BỘ TÀI CHÍNH ------- Số: 10866/BTC-CST V/v: Chính sách thuế giá trị gia tăng đối với gạo | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------------- Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2015 |
Kính gửi: | - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Hiệp hội Lương thực Việt Nam; - Tổng công ty Lương thực miền Bắc. |
Ngày 27/4/2015 Văn phòng Chính phủ có công văn số 155/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình xuất khẩu gạo, trong đó có giao Bộ Tài chính “Xem xét đề nghị về việc bỏ quy định áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo sản xuất tiêu dùng trong nước để có giải pháp xử lý bảo đảm công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo sản xuất trong nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2015” . Sau đó, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (tại các văn bản số: 309/CV/HHLTVN ngày 15/5/2015, 316/CV/HHLTVN ngày 02/6/2015 và 317/CV/HHLTVN ngày 03/6/2015), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (văn bản số 613/TCLTMB-KHKD ngày 02/6/2015) kiến nghị về chính sách thuế GTGT đối với gạo.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để xử lý kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp ngày 08/6/2015 Bộ tài chính đã có công văn số 7476/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế GTGT đối với gạo và trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành.
Ngày 29/6/2015 Văn phòng Chính phủ có công văn số 4944/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thuế GTGT đối với gạo, phân bón và thức ăn chăn nuôi:
“Đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính tại các văn bản số 7476/BTC-CST và số 7501/BTC-CST nêu trên. Giao Bộ Tài chính có báo cáo giải thích, thông tin rõ đến các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp.”
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4944/VPCP-KTTH nêu trên, Bộ Tài chính báo cáo giải thích, thông tin rõ đến các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp như sau:
I. Kiến nghị của doanh nghiệp:
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), chỉ có 15% tổng sản lượng gạo sản xuất trong nước tương đương với 3,5 triệu tấn gạo (trong tổng sản lượng gạo khoảng 22 triệu tấn) là đưa vào kênh phân phối (chịu thuế GTGT với thuế suất 5%) và xuất khẩu tiểu ngạch. Do tập quán kinh doanh tiêu dùng của người dân chủ yếu là thông qua hệ thống bán lẻ của tư thương và các chợ truyền thống nên đã có một lực lượng không nhỏ tư thương chịu mức thuế GTGT và mức thuế TNDN (hoặc thuế TNCN) khoán với tỷ lệ (%) thấp hơn so với doanh nghiệp làm nhiệm vụ phân phối gạo (kê khai nộp thuế GTGT 5% đầu ra, được khấu trừ đầu vào và nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai). Còn người nông dân bán gạo tự sản xuất ra thì không chịu thuế GTGT.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo do doanh nghiệp sản xuất bán cho người tiêu dùng chịu thuế GTGT 5% trong khi gạo tư thương bán ra không chịu thuế hoặc khoán thuế thấp gây ra cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới các doanh nghiệp sản xuất gạo quy mô lớn khó cạnh tranh trên thị trường, không tạo được thương hiệu, người tiêu dùng mua gạo của tư thương không đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm. Hiệp hội kiến nghị áp dụng thuế suất thuế GTGT 0,5% để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và xây dựng thương hiệu gạo.
Theo Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (LTMB), trong trường hợp đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế GTGT xuống mức thấp hơn 5% gặp vướng mắc do không phù hợp thông lệ hoặc lộ trình thuế, Tổng công ty đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ cho phép chuyển mặt hàng gạo sang đối tượng không chịu thuế GTGT nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhằm tạo điều kiện tái cơ cấu có hiệu quả ngành nông nghiệp Việt Nam.
II. Ý kiến của Bộ Tài chính:
1. Chính sách thuế GTGT hiện hành đối với gạo: a) Đối với gạo xuất khẩu;
Theo Luật thuế GTGT, gạo xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%, doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho kinh doanh gạo (xay xát, vận chuyển, đóng gói, điện, nước,...). Việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với gạo đã góp phần khuyến khích hoạt động xuất khẩu gạo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường quốc tế và góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân.
b) Đối với gạo tiêu thụ trong nước
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5, khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT hợp nhất và hướng dẫn tại Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT thì: Gạo của tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Gạo do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trường hợp bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hoặc theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
Quy định gạo không chịu thuế GTGT tại khâu sản xuất trực tiếp bán ra phù hợp với thực tế: hầu hết nông dân không thực hiện hạch toán kế toán, lưu giữ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ khi mua hàng hóa, dịch vụ, không thể áp dụng kê khai, khấu trừ và tính nộp thuế GTGT đối với sản xuất gạo. Do vậy, để khuyến khích sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất lúa gạo thì thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều không chịu thuế GTGT (giống, dịch vụ tưới tiêu, thu hoạch,...) hoặc áp dụng thuế suất thấp 5% (đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp,...).
Tại khâu kinh doanh thương mại, doanh nghiệp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Chính sách này đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp không phải ứng vốn để trả thuế GTGT khi mua gạo, không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã (giảm thủ tục hành chính, chi phí trong kê khai, nộp thuế GTGT), hạ giá thành gạo tại các khâu thương mại trung gian, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đối với hộ tư nhân bán buôn vẫn phải kê khai nộp thuế theo mức khoán. Trường hợp bán lẻ trực tiếp hoặc bán cho các đối tượng khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã thì mới phải kê khai nộp thuế GTGT.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp có nguồn cung cấp gạo tốt, ổn định thì chính sách hiện hành nêu trên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như các tổng công ty trở thành đơn vị đầu mối trong khâu thương mại cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã bán lẻ (có tổng doanh thu trong năm dưới 1 tỷ đồng phải nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT) do không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT và do những đơn vị bán lẻ này có mức nộp thuế GTGT như hộ kinh doanh cá thể.
2. Kinh nghiệm các nước về chính sách thuế GTGT đối với gạo:
Qua tham khảo kinh nghiệm của một số nước cho thấy, gạo thuộc nhóm lương thực là hàng hóa cơ bản nên thường được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT thấp hơn mức bình thường. Việc quy định không chịu thuế GTGT áp dụng chung đối với sản phẩm nông nghiệp, trong đó có gạo tại khâu sản xuất. Cụ thể:
Những nước áp dụng thuế GTGT đối với lương thực (trong đó có gạo) với mức thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế suất phổ thông gồm có: Trung Quốc thu thuế GTGT với thuế suất 13% (so với thuế suất phổ thông là 17%); Tây Ban Nha 10% (so với 21%); Slovenia 9,5% (so với 22%);...
Những nước quy định sản phẩm nông nghiệp (trong đó có gạo) tại khâu sản xuất không chịu thuế GTGT gồm có: Thái Lan, Philippines, Indonesia, Myanmar, Hàn Quốc.
3. Hướng xử lý kiến nghị của doanh nghiệp: a) Đối với kiến nghị chuyển gạo sang áp dụng mức thuế suất 0,5%, 0% hoặc chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT:
Luật thuế GTGT hiện hành không có quy định về mức thuế suất 0,5%. Việc bổ sung mức thuế suất mới không phù hợp với Chiến lược cải cách thuế GTGT giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là thu hẹp nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT, nhóm đối tượng áp dụng thuế suất 5% tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT thống nhất.
Đối với đề xuất áp dụng thuế suất 0%, đề xuất này không phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế về thuế GTGT là mức thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Hơn nữa nếu áp dụng thuế suất 0% đối với gạo thì phải áp dụng thuế suất 0% ở tất cả các khâu từ trồng trọt, sơ chế, lưu thông thương mại và phải thực hiện hoàn thuế GTGT. Việc này là không khả thi vì người nông dân không thực hiện được hệ thống kế toán và sổ sách, hóa đơn, chỉ có doanh nghiệp sản xuất đáp ứng được thủ tục điều kiện và được hoàn thuế, gây bất bình đẳng trong sản xuất nông nghiệp giữa người nông dân và tổ chức thực hiện được hạch toán kinh doanh, sổ sách kế toán. Tư thương bán gạo cũng sẽ thành lập các doanh nghiệp, cũng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không phải nộp thuế GTGT khi bán gạo nên sẽ không giải quyết được vướng mắc của Hiệp hội.
Do vậy, việc sửa đổi chuyển gạo sang đối tượng không chịu thuế sẽ không có khả năng giúp doanh nghiệp cạnh tranh được với hộ tư thương trong khi việc sửa đổi này không phù hợp với chiến lược cải cách thuế GTGT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sẽ không bảo đảm mặt bằng so với những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác đều đang áp dụng thuế suất 5%.
b) Đối với kiến nghị về cạnh tranh không bình đẳng và xây dựng thương hiệu:
Bộ Tài chính thấy rằng việc mua gạo tư thương tại các chợ truyền thống cũng như những thực phẩm khác thực tế là do thói quen của người dân, không phải là do mức thuế suất. Cụ thể:
Theo Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO)1, tiêu thụ gạo bình quân đầu người của Việt Nam ổn định ở mức 13,8kg/tháng. Theo Hiệp hội, thực tế, đối tượng mua sản phẩm gạo bán lẻ chủ yếu là người dân thành thị (người nông dân tự cung tự cấp) nên chênh lệch do thuế tối đa khoảng 5.500 đồng/người/tháng (400 đồng thuế GTGT x 13,8kg/người/tháng) hay bình quân 22.000 đồng/hộ gia đình 4 người là không đáng kể để được tiêu dùng sản phẩm gạo tốt, có thương hiệu nhãn mác rõ ràng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu theo số liệu do Tổng công ty LTMB cung cấp, mức chênh lệch giá giữa doanh nghiệp và hộ tư nhân chỉ là 261 đồng/kg thì chi phí tiêu dùng của một hộ gia đình thành thị đối với gạo doanh nghiệp cung cấp cao hơn so với gạo do hộ tư thương chưa đến 14.500 đồng/tháng.
Mặt khác, với giá gạo mua từ người nông dân giữa doanh nghiệp và hộ tư thương như nhau thì về nguyên tắc, giá thành gạo của doanh nghiệp cần thấp hơn của hộ tư thương do quy mô lớn hơn, năng suất (xay xát, đóng gói) cao hơn. Bên cạnh đó còn mức lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, dù định mức thấp hơn thì doanh nghiệp vẫn có khả năng đạt quy mô lợi nhuận lớn hơn. Do vậy ý kiến cho rằng mức chênh lệch giá là do việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với doanh nghiệp trong khi hộ tư thương nộp mức khoán thuế 1%, dẫn đến doanh nghiệp bất lợi trong cạnh tranh tiêu thụ gạo nội địa, khó xây dựng được thương hiệu gạo là chưa phù hợp với thực tế.
Ngoài ra như đã trình bày ở trên, trường hợp doanh nghiệp có nguồn cung cấp gạo tốt, ổn định thì chính sách hiện hành nêu trên tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp như các tổng công ty trở thành đơn vị đầu mối trong khâu thương mại cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã bán lẻ.
Do vậy, việc sửa đổi chuyển gạo sang đối tượng không chịu thuế sẽ không có khả năng giúp doanh nghiệp cạnh tranh được với hộ tư thương trong khi việc sửa đổi này không phù hợp với chiến lược cải cách thuế GTGT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo tiền lệ để các ngành, lĩnh vực khác kiến nghị ưu đãi, miền giảm thuế (hiện hành gạo cùng những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác đều được áp dụng thuế suất 5% trong khi hàng hóa thông thường chịu thuế suất 10%).
Bộ Tài chính trả lời để các Bộ, Hiệp hội, doanh nghiệp biết và đề nghị Hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định hiện hành./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (để đăng tin) - Lưu: VT, CST(10b). | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Vũ Thị Mai |
1 Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (www.ers.usda.gov)