ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI __________ Số: 2395/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _____________________ Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc chấm dứt hoạt động của Ban Quản Iý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Bảo tàng Hà Nội và kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội
____________
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng;
Căn cứ Thông tư 16/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng;
Căn cứ Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của Bảo tàng;
Căn cứ Quyết định số 49/2016/QĐ-UBND ngày 09/12/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 592/QĐ-UBND ngày 04/02/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc thành lập Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội; Quyết định số 6693/QĐ-UBND ngày 04/12/2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc chuyển đổi cơ quan chủ quan Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 03/01/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc chuyển Ban quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Sở văn hóa và Thể thao về trực thuộc Bảo tàng Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tại Tờ trình 94/TTr-SVHTT ngày 17/3/2017 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 846/TTr-SNV ngày 12/4/2017 về việc chấm dứt hoạt động của Ban quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Bảo tàng Hà Nội và kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chấm dứt hoạt động của Ban quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Bảo tàng Hà Nội.
Điều 2. Kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của Bảo tàng Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội:
- Tên giao dịch tiếng Việt: Bảo tàng Hà Nội;
- Tên giao dịch tiếng Anh: Hanoi Museum;
- Trụ sở chính: đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội;
Điều 3. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
1. Vị trí, chức năng:
a) Bảo tàng Hà Nội (sau đây viết tắt là Bảo tàng) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Bảo tàng Hà Nội có chức năng nghiên cứu khoa học; sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể; kiểm kê, bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể, giáo dục truyền thống và các hoạt động dịch vụ khác của Bảo tàng theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến dự án trưng bày Bảo tàng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
a) Xây dựng các chương trình hoạt động, dự án, kế hoạch phát triển Bảo tàng Hà Nội phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch; các chương trình, dự án, kế hoạch hoạt động nghiệp vụ chuyên môn định kỳ, đột xuất của đơn vị; trình Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Tổ chức thực hiện sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể theo các phương thức: Khảo sát điền dã sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể; khai quật khảo cổ; tiếp nhận tài liệu, hiện vật do tổ chức, cá nhân chuyển giao, hiến tặng; mua, trao đổi tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng;
c) Thực hiện lập danh mục và báo cáo cơ quan cấp trên của Bảo tàng quyết định việc chuyển giao, thanh lý, hủy các tài liệu, hiện vật: không phù hợp với phạm vi, đối tượng và nội dung hoạt động của bảo tàng; bị hư hỏng không còn khả năng phục hồi; được xác định gây hại cho con người và môi trường; được xác định không phù hợp chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; được xác định nguồn gốc bất hợp pháp;
d) Tổ chức thực hiện kiểm kê, tài liệu, hiện vật theo quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng ban hành kèm theo Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin. Hồ sơ kiểm kê tài liệu, hiện vật được lập, quản lý ổn định, lâu dài; được lưu trữ bằng văn bản và lưu trữ bằng công nghệ thông tin;
đ) Tổ chức trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể có liên quan đến hoạt động của Bảo tàng theo các phương thức: trưng bày dài hạn, ngắn hạn tại Bảo tàng; trưng bày, triển lãm lưu động ở trong và ngoài nước; tổ chức giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể. Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng phải đảm bảo: phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung trưng bày của bảo tàng; chú trọng tưng bày tài liệu, hiện vật gốc; việc giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với tài liệu, hiện vật, nội dung trưng bày của bảo tàng, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; thuyết minh trưng bày cung cấp đầy đủ, rõ ràng, chính xác thông tin về tài liệu, hiện vật và phù hợp với đối tượng khách tham quan; bản phục dựng, bản sao tài liệu, hiện vật phải chính xác, khoa học và được ghi chú rõ ràng; thuận lợi cho việc tham quan và giữ gìn an ninh, an toàn cho tài liệu, hiện vật khách tham quan; tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ chính trị, trật tự an toàn xã hội;
e) Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, thuyết minh, hướng dẫn, giới thiệu cho khách tham quan tại Bảo tàng Hà Nội; tổ chức chương trình giáo dục, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của Bảo tàng. Chương trình giáo dục của Bảo tàng phải phù hợp với nội dung hoạt động và đối tượng công chúng của bảo tàng, nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng;
g) Thực hiện các hoạt động truyền thông của Bảo tàng như: Giới thiệu nội dung và hoạt động của Bảo tàng trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức chương trình quảng bá, phát triển công chứng và xã hội hóa hoạt động của Bảo tàng; tổ chức lấy ý kiến đánh giá của công chúng về hoạt động của Bảo tàng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt của Bảo tàng. Hoạt động truyền thông của bảo tàng phải phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;
h) Thực hiện liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, các hoạt động sưu tầm, thu thập, bảo quản, phục chế, trưng bày các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến hoạt động bảo tàng theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động của Bảo tàng;
i) Tổ chức dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí và dịch vụ khác; phát triển sản phẩm lưu niệm, xuất bản ấn phẩm của Bảo tàng; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch; cung cấp thông tin, tư liệu; tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ Bảo tàng; giám định, thẩm định di vật, cổ vật, bảo vật; hợp tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về bảo tàng. Các hoạt động dịch vụ của Bảo tàng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng hoặc đơn đặt hàng của tổ chức, cá nhân;
k) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Dự án trưng bày Bảo tàng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật;
l) Đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động của Bảo tàng và trong khu vực do Bảo tàng quản lý;
m) Xây dựng, trình Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các phòng, ban thuộc Bảo tàng theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố và quy định của pháp luật;
n) Quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố;
o) Quản lý về tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo nghề nghiệp, vị trí việc làm; thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Bảo tàng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố;
p) Thực hiện nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo tàng và quy định của pháp luật.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức, biên chế, cơ chế tài chính
1. Lãnh đạo Bảo tàng:
a) Lãnh đạo Bảo tàng gồm: Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc;
b) Giám đốc Bảo tàng là người đứng đầu Bảo tàng, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo tàng;
c) Phó Giám đốc Bảo tàng là người giúp Giám đốc Bảo tàng chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Bảo tàng và pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Bảo tàng vắng mặt, một Phó Giám đốc Bảo tàng được Giám đốc Bảo tàng ủy nhiệm điều hành các hoạt động của Bảo tàng;
d) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo tàng thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Ủy ban nhân dân Thành phố và theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: gồm 05 phòng
a) Phòng Hành chính- Tổng hợp;
b) Phòng Sưu tầm, Kiểm kê và Bảo quản;
c) Phòng Trưng bày- Tuyên truyền;
d) Phòng Kỹ thuật;
e) Phòng Quản lý dự án.
3. Biên chế:
a) Biên chế của Bảo tàng Hà Nội là biên chế sự nghiệp trong tổng số biên chế sự nghiệp của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội được Ủy ban nhân dân Thành phố phân bổ hàng năm trên cơ sở Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp;
b) Trước mắt, biên chế của Bảo tàng Hà Nội là 134 người (viên chức: 124 người, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 10 người), gồm tổng biên chế đã được Ủy ban nhân dân Thành phố giao cho Bảo tàng Hà Nội và Ban Quản lý Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội năm 2017.
4. Cơ chế tài chính:
a) Cơ chế tài chính của Bảo tàng Hà Nội thực hiện theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
b) Giám đốc Bảo tàng Hà Nội có trách nhiệm xây dựng phương án tự chủ về tài chính, xác định phân loại đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị, báo cáo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, phê duyệt.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Nội vụ:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các sở ngành có liên quan triển khai thực hiện quyết định này;
b) Hướng dẫn Sở Văn hóa và Thể thao để chỉ đạo Bảo tàng Hà Nội trong việc sắp xếp, bố trí công chức, viên chức và lao động hợp đồng sau khi được kiện toàn, sắp xếp lại theo đúng quy định của pháp luật.
2. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao:
a) Tổ chức thực hiện Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố theo đúng quy định; Chủ trì phối hợp với các cơ sở, ban, ngành có liên quan hoàn thiện hồ sơ, chứng từ, tài liệu theo quy định của nhà nước; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Bảo tàng Hà Nội;
b) Hướng dẫn Bảo tàng Hà Nội xây dựng quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện kiện toàn người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu Bảo tàng Hà Nội theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố; thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức quản lý trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo đúng Quyết định số 140/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
3. Giám đốc Sở Tài chính:
Chủ trì, hướng dẫn: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội các nội dung liên quan công tác tài chính, tài sản; cân đối, điều chỉnh kế hoạch tài chính, bố trí kinh phí hoạt động cho Bảo tàng Hà Nội theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án cơ chế tài chính trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.
4. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và nguồn vốn đầu tư phát triển của Bảo tàng Hà Nội, kế hoạch hoạt động trong những năm tiếp theo và hướng dẫn việc chuyển chủ đầu tư đối với Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội.
5. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội:
a) Kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Ban Quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội;
b) Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nhân sự của Phòng quản lý dự án trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, nhân sự của Phòng quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội, các phòng chuyên môn thuộc Bảo tàng Hà Nội trình Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội phê duyệt;
c) Thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc tại các phòng của đơn vị theo tiêu chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, phù hợp với năng lực cá nhân và tình hình thực tế tại đơn vị. Đối với lao động hợp đồng do các đơn vị tự ký, khi tiến hành kiện toàn, tổ chức lại phải chủ động chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động theo đúng quy định của Bộ Luật lao động;
d) Làm việc với Công an thành phố Hà Nội để tiến hành thủ tục thu hồi con dấu của Ban Quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội theo quy định.
5. Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội:
a) Chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản, tài chính, trang thiết bị và tất cả những vấn đề phát sinh từ các hoạt động của đơn vị thực hiện trước thời điểm chấm dứt hoạt động của Ban Quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội mà không phụ thuộc vào thời điểm phát sinh vấn đề;
b) Tổng hợp, thống kê tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các chứng từ, hồ sơ tài liệu có liên quan; lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng chuyển giao về Bảo tàng Hà Nội để thực hiện bố trí công chức, viên chức, lao động hợp đồng tại các phòng sau khi kiện toàn sắp xếp lại.
7. Các cơ quan, đơn vị nêu tại khoản 1,2,3,4,5,6 Điều này có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này.
2. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở; Nội vụ, Văn hóa và Thể thao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 6; - Thuờng trực Thành ủy; - Thuờng trực HĐND Thành phố; - Chủ tịch UBND Thành phố; - Các Phó Chủ tịch UBND TP; - Công an Thành phố; - BHXH Thành phố; - Kho bạc Nhà nuớc Thành phố; - VP UBND TP: PCVP N.N.Kỳ, P.C.Công, NC, TH, KGVX, TKBT; - Lưu: VT, SNV(5bản) | CHỦ TỊCH Nguyễn Đức Chung |