BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ __________
Số: 836/QĐ-BKHĐT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ______________________
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2023
|
_______________
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Nghị định số 89/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Vụ Kinh tế đối ngoại là đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; thực hiện nhiệm vụ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cam-pu-chia; tổng hợp kinh tế đối ngoại; tổng hợp quan hệ đối ngoại với các đối tác nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế, Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), các sáng kiến hợp tác khu vực khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Nghiên cứu, phối hợp tham gia xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng về những nội dung liên quan bao gồm: kinh tế đối ngoại tổng hợp, vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức và viện trợ của Việt Nam cho các nước.
2. Nghiên cứu, phối hợp tham gia xây dựng chiến lược, kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, hội nhập kinh tế quốc tế, Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), các sáng kiến hợp tác khác.
3. Phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp kinh tế đối ngoại phục vụ lãnh đạo Bộ, Chính phủ và các cơ quan cấp trên.
4. Làm đầu mối trong việc quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước:
a) Chủ trì nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng hoặc trình Bộ trưởng để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước.
b) Chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình Bộ trưởng hoặc trình Bộ trưởng để trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, chính sách, định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho Việt Nam.
c) Chủ trì việc chuẩn bị nội dung, điều phối các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức phù hợp với chiến lược, định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức.
d) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan trình Bộ trưởng để trình Chính phủ việc ký kết điều ước quốc tế khung và điều ước quốc tế cụ thể về ODA không hoàn lại theo quy định của pháp luật; trình Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại theo thẩm quyền.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, trình Bộ trưởng để trình cấp có thẩm quyền:
Quyết định đề xuất chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi;
Phê duyệt chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại;
Phê duyệt danh mục chương trình, dự án viện trợ của Việt Nam cho các nước theo thẩm quyền.
e) Chủ trì thẩm định đối với các khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, trình Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đối với các khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
g) Đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính xác định cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
h) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; rà soát, tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đối ứng trung hạn và hàng năm từ nguồn vốn ngân sách để chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc diện cấp phát ngân sách trung ương.
i) Chủ trì rà soát, tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, báo cáo Bộ trưởng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
k) Chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các chương trình, dự án theo thẩm quyền.
l) Chủ trì tổng hợp nhu cầu bổ sung, điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài nguồn NSTW trong kế hoạch dự toán ngân sách hằng năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hãng năm nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
m) Chủ trì thẩm định hoặc tổng hợp, trình Bộ trưởng phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, các khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức do Bộ làm cơ quan chủ quản; tham gia thẩm định các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
n) Chủ trì theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; tổng hợp và thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức và viện trợ của Việt Nam cho các nước theo quy định của pháp luật.
o) Đầu mối trình Lãnh đạo Bộ xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề có liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức và viện trợ của Việt Nam cho các nước.
p) Chủ trì tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức và viện trợ của Việt Nam cho các nước.
q) Chủ trì thực hiện nhiệm vụ theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án viện trợ của Việt Nam cho các nước do Bộ được giao trực tiếp quản lý thực hiện.
r) Chủ trì biên soạn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về vận động, chuẩn bị, thẩm định, quản lý thực hiện, theo dõi, đánh giá chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, các khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; hỗ trợ công tác đào tạo quản lý chương trình, dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
5. Thực hiện nhiệm vụ Tổ phó Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ,
6. Về hợp tác với Lào và Cam-pu-chia:
a) Giúp Bộ trưởng làm nhiệm vụ thường trực, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào; làm nhiệm vụ Thư ký Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào. Chuẩn bị các Chiến lược, Hiệp định và Thỏa thuận về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Lào, giữa Việt Nam với Cam-pu-chia trên cơ sở các Chiến lược, Hiệp định, Thỏa thuận và Biên bản đã được ký kết.
b) Nghiên cứu, tổng hợp cơ chế, chính sách và xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn, 5 năm và hàng năm về các hoạt động hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật với Lào; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và định kỳ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch hợp tác với Lào; đôn đốc việc triển khai các chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ CHDCND Lào và Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia.
c) Làm nhiệm vụ thường trực giúp Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban điều phối Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam, đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực Tam giác ba nước; soạn thảo các chương trình, nội dung hợp tác, phối hợp hoạt động giữa ba nước Cam-pu-chia, Việt Nam, Lào. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các thoả thuận đã ký kết.
7. Về hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng và một số sáng kiến hợp tác khác:
a) Thực hiện nhiệm vụ điều phối viên quốc gia Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng và một số sáng kiến hợp tác khác;
b) Thực hiện nhiệm vụ Thư ký thường trực quốc gia Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Công mở rộng.
8. Về hội nhập quốc tế và hợp tác song phương:
a) Đầu mối về hội nhập quốc tế trong phạm vi nhiệm vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao;
b) Chủ trì, làm đầu mối tham gia các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế.
c) Theo dõi, đôn đốc và báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ hội nhập quốc tế của các đơn vị trong Bộ.
9. Chủ trì nhiệm vụ tổng hợp chung theo tuần, tháng, quý các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quốc tế từ các nguồn chính thức để báo cáo cho Lãnh đạo Bộ.
10. Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức thực hiện việc pháp điển và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách theo quy định.
11. Chủ trì thực hiện nhiệm vụ quan lý đối với hội, hiệp hội có lĩnh vực hoạt động chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Vụ theo quy định của pháp luật.
12. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ có liên quan thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực phụ trách.
13. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
Vụ Kinh tế đối ngoại có Vụ trưởng và một số Phó Vụ trưởng; Vụ Kinh tế đối ngoại làm việc theo chế độ Thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên. Biên chế công chức của Vụ do Bộ trưởng quyết định; Vụ trưởng quyết định phân giao biên chế, nhiệm vụ cho các phòng, đảm bảo đúng tiêu chí thành lập phòng theo quy định.
Vụ Kinh tế đối ngoại có các phòng chức năng sau:
1. Phòng Tổng hợp, hợp tác với các Tổ chức quốc tế và phi Chính phủ nước ngoài;
2. Phòng hợp tác với châu Á, châu Mỹ và hội nhập kinh tế quốc tế;
3. Phòng hợp tác với châu Âu và châu Phi;
4. Phòng hợp tác với các Tổ chức tài chính quốc tế;
5. Phòng hợp tác với Lào và Cam-pu-chia.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1896/QĐ-BKHĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Vụ Kinh tế đối ngoại.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại và Người đứng đầu các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: - Như Điều 5;
- Lãnh đạo Bộ;
- Vụ Kinh tế đối ngoại ;
- Đảng ủy, Công đoàn cơ quan;
- Cổng TTĐT Bộ KH&ĐT;
- Lưu VT, Vụ TCCB (05 bản).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Chí Dũng
|