BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- Số: 28/2014/TT-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2014 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN NẠO VÉT, DUY TU
CÁC TUYẾN LUỒNG HÀNG HẢI DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ,
SỬ DỤNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;
Căn cứ Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu theo cơ chế thí điểm đấu thầu rộng rãi với hợp đồng trọn gói được thực hiện theo quy định riêng của Bộ Giao thông vận tải.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông vận tải quản lý, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Điều 2. Phân công tổ chức thực hiện
1. Cơ quan giao kế hoạch, dự toán: Bộ Giao thông vận tải.
2. Cơ quan quản lý luồng: Cục Hàng hải Việt Nam.
3. Đại diện cơ quan quản lý luồng: các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải.
Chương 2
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC NẠO VÉT, DUY TU CÁC TUYẾN LUỒNG HÀNG HẢI
Điều 3. Lập kế hoạch nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và ký hợp đồng cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải
1. Việc lập kế hoạch nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải hàng năm bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế thực hiện theo quy định của Thông tư số 14/2013/TT-BGTVT ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo trì công trình hàng hải và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện ký hợp đồng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích nạo vét, duy tu luồng hàng hải với các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải theo quy định.
Điều 4. Trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Định An - Cần Thơ
1. Bước 1. Lập đề cương, dự toán khảo sát
Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam lập đề cương, dự toán kinh phí khảo sát, xác định hướng tuyến luồng hàng hải trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt; điều chỉnh hướng tuyến luồng theo hướng tuyến được chấp thuận.
2. Bước 2. Lập thiết kế bản vẽ thi công (BVTC), đề cương khảo sát và dự toán
Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam:
a) Lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế BVTC và dự toán, trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt;
b) Lập đề cương khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng thi công (phạm vi, tỷ lệ, phương pháp đo, thiết bị đo, thời gian khảo sát và các nội dung liên quan), trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
c) Lập dự toán kinh phí công tác bảo vệ môi trường theo quy định, trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
3. Bước 3. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam lập kế hoạch đấu thầu (trong đó việc lựa chọn nhà thầu thi công nạo vét, duy tu thực hiện theo phương thức chỉ định thầu rút gọn, việc lựa chọn và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn, nhà thầu khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu), trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
4. Bước 4. Tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu
a) Cục Hàng hải Việt Nam: lựa chọn và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn khảo sát đo bàn giao mặt bằng theo quy định của pháp luật về đấu thầu; lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc giao cho các Ban quản lý dự án (Ban QLDA) trực thuộc giám sát theo quy định.
b) Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam: lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu thi công theo phương thức chỉ định thầu rút gọn; lựa chọn và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
5. Bước 5. Bàn giao mặt bằng thi công
a) Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng; kiểm tra trình tự, thủ tục và quá trình thực hiện của các đơn vị theo đề cương được duyệt.
b) Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình khảo sát đo đạc mặt bằng của nhà thầu tư vấn khảo sát và nghiệm thu kết quả khảo sát bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
c) Trường hợp kết quả khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng phát sinh khối lượng nạo vét so với hồ sơ thiết kế đã phê duyệt thì trong 10 ngày làm việc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam phối hợp với tư vấn thiết kế lập hồ sơ dự toán điều chỉnh báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam để phê duyệt; trường hợp vượt dự toán kinh phí nạo vét đã được giao thì trong 05 ngày làm việc, Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.
6. Bước 6. Triển khai thi công công trình
a) Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện thi công của nhà thầu; giám sát chặt chẽ hoạt động của tư vấn giám sát và tư vấn môi trường trong quá trình thi công.
b) Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất (nếu cần) để bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình.
7. Bước 7. Nghiệm thu công trình và nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công ích
a) Cục Hàng hải Việt Nam: Lựa chọn đơn vị khảo sát đo đạc nghiệm thu công trình tại hiện trường; tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành để đưa vào sử dụng; nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định.
b) Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam: Phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện khảo sát đo đạc nghiệm thu công trình tại hiện trường và tổ chức nghiệm thu kết quả khảo sát đo đạc; nghiệm thu công tác bảo vệ môi trường.
8. Bước 8. Thanh quyết toán công trình và hợp đồng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích
a) Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quyết toán công trình theo quy định; thanh quyết toán với Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam theo hợp đồng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và với các nhà thầu theo hợp đồng do Cục Hàng hải Việt Nam đã ký kết.
b) Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thanh toán với các nhà thầu theo hợp đồng do Tổng công ty đã ký kết.
Điều 5. Trình tự thủ tục thực hiện nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải không quy định tại Điều 4 của Thông tư này
1. Bước 1. Lập thiết kế bản vẽ thi công (BVTC), đề cương khảo sát và dự toán
Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm:
a) Lựa chọn và ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra; căn cứ bình đồ khảo sát thông báo hàng hải mới nhất, tổ chức lập và thẩm tra thiết kế dự toán, trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
b) Lập đề cương khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng thi công (phạm vi, tỷ lệ, phương pháp đo, thiết bị đo, thời gian khảo sát và các nội dung liên quan), trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
c) Lập dự toán kinh phí bảo vệ môi trường theo quy định, trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
2. Bước 2. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải lập kế hoạch đấu thầu, trình Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
3. Bước 3. Tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu
a) Cục Hàng hải Việt Nam: lựa chọn và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn khảo sát đo bàn giao mặt bằng theo quy định của pháp luật về đấu thầu; lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc giao cho các Ban QLDA trực thuộc giám sát theo quy định.
b) Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải thực hiện lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện công tác bảo vệ môi trường và nhà thầu thi công theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
4. Bước 4. Bàn giao mặt bằng thi công
a) Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng; kiểm tra trình tự, thủ tục và quá trình thực hiện của các đơn vị theo đề cương được duyệt.
b) Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình khảo sát đo đạc mặt bằng của nhà thầu tư vấn khảo sát và nghiệm thu kết quả khảo sát bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
c) Trường hợp kết quả khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng phát sinh khối lượng nạo vét so với hồ sơ thiết kế đã phê duyệt thì trong 10 ngày làm việc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải phối hợp với tư vấn thiết kế lập hồ sơ dự toán điều chỉnh báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam để phê duyệt; trường hợp vượt dự toán kinh phí nạo vét đã được giao thì trong 05 ngày làm việc, Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.
5. Bước 5. Triển khai thi công công trình
a) Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện thi công của nhà thầu; giám sát chặt chẽ hoạt động của tư vấn giám sát và tư vấn môi trường trong quá trình thi công.
b) Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất (nếu cần) để bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình.
6. Bước 6. Nghiệm thu công trình và nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công ích
a) Cục Hàng hải Việt Nam: Lựa chọn đơn vị khảo sát đo đạc nghiệm thu công trình tại hiện trường; tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành để đưa vào sử dụng; nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định.
b) Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải: Phối hợp với Tư vấn giám sát kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện khảo sát đo đạc nghiệm thu công trình tại hiện trường và tổ chức nghiệm thu kết quả khảo sát đo đạc; nghiệm thu công tác bảo vệ môi trường.
7. Bước 7. Thanh quyết toán công trình và hợp đồng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích
a) Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quyết toán công trình theo quy định; thanh quyết toán với các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải theo hợp đồng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và với các nhà thầu theo hợp đồng do Cục Hàng hải Việt Nam đã ký kết.
b) Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải thanh toán với các nhà thầu theo hợp đồng do các Tổng công ty đã ký kết.
Chương 3
TỔ CHỨC GIÁM SÁT TRONG QUÁ TRÌNH NẠO VÉT,
DUY TU CÁC TUYẾN LUỒNG HÀNG HẢI
Điều 6. Nội dung công tác giám sát trong nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải
1. Giám sát công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải
a) Xem xét, kiểm tra trình tự và biện pháp thi công chi tiết do nhà thầu thi công công trình lập trước khi trình phê duyệt.
b) Kiểm tra hệ thống mốc phục vụ trong suốt quá trình thi công công trình.
c) Kiểm tra, giám sát các máy móc, thiết bị thi công tập kết tới công trường theo danh mục, quy cách, chủng loại, tính năng kỹ thuật, thời hạn đăng kiểm, chứng chỉ của thuyền viên, bảo hiểm của phương tiện và các yêu cầu cần thiết khác nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
d) Kiểm tra việc lắp đặt và chất lượng của hệ thống giám sát nạo vét. Các thiết bị phải có xuất xứ rõ ràng, niêm phong, kẹp chì cố định khi lắp đặt, đảm bảo hiển thị các dữ liệu tên (số hiệu) phương tiện, kích thước, vị trí, vận tốc di chuyển, thời điểm dừng đỗ để thuận lợi cho công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát.
đ) Theo dõi tiến độ nạo vét.
e) Kiểm tra điều kiện khởi công công trình; nhân sự của nhà thầu thi công đưa vào, ra công trường.
g) Giám sát công tác an toàn và vệ sinh môi trường.
h) Giám sát thi công nạo vét đảm bảo đạt yêu cầu kỹ thuật (đúng độ sâu, mái dốc thiết kế, có kể đến các sai số cho phép theo đúng quy định).
i) Giám sát công tác đo đạc kiểm tra sau khi hoàn thành công tác nạo vét, bảo đảm hệ thống mốc định vị mặt bằng và cao độ sử dụng để đo đạc trước và sau khi nạo vét là không thay đổi.
k) Kiểm tra, xác nhận khối lượng.
2. Giám sát công tác vận chuyển và đổ bùn đất nạo vét
a) Giám sát phương tiện vận chuyển đổ bùn đất nạo vét tại vị trí nạo vét, hành trình đi đổ bùn đất và vị trí đổ bùn đất nạo vét được phê duyệt trong suốt thời gian thi công công trình.
b) Thu thập, tổng hợp các thông tin, dữ liệu hiện trường (vị trí, vận tốc di chuyển, thời điểm dừng đỗ) từ hệ thống giám sát nạo vét lắp đặt trên phương tiện thi công. Chụp ảnh khoang chứa bùn đất của phương tiện vận chuyển tại các thời điểm: bắt đầu nhận bùn đất nạo vét tại khu vực thi công; kết thúc quá trình nhận bùn đất nạo vét để di chuyển đi đổ; kết thúc hành trình di chuyển đến vị trí đổ và kết thúc quá trình đổ bùn đất để di chuyển về khu vực thi công.
3. Giám sát công tác hoàn thiện
a) Kiểm tra tọa độ, cao độ và mái dốc của khu vực nạo vét theo đúng yêu cầu của hồ sơ thiết kế.
b) Giám sát công tác khảo sát đo đạc và xác nhận khối lượng công việc hoàn thành của nhà thầu; giám sát công tác đo đạc và xác nhận khối lượng công việc tại vị trí đổ đất đối với trường hợp đổ đất tại vị trí trên cạn bằng phương pháp hút phun sử dụng đường ống.
c) Giám sát nghiệm thu công việc toàn bộ hạng mục công trình. Việc đo đạc nghiệm thu sẽ được thực hiện sau khi nhà thầu thi công thông báo đã hoàn thành công tác nạo vét. Nếu kết quả đo đạc nghiệm thu cho thấy công việc của nhà thầu chưa đạt yêu cầu thì nhà thầu thi công phải thực hiện bổ sung cho đến khi kiểm tra đạt yêu cầu.
d) Giám sát các công tác hoàn thiện khác.
Điều 7. Tổ chức thực hiện công tác giám sát trong nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải
1. Tư vấn giám sát có trách nhiệm
a) Thực hiện giám sát theo các nội dung quy định tại Điều 6 của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
b) Lập sơ đồ tổ chức và đề cương giám sát, trình các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải xem xét, phê duyệt trước khi giám sát thi công.
c) Phải có bộ phận chuyên trách bảo đảm duy trì hoạt động giám sát một cách có hệ thống toàn bộ quá trình thi công nạo vét, từ khi khởi công đến khi nghiệm thu, bàn giao; bố trí nhân sự thực hiện công tác giám sát gồm Giám sát trưởng và các Giám sát viên.
d) Bố trí đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho công tác giám sát; bố trí đủ cán bộ kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để thực hiện giám sát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên toàn bộ quá trình thực hiện của nhà thầu khảo sát, thi công nạo vét đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình cũng như các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Ghi chép toàn bộ kết quả giám sát về quá trình thi công nạo vét và vận chuyển đổ bùn đất nạo vét hoặc sử dụng theo mẫu nhật ký thi công quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.
đ) Thường xuyên kiểm tra, giám sát về nhân lực, thiết bị thi công của nhà thầu thi công xây dựng công trình đưa vào, ra công trường (kể cả nhà thầu phụ và các thiết bị đi thuê); xác nhận số lượng, chất lượng máy móc, thiết bị theo hợp đồng hoặc theo hồ sơ trúng thầu (danh sách thiết bị, tính năng kỹ thuật, thời hạn đăng kiểm, chứng chỉ của thuyền viên, bảo hiểm.
e) Hàng ngày, phải kiểm tra tình trạng lắp đặt, hoạt động của hệ thống giám sát nạo vét trên các phương tiện thiết bị thi công của nhà thầu; yêu cầu khắc phục ngay khi phát hiện sự cố, sai khác không đáp ứng chất lượng theo quy định.
g) Thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống quản lý chất lượng nội bộ của nhà thầu; kiểm tra tọa độ, cao độ và mái dốc của khu vực nạo vét theo đúng yêu cầu của hồ sơ thiết kế; theo dõi, đôn đốc tiến độ nạo vét.
h) Có mặt trên phương tiện thi công nạo vét trong suốt quá trình thi công để giám sát chặt chẽ quá trình nạo vét và vận chuyển đổ bùn đất nạo vét đúng vị trí quy định; chụp ảnh khoang chứa bùn đất của phương tiện vận chuyển tại các thời điểm: bắt đầu nhận bùn đất nạo vét tại khu vực thi công, kết thúc quá trình nhận bùn đất nạo vét để di chuyển đi đổ, kết thúc hành trình di chuyển đến vị trí đổ và kết thúc quá trình đổ bùn đất để di chuyển về khu vực thi công (ảnh chụp phải thể hiện số liệu tọa độ GPS và thời gian thực tại thời điểm chụp ảnh); chuyển giao kịp thời các hình ảnh chụp tới Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải để theo dõi, lưu trữ cùng với hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định.
i) Hàng tuần, gửi báo cáo (theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này) kèm theo bản chụp nhật ký thi công (trong tuần báo cáo) tới Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải; báo cáo kịp thời các kết quả thực hiện, phát sinh, vướng mắc, đề xuất biện pháp xử lý trong quá trình thực hiện về cơ quan quản lý; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan quản lý về kết quả thực hiện.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám sát trưởng
a) Phụ trách chung công tác giám sát thi công tại hiện trường; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các giám sát viên.
b) Thay mặt đơn vị tư vấn giám sát họp giao ban với Cục Hàng hải Việt Nam, các Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải và nhà thầu.
c) Xem xét và hướng dẫn nhà thầu hoàn thiện biện pháp thi công chi tiết để trình phê duyệt theo quy định.
d) Đề ra kế hoạch và kiểm tra thường xuyên công tác giám sát. Yêu cầu tạm dừng thi công đối với các phương tiện thi công không đáp ứng yêu cầu và báo cáo ngay cho Cảng vụ Hàng hải khu vực, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải để xử lý theo quy định.
đ) Tổng hợp tình hình thi công các hạng mục công trình; báo cáo kịp thời tình hình thi công, kiến nghị các biện pháp xử lý khó khăn vướng mắc xảy ra trong quá trình thi công; báo cáo các hồ sơ nghiệm thu trong quá trình thi công cho lãnh đạo đơn vị tư vấn.
e) Thực hiện việc lập các hồ sơ nghiệm thu về mặt kỹ thuật, khối lượng, hồ sơ hoàn công tổng nghiệm thu công trình.
g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác giám sát trong suốt thời gian thi công.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của các Giám sát viên
a) Giám sát về mặt kỹ thuật, đảm bảo công trình đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, đúng quy trình và hồ sơ thiết kế.
b) Giám sát và xác nhận các chuyến vận chuyển đổ bùn đất nạo vét.
c) Giám sát hoặc thực hiện việc lập các văn bản nghiệm thu được giao theo đúng mẫu quy định.
d) Thực hiện công tác ghi chép nhật ký thi công.
4. Cục Hàng hải Việt Nam, các Cảng vụ Hàng hải khu vực, các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và đơn vị tư vấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện giám sát thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải theo quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
5. Quá trình thực hiện giám sát, tư vấn giám sát phải phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải, các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và nhà thầu thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo công trình đạt chất lượng cao; báo cáo kịp thời những vấn đề kỹ thuật phát sinh để Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, nhà thầu phối hợp giải quyết theo quy định. Nội dung giải quyết này phải được ghi trong nhật ký thi công.
Điều 8. Lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện vận chuyển đổ bùn đất nạo vét
1. Phương tiện tham gia vận chuyển đổ bùn đất trong thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải phải lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét.
2. Kết cấu hệ thống giám sát nạo vét lắp đặt trên phương tiện vận chuyển đổ bùn đất nạo vét
a) Thiết bị AIS (Automatic Identification System - Hệ thống nhận dạng tự động) để tự động cung cấp các thông tin về hành trình di chuyển của phương tiện nạo vét (vị trí, vận tốc, tên phương tiện), hỗ trợ tránh va, đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực nạo vét.
b) Thiết bị ghi hình (Camera) cung cấp các hình ảnh khoang chứa bùn đất nạo vét khi bắt đầu di chuyển đi đổ bùn đất và trước khi đổ bùn đất tại vị trí quy định.
3. Yêu cầu thông số kỹ thuật tối thiểu và điều kiện làm việc của hệ thống giám sát nạo vét lắp đặt trên phương tiện vận chuyển đổ bùn đất nạo vét
a) Thiết bị AIS phải đảm bảo tiêu chuẩn IEC 61162-1 và IEC 60945 do Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) công bố; đảm bảo hoạt động, truyền tải thường xuyên về hành trình di chuyển của phương tiện nạo vét về trung tâm dữ liệu liên tục, ổn định để Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải, các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Tư vấn giám sát có thể theo dõi, kiểm tra, giám sát qua hệ thống mạng internet.
b) Thiết bị ghi hình (Camera) phải đảm bảo điều kiện làm việc theo chuẩn IP 66 (có khả năng chống va đập, bụi, nước), độ phân giải hình ảnh tối thiểu 420 TV line, hỗ trợ các chuẩn nén H.264, MPEG-4 và MJPEG, có tính năng hồng ngoại để có khả năng ghi lại hình ảnh trong cả ban ngày và ban đêm, hiển thị đầy đủ thời gian thực tại thời điểm ghi hình, dung lượng bộ nhớ đảm bảo ghi và lưu giữ hình ảnh liên tục trong suốt quá trình thi công nạo vét; phải lắp đặt ít nhất 02 thiết bị ghi hình để phòng ngừa sự cố xảy ra.
c) Hệ thống giám sát nạo vét phải được lắp đặt và bảo quản nhằm chống nước và độ ẩm cao. Nguồn điện cung cấp cho hệ thống giám sát nạo vét hoạt động phải đảm bảo liên tục và ổn định (24/24h).
d) Hệ thống giám sát nạo vét phải được lắp đặt tại vị trí phù hợp, cố định trên phương tiện thi công (có kẹp chì và dán niêm phong), thuận lợi cho việc khai thác, giám sát, ghi nhận lại hình ảnh trong quá trình thi công, vận chuyển đổ bùn đất nạo vét, không xảy ra hiện tượng di dời, tháo lắp, thay đổi vị trí trong toàn bộ quá trình nạo vét.
4. Tính an toàn dữ liệu của hệ thống giám sát nạo vét
a) Các dữ liệu được ghi nhận phải đảm bảo không được xóa hoặc thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ.
b) Dữ liệu ghi và lưu trữ trong bộ nhớ phải được cài đặt mật khẩu trước khi thực hiện công tác nạo vét và đổ bùn đất nạo vét (mật khẩu do các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải chịu trách nhiệm quản lý và được cung cấp cho Cảng vụ Hàng hải khu vực, Tư vấn giám sát để giám sát và kiểm tra khi cần thiết).
5. Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm kiểm tra hệ thống giám sát nạo vét, giám sát việc lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét của nhà thầu thi công và niêm phong để bảo đảm không xảy ra việc tháo dỡ, di chuyển hay can thiệp làm sai lệch kết quả của hệ thống giám sát.
Điều 9. Quản lý dữ liệu của hệ thống giám sát nạo vét
1. Dữ liệu của hệ thống giám sát nạo vét phải được gửi về Trung tâm dữ liệu để quản lý, khai thác và sử dụng phục vụ công tác giám sát phương tiện tham gia vận chuyển đổ bùn đất nạo vét.
2. Trung tâm dữ liệu phải có chức năng tích hợp dữ liệu gửi về từ thiết bị AIS và hiển thị trên bản đồ số; cung cấp giao diện truy nhập và sử dụng thông tin tích hợp qua môi trường internet phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị (Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải và Tư vấn giám sát); tự động kết xuất thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, thống kê.
3. Trung tâm dữ liệu phải thường xuyên sao lưu dữ liệu nhằm tránh mất dữ liệu; lưu trữ dữ liệu ít nhất 03 năm, kể từ thời điểm công trình được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng.
4. Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức quản lý Trung tâm dữ liệu trên cơ sở hạ tầng thông tin hiện có, bảo đảm tính thống nhất chung, đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm tra, giám sát, tra cứu, cung cấp dữ liệu của các phương tiện tham gia thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam
1. Tổ chức thực hiện công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
2. Chủ động xem xét, phê duyệt cụ thể các nội dung thực hiện nạo vét, duy tu luồng hàng hải phù hợp kế hoạch nạo vét duy tu luồng hàng hải hàng năm được phê duyệt và thực tế quản lý; trình Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh kế hoạch nạo vét duy tu luồng hàng hải trong trường hợp có sự thay đổi danh mục tuyến luồng hoặc vượt dự toán kinh phí nạo vét đã được giao; tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật; tổ chức thực hiện công tác khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng, khảo sát đo đạc nghiệm thu công trình tại hiện trường, quyết định việc đo đạc lại để kiểm tra kết quả đã thực hiện các tuyến luồng hàng hải; đồng thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước 05 ngày làm việc khi triển khai thực hiện.
3. Chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải cấp phép cho phương tiện tham gia nạo vét duy tu hoạt động đúng quy định về đăng ký, đăng kiểm. Tổ chức kiểm tra việc cấp phép phương tiện thi công nạo vét của các Cảng vụ Hàng hải; kiểm tra việc nạo vét và đổ bùn đất nạo vét qua các dữ liệu của các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, tư vấn giám sát cung cấp.
4. Chủ trì, cùng với Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải làm việc với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để lựa chọn vị trí đổ bùn đất nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải phù hợp, bảo đảm tính ổn định, lâu dài, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
5. Theo dõi, tổng hợp và chuẩn bị nội dung sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện khi kết thúc thời gian thí điểm theo quy định tại Quyết định số 73/2013/QĐ-TTg.
Điều 11. Trách nhiệm của các Cảng vụ Hàng hải
1. Phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải trong quá trình thi công nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 21/2012/NĐ-CP.
2. Căn cứ đề nghị của các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, thực hiện kiểm tra, cấp phép cho các phương tiện đủ điều kiện vào thi công theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 21/2012/NĐ-CP. Không cấp phép hoạt động thi công đối với các phương tiện không đủ tiêu chuẩn về đăng ký, đăng kiểm theo quy định, không thực hiện lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.
3. Quyết định về thời gian thi công trên luồng hàng hải, bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền hoạt động tại khu vực và tiến độ, chất lượng công trình.
4. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra quá trình đổ bùn đất nạo vét của nhà thầu thi công; theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động hàng ngày của các phương tiện thi công nạo vét; xử lý nghiêm đối với các phương tiện đổ bùn đất nạo vét không đúng vị trí và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển được giao quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Trách nhiệm của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải
1. Chịu trách nhiệm về các công việc do mình đảm nhiệm, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hoàn thành kế hoạch nạo vét duy tu luồng hải hàng năm và hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
2. Bảo đảm chất lượng công trình theo đúng yêu cầu của hợp đồng cung ứng dịch vụ công ích và quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Lựa chọn nhà thầu thi công theo đúng quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển nhượng khối lượng, bán thầu. Quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu và hợp đồng thi công về: tỷ lệ (%) giá trị phần khối lượng công việc do nhà thầu phụ đảm nhiệm, phương tiện thiết bị thi công được nhà thầu chính đi thuê, phương tiện thiết bị thi công thuộc sở hữu của nhà thầu chính tham gia đảm nhận thực hiện thi công; các phương tiện thiết bị thi công đi thuê; các điều khoản xử phạt vi phạm của nhà thầu về chất lượng, tiến độ, an toàn hàng hải và vệ sinh môi trường (nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của nhà thầu phụ).
4. Tổ chức kiểm tra, rà soát các phương tiện do nhà thầu đề xuất bố trí phục vụ thi công tại hồ sơ trúng thầu và thực tế thi công để gửi tới Cảng vụ Hàng hải khu vực xin cấp phép hoạt động thi công. Phối hợp với nhà thầu thi công, tư vấn giám sát thực hiện rà soát và phê duyệt biện pháp tổ chức thi công, biện pháp kiểm soát chất lượng công trình, tiến độ thi công chi tiết, biện pháp quản lý an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đồng thời gửi về Cục Hàng hải Việt Nam và Cảng vụ Hàng hải khu vực trước khi triển khai thi công để quản lý, kiểm tra, theo dõi giám sát.
5. Lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải trình Cảng vụ Hàng hải khu vực phê duyệt theo quy định trước khi triển khai thi công; tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện phương án bảo đảm an toàn hàng hải sau khi triển khai thi công công trình.
6. Trong quá trình thi công phải có bộ phận nhân sự thường trực tại hiện trường để theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của tư vấn giám sát và nhà thầu thi công (kể cả nhà thầu phụ và các phương tiện thiết bị đi thuê), lập biên bản xử lý đối với các hoạt động không đúng quy định của các đơn vị này. Trường hợp phát sinh khối lượng và kinh phí thì phải báo cáo kịp thời với Cục Hàng hải Việt Nam để lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát đo đạc, lập hồ sơ điều chỉnh báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt hoặc trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.
7. Thực hiện quản lý giám sát việc nạo vét và đổ bùn đất nạo vét theo đúng quy định, đảm bảo an toàn hàng hải, định kỳ báo cáo hàng tháng và khi có yêu cầu đột xuất về Cục Hàng hải Việt Nam.
8. Không nghiệm thu, thanh toán các hạng mục công việc mà nhà thầu chưa hoàn thành theo đúng hồ sơ thiết kế BVTC đã được duyệt hoặc đã hoàn thành nhưng không bảo đảm chất lượng.
9. Sao chép các hình ảnh từ thiết bị ghi hình (Camera) lắp đặt trên phương tiện và các ảnh chụp khoang chứa bùn đất của phương tiện do tư vấn giám sát thực hiện để lưu trữ cùng với hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định.
10. Cung cấp, bàn giao đầy đủ cho Cục Hàng hải Việt Nam các mốc cao độ hiện hữu tại hiện trường theo yêu cầu để phục vụ cho công tác khảo sát đo đạc công trình. Sử dụng bình đồ khảo sát đo đạc nghiệm thu tại hiện trường để ra thông báo hàng hải trước khi tổ chức nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.
Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị tư vấn có liên quan
1. Bảo đảm sản phẩm tư vấn được thực hiện theo đúng yêu cầu nhiệm vụ được giao, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật.
2. Có hệ thống quản lý chất lượng để kiểm soát chất lượng sản phẩm theo quy định; có trách nhiệm thực hiện giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây lắp theo quy định; phối hợp kịp thời với cơ quan quản lý, nhà thầu để giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ tư vấn và những phát sinh trong quá trình thi công; tham gia kiểm tra, nghiệm thu công trình theo quy định khi có yêu cầu của cơ quan quản lý.
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan quản lý về kết quả thực hiện, bồi thường thiệt hại do sản phẩm tư vấn của mình gây ra.
4. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm của tư vấn theo hợp đồng đã ký và quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của nhà thầu thi công
1. Quá trình thi công thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, phương án bảo đảm an toàn hàng hải được phê duyệt và quy định có liên quan của pháp luật. Chịu sự giám sát, kiểm tra thường xuyên về chất lượng công trình của cơ quan quản lý, tổ chức thiết kế, giám sát.
2. Lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét theo yêu cầu tại Điều 8 của Thông tư này và gắn MIA (thước có chia độ cao đến cm) cố định trong khoang chứa (chiều cao thước lớn hơn chiều dày lớn nhất của đất chứa trong khoang), đảm bảo thiết bị hoạt động tốt trong toàn bộ quá trình nạo vét và đổ bùn đất nạo vét. Trường hợp hệ thống giám sát nạo vét bị hư hỏng, không hoạt động trong quá trình vận chuyển thì nhà thầu thi công phải báo cáo ngay Tư vấn giám sát, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, nhà thầu chính (nếu có) để xử lý kịp thời; nếu không khắc phục được sự cố thì cho phép phương tiện thực hiện xong việc đổ bùn đất tại vị trí đổ đất quy định và phải khắc phục xong hư hỏng mới được tiếp tục tham gia thi công; trường hợp nhà thầu không thông báo kịp thời về sự hư hỏng, không hoạt động của hệ thống giám sát nạo vét thì không chấp nhận kết quả chuyến vận chuyển đổ bùn đất đã thực hiện.
3. Lập biện pháp thi công, tiến độ thi công bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công; lập hệ thống bảo đảm chất lượng công trình để quản lý sản phẩm xây dựng, quản lý công trình trong quá trình thi công; lập đầy đủ nhật ký thi công xây dựng công trình; tổ chức nghiệm thu nội bộ đúng quy định. Trường hợp Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đo đạc khảo sát nghiệm thu tại hiện trường theo đề nghị của nhà thầu thi công nhưng kết quả đo đạc nghiệm thu cho thấy công việc của nhà thầu chưa đạt yêu cầu chất lượng theo thiết kế được duyệt và hợp đồng thi công đã ký thì nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm chi trả kinh phí của lần đo đạc đó, đồng thời nhà thầu phải tiếp tục thực hiện thi công để hoàn thành công trình theo quy định.
4. Huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị thi công theo đúng cam kết trong hồ sơ trúng thầu và hợp đồng xây dựng.
5. Phải kê khai rõ các thông tin về nhà thầu phụ tại hồ sơ dự thầu và hợp đồng thi công, bao gồm: danh sách, giá trị khối lượng thực hiện, phạm vi thi công, phương tiện thuộc sở hữu và các thông tin cần thiết khác của nhà thầu phụ.
6. Chỉ được phép thay đổi biện pháp thi công khi được Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải chấp thuận; thay đổi khối lượng thi công khi được Cục Hàng hải Việt Nam chấp thuận; báo cáo thường xuyên về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn và môi trường xây dựng.
7. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý và trước pháp luật về thi công xây lắp công trình, kể cả những phần việc do nhà thầu phụ thực hiện theo quy định của hợp đồng giao nhận thầu xây lắp.
8. Trường hợp thi công đổ bùn đất nạo vét không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường hoặc chuyển nhượng cho nhà thầu khác trên 10% giá trị thực hiện (không bao gồm phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng thi công đã ký kết) sẽ phải chịu trách nhiệm khắc phục những thiệt hại do mình gây ra, chịu xử phạt do vi phạm hành chính theo quy định, bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải từ 01 đến 03 năm và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2014.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh với Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận: - Như Điều 16; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ; - Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các Thứ trưởng Bộ GTVT; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng TTĐT Chính phủ; - Website Bộ GTVT; - Báo Giao thông, Tạp chí GTVT; - Lưu: VT, KCHT (5). | BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng |