Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011

  • Tóm tắt
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Mục lục
Tìm từ trong trang
So sánh VB cũ/mới

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

VB Song ngữ

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Lưu
Theo dõi VB

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
In
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12

Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Cơ quan ban hành: Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Số công báo:
Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý.
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:16/2011/UBTVQH12Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Pháp lệnhNgười ký:Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành:
Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành.
30/06/2011
Ngày hết hiệu lực:
Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng).
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng).
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,...
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách, An ninh quốc gia

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nghiêm cấm 12 nhóm hành vi trong quản lý, sử dụng vũ khí

Ngày 30/06/2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII đã thông qua Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 gồm 6 chương, 38 điều quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012. 
Theo Pháp lệnh, có 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí (trừ vũ khí thô sơ gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ). Nghiêm cấm các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức…
Pháp lệnh cũng quy định, chỉ có 05 đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm, lực lượng chống buôn lậu Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu và An ninh hàng không. 
Bên cạnh đó, 04 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao là: Các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao; Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh; Tổ chức khác có nhu cầu trang bị vũ khí thể thao để tập luyện, thi đấu thể thao được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, cấp phép hoạt động. 
Quy định nổ súng là quy định đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người được trang bị vũ khí đang thi hành công vụ, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân. 
Do đó, quy định trong Pháp lệnh chỉ cho phép nổ súng khi đối tượng đang dùng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang dùng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng, mục tiêu quan trọng; đối tượng thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; động vật đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác…   
Cũng theo Pháp lệnh này, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kì nguồn nào hoặc khi phát hiện, nhặt được vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì phải khai báo, giao nộp cho cơ quan Quân sự, Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Xem chi tiết Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 tại đây

tải Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) NEW DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.pdf) Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 PDF (Bản có dấu đỏ)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Y BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI

------------------

Pháp lệnh số: 16/2011/UBTVQH12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------------

 

PHÁP LỆNH

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Nghị quyết số 31/2009/QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007-2011),

Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Pháp lệnh này quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Pháp lệnh này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
2. Vũ khí quân dụng gồm:
a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;
b) Vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối dưới 100 mi-li-mét, (mm), súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 mi-li-mét (mm), súng phóng lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng nhẹ khác có tính năng, tác dụng tương tự;
c) Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ;
d) Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
3. Súng săn là súng dùng để săn bắn gồm súng kíp, súng hơi, các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự.
4. Vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.
5. Vũ khí thể thao là súng và các loại vũ khí thô sơ dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
6. Vật liệu nổ gồm thuốc nổ và các phụ kiện nổ.
7. Vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
8. Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, kinh tế, dân sinh.
9. Công cụ hỗ trợ gồm:
a) Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
c) Các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ;
d) Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khoá số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn;
đ) Động vật nghiệp vụ.
Điều 4. Nguyên tắc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
3. Người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình.
4. Người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng.
5. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích và hạn chế tối đa thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường.
6. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng phải được xử lý hoặc tiêu hủy.
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh này.
2. Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
3. Lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
4. Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng vũ khí được giao.
5. Giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
6. Cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
7. Mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép.
8. Vận chuyển, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn.
9. Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
10. Mua bán trái phép, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
11. Đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
12. Hành vi khác vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Điều 6. Mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ từ nước ngoài vào Việt Nam để bảo vệ người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu nhà nước, cơ quan lập pháp, chính phủ và khách mời khác do Trung ương Đảng Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mời hoặc để luyện tập, thi đấu thể thao, triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ từ Việt Nam ra nước ngoài để bảo vệ người đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc để luyện tập, thi đấu thể thao, triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục và việc cấp giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định đối với các trường hợp thuộc chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng.
Điều 7. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
2. Phân công người có đủ tiêu chuẩn bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này.
3. Chỉ được giao vũ khí cho người thuộc cơ quan, tổ chức sử dụng khi người đó có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh này.
4. Bố trí kho hoặc nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này.
Điều 8. Trách nhiệm của người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định
2. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng chế độ, quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng.
3. Bàn giao lại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.
4. Khi mang, sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ phải mang giấy phép sử dụng theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Tiêu chuẩn của người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Phẩm chất, đạo đức tốt, đủ sức khoẻ phù hợp với công việc được giao;
b) Có chứng chỉ chuyên môn về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
c) Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể khoản 1 Điều này đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể khoản 1 Điều này đối với Công an nhân dân; chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định cụ thể khoản 1 Điều này đối với các đối tượng khác.
Điều 10. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ theo quy định.
2. Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn về phòng, chống cháy, nổ và bảo đảm môi trường theo quy định; có nội quy, phương án bảo vệ, phương án phòng, chống cháy, nổ, phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng phê duyệt.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng khác.
Điều 11. Giao nộp, tiếp nhận và xử lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ
1. Tổ chức, cá nhân phải khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan Quân sự, Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất trong các trường hợp sau đây:
a) Không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kì nguồn nào;
b) Phát hiện, thu nhặt được.
2. Cơ quan Quân sự, Công an hoặc chính quyền địa phương phải tổ chức ngay việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản và xử lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do tổ chức, cá nhân khai báo, giao nộp.
3. Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vật chứng hoặc liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản. Trường hợp vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra thì Cơ quan điều tra quyết định việc xử lý; trường hợp vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát quyết định việc xử lý; trường hợp vụ án ở giai đoạn xét xử thì Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định việc xử lý.
4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, kinh phí phục vụ cho việc tiếp nhận, thu gom, thanh lý, tiêu huỷ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ giao nộp.
Chương 2.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ
Điều 12. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí
1. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng.
2. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí tại các cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 13. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng
1. Quân đội nhân dân.
2. Công an nhân dân.
3. Dân quân tự vệ.
4. Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu.
5. An ninh hàng không.
6. Chính phủ quy định loại vũ khí quân dụng trang bị cho các đối tượng quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Điều 14. Tiêu chuẩn của người sử dụng vũ khí
1. Người được sử dụng vũ khí phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất, đạo đức tốt;
b) Có sức khoẻ phù hợp;
c) Được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí.
2. Người sử dụng vũ khí không thuộc lực lượng vũ trang, ngoài tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí.
Điều 15. Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng
1. Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Thủ tục trang bị vũ khí quân dụng cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, thực hiện như sau:
a) Văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng nêu rõ nhu cầu, điều kiện, số lượng, chủng loại vũ khí đã được trang bị và số lượng, chủng loại vũ khí cần trang bị mới cho cơ quan, tổ chức, đơn vị. Văn bản đề nghị do lãnh đạo bộ, ngành ký nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu trang bị ở trung ương hoặc do lãnh đạo ban, ngành ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu trang bị ở địa phương;
b) Văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng của các bộ, ngành ở trung ương gửi Bộ Công an. Văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng của các ban, ngành ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng thì Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét báo cáo Bộ Công an quyết định;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị trang bị vũ khí quân dụng, Bộ Công an phải cấp giấy phép được trang bị, cấp giấy giới thiệu và hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị vũ khí làm thủ tục cung cấp, chuyển nhượng hoặc chuyển Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định việc cung cấp, chuyển nhượng; trường hợp không đồng ý trang bị phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Điều 16. Cấp, thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng
1. Thủ tục cấp, thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng đối với các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Thủ tục cấp, thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng đối với các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được cung cấp hoặc chuyển nhượng vũ khí quân dụng, cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng gồm có văn bản đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị; giấy phép được trang bị vũ khí quân dụng của Bộ Công an; hóa đơn kiêm phiếu xuất kho của cơ quan cung cấp, chuyển nhượng vũ khí quân dụng, trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại, số hiệu, ký hiệu của từng vũ khí quân dụng; giấy giới thiệu và Chứng minh nhân dân hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đến làm thủ tục;
b) Cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được trang bị vũ khí quân dụng nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng tại Bộ Công an Cơ quan tổ chức, đơn vị ở địa phương được trang bị vũ khí quân dụng nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền phải xem xét, cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị;
d) Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng có giá trị 05 năm, chỉ cấp cho cơ quan tổ chức, đơn vị được trang bị; giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng hết hạn, bị mất được cấp lại, bị hỏng được cấp đổi, bị thu hồi khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải thể.
Điều 17. Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao
1. Các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ
2. Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao.
3. Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh.
4. Tổ chức khác có nhu cầu trang bị vũ khí thể thao để luyện tập, thi đấu thể thao được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, cấp phép hoạt động.
Điều 18. Thủ tục trang bị vũ khí thể thao
1. Hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao gồm:
a) Quyết định thành lập tổ chức, đơn vị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đối với cơ sở thể thao hoạt động theo loại hình doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Văn bản đề nghị trang bị vũ khí thể thao của tổ chức, đơn vị quy định tại các khoản 1 2 và 3 Điều 17 của Pháp lệnh này phải có phê duyệt của cơ quan trực tiếp quản lý, trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại vũ khí thể thao đã được trang bị và cần trang bị thêm.
Đối với tổ chức quy định tại khoản 4 Điều 17 của Pháp lệnh này, thì trong văn bản đề nghị phải ghi rõ nhu cầu, mục đích, số lượng, chủng loại vũ khí thể thao cần trang bị và phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản cấp trên.
2. Nơi nộp hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao:
a) Tổ chức, đơn vị ở địa phương có yêu cầu trang bị vũ khí thể thao nộp hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao tại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xem xét, báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
b) Tổ chức, đơn vị ở trung ương có yêu cầu trang bị vũ khí thể thao nộp hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về trang bị vũ khí thể thao và hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao của tổ chức, đơn vị ở trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải xem xét, quyết định cho phép trang bị vũ khí thể thao, trong đó ghi rõ số lượng, chủng loại, ký hiệu, số hiệu của từng vũ khí thể thao; trường hợp không đồng ý trang bị phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Điều 19. Cấp, thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí thể thao
1. Thủ tục cấp, thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí thể thao đối với các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
2. Thủ tục cấp và thu hồi giấy phép sử dụng vũ khí thể thao đối với các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vũ khí thể thao, tổ chức, đơn vị được trang bị phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thác gồm có văn bản đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao của tổ chức, đơn vị được trang bị; quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép trang bị vũ khí thể thao; giấy tờ chứng minh xuất xứ hợp pháp của vũ khí thể thao; giấy giới thiệu và Chứng minh nhân dân hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người được tổ chức, đơn vị cử đến làm thủ tục;
b) Tổ chức, đơn vị ở trung ương được trang bị vũ khí thể thao nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao tại Bộ Công an; tổ chức, đơn vị ở địa phương được trang bị vũ khí thể thao nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền phải xem xét, cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao cho tổ chức, đơn vị được trang bị;
d) Giấy phép sử dụng vũ khí thể thao có giá trị 05 năm, chỉ cấp cho tổ chức, đơn vị được trang bị; giấy phép sử dụng vũ khí thể thao hết hạn, bị mất được cấp lại bị hỏng được cấp đổi, bị thu hồi khi tổ chức, đơn vị giải thể.
Điều 20. Nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
1. Việc nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao phải căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng. Vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao được nhập khẩu phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, có số hiệu, ký kiệu, chủng loại, tên nước sản xuất, năm sản xuất.
2. Thẩm quyền quyết định nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao:
a) Thủ tướng Chính phủ quyết định nhập khẩu vũ khí quân dụng để trang bị cho Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
b) Thủ tướng Chính phủ quyết định nhập khẩu vũ khí quân dụng để trang bị cho các đối tượng khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
c) Thủ tướng Chính phủ quyết định nhập khẩu vũ khí thể thao theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an.
Điều 21. Vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
1. Việc vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao thực hiện theo quy định sau đây:
a) Phải có mệnh lệnh hành quân, mệnh lệnh vận chuyển hoặc giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao của cấp có thẩm quyền;
b) Bảo đảm bí mật, an toàn;
c) Vận chuyển với số lượng lớn hoặc loại nguy hiểm phải có phương tiện chuyên dùng;
d) Không được chở vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao và chở người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển;
đ) Không dừng, đỗ phương tiện ở nơi đông người, khu vực dân cư, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.
Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố, khi không đủ lực lượng bảo vệ phải thông báo ngay cho cơ quan Quân sự, Công an nơi gần nhất biết để phối hợp bảo vệ.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp mệnh lệnh hành quân, mệnh lệnh vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao cho các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ.
3. Cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng theo thủ tục sau đây:
a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao gồm có văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu rõ số lượng, chủng loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao cần vận chuyển; nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển; họ và tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển, người điều khiển phương tiện; biển kiểm soát của phương tiện; giấy giới thiệu và Chứng minh nhân dân hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người được cơ quan, tổ chức đơn vị cử đến làm thủ tục;
b) Cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao tại Bộ Công an. Cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao tại công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, cơ quan Công an có thẩm quyền phải xem xét, cấp giấy phép vận chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị cấp phép; trường hợp không cấp giấy phép thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
Điều 22. Quy định nổ súng
1. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;
b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;
c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
3. Các trường hợp nổ súng gồm:
a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;
e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:
Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
4. Người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại Điều này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Điều 23. Đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ
1. Các đối tượng quy định tại Điều 13 và Điều 17 của Pháp lệnh này.
2. Đội kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường; ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; cơ quan thi hành án dân sự.
3. Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với Công an nhân dân, chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với các đối tượng khách.
Điều 24. Sử dụng vũ khí thô sơ
1. Việc sử dụng vũ khí thô sơ khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cá nhân, tài sản của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân và phòng vệ chính đáng phải bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, đúng mục đích.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc sử dụng vũ khí thô sơ cho các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc sử dụng vũ khí thô sơ cho các đối tượng thuộc Công an nhân dân và các đối tượng khác.
Chương 3.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ
Điều 25. Nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ
1. Việc nghiên cứu, sản xuất vật liệu nổ quân dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghiệp quốc phòng.
2. Việc nghiên cứu vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:
a) Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học, công nghệ hoặc doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện trên cơ sở đề án nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Việc triển khai sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp được thực hiện tại các cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có đủ điều kiện theo quy định và có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:
a) Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
b) Chủng loại sản phẩm, quy mô sản xuất phải phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu nổ công nghiệp và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng và kỹ thuật an toàn;
c) Nhà xưởng, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ. Nhà xưởng, kho chứa công nghệ, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất phải được thiết kế, xây dựng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy, phòng nổ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện, an toàn và bảo vệ môi trường;
d) Người quản lý, công nhân, người phục vụ liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;
đ) Tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp được sản xuất, bán sản phẩm đúng chủng loại cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; việc nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu, mua tiền chất thuốc nổ chỉ được thực hiện giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;
e) Sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phải có ký hiệu, nơi sản xuất, năm sản xuất hạn sử dụng.
4. Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy định sau đây:
a) Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
b) Địa điểm kho chứa, bến cảng, nơi tiếp nhận bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm khoảng cách an toàn đối với các công trình, đối tượng cần bảo vệ;
c) Kho chứa, thiết bị bốc dỡ, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải được thiết kế, xây dựng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, phòng cháy và chữa cháy;
d) Người quản lý, công nhân, người phục vụ liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy, ứng phó với sự cố trong hoạt động liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;
đ) Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp chỉ được bán vật liệu nổ công nghiệp đã có trong Danh mục vật liệu nổ Việt Nam cho tổ chức có giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; phải mua lại vật liệu nổ công nghiệp thừa, không sử dụng hết của các tổ chức được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
e) Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp chỉ được kinh doanh tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp theo đúng quy định tại giấy phép kinh doanh, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp.
Điều 26. Vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
1. Tổ chức, đơn vị vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải có các điều kiện sau đây:
a) Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận chuyển hàng hóa hoặc tổ chức, đơn vị được phép sản xuất, kinh doanh hoặc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
b) Có phương tiện đủ điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;
c) Đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
d) Người quản lý, người điều khiển phương tiện, áp tải và người phục vụ khác có liên quan đến vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện đề phòng cháy và chữa cháy;
đ) Có giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp hoặc mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
e) Có biểu trưng báo hiệu phương tiện đang vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
2. Người thực hiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo các quy định sau đây:
a) Thực hiện đúng nội dung ghi trong mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp hoặc giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
b) Kiểm tra tình trạng hàng hóa trước khi xuất phát hoặc sau mỗi lần phương tiện dừng, đỗ và khắc phục ngay sự cố xảy ra;
c) Có phương án bảo đảm vận chuyển an toàn, an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy; có biện pháp ứng phó sự cố khẩn cấp;
d) Thực hiện đầy đủ thủ tục giao, nhận về hàng hóa, tài liệu liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp;
đ) Không dừng, đỗ phương tiện ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng, dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; không vận chuyển khi thời tiết bất thường. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan Quân sự, Công an nơi gần nhất biết để phối hợp bảo vệ.
3. Hồ sơ cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép trong đó nêu rõ lý do, khối lượng vật liệu nổ, nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển; họ và tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển, người điều khiển phương tiện; biển kiểm soát của phương tiện;
b) Bản sao được chứng thực từ bản chính giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của tổ chức, đơn vị nơi nhận vật liệu nổ công nghiệp;
c) Giấy giới thiệu của người được tổ chức, đơn vị cử đến làm thủ tục kèm theo một trong các giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân, Chứng minh Quân đội nhân dân, Chứng minh Công an nhân dân hoặc giấy chứng nhận theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp phải xem xét, cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc cấp, thu hồi và tạm ngừng cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc cấp thu hồi và tạm ngừng cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp đối với các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Điều 27. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp .
1. Tổ chức, đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh hoạt động ngành nghề, lĩnh vực cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
b) Có hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc công trình xây dựng, nghiên cứu, thử nghiệm cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
c) Có kho chứa, công nghệ, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
d) Có địa điểm sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự;
đ) Người quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn và những người khác có liên quan đến việc nổ mìn phải đáp ứng yêu cầu về an ninh, trật tự; có đủ trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy.
2. Tổ chức, đơn vị sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải theo quy định sau đây:
a) Chỉ được mua vật liệu nổ công nghiệp có trong Danh mục vật liệu nổ Việt Nam từ các tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hợp pháp;
b) Vật liệu nổ công nghiệp thừa, không sử dụng hết phải bán lại cho tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp hợp pháp;
c) Thực hiện việc bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn và thực hiện đầy đủ các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi tiến hành nổ mìn;
d) Có thiết kế, phương án nổ mìn được cơ quan cấp giấy phép nổ mìn phê duyệt và được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép, phù hợp với quy mô sản xuất, trong đó có các biện pháp bảo đảm an toàn khi nổ mìn, việc giám sát việc tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp trong và sau khi nổ mìn.
3. Chính phủ quy định việc cấp giấy phép sử dụng, giám sát tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp trong và sau khi nổ mìn.
Điều 28. Vận chuyển vật liệu nổ quân dụng
1. Việc vận chuyển vật liệu nổ quân dụng thực hiện theo quy định sau đây:
a) Phải có mệnh lệnh hành quân, mệnh lệnh vận chuyển hoặc giấy phép vận chuyển của cấp có thẩm quyền;
b) Bảo đảm bí mật, an toàn;
c) Vận chuyển với số lượng lớn hoặc loại nguy hiểm phải có phương tiện chuyên dùng;
d) Không được chở vật liệu nổ quân dụng và chở người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển;
đ) Không dừng, đỗ phương tiện ở nơi đông người, khu vực dân cư, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.
Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải thông báo ngay cho cơ quan Quân sự, Công an nơi gần nhất biết để phối hợp bảo vệ khi cần thiết.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp mệnh lệnh hành quân, mệnh lệnh vận chuyển vật liệu nổ quân dụng cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Công an quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.
Chương 4
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ
Điều 29. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ
1. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa các loại công cụ hỗ trợ được thực hiện trong các cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng .
2. Trường hợp cơ sở, doanh nghiệp của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không bảo đảm việc nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa thì có thể thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng tại các cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ.
3. Công cụ hỗ trợ sản xuất trong nước phải được đóng số hiệu, ký kiệu, tên nước sản xuất, cơ sở sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng, chủng loại.
4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc quản lý các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ.
Điều 30. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ
1. Công cụ hỗ trợ được trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật.
2. Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với công an nhân dân; chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng khác.
Điều 31. Vận chuyển công cụ hỗ trợ
1. Việc vận chuyển công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn theo đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Việc vận chuyển công cụ hỗ trợ với số lượng lớn hoặc loại nguy hiểm thực hiện theo quy định sau đây:
a) Phải có mệnh lệnh hành quân, mệnh lệnh vận chuyển hoặc giấy phép vận chuyển của cấp có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định;
b) Bảo đảm bí mật, an toàn;
c) Có phương tiện chuyên dùng;
d) Không được chở công cụ hỗ trợ và chở người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển;
đ) Không dừng, đỗ phương tiện ở nơi đông người, khu vực dân cư, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.
Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố phải dừng lại lâu trên đường, khi không đủ lực lượng bảo vệ phải thông báo ngay cho cơ quan Quân đội, Công an nơi gần nhất biết để phối hợp bảo vệ.
Điều 32. Nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ
1. Việc nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ do các cơ sở, doanh nghiệp của Bộ Công an, Bộ quốc phòng và các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện.
2. Công cụ hỗ trợ nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh phải bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tên nước sản xuất, cơ sở sản xuất, năm sản xuất, hạn sử dụng, chủng loại, ký hiệu trên từng công cụ hỗ trợ.
Căn cứ vào nhu cầu hàng năm của các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 30 của Pháp lệnh này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định nhập khẩu công cụ hỗ trợ để trang bị cho Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; Bộ trưởng Bộ Công an quyết định nhập khẩu công cụ hỗ trợ để trang bị cho các đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Việc xuất khẩu công cụ hỗ trợ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.
3. Kinh doanh công cụ hỗ trợ:
a) Cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự;
b) Chỉ được nhượng, bán công cụ hỗ trợ cho các đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 33. Sử dụng công cụ hỗ trợ
1. Người được giao công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 22 của Pháp lệnh này;
b) Ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác,
c) Bắt giữ người theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc sử dụng đối với từng loại công cụ hỗ trợ.
Chương 5.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ
Điều 34. Nội dung quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
3. Ban hành, sửa đổi, bổ sung, công bố các danh mục vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
4. Quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tiêu chuẩn kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
5. Tổ chức đăng ký, cấp, đổi, thu hồi các loại giấy phép trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
6. Tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
7. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ vật công cụ hỗ trợ.
8. Thực hiện thống kê nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
9. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
10. Hợp tác quốc tế về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
11. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Điều 35. Trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy định của Pháp lệnh này và sự phân công của Chính phủ.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và theo sự phân công của chính phủ có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại địa phương.
Điều 36. Xử lý vi phạm
1. Trường hợp có căn cứ để cho rằng trong người hoặc trên phương tiện đang giấu, cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép thì các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ phải kiểm tra, kiểm soát, thu giữ, tạm giữ người, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì tuỳ theo tính chất, múc độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân bao che cho người vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hoặc thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; cá nhân vi phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 37. Hiệu lực thi hành
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 .
Điều 38. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Pháp lệnh này; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Pháp lệnh này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

 

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phú Trọng

Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 128/QĐ-TCT của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 về thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố

Quyết định 128/QĐ-TCT của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 về thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố"

Đất đai-Nhà ở, Cơ cấu tổ chức, Chính sách

Quyết định 129/QĐ-TCT của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 ban hành Quy chế làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố

Quyết định 129/QĐ-TCT của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 ban hành Quy chế làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận 77-KL/TW ngày 02/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố"

Đất đai-Nhà ở, Cơ cấu tổ chức, Chính sách

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi