Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Phương án 829/PA-BVHTTDL 2022 mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Phương án 829/PA-BVHTTDL
Cơ quan ban hành: | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 829/PA-BVHTTDL | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Phương án | Người ký: | Đoàn Văn Việt |
Ngày ban hành: | 15/03/2022 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Văn hóa-Thể thao-Du lịch, COVID-19 |
tải Phương án 829/PA-BVHTTDL
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO Số: 829/PA-BVHTTDL | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2022 |
PHƯƠNG ÁN
Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới
____________
Triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ ngày 07/3/2022; Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/3/2022; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 513/CĐ-VPCP ngày 19/01/2022 về việc xây dựng lộ trình mở cửa lại an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế; Công văn số 1606/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ ngày 15/3/2022 về việc khôi phục chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam; Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 16/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 15/02/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động lịch; trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao và văn bản số 1265/BYT-DP ngày 15/3/2022 của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hanh Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới (sau đây gọi tắt là Phương án) với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Khôi phục hoạt động du lịch trọng điều kiện bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.
- Mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế sau thời gian triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
- Xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Phương án, tạo sự phối hợp giữa các bên để phục hồi và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
2. Yêu cầu
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 513/CĐ-VPCP ngày 19/01/2022 về việc xây dựng lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch “an toàn, khoa học, hiệu quả”.
- Xác định cụ thể thời gian, đối tượng và các yêu cầu mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
- Sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Phương án đảm bảo an toàn, hiệu quả.
II. THỜI GIAN MỞ CỬA LẠI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
1. Thời gian: từ 15/3/2022
2. Phạm vi: Mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
3. Đối tượng
- Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
- Khách du lịch ra nước ngoài.
- Khách du lịch nội địa.
III. YÊU CẦU ĐẢM BẢO AN TOÀN MỞ CỬA LẠI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRONG ĐIỀU KIỆN BÌNH THƯỜNG MỚI
1. Đối với hoạt động du lịch quốc tế
1.1. Chính sách về thị thực: Thực hiện theo Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa I-ta-li-a, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na-uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Bê-la-rút; Công văn số 1606/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ ngày 15/3/2022 về việc khôi phục chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quy định liên quan.
1.2. Yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
a) Đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
b) Đối với khách nhập cảnh qua đường bộ, đường sắt, đường biển: Phải có xét nghiệm như đối với yêu cầu tại điểm a nêu trên. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như quy định tại điểm a, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép nhập cảnh và tham gia hoạt động du lịch, nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
c) Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
d) Khách du lịch phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID), thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại việt Nam.
đ) Tại cửa khẩu, nếu khách du lịch có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
e) Khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.
g) Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, khách du lịch tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời; thực hiện các biện pháp phòng bệnh: thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.
h) Khách du lịch đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định pháp luật xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quy định liên quan khác khi du lịch tại Việt Nam.
1.3. Yêu cầu đối với khách du lịch ra nước ngoài: Tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ tham quan du lịch.
2. Đối với hoạt động du lịch nội địa
- Triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các văn bản hướng dẫn liên quan đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
- Triển khai Chương trình kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch nội địa trên toàn quốc. Tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến, xây dựng sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Phương án đảm bảo an toàn, hiệu quả.
b) Tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam" đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn ” đối với thị trường du lịch nội địa.
c) Phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ các hoạt động du lịch.
d) Chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch cập nhật các hướng dẫn y tế phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Việt Nam để thông tin cho khách du lịch, đối tác nước ngoài.
2. Đề nghị Bộ Y tế
a) Cập nhật các quy định y tế đối với người nhập cảnh và hướng dẫn quy trình phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với đối tượng khách du lịch nhập cảnh.
b) Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại cửa khẩu đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển.
c) Chỉ đạo cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu kiểm tra, bảo đảm điều kiện nhập cảnh của khách về mặt y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, hướng dẫn khai báo y tế điện tử dành cho người nhập cảnh.
d) Phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị các phương án cách ly y tế, xử lý rủi ro trong trường hợp bùng phát dịch, nhất là đối với các chủng vi rút biến thể mới.
đ) Hướng dẫn tổ chức tiêm phòng COVID-19 khi khách có nhu cầu sau khi nhập cảnh vào Việt Nam.
3. Đề nghị Bộ Công an/Bộ Quốc phòng
a) Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, doanh nghiệp dịch vụ lữ hành quốc tế triển khai các thủ tục cấp thị thực, nhập xuất cảnh theo quy định; phối hợp hỗ trợ trong đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự cho khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.
b) Hướng dẫn thủ tục khai báo y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh, đảm bảo liên thông với dữ liệu PC-COVID, tạo thuận lợi cho việc khai báo của khách cũng như công tác theo dõi y tế, giám sát, truy vết người nhập cảnh.
c) Ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân và bản đồ số để phục vụ hoạt động mở cửa lại hoạt động du lịch.
d) Chuẩn bị các điều kiện (gồm địa điểm, phương tiện, nhân lực...) triển khai xét nghiệm nhanh cho khách du lịch trước khi nhập cảnh qua đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo không gây ùn tắc, an toàn, thuận tiện cho khách du lịch.
đ) Sẵn sàng các phương án phục vụ công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ. Phối hợp với cơ quan Y tế và các bên liên quan chuẩn bị sẵn sàng địa điểm, phương án cách ly y tế trong trường hợp cần thiết.
4. Đề nghị Bộ Ngoại giao
a) Thông báo tới các nước/vùng lãnh thổ về thủ tục, quy định nhập cảnh của Việt Nam. Theo dõi các chính sách chống dịch của các nước để kiến nghị biện pháp thị thực phù hợp, không để người nước ngoài nhập cảnh nhưng sau đó mắc kẹt ở Việt Nam.
b) Tiếp tục đàm phán với các nước công nhận hộ chiếu vắc-xin của nhau, tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam đi nước ngoài.
c) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương trong việc truyền thông, xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
5. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải
a) Chỉ đạo các hãng hàng không phối hợp với cơ quan chức năng đảm bảo khách tuân thủ đúng quy định về xuất nhập cảnh và thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên các chuyến bay theo quy định.
b) Thông báo cho hành khách các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, quy định về an ninh, an toàn trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển, đường sắt cũng như quy định về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế.
6. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Phối hợp chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống cơ sở thông tin, tuyên truyền các nội dung phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới và theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
b) Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 (PC-COVID) để hỗ trợ khách nhập cảnh trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.
7. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón và phục vụ khách đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, có phương án xử lý sự cố y tế phát sinh liên quan đến hoạt động du lịch. Chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp về phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.
b) Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch để tổ chức lại hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả.
c) Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
8. Đối với doanh nghiệp du lịch
a) Xây dựng kế hoạch đón khách an toàn theo Phương án này và các quy định có liên quan của ngành Du lịch, ngành Y tế và địa phương.
b) Chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch COVID-19 và xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định. Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế để kiểm soát tốt dịch bệnh.
c) Thông báo khách du lịch trước chuyến đi về các quy định, yêu cầu khi du lịch Việt Nam và các quy định liên quan khác. Hướng dẫn, phổ biến để khách du lịch thực hiện các quy định của Việt Nam đảm bảo hoạt động du lịch an toàn.
d) Chịu trách nhiệm bảo đảm khách du lịch có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu theo quy định.
đ) Phối hợp cơ quan chức năng trong công tác quản lý khách du lịch đảm bảo thực hiện theo đúng pháp luật Việt Nam và quy định của các địa phương.
e) Phổ biến, quán triệt, hướng dẫn người lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Du lịch, ngành Y tế và các cơ quan chức năng.
g) Chủ động kiểm tra, rà soát chất lượng và đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách, đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn hiện hành.
h) Chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kịp thời đáp ứng mở cửa lại du lịch.
i) Triển khai các hoạt động xây dựng sản phẩm, quảng bá, truyền thông, kích cầu du lịch nội địa và quốc tế, kết nối điểm đến; phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch./.
Nơi nhận: - Như trên; - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Các Phó TTgCP (để báo cáo); - Bộ trưởng (để báo cáo); - Các Thứ trưởng Bộ VHTTDL; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố; - Tổng cục Du lịch (để thực hiện); - Cục Hợp tác quốc tế (để thực hiện); - Cục Văn hóa cơ sở (để thực hiện); - Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố (để thực hiện); - Lưu: VT, TCDL. 139. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG
Đoàn Văn Việt |