BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
- BỘ CÔNG AN
-------------
Số: 01/2014/TTLT-BNNPTNT-BCA
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2014
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ
của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách
---------------
Căn cứ Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm;
Căn cứ Nghị định số199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Căn cứ Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Nghị định số 26/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Lực lượng Kiểm lâm.
2. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Điều 3. Nguyên tắc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ
1. Tuân thủ đúng quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư này.
2. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
3. Bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đúng kế hoạch và đúng đối tượng sử dụng.
4. Vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ chỉ được giao cho những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, truy quét các tụ điểm khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của pháp luật.
Điều 4. Các loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng Kiểm lâm
1. Vũ khí quân dụng gồm:
a) Súng ngắn, súng tiểu liên;
b) Các loại đạn dùng cho các loại súng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Công cụ hỗ trợ gồm:
a) Các loại súng dùng để bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu và các loại đạn dùng cho các loại súng này;
b) Các loại phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê;
c) Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su;
d) Áo giáp, găng tay bắt dao, mũ chống đạn, khoá số tám;
đ) Động vật nghiệp vụ.
Điều 5. Các loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách
Căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tế hoạt động, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được trang bị các loại công cụ hỗ trợ sau:
1. Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su.
2. Các loại phương tiện xịt hơi cay.
3. Áo giáp, găng tay bắt dao.
4. Mũ chống đạn.
Chương II
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
VŨ KHÍ QUÂN DỤNG VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ
Điều 6. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng
1. Cục Kiểm lâm.
2. Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Chi cục Kiểm lâm).
3. Hạt Kiểm lâm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Hạt Kiểm lâm huyện).
4. Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ.
5. Kiểm lâm vùng, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.
6. Trạm Kiểm lâm địa bàn, Trạm Kiểm lâm cửa rừng.
Điều 7. Đối tượng được giao sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ
1. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 6 Thông tư này có trách nhiệm giao vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cán bộ Kiểm lâm có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 11 Thông tư này để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát lâm sản, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, truy quét các tụ điểm khai thác, mua, bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu các đơn vị có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm giao công cụ hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Điều 8. Sử dụng vũ khí quân dụng
Khi thi hành công vụ, người được giao sử dụng vũ khí quân dụng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc nổ súng phải tuân thủ quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Điều 9 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sau đây viết gọn là Nghị định số 25/2012/NĐ-CP) và các quy định hiện hành khác của pháp luật về sử dụng vũ khí quân dụng trong khi thi hành công vụ.
Điều 9. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ
1. Các đối tượng quy định tại Điều 6 Thông tư này.
2. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Điều 10. Sử dụng công cụ hỗ trợ
Khi thi hành công vụ, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân thủ theo quy định tại Điều 33 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khoản 4 Điều 24 Nghị định số 25/2012/NĐ-CP, khoản 2 Điều 18 Thông tư số 30/2012/TT-BCA ngày 29/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh
Điều 11. Tiêu chuẩn của người được giao sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ
1. Tiêu chuẩn của người được giao sử dụng vũ khí quân dụng:
a) Có phẩm chất đạo đức tốt;
b) Có sức khỏe phù hợp với công việc được giao, được cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên chứng nhận;
c) Được huấn luyện về chuyên môn, kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí.
2. Người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ.
Điều 12. Lập kế hoạch trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm
1. Cục Kiểm lâm lập kế hoạch trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đơn vị trực thuộc Cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.
2. Chi cục Kiểm lâm lập kế hoạch trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đơn vị trực thuộc Chi cục và Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.
3. Tổng cục Lâm nghiệp lập kế hoạch trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ chung của lực lượng Kiểm lâm trên toàn quốc trên cơ sở kế hoạch của Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định trang bị.
Điều 13. Cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với lực lượng Kiểm lâm trên toàn quốc theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
2. Cục trưởng Cục Kiểm lâm thực hiện việc cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với các đơn vị trực thuộc Cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.
3. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thực hiện việc cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc Chi cục, Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.
4. Việc cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải có quyết định bằng văn bản. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký quyết định cấp phát, điều chuyển, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2, 3 Điều này phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và Tổng cục Lâm nghiệp để theo dõi, quản lý.
Điều 14. Bảo quản, giao nhận vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ
1. Vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản tập trung tại kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ của cơ quan, đơn vị được trang bị, sử dụng. Kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải phân công người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 15 Thông tư này để bảo quản vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ. Người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, bảo quản theo quy định.
3. Việc giao, nhận vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ phải có sổ sách theo dõi, có đầy đủ chữ ký của người giao, người nhận.
4. Cán bộ Kiểm lâm, cán bộ, nhân viên lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ khi kết thúc nhiệm vụ, hết thời hạn được giao, thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để quản lý, bảo quản vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật phải bàn giao lại đầy đủ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và hồ sơ, sổ sách có liên quan cho cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.
5. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Tiêu chuẩn của người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ
1. Có phẩm chất đạo đức tốt.
2. Có sức khỏe phù hợp với công việc được giao.
3. Có chứng chỉ chuyên môn về quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ, chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp.
4. Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Điều 16. Sửa chữa, giao nộp, thanh lý vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ
1. Cục Kiểm lâm có trách nhiệm tổng hợp số lượng, chủng loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ bị hư hỏng của các đơn vị trực thuộc Cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp để làm thủ tục sửa chữa theo quy định của pháp luật.
2. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm tổng hợp số lượng, chủng loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ bị hư hỏng của các đơn vị trực thuộc Chi cục và Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh để làm thủ tục sửa chữa theo quy định của pháp luật.
3. Chủ rừng nơi có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm làm thủ tục sửa chữa công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định của pháp luật.
4. Đối với vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ bị hư hỏng không thể sửa chữa được hoặc đã hết hạn sử dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị tổng hợp và chuyển giao cho cơ quan Công an cấp giấy phép sử dụng để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao nộp vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho cơ quan Công an, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó có trách nhiệm báo cáo kết quả giao nộp bằng văn bản về Cục Kiểm lâm để theo dõi.
Điều 17. Đào tạo, tập huấn, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an có thẩm quyền tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cán bộ Kiểm lâm, cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách để được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Kinh phí bảo đảm cho công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ
1. Kinh phí mua sắm, cấp phát, điều chuyển, sửa chữa, thu hồi vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm lâm trên toàn quốc, xây dựng kho, nơi cất giữ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của các đơn vị thuộc Cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp do ngân sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp.
2. Kinh phí xây dựng kho, nơi cất giữ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh do ngân sách Kiểm lâm địa phương thực hiện.
3. Kinh phí mua sắm, sửa chữa công cụ hỗ trợ, xây dựng kho, nơi cất giữ công cụ hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách do chủ rừng đảm nhiệm.
Điều 19. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp và cơ quan Công an cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ về tình hình quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của cơ quan, đơn vị mình. Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 15 tháng 7, báo cáo năm gửi trước ngày 15 tháng 01 của năm sau.
2. Trường hợp bị mất vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ hoặc giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an gần nhất và cơ quan Công an cấp giấy phép sử dụng để phối hợp giải quyết, truy tìm; đồng thời, báo cáo bằng văn bản về Tổng cục Lâm nghiệp ngay sau khi phát hiện vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ hoặc giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ bị mất.
Chương III
TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG
VŨ KHÍ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ CỦA LỰC LƯỢNG
KIỂM LÂM VÀ LỰC LƯỢNG BẢO VỆ RỪNG CHUYÊN TRÁCH
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Quyết định trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm lâm trên toàn quốc.
2. Giao Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo Cục Kiểm lâm thực hiện:
a) Mua sắm, trang cấp, sửa chữa, quản lý vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm theo quy định của pháp luật;
b) Kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách;
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu chung về công tác quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách;
d) Tổng hợp báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách khi được giao.
Điều 21. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương:
a) Cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định của pháp luật.
b) Phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo đúng quy định của pháp luật.
2. Giao Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ sau:
a) Kiểm tra, hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách;
b) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Điều 22. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách
1. Thực hiện việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của cơ quan, đơn vị mình theo quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan về công tác quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ.
2. Chấp hành nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra, chế độ báo cáo theo quy định.
Điều 23. Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tổ chức tập huấn nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện việc phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ đã trang bị cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2014 và thay thế Quyết định số 94/2000/BNN-KL ngày 24/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ trong lực lượng Kiểm lâm.
Điều 25. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội giúp Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công an; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Lâm nghiệp) và Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để kịp thời hướng dẫn./.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
(Đã ký)
Đại tướng Trần Đại Quang
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tổng cục, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm;
- Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Công an;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
- Công báo; Website Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Lưu VT: BNNPTNT, BCA, TCLN.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Đã ký)
Cao Đức Phát
|