Thông tư 05/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế quản lý vốn vay cho Dự án Hỗ trợ và phát triển đào tạo đại học và sau đại học về công nghệ thông tin và truyền thông do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ
- Tóm tắt
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Thông tư 05/2008/TT-BTC
Cơ quan ban hành: | Bộ Tài chính | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 05/2008/TT-BTC | Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Thông tư | Người ký: | Trần Xuân Hà |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 14/01/2008 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Từ ngày 20/02/2020, Thông tư này bị hết hiệu lực bởi Thông tư 04/2020/TT-BTC.
Xem chi tiết Thông tư 05/2008/TT-BTC tại đây
tải Thông tư 05/2008/TT-BTC
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 05/2008/TT-BTC NGÀY
14 THÁNG 01 NĂM 2008
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ VỐN VAY CHO DỰ ÁN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC VÀ SAU ĐẠI HỌC VỀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG DO NGÂN HÀNG HỢP
TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN TÀI TRỢ
Căn cứ Nghị định số
134/2005/NĐ-CP ngày 1 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý
vay và trả nợ nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm
2006 của Chính phủ ban hành về quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển
chính thức (ODA);
Căn cứ vào Hiệp định vay số VNXIII-6 ký ngày 31/3/2006
giữa Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam với Ngân hàng Hợp tác
Quốc tế Nhật Bản (sau đây gọi tắt là JBIC);
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý nguồn vốn vay JBIC
cho Dự án Hỗ trợ và Phát triển Đào tạo Đại học và Sau Đại học về Công nghệ
Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là Dự án) như sau:
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng:
Thông tư
này quy định việc quản lý sử dụng vốn vay JBIC thuộc Hiệp định số VNXIII-6 ký
giữa Bộ Tài chính nước CHXHCN Việt Nam với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản
(JBIC) tài trợ cho Dự án Hỗ trợ và Phát triển Đào tạo Đại học và Sau Đại học về
Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông
tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý liên quan và người thụ hưởng Dự án
bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường Đại học Bách khoa Hà Nội,
đối tượng nhận học bổng từ nguồn vốn vay JBIC và các ngân hàng phục vụ.
Trường Đại học
Bách khoa Hà Nội có thể tham khảo để áp dụng quy định cho đối tượng được nhận
học bổng từ nguồn vốn viện trợ của JICA và học bổng hợp tác từ các trường đại
học Nhật Bản liên quan đến Dự án này.
3. Giải thích từ ngữ:
Các khái niệm, thuật
ngữ sử dụng trong Thông tư này có cùng ý nghĩa như trong Hiệp định vay và được
hiểu như sau:
3.1. Nhà tài trợ là
Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (viết tắt là JBIC).
3.2. Hiệp định là Hiệp
định tín dụng số VNXIII-6 ký ngày 31/3/2006 giữa Bộ Tài chính thay mặt nước
CHXHCN Việt Nam (Bên Vay) và JBIC đại diện cho chính phủ Nhật Bản (Bên Cho vay)
thoả thuận về việc JBIC tài trợ cho Việt
Nam (Bên Vay) một khoản vay trị giá 5.422.000.000 JPY để đầu tư cho Dự
án.
3.3. Biên bản ghi nhớ
là Biên bản ký ngày 23/6/2006 giữa đại diện JBIC tại Hà Nội, Bộ Tài chính, Bộ
Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về Dự án.
3.4. Học bổng là số
tiền Dự án cấp cho du học sinh đi du học nước ngoài bao gồm học phí, vé máy bay hai chiều, phí
bảo hiểm, trợ cấp sinh hoạt phí và một số chi phí khác được cấp từ nguồn vốn
vay JBIC.
3.5. Đối tượng nhận
học bổng là sinh viên, nghiên cứu sinh được nhận học bổng từ nguồn vốn vay
JBIC.
3.6. Trường đại học
đối tác là trường sẽ tiếp nhận các đối tượng nhận học bổng từ Dự án.
3.7. Ban điều hành Dự
án là Ban quản lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập, chịu trách nhiệm thực
hiện Dự án.
3.8. Tư vấn là tổ chức
tư vấn do Ban điều hành Dự án lựa chọn theo hình thức đấu thầu quốc tế và ký
hợp đồng tư vấn thực hiện các hoạt động hỗ trợ Ban điều hành Dự án trong việc
quản lý, thực hiện và giám sát việc sử dụng vốn vay.
3.9.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng được Bộ Tài chính uỷ
nhiệm thực hiện các nghiệp vụ thanh toán đối ngoại, có trách nhiệm ký thoả ước
Ngân hàng với phía nước ngoài trên cơ sở của Hiệp định vay vốn JBIC.
3.10.
Các cơ quan nhà nước là các Bộ, Ủy ban Nhân dân, các cơ quan trực thuộc Chính
phủ hoặc các đơn vị được các Bộ, Ủy ban Nhân dân, cơ quan trực thuộc Chính phủ
thành lập theo các Quyết định thành lập.
4. Cơ quan thực hiện:
4.1.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản dự án, có trách nhiệm bảo đảm chất
lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA thuộc Dự án, đồng thời thực hiện chức
năng quản lý nhà nước đối với chương trình, dự án theo quy định của pháp luật.
Khi có yêu cầu, chịu trách nhiệm xem xét và có ý kiến bằng văn bản về các vấn
đề liên quan đến dự án trong thời gian quy định.
4.2.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ quan chủ dự án có trách nhiệm thành lập
Ban quản lý dự án để quản lý việc sử dụng vốn đúng chức năng của mình phù hợp Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 1 tháng 11 năm 2005 về Quy chế quản lý
vay và trả nợ nước ngoài và Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 11
năm 2006 về ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính
thức (ODA) của Chính phủ và cam kết trong Hiệp định tín dụng đã ký với
JBIC.
5. Nguyên tắc quản lý:
5.1.
Nguồn vốn vay được quản lý theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn
bản hướng dẫn Luật, các chế độ chi tiêu hiện hành của Nhà nước.
Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ cho phía
nước ngoài khi đến hạn (bao gồm cả gốc và lãi).
5.2.
Dự án được đầu tư bằng vốn vay JBIC, vốn viện trợ không hoàn lại của JICA, vốn
đối ứng từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tự có của trường Đại học Bách khoa Hà
Nội.
5.3.
Việc quản lý, sử dụng vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, chi sự nghiệp giáo
dục được thực hiện theo Quy chế quản lý hiện hành của Nhà nước. Việc quản lý,
sử dụng vốn dành cho việc cấp học bổng đào tạo tại nước ngoài từ nguồn vốn vay
JBIC được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Phần II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Phạm vi sử dụng vốn và lập kế hoạch cân
đối vốn:
1.1.
Phạm vi sử dụng vốn:
a)
Phần vốn vay JBIC được sử dụng cho các mục đích sau:
- Xây dựng Chương trình đào tạo công nghệ thông tin kiểu mẫu;
- Phát triển đội ngũ giảng viên;
- Mua sắm thiết bị, sách;
- Chi học bổng;
- Dịch vụ tư vấn;
- Trả nợ lãi vay JBIC trong quá trình rút vốn.
b)
Vốn đối ứng được sử dụng cho các mục đích sau:
- Chi phí quản lý dự án;
- Thuế;
- Các khoản chi khác cho dự án mà vốn JBIC không tài trợ.
1.2.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) lập kế hoạch cân đối
vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách hàng năm, đảm bảo vốn đối ứng đầy đủ, kịp
thời, phù hợp với tiến độ quy định trong văn kiện chương trình dự án đã được
cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Cơ chế tài chính đối với phần vốn vay
nước ngoài:
2.1.Dự án áp
dụng cơ chế tài chính hỗn hợp, trong đó:
a) Phần ngân
sách cấp phát: dự án được áp dụng cơ chế ngân sách Nhà nước cấp phát đối với
tất cả các hạng mục của dự án trừ hạng mục chi cho học bổng đào tạo sinh viên
tại nước ngoài.
b)
Phần ngân sách cho vay lại: học bổng cấp cho học viên đào tạo tại nước ngoài
được áp dụng cơ chế cho vay lại. Bộ Tài chính uỷ quyền cho Ngân hàng Phát triển
Việt Nam ký Hợp đồng cho vay lại đối với trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo
các điều kiện vay lại như các điều kiện vay trong Hiệp định.
Trường
Đại học Bách khoa Hà Nội ký Hợp đồng tín dụng với học viên nhận học bổng đào
tạo tại nước ngoài.
Phần
ngân sách này được xem là cấp phát nếu người được hưởng học bổng làm việc cho các
cơ quan nhà nước sau khi kết thúc khoá học theo điều khoản của hợp đồng tín
dụng đào tạo.
c) Trong
trường hợp có thêm các nguồn học bổng do các công ty và trường đối tác tài trợ
có liên quan đến Dự án, nếu sinh viên được cử đi học bằng nguồn tài trợ này bỏ
dở khoá học hoặc không làm trong cơ quan nhà nước thì số tiến đó có thể được
trường Đại học Bách khoa thu lại và sử dụng vào mục đích phát triển nhân lực
của trường (nếu không có các ràng buộc hoặc quy định khác từ đối tác tài trợ).
2.2.
Những chi phí tài trợ từ nguồn học bổng được sử dụng làm nguồn vốn cho vay lại trong Hợp đồng:
a) Vé máy bay 2 chiều, hạng Economy (theo thực chi, vé do
Ban điều hành Dự án đặt mua).
b) Chi phí cấp visa (theo thực chi, thanh toán theo phương
thức hoàn trả phí do đối tượng nhận học bổng đã chi để xin visa, căn cứ vào hoá
đơn nhận tiền của cơ quan Lãnh sự).
c) Học phí tại trường tiếp nhận đối với từng trường hợp
(theo hợp đồng ký giữa Ban điều hành Dự án trường Đại học Bách khoa Hà Nội và trường
đại học đối tác tại Nhật Bản).
d) Sinh hoạt phí: Mức sinh hoạt phí cho du học sinh được
Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trên cơ sở bình đẳng với các chương trình khác
và đảm bảo điều kiện cần thiết cho học viên tham gia khoá học.
đ) Bảo hiểm y tế: Áp dụng theo định mức quy định trong
Chương trình 322 giai đoạn II (Chương trình Chính phủ sử dụng ngân sách nhà
nước để đào tạo nhân lực tại nước ngoài) đối với đối tượng nhận học bổng từ vốn
vay JBIC.
e) Phí chuyển tiền: theo thực chi, căn cứ vào chứng từ
của ngân hàng.
3. Cơ chế tuyển chọn và thông tin tới cộng
đồng
3.1. Tuyển chọn
sinh viên:
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện việc tuyển sinh
vào Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông theo cơ chế tuyển sinh đại học
hàng năm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3.2. Tuyển chọn đối tượng được cấp học bổng:
a) Đối
tượng được cấp học bổng đi học tại nước ngoài thuộc Dự án này được tuyển chọn
hàng năm bởi Hội đồng tuyển chọn do trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập
theo tiêu chí tuyển chọn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và công bố
công khai, căn cứ vào việc xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp học bổng của các ứng
viên.
b) Hồ sơ
đề nghị cấp học bổng và tiêu chí xét duyệt cũng như chức năng và nhiệm vụ của
Hội đồng tuyển chọn do trường Đại học Bách khoa Hà Nội quy định phù hợp với mục
đích và tiêu chí của Dự án. Hội đồng tuyển chọn có thể thành lập Ban thư ký hỗ
trợ việc rà soát hồ sơ đề nghị cấp học bổng.
c) Kết
quả tuyển chọn đối tượng cấp học bổng được gửi tới Nhà tài trợ và Bộ Tài chính
trước khi thông báo chính thức trên website của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
3.3. Thông tin
tới cộng đồng
a) Thông tin về Dự án, đặc biệt là các quy định về học
bổng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin được thông báo rộng rãi trên
các phương tiện thông tin của trường Đại học Bách khoa Hà Nội để sinh viên tiếp
cận và có thể lựa chọn.
b) Mọi thông tin liên quan tới hồ sơ, chế độ cấp học
bổng, quyền lợi và trách nhiệm của các ứng viên được cập nhật kịp thời và công
khai 3 tháng trước kỳ tuyển sinh hàng năm trên phương tiện truyền thông đại
chúng và liên tục trên trang web của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
4. Điều kiện cho vay lại theo Chương trình
học bổng
4.1. Hợp
đồng cho vay lại giữa Trường Đại học Bách khoa và Bộ Tài chính (thông qua Ngân
hàng Phát triển Việt Nam):
Bộ Tài chính uỷ
quyền cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký Hợp đồng cho vay lại đối với Trường
Đại học Bách khoa theo các điều kiện của Hiệp định vay ký với JBIC, cụ thể:
- Đồng tiền cho vay: đồng Yên Nhật
Bản
- Lãi suất: 1,4%/năm (bao gồm phí
quản lý cho vay lại 0,1%/năm tính trên số dư nợ vốn vay. Trong trường hợp khoản
vay được chuyển thành cấp phát, số dư nợ sẽ được khấu trừ tương ứng).
- Thời hạn: 30 năm, 10 năm ân hạn.
4.2. Cho vay lại đối tượng được cấp học bổng:
a) Đối
tượng được cấp học bổng ký Hợp đồng tín dụng với trường Đại học Bách khoa ngay
khi có quyết định cấp học bổng, cụ thể:
- Lãi suất: bằng lãi suất cho vay
cùng thời hạn của ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm cấp học bổng,
lãi được tính từ ngày tốt nghiệp.
- Thời hạn: 5 đến 10 năm (mức cụ thể
do Trường Đại học Bách khoa quy định);
- Trong thời gian học tại trường
không phải trả lãi.
b) Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có thể trực tiếp hoặc
hợp đồng với một ngân hàng thương mại phục vụ làm nhiệm vụ quản lý nguồn học
bổng này, chịu trách nhiệm thu nợ đối với du học sinh theo chế độ và được hưởng
phí theo thoả thuận giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và ngân hàng phục vụ.
Phí cho ngân hàng được lấy từ nguồn vốn đối ứng.
4.3. Miễn chi phí du học:
a) Điều
kiện được miễn chi phí du học là đối tượng được cấp học bổng làm việc cho các
cơ quan Nhà nước trong thời gian tối thiểu gấp 2 lần thời gian được hưởng học
bổng.
Sau
khi kết thúc chương trình đào tạo, đối tượng được cấp học bổng được khuyến
khích làm giảng viên công nghệ thông tin tại các trường đại học công lập hoặc
làm việc trong các cơ quan và tổ chức của Nhà nước theo ngành nghề được đào tạo.
b)
Trước khi kết thúc thời hạn ghi trong hợp đồng tín dụng, đối tượng được cấp học
bổng phải cung cấp cho Trường Đại học Bách khoa bằng chứng để được tạm xét miễn
phí du học là quyết định tuyển dụng của cơ quan nhà nước và trước khi kết thúc
thời hạn ghi trong hợp đồng tín dụng phải cung cấp được bảng lương trong thời
gian làm việc của cơ quan, tổ chức tiếp nhận lao động từ ngày nhận lao động đến
hết thời hạn cam kết trong Hợp đồng vay lại để chính thức xét miễn phí du học.
Việc
theo dõi và quản lý đối tượng nhận học bổng sau thời gian học tập tại nước
ngoài do Ban điều hành Dự án trường Đại học Bách khoa đảm nhận để thực hiện
việc thu hồi hoặc miễn chi phí du học đối với từng trường hợp.
c)
Trường hợp học viên không hoàn thành khoá học hoặc sau khi hoàn thành khoá học không
cung cấp được bằng chứng hợp lệ về việc đối tượng nhận học bổng được miễn phí,
trường Đại học Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm hoàn trả lại ngân sách theo
điều kiện vay lại đã quy định trong Hợp đồng vay lại với đối tượng nhận học
bổng.
5.
Phương thức rút vốn và chuyển tiền
5.1. Các phương thức rút vốn
có thể áp dụng cho Dự án này bao gồm:
a)
Tài khoản đặc biệt;
b)
Thư cam kết;
c)
Chuyển tiền;
d)
Hoàn ứng.
5.2. Quy
định về việc phê duyệt và thông qua hợp đồng để áp dụng các phương thức rút vốn
trên:
Việc phê duyệt và
thông qua hợp đồng tuân theo các quy định về phê duyệt hợp đồng quy định trong
Hiệp định và Thông tư 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính “hướng dẫn
cơ chế quản lý tài chính đối với các chương
trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)”.
5.3. Phương
thức rút vốn tài khoản đặc biệt:
a) Phương thức rút vốn tài khoản đặc biệt áp
dụng đối với các khoản mục:
- “Dịch
vụ giáo dục" thuộc Hợp phần A trong Hiệp định sử dụng tài khoản đặc biệt A;
- “Học bổng” thuộc Hợp phần B trong Hiệp
định sử dụng tài khoản đặc biệt B;
- “Sách cho thư viện” thuộc Hợp phần C
trong Hiệp định sử dụng tài khoản đặc biệt C.
b)
Quy định cụ thể được thực hiện theo Phụ lục 1.
5.4.
Phương thức rút vốn Thư cam kết: Áp dụng đối với các khoản chi bằng ngoại tệ
trong hợp đồng tư vấn và trong các hợp đồng mua sắm thiết bị, máy vi tính, thực
hiện theo quy định tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài
chính “hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ
phát triển chính thức (ODA)”.
5.5.
Phương thức rút vốn Chuyển tiền: Áp dụng đối với các khoản chi bằng VND trong
hợp đồng tư vấn và trong các hợp đồng mua sắm thiết bị, máy vi tính, thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính “hướng
dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển
chính thức (ODA)”.
5.6.
Phương thức rút vốn Hoàn ứng: Có thể được áp dụng với các khoản chi cho các nhà
cung cấp từ nguồn vốn của Chủ đầu tư, sau đó được hoàn lại bằng vốn vay, thực
hiện theo quy định tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài
chính “hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ
trợ phát triển chính thức (ODA)”.
5.7.
Rút vốn bằng bảng kê chi tiêu:
Bản
kê chi tiêu (SOE – Statement of Expenditure) không phải là một phương thức rút
vốn nhưng là một thủ tục có thể được áp dụng phối hợp trong các phương thức rút
vốn nêu trên mà không đòi hỏi phải cung cấp chứng từ chứng minh khoản chi với
điều kiện các khoản chi này đều hợp lệ để thanh toán từ nguồn vốn JBIC.
Việc
kiểm tra tính hợp lệ của các khoản chi được thực hiện bởi Kho bạc Nhà nước
(kiểm soát trước mỗi khoản chi đối với các khoản rút vốn thuộc tài khoản B, C
và kiểm soát sau đối với các khoản rút vốn thuộc tài khoản A) và dịch vụ kiểm
toán hàng năm.
Phương
pháp này được áp dụng khi Dự án dự trù rằng sẽ có nhiều khoản chi tiêu với số
lượng nhỏ, dẫn đến việc quản lý khó khăn do phải tập hợp nhiều hoá đơn, chứng
từ.
Dự
án có thể áp dụng rút vốn bằng Bảng kê chi tiêu đối với các khoản mục thuộc tài
khoản đặc biệt.
Quy trình chuyển tiền và rút vốn bổ
sung đối với từng trường hợp khi áp dụng Bảng kê chi tiêu được hướng dẫn chi
tiết tại Phụ lục 1.
6. Các loại phí và lãi phát sinh:
6.1.
Các loại phí và lãi phát sinh bao gồm:
a) Phí dịch vụ của Ngân hàng Ngoại
thương Việt Nam: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thu phí theo biểu phí dịch vụ
của Ngân hàng do Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương ban hành.
b) Phí
dịch vụ của ngân hàng khác: thanh toán theo số tiền thực tế mà các ngân hàng
khác thu.
6.2. Việc thu phí cụ thể
được tiến hành như sau:
a) Đối với phí chuyển tiền khi trả
nợ nước ngoài: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được tự động ghi nợ tài khoản
tiền gửi của Ngân sách Nhà nước (mở tại Vietcombank).
b) Đối với phí liên quan đến việc
mở và thanh toán L/C nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ tư vấn, phí chuyển tiền học
bổng và tiền chuyển trả lương giáo viên, chuyển tiền cho nhà cung cấp và các
chi phí khác (nếu có): Ngân hàng Ngoại
thương Việt Nam thu phí từ tài khoản do trường Đại học Bách khoa mở tại ngân
hàng, từ nguồn vốn đối ứng.
c) Phí quản lý phát sinh trong trường
hợp trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuê ngân hàng quản lý và theo dõi sinh
viên du học: do trường Đại học Bách khoa Hà Nội thoả thuận với ngân hàng phục
vụ, trả từ nguồn vốn đối ứng của trường.
7. Hạch toán vào Ngân sách Nhà nước
Vốn
vay JBIC dùng để cấp phát và cho vay lại đối với dự án phải được hạch toán đầy
đủ kịp thời vào Ngân sách Nhà nước, cụ thể như sau:
Đối với vốn cấp phát từ Ngân
sách Nhà nước: căn cứ số giải ngân do JBIC thông báo, Bộ Tài chính (Vụ Tài
chính Đối ngoại) lập Thông tri duyệt y
dự toán, ghi thu nguồn vốn vay nước ngoài, ghi chi cấp phát cho Bộ Giáo dục và
Đào tạo để chi cho Dự án Hỗ trợ và Phát
triển Đào tạo Đại học và Sau Đại học về Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
Đối với nguồn vốn cho vay lại (phần học
bổng đào tạo tại nước ngoài): căn cứ vào số liệu rút vốn, Bộ Tài chính (Vụ Tài
chính Đối ngoại) lập Thông tri duyệt y dự toán, ghi thu nguồn vốn vay nước
ngoài, ghi chi cho Ngân hàng Phát triển để cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội
vay lại. Sau thời gian đào tạo, trong trường hợp phần vốn cho vay lại được
chuyển thành cấp phát, Trường Đại học Bách khoa lập báo cáo để yêu cầu Bộ Tài
chính ghi giảm vốn vay và bổ sung vốn cấp phát cho Dự án.
Phần III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ
CHỨC VÀ CÁ NHÂN LIÊN QUAN
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
1.1. Hướng dẫn
cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng vốn vay cho Dự án.
1.2. Thực hiện các thủ tục rút vốn với JBIC theo quy định tại Hiệp định
và tại Thông tư này.
1.3. Thực hiện việc trả nợ nước ngoài đúng hạn.
1.4. Thực hiện việc hạch toán vào Ngân sách Nhà nước theo Luật Ngân sách
Nhà nước.
2.
Bộ Giáo dục và
Đào tạo có trách nhiệm:
2.1. Hướng dẫn
cơ chế, chính sách liên quan đến chế độ học bổng.
2.2. Thực hiện
chức năng cơ quan chủ quản dự án như quy định tại Nghị định số 131/2006/NĐ-CP
ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ
trợ phát triển chính thức (ODA) và Thông tư 03/2007/TT-BKH
ngày 12/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chức năng nhiệm vụ và cơ cấu
tổ chức của Ban quản lý chương trình dự án ODA.
2.3. Tham gia
Hội đồng tuyển chọn cấp học bổng thuộc Dự án.
2.4. Bố trí
vốn đối ứng cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội phục vụ Dự án.
3.
Trường Đại học
Bách khoa Hà Nội có trách nhiệm:
3.1. Quản lý
và theo dõi sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, phù hợp với các quy định
pháp luật, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
3.2. Đàm phán,
ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ, xây dựng cơ bản và mua sắm hàng hoá thiết
bị theo đúng quy định hiện hành.
3.3. Lập sổ
theo dõi thời gian làm việc của giáo viên để chấp nhận thanh toán lương giáo
viên.
3.4. Thành lập
Hội đồng tuyển chọn học bổng để việc cấp học bổng công bằng, đúng đối tượng đào
tạo, phù hợp với mục đích đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin.
3.5. Cập nhật
thông tin về Dự án, đặc biệt là chương trình học bổng trên phương tiện thông
tin đại chúng và trên website của trường.
3.6. Nhận nợ
với Ngân hàng Phát triển đối với hợp phần cho vay lại.
3.7. Thực hiện
các thủ tục phù hợp liên quan tới các phương thức rút vốn.
3.8. Ký Hợp
đồng tín dụng với đối tượng nhận học bổng. Theo dõi và quản lý việc thu nợ đối
với đối tượng nhận học bổng.
3.9. Bố trí
vốn đối ứng đầy đủ và kịp thời cho Dự án.
3.10. Thuê
kiểm toán hàng năm trong trường hợp áp dụng thủ tục rút vốn bằng Bảng kê chi
tiêu, báo cáo kết quả kiểm toán với Nhà tài trợ, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà
nước.
3.11. Lưu trữ,
cung cấp tài liệu, hỗ trợ trong công tác theo dõi, đánh giá và kiểm toán Dự án.
4.
Kho bạc Nhà
nước có trách nhiệm:
- Là cơ quan
kiểm soát chi đối với mọi khoản chi của Dự án theo quy định tại Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ
Tài chính “hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án
hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)”.
5.
Các ngân hàng
phục vụ:
5.1. Ngân hàng
Ngoại thương Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thanh toán đối ngoại
liên quan đến Hiệp định bao gồm rút vốn, trả gốc, lãi khoản vay.
5.2. Ngân hàng
Phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, thu hồi nguồn vốn cho vay lại của
dự án đối với hạng mục Học bổng cho du học sinh theo các điều khoản quy định cụ
thể trong Hợp đồng ủy quyền cho vay lại ký giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát
triển Việt Nam.
5.3. Ngân hàng
phục vụ được uỷ quyền của trường Đại học Bách khoa có nhiệm vụ theo dõi và thu
nợ từ đối tượng nhận học bổng.
6.
Đối tượng nhận
học bổng:
6.1. Có trách
nhiệm ký Hợp đồng vay lại với trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thông báo kịp
thời cho Ban điều hành Dự án trường Đại học Bách khoa về thời gian đào tạo tại
nước ngoài và nơi làm việc để áp dụng chế độ phù hợp.
6.2. Có trách
nhiệm mở tài khoản tại ngân hàng (hoặc chi nhánh ngân hàng) Tokyo-Mitsubishi để
nhận học bổng và sinh hoạt phí.
Phần IV
CÔNG TÁC KIỂM TOÁN, THEO
DÕI, BÁO CÁO
1. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có trách nhiệm báo cáo tình hình thực
hiện dự án cho Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định tại Quyết
định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban
hành chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình dự án ODA và Thông tư số
04/2007/TT-BKH ngày 30/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện quy
chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
2. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có trách nhiệm thuê dịch vụ kiểm toán
để thực hiện kiểm toán dự án, đặc biệt là các khoản chi từ tài khoản đặc biệt
áp dụng thủ tục Bảng kê chi tiêu (SOE).
3. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có trách nhiệm cung cấp tài liệu theo
dõi dự án, hỗ trợ việc đánh giá dự án của nhà tài trợ, của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư khi được yêu cầu. Hàng năm trường Đại học Bách khoa cung cấp báo cáo kiểm
toán Dự án cho Nhà tài trợ, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào
tạo.
Phần V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các cơ quan có liên quan trong quá trình quản lý và thực hiện dự án
có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này. Trong quá
trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan cần phản ánh kịp thời để Bộ Tài
chính nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
Phụ
lục 1:
HƯỚNG
DẪN PHƯƠNG THỨC TÀI KHOẢN ĐẶC BIỆT
VÀ
BẢNG KÊ CHI TIÊU (SOE)
1. Rút vốn về tài khoản đặc biệt:
1.1. Bộ Tài chính (Vụ
Tài chính Đối ngoại) yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam mở các tài khoản
đặc biệt phục vụ Dự án tại Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi, cụ thể như sau:
a) Tài
khoản đặc biệt A dùng để chi cho các khoản chi thuộc hợp phần A: "Dịch vụ
giáo dục".
b)
Tài khoản đặc biệt B dùng để chi cho các khoản chi thuộc hợp phần B: "Học
bổng".
c)
Tài khoản đặc biệt C dùng để chi cho các khoản chi thuộc gói thầu số 7
"Sách cho thư viện" thuộc Hợp phần C: "Đồ dùng và thiết bị".
1.2. Theo yêu cầu của
Ban điều hành Dự án và phù hợp với quy định tại Hiệp định vay, Bộ Tài chính (Vụ
Tài chính Đối ngoại) thực hiện rút vốn lần đầu vào tài khoản đặc biệt. Rút vốn
lần đầu không cần chứng từ.
1.3. Để rút vốn bổ
sung vào Tài khoản đặc biệt, Ban điều hành Dự án tập hợp chứng từ của các khoản
chi từ Tài khoản đặc biệt (theo quy định dưới đây), lập bảng kê và gửi Bộ Tài
chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) .
Bộ Tài chính (Vụ Tài
chính Đối ngoại) lập "Đề nghị rút vốn bổ sung" gửi JBIC để rút vốn bổ
sung vào Tài khoản đặc biệt theo tỉ lệ rút vốn quy định trong Hiệp định.
2. Áp dụng thủ tục thanh toán và rút vốn bằng Bảng kê chi tiêu đối với các
khoản mục sử dụng phương thức rút vốn "Tài khoản đặc biệt"
2.1. Ban điều hành Dự
án chịu trách nhiệm thực hiện và theo dõi các khoản chi từ tài khoản đặc biệt
theo các quy định dưới đây:
a) Ban điều hành Dự án
phải ký và thực hiện các thủ tục phê duyệt hợp đồng theo quy định về quản lý dự
án ODA hiện hành và thực hiện các thủ tục thông qua hợp đồng với cơ quan chủ
quản, Bộ Tài chính và Nhà tài trợ theo quy định tại Hiệp định. Tất cả các hợp
đồng cần được quy định rõ nguồn vốn thanh toán từ tài khoản đặc biệt nào thuộc
Hiệp định vay.
b) Các khoản chi từ
tài khoản đặc biệt phải là những khoản chi hợp lệ trong phạm vi hợp đồng đã ký.
Hợp đồng thuộc tài khoản đặc biệt nào chỉ được thanh toán từ tài khoản đặc biệt
đó. Ban điều hành Dự án không được yêu cầu thanh toán sai mục đích của tài
khoản đặc biệt. Mọi khoản chi từ tài khoản đặc biệt đều phải có xác nhận kiểm
soát chi của Kho bạc (theo mẫu hiện hành).
2.2. Để chấp nhận
thanh toán từ tài khoản đặc biệt, Ban điều hành Dự án cần tập hợp các chứng từ
sau:
Thanh toán từ tài khoản đặc biệt A
Thanh toán lương cho giảng viên:
Ban điều hành Dự án
trực tiếp đề nghị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chuyển tiền từ Tài khoản đặc
biệt vào tài khoản của giảng viên mở tại Ngân hàng Tokyo – Mitsubishi UFJ Ltd.
theo quy định tại Hợp đồng tuyển dụng giảng viên trên cơ sở xuất trình các loại
chứng từ sau cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam:
- Yêu cầu thanh toán
của Ban điều hành Dự án (bản gốc) ghi rõ nội dung thanh toán (từ tài khoản đặc
biệt A, tổng số tiền thanh toán lương cho giảng viên, số hợp đồng...)
- Bảng kê danh sách
tên giáo viên, số tiền phải thanh toán, thông tin về tài khoản của giảng viên
(bản gốc).
Chứng từ để rút vốn bổ
sung gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) gồm:
- Yêu cầu rút vốn bổ
sung của Ban điều hành Dự án
- Hợp đồng tuyển dụng
giảng viên (bản gốc)
- Bảng theo dõi giờ
dạy ký bởi người có thẩm quyền của Ban điều hành Dự án (1 bản gốc)
- Phiếu kiểm soát chi
của Kho bạc cho các khoản đã thanh toán từ tài khoản đặc biệt (bản gốc)
- Chứng từ chuyển tiền
của ngân hàng (bản gốc)
- Bảng kê do Ban quản
lý Dự án lập và ký liệt kê các khoản đã thanh toán từ Tài khoản đặc biệt.
Thanh toán các chi phí khác cho giảng viên:
Giảng viên ứng tiền
thanh toán vé máy bay 2 chiều, hoá đơn phí visa với số lần giảng viên vào Việt
Nam giảng dạy được quy định theo hợp đồng tuyển dục, phù hợp với thời gian
giảng dạy tại Việt Nam. Ban điều hành Dự án trực tiếp đề nghị Ngân hàng Ngoại
thương Việt Nam chuyển tiền từ Tài khoản đặc biệt vào tài khoản của giảng viên
mở tại Ngân hàng Tokyo – Misubishi UFJ trên cơ sở xuất trình:
- Yêu cầu thanh toán
của Ban điều hành Dự án ghi rõ nội dung thanh toán (số tài khoản đặc biệt A, số
tiền thanh toán, thông tin về tài khoản của người thụ hưởng)
- Vé máy bay 2 chiều
(bản sao)
- Hoá đơn phí visa
(bản sao)
Chứng từ để rút vốn bổ
sung gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) gồm:
- Yêu cầu rút vốn bổ
sung của Ban điều hành Dự án
- Vé máy bay 2 chiều
(bản sao)
- Hoá đơn phí visa
(bản sao)
- Chứng từ chuyển tiền
của ngân hàng (bản gốc)
- Phiếu kiểm soát chi
của Kho bạc (bản gốc)
- Bảng kê do Ban quản
lý Dự án lập và ký liệt kê các khoản đã thanh toán từ Tài khoản đặc biệt.
Thanh toán từ tài khoản đặc biệt B:
Thanh toán học bổng:
- Đối tượng nhận học
bổng phải mở tài khoản tại Ngân hàng (hoặc chi nhánh ngân hàng)
Tokyo-Mitssubishi và thông báo số tài khoản cho Ban điều hành Dự án. Trường hợp
đối tượng học bổng đề nghị chuyển tiền vào tài khoản không thuộc hệ thống Ngân
hàng Tokyo-Mitsubishi thì phải chịu phí chuyển tiền phát sinh (nếu có).
- Học bổng được cấp
theo học kỳ vào tuần đầu của học kỳ đó. Căn cứ vào danh sách đối tượng được cấp
học bổng đang học tại các trường đối tác, Ban điều hành Dự án đề nghị Bộ Tài
chính để làm thủ tục với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chuyển tiền từ Tài khoản
đặc biệt tại Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ vào tài khoản của đối tượng nhận
học bổng trên cơ sở xuất trình yêu cầu của Ban điều hành Dự án về chuyển tiền
học bổng ghi rõ nội dung thanh toán từ tài khoản đặc biệt B kèm theo bảng kê
danh sách sinh viên và chi tiết nội dung thanh toán (tên sinh viên, số tiền
thanh toán, thông tin về tài khoản của người thụ hưởng).
- Ngân hàng Ngoại
thương Việt Nam gửi chứng từ chuyển tiền cho Ban điều hành Dự án và Bộ Tài
chính.
Thanh toán học phí:
- Ban điều hành Dự án
ký hợp đồng với trường đại học đối tác thoả thuận về học phí của các đối tượng
nhận học bổng.
- Định kỳ theo thoả
thuận tại hợp đồng, Ban điều hành Dự án đề nghị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
chuyển tiền từ Tài khoản đặc biệt đặt tại ngân hàng Tokyo-Mistsubishi vào tài
khoản của trường đại học đối tác. Phí chuyển tiền do Ban điều hành Dự án chịu,
được lấy từ nguồn vốn đối ứng.
Thanh toán bảo hiểm:
- Ban điều hành Dự án
thanh toán phí bảo hiểm y tế trên cơ sở mức bảo hiểm y tế đối với sinh viên
nước ngoài tại Nhật Bản theo thông báo và thông qua trường đại học đối tác.
- Định kỳ theo thoả
thuận tại hợp đồng, Ban điều hành Dự án đề nghị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
chuyển tiền từ Tài khoản đặc biệt vào tài khoản của trường đại học đối tác trên
cơ sở xuất trình yêu cầu thanh toán của Ban điều hành Dự án ghi rõ nội dung
thanh toán (tài khoản đặc biệt B, số tiền thanh toán, thông tin về tài khoản
của người thụ hưởng). Phí chuyển tiền do Ban điều hành Dự án chịu từ nguồn vốn
đối ứng.
Chứng từ để rút vốn bổ
sung cho các khoản trên gửi Bộ Tài chính - Vụ Tài chính Đối ngoại gồm:
- Yêu cầu rút vốn bổ
sung của Ban điều hành Dự án
- Chứng từ chuyển tiền
của ngân hàng (bản gốc)
- Bảng kê do Ban điều
hành Dự án lập và liệt kê các khoản đã thanh toán từ Tài khoản đặc biệt.
Thanh toán tiền vé máy
bay, chi phí xin visa và chi phí đi lại khác:
- Ban điều hành Dự án
đặt và mua vé máy bay 2 chiều, hạng Economic cho từng đối tượng nhận học bổng.
Ban điều hành chịu trách nhiệm lựa chọn hãng hàng không thích hợp bằng cách lấy
báo giá của ít nhất 2 hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines và Japan
Airlines) và lựa chọn hãng hàng không có chi phí thấp hơn. Chứng từ kèm theo
gồm vé máy bay (bản sao) và hoá đơn do đại lý vé máy bay cung cấp (bản chính).
- Chi phí visa do đối
tượng nhận học bổng ứng chi và sẽ được hoàn lại vào tài khoản trong đợt cấp học
bổng đầu tiên. Chứng từ gồm hoá đơn do Lãnh sự quán cấp (bản chính) do đối
tượng nhận học bổng nộp cho Ban điều hành Dự án trước khi đi du học tại nước
ngoài.
- Chi phí đi lại khác:
Đối tượng nhận học bổng được thanh toán chi phí đi lại khác (vé tàu, vé xe bus)
trong trường hợp phải trung chuyển bằng tàu hoặc ô tô từ sân bay tới địa điểm
học khác thành phố khác.
- Để thanh toán tiền
vé máy bay, phí Visa, phí đi lại khác, Ban điều hành Dự án đề nghị Bộ Tài chính
để làm thủ tục với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chuyển tiền từ tài khoản đặc
biệt trên cơ sở xuất trình yêu cầu thanh
toán của Ban điều hành ghi rõ nội dung thanh toán (tên tài khoản đặc biệt, số
tiền thanh toán và thông tin về đơn vị thụ hưởng và tài khoản của đơn vị thụ
hưởng).
Chứng từ rút vốn bổ
sung gửi Bộ Tài chính - Vụ Tài chính Đối ngoại gồm:
- Vé máy bay (bản sao)
- Hoá đơn thanh toán
phí visa (bản sao)
- Vé tàu, bus (bản
sao)
- Chứng từ chuyển tiền
của ngân hàng (bản gốc)
- Bảng kê do Ban điều
hành Dự án lập và ký liệt kê các khoản chi từ Tài khoản đặc biệt.
Thanh toán từ Tài khoản đặc biệt C:
Ban điều hành Dự án
xuất trình "Danh mục sách sẽ mua sắm" theo mẫu tại Biên bản ghi nhớ
cho JBIC. Sau khi được phê chuẩn, Ban điều hành Dự án ký hợp đồng với nhà cung
cấp.
Ban điều hành Dự án đề
nghị Bộ Tài chính yêu cầu Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thanh toán từ tài
khoản đặc biệt cho nhà cung cấp trên cơ sở xuất trình các chứng từ sau:
- Giấy
đề nghị thanh toán của Ban điều hành ghi rõ nội dung thanh toán (tên tài khoản
đặc biệt, số Hợp đồng, số tiền, thông tin về tài khoản của đơn vị thụ hưởng)
- Hợp đồng (bản gốc)
- Bộ chứng từ nhập
khẩu sách (bản gốc) trong trường hợp nhập khẩu sách hoặc Hoá đơn hợp lệ (bản
gốc) trong trường hợp sách mua sắm trong nước.
- Giấy đề nghị thanh toán
của nhà cung cấp (bản gốc)
- Phiếu kiểm soát chi
của Kho bạc (bản gốc)
Chứng từ để rút vốn bổ
sung vào Tài khoản đặc biệt gửi Bộ Tài chính - Vụ Tài chính Đối ngoại gồm:
- Giấy đề nghị rút vốn
bổ sung của Ban điều hành
- Hợp đồng (bản gốc)
- Giấy đề nghị thanh
toán của nhà cung cấp (bản gốc)
- Bộ chứng từ nhập
khẩu hoặc hoá đơn (bản sao)
- Phiếu kiểm soát chi
của Kho bạc (bản sao)
- Chứng từ chuyển tiền
của ngân hàng (bản gốc)
- Bảng kê do Ban điều hành
Dự án lập và ký liệt kê các khoản chi từ Tài khoản đặc biệt (bản gốc)./.