Chỉ thị 03/CT-BCA 2018 tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong Công an nhân dân
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
thuộc tính Chỉ thị 03/CT-BCA
Cơ quan ban hành: | Bộ Công an | Số công báo: Số công báo là mã số ấn phẩm được đăng chính thức trên ấn phẩm thông tin của Nhà nước. Mã số này do Chính phủ thống nhất quản lý. | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 03/CT-BCA | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Chỉ thị | Người ký: | Tô Lâm |
Ngày ban hành: Ngày ban hành là ngày, tháng, năm văn bản được thông qua hoặc ký ban hành. | 07/05/2018 | Ngày hết hiệu lực: Ngày hết hiệu lực là ngày, tháng, năm văn bản chính thức không còn hiệu lực (áp dụng). | Đang cập nhật |
Áp dụng: Ngày áp dụng là ngày, tháng, năm văn bản chính thức có hiệu lực (áp dụng). | Tình trạng hiệu lực: Cho biết trạng thái hiệu lực của văn bản đang tra cứu: Chưa áp dụng, Còn hiệu lực, Hết hiệu lực, Hết hiệu lực 1 phần; Đã sửa đổi, Đính chính hay Không còn phù hợp,... | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Thông tin-Truyền thông |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Chỉ thị 03/CT-BCA
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-BCA |
Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2018 |
CHỈ THỊ
Về củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an nhân dân
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vị trí hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc thực hiện công tác này, nhiều văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến vị trí, vai trò cũng như sự cần thiết phải thể chế hóa, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ phía các cấp ủy và lãnh đạo các cấp.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định là khâu then chốt dẫn tới thành công của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng và nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác của lực lượng Công an nhân dân nói chung. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy và lãnh đạo Công an các cấp, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an nhân dân đã không ngừng được xây dựng, củng cố, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an nhân dân vẫn còn những hạn chế nhất định: nhận thức của một bộ phận lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đầy đủ dẫn đến việc xây dựng, đào tạo, bố trí cán bộ làm công tác này chưa được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đông nhưng không tập trung, chủ yếu là cán bộ làm công tác kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng truyền đạt; một bộ phận báo cáo viên pháp luật trong Công an nhân dân chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, không có hoạt động chuyên môn trong thực tiễn; kinh phí, tài liệu, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Công an các đơn vị, địa phương tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Trong bối cảnh tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và nhân dân còn diễn biến phức tạp; nguyên nhân của tình trạng này trong đó phải nói đến ý thức chấp hành pháp luật và kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế, do đó, việc tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành yêu cầu cấp thiết. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an nhân dân, lãnh đạo Bộ yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:
1. Công an các đơn vị, địa phương tập trung tổ chức quán triệt, triển khai thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị số 32-CT/TW), Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Công an nhân dân và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; các chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo khác của Bộ Công an về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp trong chỉ đạo, theo dõi, điều hành công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phải xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ không thể tách rời với việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác của lực lượng Công an nhân dân.
3. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Công an các cấp chủ động phát huy vai trò tư vấn, trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị trong xây dựng chương trình dài hạn, hàng năm về phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Công an các đơn vị, địa phương; có chính sách hợp lý để phát huy vai trò của các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Công an các cấp.
4. Công an các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền trong công tác tuyển chọn, bố trí từ 01 đến 02 cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị, địa phương mình. Chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, mạng internet và các phương tiện hiện đại khác để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
5. Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của Công an các đơn vị, địa phương và chương trình công tác pháp chế của Bộ, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Công an) chủ động đề xuất xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ; biên soạn tài liệu, giáo trình, sổ tay pháp luật và các tài liệu tuyên truyền, phổ biến khác cấp phát cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Công an các cấp. Nghiên cứu, xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của báo cáo viên các cấp trong Công an nhân dân”.
6. Cục Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương áp dụng thống nhất các quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách và các điều kiện về cơ sở vật chất khác nhằm thu hút, phát huy tiềm năng và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an nhân dân. Công an các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa vào chương trình hoạt động pháp chế hàng năm làm căn cứ đề xuất kinh phí, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
7. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về Bộ (qua Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) trong báo cáo định kỳ thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới” (theo Quyết định số 4350/QĐ-BCA-V19 ngày 28/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an) để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |