THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ -------- Số: 1067/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ MA TÚY GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
----------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 20 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2014/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đầu tư Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy (sau đây gọi tắt là Chương trình), bao gồm các nội dung chính sau:
1. Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020.
2. Cơ quan quản lý Chương trình: Bộ Công an.
3. Mục tiêu của Chương trình:
a) Mục tiêu tổng quát:
- Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy. Giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của các cấp, các ngành và ý thức tự giác, chủ động phòng, chống các loại tội phạm và ma túy, vi phạm an toàn cháy, nổ, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Bảo đảm an ninh chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.
- Tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm trật tự an toàn giao thông, quy định về phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy.
- Nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm; điều tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy.
- Kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Kiềm chế sự gia tăng các vụ tai nạn giao thông, hỏa hoạn, các loại tội phạm; kiểm soát tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, cháy, nổ, tội phạm ma túy, ngăn chặn đà gia tăng số người nghiện ma túy.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, viễn thông, tin học, vũ khí, công cụ hỗ trợ bảo đảm đồng bộ, hiện đại để chủ động phát hiện nhanh, kịp thời các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, tội phạm và ma túy; trang bị các loại phương tiện, thiết bị nghiệp vụ hiện đại để tuần tra kiểm soát an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy, cưỡng chế và xử lý đối tượng vi phạm công minh, chính xác.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tập trung, giải quyết tình hình vi phạm hành lang an toàn giao thông ở một số tuyến đường trọng điểm; tình hình trật tự ở một số nhà ga trọng điểm, đoàn tàu trọng điểm, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường sắt, làm giảm tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
- Hằng năm giảm từ 05% - 10% so với năm trước về số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô.
- Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
- Bảo đảm phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
- Xây dựng hoàn chỉnh mạng thông tin vô tuyến, hữu tuyến với đường điện thoại nội bộ của Bộ Công an, kết nối Cục Cảnh sát giao thông với tất cả các Phòng Cảnh sát giao thông địa phương, các Trạm, Đội Cảnh sát giao thông trên quốc lộ và Cảnh sát giao thông cấp huyện trong toàn quốc.
- Xây dựng và hiện đại hóa 03 trung tâm thông tin chỉ huy cấp bộ và 15 trung tâm cấp tỉnh của lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy, trọng tâm là các hệ thống cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, về tai nạn giao thông đường bộ và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) phục vụ chỉ huy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
- Trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, cơ sở làm việc ở mức tối thiểu cho các đơn vị mới thành lập của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Đầu tư phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tiên tiến, hiện đại; trang bị các trung tâm thông tin chỉ huy điều hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trọng điểm về kinh tế - xã hội, các khu kinh tế, các thị xã, quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh trọng điểm về phòng cháy, chữa cháy.
- Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được Trung tâm thông tin chỉ huy điều hành công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mới thành lập.
- Tuyên truyền, vận động để góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng xã hội an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Ngăn chặn, làm giảm các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án; tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên; tội phạm giết, người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tội phạm sử dụng công nghệ cao...
- 100% tố giác, tin báo về tội phạm được tiếp nhận, xử lý.
- Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án đạt trên 75%, trọng án đạt trên 90%.
- Giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 20%; 75% phạm nhân có đủ thời gian, sức khỏe, khả năng được học nghề trong trại giam; tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho 100% người chấp hành xong án phạt tù.
- Hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ của cả nước tăng từ 05% - 10% so với năm trước; phấn đấu triệt xóa từ 05% - 10% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy so với năm trước; phấn đấu đến năm 2020 không còn “điểm nóng” về ma túy trên toàn quốc.
- Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy; phát hiện, triệt phá 100% diện tích cây thuốc phiện và cây cần sa trồng trái phép; không để tồn tại hoạt động sản xuất trái phép chất ma túy.
- 100% người trong nhóm nguy cơ được tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy; ngăn chặn đà gia tăng người nghiện; đến năm 2020, nâng tổng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy của toàn quốc lên trên 50%.
- Tổng số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đường biên giới hoặc có cửa khẩu nội địa đạt tỷ lệ trên 30% so với toàn quốc.
- Giảm từ 03% - 05% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016; giảm từ 15% - 20% số vụ án do người chưa thành niên vi phạm pháp luật và giảm từ 05% - 07% tội phạm xâm hại trẻ em.
- Ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đat tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”; chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm vi Chương trình:
Chương trình thực hiện trên cả nước, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư cho các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, những điểm nóng về trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, tội phạm và ma túy.
5. Thời gian thực hiện Chương trình: Chương trình thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020.
6. Tổng mức đầu tư của Chương trình:
- Tổng mức đầu tư của Chương trình: 6.586,611 tỷ đồng, trong đó:
+ Vốn đầu tư phát triển: 4.219,611 tỷ đồng (chưa kể dự phòng 10%).
+ Vốn sự nghiệp: 1.500 tỷ đồng (phòng cháy, chữa cháy: 300 tỷ đồng; phòng, chống tội phạm và ma túy: 1.200 tỷ đồng).
+ Vốn ODA: 867 tỷ đồng (sẽ phân bổ chi tiết cho từng dự án khi ký Hiệp định tín dụng).
- Chương trình gồm 60 dự án thành phần, trong đó: 54 dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển (chuẩn bị đầu tư 05 dự án; chuyển tiếp 19 dự án, khởi công mới 30 dự án); 06 dự án sử dụng vốn sự nghiệp. Riêng các dự án sử dụng Vốn vay ODA báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với từng dự án cụ thể sau.
7. Tổ chức thực hiện:
a) Bộ Công an có trách nhiệm:
- Chủ trì xây dựng Chương trình và bổ sung hoàn thiện Chương trình sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành thẩm định để Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các dự án của Chương trình có hiệu quả.
- Định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với chủ Chương trình kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình, bố trí vốn đầu tư phát triển cho các dự án của Chương trình.
c) Bộ Tài chính chủ trì trong việc phân bổ vốn sự nghiệp của Chương trình và các nguồn vốn hợp pháp khác cho các dự án của Chương trình.
d) Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an triển khai nội dung Chương trình trong phạm vi và nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực do mình quản lý.
Điều 2. Cơ chế quản lý, điều hành Chương trình
Cơ chế quản lý, điều hành Chương trình thực hiện theo quy định quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu và các quy định hiện hành có liên quan.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KGVX, CN; - Lưu: VT, NC (2). KN | THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc |