Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Pháp lệnh 23/2000/PL-UBTVQH10
Cơ quan ban hành: | Ủy ban Thường vụ Quốc hội | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 23/2000/PL-UBTVQH10 | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Pháp lệnh | Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 28/04/2000 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
tải Pháp lệnh 23/2000/PL-UBTVQH10
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
PHÁP LỆNH
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 23/2000/PL-UBTVQH10
NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2000 VỀ NGƯỜI CAO TUỔI
Người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội. Việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và toàn xã hội, là thể hiện bản chất tốt đẹp, đạo lý, truyền thống của dân tộc ta.
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2000;
Pháp lệnh này quy định về việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Người cao tuổi theo quy định của Pháp lệnh này là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 60 tuổi trở lên.
Điều 2
Người cao tuổi được gia đình, Nhà nước và xã hội phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò theo quy định của pháp luật.
Mọi công dân phải kính trọng và có trách nhiệm giúp đỡ người cao tuổi.
Điều 3
Việc phụng dưỡng người cao tuổi là trách nhiệm chủ yếu của gia đình có người cao tuổi.
Người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được Nhà nước và xã hội trợ giúp.
Điều 4
Nhà nước có chính sách phù hợp về chăm sóc sức khoẻ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để người cao tuổi sống khoẻ, sống vui, sống có ích; đồng thời phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 5
Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch chăm sóc người cao tuổi; tổ chức vận động xã hội đóng góp nhằm tạo điều kiện chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
Điều 6
Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ biết ơn, kính trọng và chăm sóc người cao tuổi.
Điều 7
Người cao tuổi phải nêu gương tốt trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và chấp hành pháp luật, giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Điều 8
Việc tổ chức các cơ sở chăm sóc người cao tuổi phải căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi và theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG II. PHỤNG DƯỠNG, CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI
Điều 9
1. Phụng dưỡng người cao tuổi là chu cấp về kinh tế, chăm sóc, động viên tinh thần, tôn trọng nguyện vọng chính đáng nhằm bảo đảm nhu cầu cơ bản của người cao tuổi về ăn, mặc, ở, đi lại, sức khoẻ, học tập, văn hoá, thông tin và giao tiếp.
2. Người có nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi là vợ hoặc chồng, con, cháu ruột.
3. Người có nghĩa vụ phụng dưỡng không được từ chối nghĩa vụ phụng dưỡng.
Điều 10
1. Người có nghĩa vụ phụng dưỡng tùy theo hoàn cảnh cụ thể phải sắp xếp nơi ở phù hợp với điều kiện sức khỏe và tâm lý của người cao tuổi.
2. Người có nghĩa vụ phụng dưỡng phải chu cấp chi phí điều trị khi ốm đau và mai táng khi người cao tuổi chết.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi ngược đãi, hành hạ, bắt người cao tuổi làm việc quá sức.
Điều 11
1. Người có nghĩa vụ phụng dưỡng không có điều kiện trực tiếp chăm sóc người cao tuổi có thể uỷ nhiệm cho cá nhân hoặc tổ chức dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, nhưng phải được người cao tuổi đồng ý.
2. Cá nhân hoặc tổ chức dịch vụ được uỷ nhiệm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những cam kết với người ủy nhiệm về chăm sóc người cao tuổi.
3. Người cao tuổi có quyền yêu cầu thay đổi cá nhân hoặc tổ chức dịch vụ được uỷ nhiệm chăm sóc mình, nếu cá nhân hoặc tổ chức dịch vụ đó không làm tròn trách nhiệm.
Điều 12
Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được:
1. Trợ cấp xã hội hoặc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội;
2. Khám, chữa bệnh miễn phí;
3. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), cơ sở bảo trợ xã hội tổ chức, chi phí mai táng khi chết.
Điều 13
Người cao tuổi được ưu tiên trong khám, chữa bệnh; khi tham gia giao thông công cộng và vui chơi giải trí.
Điều 14
1. Người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú. Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm theo dõi, quản lý và trực tiếp chăm sóc sức khoẻ, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; kinh phí do ngân sách địa phương hỗ trợ.
2. Người cao tuổi tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa bị ốm đau nhưng không thể đến khám, chữa bệnh tại nơi quy định thì Trưởng trạm y tế cấp xã cử cán bộ y tế đến khám, chữa bệnh tại nơi ở của người cao tuổi.
Điều 15
Các bệnh viện của Nhà nước phải có khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị bệnh nhân là người cao tuổi và tổ chức nghiên cứu về chuyên môn, kỹ thuật điều trị cho người cao tuổi.
Điều 16
Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến trước về chuyên môn, kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi; tăng cường nghiên cứu trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của người cao tuổi; bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho cán bộ y tế trong việc khám, chữa bệnh cho người cao tuổi; triển khai các hình thức giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về tập luyện để giúp người cao tuổi nâng cao kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khoẻ.
Điều 17
Uỷ ban nhân dân các cấp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân căn cứ vào điều kiện cụ thể hỗ trợ người cao tuổi tổ chức tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước.
Điều 18
Việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo công trình công cộng phải tính đến nhu cầu hoạt động và chăm sóc người cao tuổi.
Điều 19
Nhà nước và xã hội tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động văn hoá truyền thống của dân tộc.
Điều 20
Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, phát huy vai trò và phản ánh cuộc sống của người cao tuổi, giáo dục ý thức kính trọng, quan tâm giúp đỡ người cao tuổi và biểu dương người tốt, việc tốt trong việc chăm sóc người cao tuổi.
Điều 21
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân bằng nguồn kinh phí của mình đóng góp, đầu tư xây dựng nhà dưỡng lão, cơ sở dịch vụ chăm sóc, trung tâm điều trị và phục hồi sức khoẻ, câu lạc bộ văn hoá, thể thao, thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi và các hình thức tự nguyện khác giúp đỡ người cao tuổi ở cộng đồng dân cư, cơ sở bảo trợ xã hội.
Điều 22
Nhà nước khuyến khích tổ chức của người cao tuổi lập Quỹ chăm sóc người cao tuổi với các hình thức thích hợp. Quỹ chăm sóc người cao tuổi được hình thành từ nguồn đóng góp tự nguyện của người cao tuổi, sự hỗ trợ hảo tâm, từ thiện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Quỹ chăm sóc người cao tuổi được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG III. PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
Điều 23
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, tham gia học tập nâng cao trình độ, đóng góp kinh nghiệm và hiểu biết của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều 24
Người cao tuổi được động viên phát huy tài năng, trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp để tham gia vào các hoạt động:
1. Giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"; truyền thụ kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ;
2. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoà giải các tranh chấp, mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư;
3. Đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật;
4. Tư vấn chuyên môn, kỹ thuật;
5. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ;
6. Các hoạt động xã hội khác.
CHƯƠNG IV. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC NGƯỜI CAO TUỔI
Điều 25
Quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi bao gồm những nội dung sau đây:
1. Ban hành, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi;
2. Thống kê về người cao tuổi;
3. Huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để tăng cường đầu tư phát triển phúc lợi xã hội phục vụ việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi;
4. Hỗ trợ tổ chức người cao tuổi hoạt động;
5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về người cao tuổi;
6. Xử lý vi phạm trong việc thi hành pháp luật về người cao tuổi;
7. Thực hiện quan hệ hợp tác quốc tế trong việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.
Điều 26
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi.
Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phạm vi địa phương.
Điều 27
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp vận động gia đình và xã hội chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.
Điều 28
Hội người cao tuổi Việt Nam là tổ chức xã hội của người cao tuổi, có trách nhiệm:
1. Tập hợp người cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội, góp phần thực hiện chương trình kinh tế - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
2. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, đề đạt với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi;
3. Kiến nghị với các cơ quan nhà nước về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi;
4. Đại diện cho người cao tuổi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, các hoạt động đối ngoại nhân dân vì lợi ích của người cao tuổi.
Điều 29
Nhà nước tạo điều kiện để Hội người cao tuổi Việt Nam tổ chức các hoạt động nhằm chăm sóc và phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của người cao tuổi.
CHƯƠNG V. KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 30
Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, giúp đỡ và phát huy vai trò của người cao tuổi hoặc có công phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về người cao tuổi; người cao tuổi nêu gương tốt trong hoạt động xã hội, có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 31
Người nào xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người cao tuổi; người có nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi mà thoái thác nghĩa vụ, ngược đãi, hành hạ người cao tuổi hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của pháp luật về người cao tuổi thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32
Pháp lệnh này cũng được áp dụng đối với người cao tuổi là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
Điều 33
Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2000.
Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 34
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.