Trả lời:
Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 cho phép tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhập khẩu xuất bản phẩm vào Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, cơ sở hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm phải có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, cụ thể phải đáp ứng những điều kiện và thực hiện theo trình tự luật định, cụ thể như sau:
Bước 1: Cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm
1. Về điều kiện cấp giấy phép:
Căn cứ khoản 3 Điều 38 Luật Xuất bản 2012, điều kiện cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm bao gồm những tiêu chí sau:
- Có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải thường trú tại Việt Nam, có văn bằng do cơ sở đào tạo chuyên ngành cấp hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;
- Có đội ngũ nhân viên đủ năng lực thẩm định nội dung sách trong trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách.
2. Về thành phần hồ sơ:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm;
- Bản sao có chứng thực một trong các loại giấy tờ: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đầu tư;
- Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm kèm theo bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận theo quy định;
- Danh sách nhân viên thẩm định nội dung sách đối với trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách.
3. Lưu ý:
Theo quy định tại Nghị định 195/2013/NĐ-CP thì:
- Văn bằng do cơ sở đào tạo chuyên ngành cấp cho người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải là bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm. Trường hợp người đứng đầu cơ sở hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành khác, phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp;
- Cơ sở cần phải có ít nhất 05 nhân viên đủ năng lực thẩm định nội dung sách, cụ thể: Phải có thâm niên công tác trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam từ 05 năm trở lên, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành ngoại ngữ hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành khác nhưng có trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu thẩm định nội dung sách nhập khẩu và có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
4. Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ.
Bước 2: Thẩm định nội dung
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải ban hành quy chế nội bộ về thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và có trách nhiệm triển khai thực hiện đúng quy chế trong quá trình hoạt động.
Người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải tổ chức thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu trước khi phát hành theo quy định sau đây:
- Thành lập hội đồng thẩm định;
- Việc thẩm định tiến hành đối với từng xuất bản phẩm nhập khẩu. Kết quả thẩm định được lập thành biên bản, báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ 03 tháng/lần;
- Trong quá trình thẩm định, nếu phát hiện xuất bản phẩm nhập khẩu có nội dung vi phạm, cơ sở nhập khẩu không được phát hành xuất bản phẩm và phải báo cáo kịp thời với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bước 3: Đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh
Trước khi nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải lập hồ sơ đăng ký nhập khẩu gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết hồ sơ đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm
1. Thành phần hồ sơ:
- Đơn đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm;
- 03 (ba) bản danh mục xuất bản phẩm đăng ký nhập khẩu;
2. Thời hạn giải quyết: 15 ngày.
Trên đây là là những thủ tục cần thiết khi cơ sở muốn nhập khẩu bản phẩm để kinh doanh. Vì với mục đích kinh doanh, nên các cơ sở việc đầu tiên cần làm đó là lựa chọn và thành lập cho mình loại hình doanh nghiệp phù hợp. Thủ tục thành lập, ưu nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp, có thể tham khảo thêm những bài viết trước của chúng tôi.