Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Thông báo 192/TB-VPCP 2019 Kết luận tại Hội nghị giải pháp phòng, chống Dịch tả lợn
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Thông báo 192/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 192/TB-VPCP | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo | Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 17/05/2019 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
tải Thông báo 192/TB-VPCP
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 192/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2019 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Ngày 13 tháng 5 năm 2019, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP (Ban chỉ đạo quốc gia); đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và đại diện các cơ quan truyền thông; tại phòng họp trực tuyến của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan của địa phương. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ NN&PTNT báo cáo tình hình và công tác triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP; ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành và các địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành và địa phương cùng với sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần hạn chế sự lây lan và thiệt hại do bệnh DTLCP gây ra. Phó Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động đồng hành cùng các cơ quan quản lý các cấp trong công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, còn một số cơ quan, địa phương chưa hiểu đúng tác hại của bệnh DTLCP, còn coi nhẹ, giao phó cho cơ quan thú y, chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các biện pháp phòng chống dịch chưa hiệu quả.
Bệnh DTLCP là bệnh rất nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, an ninh, trật tự, môi trường. Hiện nay, bệnh DTLCP vẫn đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bệnh xảy ra trên diện rộng, khả năng lây lan cao, chưa được kiểm soát, chưa có thuốc chữa và vắc xin phòng. Do đó, khả năng bệnh tiếp tục lây lan và bùng phát trở lại trong thời gian tới là rất cao.
Để từng bước ngăn chặn, tiến tới kiểm soát, loại bỏ được bệnh DTLCP ở nước ta, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và chính quyền các cấp nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP, trước mắt tập trung vào những nhiệm vụ sau:
1. Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp Luật thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 16, Chỉ thị số 04, các văn bản của Bộ NN&PTNT và của Ban chỉ đạo quốc gia.
2. Các Bộ, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia thường xuyên tổ chức các Đoàn công tác liên ngành đến các địa phương để kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc chỉ đạo việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp Luật thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
3. Giao Bộ NN&PTNT:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy;
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch. Cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được phép nhập lợn từ cơ sở chăn nuôi không nhiễm mầm bệnh để giết mổ, xuất bán các sản phẩm lợn sau khi giết mổ trong và ngoài vùng dịch dưới sự giám sát của cơ quan thú y theo đúng quy định;
- Hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng các trạm kiểm dịch quốc gia bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tái cấu trúc ngành chăn nuôi, trong đó có ngành chăn nuôi lợn tạo ra các sản phẩm sạch, sản xuất tập trung, kiểm soát tốt dịch bệnh; đồng thời, có các sản phẩm thay thế, bù đắp khi thiếu hụt thịt lợn.
4. Các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia căn cứ chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo hệ thống ngành dọc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan về công tác phòng, chống bệnh DTLCP.
- Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh nhằm giữ ổn định giá lợn không bị rơi xuống thấp trong giai đoạn trước mắt và có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho nhu cầu thị trường thời gian tới; không để sốt giá thịt lợn vào những tháng, quý tới.
- Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ NN&PTNT và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để tổ chức chống dịch.
- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trong công tác bảo vệ môi trường.
- Giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn việc thông tin, tuyên truyền đảm bảo phòng, chống dịch có hiệu quả, bảo vệ sản xuất, tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển chung.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, trang bị kiến thức nhằm nâng cao ý thức của người dân về phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan.
5. Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp phải quyết liệt hơn và chịu trách nhiệm:
- Tổ chức phòng, chống bệnh DTLCP, huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương (kể cả lực lượng công an, quân đội, dân quân,...khi cần thiết) chủ động giám sát, phát hiện sớm và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, chấm dứt ngay tình trạng để lâu, vứt xác lợn ra môi trường làm ô nhiễm, lây lan dịch bệnh;
- Tiếp tục duy trì, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y; đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp
- Chỉ đạo, hỗ trợ cụ thể để người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi, liên kết sản xuất chuỗi thịt lợn an toàn dịch bệnh;
- Thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh, nâng cao hơn nữa việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung;
- Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh DTLCP;
- Xác định rõ và nâng cao vai trò người đứng đầu của địa phương đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao chủ động làm việc, đề nghị các tổ chức quốc tế (FAO, OIE) và các nước (Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, EU,...) xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động, kịp thời thông tin, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh cho các tổ chức quốc tế theo quy định.
7. Đề nghị các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức để tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết và khẩn trương tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |