QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 60-TTG NGÀY 8-2-1994
VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 1994
Để đảm bảo thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 1994 - 1995, huy động tối đa mọi nguồn lực, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh tế xã hội theo sự quản lý và điều hành thống nhất của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định một số chủ trương và biện pháp điều hành kế hoạch Nhà nước như sau :
I. TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ, GIÁ CẢ
A. TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH
1. Về việc phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương.
Trong khi chờ ban hành luật ngân sách Nhà nước, tiếp tục thực hiện Quyết định số 168-HĐBT ngày 16 tháng 5 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) với một số điểm bổ sung, sửa đổi sau đây :
a/ Bổ xung nguồn thu cố định của ngân sách địa phương với các khoản sau:
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp.
- Thuê tài nguyên (trừ tài nguyên về dầu thô).
- Thuế thu nhập của những người có thu nhập cao (trừ thuế thu nhập ở Bà Rịa - Vũng Tàu ).
b/ Về thuế lợi tức (trừ lợi tức của các đơn vị hạch toán toàn ngành):
- Thành phố Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Đồng Nai, Sông Bé và Quảng Ninh được để lại 50%.
- Các tỉnh và thành phố khác trực thuộc Trung ương được để lại 100%.
c) Trong năm 1994, thuế xuất nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch thống nhất do Hải quan thu, hạch toán chung vào tài khoản thuế xuất nhập khẩu (mục 04, 05,33 của Mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành).
d) Đối với những tỉnh, thành phố sau khi đã được để lại 100% thuế doanh thu nhưng chưa cân đối đủ nhu cầu chi theo kế hoạch do Trung ương giao, thì được gán trừ các khoản thu của Ngân sách Trung ương trên địa bàn (theo số tuyệt đối), nếu vẫn còn thiếu thì Ngân sách Trung ương bổ sung tiếp cho đủ.
e) Về khoản vượt thu so với kế hoạch Chính phủ giao:
- Để lại cho ngân sách địa phương 100% số vượt thu của các khoản thu cố định.
- Nếu cuối năm, khoản thu về thuế doanh thu thực hiện vượt kế hoạch do Trung ương giao, thì địa phương được để lại 60% số vượt.
Cả hai khoản vượt thu để lại nói trên chỉ được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền duyệt, để bổ sung vốn lưu động còn thiếu theo quy định hiện hành đối với các doanh nghiệp Nhà nước và trả nợ nước ngoài (nếu có).
Trong tháng 2 năm 1994, Bộ Tài chính phải hướng dẫn xong việc thực hiện quy định tại Điều 1 nói trên.
2. Về chế độ nộp khấu hao cơ bản tài sản cố định.
Toàn bộ khấu hao cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã đầu tư đều phải nộp ngân sách Nhà nước. Nhà nước dành một phần nguồn vốn này để tái đầu tư cho các doanh nghiệp quan trọng có nhu cầu đầu tư để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, đã có luận chứng kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã ghi trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xác định đối tượng được tái đầu tư thuộc các Bộ, ngành Trung ương trên cơ sở yêu cầu đầu tư, vị trí quan trọng và thời gian đã hoạt động của doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đối tượng được tái đầu tư thuộc các sở, ngành, địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Việc tái đầu tư bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong tháng 2 năm 1994, Bộ Tài chính phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện chế độ nộp và sử dụng khấu hao cơ bản áp dụng cho năm 1994; đồng thời nghiên cứu chế độ quản lý khấu hao cơ bản áp dụng cho các năm tiếp theo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 1994.
3. Về một số khoản chi Ngân sách Nhà nước.
a) Với tinh thần thực hiện chi đúng mục tiêu, đúng chế độ, có hiệu quả, các Bộ, các ngành và các địa phương phải đăng ký mức tiết kiệm cụ thể cho từng khoản chi bảo đảm thực hiện mức tiết kiệm ít nhất 5% tổng số chi để góp phần giảm thiếu hụt ngân sách như Nghị quyết Quốc hội đã thông qua. Trong quý I năm 1994 Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ về mức và biện pháp thực hiện khoản tiết kiệm nói trên.
b) Đối với các giường điều dưỡng, ngân sách Nhà nước chỉ bảo đảm chi cho số giường của ngành y tế, quốc phòng, nội vụ, thương binh - xã hội; số còn lại tự trang trải bằng quỹ phúc lợi của doanh nghiệp hoặc chuyển sang kinh doanh.
c) Thực hiện đúng Điều lệ Bảo hiểm y tế, chế độ thu viện phí đã quy định. Tập trung nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước vào công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng thuộc diện chính sách, người dân tộc, người quá nghèo, thực hiện các chương trình quốc gia quan trọng (chống bướu cổ, chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, phòng chống SIDA...). Số giường điều trị của các cơ sở thuộc các Bộ, ngành Trung ương phải được sắp xếp lại theo hướng duy trì số giường bệnh thật cần thiết tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, ngành than, đường sắt. Chuyển các cơ sở điều trị của các ngành khác cho Bộ Y tế hoặc địa phương quản lý. Sắp xếp hợp lý mạng lưới bệnh viện Trung ương, tỉnh, quận, huyện trên từng địa bàn.
d) Ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc phổ cập giáo dục tiểu học, đặc biệt ưu tiên cho các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng sâu, các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Đối với giáo dục cấp II, III, thực hiện việc thu học phí theo chế độ quy định, Nhà nước bảo đảm lương cho giáo viên, cơ sở vật chất, một phần chi phí cho dạy và học.
Đối với công tác đào tạo, Nhà nước tập trung bảo đảm cơ sở vật chất, các chi phí quản lý, lương giáo viên, học bổng cho học sinh thuộc diện ưu tiên và chính sách xã hội, chuyển dần từng bước sang chế độ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tự trang trải kinh phí đào tạo nghề theo nhu cầu của mình.
e) Đối với các chương trình quốc gia, và các khoản chi ghi qua Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chủ quản các khoản chi này cần phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính dự kiến phân bố kinh phí trong hạn mức được duyệt hàng năm và thông báo cùng một lúc với các chỉ tiêu kế hoạch thu chi Ngân sách Nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính tổng hợp các khoản chi về chương trình quốc gia và các khoản chi ghi qua Bộ, ngành trên từng địa bàn và thông báo đến Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương để phối hợp chỉ đạo thực hiện và giám sát việc thi hành.
Bộ Tài chính trực tiếp cấp phát phần kinh phí của chương trình do các cơ quan Trung ương thực hiện và cấp uỷ quyền qua Sở Tài chính - Vật giá phần kinh phí của chương trình và kinh phí ghi qua Bộ, ngành trung ương do địa phương thực hiện.
Cơ quan chủ quản chương trình và kinh phí ghi qua Bộ, cùng ngành Tài chính kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung và tình hình sử dụng kinh phí, nếu phát hiện chi sai mục đích phải ra lệnh ngừng cấp phát và thu hồi số đã ghi sai, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các hình thức xử lý tiếp.
g) Ngân sách Nhà nước không cấp bù lỗ cho doanh nghiệp. Trong trường hợp đặc biệt việc cấp bù lỗ cho doanh nghiệp phải có quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.
h) Các địa phương sử dụng khoản dự phòng đã bố trí trong ngân sách và khoản thu vượt kế hoạch của ngân sách địa phương để giải quyết các nhu cầu chi đột xuất phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch. Việc điều hành các khoản dự phòng và vượt thu của Ngân sách Trung ương được thực hiện theo Chỉ thị số 132-TTg ngày 27-3-1993 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần có quy chế phối hợp giúp Thủ tướng Chính phủ xử lý công việc kịp thời, chính xác trong việc phân bổ các khoản dự phòng và vượt thu của ngân sách Trung ương.
i) Trong quý I năm 1994, Bộ Tài chính chủ trì cùng các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ chế độ tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản, hành chính sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang.
B. VỀ TÍN DỤNG - TIỀN TỆ
1. Thực hiện ngay khi các biện pháp nhằm huy động mọi nguồn vốn trong dân:
- Trong quý I năm 1994, Ngân hàng Nhà nước ban hành các thể thức tiết kiệm dài hạn, tiết kiệm xây dựng nhà ở; mở rộng hình thức gửi tiết kiệm ở nơi này nhưng có thể rút ra ở nhiều nơi khác; khuyến khích mở tài khoản của tư nhân ở Ngân hàng...
- Trong quý I năm 1994, Bộ Tài chính trình Chính phủ đề án tổ chức phát hành trái phiếu dài hạn của Chính phủ và của các doanh nghiệp; Phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh thí điểm việc phát hành trái phiếu xây dựng đường Nguyễn Tất Thành.
- Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ đề án tổ chức thị trường vốn tín dụng trung, dài hạn, nghiên cứu tổ chức thị trường chứng khoán ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong năm 1994 phấn đấu hình thành Sở Giao dịch chứng khoán tại thành phố Hồ Chi Minh.
2. Ngân hàng Nhà nước hoàn chỉnh cơ chế cung ứng tiền, đảm bảo tổ chức tốt việc điều hoà lưu thông tiền tệ phục vụ nhu cầu sản xuất, xây dựng, lưu thông hàng hoá và đời sống nhân dân.
3. Thực hiện việc điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay một cách nhạy bén, sát với cung - cầu về vốn, chỉ số trượt giá và xử lý hài hoà mối quan hệ giữa lãi suất nội tệ và lãi suất ngoại tệ. Thống nhất đầu mối chỉ đạo chính sách lãi suất huy động vốn và cho vay vào Ngân hàng Nhà nước.
4. Mở rộng công tác thanh toán và tổ chức dịch vụ thanh toán của Ngân hàng trong nước và quốc tế. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ phương án xử lý công nợ dây dưa giai đoạn II; đề xuất phương án xử lý nợ nước ngoài của các địa phương và các doanh nghiệp.
5. Về quản lý ngoại hối, trong quý I năm 1994, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành quy định về quản lý ngoại hối theo hướng Ngân hàng sẽ mua hết và bán lại khi có nhu cầu ngoại tệ. Trước mắt trong năm 1994 thực hiện ngay việc mua hết ngoại tệ và bán đủ nhu cầu ngoại tệ đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp; quy định hạn mức tồn quỹ ngoại tệ đối với các doanh nghiệp, vượt quá hạn mức quy định nói trên Ngân hàng có trách nhiệm mua hết và bán lại khi doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ. Tỷ giá mua, bán ngoại tệ là tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm giao dịch. Mức tỷ giá công bố phải bảo đảm nguyên tắc khuyến khích xuất khẩu nhập khẩu theo định hướng kế hoạch, đáp ứng được các yêu cầu trong mua - bán ngoại tệ, không gây tác động xấu đến việc ổn định giá cả thị trường. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm công bố tỷ giá ngoại tệ hàng ngày để làm cơ sở cho việc mua, bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại và công ty tài chính được phép kinh doanh ngoại tệ.
Trong quý I năm 1994, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ đề án chuyển đổi nội dung hoạt động của hai trung tâm giao dịch ngoại tệ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thành thị trường hối đoái liên Ngân hàng để tạo lập dần thị trường hối đoái ở Việt Nam.
6. Trong quý I năm 1994, Bộ tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn xong việc thực hiện Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài theo Nghị định số 58/CP ngày 30-8-1993 của Chính phủ.
C. VỀ GIÁ CẢ
1. Thực hiện cho được việc bình ổn giá thị trường trong cả năm, nhất là giá những vật tư quan trọng và hàng hoá thiết yếu cho nhân dân, góp phần kiềm chế lạm phát theo yêu cầu của Nghị quyết kỳ họp thứ tư Quốc hội Khoá IX đã đề ra.
2. Ban Vật giá Chính phủ có trách nhiệm theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để phát hiện và cùng với các ngành liên quan kiến nghị kịp thời với Thủ tướng Chính phủ những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa đột biến giá. Trong quý I năm 1994 Ban Vật giá Chính phủ nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ mặt bằng giá năm 1994 tập trung vào giá các vật tư quan trọng do Nhà nước còn định giá như điện, xăng dầu, sắt thép, xi măng...
II. HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ
A. HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ
1. Kế hoạch hoá đầu tư phải bao quát và định hướng mọi nguồn vốn đầu tư của toàn bộ nền kinh tế, bao gồm:
- Vốn đầu tư thuộc Ngân sách Nhà nước.
- Vốn đầu tư tự huy động của các doanh nghiệp Nhà nước.
- Vốn đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
- Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
- Vốn tín dụng đầu tư trung hạn và dài hạn
2. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức huy động vốn trong dân để tăng nhanh các nguồn vốn đầu tư trong nước. Trên cơ sở quy hoạch và các đề án cụ thể, các tỉnh, thành phố có kế hoạch tiến hành việc cho thuê hoặc chuyển quyền sử dụng đất, bất động sản để bổ sung vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Kế hoạch này chỉ được thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ duyệt.
3. Các ngành, địa phương phải chuẩn bị tốt các chương trình, dự án và danh mục công trình theo thứ tự ưu tiên để làm căn cứ gọi vốn nước ngoài.
Các doanh nghiệp phải tính toán khả năng tự vay, tự trả thông qua Ngân hàng bảo lãnh (nếu phía nước ngoài yêu cầu) để vay vốn đầu tư các công trình sản xuất kinh doanh.
4. Trong quý I năm 1994, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung các quy định thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
B. SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ
1. Vốn ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Tất cả các công trình thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng thu hồi vốn như sân bay, bến cảng, điện, bưu chính viễn thông... phải chuyển sang phương thức tự vay, tự trả. Riêng đối với ngành điện, năm 1994 ngân sách Nhà nước chỉ bố trí vốn để hoàn thành đường dây 500 KV, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình và các đường dây 35 KV trở xuống.
2. Vốn tín dụng trung hạn, dài hạn theo kế hoạch được giới hạn cho vay đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước có yêu cầu duy trì và phát triển.
Vốn tín dụng đầu tư do Ngân hàng huy động sẽ được cho vay rộng rãi đối tượng đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trên cơ sở khả năng vay, trả, với lãi suất thị trường.
C. QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ
1. Chỉ ghi kế hoạch và cấp phát vốn theo tổng dự toán được duyệt. Những khối lượng phát sinh vì thay đổi thiết kế chỉ được ghi vào kế hoạch và được cấp phát vốn sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hoàn thiện cơ chế đấu thầu, thực hiện ghi kế hoạch vốn và ứng vốn theo tiến độ sau khi đấu thầu.
3. Bộ xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại giá khảo sát, thiết kế, nhất là giá mua bán tư liệu, bản đồ giữa các cơ quan Nhà nước. Trong năm 1994 phải ban hành suất đầu tư, loại bỏ trong dự toán những tỷ lệ phí không còn phù hợp.
III. LƯU THÔNG VẬT TƯ HÀNG HOÁ
A. VỀ XUẤT, NHẬP KHẨU
1. Trong tháng 2 năm 1994 Bộ Thương mại trình Chính phủ ban hành nghị định mới về quản lý Nhà nước đối với xuất, nhập khẩu thay thế Nghị định số 114-HĐBT ngày 7-4-1992; công bố danh mục:
- Các mặt hàng cấm xuất, cấm nhập khẩu.
- Các mặt hàng xuất khẩu quản lý bằng hạn ngạch
- Các mặt hàng xuất, nhập khẩu theo kế hoạch định hướng.
- Các mặt hàng xuất, nhập khẩu theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
- Các mặt hàng do Nhà nước chỉ định các doanh nghiệp làm đầu mối xuất, nhập khẩu.
- Bộ Thương mại phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành quy chế điều hành xuất, nhập khẩu các mặt hàng theo các danh mục nói trên.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng các cơ quan liên quan cân đối, dự báo kịp thời để điều hành xuất, nhập khẩu các mặt hàng theo kế hoạch định hướng, đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước trong các cơn sốt "thừa" "thiếu".
2. Việc nhập khẩu thiết bị phải thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 91-TTg ngày 13-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ Tài chính và Bộ thương mại phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tình hình sản xuất và thị trường, đề xuất kịp thời việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất nhập khẩu, hỗ trợ tài chính... để thực hiện chính sách khuyến khích hay hạn chế của Nhà nước đối với một số mặt hàng cụ thể.
B. LƯU THÔNG TRONG NƯỚC
1. Bộ thương mại, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức kinh doanh trực thuộc bảo đảm dự trữ lưu thông các mặt hàng xăng dầu, phân bón, thép, xi măng, đường, gạo, kịp thời can thiệp vào thị trường không để xẩy ra đột biến về giá.
2. Tiếp tục thực hiện việc cung ứng những mặt hàng đã có chính sách xã hội cho miền núi và đồng bào dân tộc ở những vùng cao có khó khăn. Từ năm 1994 bảo đảm đủ muối trộn i-ốt cho đồng bào các tỉnh miền núi. Bộ thương mại chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành phương thức thực hiện phù hợp.
3. Bộ Thương mại trình Chính Phủ ban hành chính sách mặt hàng trong 6 tháng đầu năm 1994, tạo môi trường pháp lý cho các đơn vị kinh doanh và tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, kiểm tra, xử lý việc thực hiện của các tổ chức và cá nhân kinh doanh.
4. Trong quý I năm 1994, Bộ Thương mại trình Chính phủ đề án sắp xếp lại hệ thống thương nghiệp quốc doanh trong phạm vi cả nước.
5. Tổ chức sắp xếp lại dự trữ quốc gia theo hướng thu gọn mặt hàng, chỉ dự trữ những mặt hàng thật thiết yếu đối với nền kinh tế, đặc biệt là các mặt hàng cần đối phó với thiên tai, địch hoạ.
IV. HỆ THỐNG CHỈ TIÊU GIAO KẾ HOẠCH
1. Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, các địa phương thực hiện theo Quyết định số 61-TTg ngày 8-2-1994.
2. Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn các Bộ, địa phương một số chỉ tiêu cần thiết để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân và thực hiện theo định hướng của kế hoạch Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn các Bộ, địa phương các chỉ tiêu liên quan đến thu chi ngân sách Nhà nước.
Chỉ tiêu kế hoạch thu nộp ngân sách Nhà nước do các cơ quan quản lý Nhà nước giao cho doanh nghiệp là chỉ tiêu hướng dẫn. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo đúng các quy định trong các luật thuế, pháp lệnh thuế và các chế độ thu nộp khác của Nhà nước.