vật bao gồm: độ dốc của địa hình đáy biển, khu vực có đất liền, đảo hoặc chỉ có biển để xây dựng tài liệu biên tập kỹ thuật cho phù hợp.
2. Trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia nêu trên, xây dựng tài liệu biên tập kỹ thuật nhằm đáp ứng các yêu cầu về biên tập, trình bày bản đồ theo quy định. Lập bản hướng dẫn áp dụng chi tiết cho từng khu vực.
3. Thực hiện trình bày các đối tượng địa lý trong cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia theo nguyên tắc đối tượng địa lý và thông tin thuộc tính của đối tượng đó sẽ được liên kết với ký hiệu tương ứng trong thư viện ký hiệu số bản đồ địa hình quốc gia. Nguyên tắc trình bày các đối tượng địa lý theo ký hiệu của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000 quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
4. Các nhóm lớp dữ liệu của bản đồ địa hình đáy biển được đặt tên và sắp xếp thứ tự hiển thị lần lượt như sau:
a) Nhóm lớp cơ sở toán học;
b) Nhóm lớp dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính;
c) Nhóm lớp dữ liệu giao thông;
d) Nhóm lớp dữ liệu thủy văn;
đ) Nhóm lớp dữ liệu dân cư;
e) Nhóm lớp dữ liệu địa hình;
g) Nhóm lớp dữ liệu phủ thực vật.
5. Trong mỗi nhóm dữ liệu của bản đồ địa hình đáy biển, thứ tự hiển thị các lớp dữ liệu lần lượt như sau:
a) Lớp tên và ghi chú các đối tượng địa lý trong nhóm lớp dữ liệu đó;
b) Các lớp dữ liệu của đối tượng địa lý có kiểu dữ liệu dạng điểm;
c) Các lớp dữ liệu của đối tượng địa lý có kiểu dữ liệu dạng đường;
d) Các lớp dữ liệu của đối tượng địa lý có kiểu dữ liệu dạng vùng;
đ) Từng lớp dữ liệu được hiển thị lần lượt theo thứ tự quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
6. Quy tắc trình bày tên và ghi chú cho đối tượng địa lý
a) Tên và ghi chú các đối tượng địa lý được trình bày trong một lớp và được hiển thị từ thuộc tính tên và các thuộc tính có chứa thông tin cần ghi chú thuyết minh trên bản đồ địa hình đáy biển theo quy định từ 2.2 đến 2.9 Phần II của QCVN 70:2022/BTNMT;
b) Tên và ghi chú các đối tượng địa lý dạng điểm được ưu tiên trình bày bên phải ký hiệu, căn cứ theo kích thước ký hiệu để xác định khoảng cách từ tâm ký hiệu đến vị trí đặt tên và ghi chú thích hợp, đảm bảo khoảng cách từ mép ngoài của ký hiệu đến vị trí đặt tên hoặc ghi chú là 0,5 mm trên bản đồ. Đối với đối tượng dạng điểm là điểm độ cao, độ sâu khoảng cách từ vị trí điểm độ cao, độ sâu đến vị trí đặt ghi chú là 0,3 mm;
c) Tên và ghi chú các đối tượng địa lý dạng đường được đặt trên đối tượng địa lý đó và lặp lại với khoảng cách từ 10 cm đến 15 cm trên bản đồ;
d) Tên và ghi chú cho đối tượng địa lý dạng vùng được đặt ở trung tâm của vùng;
đ) Không hiển thị tên và ghi chú đối với các doanh trại quân đội, trụ sở, công trình quốc phòng;
e) Không hiển thị tên đối với các điểm tọa độ, độ cao nhà nước, các điểm cơ sở đo đạc.
7. Đánh giá sơ bộ kết quả trình bày hiển thị bản đồ địa hình đáy biển
a) Sau khi trình bày hiển thị các yếu tố nội dung bản đồ địa hình đáy biển, cần tiến hành đánh giá sự phù hợp của từng mảnh bản đồ với quy định thể hiện nội dung tại 2.2 đến 2.9 Phần II của QCVN 70:2022/BTNMT;
b) Trường hợp phần lớn tên và ghi chú được thể hiện trên bản đồ phù hợp, tiến hành ghi nhận kết quả để làm cơ sở lập tài liệu hướng dẫn biên tập kỹ thuật;
c) Trường hợp còn tồn tại nhiều tên và ghi chú thể hiện trên bản đồ không phù hợp với quy định hoặc chồng đè nhiều lên nhau cần tiến hành thực hiện lại bước công việc tại khoản 6 Điều này trên cơ sở đặt lại các thông số cho phù hợp.
Điều 25. Biên tập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000
1. Biên tập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 được thực hiện theo phạm vi từng mảnh bản đồ và tài liệu biên tập kỹ thuật, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật về nội dung và ký hiệu của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000 tại QCVN 70:2022/BTNMT.
2. Biên tập đối với ký hiệu bản đồ
a) Việc biên tập đối với nhóm ký hiệu bản đồ địa hình được thực hiện nếu việc trình bày hiển thị tại Điều 24 của Thông tư này chưa đảm bảo đúng so với quy định của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000;
b) Khi có nhiều đối tượng địa lý trùng nhau hoặc quá gần nhau thì việc biên tập thực hiện theo 2.2.8 Phần II của QCVN 70:2022/BTNMT;
c) Trường hợp các đối tượng hình tuyến sử dụng ký hiệu cùng màu với ký hiệu chữ hoặc ký hiệu độc lập mà không thể xê dịch vị trí thì được phép ngắt các đối tượng hình tuyến tạo khoảng cách 0,2 mm trên bản đồ giữa các ký hiệu để có thể phân biệt rõ hai ký hiệu cùng màu;
d) Trường hợp những đối tượng dạng vùng có diện tích nhỏ mà quy định thể hiện bằng việc trải ký hiệu theo vùng, cần đảm bảo thể hiện tối thiểu 01 ký hiệu đại diện vào trung tâm vùng;
đ) Đối với nhóm lớp dữ liệu giao thông cần biên tập: ký hiệu taluy đặt theo hướng dốc địa hình; các đối tượng có ký hiệu không theo tỷ lệ phải đặt theo hướng của tuyến giao thông; các ký hiệu khu bảo tồn thiên nhiên trên biển, ký hiệu khu vực lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, ký hiệu vùng cấm trên biển biên tập đảm bảo đầy đủ và rõ ký hiệu;
e) Đối với nhóm lớp dữ liệu thuỷ văn cần tạo thêm lớp ký hiệu hướng dòng chảy, hướng thủy triều trong đó ký hiệu hướng dòng chảy, hướng thủy triều được đặt tại vị trí phù hợp với độ dốc địa hình. Các ký hiệu bờ kè, bờ cạp, taluy đê đặt theo hướng dốc địa hình; Các ký hiệu sử dụng cho các đối tượng vùng: bãi bồi ven sông, hồ biển; đầm lầy, đá dưới nước phải theo đúng hướng được quy định tại Phụ lục B Ký hiệu của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000 tại QCVN 70:2022/BTNMT; biên tập ký hiệu rạn san hô đảm bảo đủ và rõ ký hiệu;
g) Đối với nhóm lớp dữ liệu dân cư cần lưu ý biên tập đối với các bãi tắm, khu du lịch, giàn khoan, tháp khai thác dầu, khí đúng vị trí. Các đối tượng hạ tầng kỹ thuật trên biển như: đường cáp tải điện trên biển, đường cáp viễn thông trên biển, đường ống dẫn dầu dưới biển nếu có yêu cầu thể hiện phải biên tập cho đúng, đủ và rõ nét ký hiệu;
h) Đối với nhóm lớp dữ liệu địa hình cần tạo thêm lớp ký hiệu nét chỉ dốc cho đối tượng đường bình độ sâu; trong đó ký hiệu nét chỉ dốc được đặt tại vị trí phù hợp theo hướng dốc của địa hình. Biên tập cho đúng hướng của ký hiệu đối với các đối tượng địa hình đặc biệt đáy biển được thể hiện theo tỷ lệ hoặc không theo tỷ lệ;
i) Đối với nhóm lớp dữ liệu phủ thực vật cần biên tập đủ nét ký hiệu trong phạm vi các vùng thực vật sau khi trải ký hiệu theo vùng.
3. Biên tập đối với tên và ghi chú
a) Trường hợp tên và ghi chú các đối tượng địa lý được trình bày tại Điều 24 của Thông tư này chưa đảm bảo đúng so với quy định của bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:50.000 cần phải được biên tập theo quy định;
b) Kiểm tra, rà soát và biên tập tên, ghi chú của các đối tượng hình tuyến trong toàn bộ khu vực;
c) Đối với các đối tượng hình tuyến thể hiện bằng ký hiệu theo tỷ lệ, có đủ độ rộng để thể hiện tên và ghi chú thì giữ nguyên ;
d) Đối với các đối tượng hình tuyến thể hiện bằng ký hiệu nửa theo tỷ lệ cần tiến hành biên tập, xê dịch tên và ghi chú của đối tượng hình tuyến lên phía trên hoặc phía dưới đối tượng hình tuyến đó có tính đến mật độ của các đối tượng địa lý khác lân cận để tránh chồng đè.
4. Hướng chữ của tên và ghi chú được thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Khi hướng của địa vật là Đông - Tây thì đầu chữ hướng về phía Bắc;
b) Khi hướng địa vật là Bắc - Nam thì đầu chữ hướng về phía Tây;
c) Khi hướng địa vật là Tây Bắc - Đông Nam thì đầu chữ hướng về phía Đông Bắc;
d) Khi hướng địa vật là Đông Bắc - Tây Nam thì đầu chữ hướng về phía Tây Bắc;
đ) Trường hợp đối tượng hình tuyến có dạng đường cong kéo dài thì đầu chữ hướng về phía Bắc;
e) Trường hợp tên và ghi chú chạm, dính hoặc chồng đè nhau thì tiến hành xê dịch vị trí của tên và ghi chú của các đối tượng địa lý đó theo thứ tự ưu tiên quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
5. Trường hợp mật độ tên và ghi chú quá dày đặc ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung, khả năng dung nạp của bản đồ địa hình, cần tiến hành biên tập theo các bước như sau:
a) Rà soát tên của đối tượng địa lý chiếm nhiều diện tích trên bản đồ thì viết tắt danh từ chung theo quy định tại Phụ lục C của QCVN 70:2022/BTNMT;
b) Lựa chọn giữ lại tên và ghi chú cho các đối tượng địa lý có ý nghĩa quan trọng, nổi tiếng hoặc có ý nghĩa định hướng;
c) Sau khi thực hiện các bước biên tập ở trên mà mật độ tên và ghi chú vẫn ảnh hưởng đến việc trình bày bản đồ thì được phép thu nhỏ cỡ chữ bằng 2/3 cỡ chữ quy định trong ký hiệu.
6. Đối với các đối tượng địa lý nằm trên hai hoặc nhiều mảnh bản đồ cần lưu ý biên tập để thể hiện đầy đủ tên và ghi chú của đối tượng địa lý đó trên các mảnh bản đồ theo đúng quy định.
7. Biên tập, trình bày khung bản đồ tuân thủ theo các quy định tại 2.3 Phần II và Phụ lục D của QCVN 70:2022/BTNMT. Đối với các mảnh bản đồ chỉ có phần biển thì không thể hiện chú giải cho các đối tượng địa lý trên đất liền và đảo.
Điều 26. Xuất bản đồ theo các định dạng sản phẩm quy định
1. Xuất tệp dữ liệu bản đồ địa hình đáy biển sang định dạng GeoTiFF - 24 bit.
2. Xuất tệp dữ liệu bản đồ địa hình đáy biển sang dạng GeoPDF độ phân giải 300 dpi. Dữ liệu dạng GeoPDF phải được tách riêng từng lớp theo quy định tại Phần II.2 Phụ lục VI của Thông tư này.
Điều 27. Xây dựng siêu dữ liệu bản đồ
1. Xây dựng siêu dữ liệu bản đồ là bước công việc cuối sau khi hoàn thành các nội dung biên tập bản đồ địa hình.
2. Nội dung siêu dữ liệu tuân theo quy định tại Phụ lục I của QCVN 42:2020/BTNMT. Thực hiện xây dựng siêu dữ liệu theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này. Sản phẩm của bước công việc này là tệp siêu dữ liệu được đóng gói ở định dạng XML ISO 19139.
3. Sau khi xây dựng xong siêu dữ liệu cần kiểm tra chất lượng siêu dữ liệu trước khi tích hợp vào tệp dữ liệu bản đồ số quy định tại Điều 26 của Thông tư này.
Điều 28. Đóng gói sản phẩm bản đồ
1. Sản phẩm bản đồ địa hình đáy biển tại Điều 26 của Thông tư này và các sản phẩm trung gian là cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia dùng để thành lập bản đồ địa hình quốc gia ở định dạng GDB, tệp trình bày bản đồ địa hình quốc gia ở định dạng MXD được đóng gói theo phiên hiệu mảnh bản đồ và kèm theo tài liệu biên tập kỹ thuật.
2. Sản phẩm giao nộp được ghi trên các thiết bị lưu trữ, nhãn thiết bị lưu trữ phải ghi đầy đủ các thông tin cơ bản và được xác nhận tính pháp lý, bao gồm: phiên hiệu mảnh bản đồ, tên chủ đầu tư, tên đơn vị thi công, tên đơn vị kiểm tra chất lượng, thời gian giao nộp sản phẩm. Trường hợp sản phẩm giao nộp được ghi trên nhiều thiết bị lưu trữ thì trên từng thiết bị lưu trữ phải ghi rõ số thứ tự của thiết bị lưu trữ đó trên tổng số thiết bị lưu trữ giao nộp. Trường hợp danh mục phiên hiệu mảnh bản đồ trong phạm vi khu vực cần thành lập bản đồ không thể hiện đủ trên phạm vi mặt thiết bị lưu trữ thì được ghi ra giấy A4 và đính kèm thiết bị lưu trữ. Đóng gói sản phẩm bản đồ theo quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này.
CHƯƠNG V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 01 năm 2025.
2. Quyết định số 03/2007/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 hết hiệu lực từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 30. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với các nội dung công việc có liên quan đến đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000 đang triển khai thực hiện trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:50.000.
2. Các nội dung công việc được triển khai từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.
Điều 31. Tổ chức thực hiện
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam có trách nhiệm phổ biến, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: - Văn phòng Quốc hội; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT; - Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT; - Lưu: VT, ĐĐBĐVN. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Phương Hoa |