Quyết định 1003/QĐ-BNN-CB của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Quyết định 1003/QĐ-BNN-CB
Cơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1003/QĐ-BNN-CB | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định | Người ký: | Cao Đức Phát |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 13/05/2014 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 1003/QĐ-BNN-CB
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ NÔNG NGHIỆP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1003/QĐ-BNN-CB |
Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản
trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch
_______________
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;
Căn cứ Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Đề án Nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch" gồm các nội dung chính như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Nâng cao GTGT hàng nông lâm thủy sản trên cơ sở phát triển của từng ngành hàng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
2. Lấy thị trường làm cơ sở để điều chỉnh cơ cấu các ngành sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản hàng hóa theo hướng thị trường cần, thay bằng việc cung ứng các sản phẩm hiện có.
3. Áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, chuyển dịch nhanh cơ cấu sản phẩm sang chế biến sâu để tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu ở phân khúc GTGT cao.
4. Đa dạng loại hình, quy mô chế biến công nghiệp; hình thành các doanh nghiệp "đầu tàu" sản xuất các sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
5. Huy động sự tham gia tích cực, chủ động của người dân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo kết nối sản xuất, chế biến với thị trường. Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ thông qua cơ chế chính sách đột phá.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông lâm thủy sản thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm GTGT cao, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại và giảm tổn thất sau thu hoạch (cả số lượng và chất lượng), nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP).
2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2020, GTGT các ngành hàng nông lâm thủy sản tăng bình quân 20% so với hiện nay.
Cụ thể đối với một số ngành hàng chủ lực: Gạo tăng 20%; cà phê tăng 13%; chè tăng 30%; thủy sản tăng 20%; cao su tăng 20%; muối tăng 20%; đồ gỗ tăng trên 20%, giảm 50% lượng nguyên liệu đưa vào chế biến dăm gỗ.
- Đến 2020, tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản giảm 50% so với hiện nay.
III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Nội dung
Các nội dung chính cần tập trung thực hiện để đạt được mục tiêu nâng cao GTGT hàng nông lâm thủy sản và muối trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch gồm:
1. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao, nâng cao chất lượng và ATTP, hạ giá thành sản phẩm.
2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đến năm 2020 mức tổn thất sau thu hoạch giảm xuống còn 50% so với hiện nay.
3. Nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
2. Giải pháp thực hiện
2.1. Tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ
- Triển khai có kết quả Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để tăng cường liên kết doanh nghiệp - nông dân, nông dân - nông dân, doanh nghiệp - doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, nâng tỷ lệ diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hóa được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các chứng chỉ khác (ASC, 4C, RainForest...). Trên cơ sở liên kết sản xuất, giảm thiểu đầu mối trung gian, tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát ATTP theo chuỗi sản xuất sản phẩm.
- Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đồng bộ với việc cải tạo đồng ruộng, đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện...) để áp dụng cơ giới hóa, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, cung cấp cho chế biến và xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các doanh nghiệp có đủ khả năng tự đầu tư vùng nguyên liệu để chủ động trong sản xuất kinh doanh.
- Hình thành các doanh nghiệp "đầu tàu" và doanh nghiệp vệ tinh, tập trung hỗ trợ đầu tư để đổi mới công nghệ và thiết bị cho các doanh nghiệp thật sự có năng lực và hiệu quả. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, SSOP, ISO... trong chế biến, nhằm kiểm soát tốt chất lượng và ATTP.
- Nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, thông qua:
+ Ưu tiên các dự án khuyến nông nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu cho chế biến, xây dựng các mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân.
+ Hỗ trợ tập huấn về công nghệ thông tin, xây dựng và áp dụng chứng chỉ FSC, CoC, ISO,... cho doanh nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu.
+ Ưu tiên phổ biến các công nghệ phù hợp, tạo ra các sản phẩm có GTGT cao cho các doanh nghiệp chế biến.
2.2. Về chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao, nâng cao chất lượng và ATTP, hạ giá thành sản phẩm
Trên cơ sở thị trường, đầu tư, tổ chức sản xuất theo hướng:
- Chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có GTGT cao, hạn chế đến mức thấp nhất việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến đối với từng loại sản phẩm, đảm bảo chất lượng, giảm tỷ lệ tiêu hao vật tư, nguyên liệu và quản lý tốt ATTP.
- Xử lý nghiêm các cơ sở chế biến không đảm bảo các điều kiện theo Quy chuẩn kỹ thuật về ATTP và xử lý ô nhiễm môi trường.
- Cải tiến, đa dạng hóa hình thức bao bì, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Cụ thể đối với một số ngành hàng:
1) Lúa gạo:
- Thay đổi cơ cấu giống lúa, sử dụng giống chất lượng cao có xác nhận; thay đổi cơ cấu sản phẩm gạo xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao. Đến năm 2020, tăng tỷ lệ gạo thơm, gạo chất lượng cao lên 70% sản lượng gạo xuất khẩu.
- Áp dụng công nghệ vi sinh (enzim), tạo tinh bột gạo biến tính, phối hợp với các loại ngũ cốc khác (ngô, khoai, đậu) chế biến thực phẩm chức năng; các sản phẩm ăn liền có giá trị cao (bánh bột gạo, bim bim, rượu chất lượng cao...).
- Thực hiện đúng quy trình xay xát, nâng cao chất lượng sản phẩm gạo, đến năm 2020 tỷ lệ gạo thu hồi trong xay xát đạt trên 68%, tỷ lệ hạt bạc bụng không lớn hơn 4%, hạt hư hỏng không quá 0,2%.
2) Cà phê:
- Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ cà phê hòa tan, cà phê rang xay từ dưới 10% hiện nay lên 25% vào năm 2020. Thực hiện hài hòa việc xuất khẩu cà phê nhân robusta với nhập khẩu cà phê arabica để tạo sản phẩm tinh chế chất lượng cao.
- Nâng cao chất lượng chế biến cà phê nhân xuất khẩu: Nâng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu cà phê có chứng chỉ, nguyên liệu đạt TCVN 4193 lên 50% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020; khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến ướt quy mô lớn, gắn với xử lý nước hạn chế ô nhiễm môi trường; nghiên cứu, nhân rộng mô hình sử dụng enzim tách nhớt quả, thực hành chế biến ướt cà phê thóc quy mô hộ, nâng tỷ lệ cà phê chế biến ướt từ 10% hiện nay lên 30% vào năm 2020 (trong đó 100% cà phê chè được chế biến ướt).
3) Chè:
- Đảm bảo trên 80% sản lượng chè được chế biến đúng yêu cầu kỹ thuật (TCVN 1454:2013, TCVN 9740:2013, QCVN 01-7:2009/BNNPTNT,...)
- Đầu tư đồng bộ hệ thống bảo quản trong cơ sở chế biến để giữ ổn định chất lượng, đảm bảo 80% sản lượng chè chế biến được bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị hiện đại để thay đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường có tiềm năng nâng cao GTGT:
+ Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm để đạt tỷ lệ 45% là chè xanh, chè đặc sản (trong đó 85% là chè xanh, 15% là chè đặc sản) và 55% là chè đen (chú trọng nâng cao tỷ lệ chè đen CTC, thay thế một phần chè Orthodox hiện nay).
+ Phát triển các sản phẩm chè chế biến sâu gắn với thương hiệu và cung cấp đến người sử dụng sau cùng, tỷ trọng đạt trên 20% tổng sản lượng chè chế biến.
4) Cao su:
- Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm mủ cao su sơ chế: Đến năm 2020, cơ cấu sản phẩm như sau: Mủ cốm SVR 3L, SVR 5L chiếm khoảng 20%; SVR CV50, 60 khoảng 25%; mủ kem 20%; mủ cao su kỹ thuật RSS, SR và SVR 10, SVR 20 chiếm khoảng 35% để nâng cao giá trị xuất khẩu và đưa tỷ trọng sử dụng sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế trong nước lên tối thiểu 30%. Trong đó:
+ Đối với cao su đại điền: chuyển đổi giảm tỉ lệ sản phẩm SVR 3L, tăng tỉ lệ SVR CV50, 60.
+ Đối với cao su tiểu điền: chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ sản xuất SVR 3L sang mủ tờ xông khói RSS và SVR 10, 20.
- Đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cao su sơ chế thành các sản phẩm cao su công nghiệp (săm lốp ô tô, xe máy; găng tay y tế; đệm mút...), nâng tỷ lệ cao su chế biến sử dụng nguyên liệu trong nước từ 17% hiện nay lên 30% vào năm 2020.
- Ứng dụng KHCN, đầu tư thay thế khoảng 30-40% thiết bị sấy theo công nghệ sấy từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện nay bằng thiết bị sấy theo công nghệ sấy bằng sóng cao tần, đảm bảo khoảng 30-35% sản lượng cao su thiên nhiên của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) được dán nhãn Cac-bon Foot Print (ISO 14067).
5) Gỗ:
- Cơ cấu lại sản phẩm chế biến gỗ, giảm tối đa xuất khẩu dăm gỗ sang chế biến các sản phẩm phù hợp với quy mô nguyên liệu từng vùng. Trong đó, đến năm 2020 giảm tỷ lệ sản phẩm dăm gỗ, ván bóc từ 22% xuống 6%, gỗ ghép thanh tăng lên 12%; sản phẩm ngoại thất là 25%; ván dăm 7%; MDF 26%; sản phẩm gỗ mỹ nghệ, nội thất là 24%.
- Khuyến khích đầu tư các nhà máy sản xuất ván sợi MDF có công suất từ 120.000 m3/năm trở lên.
- Đối với những vùng gỗ rừng trồng phân tán: khuyến khích sản xuất ván gỗ dăm, gia công bóng bề mặt và đồ mộc cấp thấp phục vụ nhu cầu trong vùng.
6) Thủy sản:
- Đa dạng hóa sản phẩm thủy sản chế biến, tập trung sản xuất các sản phẩm có GTGT phù hợp với thị hiếu từng thị trường. Nâng tỷ trọng sản phẩm GTGT lên 60-70% so với tổng sản lượng thủy sản chế biến. Tập trung chế biến các sản phẩm thủy sản GTGT cao như: tôm (PTO, Sushi, Nobashi, Tempura, Butterfly PTO,...); cá ngừ (sashimi, đóng hộp, xông khói,...); cá tra (file bao gói nhỏ, bao bột, chả viên, khô cá tra tẩm gia vị,...); cá biển (surimi, khô tẩm gia vị ăn liền, đồ hộp,...); nhuyễn thể (Sushi, sashimi, bánh nhân bạch tuộc, thực phẩm chức năng từ hàu,...);
- Từ nay đến 2020 hạn chế đầu tư mới các cơ sở chế biến thủy sản sản xuất ra sản phẩm sơ chế vì đã dư thừa 40% công suất, chỉ khuyến khích đầu tư cơ sở chế biến ra các sản phẩm GTGT.
- Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản thủy sản như: Công nghệ cấp đông siêu nhanh, sấy chân không thăng hoa, sấy bức xạ hồng ngoại, công nghệ enzyme, công nghệ bảo quản thủy sản sống bằng phương pháp ngủ đông, bao gói MAP, .... Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế như: HACCP, Codex, ISO, BRC-food, Halal,... đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng và ATTP. Tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm, chất tăng trọng,... trong toàn chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra bước chuyển rõ rệt về chất lượng và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
7) Muối:
- Tập trung đầu tư sản xuất muối công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ muối công nghiệp từ 29% hiện nay lên 70% so với tổng sản lượng muối, trước mắt đầu tư hoàn thành dự án muối Quán Thẻ, quy mô 2.550 ha. Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất muối, hỗ trợ nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất muối sạch để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng muối, tạo nguồn nguyên liệu sạch, ổn định cho chế biến muối tinh chất lượng cao (99,5% NaCl).
- Đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hoạt động gián đoạn hiện nay về kho chứa, nhà xưởng, dây chuyền máy, thiết bị chế biến muối tinh, muối tinh iốt liên tục, đảm bảo các điều kiện ATTP gắn với vùng nguyên liệu, nâng tỷ lệ muối chế biến từ 35% hiện nay lên 45% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020. Cơ cấu sản phẩm muối chế biến của các cơ sở chủ yếu là muối tinh chất lượng cao cho công nghiệp thực phẩm và muối tinh trộn iốt cho nhu cầu tiêu dùng.
2.3. Về giảm tổn thất sau thu hoạch
Thực hiện đồng bộ các giải pháp và triển khai có hiệu quả Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Cụ thể đối với một số ngành hàng chủ lực như sau:
1) Lúa gạo:
Giảm tổn thất sau thu hoạch từ 11-13% hiện nay xuống còn 5-6% bằng các biện pháp cơ giới hóa thu hoạch, đầu tư máy sấy, kho chứa thóc:
- Thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 60% vào năm 2020, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt 90%, chủ yếu sử dụng máy gặt đập liên hợp có tính năng kỹ thuật cao, mức độ gặt sót dưới 1,5%.
- Đầu tư phát triển các loại máy sấy phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, phấn đấu đến năm 2020 năng lực sấy lúa cả nước đạt trên 80%; trong đó, tỷ lệ sấy tầng sôi, sấy tháp đạt khoảng 60%.
- Chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản lúa, gạo quy mô hộ gia đình theo hướng tiện ích, an toàn. Xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc, kết hợp các hệ thống sấy, làm sạch để có thể thu mua thóc ướt cho dân vào mùa mưa lũ. Cơ giới hóa các kho đạt 80%, với 20% được tự động hóa, nâng cao năng suất lao động và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản.
2) Cà phê:
Giảm tổn thất về khối lượng và chất lượng trong thu hái quả, phơi sấy (Quy mô hộ):
- Áp dụng thu hái quả chín, đến năm 2020 có 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 9728-2012.
- Cà phê quả tươi ở quy mô nông hộ được làm khô đúng kỹ thuật để hạn chế sự nhiễm nấm và giảm phẩm cấp trong quá trình phơi sấy: Không sử dụng phương pháp xát dập trước khi phơi; đầu tư sân phơi đảm bảo kỹ thuật (sân phơi bằng xi măng hoặc bằng bạt, không phơi sân đất); hỗ trợ nông dân đầu tư máy sấy cà phê.
3) Chè:
Áp dụng VIETGAP, QCVN 132:2013/BNNPTNT trong thu hoạch, vận chuyển, bảo quản chè để giảm tổn thất về chất lượng. Đến năm 2020, đảm bảo trên 80% chè nguyên liệu được thu hoạch, vận chuyển, bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật.
4) Thủy sản:
Giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản từ 20% hiện nay xuống 10%, thông qua:
- Tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và tại cảng cá. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác thủy sản, thay đổi phương pháp đánh bắt và ngư lưới cụ để đảm bảo chất lượng sản phẩm khai thác được.
- Ưu tiên đầu tư trang thiết bị và hệ thống hầm lạnh bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt xa bờ. Tổ chức hệ thống thu gom hải sản trên biển để kịp thời đưa sản phẩm vào bờ.
5) Muối:
Áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến muối, nhất là khâu thu hoạch và rửa muối sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng muối, giảm tổn thất về sản lượng trong lưu kho, bãi, bảo quản muối từ 15% xuống 10% và tăng tỷ lệ thu hồi muối trong chế biến muối tinh từ 80% lên 90%.
2.4. Về nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp hỗ trợ
Đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có GTGT cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể đối với một số ngành hàng như sau:
1) Lúa gạo:
- Toàn bộ phế phụ phẩm (trấu, cám) trong xay xát lúa gạo được chế biến thành các sản phẩm có giá trị như: củi trấu, trấu viên, ván ép, dầu cám, thức ăn chăn nuôi,... và góp phần bảo vệ môi trường.
- Đối với rơm: sử dụng trong sản xuất nấm; đóng bánh làm thức ăn chăn nuôi, làm chất đốt; làm phân hữu cơ,...
2) Thủy sản:
Sử dụng phế phụ phẩm trong các loại hình chế biến, đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các chế phẩm có GTGT sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm như: Colagen; Chitin, Chitosan, Glucosamin, can xi hoạt tính, bột cá, dầu cá, bột đạm thủy phân, các chất có hoạt tính sinh học cao,...
3) Gỗ:
- Tận dụng triệt để củi cành ngọn, mùn cưa, đề xê...tạo các viên ép làm chất đốt, tinh dầu...
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất gồm: sơn, keo, các phụ tùng, linh kiện lắp ráp đồ gỗ.
4) Muối: Tận thu các sản phẩm phụ (thạch cao bằng 6,5% sản lượng muối công nghiệp; nước ót bằng 0,7 m3/tấn) để nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.
2.5. Về thị trường
1) Thị trường nội địa:
- Tiếp tục thực hiện có kết quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua chất lượng cao, đảm bảo ATTP và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
- Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại, kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối thông qua Chợ đầu mối bán buôn sản phẩm có đầy đủ các phân khu chức năng và kiểm soát ATTP đến hệ thống bán lẻ, các cửa hàng tiện ích đưa sản phẩm nông nghiệp tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi.
- Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thông qua hoạt động Hội chợ Triển lãm với sự tham gia của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp hàng đầu.
2) Thị trường xuất khẩu
- Tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường về nhu cầu, xu hướng tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường để xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực đặc biệt là các nhóm sản phẩm mới, có tiềm năng GTGT
- Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến xây dựng phát triển thương hiệu lớn, có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý. Phấn đấu năm 2020, có 40-50% đơn vị sản xuất kinh doanh xuất khẩu xây dựng và phát triển các thương hiệu lớn, có uy tín tại thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.
- Tổ chức quảng bá sản phẩm theo hướng tăng dần tỷ trọng các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến ở phân khúc GTGT cao sang các thị trường "khó tính" như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Tổ chức tốt các hoạt động quảng bá nông lâm thủy sản Việt Nam đến nhà phân phối lớn, hệ thống siêu thị, người tiêu dùng các nước, đặc biệt là đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm có GTGT được mang nhãn mác, thương hiệu của Việt Nam.
- Đa dạng hóa thị trường nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường "ngách" nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm có GTGT cao, trong đó quan tâm đặc biệt đến thị trường Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2020.
- Vận động để Việt Nam được sớm công nhận là nền kinh tế thị trường nhằm chủ động xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại thích hợp để đối phó với tranh chấp thương mại, rào cản kỹ thuật (chất lượng, thuế bảo hộ sản phẩm chế biến... ) giúp sản phẩm chủ lực của ta nhất là các sản phẩm chế biến có GTGT thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
- Xử lý nghiêm và công bố công khai các hành vi gian lận thương mại, vi phạm các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh làm mất uy tín sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam.
3) Phát triển hạ tầng thương mại:
- Từng bước hiện đại hóa hạ tầng thương mại (kho tàng, bến bãi, các sàn giao dịch đấu giá, trung tâm bán buôn, kho ngoại quan...), trước mắt là các khu vực cửa khẩu tiếp giáp biên giới phía Bắc để đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của ta vào thị trường Trung Quốc.
- Quy hoạch xây dựng hệ thống các chợ đầu mối cận với vùng hàng hóa lớn (mỗi tỉnh có 1-2 chợ đầu mối quy mô 1-3 ha); hỗ trợ các tổ chức kinh tế hoặc hộ tư nhân có dự án xây dựng cơ sở thu mua tiêu thụ sản phẩm.
2.6. Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
- Tổ chức đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia về quản lý nhà nước ngành chế biến nông, lâm thủy sản và muối; bồi dưỡng kỹ năng quản trị, nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và muối.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, yêu cầu vận hành các dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến.
- Thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ hoặc đặt hàng về đào tạo.
- Lồng ghép các chương trình đào tạo khác nhau, thực hiện tốt Chương trình đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg.
2.7. Về khoa học, công nghệ
- Xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hàng năm trên cơ sở đặt hàng của Bộ và các cơ quan liên quan, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thiết bị chế biến sâu đối với các sản phẩm chủ lực, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, tận dụng phế phụ phẩm; đa dạng hóa sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao GTGT sản phẩm và bảo vệ môi trường.
- Có cơ chế khuyến khích các cơ sở nghiên cứu hợp tác với các doanh nghiệp thực hiện các đề tài có tính ứng dụng cao, gắn kết quả nghiên cứu với sản phẩm cuối cùng.
- Đổi mới công tác Khuyến nông, gắn khuyến nông Nhà nước với khuyến nông xã hội, thông qua việc dành một phần kinh phí khuyến nông của Nhà nước kết hợp với nguồn lực của các doanh nghiệp để xây dựng các mô hình, dự án khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Đề xuất cơ chế Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua công nghệ sản xuất các sản phẩm có GTGT cao, áp dụng công nghệ sản xuất sạch và sạch hơn, bảo vệ môi trường.
2.8. Về cơ chế, chính sách
1) Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của từng ngành hàng:
- Xây dựng nghị định quản lý ngành hàng, trước mắt tập trung xây dựng và ban hành Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường.
- Xây dựng và ban hành quy hoạch các ngành hàng gắn kết sản xuất - chế biến và thị trường, đồng bộ với các cơ chế để thực hiện đúng theo quy hoạch.
- Xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các ngành hàng.
2) Về đất đai:
Rà soát cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến tiếp cận về đất đai, nhất là các dự án đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm, cụm liên hoàn sấy - bảo quản - chế biến công nghiệp để giảm tổn thất sau thu hoạch.
3) Về đầu tư:
- Triển khai có kết quả Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về Khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bổ sung chính sách hỗ trợ bảo vệ vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế, hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư chế biến nông lâm thủy sản.
- Tăng cường đầu tư của Nhà nước và ưu tiên nguồn vốn ODA để đầu tư hỗ trợ phát triển lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào chế biến sâu, chế biến phế phụ phẩm.
- Rà soát lại các chính sách, nhằm thu hút tốt hơn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp nói chung và chế biến nông lâm thủy sản nói riêng, nhằm thu hút vốn và công nghệ hiện đại.
4) Về tài chính, tín dụng:
- Kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ và Quốc hội xem xét mở rộng ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nông lâm thủy sản và muối.
- Rà soát giảm bớt các loại phí nông nghiệp, làm rõ các khoản phí và giá dịch vụ; bảo hiểm nông nghiệp tập trung vào các hộ sản xuất lớn, nhất là các hộ cỏ tham gia liên kết với các doanh nghiệp chế biến để giảm rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu.
- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tăng tiếp cận của các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản về tín dụng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối
- Chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng và địa phương xây dựng Kế hoạch hành động và triển khai thực hiện Đề án; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho Đề án.
- Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.
2. Các Tổng cục, Cục, Vụ và các đơn vị liên quan
Theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối trong việc triển khai thực hiện Đề án.
3. Các địa phương
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hóa các nội dung của Đề án sát với điều kiện cụ thể của địa phương, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo đạt hiệu quả cao.
- Tổ chức rà soát quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, chú trọng quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quy hoạch chung của cả nước.
- Đề xuất các chương trình, dự án để triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp
- Hiệp hội từng ngành hàng xây dựng chiến lược phát triển của ngành hàng gắn với các nội dung cụ thể của Đề án; phát hiện và củng cố các doanh nghiệp "đầu tàu", tạo động lực phát triển ngành hàng.
- Các doanh nghiệp: xây dựng kế hoạch hành động theo hướng đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết để tăng cường sức mạnh khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; nhanh chóng khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún và thiếu sự liên kết giữa các tác nhân khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, khai thác chỉ dẫn địa lý đối với hàng hóa xuất khẩu.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài để thu hút vốn đầu tư và công nghệ hiện đại, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao GTGT.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |