QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 65/2007/QĐ-TTg NGÀY 11 THÁNG 05 NĂM 2007
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH AN GIANG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
QUY CHẾ
Hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2007/QĐ-TTg
ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định hoạt động, một số chính sách và tổ chức quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.
Điều 2.
1. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia với các khu chức năng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất theo các quy định hiện hành bao gồm hạ tầng kinh tế - xã hội và chính sách, cơ chế quản lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường.
2. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên là 265,83 km2, bao gồm: khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, khu vực cửa khẩu Khánh Bình và khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, cụ thể như sau:
a) Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, có diện tích tự nhiên 99,16 km2, gồm thị trấn Tân Châu và các xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân An, Phú Lộc, Long An thuộc huyện Tân Châu. Ranh giới địa lý được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp: biên giới Campuchia;
- Phía Nam giáp: các xã phía Nam huyện Tân Châu và một phần xã Long Sơn (huyện Phú Tân);
- Phía Đông giáp: sông Tiền;
- Phía Tây giáp: huyện An Phú.
b) Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên có diện tích tự nhiên 92,55 km2, gồm các thị trấn Tịnh Biên, Nhà Bàng và các xã: An Nông, An Phú, Nhơn Hưng thuộc huyện Tịnh Biên. Ranh giới địa lý được xác định như sau:
- Phía Tây giáp: Campuchia;
- Phía Đông - Bắc giáp: thị xã Châu Đốc;
- Phía Đông giáp: xã Thới Sơn, An Cư;
- Phía Nam giáp: xã Lê Trì.
c) Khu vực cửa khẩu Khánh Bình có diện tích tự nhiên là 74,12 km2, gồm thị trấn Long Bình và các xã Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái, Nhơn Hội và Phú Hữu thuộc huyện An Phú. Ranh giới địa lý được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp: sông Bình Di và biên giới Campuchia;
- Phía Nam giáp: xã Phú Hội, xã Phước Hưng;
- Phía Đông giáp: xã Phú Hữu;
- Phía Tây giáp: sông Bình Di và biên giới Campuchia.
Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang
1. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trở thành vùng động lực, trung tâm liên kết kinh tế của các nước tiểu vùng sông Mêkông trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trước hết trong quan hệ Việt Nam - Campuchia.
2. Xây dựng các khu trung tâm thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trở thành đô thị biên giới, khai thác có hiệu quả các điều kiện về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội trong quá trình giao lưu kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tác dụng lan toả của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang đối với các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông, trước hết giữa Việt Nam với Campuchia trong tiến trình hội nhập.
3. Phát triển khu vực nông thôn, đặc biệt khu vực biên giới, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường xã hội, môi trường sinh thái, văn hoá, xã hội, dân tộc, trật tự, an ninh, quốc phòng trên cơ sở tạo nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
4. Tạo điều kiện bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh biên giới, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm đoàn kết dân tộc, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực.
Điều 4. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và bảo hộ các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển hàng hoá quá cảnh phù hợp với Hiệp định vận tải quá cảnh hàng hoá, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, hội chợ triển lãm, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất nhập khẩu, các chi nhánh đại diện, các công ty trong và ngoài nước, chợ cửa khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Doanh nghiệp Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thành lập và hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang chịu sự điều chỉnh và được hưởng các ưu đãi tại Quy chế này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 6. Ngoài những quyền được hưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang được hưởng các quyền sau:
1. Sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tiện ích công cộng và các dịch vụ phục vụ chung của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang do các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cung cấp.
2. Được hưởng các ưu đãi quy định tại Quy chế này.
3. Được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất theo quy định của pháp luật, phù hợp với mục đích sử dụng đất của dự án đã được đầu tư. Trong trường hợp có sự thay đổi về mục đích đầu tư ban đầu của dự án thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chỉ thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam và tại các tổ chức tín dụng nước ngoài theo các quy định của pháp luật.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU THƯƠNG MẠI CÔNG NGHIỆP THUỘC KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH AN GIANG
Điều 8. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang bao gồm các khu thương mại công nghiệp, khu quản lý hành chính, khu quản lý và kiểm soát cửa khẩu, khu đô thị và dân cư, khu du lịch, dịch vụ và khu vực phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Quy mô, vị trí từng khu vực được xác định trong quy hoạch chung và chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.
Khu thương mại công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang (sau đây gọi tắt là khu thương mại công nghiệp) được ngăn cách với các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và nội địa bằng hệ thống rào cứng, có cổng ra vào, bảo đảm sự kiểm soát về người, hàng hoá và phương tiện vận tải của các cơ quan chức năng liên quan.
Trong khu thương mại công nghiệp, không có dân cư (kể cả người nước ngoài) cư trú thường xuyên.
Điều 9. Xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của khu thương mại công nghiệp
1. Quan hệ trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa khu thương mại công nghiệp với các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam; phải thực hiện các thủ tục hải quan theo pháp luật Hải quan Việt Nam. Quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa khu thương mại công nghiệp với nước ngoài được xem như quan hệ trao đổi giữa nước ngoài với nước ngoài.
2. Các tổ chức kinh tế hoạt động trong khu thương mại công nghiệp được xuất khẩu ra nước ngoài và nhập khẩu từ nước ngoài tất cả hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không cấm.
3. Các tổ chức kinh tế, cá nhân trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và nội địa chỉ được nhập từ khu thương mại công nghiệp những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm nhập khẩu; xuất khẩu vào khu thương mại công nghiệp những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm xuất khẩu.
Điều 10. Đầu tư vào khu thương mại công nghiệp
Khoản 3 Điều 10 bị bãi bỏ bởi Khoản 5 Điều 1 Quyết định số 16/2010/QĐ-TTg, Khoản 1,2,4,5 Điều 10 bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg. Do đó, Điều 10 Quyết định này hết hiệu lực. Chương III
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TỈNH AN GIANG
Điều 11. Xuất nhập cảnh người và phương tiện vận tải và cư trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang
1. Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Vương quốc Campuchia
a) Công dân Vương quốc Campuchia (sau đây gọi tắt là công dân Campuchia) vào và ra Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang bằng hộ chiếu, được miễn thị thực nhập, xuất cảnh Việt Nam và được lưu trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang không quá 15 ngày. Trường hợp muốn vào các địa điểm khác ngoài Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét cấp thị thực tại cửa khẩu.
b) Công dân Campuchia cư trú tại các tỉnh có chung đường biên giới với tỉnh An Giang được qua lại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang bằng giấy chứng minh biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia cấp. Thời hạn được phép tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang không quá 15 ngày.
c) Công dân Campuchia vào và ra khu kinh tế cửa khẩu trong cùng một ngày bằng chứng minh thư do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia cấp.
2. Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang:
a) Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài vào tìm hiểu thị trường, làm việc, họat động đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang và các thành viên gia đình họ được cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị nhiều lần. Trường hợp vào làm việc, đầu tư, kinh doanh sẽ được xem xét cấp thẻ tạm trú, thời hạn của thẻ tạm trú tối đa là 3 năm.
b) Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hướng dẫn công an tỉnh An Giang, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh An Giang thực hiện việc quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.
3. Nhập cảnh, xuất cảnh của các phương tiện vận tải
a) Các phương tiện vận chuyển đường bộ và đường thủy (sau đây gọi là phương tiện vận chuyển) của Campuchia và các nước khác vào Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang nếu có giấy phép liên vận quốc tế thì chỉ đóng dấu hải quan, nếu không có giấy phép liên vận quốc tế thì phải làm thủ tục kê khai tạm nhập tái xuất.
b) Các phương tiện vận chuyển của Campuchia và các nước khác vào và ra Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trong cùng một ngày chỉ cần xác nhận của hải quan tại trạm kiểm soát cửa khẩu và phải neo, đỗ ở bến bãi quy định có sự quản lý của cơ quan chức năng liên quan.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Những quy định khác liên quan đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang không quy định tại Quy chế này được thực hiện theo các điều khoản tương ứng của Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, các văn bản pháp luật khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng