Quyết định 295/QĐ-TTg 2022 Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng

  • Tóm tắt
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Quyết định 295/QĐ-TTg

Quyết định 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủSố công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:295/QĐ-TTgNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết địnhNgười ký:Lê Văn Thành
Ngày ban hành:02/03/2022Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Xuất nhập khẩu, Xây dựng, Chính sách

TÓM TẮT VĂN BẢN

Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến 2040

Ngày 02/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 295/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040.

Theo đó, quy mô lập quy hoạch có diện tích khoảng 30.130 ha. Phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng (Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ), bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích của 31 xã và 3 thị trấn biên giới (từ xã Cần Nông, huyện Hà Quảng đến xã Đức Long, huyện Thạch An).

Ngoài ra, dựa trên cơ sở các điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, các mối liên kết phát triển, điều kiện phát triển của các khu vực cửa khẩu, lối mở, các vùng cảnh quan, hệ thống đô thị và dân cư nông thôn, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành 04 phân vùng, trong đó mỗi phân vùng có một trung tâm cửa khẩu chính, là những vùng cực phát triển của phân vùng. Các trung tâm của phân vùng được kết nối trực tiếp với hệ thống cửa khẩu của Trung Quốc và kết nối với trung tâm kinh tế của tỉnh, các khu vực trong và ngoài tỉnh thông qua các tuyến giao thông chính: đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, quốc lộ 3, quốc lộ 4, quốc lộ 34.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Xem chi tiết Quyết định 295/QĐ-TTg tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
__________

Số: 295/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2022

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040

___________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tại Tờ trình số 22/TTr-UBND ngày 07 tháng 01 năm 2022, Tờ trình số 1334/TTr-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2021 và ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 04/BC-BXD ngày 20 tháng 01 năm 2022.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 với những nội dung chính sau:

1. Phạm vi và quy mô lập quy hoạch

Phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng (Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng), bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích của 31 xã và 3 thị trấn biên giới (từ xã Cần Nông huyện Hà Quảng đến xã Đức Long huyện Thạch An).

Quy mô lập quy hoạch: Diện tích khoảng 30.130 ha.

2. Tính chất:

- Là một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.

- Là Khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, đa lĩnh vực, điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Cao Bằng và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

- Là một trong những trung tâm kinh tế về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và có khả năng gắn kết được với các địa phương khác để tạo thành tuyến dịch vụ thương mại - du lịch động lực của toàn vùng trung du miền núi phía Bắc.

- Là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.

3. Các dự báo phát triển

- Đến năm 2030: Dân số khoảng 73.000 - 78.000 người (trong đó dân số quy đổi khoảng 16.000 - 19.000 người); dân số đô thị khoảng 35.000 - 37.000 người. Nhu cầu sử dụng đất xây dựng các khu chức năng khoảng 3.800 - 3.900 ha.

- Đến năm 2040: Dân số khoảng 100.000 - 104.000 người (trong đó dân số quy đổi khoảng 22.000 - 26.000 người); dân số đô thị khoảng 50.000 - 53.000 người. Nhu cầu sử dụng đất xây dựng các khu chức năng khoảng 6.300 - 6.500 ha.

4. Định hướng phát triển không gian

a) Khung cấu trúc không gian tổng thể

Trên cơ sở các điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, các mối liên kết phát triển, điều kiện phát triển của các khu vực cửa khẩu, lối mở, các vùng cảnh quan, hệ thống đô thị và dân cư nông thôn, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành 04 phân vùng, trong đó mỗi phân vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính, là những cực phát triển của phân vùng. Các trung tâm của phân vùng được kết nối trực tiếp với hệ thống cửa khẩu của Trung Quốc và kết nối với trung tâm kinh tế của tỉnh (thành phố Cao Bằng), các khu vực trong và ngoài tỉnh Cao Bằng thông qua các tuyến giao thông chính: đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, quốc lộ 3, quốc lộ 4, quốc lộ 34.

b) Định hướng phát triển theo các phân vùng

Không gian Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng bao gồm 04 phân vùng như sau:

- Vùng 1 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Tây), bao gồm các xã biên giới của huyện Hà Quảng; diện tích quy hoạch khoảng 4.018 ha, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 8.000 - 9.000 người, trung tâm là khu cửa khẩu - đô thị Sóc Giang. Vùng (1) bao gồm 03 khu vực chính sau:

+ Khu vực lối mở Nà Quân (xã Cần Yên) diện tích quy hoạch khoảng 114 ha: Hình thành cặp chợ, có chức năng thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu trao đổi hàng hóa cư dân biên giới; xây dựng khu vực kiểm soát quản lý, kho bãi hàng hóa, phát triển các khu dân cư mới, nâng cấp cải tạo các khu vực dân cư hiện trạng, cải tạo hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu vực lối mở và của xã Cần Yên.

+ Khu cửa khẩu Sóc Giang (xã Sóc Hà) diện tích quy hoạch khoảng 311 ha: Định hướng xây dựng và phát triển khu vực cửa khẩu Sóc Giang thành một đô thị cửa khẩu loại V. Phát triển hoàn thiện các khu chức năng cửa khẩu: cơ quan quản lý, dịch vụ thương mại, kho bãi trung chuyển hàng hóa, dân cư mới; cải tạo chỉnh trang, xây dựng hoàn thiện khu vực trung tâm xã Sóc Hà.

+ Khu vực Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà), có diện tích quy hoạch khoảng 2.450 ha: Tuân thủ quy hoạch khu di tích đã được phê duyệt, phát triển khu di tích lịch sử Pác Bó trở thành điểm du lịch phát triển bền vững. Bảo tồn tôn tạo hệ thống công trình di tích, xây dựng các khu chức năng trung tâm dịch vụ du lịch, cải tạo nâng cấp hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu di tích và trung tâm xã Trường Hà, xây dựng các điểm dân cư, tái định cư, thành lập các cơ sở du lịch cộng đồng; giữ gìn, bảo vệ cảnh quan khu vực đồi rừng.

- Vùng 2 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Bắc) bao gồm khu vực các thôn xã của huyện Trùng Khánh; diện tích quy hoạch khoảng 8.134 ha, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 30.000 - 32.000 người; trung tâm là khu cửa khẩu - thị trấn Trà Lĩnh. Vùng (2) bao gồm 03 khu vực chính sau:

+ Khu cửa khẩu Trà Lĩnh và lối mở Nà Đoỏng (thị trấn Trà Lĩnh), diện tích quy hoạch khoảng 1.490 ha: Là cửa khẩu quốc tế, trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, cửa ngõ kết nối Trung Quốc và ASEAN. Khu vực cửa khẩu phát triển các khu chức năng quản lý, kiểm soát, các khu hỗn hợp thương mại dịch vụ cửa khẩu, trung tâm logistic với cảng cạn ICD, hệ thống kho bãi, trung tâm sản xuất chế biến phục vụ xuất khẩu (khu chế xuất), khu dân cư hiện trạng và khu dân cư mới phục vụ tái định cư. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thị trấn Trà Lĩnh đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

+ Khu vực cửa khẩu Pò Peo (xã Ngọc Côn), diện tích quy hoạch khoảng 1.134 ha và lối mở Đình Phong (xã Đình Phong), diện tích quy hoạch khoảng 3.367 ha: Định hướng hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ logistic, kho bãi trung chuyển hàng hóa, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới; phát triển dịch vụ du lịch: du lịch nghỉ dưỡng dọc sông Quây Sơn, du lịch tham quan ngắm cảnh, dịch vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao (sân gôn)...; cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư hiện hữu.

+ Khu vực Khu du lịch thác Bản Giốc (bao gồm toàn bộ ranh giới Khu du lịch thác Bản Giốc), diện tích quy hoạch khoảng 1000 ha: Là khu du lịch quốc gia, tầm vóc quốc tế. Định hướng phát triển tuân thủ Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Thác Bản Giốc được đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các khu dịch vụ du lịch, các khu thương mại dịch vụ ven biên giới, các khu nghỉ dưỡng, thăm quan ngắm cảnh, các khu vực khám phá trải nghiệm văn hóa cộng đồng; phát triển các khu dân mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu du lịch.

- Vùng 3 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông Bắc), bao gồm các xã biên giới của huyện Hạ Lang; diện tích quy hoạch khoảng 3.346 ha, dân số đến năm 2040 khoảng 7.500 - 8.000 người; trung tâm là khu cửa khẩu Lý Vạn. Vùng (3) bao gồm 03 khu vực chính sau:

+ Khu vực cửa khẩu Lý Vạn và lối mở Bản Khoòng (xã Lý Quốc), diện tích quy hoạch khoảng 1.250 ha: Định hướng nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, tập trung phát triển các khu chức năng dịch vụ thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch, kho bãi và dịch vụ hậu cần phục vụ trung chuyển hàng hóa, các khu vực kiểm soát quản lý. Phát triển các khu dân cư mới, nâng cấp cải tạo các khu vực dân cư hiện trạng, cải tạo hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu và lối mở.

+ Khu vực cửa khẩu Hạ Lang (xã Thị Hoa), diện tích quy hoạch khoảng 144 ha: Trên cơ sở khu trung tâm xã Thị Hoa kết nối với khu vực cửa khẩu hình thành các khu thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu, trung chuyển hàng hóa, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới; sản xuất nông, lâm nghiệp; các khu vực kiểm soát quản lý, phát triển các khu dân cư mới, nâng cấp cải tạo các khu vực dân cư hiện trạng, cải tạo hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu.

+ Khu vực lối mở Pác Ty (xã Quang Long) diện tích quy hoạch 18 - 20 ha và Kỷ Sộc (xã Thống Nhất) diện tích quy hoạch 10 - 12 ha: Quy hoạch các khu chức năng kiểm soát, quản lý, kho bãi hàng hóa và khu thương mại dịch vụ trao đổi hàng hóa cư dân biên giới.

- Vùng 4 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông), bao gồm các khu vực biên giới của huyện Quảng Hòa và Thạch An; diện tích quy hoạch khoảng 14.632 ha, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 51.000 - 53.000 người, trung tâm là cửa khẩu Tà Lùng - đô thị Phục Hòa. Vùng (4) bao gồm 02 khu vực chính sau:

+ Khu vực cửa khẩu Tà Lùng - đô thị Phục Hòa (huyện Quảng Hòa), diện tích quy hoạch khoảng 14.105 ha: Xây dựng đô thị Phục Hòa trở thành đô thị loại IV, được tổ chức theo hướng tổ hợp đa chức năng, theo đó lấy Tà Lùng làm trung tâm kinh tế, Hòa Thuận làm khu trung tâm hành chính đô thị, thương mại có chức năng hỗn hợp, các cụm đô thị khác (thuộc địa phận xã Mỹ Hưng, Đại Sơn, Cách Linh) có chức năng chuyên đề, phát triển khu ở và các tuyến dịch vụ, thương mại xen kẽ các khu vực chức năng ngoài đô thị và vùng nông thôn nông nghiệp.

+ Khu vực Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Hòa An), diện tích quy hoạch khoảng 433 ha: Phát triển hoàn thiện các khu chức năng gồm cơ quan quản lý kiểm soát, dịch vụ thương mại, kho bãi trung chuyển hàng hóa... đảm bảo điều kiện nâng cấp lên cửa khẩu phụ. Quy hoạch khu dịch vụ du lịch, hình thành khu dân cư mới kết hợp du lịch cộng đồng phát triển gắn với Khu di tích chiến thắng Đông Khê. Nâng cấp cải tạo các khu vực dân cư hiện trạng, cải tạo hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu vực.

5. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội

a) Hệ thống cửa khẩu, lối mở:

- Cửa khẩu quốc tế: Tà Lùng, Trà Lĩnh (bao gồm cả lối thông quan hàng hóa Nà Đoỏng). Quy hoạch nâng cấp cửa khẩu Lý Vạn lên thành cửa khẩu quốc tế.

- Cửa khẩu chính: Sóc Giang. Quy hoạch nâng cấp cửa khẩu phụ Pò Peo lên cửa khẩu chính.

- Cửa khẩu phụ: Hạ Lang. Quy hoạch nâng cấp lối mở Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An) lên thành cửa khẩu phụ.

- Đối với các lối mở: Quy hoạch, đầu tư nâng cấp thành các lối thông quan thuộc các cửa khẩu khi đủ điều kiện: Lối mở Trúc Long, Nà Quân là lối thông quan hàng hóa thuộc cửa khẩu Sóc Giang; lối mở Đình Phong (mở mới) là lối thông quan hàng hóa thuộc cửa khẩu Pò Peo; lối mở biên giới Bản Giốc thực hiện theo các văn bản, Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc); lối mở Bản Khoòng là lối thông quan hàng hóa thuộc cửa khẩu Lý Vạn; lối mở Pò Tập, Cốc Sâu là lối thông quan hàng hóa thuộc cửa khẩu Tà Lùng. Duy trì lối mở Pác Ty và Kỷ Sộc hiện có.

b) Các khu vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho bãi trung chuyển hàng hóa:

- Quy hoạch khu chế xuất tại cửa khẩu Trà Lĩnh, 04 cụm công nghiệp tại huyện Quảng Hòa (thị trấn Tà Lùng, thị trấn Hòa Thuận, xã Đại Sơn, xã Cách Linh). Ngoài ra là các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các xã: Cách Linh, Đại Sơn (huyện Quảng Hòa), Sóc Giang ( huyện Hà Quảng), Đình Phong (huyện Trùng Khánh). Tổng diện tích các khu công nghiệp - chế xuất quy hoạch khoảng 50 - 60 ha, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp quy hoạch khoảng 200 - 210 ha.

- Khu logistic, hệ thống kho bãi, khu trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu: Phát triển các khu dịch vụ logisstic, tập trung tại Tà Lùng, Trà Lĩnh. Quy hoạch hệ thống kho bãi tại tất cả các cửa khẩu, lối mở. Tổng diện tích các khu logistic, kho bãi, khu trung chuyển hàng hóa trong Khu kinh tế là khoảng 380 - 400 ha.

c) Các khu chức năng du lịch:

Định hướng phát triển hệ thống dịch vụ du lịch của Khu kinh tế trong mối liên hệ kết nối, hỗ trợ và chia sẻ với hệ thống dịch vụ du lịch của tỉnh mà trung tâm là thành phố Cao Bằng. Các khu du lịch chính gồm:

- Khu du lịch gắn với di tích lịch sử Pác Bó và di tích Kim Đồng, quy mô khoảng 1.137 ha (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng);

- Khu du lịch Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, quy mô khoảng 1000 ha (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh);

- Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ngườm Lồm Nặm Khao, quy mô khoảng 36 ha (xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa);

- Quy hoạch khu phức hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thể dục thể thao (sân gôn), vui chơi giải trí; quy mô khoảng 200 - 250 ha tại xã Đình Phong (huyện Trùng Khánh).

Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp tại các vùng nông nghiệp, làng bản thuộc xã Đức Long (Thạch An), xã Đình Phong (huyện Trùng Khánh), thị trấn Tà Lùng, xã Mỹ Hưng, xã Cách Linh (huyện Quảng Hòa). Phát triển du lịch tham quan mua sắm tại các cửa khẩu lối mở, trong đó trọng tâm là trung tâm du lịch mua sắm Phục Hòa, Trà Lĩnh.

d) Vùng nông - lâm nghiệp:

Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bảo tồn các nguồn gen quý sản vật địa phương và góp phần tạo sinh kế bền vững, ổn định cho người dân. Xây dựng các trang trại sản xuất nông - lâm nghiệp tập trung tại các khu vực thuộc huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh và Hà Quảng: Vùng chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Lũng Tén, xã Đại Sơn và Lũng Mười, thị trấn Hòa Thuận (huyện Quảng Hòa), vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xã Đại Sơn (huyện Quảng Hòa), vùng trồng cam, quýt thị trấn Trà Lĩnh... Mô hình phát triển trang trại được định hướng xác lập theo quy mô trung bình, sử dụng quỹ đất vừa phải.

đ) Các khu vực phát triển dân cư:

- Khu vực dân cư đô thị:

Định hướng đến năm 2040 trong Khu kinh tế có các đô thị sau: (1) Đô thị Phục Hòa: Định hướng phát triển khu vực thị trấn Hòa Thuận, thị trấn Tà Lùng và 03 xã lân cận (xã Mỹ Hưng, Cách Linh và Đại Sơn của huyện Quảng Hòa) đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. (2) Đô thị Trà Lĩnh: Định hướng xây dựng thị trấn Trà Lĩnh đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. (3) Đô thị Sóc Giang: Định hướng hình thành thị trấn Sóc Giang đạt tiêu chuẩn đô thị loại V trên cơ sở xã Sóc Giang. (4) Đô thị Bản Giốc: Định hướng thành lập thị trấn Bản Giốc phát triển từ trung tâm xã Đàm Thủy gắn kết với Khu du lịch thác Bản Giốc và lối mở Bản Giốc - Đức Thiên.

Định hướng phát triển đô thị hỗ trợ phát triển dịch vụ cho khu vực cửa khẩu, khu thương mại, du lịch. Giữ ổn định và cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. Phát triển các khu dân cư mới theo dạng tuyến dọc các trục giao thông chính, tôn trọng địa hình tự nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc địa phương, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro tự nhiên. Bố trí xen ghép, giãn cách gắn với các nêm xanh, các khu dân cư mật độ thấp với các khu dân cư mật độ cao, các tuyến phố thương mại và các khu ở hỗn hợp. Dành không gian cho các vùng bán ngập, hành lang thoát lũ của các con sông, suối. Sắp xếp các cụm dân cư ven sông Bằng Giang, sông Bắc Vọng, sông Trà Lĩnh, khu dân cư ven sườn núi… bảo đảm an toàn phòng lũ và sụt lở, chuyển đổi thành các không gian xanh, không gian mở, không gian dịch vụ công cộng.

- Khu vực dân cư nông thôn:

Phát triển nông thôn khu vực giáp biên giới nhằm tăng cường bảo vệ và giữ gìn lãnh thổ quốc gia. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu dân cư nông thôn theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang tạo diện mạo nông thôn. Quy hoạch các trung tâm, điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với khu trung tâm xã, trung tâm khu dân cư nông thôn tập trung. Bảo tồn các giá trị truyền thống tại các điểm dân cư làng bản. Khuyến khích phát triển kinh tế vườn kết hợp du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông thôn nông nghiệp.

e) Hệ thống công trình hạ tầng xã hội

Quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại IV đối với đô thị Phục Hòa và đô thị Trà Lĩnh, tiêu chuẩn đô thị loại V đối với 02 đô thị dự kiến hình thành là đô thị Bản Giốc - Đàm Thủy và đô thị Sóc Giang. Hệ thống hạ tầng về giáo dục, y tế, thương mại dịch vụ, văn hóa, công viên cây xanh, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí được quy hoạch đồng bộ, hài hòa, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Khu kinh tế cửa khẩu.

6. Định hướng kiểm soát về kiến trúc, cảnh quan

- Đối với khu vực cửa khẩu: Thiết kế đô thị Khu trung tâm cửa khẩu tạo ra nhiều điểm nhấn, hình dạng đặc trưng cho không gian khu kinh tế (công trình quốc môn - cổng cửa khẩu biên giới, khu trung tâm quản lý điều hành hoạt động cửa khẩu, các khu trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tổng hợp...).

- Đối với khu vực công nghiệp, kho bãi và phụ trợ: Tổ chức hệ thống cây xanh cách ly với khu dân cư xung quanh; khuyến khích xây dựng công trình công nghiệp xanh.

- Đối với khu vực đô thị và dân cư: Khuyến khích phát triển mật độ cao và trung bình, sử dụng đất hiệu quả cho phát triển đô thị; khai thác hình ảnh đô thị ven sông đối với đô thị Phục Hòa, đô thị Trà Lĩnh, đô thị Sóc Giang; cải tạo chỉnh trang cảnh quan đô thị, ưu tiên phát triển các không gian công cộng, không gian mở, không gian xanh.

- Đối với các trung tâm du lịch, điểm du lịch tại Pác Bó, Bản Giốc, Trà Lĩnh, Phục Hòa: Tôn trọng cảnh quan tự nhiên, kết hợp hài hòa các yếu tố địa hình tự nhiên, cảnh quan rừng, khu vực nông nghiệp với cấu trúc không gian truyền thống, gắn kết với các khu dân cư lân cận. Kiến trúc công trình gắn với địa hình cảnh quan tự nhiên, khuyến khích xây dựng công trình có phong cách kiến trúc truyền thống bản địa, hài hòa với thiên nhiên.

- Đối với các khu dân cư nông thôn: Kế thừa phát huy các không gian kiến trúc cảnh quan bản làng truyền thống của các dân tộc trong tổ chức xây dựng công trình công cộng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, gắn với các tuyến cảnh quan nông nghiệp và tự nhiên. Khuyến khích xây dựng phát triển nhà vườn sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch.

- Vùng phát triển nông lâm nghiệp và dự phòng: Khu vực cho phép xây dựng các công trình phục vụ nông lâm nghiệp với mật độ tổng thể thấp. Các công trình phải phù hợp tính chất với loại hình sản xuất trang trại và nông lâm nghiệp. Hạn chế xây dựng công trình thuộc nhóm nhà ở, đô thị dạng tập trung tại đây trong giai đoạn quy hoạch.

- Vùng quản lý bảo tồn cảnh quan tự nhiên và không gian xanh, gồm vùng cảnh quan khu vực thác Bản Giốc, khu di tích lịch sử Pác Bó, điểm di tích thắng cảnh động Giộc Đầu (Trà Lĩnh), di tích danh lam thắng cảnh Động Dơi (Hạ Lang), khu vực rừng đầu nguồn các sông, suối: Bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, hạn chế các hoạt động khai thác làm ảnh hưởng đến cảnh quan.

7. Quy hoạch sử dụng đất

Tổng diện tích vùng lập quy hoạch trực tiếp khoảng 30.130 ha.

a) Giai đoạn đến 2030:

Tổng diện tích đất xây dựng khoảng 3.800 - 3.900 ha.

- Đất dân dụng khoảng 400 - 450 ha, trong đó:

+ Đất đơn vị ở: khoảng 310 - 330 ha (đất đơn vị ở hiện trạng khoảng 280 ha, đất đơn vị ở mới khoảng 30 - 50 ha).

+ Đất công cộng đô thị: 15 - 20 ha.

+ Đất cây xanh công cộng: 20 - 30 ha.

+ Đất giao thông đô thị: 60 - 70 ha.

- Đất ngoài dân dụng khoảng 3.300 - 3.500 ha, trong đó:

+ Đất kho tàng bến bãi khoảng 200 - 240 ha.

+ Đất sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu chế xuất: khoảng 150 - 160 ha.

+ Đất hỗn hợp thương mại dịch vụ khoảng 230 - 250 ha.

+ Đất cơ quan: khoảng 55 - 60 ha.

+ Đất du lịch: khoảng 180 - 200 ha.

+ Đất giáo dục đào tạo: khoảng 20 - 25 ha.

+ Đất trung tâm y tế (ngoài đô thị): khoảng 12 - 15 ha.

+ Đất xây dựng khu dân cư nông thôn: 400 - 450 ha.

+ Đất cây xanh chuyên dụng: khoảng 1.100 - 1.150 ha.

+ Đất nghĩa trang: khoảng 15 - 20 ha.

+ Đất di tích, tôn giáo: khoảng 15 - 20 ha.

+ Đất an ninh, quốc phòng: khoảng 65 - 70 ha.

+ Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật: khoảng 60 - 70 ha.

+ Đất giao thông đối ngoại: khoảng 750 - 800 ha.

- Đất khác khoảng 26.300 - 26.400 ha, trong đó: đất lâm nghiệp khoảng 19.100 - 19.200 ha; đất nông nghiệp khoảng 6.200 - 6.300 ha, đất khác (mặt nước, đất khai thác khoảng sản, hang động thắng cảnh…) khoảng 950 - 1.000 ha.

 b) Giai đoạn đến 2040:

Tổng diện tích đất xây dựng khoảng 6.300 - 6.500 ha, trong đó:

- Đất dân dụng khoảng 500 - 550 ha, gồm:

+ Đất đơn vị ở: khoảng 370 - 410 ha (đất đơn vị ở hiện trạng khoảng 280 ha, đất đơn vị ở mới khoảng 80 - 130 ha).

+ Đất công cộng đô thị: khoảng 25 - 35 ha.

+ Đất cây xanh công cộng: khoảng 35 - 40 ha.

+ Đất giao thông đô thị: khoảng 70 - 90 ha.

- Đất ngoài dân dụng khoảng 5.800 - 6.000 ha, trong đó:

+ Đất kho tàng bến bãi khoảng 400 - 450 ha.

+ Đất sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu chế xuất: khoảng 250 - 260 ha.

+ Đất hỗn hợp thương mại dịch vụ khoảng 400 - 420 ha.

+ Đất cơ quan: khoảng 80 - 85 ha.

+ Đất du lịch: khoảng 400 - 450 ha.

+ Đất giáo dục đào tạo, nghiên cứu: khoảng 40 - 50 ha.

+ Đất trung tâm y tế (ngoài đô thị): 45 - 50 ha.

+ Đất xây dựng khu dân cư nông thôn: khoảng 500 - 550 ha.

+ Đất cây xanh chuyên dụng: khoảng 2.100 - 2.200 ha.

+ Đất nghĩa trang: khoảng 45 - 50 ha.

+ Đất di tích, tôn giáo: khoảng 15 - 20 ha.

+ Đất an ninh, quốc phòng: khoảng 140 - 150 ha.

+ Đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật: khoảng 100 - 110 ha.

+ Đất giao thông đối ngoại: khoảng 1.200 - 1.250 ha.

- Đất khác: khoảng 23.600 - 23.800 ha, trong đó: đất lâm nghiệp khoảng 18.800 - 19.000 ha; đất nông nghiệp khoảng 4.100 - 4.200 ha, đất khác (mặt nước, đất khai thác khoáng sản, hang động thắng cảnh…) khoảng 650 - 750 ha.

8. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật

a) Định hướng công trình thủy lợi và công trình phòng chống thiên tai

- Tăng cường trồng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn.

- Quy hoạch các điểm tái định cư cho các điểm đô thị, dân cư mới di dời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về tai biến thiên nhiên.

- Xây dựng bổ sung tường chắn, ta luy tại các khu vực có nguy cơ sạt lở. Bổ sung mương đón nước chân đồi, núi.

- Nạo vét, mở rộng sông, suối, kênh tiêu nhằm tăng cường khả năng thoát nước.

- Xây mới hệ thống kè sông, suối: sông Bằng, sông Dẻ Rào, sông Bắc Vọng, sông Quây Sơn, sông Trà Lĩnh, suối Khuổi Ky, suối xã Đức Long... đoạn chảy qua các khu vực dân cư, đô thị, công nghiệp, dịch vụ du lịch.

- Xây mới hồ chứa nước tại các xã: xã Xuân Nội, xã Phong Châu, xã Chí Viễn (Trùng Khánh), xã Cô Ngân (Hạ Lang)....

b) Định hướng quy hoạch cao độ nền xây dựng

Tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, giữ lại hệ thống thoát nước tự nhiên hiện có.

Khu vực hiện trạng: giữ nguyên cao độ nền, khi xây dựng xen cấy các công trình mới sẽ giữ nguyên cao độ san nền hoặc san nền cục bộ cho phù hợp với hiện trạng xây dựng và điều kiện khu vực.

Khu vực xây dựng mới gần sông suối tôn nền phải cao hơn mực nước lũ lớn nhất tối thiểu 0,3 m đối với đất dân dụng và 0,5 m đối với đất công nghiệp.

c) Định hướng quy hoạch thoát nước mưa

- Sử dụng mạng lưới đường ống phân tán, bám sát địa hình, đảm bảo thoát nước nhanh, không gây ngập úng cục bộ cho các khu chức năng.

- Khu vực hiện trạng: sử dụng hệ thống thoát chung, từng bước cải tạo thành hệ thống nửa riêng; khu vực xây mới: sử dụng hệ thống thoát riêng hoàn toàn.

- Thu gom hệ thống thoát nước mặt theo 5 lưu vực thoát ra các kênh mương hở, hồ điều hòa, trạm bơm tiêu trước khi thoát ra sông Dẻ Rào, sông Bằng, sông Trà Lĩnh, sông Bắc Vọng, sông Quây Sơn.

d) Định hướng quy hoạch giao thông

* Giao thông đối ngoại

- Hệ thống quốc lộ: các tuyến quốc lộ đi qua Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng bao gồm: tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); đường Hồ Chí Minh; đường ngang đường Hồ Chí Minh; quốc lộ 3; quốc lộ 4; quốc lộ 34; quốc lộ 34B được quy hoạch tuân thủ theo chiến lược phát triển giao thông quốc gia và các quy hoạch giao thông vùng đã được phê duyệt.

+ Đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng): tổng chiều dài 115 km, quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h. Quy hoạch các điểm kết nối chính: (1) Kết nối với cửa khẩu Trà Lĩnh, giao với đường quốc lộ 4; (2) Kết nối với cao tốc Chợ Mới - Cao Bằng, điểm kết nối này sẽ kết nối khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh với vị trí Cảng hàng không Cao Bằng dự kiến tại xã Bạch Đằng, Hòa An; (3) Kết nối với quốc lộ 3 đi cửa khẩu Tà Lùng; (4) Kết nối với quốc lộ 34B đi lối mở Nà Lạn.

+ Đường Hồ Chí Minh và hệ thống đường ngang Hồ Chí Minh: đạt tiêu chuẩn đường cấp III, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Tuyến đường Hồ Chí Minh là tuyến chính kết nối Khu Pác Bó với thành phố Cao Bằng.

+ Quốc lộ 3: là tuyến chính nối đến cửa khẩu Tà Lùng; nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

+ Quốc lộ 4A: nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III. Đổi tên thành quốc lộ 4. Đây là tuyến đường vành đai biên giới, là trục giao thông chính kết nối toàn bộ các khu vực phát triển trong Khu kinh tế.

+ Quốc lộ 34 (Pác Nhùng - Khâu Đồn; Mã Phục - cửa khẩu Trà Lĩnh): là tuyến chính kết nối đến cửa khẩu Trà Lĩnh; nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi.

+ Quốc lộ 34B: kết nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với khu vực lối mở Nà Lạn; nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi.

- Hệ thống đường tỉnh:

Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh qua Khu kinh tế (bao gồm đường tỉnh 204; đường tỉnh 205; đường tỉnh 206; đường tỉnh 207; đường tỉnh 207A; đường tỉnh 208; đường tỉnh 210; đường tỉnh 213) đạt cấp II - III miền núi và một số tuyến tối thiểu đạt cấp IV miền núi với các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật không châm chước, mặt đường là bê tông nhựa cùng với các công trình bảo vệ đường kiên cố, hoàn thiện các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông tốt nhất trong mọi điều kiện chạy xe.

Tuyến đường tỉnh 204 là tuyến chính kết nối với khu vực lối mở Nà Quân; đường tỉnh 213 kết nối thị trấn Trùng Khánh với khu vực cửa khẩu Pò Peo; đường tỉnh 207 kết nối quốc lộ 4 với khu vực lối mở bản Khoòng và cửa khẩu Lý Vạn; đường tỉnh 208 kết nối quốc lộ 4 với cửa khẩu Hạ Lang; đường tỉnh 210 là tuyến chính kết nối dọc theo biên giới từ khu vực cửa khẩu Lý Vạn đến lối mở Nà Lạn tiếp tục kết nối sang Lạng Sơn.

* Giao thông đô thị và nông thôn:

- Xây dựng hoàn thiện các đường trục chính của các đô thị: các đường trục tại khu vực thị trấn cửa khẩu Tà Lùng, thị trấn Trà Lĩnh và các thị trấn thành lập mới; các đường tránh của quốc lộ, đường tỉnh đi qua đô thị, các đường trục và đường nhánh của các khu đô thị trong Khu kinh tế. Các tuyến đường được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn đường đô thị, tỷ lệ phần trăm diện tích đất giao thông tại các đô thị đạt từ 20% - 25%, tùy thuộc vào quy mô đô thị.

- Tất cả các đường huyện theo định hướng quy hoạch phải đạt tiêu chuẩn đường cấp V - VI miền núi, một số tuyến quan trọng đạt cấp IV miền núi và kết cấu mặt đường bê tông xi măng hoặc nhựa hóa, đường xã phải đạt đường cấp VI miền núi hoặc cấp A và B giao thông nông thôn.

* Công trình giao thông

- Bến xe: thị trấn Tà Lùng xây dựng 1 bến xe loại 3 theo quy hoạch được duyệt. Quy hoạch bến xe ở cửa khẩu Trà Lĩnh, thị trấn Trùng Khánh nâng lên bến xe loại 3. Các cửa khẩu, thị trấn khác: mỗi khu vực 1 bến xe loại 4.

- Bãi đỗ xe: quy hoạch xây dựng hệ thống bãi đỗ xe tại các huyện và các cửa khẩu trong khu vực, gửi xe và hàng hóa với tổng hợp đầy đủ các dịch vụ kho bãi, siêu thị, nhà nghỉ, trạm tiếp xăng dầu, nhà sửa chữa, chăm sóc kỹ thuật xe và rửa xe... diện tích khoảng 1.000 - 5.000 m2/bãi đỗ.

đ) Định hướng quy hoạch cấp điện, năng lượng

- Nguồn điện: Xây dựng mới 6 trạm biến áp 110 kV với tổng dung lượng đến năm 2040 đạt 360 MVA.

+ Trạm 110/35(22) kV Phục Hòa: công suất 25 + 40 MVA.

+ Trạm 110/35(22) kV Trùng Khánh: công suất 2 x 40 MVA.

+ Trạm 110/35(22) kV Trà Lĩnh: công suất 25 + 40 MVA.

+ Trạm 110/35(22) kV Hà Quảng: công suất 2 x 25 MVA.

+ Trạm 110/35(22) kV Thông Nông: công suất 2 x 25 MVA.

+ Trạm 110/35(22) kV Thạch An: công suất 2 x 25 MVA.

- Lưới điện:

Các tuyến 110 kV dùng dây nhôm lõi thép ACSR đảm bảo tiết diện ≥185 mm2 cung cấp tin cậy và cần có kết cấu mạch vòng.

Các tuyến trung thế 35 kV hiện có không phù hợp sẽ được di chuyển. Lưới điện trong khu vực trung tâm đô thị, cửa khẩu, trung tâm khu du lịch, khu vực đông dân cư cải tạo sang 22 kV khuyến khích đi ngầm, các khu vực khác sử dụng đường dây nổi.

Lưới điện hạ thế: Nâng cấp và xây dựng mới đồng bộ lưới điện hạn thế. Khu vực trung tâm đô thị, cửa khẩu, trung tâm khu du lịch, khu vực đông dân cư khuyến khích đi ngầm. Các khu vực khác sử dụng đường dây nổi.

Lưới điện chiếu sáng: cải tạo, nâng cấp, phát triển tất cả các loại hình chiếu sáng gồm: chiếu sáng các công trình giao thông, chiếu sáng các công trình công cộng và chiếu sáng quảng cáo, lễ hội. Trang bị hệ thống điều khiển tự động, tập trung cho hệ thống chiếu sáng các khu vực trung tâm đô thị, cửa khẩu, trung tâm khu du lịch.

e) Định hướng thông tin liên lạc

- Tổ chức mạng hệ thống: giai đoạn đầu, nâng cấp các thiết bị truyền dẫn, đáp ứng các điểm có nhu cầu xen rẽ lưu lượng; nâng cấp dung lượng. Giai đoạn sau, sử dụng công nghệ mới để tăng dung lượng khi cần thiết.

- Phát triển mạng chú trọng ứng dụng công nghệ, chất lượng, xây dựng mạng đồng bộ theo mô hình mạng thế hệ mới, có tính dự phòng đảm bảo an toàn khi nhu cầu tăng đột biến hoặc khi có thiên tai, sự cố xảy ra.

g) Định hướng quy hoạch cấp nước

Tổng nhu cầu dùng nước đến năm 2040 khoảng 35.000 m3/ngày đêm.

Phân làm 4 vùng cấp nước sau:

* Vùng 1: Vùng kinh tế cửa khẩu phía Tây

- Tổng nhu cầu dùng nước đến năm 2040 khoảng: 3.000 m3/ngày đêm.

- Nguồn nước: nguồn nước hồ Khuổi Kỳ, nước suối và nước ngầm.

- Xây mới trạm cấp nước cho Khu du lịch Pác Pó; xây mới trạm cấp nước cửa khẩu Sóc Giang; xây mới trạm cấp nước Nà Quân; xây mới các trạm cấp nước tập trung nhỏ lẻ cấp nước cho khu vực nông thôn.

* Vùng 2: Vùng kinh tế cửa khẩu phía Bắc

- Tổng nhu cầu dùng nước đến năm 2040 khoảng: 10.800 m3/ngày đêm.

- Nguồn nước: nước sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng, sông Trà Lĩnh, hồ Bản Viết, các nhánh suối và nước ngầm.

- Xây mới nhà máy nước Đàm Thủy; cải tạo, nâng công suất nhà máy nước Trà Lĩnh; xây mới nhà máy nước cửa khẩu Pò Peo; xây mới nhà máy nước Đình Phong.

* Vùng 3: Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông Bắc

- Tổng nhu cầu dùng nước đến năm 2040 khoảng: 2.200 m3/ngày đêm.

- Nguồn nước: nước sông Quây Sơn và các nhánh suối.

- Xây mới nhà máy nước cửa khẩu Lý Vạn; xây mới nhà máy nước cửa khẩu Hạ Lang; xây mới các trạm cấp nước tập trung nhỏ lẻ cấp nước cho khu vực nông thôn.

* Vùng 4: Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông Nam

- Tổng nhu cầu dùng nước đến năm 2040 khoảng: 18.000 m3/ngày đêm.

- Nguồn nước: Sử dụng nước sông Bằng Giang, sông Bắc Vọng và suối Nậm Khao và các nhánh suối chảy qua.

- Giữ nguyên công suất hiện có nhà máy nước Tà Lùng. Cải tạo nâng công suất nhà máy nước Hoà Thuận; xây mới nhà máy nước Phục Hoà; xây mới nhà máy nước cửa khẩu Nà Lạn.

h) Định hướng quy hoạch thu gom và xử lý nước thải

Quy hoạch mạng lưới thoát nước thải phân tán, thu nước thải từng vùng về trạm xử lý tập trung.

- Vùng 1 - Vùng kinh tế cửa khẩu phía Tây:

+ Khu vực cửa khẩu Sóc Giang: bao gồm 02 lưu vực thoát nước chính. Quy hoạch 02 trạm xử lý nước thải có tổng công suất khoảng 800 m3/ngày đêm.

+ Khu vực lối mở Nà Quân (xã Cần Yên): quy hoạch 01 trạm xử lý nước thải có công suất 200 m3/ngày đêm.

+ Các khu vực còn lại: nước thải phát sinh được xử lý cục bộ, đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

- Vùng 2 - Vùng kinh tế cửa khẩu phía Bắc:

+ Khu du lịch Thác Bản Giốc: tuân thủ theo đúng quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 485/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2017.

+ Khu vực lối mở Đình Phong: quy hoạch 01 trạm xử lý nước thải có công suất 300 m3/ngày đêm.

+ Khu vực cửa khẩu Pò Peo: quy hoạch 02 trạm xử lý nước thải có tổng công suất khoảng 500 m3/ngày đêm.

+ Khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh: quy hoạch 04 trạm xử lý nước thải có tổng công suất khoảng 2100 m3/ngày đêm.

+ Các khu vực còn lại: nước thải phát sinh được xử lý cục bộ, đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

- Vùng 3 - Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông Bắc:

+ Khu vực cửa khẩu Hạ Lang (xã Thị Hoa): quy hoạch 01 trạm xử lý nước thải có công suất 200 m3/ngày đêm.

+ Khu vực cửa khẩu Lý Vạn: quy hoạch 02 trạm xử lý nước thải có tổng công suất khoảng 1700 m3/ngày đêm.

+ Các khu vực còn lại: nước thải phát sinh được xử lý cục bộ, đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Vùng 4 - Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông:

+ Khu vực đô thị Phục Hòa: quy hoạch 08 trạm xử lý nước thải có công suất từ 400 - 1700 m3/ngày đêm.

+ Khu vực lối mở Nà Lạn (xã Đức Long): quy hoạch 01 trạm xử lý nước thải có công suất 500 m3/ngày đêm.

i) Định hướng quy hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang

- Quy hoạch 04 khu xử lý chất thải rắn, công nghệ đốt tại 04 vùng thuộc Khu kinh tế, mỗi khu xử lý chất thải rắn bao gồm 01 lò đốt và diện tích chôn tro sau xử lý khoảng 1 ha. (lò đốt chất thải rắn đặt tại vùng 1: 20 tấn/ngày; lò đốt chất thải rắn đặt tại vùng 2: 80 tấn/ngày; lò đốt chất thải rắn đặt tại vùng 3: 20 tấn/ngày; lò đốt chất thải rắn đặt tại vùng 4: 125 tấn/ngày).

- Quy hoạch nghĩa trang tập trung:

+ Đối với các nghĩa trang hiện có, sẽ tiến hành lập quy hoạch xây dựng lại đảm bảo đúng các quy định, quy phạm hiện hành về chỉ tiêu đất nghĩa trang, vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật. Đối với các nghĩa trang hiện có trong khu vực đô thị, có lộ trình dừng việc chôn cất hung táng, cải tạo các nghĩa trang này thành công viên nghĩa trang hoặc di dời nếu có nhu cầu đất xây dựng.

+ Mỗi đô thị dự kiến quy hoạch nghĩa trang tập trung riêng. Tại khu vực nông thôn, mỗi xã có quy hoạch nghĩa trang tập trung riêng, tuân thủ theo quy hoạch nông thôn mới đã phê duyệt.

9. Đánh giá môi trường chiến lược

- Kiểm soát, hạn chế các tác động môi trường tại các khu vực phát triển dân cư, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng, bến bãi, phát triển dịch vụ du lịch; xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải, chất thải phát sinh.

- Tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn, cấm và hạn chế xây dựng tại các khu di tích lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn cảnh quan, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu vực khai thác nguồn nước; tăng cường kiểm lâm, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ rừng và hệ sinh thái tự nhiên.

- Bảo tồn và phát huy cảnh quan sinh thái nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

- Tăng cường công tác kiểm soát an ninh tại các khu vực cửa khẩu, lối mở; phát triển các công trình phụ trợ, đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động xuất nhập cảnh trong khu vực; tăng cường công tác kiểm dịch, an ninh và bảo vệ an toàn biên giới.

- Tăng cường công tác giám sát, bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng; xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, bảo vệ biên giới.

10. Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư:

a) Phân kỳ thực hiện:

- Giai đoạn 2020 - 2030: Phát triển hệ thống hạ tầng khung và các công trình đầu mối. Phát triển các dự án chiến lược, làm động lực thúc đẩy phát triển Khu kinh tế. Tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Trà Lĩnh, Tà Lùng, Sóc Giang và Lý Vạn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế thương mại cửa khẩu, và các dự án tại khu vực Bản Giốc phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch.

- Giai đoạn 2030 - 2040: Phát triển đồng bộ. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu cửa khẩu, đô thị cửa khẩu. Thực hiện cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng các quỹ đất hiện có. Phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại IV đối với đô thị Phục Hòa và Trà Lĩnh, đô thị loại V đối với thị trấn Sóc Giang, thị trấn
Đàm Thủy/Bản Giốc.

b) Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

Các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật khung và công trình đầu mối của Khu kinh tế, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế xã hội của toàn Khu kinh tế (cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đường vành đai biên giới - quốc lộ 4...); các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng tại các khu cửa khẩu đã được xác định ưu tiên phát triển xây dựng trong giai đoạn đầu (các cửa khẩu Trà Lĩnh, Tà Lùng, Sóc Giang và Lý Vạn và khu vực thác Bản Giốc) và các dự án tái định cư tại các cửa khẩu, lối mở có dự án đầu tư; các dự án thực hiện mục tiêu nâng loại đô thị theo lộ trình quy hoạch của tỉnh (nâng loại đô thị Phục Hòa đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV); các dự án thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng: tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch; ban hành quy định quản lý theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 đã được duyệt; tổ chức rà soát và lập, điều chỉnh các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch chung Khu kinh tế được duyệt. Khi nghiên cứu triển khai các quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng phải hạn chế san gạt địa hình tự nhiên, đánh giá các tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường, tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, môi trường; bảo đảm ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; đáp ứng bảo vệ chủ quyền biên giới, đảm bảo tăng cường quốc phòng an ninh; đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng đất trồng rừng, đất rừng sang mục đích khác, sử dụng đất đảm bảo đúng quy hoạch và hiệu quả; bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật quy hoạch đô thị và các pháp luật có liên quan.

Trong quá trình triển khai quy hoạch cần bảo đảm tuân thủ các định hướng về bảo tồn, phát huy giá trị các điểm di tích của di tích quốc gia đặc biệt Pác Pó, không được vi phạm khu vực bảo vệ I và II của khu di tích Pác Pó, tuân thủ các định hướng phân khu chức năng của Khu du lịch quốc gia Thác Bản Giốc và các quy định, Hiệp định hợp tác du lịch chung giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Đối với các khu vực khác cần chú ý việc bảo vệ cảnh quan núi rừng và bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương, trường hợp triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng nếu phát hiện các di chỉ khảo cổ, di vật, cổ vật…cần thực hiện việc khoanh vùng bảo vệ, thực hiện đúng theo các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Giao các bộ, ngành:

- Bộ Xây dựng hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng công bố đồ án quy hoạch chung xây dựng; định kỳ rà soát tình hình triển khai thực hiện quy hoạch đúng quy định pháp luật.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: phối hợp, xem xét bố trí và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, kêu gọi đầu tư để thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư theo quy định.

- Các bộ, ngành liên quan khác trên cơ sở quy hoạch được duyệt phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng tại địa phương đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đúng quy định pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các bộ liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

 Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương,

 Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường,

 Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cao Bằng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,

 các Vụ: TH, NN, KTTH, QHĐP, KGVX, NC;
- Lưu: VT, CN (2). Tuấn

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 


Lê Văn Thành

 

 

 

 

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

×
×
×
Vui lòng đợi