Quyết định 789/QĐ-BCT của Bộ Công Thương phê duyệt Đề án “Tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc Bộ đến năm 2020
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 789/QĐ-BCT
Cơ quan ban hành: | Bộ Công Thương | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 789/QĐ-BCT | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Vũ Huy Hoàng |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 22/01/2014 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 789/QĐ-BCT
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 789/QĐ-BCT |
Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt đề án "Tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc bộ đến năm 2020"
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Quyết định số 7040/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ ý kiến của các thành viên Ban cán sự về nội dung Đề án "Tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc Bộ đến năm 2020;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc Bộ đến năm 2020" với nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC
1.1 Quan điểm
- Việc tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo phù hợp và góp phần thực hiện các Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, Quy hoạch mạng lưới - các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, các Quy hoạch tổng thể, Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các địa phương, và các vùng kinh tế;
- Việc tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo đảm bảo tính hiệu quả của các cơ sở đào tạo, chú trọng về tính, đặc thù ngành nghề, vị trí địa lý, sự ổn định, có điều kiện phát triển các cơ sở đào tạo, góp phần cung cấp đủ số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của ngành Công Thương và của đất nước đến năm 2020; lộ trình thực hiện Đề án có tính linh hoạt, thời gian thực hiện lộ trình có thể kéo dài đến sau năm 2020, tùy thuộc vào biến động về nhu cầu nguồn nhân lực;
- Việc hợp nhất một số trường nhằm hình thành các cơ sở đào tạo có tiềm lực mạnh, tăng khả năng thu hút người học đồng thời giảm bớt áp lực về công tác tuyển sinh trên một số địa bàn, đầu tư tập trung cho các trường phấn đấu trở thành trường đạt tiêu chuẩn khu vực để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;
- Các trường cao đẳng có đủ điều kiện về tiêu chuẩn trường đại học do Thủ tướng Chính phủ quy định, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới trường đại học của địa phương nơi trường đặt trụ sở chính sẽ được xem xét, đưa vào kế hoạch nâng cấp thành trường đại học.
1.2 Nguyên tắc
- Tổ chức, sắp xếp các cơ sở hướng tới đảm bảo điều kiện, để cơ sở đào tạo đáp ứng các tiêu chí theo quy định, làm cho cơ sở phát triển mạnh lên, nâng cao chất lượng đào tạo;
- Việc hợp nhất các cơ sở đào tạo dựa trên đặc điểm các cơ sở có nhiều ngành nghề trùng nhau trên cùng một địa bàn;
- Việc nâng cấp các cơ sở đào tạo phải phù hợp với quy hoạch mạng các cơ sở đào tạo của các địa phương và quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo trên cả nước;
- Duy trì các cơ sở đào tạo ngoài cơ sở chính của các trường và nâng cấp thành phân hiệu theo quy định. Trường hợp không duy trì sẽ được cân nhắc chuyển giao cho các địa phương.
II. MỤC TIÊU
2.1 Mục tiêu tổng thể
Tổ chức, sắp xếp hợp lý các cơ sở đào tạo thuộc Bộ nhằm củng cố mạng lưới các cơ sở đào tạo theo các vùng miền, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của các cơ sở đào tạo, đồng thời đáp ứng đáng kể nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật, công nghệ của ngành công thương và xã hội.
2.2 Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu đến năm 2020, Bộ Công Thương có thêm từ 5-10 trường đại học được thành lập trên cơ sở các trường cao đẳng thuộc Bộ; Đến năm 2015 có 01 trường đạt đại học trọng điểm quốc gia; Đến năm 2020 có 02 trường đạt đại học trọng điểm quốc gia, mỗi trường; trọng điểm quốc gia và có ít nhất 2 khoa đạt chất lượng tương đương với các trường có uy tín trong khu vực;
- Đến năm 2020, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ phát triển theo hướng tập trung nguồn lực vào các ngành nghề đặc thù có lợi thế và được ưu tiên theo nhu cầu của xã hội; trên từng địa bàn, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tập trung nhiệm vụ đào tạo những ngành nghề có thế mạnh của địa phương và của vùng;
- Tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở thuộc Bộ, phấn đấu đến năm 2020, 60% giảng viên cao đẳng và 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sỹ trở lên, 21% giảng viên đại học và 4% giảng viên cao đẳng đạt trình độ tiến sỹ, 100% giảng viên đại học và cao đẳng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ.
III. NỘI DUNG TỔ CHỨC, SẮP XẾP CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO
3.1. Cụm các cơ sở đào tạo trên địa bàn Tỉnh Thái Nguyên
Hợp nhất 04 trường: Cao đẳng Cơ khí luyện kim, Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, Cao đẳng Công nghiệp Việt - Đức và Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp thành 01 trường; nâng cấp thành Trường Đại học kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên.
3.2. Cụm các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Hợp nhất trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng và trường Cao đẳng Công nghiệp Cẩm Phả, nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh.
3.3. Cụm các cơ sở đào tạo Vùng Đồng bằng Sông Hồng
Nâng cấp lên đại học các Trường: Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên; Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên;
Nâng cấp Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương thành Học viện cán bộ quản lý ngành Công Thương;
Bàn giao Cơ sở phía Bắc của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho tỉnh Thái Bình;
3.4. Cụm các cơ sở đào tạo vùng Bắc Trung bộ
Nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế thành Trường Đại học Công nghiệp Huế;
Nâng cấp Cơ sở Thanh Hóa của trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thành Phân hiệu.
3.5. Cụm các cơ sở đào tạo vùng Nam Trung bộ
Nâng cấp trường Cao đẳng Thương mại thành Trường Đại Học Thương mại Đà Nẵng;
Nâng cấp Cơ sở Quảng Ngãi của trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh thành Phân hiệu;
Nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thành trường Đại học Công nghiệp Phú Yên.
3.6. Cụm các cơ sở đào tạo Vùng Đông Nam bộ
Nâng cấp Trường cao đẳng Kinh tế Đối ngoại thành trường Đại học;
Nâng cấp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng thành trường Đại học;
Xây dựng trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh thành trường đại học trọng điểm ngành Công Thương.
3.7. Cụm cơ sở đào tạo Vùng Tây Nam bộ
Nâng cấp thành phân hiệu cơ sở Cần Thơ của Trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại và cơ sở Trà Vinh của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh trở thành cơ sở đào tạo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong khu vực;
Bộ Công Thương khuyến khích các trường thuộc Bộ đầu tư cơ sở đào tạo hoặc phân hiệu để đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong khu vực Tây Nam bộ.
IV. GIẢI PHÁP, LỘ TRÌNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
4.1. Giải pháp
4.1.1. Nhóm giải pháp về tài chính
- Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, nhà nước: Đầu tư ngân sách nhà nước cho cơ sở vật chất, xây dựng cơ bản và nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và đáp ứng diều kiện sắp xếp, nâng cấp các trường cao đẳng thành trường đại học theo lộ trình;
- Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục: các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng cơ bản, trích kinh phí từ nguồn học phí để tăng cường đào tạo giảng viên;
- Nghiên cứu xây dựng và đề xuất cơ chế tài chính đặc thù cho các trường trọng điểm thuộc Bộ Công Thương.
4.1.2. Nhóm giải pháp về phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý
- Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng giảng viên đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề để đạt định mức quy định về tỷ lệ sinh viên/ giảng viên đối với các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, các nhóm ngành nghề đào tạo;
- Hỗ trợ cán bộ, giáo viên đang làm việc tại các cơ sở đào tạo học tập nâng cao trình độ. Các cơ sở đào tạo chủ động hỗ trợ các giảng viên, nhất là các giảng viên trẻ tích cực chuẩn bị các điều kiện, đặc biệt về ngoại ngữ để đi học nâng cao trình độ, bổ sung lực lượng thạc sỹ, tiến sỹ giảng dạy tại các trường;
- Có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học thuộc các Viện, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước tham gia giảng dạy ở trường đại học, cao đẳng;
- Đổi mới công tác đánh giá giảng viên, giáo viên các cơ sở đào tạo, có cơ chế khuyến khích giảng viên, giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học kết hợp với giảng dạy.
4.1.3. Nhóm các giải pháp về đầu tư tăng cường cơ sở vật chất
- Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đề nghị địa phương cho các trường được mở rộng đất xây dựng để đảm bảo định mức theo qui định;
- Tạo điều kiện cho các trường chủ động khai thác các nguồn lực đầu tư nhằm đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị;
- Tăng cường năng lực, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện ở các trường; tiến tới hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối các trường trên cùng địa bàn, cùng một vùng và trên phạm vi toàn quốc;
- Mở rộng giao lưu quốc tế cho các trường nhằm tham quan, học hỏi về cách thức bố trí, tăng cường cơ sở vật chất;
- Các trường tập trung đầu tư hiện đại hoá trang thiết bị phòng học, giảng đường; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ cho sinh viên;
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các khu ký túc xá sinh viên, nhất là đối với các trường ở khu vực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh;
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trên cơ sở vốn ngân sách, vốn viện trợ và các nguồn vốn hợp tác khác.
4.1.4. Nhóm các giải pháp về quản lý
- Triển khai rộng rãi công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; thực hiện định kỳ xếp hạng các trường đại học, cao đẳng theo hướng dẫn hiện hành;
- Tăng cường công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực nhằm cung cấp các dữ liệu thống kê, thông tin, dự báo đầy đủ, chính xác, phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển ngành và cơ sở đào tạo;
- Thực hiện đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp đối với các trường;
- Tăng cường quản lý công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường, đáp ứng các tiêu chí bảo đảm chất lượng theo quy định.
4.1.5. Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ
- Xây dựng phong trào nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đào tạo, tiến tới nghiên cứu theo đặt hàng và nhu cầu chuyển giao công nghệ của các cơ sở sản xuất;
- Xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học gắn với các cơ sở đào tạo tạo tiền đề để các cơ sở đào tạo cung cấp các dịch vụ về khoa học và công nghệ chất lượng cao theo nhu cầu xã hội;
- Tăng cường sự phối hợp giữa các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ và các trường đại học trong công tác đào tạo, nghiên cứu;
- Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu ngoài nước.
4.1.6. Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho giáo dục thông qua các khoản viện trợ ODA, viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, tham gia các chương trình phát triển giáo dục đại học, các hiệp định về giáo dục đã được ký kết xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế mới;
- Đẩy mạnh hoạt động tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, tăng cường liên kết đào tạo với các nước nhằm chuyển giao công nghệ giáo dục tiên tiến của các nước;
- Nâng cao phong trào dạy và học ngoại ngữ, trước hết là đối với giáo viên, giảng viên các trường, sau đó là học sinh, sinh viên.
4.2. Lộ trình thực hiện các giải pháp
4.2.1. Giai đoạn đến 2015
a) Triển khai hợp nhất các trường theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
- Xây dựng đề án hợp nhất 04 Trường Cao đẳng tại Thái Nguyên thành Trường đại học Kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên;
- Hợp nhất Trường Cao đẳng Công nghiệp - Xây dựng và Trường CĐ Công nghiệp Cẩm Phả thành Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh;
- Hợp nhất Trường Cao đẳng nghề Thương mại và Công nghiệp và Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại;
b) Nâng cấp trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thành trường đại học.
c) Tập trung phát triển mạnh đội ngũ giảng viên, nâng chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề lên một bước; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến; tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc đổi mới phương pháp đào tạo ở các trường.
d) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo ngoài cơ sở chính của các trường thuộc Bộ
- Tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ sở Thanh Hóa và Quảng Ngãi của Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở Trà Vinh của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở Cần Thơ của trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại;
- Nâng cấp cơ sở Quảng Ngãi của Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thành Phân hiệu;
e) Chuyển giao Cơ sở phía Bắc của Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Thái Bình.
4.2.2 Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020
a) Tiếp tục triển khai hợp nhất các trường được khởi động từ giai đoạn trước.
- Thực hiện hợp nhất 04 Trường Cao đẳng tại Thái Nguyên thành Trường đại học Kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên;
b) Triển khai nâng cấp các trường Cao đẳng sau lên Đại học:
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế;
- Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghiệp Hà Nội;
- Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng;
- Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại;
- Trường Cao đẳng Thương mại;
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên;
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên;
- Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh.
c) Nâng cấp Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương thành Học viện.
d) Nâng cấp một số cơ sở đào tạo ngoài cơ sở chính của các trường thuộc Bộ thành phân hiệu:
- Cơ sở Thanh Hóa của Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh;
- Cơ sở Trà Vinh của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh;
- Cơ sở Cần Thơ của Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại.
4.3 Tổ chức thực hiện
4.3.1. Vụ Phát triển nguồn nhân lực
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các Bộ ngành thực hiện các nội dung của Đề án;
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn quy định đối với các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề;
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện các cam kết về thành lập trường và báo cáo theo quy định;
- Ba năm một lần, rà soát tình hình thực hiện Đề án, đề xuất điều chỉnh Đề án nếu cần thiết;
4.3.2. Các đơn vị khác thuộc Bộ
- Vụ Kế hoạch phối hợp với Vụ Phát triển nguồn nhân lực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo huy động các nguồn vốn đầu tư hợp pháp ngoài ngân sách cho các dự án đầu tư;
- Vụ Tài chính theo chức năng chủ trì hoặc phối hợp với Vụ Phát triển nguồn nhân lực hướng dẫn các cơ sở đào tạo thực hiện hoạt động thu chi hiệu quả, phù hợp với quy định;
- Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Phát triển nguồn nhân lực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong công tác thu hút cán bộ, giảng viên chất lượng cao làm việc cho các cơ sở đào tạo thuộc Bộ;
- Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Vụ Phát triển nguồn nhân lực chỉ đạo, hướng dẫn các trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao trình độ giảng viên và chất lượng công tác đào tạo;
- Các đơn vị liên quan khác thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện hoặc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo thực hiện các nội dung trong Đề án thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện cho các trường phát triển.
4.3.3. Các Tập đoàn, các Tổng công ty thuộc Bộ
- Các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ có cơ sở đào tạo trực thuộc rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng đề án hoặc phương án tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc quyền quản lý, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát triển đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp;
- Các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc phối hợp, liên kết, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành và xã hội.
4.3.4 Các trường thuộc Bộ
- Chấp hành các quyết định của Bộ và các cơ quan có thẩm quyền về công tác tổ chức, sắp xếp lại nhà trường theo Đề án được phê duyệt; chủ động trong việc xây dựng các đề án hợp nhất, nâng cấp cơ sở như được phê duyệt tại Đề án;
- Chủ động trong công tác nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao trình độ giảng viên, giáo viên, đảm bảo chất lượng đào tạo đạt chỉ tiêu theo quy định.
- Xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường, tích cực chuẩn bị các điều kiện: đội ngũ giảng viên, đất đai, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, theo các tiêu chuẩn và quy định quy chuẩn hiện hành;
- Chủ động thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong ngành và xã hội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Phát triển nguồn nhân lực, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Hiệu trưởng các cơ sở đào tạo thuộc Bộ và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG |