BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ---------- Số: 692/QĐ-BTTTT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG KẾT 10 NĂM THI HÀNH LUẬT CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
---------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng các Vụ: Công nghệ thông tin, Pháp chế, Kế hoạch - Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Hợp tác quốc tế; Cục trưởng các Cục: Tin học hóa, An toàn thông tin; Giám đốc các Trung tâm: Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Chứng thực điện tử quốc gia; Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để b/c); - Bộ trưởng và các Thứ trưởng; - BCĐCNTT của Cơ quan Đảng; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Các UBND, Sở TT&TT tỉnh, TP trực thuộc TW; - Các Hội, Hiệp hội CNTT; - Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ; - Lưu: VT, CNTT. | BỘ TRƯỞNG Trương Minh Tuấn |
KẾ HOẠCH
TỔNG KẾT 10 NĂM THI HÀNH LUẬT CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 692/QĐ-BTTTT ngày 29/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổng kết, đánh giá tình hình 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 (sau đây gọi tắt là Luật CNTT) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật CNTT;
- Đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, nguyên nhân hạn chế và xác định các giải pháp, phương thức quản lý nhằm hoàn thiện khung pháp lý về ứng dụng và phát triển CNTT;
- Thông qua tổng kết để làm cơ sở xây dựng Đề án sửa đổi Luật CNTT theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ. Từ đó đề xuất Quốc hội, Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập. Đồng thời, cập nhật, bổ sung đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về yêu cầu quản lý lĩnh vực CNTT trong thời gian qua, cũng như tiếp tục hoàn thiện các mô hình quản lý ứng dụng và phát triển CNTT theo xu thế hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế.
2. Yêu cầu
- Việc tổng kết được thực hiện toàn diện trên phạm vi toàn quốc cũng như trong phạm vi từng Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội CNTT, doanh nghiệp lớn có liên quan.
- Đánh giá đúng tình hình 10 năm thi hành Luật CNTT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Làm rõ những kết quả, thành tựu đã đạt được, những mặt còn hạn chế, tồn tại. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, triển khai về ứng dụng và phát triển CNTT.
II. PHẠM VI VÀ NỘI DUNG TỔNG KẾT
1. Phạm vi
- Tổng kết việc triển khai thi hành Luật CNTT và các văn bản hướng dẫn thi hành kể từ ngày 01/01/2007 đến hết ngày 31/12/2015 trên phạm vi toàn quốc;
- Đánh giá công tác triển khai thi hành Luật CNTT và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành; tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp CNTT liên quan.
2. Nội dung tổng kết
- Đánh giá công tác triển khai thi hành Luật CNTT và việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật CNTT.
- Đánh giá toàn diện các nội dung, quy định của Luật CNTT (ứng dụng CNTT, phát triển CNTT, biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển CNTT, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm); thông qua đó nêu rõ những kết quả đạt được; những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật CNTT và thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định của Luật; phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó; xác định những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT cần được điều chỉnh.
- Đánh giá các thành tựu và tác động của Luật CNTT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của đất nước đối với hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT.
- Rà soát, đánh giá mối quan hệ giữa quy định của Luật CNTT với các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật An toàn thông tin mạng 2015,... và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
- Đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về CNTT (các nội dung cần thay thế, sửa đổi và bổ sung quy định hiện hành,...).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cơ quan chủ trì, phối hợp tổng kết
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, phối hợp tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật CNTT năm 2006 (Ban Chỉ đạo), do 01 Thứ trưởng làm Trưởng ban, Vụ CNTT là đơn vị thường trực, các thành viên là đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ để tham mưu, tư vấn công tác tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT; xây dựng Đề cương hướng dẫn Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT; gửi Công văn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp lớn liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT trước ngày 30/4/2016.
Các cơ quan và đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các nhiệm vụ tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Tổ chức tổng kết tại các Bộ, ngành khác
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT (theo Đề cương hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông) và gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/6/2016.
3. Tổ chức tổng kết tại các cơ quan Đảng
Ban Chỉ đạo CNTT của Cơ quan Đảng xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT (theo Đề cương hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông) và về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/6/2016.
4. Tổ chức tổng kết tại địa phương
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT bằng hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương (có tổ chức Hội nghị tổng kết hoặc chỉ xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT); xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT (theo Đề cương hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông) và gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/6/2016.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cách thức tiến hành và giúp Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức tổng kết thi hành Luật CNTT.
5. Tổ chức tổng kết trong tại Hội, Hiệp hội và doanh nghiệp CNTT
Các Hội, Hiệp hội và các doanh nghiệp CNTT tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT bằng hình thức phù hợp; xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT (theo Đề cương hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông) và gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/6/2016.
6. Xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT
Vụ CNTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT; trình Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến; trình Bộ trưởng quyết định.
7. Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, dự kiến vào Quý IV năm 2016 (theo điều kiện thực tế).
V. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT do các cơ quan, đơn vị chủ động theo các quy định hiện hành.