Thông tư liên tịch 08/2008/TTLT-BQP-BTNMT quản lý kho đạn dược, vật liệu nổ; nhà máy sản xuất đạn dược

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi VB

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Thông tư liên tịch 08/2008/TTLT-BQP-BTNMT

Thông tư liên tịch 08/2008/TTLT-BQP-BTNMT của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 148/2006/NĐ-CP ngày 04/12/2006 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ; nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý
Cơ quan ban hành: Bộ Quốc phòng; Bộ Tài nguyên và Môi trườngSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:08/2008/TTLT-BQP-BTNMTNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tư liên tịchNgười ký:Nguyễn Huy Hiệu; Trần Thế Ngọc
Ngày ban hành:28/01/2008Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Lĩnh vực khác

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Thông tư liên tịch 08/2008/TTLT-BQP-BTNMT

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Thông tư liên tịch 08/2008/TTLT-BQP-BTNMT DOC DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.pdf) Thông tư liên tịch 08/2008/TTLT-BQP-BTNMT PDF PDF (Bản có dấu đỏ)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ QUỐC PHÒNG – BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

___________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_______________________

Số: 08/2008/TTLT-BQP-BTNMT

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2008

 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ vành đai an toàn kho đạn dược, vật liệu nổ; nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý

___________

 

Căn cứ Luật đất đai năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý;

Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ; nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý (sau đây gọi là Nghị định số 148/2006/NĐ-CP) như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc xác định giới hạn, cắm mốc giới, quản lý, sử dụng đất thuộc Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ; nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ (sau đây gọi chung là kho đạn dược) do Bộ Quốc phòng quản lý đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối tượng áp dụng

a) Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan Tài nguyên và Môi trường, cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn;

b) Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng;

c) Các tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống có liên quan đến phạm vi Vành đai an toàn kho đạn dược.

II. XÁC ĐỊNH VÀNH ĐAI AN TOÀN VÀ CỘT MỐC ĐÁNHDẤU GIỚI HẠN VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO ĐẠN DƯỢC

1. Xác định Vành đai an toàn kho đạn dược

Vành đai an toàn kho đan dược bao gồm các yếu tố: Đường cơ bản, giới hạn trong của Vành đai an toàn, giới hạn ngoài của Vành đai an toàn, Vùng cấm, Vùng sử dụng đất có điều kiện.

1.1. Đường cơ bản:

Đường cơ bản quy định trong Thông tư này là đường bao khép kín nối các điểm hoặc cạnh ngoài của nền các nhà kho đạn dược ngoài cùng của khu vực kho đạn dược (đã có và trong quy hoạch xây dựng mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Đường cơ bản dùng làm mốc để xác định giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược.

1.2. Giới hạn trong của Vành đài an toàn kho đạn dược:

a) Nếu hàng rào (tường rào) khép kín khu vực kho đạn dược cách đường cơ bản từ năm lăm (55) mét trở xuống thì giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược là hàng rào (tường rào) khép kín khu vực kho đạn dược;

b) Nếu hàng rào (tường rào) khép kín khu vực kho đạn dược cách đường cơ bản lớn hơn năm lăm (55) mét thì giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược nằm bên trong lớp hàng rào (tường rào) khép kín khu vực kho đạn dược và cách đường cơ bản là năm lăm (55) mét.

Trường hợp có nhiều lớp hàng rào (tường rào) khép kín khu vực kho đạn dược thì lấy lớp hàng rào (tường rào) phía trong gần nhà kho nhất để xác định giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược theo quy định tại tiết a, tiết b, điểm này;

c) Đối với kho đạn dược cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương thì giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược trùng với đường cơ bản.

1.3. Giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược:

Giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược cách giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược trở ra một khoảng bằng bán kính Vành đai an toàn kho đạn dược.

Trường hợp điểm ngoài cùng bán kính Vành đai an toàn kho đạn dược nằm bên trong lớp hàng rào (tường rào) phía ngoài khép kín khu vực kho đạn dược thì khi đó giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược là lớp hàng rào (tường rào) phía ngoài đã có của kho đạn dược.

1.4. Vùng cấm, Vùng sử dụng đất có điều kiện thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược:

a) Vùng cấm: là phạm vi tính từ giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược trở ra đến giới hạn ngoài của Vùng cấm; trong đó:

Giới hạn ngoài của Vùng cấm cách giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược một khoảng là năm mươi (50) mét đối với kho đạn dược từ cấp sư đoàn, lữ đoàn, cấp tỉnh và tương đương trở lên, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ; hai lăm (25) mét đối với kho đạn dược cấp trung đoàn và tương đương; năm (05) mét đối với kho đạn dược cấp huyện và tương đương.

Trường hợp lớp hàng rào (tường rào) phía ngoài khép kín khu vực kho đạn dược cách giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược một khoảng bằng hoặc lớn hơn quy định nêu trên thì khi đó giới hạn ngoài của Vùng cấp là hàng rào (tường rào) phía ngoài đã có của kho đạn dược;

b) Vùng sử dụng đất có điều kiện: là phạm vi tính từ giới hạn ngoài của Vùng cấm trở ra đến giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược.

(Phụ lục sơ đồ Vành đai an toàn kho đạn dược kèm theo Thông tư này)

2. Cột mốc đánh dấu giới hạn Vành đai an toàn kho đạn dược

2.1. Cột mốc đánh dấu giới hạn Vành đai an toàn kho đạn dược gồm:

a) Cột mốc đánh dấu giới hạn ngoài của Vùng cấm;

b) Cột mốc đánh dấu giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược.

Trường hợp giới hạn ngoài của Vùng cấm trùng với giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược thì sử dụng cột mốc đánh dấu giới hạn ngoài của Vùng cấm để báo hiệu.

2.2. Quy cách cột mốc, nội dung chữ báo hiệu khắc trên cột mốc, khoảng cách giữa hai cột mốc liền kề:

a) Quy cách cột mốc:

Cột mốc làm bằng bê tông cốt thép, dài 100cm, mặt cắt ngang (20 x 20)cm, được chôn xuống đất sâu 60cm và đổ bê tông chèn chặt xung quanh.

Phần nổi trên mặt đất cột mốc đánh dấu giới hạn ngoài Vùng cấm được sơn màu đỏ, phần nổi trên mặt đất cột mốc đánh dấu giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược được sơn màu vàng.

Trên giữa đỉnh cột mốc được khắc mũi tên có phương vuông góc với mặt khắc chữ báo hiệu, chiều mũi tên hướng về phía mặt đối diện với mặt khắc chữ báo hiệu.

b) Nội dung chữ báo hiệu khắc trên cột mốc:

Phần nổi trên mặt đất của cột mốc đánh dấu giới hạn ngoài của Vùng cấm khắc chữ báo hiệu “VÙNG CẤM” trên một mặt của cột mốc, chữ báo hiệu sơn màu trắng, cỡ chữ (cao 30mm, rộng 20mm, nét chữ rộng 05mm), kiểu chữ VNARIALH.

Phần nổi trên mặt đất của cột mốc đánh dấu giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược khắc chữ báo hiệu “VÀNH ĐAI AT" trên một mặt của cột mốc, màu sắc, cỡ, kiểu chữ báo hệu giống như chữ báo hiệu khắc trên cột mốc đánh dấu giới hạn ngoài của Vùng cấm.

Khi chôn cột mốc phải hướng chữ báo hiệu ra phía ngoài khu vực kho đạn dược.

c) Khoảng cách giữa hai cột mốc liền kề:

Khoảng cách giữa hai cột mốc liền kề là năm mươi (50) mét đối với giới hạn ngoài của Vùng cấm, một trăm (100) mét đối với giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TRÍCH LỤC BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH HOẶC TRÍCH ĐO ĐỊA CHÍNH (NƠI CHƯA CÓ BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH) KHU VỰC VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO ĐẠN DƯỢC, CẮM MỐC GIỚI VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO ĐẠN DƯỢC

1. Trình tự,thủ tục trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (nơi chưa có bản đồ địa chính) khu vực Vành đai an toàn kho đạn dược

1.1. Căn cứ Vành đai an toàn của từng loại kho đạn dược đã được  Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chỉ huy các cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định bằng văn bản Vành đai an toàn của từng kho đạn dược thuộc quyền quản lý (gồm: xác định giới hạn trong, giới hạn ngoài, Vùng cấm, Vùng sử dụng đất có điều kiện).

1.2. Đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược nộp một bộ hồ sơ đề nghị trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (nơi chưa có bản đồ địa chính) khu vực Vành đai an toàn kho đạn dược tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở tài nguyên và Môi trường nơi có kho đạn dược; hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (nơi chưa có bản đồ địa chính) khu vực Vành đai an toàn kho đạn dược;

b) Văn bản xác định Vành đai an toàn kho đạn dược nêu tại điểm 1.1 khoản này.

1.3. Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoàn thành việc trích lục bản đồ địa chính khu vực Vành đai an toàn kho đạn dược và gửi kết quả về Sở tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp nơi có Vành đai an toàn kho đạn dược chưa có bản đồ địa chính thì trong thời hạn không quá hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chủ trì và phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược thực hiện việc trích đo địa chính khu vực Vành đai an toàn kho đạn dược (khu vực trích đo gồm từ hàng rào ngoài bao quanh kho đạn dược; đối với khu vực phía trong hàng rào ngoài bao quanh kho đạn dược thì đo bao) và gửi kết quả về sở tài nguyên và môi trường.

1.4. Trong thời gian không qua ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (nơi chưa có  bản đồ địa chính) do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chuyển đến, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược kiểm tra, xác nhận và sao kết quả thành hai (02), bản; chuyển cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược mỗi nơi một (01) bản.

2. Trình tự, thủ tục cắm mốc Vành đai an toàn kho đạn dược

2.1. Đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có kho đạn dược hồ sơ xin cắm mốc giới Vành đai an toàn kho đạn dược (02) bộ; hồ sơ gồm có:

a) Phương án cắm mốc giới Vành đai an toàn kho đạn dược (do đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có kho đạn dược xây dựng);

b) Văn bản đề nghị cắm mốc giới Vành đai an toàn kho đạn dược của đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược;

c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

d) Văn bản xác định Vành đai an toàn kho đạn dược nêu tại điểm 1.1 khoản 1 của Mục này;

đ) Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (nơi chưa có bản đồ địa chính) khu vực Vành đai an toàn kho đạn dược.

2.2. Việc cắm mốc giới Vành đai an toàn kho đạn dược thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cho phép cắm mốc giới Vành đai an toàn kho đạn dược;

b) Trong thời hạn không quá (05) ngày làm việc kể từ ngày Sở Tài nguyên và Môi trường trình hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký quyết định cho phép cắm mốc giới Vành đai an toàn kho đạn dược;

c) Trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày có quyết định cho phép cắm mốc giới Vành đai an toàn kho đạn dược của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có Vành đai an toàn kho đạn dược tổ chức cắm mốc giới và bàn giao mốc giới đã được cắm cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

IV. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT THUỘC VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO ĐẠN DƯỢC

1. Sử dụng đất trong Vùng cấm thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược

1.1. Đất trong Vùng cấm thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược là đất sử dụng vào mục đích quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý việc sử dụng.

1.2. Các công trình được phép xây dựng của kho đạn dược: tường rào, hàng rào, đường tuần, hệ thống công sự chiến đấu, chòi canh, chốt gác, hệ thống thoát nước, hệ thống đường nước cứu hỏa, ụ (đê) chắn sóng nổ.

1.3. Các công trình không được phép xây dựng: gồm tất cả các công trình trừ các công trình được phép xây dựng của kho đạn dược nêu tại điểm 1.2 khoản này.

2. Sử dụng đất trong Vùng sử dụng đất có điều kiện thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược

2.1. Các công trình được phép xây dựng:

a) Công trình trực tiếp phục vụ hoạt động của kho đạn dược;

b) Công trình thủy nông gồm: kênh, mương dẫn nước, hồ đập chứa nước thuộc quyền quản lý của cấp huyện trở xuống;

c) Công trình phòng chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn;

d) Trong phạm vi từ giới hạn trong Vành đai an toàn kho đạn dược trở ra đến năm mươi (50) mét đối với kho đạn dược từ cấp sư đoàn, lữ đàn, cấp tỉnh và tương đương trở lên, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ; hai lăm (25) mét đối với kho đạn dược cấp trung đoàn và tương đương; năm (05) mét đối với kho đạn dược cấp huyện và tương đương chỉ được trồng các loại cây khó cháy như lúa, khoai, đỗ, lạc và các loại cây khó cháy khác;

đ) Trong phạm vi cách giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược từ năm trăm (500) mét trở ra đến giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho đạn dược được xây dựng đường điện cao thế dưới 110 KV.

2.2. Các công trình không được phép xây dựng:

a) Nhà ở và công trình kinh tế, dân sinh;

b) Thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản;

c) Neo đậu các phương tiện vận chuyển;

d) Công trình tham quan, du lịch.

3. Quản lý đất thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược

3.1. Nội dung quản lý đất thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược gồm:

a) Lập và quản lý hồ sơ khu vực đất thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược;

b) Kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy hoạch sử dụng đất Vành đai an toàn kho đạn dược.

3.2. Hồ sơ khu vực đất thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược được lưu giữ tại đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược và Sở trách nhiệm và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có Vành đai an toàn kho đạn dược theo quy định; hồ sơ gồm có:

a) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

b) Văn bản xác định Vành đai an toàn kho đạn dược nêu tại điểm 1.1 khoản 1 Mục III của Thông tư này;

c) Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (nơi chưa có bản đồ địa chính) khu vực Vành đai an toàn kho đạn dược;

d) Quyết định cắm mốc giới đất Vành đai an toàn kho đạn dược;

đ) Sơ đồ mốc giới đã cắm.

3.3. Khi có sự thay đổi hiện trạng kho đạn dược mà làm thay đổi Vành đai an toàn kho đạn dược thì đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược đó phải báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có kho đạn dược để thực hiện chỉnh lý hồ sơ địa chính.

3.4. Đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ Vành đai an toàn kho đạn dược. Trường hợp Vành đai an toàn kho đạn dược bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời thông báo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có Vành đai an toàn kho đạn dược để xử lý hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để xử lý theo thẩm quyền.

3.5. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho đạn dược và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng đất thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược theo hướng dẫn nêu tại khoản 1 và khoản 2 Mục IV của Thông tư này.

3.6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có Vành đai an toàn kho đạn dược có trách nhiệm sau:

a) Phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi  Vành đai an toàn kho đạn dược; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi  Vành đai an toàn kho đạn dược, buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm;

b) Phối hợp với các đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ Vành đai an toàn kho đạn dược và công bố mốc giới Vành đai an toàn kho đạn dược;

c) Trường hợp để xảy ra lấn, chiếm,sử dụng trái phép phần đất thuộc Vành đài an toàn kho đạn dược tại địa phương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

V. THU HỒI ĐẤT; BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP THU HỒI ĐẤT, DI DỜI NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ TÀI SẢN KHÁC TRONG VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO ĐẠN DƯỢC

1. Các công trình phải di dời trong Vành đai an toàn kho đạn dược

1.1. Trong phạm vi Vùng cấm thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược phải tiến hành di dời toàn bộ các công trình không thuộc kho đạn dược nêu tại khoản 1 Mục IV của Thông tư này.

1.2. Trong phạm vi Vùng sử dụng đất có điều kiện thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược phải tiến hành di dời toàn bộ các công trình không được phép xây dựng nêu tại khoản 2 Mục IV của Thông tư này.

Đất thuộc Vùng sử dụng đất có điều kiện do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang quản lý sử dụng thì được tiếp tục quản lý, sử dụng nhưng phải tuân thủ các hướng dẫn nêu tại khoản 2 Mục IV của Thông tư này.

2. Thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp bị thu hồi đất hoặc phải di dời nhà ở, công trình xây dựng, tài sản khác thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược

2.1. Đất Vùng cấm thuộc Vành đai an toàn kho đạn dược phải được thu hồi cho đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược sử dụng. Trình tự, thủ tục thu hồi đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

2.2. Các công trình trong Vành đai an toàn kho đạn dược không thuộc các công trình được phép xây dựng nêu tại khoản 1 và khoản 2 Mục IV của Thông tư này thì phải tổ chức di dời và chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy định sử dụng đất Vành đai an toàn kho đạn dược.

2.3. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các trường hợp bị thu hồi đất hoặc di dời các công trình nêu tại điểm 2.1 và điểm 2.2 khoản này thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai và Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sau khi hoàn thành việc cắm mốc giới Vành đai an toàn kho đạn dược, đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược có trách nhiệm:

a) Báo cáo Ủy ban nhân dân có thẩm quyền để thực việc thu hồi đất; di dời các công trình, tài sản không được phép xây dựng trong Vành đai an toàn kho đạn dược;

b) Tham gia Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng của địa phương trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu vực Vành đai an toàn kho đạn dược.

2. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu vực Vành đai an toàn kho đạn dược thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc quản lý, sử dụng đất Vành đai an toàn kho đạn dược theo quy định của Nghị định 148/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

4. Các đơn vị quản lý kho đạn dược có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức quản lý, sử dụng đất Vành đai an toàn kho đạn dược theo đúng quy định, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

5. Thông tư này có hiệu lực sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

6. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn vướng mắc các địa phương, các đơn vị quản lý kho đạn dược phản ánh kịp thời với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
THỨ TRƯỞNG




 

Trần Thế Ngọc

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG




Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

 

PHỤ LỤC

SƠ ĐỒ VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO ĐẠN DƯỢC

(kèm theo Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BQP-BTNMT)

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi