Số: 370/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------- Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO PHỨC TẠP, TỒN ĐỌNG, KÉO DÀI THEO CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CHỈ THỊ SỐ 14/CT-TTG NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2012
Ngày 2 tháng 10 năm 2013, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ, Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi nghe báo cáo của Thanh tra Chính phủ, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến kết luận như sau:
1. Qua kết quả và thực tiễn cho thấy Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, nghiêm túc kiểm điểm cho thấy nhận thức và trách nhiệm trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài của cán bộ ở một số địa phương chưa đầy đủ, còn có tâm lý ngại khi xem xét, giải quyết lại các vụ việc, chưa tích cực tìm biện pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài; tiến độ giải quyết chậm; một số nơi việc tổ chức đối thoại còn hình thức; chưa tranh thủ ý kiến của các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời; quy trình, thủ tục giải quyết còn thiếu thống nhất.
2. Để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, trong thời gian tới yêu cầu:
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục, xử lý những tồn tại, hạn chế, tiếp tục rà soát, kiểm tra, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để giải quyết triệt để, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Khi giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài phải trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; nếu giải quyết sai, phải giải quyết lại, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; trường hợp người khiếu nại gặp khó khăn thì xem xét, có biện pháp hỗ trợ để giúp người dân ổn định cuộc sống; chấm dứt xem xét, giải quyết và thông báo công khai đối với những vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình; có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những người lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, gây mất an ninh, trật tự công cộng.
b) Thanh tra Chính phủ:
- Chủ trì họp với các Bộ, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan để thống nhất biện pháp giải quyết có cơ sở pháp lý và thực tiễn để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không thể thống nhất được hoặc vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp để chỉ đạo giải quyết.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, chức năng trao đổi, thống nhất tiêu chí xác định các loại vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài để có cách hiểu thống nhất; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương:
- Phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan để giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp đã được rà soát, kiểm tra; phối hợp tiếp công dân, xử lý các đoàn khiếu kiện đông người đến các cơ quan Trung ương, nhất là trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và các sự kiện chính trị quan trọng khác của đất nước. Đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, quyết định, biện pháp giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được rà soát, kiểm tra.
- Tiếp tục rà soát, kiểm tra, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Trong quá trình giải quyết nếu gặp vướng mắc khi áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ, xác định phương án giải quyết thì báo cáo, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng để giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c); - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để b/c); - Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (để b/c); - Ban Dân nguyện của UBTVQH; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Ủy ban TWMTTQ Việt Nam; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: V.III, TH, PL, NC, TKBT, cổng TTĐT; - Lưu: VT, V.I(3). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Quang Thắng |