Số 37.2011 (546) ngày 13/09/2011

 

SỐ 37 (546) - THÁNG 9/2011

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong s này:

CHÍNH PHỦ

 

1

91/NQ-CP

Nghị quyết 91/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2011

 

* Chỉ số CPI tháng 8 là 0,93%, GDP cả năm dự kiến tăng 6%

Trang 2

2

79/2011/NĐ-CP

Nghị định 79/2011/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/03/2008 của Chính phủ…

 

* Giảm 1/2 thời gian cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay

Trang 2

3

50/2011/QĐ-TTg

Quyết định 50/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Năng lượng…

 

* Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Năng lượng

Trang 2

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

 

 

 

4

02/CT-NHNN

Chỉ thị 02/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động…

 

* Ngân hàng vi phạm lãi suất huy động bị tạm đình chỉ hoạt động cho vay

Trang 3

5

28/2011/TT-NHNN

Thông tư 28/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu…

 

* Quy định mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng

Trang 3

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

 

 

 

6

09/2011/TT-BKHĐT

Thông tư 09/2011/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu tư vấn

 

* Quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu tư vấn

Trang 4

BỘ CÔNG THƯƠNG

 

 

 

7

32/2011/TT-BCT

Thông tư số 32/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc sửa đổi bổ sung Thông tư số 24/2011/TT-BCT ngày 28/05/2010 quy định về việc áp dụng…

 

* Điện thoại di động không được cấp giấy phép nhập khẩu tự động

Trang 4

BỘ TÀI CHÍNH

 

 

 

8

124/2011/TT-BTC

Thông tư 124/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn về lệ phí trước bạ

 

* Từ 15/10, cả ôtô con và xe bán tải đều chịu lệ phí trước bạ từ 10 - 20%

Trang 5

9

123/2011/TT-BTC

Thông tư 123/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc quản lý, khai thác phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước

 

* Hướng dẫn sử dụng Phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước

Trang 5

BỘ XÂY DỰNG

 

 

 

10

12/2011/TT-BXD

Thông tư 12/2011/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/06/2005…

 

* Hướng dẫn phòng, chống rửa tiền trong kinh doanh bất động sản

Trang 6

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 08/2011, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS08/2011 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

CHỈ SỐ CPI THÁNG 8 LÀ 0,93%, GDP CẢ NĂM
DỰ KIẾN TĂNG 6%

Tình hình kinh tế - xã hội 08 tháng đầu năm và cả năm 2011 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự báo đạt và vượt kế hoạch. Lạm phát được kiềm chế và giảm dần theo từng tháng, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 08 là 0,93%, thấp nhất kể từ đầu năm; tăng trưởng GDP năm 2011 dự kiến đạt khoảng 6%...

Đây là một số nhận định của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 08 tháng và cả năm 2011 được ghi nhận trong Nghị quyết số 91/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 08/2011 diễn ra trong 02 ngày 30 và 31/08/2011.

Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội cũng nêu rõ một số tồn tại như: Lạm phát tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao; mặt bằng lãi suất cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư giảm; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút; tỷ lệ hộ nghèo giảm chậm hơn kế hoạch đề ra; tệ nạn xã hội, tai nạn và ùn tắc giao thông còn nhiều bức xúc.

Do đó, để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm, trong những tháng còn lại, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 02/NQ-CP, nhất là Nghị quyết số 11/NQ-CP, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, 

 

phù hợp theo tín hiệu thị trường; giảm dần lãi suất tín dụng cùng với xu hướng giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20%, tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6%; phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan quản lý và kiểm soát hoạt động mua bán vàng, ngoại tệ đúng quy định.

Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thặt chặt kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ chặt chẽ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, giảm bội chi xuống dưới mức đã báo cáo Quốc hội; sử dụng số tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 09 tháng còn lại trong năm 2011 để chi cho lĩnh vực an sinh xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan và địa phương tiếp tục rà soát việc cắt giảm đầu tư công; thu hồi toàn bộ phần vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011 đã bố trí cho các công trình, dự án không đúng đối tượng, chưa đủ thủ tục, khởi công mới trái với quy định để bổ sung cho các công trình, dự án cấp bách…

Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 08/2011, Chính phủ còn thảo luận về các nội dung quan trọng khác như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; đánh giá thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 - 2010…
 

GIẢM 1/2 THỜI GIAN CẤP PHÉP TỔ CHỨC THỰC
HIỆN CÁC CHUYẾN BAY

Ngày 05/09/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/03/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ và Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/06/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.

Theo Nghị định này, Tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cấp phép bay không cần nộp các tài liệu kỹ thuật về phương tiện bay, bao gồm: Ảnh chụp kiểu loại tàu bay hoặc phương tiện bay và bản thuyết minh tính năng kỹ thuật hàng không của loại tàu bay hoặc phương tiện bay đó như quy định trước đây. Thời gian giải quyết hồ sơ cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay cũng được rút ngắn từ 10 ngày làm việc xuống còn 05 ngày làm việc.

 

Tuy nhiên, đơn đề nghị cấp phép bay phải ghi đầy đủ các nội dung bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh thay vì chỉ phải ghi bằng tiếng Việt như quy định cũ.

Nghị định cũng quy định chi tiết về thời gian thụ lý hồ sơ xin trợ cấp của dân quân tự vệ trong các trường hợp ốm, chết và tai nạn. Cụ thể, thời gian thụ lý hồ sơ của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức ở cơ sở, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ doanh nghiệp (nơi không có Ban Chỉ huy quân sự) là 03 ngày làm việc; Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp huyện là 05 ngày làm việc.

Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/10/2011.
 

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
CỦA TỔNG CỤC NĂNG LƯỢNG

Ngày 05/09/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2011/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Năng lượng trực thuộc Bộ Công Thương.

Theo quyết định này, Tổng cục Năng lượng là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghiệp năng lượng (gồm điện, điện hạt nhân, dầu khí, than, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng); quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

Nhiệm vụ chính của Tổng cục có thể kể đến như: Xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật như; luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định; các chiến lược quy hoạch ngành; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành…; Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, quy định nội bộ, văn bản cá biệt khác thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục Năng lượng; Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về công nghiệp năng lượng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành; Giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền của Bộ đối với các dự án công nghiệp năng lượng…

 

Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục Năng lượng gồm 14 đơn vị là: Văn phòng; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Quy hoạch; Vụ Nhiệt điện và Điện hạt nhân; Vụ Thủy điện; Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo; Vụ Lưới điện và điện nông thôn; Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng; Vụ Thăm dò và Khai thác dầu khí; Vụ Vận chuyển và Chế biến dầu khí; Vụ Công nghiệp than; Vụ Quản lý đào tạo BOT điện; Trung tâm Thông tin năng lượng; Trung tâm Đào tạo và Tư vấn năng lượng.

Tổng cục Năng lượng có Tổng cục trưởng và không quá 03 Phó Tổng cục trưởng; Tổng cục trưởng, các Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật; Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công Thương và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục.

Tổng cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc Tổng cục; ban hành Quy chế làm việc của Tổng cục; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Tổng cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2011.

 

NGÂN HÀNG VI PHẠM LÃI SUẤT HUY ĐỘNG BỊ TẠM
ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CHO VAY

Trong thời gian qua, hầu hết các tổ chức tín dụng đã thực hiện lãi suất huy động VNĐ và USD cao, vi phạm quy định tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 03/03/2011 và số 14/2011/TT-NHNN ngày 01/06/2011 dưới nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, gây các nguy cơ rủi ro cho tổ chức tín dụng.

Để bình ổn thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất phù hợp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 07/09/2011 để chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng VNĐ và USD của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện đúng mức lãi suất huy động theo quy định; tự kiểm tra, phát hiện những vi phạm về mức lãi suất huy động, chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc người đứng đầu chi nhánh, đơn vị của tổ chức để xảy ra vi phạm,

 

không chấp hành chỉ đạo của Thống đốc; đồng thời báo cáo về NHNN các vi phạm và kết quả xử lý.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ các tổ chức và cá nhân để xử lý theo quy định; kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất huy động vốn.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm có thể bị xử lý 03 hình thức sau đây: Đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng; Hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của tổ chức tín dụng trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bị xử lý; Hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc tổ chức tín dụng đó.
 

QUY ĐỊNH MUA TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP CỦA
CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư số 28/2011/TT-NHNN ngày 01/09/2011 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để bán lần đầu cho các đối tượng mua trên thị trường sơ cấp trong lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả việc mua số trái phiếu doanh nghiệp chưa bán hết cho đối tượng mua theo cam kết bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc và lãi của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của cùng 01 doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật và các điều kiện đã được xác định trong phương án phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét mua 02 loại trái phiếu doanh nghiệp là: Trái phiếu phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; phát hành theo quy định của pháp luật về chào bán chứng khoán. Riêng chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.

 

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp khi đảm bảo các điều kiện như: Là ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; trong giấy phép thành lập và hoạt động có ghi nội dung mua trái phiếu doanh nghiệp; đảm bảo các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…

Tổng mức đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được tính và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với 01 khách hàng, đối với 01 khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan của Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2011; căn cứ quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành Quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp và gửi cho Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng ngay sau khi ban hành để làm cơ sở cho việc thanh tra, giám sát hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

QUY ĐỊNH CHI TIẾT LẬP HỒ SƠ YÊU CẦU
CHỈ ĐỊNH THẦU TƯ VẤN

Ngày 07/09/2011, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã ban hành Thông tư số 09/2011/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu tư vấn.

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này là các gói thầu tư vấn quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu, khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, khoản 1 và khoản 2 Điều 40 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng. Các gói thầu tư vấn có giá không quá 500 triệu đồng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn thuộc phạm vi điều chỉnh nêu tại khoản 1 khi áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu tư vấn là tổ chức.

Thông tư cũng ban hành Mẫu Hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu tư vấn bao gồm những 

 

nội dung cơ bản: Chỉ dẫn với nhà thầu (Yêu cầu về chỉ định thầu, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật của hồ sơ đề xuất, biểu mẫu và các điều khoản tham chiếu); Yêu cầu về hợp đồng (Điều kiện của hợp đồng và các mẫu hợp đồng).

Khi áp dụng mẫu này, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu mà đưa ra các yêu cầu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Đối với các gói thầu tư vấn thuộc các dự án sử dụng vốn ODA, nếu được nhà tài trợ chấp thuận thì áp dụng theo mẫu Hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu tư vấn ban hành kèm theo Thông tư này hoặc có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo quy định về đấu thầu trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam đã ký kết.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2011.

ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG KHÔNG ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP
NHẬP KHẨU TỰ ĐỘNG

Ngày 05/09/2011, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 32/2011/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 24/2010/TT-BCT ngày 28/05/2010 quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng.

Theo quy định tại Thông tư này, không áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng bộ điện thoại hữu tuyến với điện thoại cầm tay không dây thuộc mã HS 8517.11.00.00 và điện thoại di động hoặc điện thoại dùng cho mạng không dây khác thuộc mã HS 8517.12.00.00 thuộc Chương 85 theo Danh mục quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BCT ngày 28/05/2010 của Bộ Công Thương quy định quyết định chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng.

Việc cấp giấy phép nhập khẩu mặt hàng điện thoại di động được thực hiện theo Thông tư số 14/2011/TT-BTTTT ngày 07/06/2011 của Bộ Thông tin và Truyền

 

thông quy định chi tiết thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ đối với hàng hóa thuộc diện quản lý ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mặt hàng điện thoại di động được nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BTTTT phải đáp ứng các điều kiện là: Phù hợp với công nghệ, mạng lưới viễn thông Việt Nam và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng phát xạ, an toàn bức xạ, an toàn tương thích điện từ trường của thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc công bố bắt buộc áp dụng; phù hợp với Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2011.
 

TỪ 15/10, CẢ ÔTÔ CON VÀ XE BÁN TẢI ĐỀU CHỊU
LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ TỪ 10 - 20%

Ngày 31/08/2011, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 124/2011/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với nhà, đất; súng săn, súng thể thao; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy; ôtô…

Thông tư quy định cụ thể về các trường hợp thuộc diện không phải nộp lệ phí trước bạ như: Nhà, đất là trụ sở của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan Đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và nhà ở của người đứng đầu các cơ quan nêu trên; đất được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng vào các mục đích công cộng, thăm dò, khai thác khoáng sản, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê, không phân biệt đất trong hay ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đất được Nhà nước giao hoặc công nhận sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối; nhà, đất thừa kế, hoặc là quà tặng giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; anh, chị, em ruột… với nhau, nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cũng thuộc trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ. 

Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và tỷ lệ (%) lệ phí trước bạ; mức thu lệ phí trước bạ đối với các tài sản tối đa là 500 triệu đồng/1 tài sản/lần trước bạ, trừ ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi, tàu bay, du thuyền. Giá tính lệ phí

 

trước bạ là giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành để làm căn cứ tính lệ phí trước bạ.

Tỷ lệ (%) lệ phí trước bạ nhà, đất là 0,5%; súng săn, súng thể thao là 2%; tàu thuỷ, sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, thuyền, du thuyền, tàu bay là 1%; xe máy mức thu là 2% (Riêng xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức là 5%, lần thứ 02 trở đi được áp dụng mức thu là 1%); ôtô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ôtô là 2% (Riêng ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi, bao gồm cả trường hợp ôtô bán tải vừa chở người, vừa chở hàng thì nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ từ 10% đến 20%).

Cũng theo Thông tư này, 06 trường hợp sau đây được miễn lệ phí trước bạ: Nhà ở, đất ở của hộ nghèo; nhà ở, đất ở của người dân tộc thiểu số ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; phương tiện thuỷ nội địa không có động cơ, trọng tải toàn phần đến 15 tấn; phương tiện thuỷ nội địa có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực; phương tiện thuỷ nội địa có sức chở người đến 12 người; vỏ và tổng thành máy tương ứng lắp thay thế vào các loại phương tiện này…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2011 và thay thế Thông tư số 68/2010/TT-BTC ngày 26/10/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ.
 

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG PHẦN MỀM QUẢN LÝ
ĐĂNG KÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Ngày 31/08/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 123/2011/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, khai thác Phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước.

Để có thể vận hành Phần mềm, máy vi tính của người sử dụng tại các Bộ, cơ quan Trung ương phải được kết nối Internet, tại Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được kết nối với hạ tầng truyền thông của Bộ Tài chính hoặc kết nối Internet; phải được cài đặt hệ điều hành Windows, chương trình phần mềm diệt virus, được cập nhật thường xuyên các bản nhận dạng mẫu virus mới, các bản vá lỗi an ninh cho hệ điều hành; thông tin nhập vào Phần mềm phải sử dụng font chữ Unicode TCVN 6909:2001 và gõ dấu tiếng Việt.

Đối với người sử dụng được cấp thiết bị chứng thư số, ngoài các điều kiện quy định nêu trên, máy vi tính của người sử dụng phải được cài đặt phần mềm quản lý thiết bị lưu khoá bí mật (eToken) do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp kèm theo thiết bị và kết nối hạ tầng truyền thông của Bộ Tài chính hoặc kết nối Internet. Người sử dụng được cấp eToken và mật khẩu eToken để bảo mật.

Cơ quan tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm đảm bảo việc nhập, duyệt, chuẩn hoá dữ liệu trong phần mềm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính, đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu.

 

Căn cứ mã đơn vị có quan hệ với ngân sách thuộc Danh mục dùng chung của Bộ Tài chính, cơ quan tài chính của các Bộ, cơ quan Trung ương, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chuyển mã của tất cả các đơn vị có quan hệ với ngân sách sang mã đơn vị trong phần mềm, đồng thời kiểm tra lại hệ thống mã đã chuyển, đảm bảo tính chính xác và đầy đủ các thông tin của đơn vị.

Đối với các đơn vị có tài sản nhà nước phải kê khai báo cáo nhưng không có mã đơn vị có quan hệ với ngân sách, cơ quan tài chính của các Bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm định danh mã của các đơn vị đó vào phần mềm để thực hiện kê khai đăng ký. Cách định danh mã đơn vị trong phần mềm thực hiện theo tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm ban hành tháng 9/2009 của Bộ Tài chính.

Cơ quan tài chính của các Bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, rà soát mã đơn vị để tránh bị trùng lắp, đóng mã số đơn vị đối với đơn vị có quyết định chấm dứt hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2011.
 

HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN TRONG
KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN

Ngày 01/09/2011, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/06/2005 về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tại Thông tư này, Bộ Xây dựng yêu cầu các Tổ chức báo cáo căn cứ vào quy định tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP, Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan, phải xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền, nhằm phát hiện và hạn chế các tổ chức, cá nhân thông qua Tổ chức báo cáo để thực hiện các hành vi rửa tiền.

Nội dung quy chế nội bộ bao gồm: Quy trình, thủ tục nhận biết và cập nhật thông tin về khách hàng và người được hưởng lợi, các biện pháp xác minh thông tin về khách hàng và người được hưởng lợi trong trường hợp có phát sinh giao dịch đáng ngờ; quy trình rà soát, phát hiện, xử lý và báo cáo giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định biện pháp tạm thời áp dụng trong phòng, chống rửa tiền và nguyên tắc xử lý trong các trường hợp trì hoãn, không thực hiện giao dịch…

Căn cứ vào quy mô, phạm vi và đặc thù hoạt động của mình, Tổ chức báo cáo cũng phải quyết định việc bố trí cán bộ hoặc thành lập bộ phận chuyên trách chịu

 

trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các thông tin liên quan đến tên, địa chỉ, chức vụ của cán bộ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền và các thông tin về địa chỉ, điện thoại, số fax của Tổ chức để liên hệ khi cần thiết.  

Cán bộ hoặc bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền của Tổ chức báo cáo có các chức năng, nhiệm vụ chính sau đây: Tiếp nhận và thẩm tra thông tin về giao dịch đáng ngờ do nhân viên, phòng ban, bộ phận có liên quan báo cáo; lập, (ký) và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo giao dịch đáng ngờ; lập, (ký) các báo cáo về hoạt động phòng, chống rửa tiền của Tổ chức theo yêu cầu của pháp luật và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, Tổ chức báo cáo phải báo cáo bằng văn bản cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng. Trong trường hợp cần thiết Tổ chức báo cáo có thể báo cáo cho các cơ quan trên bằng các phương tiện fax hoặc điện thoại nhưng sau đó phải gửi báo cáo bằng văn bản.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2011. 

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà TechnoSoft, phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.