Số 38.2011 (547) ngày 20/09/2011

 

 

SỐ 38 (547) - THÁNG 9/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

82/2011/NĐ-CP

Nghị định 82/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

 

* Từ 1/11, thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc

Trang 2

2

81/2011/NĐ-CP

Nghị định 81/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chế độ ăn, mặc, chăm sóc và quản lý của học sinh trường giáo dưỡng

 

* Hướng dẫn chăm sóc, quản lý học sinh trường giáo dưỡng

Trang 2

3

51/2011/QĐ-TTg

Quyết định 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng…

 

* Danh mục 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng 

Trang 2

BỘ TÀI CHÍNH

 

 

 

4

128/2011/TT-BTC

Thông tư 128/2011/TT-BTC của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở y tế công lập

 

* Thuốc chữa bệnh chịu thuế GTGT 5% 

Trang 3

5

127/2011/TT-BTC

Thông tư 127/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu phí thăm quan di tích lịch sử văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh…

 

* Giảm 50% giá vé tham quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng cho người cao tuổi

Trang 3

6

126/2011/TT-BTC

Thông tư 126/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 165/2010/TT-BTC ngày 26/10/2010...

 

* Thêm đối tượng phải thực hiện quy định xuất, nhập khẩu xăng dầu

Trang 4

7

125/2011/TT-BTC

Thông tư 125/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty quản lý Quỹ

 

* Hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty quản lý Quỹ

Trang 4

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

 

 

8

60/2011/TT-BNNPTNT

Thông tư 60/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn kiểm tra về chất lượng muối nhập khẩu

 

* Hướng dẫn kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu

Trang 5

BỘ CÔNG AN

 

 

 

9

62/2011/TT-BCA

Thông tư 62/2011/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định về hoạt động tuần tra kiểm soát của Cảnh sát đường thủy

 

* Quy định hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát đường thủy

Trang 5

LIÊN BỘ

 

 

 

10

06/2011/TTLT-BCA-BNV

Thông tư liên tịch 06/2011/TTLT-BCA-BNV của Bộ Công an, Bộ Nội vụ về việc quy định các chức danh tương đương để xét khen thưởng…

 

* Quy định chức danh tương đương xét khen thưởng trong ngành Công an 

Trang 5

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 08/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS08/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

TỪ 1/11, THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH BẰNG CÁCH TIÊM THUỐC ĐỘC

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16/09/2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, trong đó có các quy định về thuốc tiêm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án tử hình cũng như chế độ, chính sách đối với người tham gia thi hành án tử hình.

Cụ thể, thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm: Thuốc dùng để gây mê (Sodium thiopental); thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide); thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride).   

Một liều gồm 03 loại thuốc nêu trên. Thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định này, người tham gia đội thi hành án tử hình và bác sĩ xác định tĩnh mạch được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng 02 lần mức lương tối thiểu chung cho mỗi lần thi hành án và được nghỉ dưỡng 10 ngày theo quy định chung về chế

 

độ nghỉ dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.

Người tham gia hội đồng thi hành án tử hình, bác sĩ pháp y, cán bộ chuyên môn, người thực hiện lăn tay người bị thi hành án tử hình, khâm liệm, an táng tử thi được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng 01 lần mức lương tối thiểu chung quy định cho mỗi lần thi hành án. Những người tham gia khác được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng 1/2 mức lương tối thiểu chung cho mỗi lần thi hành án.

Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi về mai táng thì phải tự chịu chi phí đưa đi chuyển tử thi và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự.

Ngoài các quy định nêu trên, Nghị định còn có các quy định cụ thể về trang bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình; quy trình thực hiện tiêm thuốc; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án tử hình…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2011; những quy định trước đây của Chính phủ về thi hành án tử hình trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC, QUẢN LÝ HỌC SINH
TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG

Ngày 16/09/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2011/NĐ-CP quy định chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế; chế độ sinh hoạt, học tập; chế độ thăm người thân; nhận, gửi thư, nhận tiền, quà và quản lý học sinh trường giáo dưỡng theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Theo Nghị định này, chế độ chăm sóc, quản lý học sinh trường giáo dưỡng thực hiện theo quy định tại các Điều 25 Nghị định số 142/2003/NĐ-CP ngày 24/11/2003 quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng; quy định tại các khoản 17, 18, 19, 20, điểm 1 khoản 21, khoản 23 Điều 1 Nghị định số 66/2009/NĐ-CP ngày 01/08/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2003/NĐ-CP và quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 118/2010/NĐ-CP ngày 29/12/2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều số điều của các

 

Nghị định quy định về áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Cũng tại Nghị định này, Chính phủ giao Bộ Công an chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra, việc thi hành Nghị định này; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2011; bãi bỏ các Điều 17, 18, 19 Nghị định số 52/2011/NĐ-CP ngày 23/08/2001 về hướng dẫn thi hành biện pháp tư pháp đưa người vào trường giáo dưỡng.

DANH MỤC 4 NHÓM PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ PHẢI
DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/09/2011 quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. 

Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu được chia ra thành 04 nhóm; trong đó, nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình. 

Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại. Nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện. Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ôtô con (loại 07 chỗ trở xuống). 

Lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp được khuyến khích thực hiện đến hết ngày 31/12/2012; ừ ngày 01/01/2013 thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức

 

bắt buộc. 

Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại, việc thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện được khuyến khích; từ ngày 01/01/2014 thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với tủ giữ lạnh thương mại. 

Việc dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với nhóm phương tiện vận tải được khuyến khích thực hiện đến hết ngày 31/12/2014; từ 01/01/2015 thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc. 

Về lộ trình áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, Quyết định yêu cầu: Không được phép nhập khẩu và sản xuất các thiết bị có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu từ ngày 01/01/2014 đối với nhóm thiết bị gia dụng; từ 01/01/2015 đối với nhóm thiết bị công nghiệp, thiết bị văn phòng và thương mại; từ 01/01/2013 đối với các loại đèn sợi đốt công suất lớn hơn 60W. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2011.

THUỐC CHỮA BỆNH CHỊU THUẾ GTGT 5%

Ngày 12/09/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 128/2011/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cơ sở y tế công lập. 

Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ được quy định tại điểm 1, Mục I, Phần A, Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008. Đối tượng không chịu thuế GTGT là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các hàng hóa, dịch vụ khác quy định tại mục II, Phần A, Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008. 

Riêng mặt hàng thuốc chữa bệnh quy định tại điểm 2.11 Mục II Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC thuộc diện áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5%. Trường hợp số thuốc chữa bệnh là một phần thuộc gói dịch vụ chữa bệnh thì toàn bộ khoản thu từ hoạt động chữa bệnh bao gồm cả sử dụng thuốc thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. 

Thông tư cũng quy định về 02 phương pháp tính thuế GTGT đối với các cơ sở y tế công lập, trong đó, phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định và đăng ký nộp thuế. 

 

Đối với cơ sở y tế công lập có hoạt động kinh doanh, dịch vụ có đầy đủ hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ bán ra theo chế độ quy định hoặc có đủ điều kiện xác định được đúng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ như hợp đồng và chứng từ thanh toán nhưng không có đủ hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào thì đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT. 

Cũng trong Thông tư này, thu nhập từ khám chữa bệnh theo Khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc viện phí; Thu nhập từ dịch vụ ăn uống dinh dưỡng lâm sàng theo chế độ bệnh tật; Thu nhập từ dịch vụ trong lĩnh vực y tế dự phòng, kiểm nghiệm, kiểm định có thu phí, lệ phí và một số khoản thu khác của các cơ sở y tế công lập được miễn thuế TNDN. 

Đối với các khoản thu khác mà cơ sở y tế công lập hạch toán được doanh thu nhưng không hạch toán và xác định được chi phí, thu nhập của từng hoạt động chịu thuế TNDN thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; cụ thể, đối với dịch vụ là 5%; kinh doanh hàng hóa là 1% và hoạt động khác là 2%... 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012.

GIẢM 50% GIÁ VÉ THAM QUAN DI TÍCH VĂN HÓA, LỊCH SỬ,
BẢO TÀNG CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Ngày 09/09/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 127/2011/TT-BTC quy định mức thu phí tham quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi.

Người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Người cao tuổi khi tham quan di tích văn hoá, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh được áp dụng mức thu phí theo quy định tại Thông tư này.

Mức thu phí tham quan di tích văn hoá, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi bằng 50% mức thu phí hiện hành. Để được áp dụng mức thu

 

phí theo định nêu trên, người cao tuổi phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc bất kỳ một giấy tờ khác chứng minh là người cao tuổi.

Cũng theo Thông tư này, cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền thu phí phải có vé (hoặc biên lai) dành riêng cho người cao tuổi và đăng ký mẫu vé (hoặc biên lai) này tại cơ quan quản lý thuế địa phương, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý ngành ở trung ương hoặc địa phương biết để phối hợp quản lý. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền thu phí phải thông báo công khai mức thu phí đối với người cao tuổi tại các cơ sở bán vé.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/10/2011.

THÊM ĐỐI TƯỢNG PHẢI THỰC HIỆN QUY ĐỊNH XUẤT,
NHẬP KHẨU XĂNG DẦU

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 126/2011/TT-BTC ngày 07/09/2011 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 165/2010/TT-BTC ngày 26/10/2010 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu; nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nhập khẩu nguyên liệu để gia công xuất khẩu xăng dầu.

Thông tư bổ sung thêm 01 đối tượng áp dụng là thương nhân có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bán xăng dầu để phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu bảo thuế, khu thương mại - công nghiệp và các khu kinh tế cửa khẩu khác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tục hải quan đối với việc mua bán xăng dầu trong các khu vực nêu trên thực hiện theo hình thức tạm nhập, tái xuất xăng dầu; cụ thể là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam theo chế độ tạm nhập xăng dầu và bán xăng dầu cho doanh nghiệp thuộc các khu nêu trên theo chế độ tái xuất xăng dầu.

Quy định về thời hạn nộp thuế xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc không tái xuất hết, được chuyển vào tiêu thụ nội địa cũng được xác định theo tỷ

 

lệ % lượng xăng dầu chuyển vào tiêu thụ nội địa thay vì áp dụng 01 thời hạn thống nhất như quy định trước đây.

Cụ thể, lượng xăng, dầu nhỏ hơn hoặc bằng 10% khối lượng đã tạm nhập có thời hạn nộp thuế theo quy định tại điểm d, khoản 3 và khoản 4, Điều 42 Luật Quản lý thuế; nếu khối lượng xăng, dầu kinh doanh theo phương thức tạm nhập - tái xuất chuyển sang tiêu thụ nội địa lớn hơn 10% khối lượng đã tạm nhập thì phần vượt quá 10% khối lượng tạm nhập có thời hạn nộp thuế theo quy định tại điểm đ, khoản 3 và khoản 4, Điều 42 Luật Quản lý thuế.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng ban hành quy định mới về thủ tục hải quan đối với xuất khẩu xăng dầu cho tàu bay, trong đó nêu rõ hồ sơ làm thủ tục hải quan để xuất khẩu xăng dầu gồm: 02 bản chính tờ khai hải quan đã đăng ký; hợp đồng mua xăng dầu sản xuất trong nước hoặc xăng dầu có nguồn gốc nhập khẩu (01 bản sao); 01 bản sao hợp đồng bán xăng dầu cho tàu bay và phụ lục hợp đồng (nếu có); 01 bản chính hóa đơn bán hàng hoặc Phiếu xuất kho…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/10/2011.

HƯỚNG DẪN KẾ TOÁN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ

Ngày 05/09/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 125/2011/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với Công ty quản lý Quỹ.

Thông tư quy định một số tài khoản, mẫu báo cáo tài chính, phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính áp dụng đối với các Công ty quản lý Quỹ hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý Quỹ do Bộ Tài chính quy định. Trong đó, Công ty quản lý Quỹ phải tổ chức công tác kế toán đảm bảo tách bạch, rõ ràng về tài sản, nguồn vốn, các giao dịch của chính Công ty với tài sản, nguồn vốn của các nhà đầu tư có danh mục đầu tư do Công ty quản lý, với Quỹ Đầu tư chứng khoán (ĐTCK), và Công ty Đầu tư chứng khoán (ĐTCK) do Công ty quản lý trực tiếp.

Theo đó, đổi tên một số tài khoản kế toán như sau: đổi tên Tài khoản 511 - “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” thành “Doanh thu hoạt động nghiệp vụ và cung cấp dịch vụ khác”; Đổi tên Tài khoản 532 - “Giảm giá hàng bán” thành “Các khoản giảm trừ doanh thu”; Đổi tên Tài khoản 631 - “Giá thành sản xuất” thành “Chi phí hoạt động nghiệp vụ”; Đổi tên Tài khoản 002 - “Vật tư, hàng hoá nhận giữ hộ, nhận gia công” thành “Vật tư, chứng chỉ có giá nhận giữ hộ”; Đổi tên Tài khoản 003 - “Hàng hoá nhận bán hộ, nhận ký gửi, ký cược” thành “Tài sản nhận ký cược”...

Thông tư cũng bổ sung một số tài khoản trong bảng Cân đối kế toán và tài khoản ngoài Bảng Cân đối kế toán so với chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành như sau: Tài khoản 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ;  Tài khoản 359 - Quỹ dự phòng bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư;

 

Tài khoản 637 – Chi phí trực tiếp chung;Tài khoản 012 - Chứng khoán lưu ký của Công ty quản lý quỹ...

Trong số đó, tài khoản 132 - Phải thu hoạt động nghiệp vụ dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của Công ty quản lý Quỹ với các Quỹ ĐTCK, Công ty ĐTCK và nhà đầu tư của Quỹ về các khoản tiền thu phí quản lý hoạt động, phí quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, các khoản tiền thưởng, phí tư vấn hoạt động đầu tư chứng khoán, các khoản thu hoạt động khác. Tài khoản này cũng được dùng để phản ánh các khoản phải thu về các khoản Công ty quản lý Quỹ đã chi hộ các Quỹ ĐTCK, Công ty ĐTCK. Tài khoản 359 - Quỹ dự phòng bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư dùng để phản ánh số hiện có và tình hình trích lập, sử dụng quỹ bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo quy định của cơ chế tài chính…

Bên cạnh việc bổ sung một số tài khoản mới, Thông tư cũng quy định không sử dụng một số tài khoản sau: Tài khoản 151 - Hàng mua đang đi đường; Tài khoản 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang; Tài khoản 155 - Thành phẩm; Tài khoản 156 - Hàng hoá; Tài khoản 157 - Hàng gửi đi bán; Tài khoản 158 - Hàng hóa kho bảo thuế; Tài khoản 159 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho; Tài khoản 161 - Chi sự nghiệp; Tài khoản 217 - Bất động sản đầu tư; Tài khoản 315 - Nợ dài hạn đến hạn trả; Tài khoản 337 - Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng; Tài khoản 417 - Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012.

HƯỚNG DẪN KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG MUỐI NHẬP KHẨU

Ngày 09/09/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 60/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra về chất lượng muối nhập khẩu áp dụng trong các trường hợp tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài; hành lý cá nhân, hàng mẫu, hàng triển lãm hội chợ, quà biếu.

Các loại muối nhập khẩu có mã HS: 2501.00.90.90; 2501.00.41.20; 2501.00.49.20 theo Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành, phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chất lượng muối theo quy định tại Thông tư này.

Các loại muối nhập khẩu thuộc nhóm 2501 theo Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành, trước khi nhập khẩu, người nhập khẩu phải công bố tiêu chuẩn áp dụng phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc yêu cầu kỹ thuật chất lượng muối nhập khẩu tương ứng quy định tại Thông tư này.

Người nhập khẩu sau khi lấy mẫu để phân tích thử nghiệm chất lượng muối nhập khẩu theo quy định được cơ quan Hải quan cho phép đưa hàng hóa về kho bảo quản và có trách nhiệm bảo quản hàng hóa cho đến khi có kết quả kiểm tra đạt yêu

 

cầu về chất lượng mới được phép đưa muối vào sản xuất hoặc lưu thông trên thị trường.

Khi lô hàng về đến cửa khẩu, người nhập khẩu liên hệ với Cơ quan Hải quan cửa khẩu để làm thủ tục và lấy mẫu đại diện của lô hàng muối nhập khẩu theo phương pháp lấy ngẫu nhiên, có sự chứng kiến của đại diện cơ quan Hải quan cửa khẩu. Mẫu đại diện của lô hàng được chia làm 03 phần: 01 mẫu thử nghiệm; 01 mẫu lưu tại Cơ quan kiểm tra và 01 mẫu lưu tại cơ sở được lấy mẫu; số lượng mỗi mẫu tối thiểu 200 gam, tối đa 500 gam đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu cần kiểm tra.

Cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra theo các nội dung sau: Kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu; kiểm tra sự phù hợp giữa kết quả thử nghiệm mẫu của lô hàng muối nhập khẩu so với hồ sơ đăng ký, tiêu chuẩn công bố áp dụng, yêu cầu kỹ thuật chất lượng đối với muối nhập khẩu; tổ chức giám định lại chất lượng lô hàng muối nhập khẩu khi cần thiết; thông báo kết quả kiểm tra về chất lượng muối nhập khẩu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/10/2011.

QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT CỦA
CẢNH SÁT ĐƯỜNG THỦY

Ngày 07/09/2011, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 62/2011/TT-BCA quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát đường thủy.

Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường thủy thuộc Cục Cảnh sát đường thủy: Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát đường thủy.

Trụ sở của các đơn vị tuần tra, kiểm soát được bố trí trên tuyến đường thủy nội địa, gắn biển hiệu theo quy định, có phòng làm việc, phòng tiếp dân và xử lý vi phạm, nơi neo đậu phương tiện và nơi ở cho cán bộ, chiến sĩ. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho Cảnh sát đường thủy làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát gồm: Tàu, xuồng và các phương tiện thủy khác; ô tô, mô tô phục vụ tuần tra, kiểm soát; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí và công cụ hỗ trợ.

Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải nắm vững và thực hiện

 

đúng các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân; khi tiếp xúc với nhân dân phải có thái độ kính trọng, lễ phép, đúng mực…

Lực lượng Cảnh sát đường thủy tổ chức tuần tra, kiểm soát trên phạm vi các sông, kênh, rạch; luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, đường ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của Việt Nam có hoạt động của phương tiện thủy, kể cả luồng hàng hải có hoạt động của phương tiện thủy.

Hình thức tuần tra, kiểm soát gồm: Tuần tra, kiểm soát lưu động; kiểm soát tại một điểm trên tuyến; kiểm soát tại trạm. Khi tiến hành tuần tra, kiểm soát lưu động được kiểm soát tại một điểm; ngược lại, khi kiểm soát tại một điểm được tuần tra, kiểm soát lưu động nhưng phải được ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/10/2011; những quy định trước đây của Bộ Công an về hoạt động tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát đường thủy trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

QUY ĐỊNH CHỨC DANH TƯƠNG ĐƯƠNG XÉT KHEN THƯỞNG
TRONG NGÀNH CÔNG AN

Ngày 08/09/2011, Liên bộ Công an, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BCA-BNV quy định các chức danh tương đương để xét khen thưởng đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có quá trình cống hiến trong Công an nhân dân (CAND). 

Thông tư này áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên trong CAND đang công tác, đã nghỉ chế độ, đã chuyển công tác ra ngoài CAND hoặc đã hy sinh, từ trần có thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và có quá trình cống hiến trong CAND. 

Người được xếp chức danh tương đương là người được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ (hoặc công nhận giữ chức vụ được bầu cử) làm công tác lãnh đạo, chỉ huy trong các đơn vị CAND, có cùng hệ số phụ cấp chức vụ với chức danh được xét khen thưởng do Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ quy định. 

Mỗi cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có quá trình cống hiến chỉ được xét khen thưởng một lần vào năm cuối của quá trình công tác (trước khi nghỉ chế độ), với một hình thức khen thưởng cao nhất tương ứng với chức vụ đảm nhiệm theo tiêu chuẩn do Luật Thi đua, khen thưởng quy định.  

 

Những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đã nghỉ chế độ, hy sinh, từ trần có quá trình cống hiến đủ tiêu chuẩn quy định được xét đề nghị tặng hoặc truy tặng hình thức khen thưởng cao nhất tương ứng với chức vụ đảm nhiệm theo tiêu chuẩn do Luật Thi đua, khen thưởng quy định. 

Cũng theo Thông tư này, không khen thưởng đối với các trường hợp bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, bị kỷ luật buộc thôi việc, bị loại ngũ, bị tước danh hiệu CAND, bị tòa án tuyên có tội; chưa xét khen thưởng đối với các trường hợp bị kỷ luật nhưng chưa hết thời hiệu của quyết định kỷ luật hoặc các trường hợp đang xét kỷ luật; hạ một mức khen thưởng đối với cá nhân đã từng bị một trong các hình thức kỷ luật: cách chức, giáng chức, giáng cấp, hạ bậc lương. 

Cá nhân trong quá trình công tác đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, thì lấy chức vụ cao nhất để làm căn cứ áp dụng tiêu chuẩn khen thưởng. Trường hợp thời gian giữ chức vụ cao nhất của cá nhân, chưa đảm bảo thời gian theo tiêu chuẩn khen thưởng đối với chức vụ đó, thì cộng thêm thời gian giữ chức vụ thấp hơn liền kề để tính tiêu chuẩn khen thưởng theo chức vụ thấp hơn liền kề. 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2011.

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.